Trang

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Từ 'Ngôi sao Việt Nam đến 'Vì sao, Việt Nam'?

Trước khi gia nhập WTO (11/1/2007) , Việt Nam được thế giới ca ngợi với những lời có cánh "con rồng", "con hổ" châu Á. Sau 6 năm, cùng với những thăng trầm của thế giới, dấu cảm thán (!) đã nhanh chóng biến thành dấu hỏi (?) và từ "Ngôi sao Việt Nam!" đã chuyển thành "Vì sao, Việt Nam?"

Vì sao từ một quốc gia nghèo đói, chỉ cần khoảng 30 năm, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngay cả Trung Quốc, đã trở thành những quốc gia hưng thịnh hàng đầu thế giới, còn ta thì chưa?

"Tất cả thế giới là một sân khấu và mọi người phải tự sắm vai" -Shakespeare.[1]
LTS:Hôm nay, 31/10, Quốc hội bắt đầu thảo luận KTXH và tái cơ cấu nền kinh tế tại nghị trường. Để góp thêm tiếng nói với các chuyên gia kinh tế, Tuần Việt Nam giới thiệu góc nhìn của tác giả Ngô Đồng Thu. 
Trước khi gia nhập WTO (11/1/2007) , Việt Nam được thế giới ca ngợi với những lời có cánh "con rồng", "con hổ" châu Á. Sau 6 năm, cùng với những thăng trầm của thế giới, dấu cảm thán (!) đã nhanh chóng biến thành dấu hỏi (?) và từ "Ngôi sao Việt Nam!" đã chuyển thành "Vì sao, Việt Nam?"
Trong cộng đồng đã có sự thay đổi nhanh đến chóng mặt về trạng thái: từ hồ hởi đến hoang mang chỉ trong một thời gian ngắn, theo một cách nào đó. Hàng loạt câu hỏi "vì sao" được đặt ra:
Vì sao Việt Nam khó phát triển? Vì sao kinh tế lâm vào khó khăn, trì trệ? Vì sao nông dân mất đất, đô thị bỏ hoang? Vì sao chất lượng giáo dục ngày càng giảm sút? Vì sao nợ xấu, vì sao tham nhũng, vì sao lãng phí, tha hóa vì sao?, v.v...
Và, vì sao từ một quốc gia nghèo đói, chỉ cần khoảng 30 năm, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngay cả Trung Quốc, đã trở thành những quốc gia hưng thịnh hàng đầu thế giới, còn Việt Nam thì không?
WTO, kinh tế Việt Nam, tăng trường, GDP, doanh nghiệp, tham nhũng, chuyển giá
Trước khi gia nhập WTO (11/1/2007) , Việt Nam được thế giới ca ngợi với những lời có cánh "con rồng", "con hổ" châu Á. Ảnh minh họa
Quẩn quanh chiếu hẹp?
Những cải cách của chúng ta hiện nay gợi người viết nhớ đến nghệ thuật chèo. Đặc trưng của sân khấu chèo là tính ước lệ trong bài trí và hoạt cảnh, cứ bước lên một bước lại lùi 3 bước, đi đi lại lại cả buổi nhưng không ra khỏi cái chiếu rộng vài mét vuông, chỉ loanh quanh trong một chỗ.
Nền kinh tế của chúng ta sau một thời gian tăng trưởng nóng đang chững lại ở khúc quanh mà người ta hay nhắc đến là "bẫy thu nhập trung bình", hay nói cách khác là chưa "phát" mà đã "triển". Những khó khăn xuất hiện với tần suất ngắn hơn, quy mô ngày càng lớn hơn.
Trên thực tế các doanh nghiệp đang "lãn công", cả bốn động cơ của cỗ máy tăng trưởng kinh tế đang trục trặc: (1) doanh nghiệp nhà nước phổ biến tình trạng tham ô lãng phí, (2) doanh nghiệp FDI thì chuyển giá, (3) doanh nghiệp tư nhân thiếu cơ hội và động lực, (4) nông nghiệp bấp bênh, bất an,. [2]
Xã hội thì dường như mất dần đi cảm hứng làm việc, kinh doanh do những nỗ lực bất thành kéo dài, do sự bất bình đẳng về cơ hội, do quan liêu sách nhiễu, v.v... Các con số về tồn kho, tăng trưởng tín dụng và giải thể doanh nghiệp đã nói lên điều này.
Bên cạnh đó, các nhóm lợi ích, vì đặc quyền đặc lợi sẽ níu giữ cơ chế cũ, sẽ tìm mọi cách để biện minh, trì hoãn, né tránh mọi sự thay đổi.
Nếu những lời hứa hẹn, những quyết tâm, những tuyên bố không chuyển hóa thành những hành động thực tế, làm thay đổi thực trạng, thì chiếu chèo sẽ từ sân khấu bước ra ngoài đời.
Với một nền kinh tế kém hiệu quả, đến một lúc nào đó nhà nước mất cân bằng, thiếu nguồn thu để duy trì an sinh xã hội, lạm phát, nghèo đói sẽ quay trở lại, đây là một nguy cơ có thật, mà ngay cả những quốc gia hùng mạnh nhất cũng vấp phải.
Trên các diễn đàn, đâu đó nhiều người kêu gọi "đổi mới lần 2" hay cần có "khoán 10" tiếp theo; Nghị quyết Trung ương 4 cũng khẳng định tính cấp bách phải đổi mới từ trong Đảng.
Nhưng đổi mới cái gì, đổi mới như thế nào? Có vẻ như mọi cấp, mọi ngành đều đang lúng túng.
Đổi mới sau gần 3 thập kỷ
Nhớ lại công cuộc đổi mới được khởi xướng từ năm 1986, với loạt bài "Nói Và Làm" của tác giả Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.
Khó khăn của những năm thập kỷ 80 của thế kỷ trước cũng có những nét tương đồng như hiện nay. Khi ấy nguyên nhân khách quan là Việt Nam bị bao vây cấm vận. Còn về chủ quan, chính sự duy ý chí về mô hình phát triển, duy trì những "hợp tác xã" cưỡng bức đã tạo ra sự khan hiếm lương thực.
"Đổi mới" của thời kỳ này, về bản chất là "cởi trói", có nghĩa là không bắt buộc phải theo kinh tế tập thể cưỡng bức; "khoán 10" đồng nghĩa với việc nhà nước không can thiệp vào tính tự chủ của nhân dân trong lao động.
Đổi mới từ dưới lên, phía trên không cản trở, không áp đặt. Kết quả là, chỉ sau 3 năm, năm 1989 Việt Nam đã xuất khẩu gạo 1, 37 triệu tấn, từ đó đến nay luôn đứng trong Top 3 thế giới.
Như vậy, nếu Đổi mới 1986 là giải phóng lao động theo lẽ tự nhiên, thì Đổi mới 2013 Việt Nam cần giải phóng cái gì?
Hiện nay, chúng ta vẫn loay hoay trong quá trình tìm hướng đổi mới từ trên xuống. Trong khi theo truyền thống nước ta, trong chiến tranh cũng như thời bình, đổi mới thường phải từ dưới lên (xuất phát từ thực tiễn - như khoán 10 trong nông nghiệp); Bao giờ cũng vậy, đầu tiên và cuối cùng là nhân dân quyết định thắng lợi.
Cái khó là giờ đây bối cảnh xã hội đã khác xưa nhiều.
Đổi mới 1986 với khẩu hiệu "Đổi mới hay là chết", toàn Đảng toàn dân đều nhìn cùng một hướng, đồng lòng, đồng tâm muốn thay đổi, cái phức tạp đã biến thành đơn giản. Còn "Đổi mới 2013", trong bối cảnh xuất hiện các nhóm lợi ích, nhân tâm bất an, cái đơn giản lại biến thành phức tạp, khó lường.
"Phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta"[3].
Bối cảnh đã khác đi, nhưng dường như sau gần 30 năm, những việc cần làm mà cố tổng bí thư đã nêu ở trên dường như vẫn đúng trong công cuộc đổi mới đầu thế kỷ 21.
Khơi dậy được cảm hứng cộng đồng, dựa vào nhân dân, chúng ta có thể khẳng định rằng đổi mới là không khó. Vì mỗi lần đổi mới, là một bước chúng ta lại gần hơn với thế giới và nhân loại.
Hãy nghe lại lời của tiền nhân: "What's in a name? That which we call a rose; By any name would smell as sweet." (Shakespeare's Romeo and Juliet, Act II, scene ii)
Tạm dịch: Có gì trong một cái tên? Khi đã là hoa hồng; Dù gọi bằng tên khác; Vẫn tỏa hương thơm dịu. (Kịch Shakespeare, vở Romeo and Juliet, Màn II, Cảnh ii).
Ngô Đồng Thu
----------
[1] "All the world's a stage, And all the men and women merely players".
[2]: Khác với bài viết "Khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng, do Havard Kennedy School và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thực hiện vào tháng 8/2013 chỉ nêu ra 3 trên 4 động lực có trục trặc.
[3] Trích theo Wikipedia

Cách đây nhiều năm, ngay khi mà một vài hãng tin, tờ báo trên thế giới đang chơi bài tụng ca "ngôi sao Việt Nam đang lên" và được giàn hợp xướng truyền thông trong nước điệp khúc nhấn nháy, chủ blog đã có bài châm biếm giàn hợp xướng này. Mời xem lại dưới đây  (hoặc Ở ĐÂY):


Chủ nhật, ngày 28 tháng 10 năm 2012:

Ngôi sao lại... đang lên !



Mới đây, hãng Ernst & Young nhìn nhận Việt Nam là “ngôi sao đang lên” bất chấp các khó khăn hiện nay. Nhưng Ernst & Young cũng nói so với các thị trường phát triển nhanh khác, Việt Nam là cơ hội đầu tư dài hạn có những rủi ro mà ẩn chứa trong đó là thành công.

Tháng Giêng năm 2008, tờ The Economist cũng từng ví Việt Nam là “ngôi sao đang lên”. Song, tất cả chúng ta đều biết ngay sau đó “ngôi sao” Việt Nam không hề lên được tí nào mà hầu như tất cả mọi mặt từ kinh tế đến an sinh xã hội đều tụt dốc thê thảm. Tới nay, nhiều chuyên gia còn nhận xét sự rơi xuống của “ngôi sao” này có nhiều lĩnh vực hiện vẫn chưa chạm đáy. Có nghĩa là cái sự rơi của “ngôi sao” vẫn còn đang diễn ra trên nhiều bình diện khác nhau.

Ngay sau khi tờ The Economist đăng bài ca ngợi Việt Nam như là “ngôi sao đang lên”, chủ blog này từng có một bài viết đăng trên mục Thời luận báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 10/01/2008 với lời cảnh báo dành cho những người cầm cân nảy mực nền kinh tế nước nhà chớ có mà vội vui mừng. Truyền thông quốc tế đôi khi cũng xuất chiêu “dương đông kích tây” và mục tiêu của từng tờ báo, của từng hãng truyền thông vẫn là nhắm vào sự quan tâm của giới độc giả đông đảo nhất của họ.

Tất nhiên, những tờ báo danh tiếng này luôn thận trọng, khi nói Việt Nam là “ngôi sao đang lên” bao giờ họ cũng kèm theo các cảnh báo và đặt ra một số điều kiện để Việt Nam có thể thành “sao” thật sự. Còn khi mà việt Nam trở thành “sao xẹt” băng  ngang qua bầu trời rồi vụt tắt trong chớp nhoáng thì họ sẽ đổ thừa rằng cái đó là tại người Việt Nam, không phải lỗi của các cây bút bình luận chuyên nghiệp và già đời của họ.

He he... Vì vậy mà giờ đây khi Ernst & Young nhìn nhận Việt Nam là “ngôi sao đang lên”, thiết nghĩ chúng ta cũng nên hiểu nội hàm của nhận xét này trong một bối cảnh hết sức phức tạp. Và các nhà lãnh đạo sính thành tích, đang tìm kiếm phao cấp cứu cho nền kinh tế cũng chớ có vội mà mừng.

Sau đây là bài viết châm biếm “ngôi sao đang lên” của chủ blog cách đây 4 năm, ngay sau khi tờ The Economist  tặng cho nền kinh tế Việt Nam cái danh hiệu “ngôi sao đang lên” (để rồi sau đó "ngôi sao" chưa kịp lên đã xìu xuống và rơi tự do cho tới hôm nay).

Thời luận 10-01-2008 (Trên báo Đại Đoàn Kết):

‘NGÔI SAO ĐANG LÊN”!

Tờ The Economist mới đây đã ví Việt Nam như là một “ngôi sao đang lên” khi nói về kết quả của sự “trổi dậy” sau 22 năm đổi mới. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng mở cửa nhiều hơn với thế giới và bước đi dài nhất trong quá trình hội nhập là trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng của mình trong chuỗi mắt xích thương mại châu Á và thu hút ngày càng nhiều hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới. Tạo ra một sự chuyển dịch mới về dòng chảy của vốn đầu tư trong khu vực.

Những nhìn nhận rất lạc quan về hình ảnh Việt Nam ngày nay cho thấy sự quan tâm và thiện cảm của cộng đồng thế giới khi dõi theo những bước phát triển của Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, theo rất nhiều chuyên gia, Việt Nam cũng chỉ đang đi những bước đầu tiên trên con đường phát triển. Xét trên góc độ dân số, Việt Nam là một nước lớn thứ 13 trên thế giới. Nhưng trên góc độ GDP, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia nhỏ và nghèo. 

Sự lạc quan chỉ giúp chúng ta tự tin hơn để tiếp tục có những bước đi chắc chắn và định hướng đúng trong tương lai chứ không thể trở thành cứu cánh cho cả quá trình tăng trưởng. Lịch sử đã từng minh chứng, mỗi khi các nhà lãnh đạo tự mãn về thành tích, ngủ say trên chiến thắng thì ngay lập tức cả dân tộc phải trả giá.

“Ngôi sao đang lên” còn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề để có thể tỏa sáng đúng như tiềm năng và sự khát khao của cả dân tộc. 

Năm 2007 cho thấy rõ những lực cản và sự khiếm khuyết của nền kinh tế Việt Nam khiến nó có nguy cơ thiếu bền vững. Tỷ lệ lạm phát cao hơn mức tăng trưởng và tốc độ tăng giá của hầu hết các mặt hàng thiết yếu đã tạo nên sự bất ổn trên thị trường cũng như trong đời sống của mỗi gia đình. Cơ sở hạ tầng mà đặc biệt là hệ thống giao thông ngày càng trở nên quá tải, là vấn nạn hàng đầu của những vùng trọng điểm phát triển. 

Sự thiếu hoàn thiện của hệ thống pháp lý và nền hành chính nặng nề, kém hiệu quả khiến cho tham nhũng và lãng phí trở nên phổ biến gây nên sự trì trệ, chán chường trong tâm thức của dân chúng cũng như của nhiều nhà đầu tư. Chữ “nhẫn” trở thành một trong những slogan hàng đầu cho mọi ứng xử của dân chúng mà đặc biệt là với giới doanh nhân, ngay cả với những nhà đầu tư nước ngoài mỗi khi phải tiếp cận với giới công quyền.

Một đất nuớc có trên 70% dân số sinh sống ở vùng nông thôn và trong số đó có đến khoảng 70% là những hộ thuần nông. Tức là chỉ biết gắn bó với đồng ruộng bằng các phương thức cổ truyền từ đời này sang đời khác. Đầu tư cho nông nghiêp và phát triển nông thôn hàng năm chỉ chiếm khoảng trên duới 10% tổng ngân sách quốc gia. Hầu hết các khoản phúc lợi, an sinh dành cho khu vực nông thôn lại được mang đến từ các nguồn quỹ nhân đạo quốc tế. 

Chính sách quốc gia về phát triển nông thôn hiện vẫn chưa thực sự mang lại những lợi ích hữu hiệu cho chính người nông dân cũng như các thế hệ con cái của họ mai sau. 

Tình trạng đất đai manh mún, sản xuất thủ công vẫn đang phổ biến như hàng trăm năm qua. Hệ thống pháp lý về đất đai không tạo điều kiện cho những người có khả năng tích tụ nguồn tài nguyên đặc biệt giàu có này để phát triển sản xuất. Nhưng lại tạo điều kiện cho những người có chức, có quyền chia chác cho nhau, bao chiếm đất đai với số luợng lớn để trục lợi. Không ít dự án quy hoạch treo, chính sách giải tỏa đền bù thiếu công khai, dân chủ, không mang lại hiệu quả cho xã hội mà chỉ nhằm phục vụ lợi ích của những người có liên quan khiến cho một bộ phận không nhỏ nông dân bị mất đất, bất an và nhiều vùng đất bị hoang hóa vô thời hạn.

Nguồn nhân lực được đánh giá là dồi dào, phong phú nhưng trên thực tế lại đang thiếu gay gắt lao động có kỹ năng. Không ít dự án đầu tư phải chậm lại hoặc phải hủy bỏ trong thời gian qua vì thiếu nguồn nhân lực chất luợng cao. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng cao không chỉ là vấn đề của hiện tại mà còn đang là một mảng tối trên bầu trời của “ngôi sao đang lên” khi mà ngành giáo dục vẫn còn đang trong tình trạng loay hoay  tìm cho mình một “triết lý” để hành động. Lợi thế lao động giá rẻ không phải là một tài nguyên vĩnh cữu. Sự chuyển dịch một khối lượng rất lớn nguồn lao động phổ thông, thiếu kỹ năng từ các vùng nông thôn về thành thị còn mang lại những hệ lụy xã hội lâu dài.

“Ngôi sao đang lên” trước tiên là mục tiêu để cả thế giới có cơ hội ngắm nhìn. 

Người xưa có câu “trăm nghe không bằng một thấy”. Lâu nay khi chưa bước chân vào sân chơi toàn cầu, có nhiều người chỉ nghe nhưng chưa nhìn thấy hình ảnh thực của Việt NamNay cuộc chơi đòi hỏi sự công khai minh bạch và tôn trọng những thỏa ước chung. 

Thế giới ngắm nhìn, có nghĩa là họ trông chờ những gì mà chúng ta cam kết sẽ trở thành hành động thực sự. Đến khi đó, cuộc chơi mới thực sự bắt đầu bước qua giai đoạn “lắng nghe, ngắm nhìn”… để thăm dò độ tin cậy về lộ trình đi tới các cam kết  của “ngôi sao”.
Hữu Nguyên

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Báo Người Cao Tuổi: Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết bị tố cáo nhiều sai phạm mới

Báo Người cao tuổi vừa nhận được đơn tố cáo và đề nghị của cán bộ nhân viên báo Đại Đoàn Kết và những người đang bị trả thù buộc thôi việc (vì đã tố cáo) liên quan đến các sai phạm của Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết.  Dưới đây là những nội dung tố cáo mới đối với Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết được gửi tới: Ông Nguyễn Thiện Nhân (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTWMTTQVN); ông Lê Bá Trình (Phó Chủ tịch phụ trách khối báo và tạp chí UBTWMTTQVN); Đảng đoàn, Đảng ủy, Ban Thường trực, Ủy Ban kiểm tra Đảng ủy… Báo Người cao tuổi trân trọng chuyển đơn tới Ủy Ban trung ương MTTQ Việt Nam giải quyết theo thẩm quyền.
Nội dung tố cáo thứ nhất: Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết “Vô tổ chức, vô kỉ luật, có hành vi chống lại Kết luận và quy định của Đảng”. Đó là việc cố tình xuyên tạc Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ ngày 8/1/2013 của Đảng đoàn để kỉ luật buộc thôi việc những người tố cáo. Căn cứ Hướng dẫn 35-HD/ĐĐMTTQVN của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam về việc phân cấp quản lí đánh giá và bổ nhiệm cán bộ; căn cứ Thông báo Kết luận của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tại cuộc họp thường kì tháng 6/2013 số 41/TB-MTTW-ĐĐ ngày 8/7/2013 thì Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết đã tự ý cố tình kỉ luật những người tố cáo (Nguyễn Mạnh Thắng, Bùi Hữu Phước, Đặng Thị Kim Ngân) mà không báo cáo Đảng đoàn và Ban Thường trực UBTWMTTQ Việt Nam. Những người tố cáo đề nghị xử lí kỉ luật ông Đinh Đức Lập và ông Nguyễn Quốc Khánh theoĐiểm a, Khoản 3 Điều 7 Quy định xử lí kỉ luật Đảng viên vi phạm số: 181-QĐ/TW của Ban Chấp hành trung ương ngày 30/3/2013. Theo đó, hình thức kỉ luật dành cho sai phạm của ông Lập và ông Khánh là Khai trừ Đảng.
Nội dung tố cáo thứ hai: “Tổ chức trả thù người tố cáo”. Đến nay, Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy cơ quan TW MTTQ Việt Nam mới đang xem xét, xử lí kỉ luật Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết theoCông văn số 336/CAHM ngày 28/5/2013 của Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai về việc thiếu trách nhiệm quản lí dẫn tới tình trạng thụt két, chiếm dụng vốn trong dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên báo Đại Đoàn Kết. Thế  nhưng, từ 8/4/2013Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết đã tiến hành kỉ luật những người tố cáo. Đã từng bị kỉ luật Khiển trách nhưng ông Lập không chịu sửa chữa khuyết điểm, còn cố tình tiếp tục sai phạm nên đối chiếu với quy định của Đảng, người tố cáo kiến nghị xử lí kỉ luật ông Lập và ông Khánh theo tình tiết tăng nặng theo Điểm C, Điểm I Khoản 12 Điều 3 và Điểm C Khoản 2 Điều 7 Quy định xử lí kỉ luật đảng viên vi phạm số 181-QĐ/TW của Ban Chấp hành trung ương. Theo đó, hình thức kỉ luật dành cho sai phạm này của ông Lập và ông Khánh  Cảnh cáo ĐảngCách chức Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập.
Nội dung tố cáo thứ 3: “Thiếu trách nhiệm trong quản lí dẫn tới tình trạng để cán bộ dưới quyền thụt két chiếm dụng vốn trong dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên báo Đại Đoàn Kết”. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cơ quan UBTWMTTQ Việt Nam đã nhận được Công văn số 336/CAHM ngày 28/5/2013 của Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai.  Kết luận của công văn nêu: “Trong việc thu – chi quản lí tiền quỹ dự án Ban hỗ trợ dự án báo Đại Đoàn Kết đã không công khai cho những người góp vốn đầu tư biết việc quản lí số tiền đã thu nhưng chưa nộp về chủ đầu tư là Công ty kinh doanh phát triển nhà Hà Nội, tự ý phân chia nhau quản lí tiền quỹ. Thủ trưởng cơ quan báo cũng thiếu kiểm tra trong quá trình tổ chức thực hiện dự án”. Và: “Việc phân chia quản lí không có phiếu chi, không có giấy tờ biên nhận”.
Vì vậy Cơ quan CSĐT Công an Hoàng Mai kiến nghị: “Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lí đối với các sai phạm của cán bộ Ban Hỗ trợ dự án báo Đại Đoàn Kết và Ban biên tập trong khâu tổ chức quản lí thực hiện dự án”. Người tố cáo đề nghị xử lí kỉ luật Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết theo Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 15Quy định xử lí kỉ luật đảng viên vi phạm số 181-QĐ/TW của Ban Chấp hành trung ương. Theo đó, hình thức kỉ luật là Khiển trách. Trong đơn, cán bộ báo Đại Đoàn Kết đề nghị lãnh đạo MTTQVN  yêu cầu Ban Biên tập và Ban Hỗ trợ dự án báo Đại Đoàn Kết có trách nhiệm bồi thường tiền lãi từ số tiền hàng chục tỉ đồng đã chiếm dụng từ năm 2010 đến nay.
Nội dung tố cáo thứ 4: “Đăng bài xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lãnh đạo và Ban Thường trực Ủy Ban trung ương MTTQ Việt Nam”.
Sự thật là Ban Thường trực UBTWMTTQ Việt Nam không kiến nghị xây dựng Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại số nhà 30 Hoàng Diệu.
Thế nhưng, Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết lại xuyên tạc sự thật, cho đăng bài lên báo mạng ngày 12/10/2013 vu khống cho ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí UBTWMTTQ Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên báo Đại Đoàn Kết là: “Ban Thường trực UBTWMTTQ Việt Nam kiến nghị: Cần xây dựng Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại số nhà 30 Hoàng Diệu”.
Trên số 286 ra ngày 13/10/2013 báo Đại Đoàn Kết tiếp tục xuyên tạc sự thật khi đăng bài: “Ban Thường trực UBTWMTTQ Việt Nam kiến nghị: Xây dựng Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại số nhà 30 Hoàng Diệu”.
Mặc dù số 288 ngày 15/10/2013 Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết có cho đăng đính chính nhưng rất ngắn, không đúng quy định cải chính theo Luật Báo chí và vẫn cố tình xuyên tạc thêm thông tin thành “Thực tế đó mới chỉ là dự thảo”. Và cố tình không đăng cải chính này lên trang tin điện tử báo Đại Đoàn Kết.
Việc cố tình gây ảnh hưởng xấu đến uy tín lãnh đạo, Ban Thường trực UBTWMTTQ Việt Nam của Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết còn thể hiện: Cùng trên số báo đính chính lại cho đăng bài hoành tráng ở trang Nhất: “Bảo tàng Đại tướng sẽ tỏa sáng”. Tiếp đến số 290 ra ngày 17/10/2013 Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết còn cố tình đăng thông tin về việc kiến nghị Đảng, Nhà nước quy hoạch ngôi nhà 30 Hoàng Diệu làm Bảo tàng Võ Nguyên Giáp vào nội dung buổi làm việc của Ban Thường trực UBTWMTTQ Việt Nam với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Bài viết không cho đăng ý kiến của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân (người chủ trì cuộc làm việc) về việc này. Điều đó khiến người đọc coi như Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và Ban Thường trực UBTWMTTQ Việt Nam chủ trương và đã đồng tình kiến nghị việc xây dựng Bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 Hoàng Diệu.
Việc xuyên tạc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam của Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết trong bài viết “Trách nhiệm” và lợi dụng chức vụ quyền hạn, lạm dụng trang báo Đại Đoàn Kết để đánh bóng bản thân như Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ nêu không hề được ông Lập, ông Khánh rút kinh nghiệm. Vì vậy, người tố cáo đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng để kỉ luật ông Lập, ông Khánh theo Điểm a, điểm e Khoản 2 Điều 9 Quy định xử lí kỉ luật Đảng viên vi phạm số 181-QĐ/TW của Ban Chấp hành trung ương. Theo đó, hình thức kỉ luật là Cảnh cáo Đảng, Cách chức Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập.
Nội dung tố cáo thứ 5: “Bao che cho hành vi tiếp nhận, sử dụng, lưu giữ giấy chứng nhận không hợp pháp của Trưởng Ban Chuyên đề Nguyễn Thị Cẩm Thúy, trả thù người tố cáo”.
Báo cáo số 05-BC/UBKT – ĐU ngày 12/11/2012 của Tổ Kiểm tra Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủyUBTWMTTQ Việt Nam sau khi xác minh nội dung đơn tố cáo đã thừa nhận việc bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy không đi học lớp Bồi dưỡng của Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minhnhưng lại có giấy chứng nhận. Báo cáo 05-BC/UBKT-ĐU kiến nghị Chi bộ, Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết kiểm điểm Nguyễn Thị Cẩm Thúy vì hành vi “Thiếu thận trọng trong việc tiếp nhận và lưu giữ giấy chứng nhận không hợp pháp, tạo dư luận không tốt, gây hoài nghi trong cơ quan, đơn vị, ảnh hưởng đến uy tín của Tổng biên tập và Ban Biên tập”.
Thế nhưng, thay vì xử lí, kỉ luật đảng viên, Trưởng ban chuyên đề Nguyễn Thị Cẩm Thúy vì hành vi này, Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết lại bao che và trả thù kỉ luật Buộc thôi việc người tố cáo.
Những người tố cáo đề nghị xử lí kỉ luật đảng viên, Trưởng ban chuyên đề Nguyễn Thị Cẩm Thúy theo Điểm a Khoản 1 Điều 21 Quy định xử lí kỉ luật Đảng viên vi phạm số 181-QĐ/TW của Ban Chấp hành trung ương.  Theo đó, hình thức kỉ luật là Khiển trách. Người tố cáo đề nghịxử lí kỉ luật Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết theo Điểm b Khoản 3 Điều 21 Quy định xử lí kỉ luật Đảng viên vi phạm số 181-QĐ/TW của Ban Chấp hành trung ương. Theo đó, hình thức kỉ luật là Khai trừ đảng.

Vũ Thảo



Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

PHÁT HIỆN TẤM DANH THIẾP CỦA TƯỚNG GIÁP Ở MỸ

LADY BORTON
Bà Lady Borton trong triển lãm ảnh về chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: LQ)
Bà Lady Borton trong triển lãm ảnh về chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: LQ)
Lady Borton (SN 1942 tại Hoa Kỳ). 1969 – 1971 làm cho chương trình cứu trợ Quaker tại Quảng Ngãi. Đại diện tổ chức Quaker ở Hà Nội từ đầu 1980 tới giữa thập kỷ qua.
Nổi tiếng vì nhiều bài báo, và tác phẩm về Việt Nam như: Hồ Chí Minh- một chân dung, Tiếp sau nỗi buồn, Cảm nhận kẻ thù, Hồ Chí Minh- một hành trình 
Lady còn biên dịch các sách Điểm hẹn lịch sử – của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Tuổi trẻ Võ Nguyên Giáp, Vừa đi đường vừa kể chuyện của T. Lan … ra tiếng Anh.
Đặc biệt, trong một lần lang thang đi kiếm tìm tư liệu tại tòa Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ, bà đã phát hiện ra tấm cards của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc ông còn đương chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Việt Nam.


Dưới đây là bài viết của bà Lady: 


Các bạn có hình dung được sự kinh ngạc của tôi?!
Trong lần về Hoa Kỳ làm việc mới đây, tôi chỉ có được độc một ngày dành cho mình quyền muốn làm gì thì làm. Tôi chọn cách mình vẫn ưa thích – tới thăm một cơ quan lưu trữ, cụ thể là Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ, mà trụ sở trung tâm của nó nằm trong một khu đại học đẹp tại Maryland, nằm phía trong địa giới của Thủ đô nước Mỹ. Tôi muốn một lần nữa soát lại thư mục về Đội Con Nai (the Deer Team), do OSS, tiền thân của CIA, lập ra vào cuối chiến tranh thế giới II.
Vào giữa tháng Bảy 1945, Đội Con Nai nhảy dù xuống Tân Trào, một xã nằm ở địa giới giữa Tuyên Quang và Thái Nguyên. Một tháng sau, ngày 14/8, Tân Trào là địa điểm nhóm họp Quốc dân Đại hội toàn Việt Nam, ra quyết định giành chính quyền từ tay Nhật bằng tổng khởi nghĩa trên toàn quốc – chính là cuộc Cách mạng tháng Tám, thực tế diễn ra hầu như không đổ máu.
Nhiều năm sau, ở Washington, tôi thường hy vọng sẽ dùng kỹ thuật số để nâng chất lượng của những tấm ảnh trắng – đen nguyên bản chụp từ 1945, trong một thư mục lưu trữ tôi từng xem xét nhiều lần.
Tấm các-vi-dít của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi còn đương chức Bộ trưởng Bộ Nộ vụ
Tấm các-vi-dít của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi còn đương chức Bộ trưởng Bộ Nộ vụ
Những điều ít biết về tấm các-vi-rít của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Dưới đây là quy tắc tra cứu tài liệu lưu trữ của tôi và bí quyết “khám phá”: Soi tất tật mọi thứ!
Một cơ quan lưu trữ đâu phải là thư viện, nơi sách báo có thư mục, có số của nó. Hơn nữa, lưu trữ giống như một căn phòng ít người tới trong một tòa nhà cổ nơi một dòng họ sống hàng trăm năm. Nhưng trong một hộp đầy bụi, một hậu duệ có thể chợt thấy, lọt giữa hai tờ của một cuốn sổ có mùi mốc là tấm ảnh thời niên thiếu của người mẹ của mình.
Vì nguyên cớ này, khi tới một cơ quan lưu trữ, tôi thường rà soát kỹ từng trang của từng tư liệu, từng cuốn sách, bài báo, bản báo cáo, hay cuốn sách mỏng. Tôi mở từng hình vẽ, từng bản đồ. Tôi soát xét cả hai mặt của từng tấm ảnh. Tôi để ý mọi chi tiết.
Bạn luôn bất ngờ là cái bạn tìm thấy thường không phải là cái bạn đang tìm.
Bởi vậy, tôi đang tận hưởng “ngày nghỉ” của mình trong nắng, chiếu qua cửa sổ cuốn của tòa Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ, tay khẽ lật các trang hồ sơ của Đội Con Nai. Rồi bỗng nhận thấy, kẹp ở giữa hai trang giấy khổ thông dụng, là một tấm danh thiếp nhỏ, cỡ bằng những tấm danh thiếp thường dùng hôm nay.
Một tấm thiếp in giản đơn, đã vàng đi do năm tháng, hằn vết xước do đính bằng kim vào các tư liệu, một cách làm trước khi ta sử dụng ghim để kẹp tài liệu. Nhưng trên đó có dòng chữ in đậm: VO NGUYEN GIAP (Võ Nguyên Giáp ) và dòng viết nghiêng “Bộ-trưởng Bộ Nội-Vụ”, và “Home minister” viết bằng mực xanh da trời. Rồi con dấu cấp Nhà nước mực đỏ, và một thông điệp viết tay, với chữ ký của ông Giáp đằng sau tấm danh thiếp này. Ôi, quả là một “gia tài”!
Tôi bắt đầu đọc thông điệp trên tấm danh thiếp.
I started to read the message.
“Oh, Mơ xi ơ Buu (M. Buu)!!”, tôi buột miệng, làm những người tra cứu khác ngẩng lên nhìn tôi.
Sao tôi lại không nhận thấy tấm danh thiếp này trước kia? Sao tôi có thể bỏ qua một sự việc quan trọng như vậy.
Chắc “M. Buu” trên danh thiếp này là Tạ Quang Bửu, một trong những nhà toán học, nhà vật lý học sáng chói nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX, cũng là một nhà hoạt động chính của phong trào Hướng đạo sinh ở Huế. Tốt nghiệp Đại học Sorbonne và cũng từng tu nghiệp tại Oxford, ông Bửu có một số năm dạy học ở Huế, rồi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng (giữa 1947 – giữa 1948).
Ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (cuối 1965 – giữa 1976). Điều lạ nhất với tôi, khi nhìn tấm thiếp được lưu hành khoảng 1945 hay 1946, là cảm nhận một trớ trêu của lịch sử: Năm 1954, Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt cho Đại Tướng Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ký Hiệp định Genève (Hiệp định Giơ – ne – vơ).
Nhưng tôi phải đoán chắc được là “M. Buu” trên tấm danh thiếp chính là Tạ Quang Bửu.
Khi quay về Hà Nội, tôi đến thăm hàng xóm của mình: ông Phạm Hồng Cư và phu nhân – bà Đặng Thị Hạnh. Bà Hạnh, một giáo sư văn học Pháp, là em của phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từng là một trong những người chắp bút cho Tướng Giáp thời chống Mỹ, Hồng Cư tiếp tục cộng tác với Văn phòng Đại tướng nhiều năm, sau khi ông về hưu khoảng giữa những năm 90. 2/9/1945, chưa đầy 20 tuổi, Hồng Cư có mặt trong lực lượng tự vệ chiến đấu, giữ an ninh cho Lễ đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình. Tôi mở máy tính cho hai ông bà xem tấm danh thiếp lưu trên màn hình.
“Ồ, hay nhỉ”, hai ông bà đồng thanh.
Tôi có nhiều câu hỏi. Tôi đã nhận biết được chữ ký ông Giáp trên mặt sau của tấm danh thiếp. Nhưng muốn được chắc chắn, tôi hỏi: “Thông điệp trên tấm các này do tay ông Giáp viết?”
“Chắc chắn”, họ trả lời ngay.
“Nhưng văn bản tiếng Anh này khá chuẩn. Có chắc Võ Nguyên Giáp đã viết thông điệp này? Hay ai đó chắp bút tiếng Anh, rồi ông Giáp chép lại?”
“Không đâu”, bà Hạnh nói ngay, “Ông Giáp biết tiếng Anh khá thạo, đặc biệt có thể viết bằng tiếng Anh chuẩn. Rất chuẩn! Đây chính là thông điệp của ông ấy. Thời ấy không ai viết giúp ông ấy đâu”.
“Vậy thì, ‘M. Buu’ phải chăng là ông Tạ Quang Bửu?”
“Chắc chắn như vậy”, Hồng Cư đáp.
“Nhưng làm sao biết được?”. Tôi gạn hỏi. Tôi thường làm việc với các cựu chiến binh Việt Nam, họ luôn cho tôi được “hỏi khó” để đảm bảo độ chính xác của các sự kiện, và nhân vật lịch sử.
“Tôi từng được làm việc với Tạ Quang Bửu một số năm”, tướng Hồng Cư kể, ông chỉ sang cửa một nhà gần đó, “Nhân tiện, bà (quả phụ) Tạ Quang Bửu hiện sống kề liền đây”. Sau đó ông chỉ phần trên của tấm danh thiếp, hiện trên màn hình máy tính của tôi, “Nhưng phần chữ viết tay trên cùng của tấm thiếp không phải chữ của Võ Nguyên Giáp, mà là của Tạ Quang Bửu”.
“Ông chắc là như thế?”
“Chắc chắn.”
“Thế còn”, tôi hỏi, “L’ancienne Hotel de la Residence Superieure’ (Trụ sở cũ của Tòa Khâm sứ Bắc Kỳ) nay ở đâu?”
“Tôi sẽ giải thích”, Hồng Cư đáp. “Hãy nhìn chữ viết tắt ‘C.P.N.D.L.T.V.N.’ ở dưới cùng tấm thiếp. Nó nghĩa là: Chính phủ Nhân dân Lâm thời Việt Nam”. Chúng ta không rõ ngày tháng của tấm thiếp. Nhưng đây là thời kỳ quân Nhật còn đóng tại nơi nay là Phủ Chủ tịch. Chính phủ lâm thời đóng tại nơi nay ta gọi là Nhà Khách Chính phủ”.
“Nghĩa là tòa Nhà khách trên đường Ngô Quyền?”, tôi hỏi “Bên kia đường, là khách sạn Metropole?”.
“Đúng vậy”, ông trả lời. “Nhưng xem này. Thật thú vị. Có cả số máy điện thoại trực”.
“Thế còn người nhận”, tôi hỏi, “ông nghĩ sao về ‘phái bộ quân sự Hoa Kỳ’?”
“Vâng, người nhận thiếp kèm giấy giới thiệu này”, tướng Hồng Cư đáp. “hẳn là Archimedes Patti, trưởng phái bộ Mỹ ở Hà Nội. Patti là tác giả cuốn ‘Tại sao Việt Nam?’. Võ Nguyên Giáp lúc đó ở cương vị Bộ trưởng Nội vụ, có chức trách giao thiệp với trưởng đoàn Mỹ”.
Chúng tôi bàn tiếp về thông điệp và về niềm hy vọng tràn trề trong câu: “Chúng tôi sẽ rất biết ơn phái bộ Hoa Kỳ về việc tạo điều kiện cho ông Bửu làm việc cho tới khi thiết lập được quan hệ chính thức (giữa hai quốc gia)”.
Tôi bị hút vào tấm danh thiếp.
Phần tưởng tượng trong não bộ của tôi luôn bận rộn với các câu hỏi và các hình dung có tính giả định: Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu, Hồng Cư, và những người thuộc thời đại ấy, đã đi vào lịch sử bằng việc tham gia vào cuộc Cách mạng tháng 8/1945 – nếu phe thực dân không cố tình bẻ ghi hướng tài năng của họ vào cuộc chiến 30 năm (1945 – 1975 giành độc lập, thống nhất cho Việt Nam), họ sẽ chọn để cống hiến sức sống của mình cho nghiệp nào của xã hội dân sự?
Vào thời trẻ của mỗi người Việt, theo tôi, chắc ai cũng đã nghĩ trở thành thầy – một nghề được xem là nghề cao quý nhất ở Việt Nam – đất nước chịu ảnh hưởng nặng của Đạo Khổng, vốn dĩ nhấn mạnh sự học.
Khi còn trẻ, Võ Nguyên Giáp từng viết những bài báo chín chắn, nhờ khảo sát, nghiên cứu kỹ càng, thậm chí ông viết cả một cuốn sách về chính trị kinh tế học. Hôm nay, ông vẫn là một sử gia lừng danh. Khi còn học tiểu học, Tạ Quang Bửu đã nổi tiếng tại Trường Quốc học Huế, do những sáng chế của mình. Lẽ ra ông Bửu đã khám phá hay phát minh được gì sau khi trở thành cử nhân (nếu không có chiến tranh). Con của ông Hồng Cư nói cha mình lẽ ra đã trở thành thầy dạy toán (tôi thì nghĩ – thầy dạy văn). Hôm nay, tướng Hồng Cư kết hợp cả hai tài năng để viết về các sự kiện lịch sử: dùng những cảm xúc văn học kết nối với toán, để thể hiện mối liên hệ chưa từng đề cập tới, giữa những quan sát kỹ lưỡng với cách hành động chính xác, hợp quy luật.
Tướng Giáp, trong suốt một chiều dài của lịch sử hiện đại, được ghi danh không chỉ như một danh tướng thắng cả quân Pháp và quân Mỹ, mà còn như một tướng soái vĩ đại nhất của thế kỷ XX, và chắc là của lịch sử nhân loại. Nhưng còn một sự thật đau lòng nữa, là cùng thời với tướng Giáp, nhiều người thuộc thế hệ trẻ ở cả hai phía cuộc chiến, hoặc đã phải nằm xuống do chiến tranh, hoặc những năm đẹp nhất của tuổi xuân quên mình vì thời chiến…
Theo tôi, những mất mát như thế kết tinh trong lời bình có phần nuối tiếc của tướng Giáp: “Nếu không có chiến tranh, chắc tôi vẫn làm nghề giáo”.

Lê Thành dịch

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Đảng đoàn MTTQ Việt Nam kết luận ông Đinh Đức Lập có nhiều sai phạm nghiêm trọng

Thế nhưng, ông Lập sau đó chỉ bị xử lý kỷ luật khiển trách (cả về đảng lẫn chính quyền). Còn những người tố cáo ông Lập lẽ ra phải được khen thưởng vì có công phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng của ông Lập, sau đó bị lãnh đạo MTTQ Việt Nam bỏ mặc cho ông Lập ngang ngược trả thù bằng hình thức kỷ luật buộc thôi việc (!).

Mặc dù đã cố tình làm giảm nhẹ rất nhiều tình tiết và mức độ sai phạm của ông Đinh Đức Lập (Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết), song Kết Luận số 43 ngày 8/1/2013 của Đảng Đoàn MTTQVN  vẫn phải thừa nhận hầu hết các nội dung tố cáo ông Đinh Đức Lập đều có cơ sở.

MTTQVN cho tới nay vẫn chưa có Kết luận chính thức nào theo đúng thầm quyền, đúng quy định của pháp luật về việc giải quyết các nội dung tố cáo ông Đinh Đức Lập. Riêng Kết luận số 43 được coi là mới giải quyết về mặt Đảng nên chỉ lưu hành nội bộ, không cung cấp cho người tố cáo.

Vây mà ông Đinh Đức Lập đã ngang nhiên chà đạp luật pháp, coi thường Đảng Đoàn MTTQVN xuyên tạc Kết luận 43 và lấy nó làm căn cứ để kỷ luật buộc thôi việc, trả thù các nhà báo tố cáo ông ta.

Điều đáng nói là Đảng Đoàn MTTQVN, Ban Thường trực, các vị lãnh đạo khả kính của MTTQVN biết là Đinh Đức Lập đang làm càn nhưng họ vẫn không có động thái nào để đảm bảo kỷ cương, phép nước và kỷ luật Đảng. Trong khi lẽ ra, theo quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức MTTQ phải là một trong các tổ chức quan trọng, nòng cốt giám sát việc thực hiện pháp luật và vận động nhân dân tuân theo, sống và làm việc theo pháp luật.

Báo Người Cao Tuổi đã rất kiên trì và dũng cảm cho công bố hàng loạt bài điều tra về các sai phạm của ông Đinh Đức Lập, mặc dù phải chịu nhiều áp lực và sức ép từ sự vận động hành lang của ông Lập và ô dù của ông ta.

Xin trân trọng giới nthiệu một bài điều tra mới đây của báo Người Cao Tuổi vạch trần các khuất tất trong việc giải quyết các nội dung tố cáo ông Đinh Đức Lập. Dù Đảng đoàn đã Kết luận tội trạng của ông Lập rất rõ ràng, song lại bị cất vào trong ngăn tủ, trong khi những người tố cáo lẽ  ra phải được khen thưởng vì có rất nhiều nội dung tố cáo chính xác lại bị ông Lập trả thù bằng cách buộc thôi việc trái pháp luật và lãnh đạo MTTQ thì im lặng khó hiểu.

Một tổ chức chính trị có bề dày, dưới sự lãnh đạo của nhiều vị cán bộ cao cấp đầy uy tín lại có thể những chuyện trái khoái, ngang ngược, chà đạp luật pháp như các hành vi của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết diễn ra một cách ung dung, như chẳng có chuyện gì đáng quan tâm, lo ngại hay sao?


Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập có nhiều sai phạm nghiêm trọng theo Kết luận của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam

Việc ông Đinh Đức Lập, Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết bị các nhà báo, các lãnh đạo Ban của báo Đại Đoàn Kết tố cáo từ hơn một nay khiến dư luận rất quan tâm. Ngày 8/1/2013, Đảng đoàn cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ. Đối chiếu với quy định của Đảng, của pháp luật thì với những sai phạm nghiêm trọng trong kết luận này, ông Đinh Đức Lập ít nhất cũng phải chịu hình thức kỉ luật cảnh cáo (kỉ luật Đảng), cách chức Tổng biên tập. Thế nhưng, không hiểu sao việc xử lí ông Lập lại được tiến hành “xử lí nội bộ”, quá nhẹ so với tính chất mức độ sai phạm. Trong khi đó, những người tố cáo ngang nhiên bị trả thù bằng hình thức: Buộc thôi việc. Báo Người cao tuổi xin điểm qua một số sai phạm nghiêm trọng của ông Đinh Đức Lập đã được Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ khẳng định là đúng, là có cơ sở…

Sai phạm đầu tiên xin được nêu ra là vụ việc ông Đinh Đức Lập vi phạm Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là việc cố ý làm trái quy định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức trao cúp, huy động kinh phí trong chương trình “Tự hào thương hiệu Việt” do báo tổ chức (Báo Người Cao Tuổi đã có bài điều tra về vấn đề này). Báo Đại Đoàn Kết đã kí hợp đồng với các doanh nghiệp để thu tiền sau đó trao cúp cho họ. Kết luận cũng đã làm rõ việc ông Lập tạo dựng hồ sơ không trung thực, không hề có sự bình chọn nào của độc giả để bình chọn như tiêu chí của cúp đã được tuyên truyền trên báo Đại Đoàn Kết.

Đã cố ý làm trái quy định của Quy chế quản lí tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ nhưng ông Lập lại “hợm hĩnh” cho mình quyền chê trách người khác khi không đến dự buổi lễ trao cúp “Tự hào thương hiệu” ngày 30/7/2011.  Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ đã chỉ rõ sai phạm của ông Lập trong việc “cho đăng bài viết “Trách nhiệm” trên báo Đại Đoàn Kết (số 182 ra ngày 1/8/2011) nhằm miệt thị lãnh đạo các cấp, vi phạm chức trách công vụ, lạm dụng tờ báo Mặt trận để phục vụ chủ nghĩa cá nhân, làm ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam”. Về sai phạm này, Kết luận nêu: “Đảng đoàn đã chỉ đạo Ban Thường trực rút kinh nghiệm với đồng chí Đinh Đức Lập”.

Sai phạm thứ hai của ông Lập là trong công tác tổ chức cán bộ. Ông Nguyễn Xuân Huy là người được ông Lập tuyển về, chưa đánh giá hết năng lực, đạo đức đã vội bổ nhiệm làm Trưởng ban Tuyên truyền quảng cáo và phát hành.  Ông Nguyễn Xuân Huy đã vi phạm trong việc môi giới hối lộ bất thành Tổng biên tập báo Người cao tuổi để chạy án cho sai phạm của ông Nguyễn Văn Nam – Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế quốc dân. Ông Huy bị từng bị báo Người cao tuổi phanh phui giả mạo Tiến sĩ, Phó Cục trưởng Cục Báo chí xuất bản, Phó Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết. Đơn tố cáo của các nhà báo đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông Lập trong việc ông Lập có dấu hiệu bao che tội phạm, không báo cáo và không chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng  để làm rõ về vấn đề hình sự. Kết luận cho biết: “Vấn đề này, đã được xác minh tại Báo cáo số 05-BC/KT-ĐU của Tổ Kiểm tra Ủy Ban kiểm tra Đảng ủy. Sau kết luận Đảng đoàn chỉ đạo Ban Thường trực đề nghị Đảng ủy kiểm điểm làm rõ”. Tuy nhiên, đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết vì ông Nguyễn Xuân Huy cố tình tiêu hủy vật chứng, vi phạm bộ luật hình sự.

Trường hợp ông Nguyễn Văn Hải, người lái xe lâu năm của báo Đại Đoàn Kết bị ông Lập trù dập chuyển công tác sang làm bảo vệ là có cơ sở, trái nguyện vọng của người lao động. Trong khi đó, ông Lập tuyển một lái xe khác, lái xe cho ông Lập như một lái xe gia đình nhưng do báo trả lương. Kết luận chỉ rõ: “Việc làm này đã vi phạm Điều 8 Quyết định 59/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”. Thế nhưng, Kết luận không ghi kiến nghị xử lí ông Lập theo Khoản 2 Điều 22 Quy định Tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lí, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty Nhà nước (Ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg, ngày 07 tháng 05 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, ông Lập phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đồng thời bị xử lí kỉ luật theo quy định của Chính phủ quy định về bồi thường thiệt hại, xử lí kỉ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cũng liên quan đến việc chuyển công tác cán bộ, Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ chỉ rõ nội dung tố cáo: Điều chuyển công tác nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng từ Phó Trưởng ban Văn hóa – Nghệ thuật sang làm Phó Trưởng ban Kỹ thuật Quản trị mạng trong khi ông Thắng có đơn tố cáo là có cơ sở. Kết luận không kiến nghị xử lí việc vi phạm này theo quy định của Đảng về xử lí kỉ luật đảng viên vi phạm và theo quy định của luật tố cáo. Theo đó, việc trả thù người tố cáo sẽ bị kỉ luật cảnh cáo (kỉ luật Đảng) và cách chức.

Nhà báo Hữu Nguyên, Phó Trưởng ban Đại diện báo Đại Đoàn Kết tại TP. Hồ Chí Minh cũng bị ông Lập trả thù. Kết luận nêu việc ông Lập ngang nhiên không cho nhà báo Hữu Nguyên được ngồi họp giao ban trực tuyến để chỉ đạo công việc là có cơ sở.

Sai phạm về công tác quản lí tài chính của ông Lập được Kết luận nêu rõ. Ví dụ việc tùy tiện cắt giảm lương tăng thêm của cán bộ, phóng viên Ban Đại diện báo Đại Đoàn Kết tại TP. Hồ Chí Minh là có cơ sở. Tình hình tài chính mất cân đối, nợ nần nghiêm trọng của báo Đại Đoàn Kết cũng đã được Kết luận đề cập đến. Kết luận nêu kiến nghị của Tổ công tác yêu cầu cơ quan kiểm toán và cơ quan thuế điều tra làm rõ. Tuy nhiên, không hiểu sao, đến nay, vẫn chưa thấy cơ quan kiểm toán và cơ quan thuế vào báo Đại Đoàn Kết điều tra làm rõ.

Sai phạm quản lí công sản của ông Lập được kết luận dẫn ra hai trường hợp cụ thể. Đó là “thiếu chặt chẽ” trong việc kí kết hợp đồng với Công ty CP đầu tư xây dựng địa ốc Đông Dương (có thể khiến báo Đại Đoàn Kết mất 1 triệu USD). Kết luận cũng nêu ra việc vi phạm pháp luật của Công ty CP đầu tư xây dựng địa ốc Đông Dương khi chiếm đoạt về danh nghĩa trụ sở của báo Đại Đoàn Kết làm trụ sở chính của mình. Sai phạm thứ hai trong quản lí công sản là “từ bỏ quyền sử dụng văn phòng thường trú tại 82 Trần Quốc Toản, Đà Nẵng”. Kết luận nêu rõ sai phạm này thuộc về Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết và cá nhân ông Lập – Tổng biên tập. Kết luận không kiến nghị gì liên quan đến việc thu lợi bất minh 1 tỉ VNĐ của báo Đại Đoàn Kết từ Công ty CP xây dựng 79. Theo Khoản 2 điều 33 Luật Quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước quy định thì số tiền 1 tỉ thu được từ Cty CP Xây dựng 79 lẽ ra phải được hạch toán riêng, sau khi trừ đi chi phí hợp lí liên quan, nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước, báo Đại Đoàn Kết mới được sử dụng để phát triển hoạt động sự nghiệp. Hơn nữa, theo quy định của luật thì ông Lập không phải là người có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề liên quan đến trụ sở, văn phòng của báo Đại Đoàn Kết.

Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ nêu nội dung tố cáo ông Lập “lợi dụng chức vụ quyền hạn để lạm dụng báo Đại Đoàn Kết nhằm mục đích thỏa mãn chủ nghĩa cá nhân, bệnh hình thức, đánh bóng hình ảnh Tổng biên tập gây ảnh hưởng xấu tới uy tín và đạo đức người làm báo, làm ảnh hưởng không tốt tới MTTQ Việt Nam là cơ quan chủ quản của báo Đại Đoàn kết” là có cơ sở.

Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ mặc dù đã được kí từ ngày 8/1/2013, song đến nay Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vẫn chưa có hình thức xử lí kỉ luật nghiêm, đúng với tính chất và mức độ vi phạm của ông Đinh Đức Lập và Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Trong khi những nội dung tố cáo vừa được Kết luận, chưa được xử lí thì ông Lập lại tiếp tục vi phạm những quy định của Đảng và pháp luật. Đó là việc để cho cháu ruột Đinh Quang Sơn, kế toán trưởng, Phó Trưởng ban Kế hoạch tài chính thụt két chiếm dụng vốn tại dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Báo Người cao tuổi cũng đã có bài điều tra về vấn đề này. Đến nay, mới chỉ thấy ông Lập kỉ luật thủ quỹ Lê Thị Kim Dung và Đinh Quang Sơn còn Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam chưa xử lí ông Đinh Đức Lập và Ban hỗ trợ dự án báo Đại Đoàn Kết.

Chính vì không bị xử lí nghiêm đúng tính chất và mức độ sai phạm, nên ông Lập đã ngang nhiên tiếp tục sai phạm trả thù người tố cáo. Báo Tuổi trẻ và Tạp chí Người Làm Báo đã có bài phản ánh về sự trả thù buộc thôi việc người tố cáo này.

Vũ Văn Hiệu