Vì sao từ một quốc gia nghèo đói, chỉ cần khoảng 30 năm, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngay cả Trung Quốc, đã trở thành những quốc gia hưng thịnh hàng đầu thế giới, còn ta thì chưa?
"Tất cả thế giới là một sân khấu và mọi người phải tự sắm vai" -Shakespeare.[1]
LTS:Hôm nay, 31/10, Quốc hội bắt đầu thảo luận KTXH và tái cơ cấu nền kinh tế tại nghị trường. Để góp thêm tiếng nói với các chuyên gia kinh tế, Tuần Việt Nam giới thiệu góc nhìn của tác giả Ngô Đồng Thu.
Trước khi gia nhập WTO (11/1/2007) , Việt Nam được thế giới ca ngợi với những lời có cánh "con rồng", "con hổ" châu Á. Sau 6 năm, cùng với những thăng trầm của thế giới, dấu cảm thán (!) đã nhanh chóng biến thành dấu hỏi (?) và từ "Ngôi sao Việt Nam!" đã chuyển thành "Vì sao, Việt Nam?"
Trong cộng đồng đã có sự thay đổi nhanh đến chóng mặt về trạng thái: từ hồ hởi đến hoang mang chỉ trong một thời gian ngắn, theo một cách nào đó. Hàng loạt câu hỏi "vì sao" được đặt ra:
Vì sao Việt Nam khó phát triển? Vì sao kinh tế lâm vào khó khăn, trì trệ? Vì sao nông dân mất đất, đô thị bỏ hoang? Vì sao chất lượng giáo dục ngày càng giảm sút? Vì sao nợ xấu, vì sao tham nhũng, vì sao lãng phí, tha hóa vì sao?, v.v...
Và, vì sao từ một quốc gia nghèo đói, chỉ cần khoảng 30 năm, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngay cả Trung Quốc, đã trở thành những quốc gia hưng thịnh hàng đầu thế giới, còn Việt Nam thì không?
Trước khi gia nhập WTO (11/1/2007) , Việt Nam được thế giới ca ngợi với những lời có cánh "con rồng", "con hổ" châu Á. Ảnh minh họa
|
Quẩn quanh chiếu hẹp?
Những cải cách của chúng ta hiện nay gợi người viết nhớ đến nghệ thuật chèo. Đặc trưng của sân khấu chèo là tính ước lệ trong bài trí và hoạt cảnh, cứ bước lên một bước lại lùi 3 bước, đi đi lại lại cả buổi nhưng không ra khỏi cái chiếu rộng vài mét vuông, chỉ loanh quanh trong một chỗ.
Nền kinh tế của chúng ta sau một thời gian tăng trưởng nóng đang chững lại ở khúc quanh mà người ta hay nhắc đến là "bẫy thu nhập trung bình", hay nói cách khác là chưa "phát" mà đã "triển". Những khó khăn xuất hiện với tần suất ngắn hơn, quy mô ngày càng lớn hơn.
Trên thực tế các doanh nghiệp đang "lãn công", cả bốn động cơ của cỗ máy tăng trưởng kinh tế đang trục trặc: (1) doanh nghiệp nhà nước phổ biến tình trạng tham ô lãng phí, (2) doanh nghiệp FDI thì chuyển giá, (3) doanh nghiệp tư nhân thiếu cơ hội và động lực, (4) nông nghiệp bấp bênh, bất an,. [2]
Xã hội thì dường như mất dần đi cảm hứng làm việc, kinh doanh do những nỗ lực bất thành kéo dài, do sự bất bình đẳng về cơ hội, do quan liêu sách nhiễu, v.v... Các con số về tồn kho, tăng trưởng tín dụng và giải thể doanh nghiệp đã nói lên điều này.
Bên cạnh đó, các nhóm lợi ích, vì đặc quyền đặc lợi sẽ níu giữ cơ chế cũ, sẽ tìm mọi cách để biện minh, trì hoãn, né tránh mọi sự thay đổi.
Nếu những lời hứa hẹn, những quyết tâm, những tuyên bố không chuyển hóa thành những hành động thực tế, làm thay đổi thực trạng, thì chiếu chèo sẽ từ sân khấu bước ra ngoài đời.
Với một nền kinh tế kém hiệu quả, đến một lúc nào đó nhà nước mất cân bằng, thiếu nguồn thu để duy trì an sinh xã hội, lạm phát, nghèo đói sẽ quay trở lại, đây là một nguy cơ có thật, mà ngay cả những quốc gia hùng mạnh nhất cũng vấp phải.
Trên các diễn đàn, đâu đó nhiều người kêu gọi "đổi mới lần 2" hay cần có "khoán 10" tiếp theo; Nghị quyết Trung ương 4 cũng khẳng định tính cấp bách phải đổi mới từ trong Đảng.
Nhưng đổi mới cái gì, đổi mới như thế nào? Có vẻ như mọi cấp, mọi ngành đều đang lúng túng.
Đổi mới sau gần 3 thập kỷ
Nhớ lại công cuộc đổi mới được khởi xướng từ năm 1986, với loạt bài "Nói Và Làm" của tác giả Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.
Khó khăn của những năm thập kỷ 80 của thế kỷ trước cũng có những nét tương đồng như hiện nay. Khi ấy nguyên nhân khách quan là Việt Nam bị bao vây cấm vận. Còn về chủ quan, chính sự duy ý chí về mô hình phát triển, duy trì những "hợp tác xã" cưỡng bức đã tạo ra sự khan hiếm lương thực.
"Đổi mới" của thời kỳ này, về bản chất là "cởi trói", có nghĩa là không bắt buộc phải theo kinh tế tập thể cưỡng bức; "khoán 10" đồng nghĩa với việc nhà nước không can thiệp vào tính tự chủ của nhân dân trong lao động.
Đổi mới từ dưới lên, phía trên không cản trở, không áp đặt. Kết quả là, chỉ sau 3 năm, năm 1989 Việt Nam đã xuất khẩu gạo 1, 37 triệu tấn, từ đó đến nay luôn đứng trong Top 3 thế giới.
Như vậy, nếu Đổi mới 1986 là giải phóng lao động theo lẽ tự nhiên, thì Đổi mới 2013 Việt Nam cần giải phóng cái gì?
Hiện nay, chúng ta vẫn loay hoay trong quá trình tìm hướng đổi mới từ trên xuống. Trong khi theo truyền thống nước ta, trong chiến tranh cũng như thời bình, đổi mới thường phải từ dưới lên (xuất phát từ thực tiễn - như khoán 10 trong nông nghiệp); Bao giờ cũng vậy, đầu tiên và cuối cùng là nhân dân quyết định thắng lợi.
Cái khó là giờ đây bối cảnh xã hội đã khác xưa nhiều.
Đổi mới 1986 với khẩu hiệu "Đổi mới hay là chết", toàn Đảng toàn dân đều nhìn cùng một hướng, đồng lòng, đồng tâm muốn thay đổi, cái phức tạp đã biến thành đơn giản. Còn "Đổi mới 2013", trong bối cảnh xuất hiện các nhóm lợi ích, nhân tâm bất an, cái đơn giản lại biến thành phức tạp, khó lường.
"Phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta"[3].
Bối cảnh đã khác đi, nhưng dường như sau gần 30 năm, những việc cần làm mà cố tổng bí thư đã nêu ở trên dường như vẫn đúng trong công cuộc đổi mới đầu thế kỷ 21.
Khơi dậy được cảm hứng cộng đồng, dựa vào nhân dân, chúng ta có thể khẳng định rằng đổi mới là không khó. Vì mỗi lần đổi mới, là một bước chúng ta lại gần hơn với thế giới và nhân loại.
Hãy nghe lại lời của tiền nhân: "What's in a name? That which we call a rose; By any name would smell as sweet." (Shakespeare's Romeo and Juliet, Act II, scene ii)
Tạm dịch: Có gì trong một cái tên? Khi đã là hoa hồng; Dù gọi bằng tên khác; Vẫn tỏa hương thơm dịu. (Kịch Shakespeare, vở Romeo and Juliet, Màn II, Cảnh ii).
Ngô Đồng Thu
----------
[1] "All the world's a stage, And all the men and women merely players".
[2]: Khác với bài viết "Khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng, do Havard Kennedy School và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thực hiện vào tháng 8/2013 chỉ nêu ra 3 trên 4 động lực có trục trặc.
[3] Trích theo Wikipedia
Cách đây nhiều năm, ngay khi mà một vài hãng tin, tờ báo trên thế giới đang chơi bài tụng ca "ngôi sao Việt Nam đang lên" và được giàn hợp xướng truyền thông trong nước điệp khúc nhấn nháy, chủ blog đã có bài châm biếm giàn hợp xướng này. Mời xem lại dưới đây (hoặc Ở ĐÂY):
Chủ nhật, ngày 28 tháng 10 năm 2012:
Chủ nhật, ngày 28 tháng 10 năm 2012:
Ngôi sao lại... đang lên !
Mới đây, hãng Ernst & Young nhìn nhận Việt Nam là “ngôi sao đang lên” bất chấp các khó khăn hiện nay. Nhưng Ernst & Young cũng nói so với các thị trường phát triển nhanh khác, Việt Nam là cơ hội đầu tư dài hạn có những rủi ro mà ẩn chứa trong đó là thành công.
Tháng Giêng năm 2008, tờ The Economist cũng từng ví Việt Nam là “ngôi sao đang lên”. Song, tất cả chúng ta đều biết ngay sau đó “ngôi sao” Việt Nam không hề lên được tí nào mà hầu như tất cả mọi mặt từ kinh tế đến an sinh xã hội đều tụt dốc thê thảm. Tới nay, nhiều chuyên gia còn nhận xét sự rơi xuống của “ngôi sao” này có nhiều lĩnh vực hiện vẫn chưa chạm đáy. Có nghĩa là cái sự rơi của “ngôi sao” vẫn còn đang diễn ra trên nhiều bình diện khác nhau.
Ngay sau khi tờ The Economist đăng bài ca ngợi Việt Nam như là “ngôi sao đang lên”, chủ blog này từng có một bài viết đăng trên mục Thời luận báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 10/01/2008 với lời cảnh báo dành cho những người cầm cân nảy mực nền kinh tế nước nhà chớ có mà vội vui mừng. Truyền thông quốc tế đôi khi cũng xuất chiêu “dương đông kích tây” và mục tiêu của từng tờ báo, của từng hãng truyền thông vẫn là nhắm vào sự quan tâm của giới độc giả đông đảo nhất của họ.
Tất nhiên, những tờ báo danh tiếng này luôn thận trọng, khi nói Việt Nam là “ngôi sao đang lên” bao giờ họ cũng kèm theo các cảnh báo và đặt ra một số điều kiện để Việt Nam có thể thành “sao” thật sự. Còn khi mà việt Nam trở thành “sao xẹt” băng ngang qua bầu trời rồi vụt tắt trong chớp nhoáng thì họ sẽ đổ thừa rằng cái đó là tại người Việt Nam, không phải lỗi của các cây bút bình luận chuyên nghiệp và già đời của họ.
He he... Vì vậy mà giờ đây khi Ernst & Young nhìn nhận Việt Nam là “ngôi sao đang lên”, thiết nghĩ chúng ta cũng nên hiểu nội hàm của nhận xét này trong một bối cảnh hết sức phức tạp. Và các nhà lãnh đạo sính thành tích, đang tìm kiếm phao cấp cứu cho nền kinh tế cũng chớ có vội mà mừng.
Sau đây là bài viết châm biếm “ngôi sao đang lên” của chủ blog cách đây 4 năm, ngay sau khi tờ The Economist tặng cho nền kinh tế Việt Nam cái danh hiệu “ngôi sao đang lên” (để rồi sau đó "ngôi sao" chưa kịp lên đã xìu xuống và rơi tự do cho tới hôm nay).
Thời luận 10-01-2008 (Trên báo Đại Đoàn Kết):
‘NGÔI SAO ĐANG LÊN”!
Tờ The Economist mới đây đã ví Việt Nam như là một “ngôi sao đang lên” khi nói về kết quả của sự “trổi dậy” sau 22 năm đổi mới. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng mở cửa nhiều hơn với thế giới và bước đi dài nhất trong quá trình hội nhập là trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng của mình trong chuỗi mắt xích thương mại châu Á và thu hút ngày càng nhiều hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới. Tạo ra một sự chuyển dịch mới về dòng chảy của vốn đầu tư trong khu vực.
Những nhìn nhận rất lạc quan về hình ảnh Việt Nam ngày nay cho thấy sự quan tâm và thiện cảm của cộng đồng thế giới khi dõi theo những bước phát triển của Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, theo rất nhiều chuyên gia, Việt Nam cũng chỉ đang đi những bước đầu tiên trên con đường phát triển. Xét trên góc độ dân số, Việt Nam là một nước lớn thứ 13 trên thế giới. Nhưng trên góc độ GDP, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia nhỏ và nghèo.
Sự lạc quan chỉ giúp chúng ta tự tin hơn để tiếp tục có những bước đi chắc chắn và định hướng đúng trong tương lai chứ không thể trở thành cứu cánh cho cả quá trình tăng trưởng. Lịch sử đã từng minh chứng, mỗi khi các nhà lãnh đạo tự mãn về thành tích, ngủ say trên chiến thắng thì ngay lập tức cả dân tộc phải trả giá.
“Ngôi sao đang lên” còn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề để có thể tỏa sáng đúng như tiềm năng và sự khát khao của cả dân tộc.
Năm 2007 cho thấy rõ những lực cản và sự khiếm khuyết của nền kinh tế Việt Nam khiến nó có nguy cơ thiếu bền vững. Tỷ lệ lạm phát cao hơn mức tăng trưởng và tốc độ tăng giá của hầu hết các mặt hàng thiết yếu đã tạo nên sự bất ổn trên thị trường cũng như trong đời sống của mỗi gia đình. Cơ sở hạ tầng mà đặc biệt là hệ thống giao thông ngày càng trở nên quá tải, là vấn nạn hàng đầu của những vùng trọng điểm phát triển.
Sự thiếu hoàn thiện của hệ thống pháp lý và nền hành chính nặng nề, kém hiệu quả khiến cho tham nhũng và lãng phí trở nên phổ biến gây nên sự trì trệ, chán chường trong tâm thức của dân chúng cũng như của nhiều nhà đầu tư. Chữ “nhẫn” trở thành một trong những slogan hàng đầu cho mọi ứng xử của dân chúng mà đặc biệt là với giới doanh nhân, ngay cả với những nhà đầu tư nước ngoài mỗi khi phải tiếp cận với giới công quyền.
Một đất nuớc có trên 70% dân số sinh sống ở vùng nông thôn và trong số đó có đến khoảng 70% là những hộ thuần nông. Tức là chỉ biết gắn bó với đồng ruộng bằng các phương thức cổ truyền từ đời này sang đời khác. Đầu tư cho nông nghiêp và phát triển nông thôn hàng năm chỉ chiếm khoảng trên duới 10% tổng ngân sách quốc gia. Hầu hết các khoản phúc lợi, an sinh dành cho khu vực nông thôn lại được mang đến từ các nguồn quỹ nhân đạo quốc tế.
Chính sách quốc gia về phát triển nông thôn hiện vẫn chưa thực sự mang lại những lợi ích hữu hiệu cho chính người nông dân cũng như các thế hệ con cái của họ mai sau.
Tình trạng đất đai manh mún, sản xuất thủ công vẫn đang phổ biến như hàng trăm năm qua. Hệ thống pháp lý về đất đai không tạo điều kiện cho những người có khả năng tích tụ nguồn tài nguyên đặc biệt giàu có này để phát triển sản xuất. Nhưng lại tạo điều kiện cho những người có chức, có quyền chia chác cho nhau, bao chiếm đất đai với số luợng lớn để trục lợi. Không ít dự án quy hoạch treo, chính sách giải tỏa đền bù thiếu công khai, dân chủ, không mang lại hiệu quả cho xã hội mà chỉ nhằm phục vụ lợi ích của những người có liên quan khiến cho một bộ phận không nhỏ nông dân bị mất đất, bất an và nhiều vùng đất bị hoang hóa vô thời hạn.
Nguồn nhân lực được đánh giá là dồi dào, phong phú nhưng trên thực tế lại đang thiếu gay gắt lao động có kỹ năng. Không ít dự án đầu tư phải chậm lại hoặc phải hủy bỏ trong thời gian qua vì thiếu nguồn nhân lực chất luợng cao. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng cao không chỉ là vấn đề của hiện tại mà còn đang là một mảng tối trên bầu trời của “ngôi sao đang lên” khi mà ngành giáo dục vẫn còn đang trong tình trạng loay hoay tìm cho mình một “triết lý” để hành động. Lợi thế lao động giá rẻ không phải là một tài nguyên vĩnh cữu. Sự chuyển dịch một khối lượng rất lớn nguồn lao động phổ thông, thiếu kỹ năng từ các vùng nông thôn về thành thị còn mang lại những hệ lụy xã hội lâu dài.
“Ngôi sao đang lên” trước tiên là mục tiêu để cả thế giới có cơ hội ngắm nhìn.
Người xưa có câu “trăm nghe không bằng một thấy”. Lâu nay khi chưa bước chân vào sân chơi toàn cầu, có nhiều người chỉ nghe nhưng chưa nhìn thấy hình ảnh thực của Việt Nam . Nay cuộc chơi đòi hỏi sự công khai minh bạch và tôn trọng những thỏa ước chung.
Thế giới ngắm nhìn, có nghĩa là họ trông chờ những gì mà chúng ta cam kết sẽ trở thành hành động thực sự. Đến khi đó, cuộc chơi mới thực sự bắt đầu bước qua giai đoạn “lắng nghe, ngắm nhìn”… để thăm dò độ tin cậy về lộ trình đi tới các cam kết của “ngôi sao”.
Hữu Nguyên