Trang

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Hải tặc nhà nước

Giáo sư Carlyle A. Thayer đã không ngần ngại sử dụng từ « hải tặc nhà nước » để chỉ nhà nước Trung quốc trong một bài phỏng vấn, dịch và đăng trên BVN ngày 11-1-2014, nhân khi nước này cho ra luật buộc tàu thuyền đi qua Biển Đông phải xin phép. Nguyên văn dẫn lại như sau :

« Trong phạm vi các quyền của mình, Trung Quốc có thể ra lệnh quản lý đối với Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) 200 dặm được ban bố hợp pháp, xung quanh đảo Hải Nam và quần đảo Paracel. Nhưng Trung Quốc đang hành động bất hợp pháp bên ngoài những ranh giới ấy. Các tàu thuyền Trung Hoa toan tính cưỡng chế thi hành lệnh ấy bên ngoài EEZ sẽ mắc vào tội “hải tặc nhà nước” vì những tàu thuyền này ở trong hải phận quốc tế.

Luật lệ mới cung cấp sự biện minh hợp pháp cho điều mà chính quyền Trung Hoa đã làm trong nhiều năm: cưỡng bức tàu thuyền nước ngoài ra khỏi vùng biển tranh chấp, lên tàu tịch thu hải sản đánh bắt được và những thứ có giá trị khác (máy định vị, máy thu thanh, dụng cụ nghề cá), bắt giữ tàu cá nước ngoài và phạt các thủy thủ của những con tàu ấy. Những luật lệ mới ấn định những mức phạt lớn lên tới 83.000 đô la Mỹ, cao hơn nhiều so với mức trước đây. »

Đây là một nhận định hết sức nặng nề nhưng hoàn toàn đúng. Và Nhà nước Trung Quốc không phải chỉ mới hành sử như « hải tặc » mới đây. Họ đã lộng hành tại Biển Đông từ nhiều thập niên, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Theo tôi, trên khía cạnh này người Việt có thể nhân danh cá nhân hay tổ chức, nhằm kiện, hay đề nghị kiện nhà nước TQ ra một tòa án quốc tế, mà việc này có thể mở ra nhiều cơ hội cho VN giải quyết vấn đề chủ quyền HS và TS.

Nhân Giáo Sư Carlyle A. Thayer nói đến vấn đề này, người viết cho đăng lại một bài viết về nhà nước « hải tặc » Trung Quốc, đã viết từ năm 2005.


(Viết cho những nạn-nhân của vụ thảm-sát trong Vịnh Bắc-Việt ngày 8 tháng 1 năm 2005)
   
    Biến-cố vịnh Bắc-Việt ngày 8 tháng 1 năm 2005, hải-quân Trung-Cộng xả súng bắn chết 9 ngư-dân Việt-Nam, bắt đi 8 người khác và tịch-thu một thuyền đánh cá là một vấn-đề lớn thuộc về pháp-luật. Theo lời khai của các nạn-nhân chạy thoát về được thì hải-quân Trung-Cộng đã nổ súng bắn xối-xả vào thuyền đánh-cá của ngư-dân Việt-Nam tại điểm có tọa-độ 19° 16’ vĩ-độ Bắc và 107° 06’ kinh-độ Ðông. Theo Hiệp-Ðịnh Phân-Ðịnh Vịnh Bắc-Bộ thì điểm nầy ở phía Tây và cách đường phân-định lãnh-hải là 10 hải-lý, nhưng so với Công-Ước 1887 thì điểm nầy cách đường biên-giới trên biển (tức là đường kinh-tuyến 105° 45’ kinh-độ Ðông Paris hay 108° 03’ 18’’ kinh độ Ðông Greenwich) đến 57’ 18’’, tức khoảng 57 hải-lý. Có nghĩa là biến-cố xảy ra ở sâu trong hải-phận của Việt-Nam. Chiếu theo luật Quốc-Tế về Biển thì Hải-quân Trung-Cộng đã vi-phạm nhiều điều, nổi bật là các việc xâm-phạm hải-phận Việt-Nam, nổ súng bắn giết, bắt cóc và chiếm đoạt tài-sản của ngư-dân Việt-Nam. Như thế, hành-vi của hải-quân Trung-Cộng nếu không phải là một hành-vi gây-hấn để mở đầu cho chiến-tranh thì đây phải là một hành-vi hải-tặc chiếu theo các điều 101, 103, 104 … của Luật Quốc-Tế về Biển 1988 (còn gọi là Convention de Montego Bay).

    Hải-tặc và đạo-tặc là hai danh-từ thường dùng của người Việt để chỉ cho người, hay nhóm người, có hành-vi chiếm-hữu đồ vật của người khác bằng sức-mạnh hay bằng vũ-khí, trên biển thì gọi là hải-tặc và trên bộ thì gọi là đạo-tặc. Những vụ nầy, ngoài việc chiếm-đoạt của-cải, bọn cướp có thể giết chết, hãm-hiếp và bắt cóc nạn-nhân. Lịch-sử Việt-Nam cho ta thấy dân-tộc chúng ta ngày xưa thường-xuyên là nạn-nhân của những đảng cướp  ở trên vùng biên-giới, trong vịnh Bắc-Việt cũng như ở miền Nam sau nầy. Biến-cố 8 tháng 1 có đủ các hành-vi cướp của (lấy thuyền của nạn-nhân), giết người (9 người bị giết) và bắt cóc nạn-nhân (8 người), vì vậy nếu không phải là hành-vi « hải-tặc » thì là hành-vi chiến-tranh. Thuyền của hải-quân Trung-Cộng là đại-diện cho nước Trung-Quốc, xâm-phạm lãnh-hải VN và nổ súng giết người VN. Không thể có vấn-đề « rủi-ro », « không cố-ý giết người » trong biến-cố nầy.

    Tuy-nhiên, theo phát-ngôn nhân của Trung-Cộng thì lại cho rằng những ngư-phủ Việt-Nam mới là « hải-tặc ». Theo họ thì biến-cố xảy ra trong vùng biển của Trung-Cộng và hải-quân Trung-Cộng nổ súng bắn chết những người nầy để bảo-vệ các thuyền đánh cá của người Hoa. Vậy giả-thuyết gây-hấn, tạo chiến-tranh tạm-thời để sang một bên. Cho đến hôm nay, lúc viết bài này (30 tháng 1 năm 2005) thì chưa thấy phía Trung-Cộng cũng như Việt-Nam trưng-bày bằng-chứng về tọa-độ vị-trí mà biến-cố đã xảy ra, ngoài lời khai của nhân-chứng Việt-Nam đã ghi trên.

    Ai là hải-tặc ? Bằng-chứng về « vũ-khí » để hành-nghề « hải-tặc », tàu hải-quân Trung-Cộng vũ-trang tận răng, bắn vào thuyền đánh cá của dân VN, chiếc chạy thoát được về bến đếm thấy có trên 400 vết đạn thì không cần phải chứng-minh, còn thuyền « hải-tặc Việt-Nam » hiện ở trong tay nhà-nước Trung-Cộng. Nếu muốn, phe Trung-Cộng có thể bỏ vào thuyền nầy bao nhiêu súng-đạn lại không được ?

    Yếu-tố quyết-định để kết-luận « ai là hải tặc » là vị-trí đã xảy ra biến-cố. Thực-tế thì việc trưng bằng-chứng sẽ rất đơn-giản cho cả hai bên, nếu hai bên đều có thiện-chí. Những chuyên-viên kỹ-thuật chỉ cần xem lại cuốn băng thâu tín-hiệu phát ra từ những chiếc tàu liên-quan đến biến-cố thì họ có thể biết được tọa-độ vị-trí của những chiếc tàu nầy (theo hệ-thống GPS hay phát-sóng VHF). Chắc-chắn tàu hải-quân Trung-Cộng có trang-bị các loại máy móc như thế, nhưng tại sao đến nay họ không trưng ra bằng-chứng ? Còn thuyền của ngư-dân VN thì sao ?

    Nhà-nước Việt-Nam phải có trách-nhiệm đưa ra bằng chứng rõ-rệt về tọa-độ vị-trí xảy ra biến-cố. Khi biến-cố xảy ra, theo lời kể của nạn-nhân thoát được, thì thuyền bị nạn có đánh điện kêu-cứu. Việc nầy rất quan-trọng vì nó củng-cố thêm cho lời khai của những ngư-dân Việt-Nam chạy thoát được.

    Như đã viết trên, đây là một vấn-đề thuộc pháp-lý. Phát-ngôn-nhân Trung-Cộng ra tuyên-bố cho rằng những ngư-dân Việt-Nam bị thảm-sát là « hải-tặc ». Nếu không trưng bằng-chứng thì rõ-ràng nhà-nước Trung-Cộng không những đã phỉ-nhổ vào công-lý mà còn nhục-mạ cả dân-tộc Việt-Nam. Ðương-nhiên không một người nào có thể cho rằng chủng-tộc mình không có người trộm-cướp. Dân Việt-Nam cũng thế, chắc-chắn tệ nạn nầy phải có. Nhưng vấn-đề là trước khi kết-luận thì phải trưng bằng-chứng.

Hải-quân Trung-Cộng xâm-phạm hải-phận Việt-Nam giết người, cướp của, bắt cóc người rồi cho những người Việt đó là hải-tặc. Ðiều nầy tương-tự như kẻ cướp từ đâu xông vào nhà dân, giết người, chiếm của cải, bắt cóc người đi theo, sau đó vu cho những nạn-nhân là kẻ cướp. Nếu nhà-nước Việt-Nam bất-lực hay đóng vai người ngoài cuộc trước vấn-đề thì chắc-chắn dân ta phải tìm giải-pháp khác để rửa nhục và bắt bọn sát-nhân phải trả lời trước công-lý. Ðó là phải đưa nội-vụ ra một tòa-án quốc-tế để nhờ phân-xử. Không lẽ dưới vòm trời nầy công-lý không còn hiện-hữu hay sao ? Trong khi chờ diễn-tiến sự việc, người viết xin đưa ra một số dữ-kiện để thử tìm hiểu hiện-tượng hải-tặc trong biển Ðông, thực-tế sẽ cho ta thấy kẻ ngậm máu phun người trước hết sẽ dơ miệng mình.

Hải-tặc ở Biển Ðông[1] : Nạn hải-tặc tại biển Ðông bắt nguồn từ nhiều nguyên-nhân, những nguyên-nhân chính là : sự nghèo-đói,  cơ hội do luật-pháp lỏng-lẽo và vấn-đề truyền-thống.

    - Tại biển Ðông, mafia Hồng-Kông đã móc nối với « cựu » lính hải-quân Trung-Cộng để đánh cướp các thương-thuyền. Hàng-hóa sau khi được đồng-bọn chuyển đi thi chiếc tàu được đăng-ký lại dưới những hiệu-kỳ « dổm » Panama, Honduras hoặc Belize và trở thành những chiếc « tàu ma, phantom ships ». Những chiếc tàu ma nầy được đưa vào tiếp-tục hoạt-động lường-gạt. Bọn « mafia » gạ chuyên-chở cho những khách-hàng dễ-dãi. Ðương nhiên hàng-hóa đợt nầy cũng sẽ bị lấy mất và chiếc tàu lại được đưa đi đăng-ký lần nữa. Chu-kỳ lường-gạt như thế mà luân-chuyển. Những chiếc tàu nào chưa bị khám-phá thì tiếp-tục làm tàu cò-mồi cho những cuộc ăn cướp khác hay chuyên-chở ma-túy, vũ-khí hay di-dân lậu. Cuối cùng thì chiếc tàu nầy sẽ bán làm sắt vụn. Những chiếc tàu ma đã được điều-tra viên của hãng bảo-hiểm Lloyds khám-phá thì đến 99% trường-hợp chúng được đậu trong một hải-cảng của Trung-Quốc.[2]

    - Hầu hết các vụ hải-tặc cướp tàu trên thế-giới đã xảy ra tại vùng biển Ðông-Nam Á và biển Ðông, nhất là tại vùng eo biển Malacca. Việc nầy cho thấy yếu-tố nghèo-đói không đúng vì dọc bờ biển Châu-Phi hay Nam-Mỹ là những nước nghèo, nghèo nhiều hơn các nước Ðông-Nam Á, nhưng nạn cướp biển tại đây không hoành-hành mạnh. Vì thế yếu-tố truyền-thống và cơ-hội là hai yếu-tố chính. Hải-tặc cướp tàu phần lớn là dân Nam-Dương, Phi-Luật-Tân nhưng vai chánh là mafia Tàu đóng vai tiêu-thụ hàng-hóa. Bọn cướp biển Thái-Lan thực-sự chỉ là dân đánh cá, nhưng có cơ-hội dễ-dàng là họ trở thành hải-tặc.[3]

    - Nguyên-nhân nạn hải-tặc tại biển Ðông phát-triển rộng-lớn và có hệ-thống là sự vắng mặt của một hạm-đội mạnh tuần-tiễu nơi đây. Sau khi Hoa-Kỳ rút khỏi Cam-Ranh (1975) và Subic Bay (1993) và khi Liên-Xô sụp đổ phải bỏ Cam-Ranh thì hải-tặc biển Ðông không còn trở-ngại nào. Thái-độ của nhà cầm-quyền Trung-Hoa thì không rõ-rệt. Ta thấy ghi trên, hầu hết các con « tàu ma » đều tìm thấy trong một hải-cảng Trung-Quốc. Thỉnh-thoảng  có một vài cán-bộ tham-nhũng bị bắt và bị trừng-phạt, nhưng hàng-hóa của những chiếc tàu bị cướp thì chưa bao giờ nhà cầm-quyền Trung-Hoa trả lại cho khổ-chủ. Thậm-chí, chiếc tàu chỉ được trả lại cho chủ sau khi đóng một món tiền chuộc lớn. Việc nầy cho thấy nhà cầm-quyền Trung-Hoa vi-phạm Công-Ước Rome 1988 mà Trung-Quốc có ký-kết.[4]

    - Có nhiều dữ-kiện cho thấy có thể có sự tham-dự của hải-quân biên-phòng trong các vụ cướp tàu tại biển Ðông. Theo lời khai của nạn-nhân thì hải-tặc mặc đồng-phục hải-quân hay công-an biên-phòng. Khó mà phân-biệt hải-tặc cải-trang thành cảnh-sát và hải-quân hay chính cảnh-sát và hải-quân là hải-tặc ? Nhưng cho dầu thế nào thì hải-quân Trung-Quốc thường-xuyên có những hành-vi bóc-lột thương-thuyền. Họ có thể phạt nặng những thương-thuyền đi ngang qua vùng biển nước họ dưới lý-do chở hàng cấm. Tệ hơn, họ áp-tải thương-thuyền về một hải-cảng Trung-Quốc rồi tịch-thu hàng-hóa, bắt giam thủy-thủ đoàn nhiều ngày và những người nầy chỉ được thả ra sau khi đóng một món tiền phạt quan-trọng.[5]

     Ðây không phải là hành-vi hải-tặc ở cấp-độ quốc-gia hay sao ?

    Kết-luận : Qua những tài-liệu có công-bố, các nước như Phi-Luật-Tân, Nam-Dương, Thái-Lan và Trung-Hoa đều có vấn-đề hải-tặc. Tầm-vóc hải-tặc ở Trung-Hoa đặc-biệt quan-trọng vì nó liên-quan với « mafia » ở trên đất liền và liên-hệ đến cả hải-quân và cảnh-sát biên-phòng. Mafia Tàu được nhiều sách mô-tả là một hệ-thống tội-phạm quan-trọng nhất thế-giới, mafia Ý không sánh được. Chúng có cả một mạng lưới trải rộng khắp các nước trên thế-giới. Có thể nói nơi nào có « china town » là nơi đó có « chinese mafia ». Chưa thấy một tài-liệu nào nói đến « hải-tặc Việt-Nam » mà chỉ thấy rất nhiều tài-liệu nói về người Việt-Nam là nạn-nhân của hải-tặc.

    Vì thế lời tuyên-bố của phát-ngôn nhân Trung-Cộng cho rằng ngư-dân Việt-Nam là « hải-tặc » là một hiện-tượng hoàn-toàn mới. Chắc-chắn đây là thủ-thuật vu-cáo mà những nạn-nhân đã chết không thể biện-minh và người còn sống thì thấp cổ bé miệng không thể biện-minh cho mình. Cho nên dân-tộc ta phải tự đùm-bọc nhau mà bảo-vệ lẫn nhau, bảo-vệ danh-dự nòi-giống và tranh-đấu để sinh-tồn. Chúng ta không thể để vụ nầy trây ra như những vụ xâm-lăng Hoàng-Sa hay cưỡng-chiếm một số đảo của Việt-Nam tại Trường-Sa. 

    Chúng ta chờ-đợi phản-ứng của nhà cầm-quyền Việt-Nam, hy-vọng họ ý-thức được trách-nhiệm và bổn phận của họ đối với người dân. Song-song đó, thiển nghĩ những luật-gia Việt-Nam ở các nơi nên nghiên-cứu về một biện-pháp khả-thi để giải-quyết nội-vụ trước một tòa-án quốc-tế. Ðây là một việc rất nên làm vì nó thể-hiện tình đồng-bào một mẹ trăm con, sự gắn-bó chị ngã em nâng giữa những người Việt-Nam với nhau và cũng để khôi-phục lại danh-dự những nạn-nhân đã bị thảm-sát. Danh-dự nầy cũng là danh-dự của cả giống-nòi.

Trương Nhân Tuấn
(30-1-2005)



[1] Xem cours địa-lý chính-trị « Géopolitique du Pacifique » năm 2003, của Alain Lizellmann, Giáo-sư dạy các học viện ISC (Institut de Stratégie Comparée), IHCC (Institut d’Histoire des Conflits Contemporains, CFHM (Commission Française d’Histoire Militaire), trong phần « Piraterie et Brigandage ».
[2] Dữ-kiện lấy từ cours « Géopolitique du Pacifique » năm 2003 của Alain Lizellmann, xem ghi chú 1.
[3] Tài-liệu dẫn trên.
[4] Tài-liệu dẫn trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét