Trang

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

CHUYỆN NHÂN QUẢ LIÊN QUAN TỚI LỊCH SỬ HỌ NGÔ ĐÌNH

Việc này, tôi nghe biết tới đâu ghi lại tới đó như một bài đức dục chứ không như chuyện chính sự.

***


Ông nội của Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Dinh [có sách chép là Ngô Đình Niệm]. Ông Dinh quê gốc ở đâu không rõ, cuối thế kỷ XIX đời vua Tự Đức di cư tới làng Đợi [tức làng An Xá] tổng Đại Phong, huyện Phong Lộc [sau đổi thành huyện Lệ Thủy], tỉnh Quảng Bình, sống bằng nghề làm mướn, vợ chết sớm, chỉ có một trai 6 tuổi. Trong một cơn bệnh, ông qua đời, làng đưa thi hài an táng lại Bến Đẻ một vùng núi ngược dòng Kiến Giang cách làng Đợi 3km. Vì là dân ngụ cư, không thân thuộc lại nghèo, nên việc mai táng đơn sơ, dân đinh chèo thuyền đưa thi hài ông đến Bến Đẻ thì trời đã về chiều, đang khiêng thi hài vào núi thì có tiếng hổ, dân đinh đào vội một huyệt cạnh đường, đặt thi hài lấp đất qua loa rồi chạy. Hôm sau, họ trở lại muốn sửa sang ngôi mộ, thì lạ thay, nấm đất chiều hôm trước lấp qua loa, nay đã hóa thành một mả mối đùn to như cái gò. Người đời hay tin, đều cho là mả thiên táng.
Về phương diện phong thủy, ngôi mộ kể trên đã vào vị trí trung điểm của núi sông Lệ Thủy: 
- Phía Nam có núi An Mã dẫn về Bến Trấm, Bến Đẻ. 
- phía Tây có núi Đầu Mâu hướng về biển Hạc Hải. 
- phía Đông Bắc long mạch theo sông Kiến Giang lên Tróc Vực. Ngôi mộ được kết phát nhưng không có người viếng thăm.

Thủa xa xưa, năm 1530, nhà Mạc có 4 vị quan đầu triều thì 3 vị là người tổng Đại Phong. Mạc Đăng Dung sai thầy địa lý xem thế đất Đại Phong thấy hình dáng chim phượng hoàng, là đất phát đế vương, nếu không kịp yểm thì có cơ lấn át cả triều đình. Mạc Đăng Dung cho đào một con mương cạn dài từ Mũi Viết để “mổ diều” cho phụng chết. Đến thời nhà Lê, thầy địa lý lại phán, phụng bị nhà Mạc mổ diều nhưng chưa chết, đình Đại Phong dựng nơi đầu phụng nên làng này vẫn có khí đế vương. Đất ấy từ xưa đến nay đã có nhiều quan to văn võ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp quê Lộc Thủy nằm trong vùng cánh phượng.
Ngô Đình Dinh/Niệm sinh ra Ngô Đình Khả [1850-1925 có sách nói 1857 tôi cho là chưa chính xác]. Khả được 6 tuổi thì bố mất, Linh mục Caspar [tên Việt là cha Lộc] ở giáo xứ Mỹ Phước nhận nuôi, năm 1870 Michael Ngô Đình Khả được gửi đi học tại Đại chủng viện dòng Thừa sai Paris ở đảo Penang xứ Malaysia [thời đó còn có Phêrô Giuse Nguyễn Hữu Bài sang học. Ông Bài sinh năm 1863 mồ côi cha từ lúc 10 tuổi, Linh mục Gioan Châu bảo trợ vào Tiểu chủng viện An Ninh. Sau này, con gái của Bài là Nguyễn Thị Giang, kết hôn với Ngô Đình Khôi con trai trưởng của Khả].
Michael Ngô Đình Khả trở về nước được phân dạy môn triết tại Đại chủng viện Huế, thử thách để lên chức Linh mục, nhưng năm 1878, Ngô Đình Khả rời chủng viện lấy vợ. Người vợ đầu là bà Madeleine Chĩu mất sớm có 1 con trai là Ngô Đình Khôi (1885-1945), sau làm quan triều Nguyễn đến chức Tổng đốc Quảng Nam.
Năm 1889 Ngô Đình Khả tục huyền với bà Anna Phạm Thị Thân sinh được 7 con:
- Ngô Đình Thị Giao (?-1944), tục gọi là bà Thừa Tùng.
- Ngô Đình Diệm còn có bí danh Nguyễn Bá Chinh, sinh ngày 27/7/1897 tại tại lệ Thủy. Sau này đổi ngày sinh thành 03/01/1901. Việc này là do ông Diệm không phải con đẻ bà Thân, đổi như vậy để hợp thức hóa vai “em” của Diệm bởi ông Thục là con vợ chính. [Xem các sách Chính Ðạo, VNNB, Tập I-C: 1955-1963, 2000, tr. 110. Xem tiểu sử Thục trong CAOM (Aix), GGI, CP 125; Chính Ðạo, Nhân vật chí, 1997:312; Idem., Cuộc thánh chiến chống Cộng, 2004, I:464-65.]
- Ngô Đình Thục (1897-1984) sau thành Giám mục. Cha Thục sinh ngày 6/10/1897 tại Phước Quả, Thừa Thiên, sinh sau ông Diệm hơn hai tháng.
- Ngô Đình Thị Hiệp, tục gọi bà Ấm, lấy chồng là Nguyễn Văn Ấm, sinh ra cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận.
- Ngô Đình Thị Hoàng, tục gọi là bà Lễ.
- Ngô Đình Nhu (1910-1963) Cố vấn Tổng thống VNCH
- Ngô Đình Cẩn (1912-1964) Cố vấn Cao nguyên Trung phần VNCH
- Ngô Đình Luyện (1914-1990) Luật sư và Đại sứ VNCH tại Anh, Hà Lan, Bỉ.

Do có khả năng ngoại ngữ nên Khả được Linh mục chính xứ Phú Cam là Cha Eugène Marie giới thiệu công việc thông dịch tiếng Latinh và tiếng Pháp, rồi chuyển sang làm cho Nam triều. Năm 1885, Ngô Đình Khả giữ chức An phủ sứ Quảng Bình lo việc bình định nghĩa quân của phong trào Cần Vương. Tháng 6/1895 được Nguyễn Thân chọn làm phụ tá trong chiến dịch tiễu trừ phong trào Cần Vương và quan Ngự sử Phan Đình Phùng. Khả làm Phó tướng cho Nguyễn Thân đàn áp các sỹ phu văn thân yêu nước hưởng ứng chiếu Cần Vương chống Pháp của vua Hàm Nghi. Ngày 28/12/1895 quan Ngự sử Phan Đình Phùng từ trần, 12 ngày sau Khả cho đào mộ Phan Đình Phùng ở chân núi Quạt, đốt xác, trộn thuốc súng bắn xuống sông. Trước đó, 1894 họ đã khai quật mồ mả gia tộc họ Phùng ở làng Đông Thái và bắt giam hết thân quyến Phan Đình Phùng nhưng không khuất phục được ông. Không những vậy, Ngô Đình Khả còn chịu trách nhiệm chính trong việc biến khu vực Đài Trấn Bình của triều Nguyễn thành nhà thờ công giáo [việc này trong một chủ đề khác]. Với thành tích trên Nguyễn Thân được chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh hạng ba, sau bị điên mà chết. Ngô Đình Khả được phong tước Thái thường Tự khanh (chính tam phẩm) và chức Thương biện thuộc Viện Cơ mật.
Ngày 23/10/1896, trường Quốc học Huế, tên gốc là "Pháp tự Quốc học Trường môn" thành lâp theo Chỉ dụ của vua Thành Thái. Đây là trường đầu tiên ở Trung Kỳ dạy từ tiểu học đến bậc tú tài chuyên khoa. Ngày 18/11/1896 Toàn quyền Đông dương Paul Armand Rosseau ký quyết định thành lập. Trước đó, ngày 21/8/1896, Viện Cơ Mật quyết định chọn Ngô Đình Khả làm Chưởng giáo nhưng sau thì Khả làm Phó Giám đốc, đặc trách quản trị hành chính. Với kiến thức được học tập tại nước ngoài Ngô Đình Khả đã có công xây dựng trường Quốc học Huế trong những năm đầu tiên.
Năm 1898 vua Thành Thái phong Ngô Đình Khả làm Thượng thư Phụ đạo Đại thần.
Năm 1902, vua Thành Thái lại tiếp tục thăng hàm Hiệp tá Đại học sỹ. Từ đây, Ngô Đình Khả thôi chức vụ ở Quốc học Huế.
Năm 1905 Ngô Đình Khả làm nhiệm vụ Tổng quản Cấm thành, chuyên theo dõi vua Thành Thái. Khả nuôi tham vọng biến Thành Thái thành một vua theo Ki-tô giáo đầu tiên [Xem Vũ Ngự Chiêu “Các vua cuối nhà Nguyễn 1883-1945” 3 tập, Houston: Văn Hóa, 1999-2000).
Trong cuộc họp tại Tòa Khâm sứ Pháp vào lúc 4:15 chiều ngày 14/8/1906, có mời các Thượng thư Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình, Bộ Công của triều đình nhà Nguyễn, tài liệu của Pháp ghi: “... S.E. le Ministre de l'Intérieur fait renseigner que M. NGO DINH KHA, Chef des Thi Ve chargé de la haute direction du Palais devra être invité et fournir tous renseignements concernant ces personnages qu'il connait mieux que tout autre. APPROUVÉ.” Tạm dịch: “Ngài Thượng thư Bộ Lại mật báo là ông Ngô Đình Khả, chỉ huy Thị Vệ, đảm trách tổng cai quản Hoàng cung, sẽ phải được mời tham dự, để ông ấy cung cấp tất cả các tin tức tài liệu liên quan đến các nhân vật kia, mà ông ta hiểu biết tận tường hơn bất cứ người nào khác... (Lời mật-báo ấy) ĐÃ ĐƯỢC CHẤP THUẬN.”
Năm 1907, vua Thành Thái có hành vi chống Pháp nên Khâm sứ Ferdinand Lévecque bày việc các Đại thần triều đình ký thỉnh nguyện thư yêu cầu viện Cơ mật truất quyền và đày vua Thành Thái sang châu Phi vì nhà vua bị “bệnh tâm thần”. Hầu hết các đại thần đều ký, Ngô Đình Khả không ký nhưng trong lá thư ngày 15/8/1907, Khả vận động 154 học sinh gởi Khâm sứ Levecque tỏ lộ rằng: “Yêu cầu Pháp ban cho họ một ông vua mà chỉ nguyên sự hiện diện đủ trấn an tinh thần binh sĩ và các liệt thần của đế quốc.” [Xem Vũ Ngự Chiêu, “Các vua cuối nhà Nguyễn 1883-1945” tập 2, trang 585, việc phản đối “phế ngôi, đày vua”, không phải vì ông Khả lo cho sơn hà xã tắc nước Nam, mà mưu đồ hợp tung giữa Nguyễn Hữu Bài và Khả xem có được lòng Giáo hội và khả năng khuynh loát triều chính hay không.]
Ngày 03/9/1907, Phêrô Giuse Nguyễn Hữu Bài, cùng Phủ Phụ Chính (trong đó có Khả) chấp nhận giải pháp của CP Bảo hộ, một tháng sau 17/10/1907, Vĩnh San, hoàng tử thứ hai mới 10 tuổi, lên ngôi. Thành thái phải rời Huế đi Bà rịa, mở đầu cho cuộc đời lưu đày viễn xứ. Sau biến cố này, Ngô Đình Khả lại bị người Pháp nghi ngờ đứng sau vua Thành Thái để ủng hộ cho Kỳ Ngoại hầu Cường Để nên chính quyền Bảo hộ đã tạo cớ buộc Ngô Đình Khả nghỉ hưu. [Xem “Lịch Sử Phật Giáo Huế” trang 357: “Mấy chữ sau đây của ông Nguyễn Đình Hòe nói về ông Ngô Đình Khả, mà Louis Sogny trích lại trong bài viết của ông ở BAVH (Bulletin des Amis du Vieux de Hue), tưởng là quá đủ: “...un grand serviteur de la France...” Cho nên đối với nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam, nhất là dân Huế, thì ông Ngô Đình Khả đã “tombé dans l’oubli depuis longtemps” như lời ông Nguyễn Đình Hòe nói vào đầu thế kỷ 20 là điều hiển nhiên vậy.”]
Ngô Đình Khả sau được phục hàm và mất 1925 vì bệnh phổi. Bà Phạm Thị Thân qua đời tại Sài Gòn ngày 02/01/1964 sau khi chứng kiến cái chết thảm của hai con và một bị giam ở Chí Hòa.

NĂM THÁNG QUA ĐI

Động mả kỳ thứ nhất là năm 1939. Nhà tư sản lúa gạo người Đồng Hới, tên là Paul Ngọc, đã mua vùng đất Ba Canh, dưới chân An Mã để canh tác. Ba Canh không phải vùng màu mỡ thuận lợi để sản xuất lúa gạo nên Paul Ngọc đã cho đào mương dẫn thủy làm chấn động mạch khí. Mặc dầu việc thủy lợi dở dang nhưng liền đó Ngô Đình Diệm bị Bảo Đại cách chức Thượng thư Bộ Lại thu hồi tất cả phẩm trật huy chương vì trái mệnh triều đình chống đối Hoàng đế. Cùng với sự thất sủng của ông Diệm, ông Ngô Đình Khôi đang làm Tổng đốc Quảng Nam bị viên Phó Toàn quyền Nouailletas gây khó.

Động mả kỳ thứ hai là năm 1944. Paul Ngọc mời được một kỹ sư canh nông Nhật và tiếp tục công trình dang dở. Liền đó, ông Ngô Đình Khôi, Tổng đốc Quảng Nam cùng con trai Ngô Đình Huân bị thủ tiêu năm 1945. Khi đó việc thủy lợi của Paul Ngọc lại dang dở lần nữa do Đồng minh đánh Nhật, mọi việc đều đình đốn, các kênh dẫn thủy nhờ thời gian yên ắng đã được đất bồi lại, long mạch được hàn gắn phần nào. Ông Võ Nguyên Giáp [đồng hương với họ Ngô] Bộ trưởng Nội vụ và Vũ Đình Hòe Bộ trưởng Giáo dục CP Lâm Thời, ký sắc lệnh số 21 ngày 08/9/1945 bổ nhiệm ông Ngô Đình Nhu làm giám đốc Nha lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc. Ông Nhu từ chối. Năm 1951, ông Diệm sang Mỹ, ở New Jesey vận động cho những mục tiêu chính trị riêng.
Động mả kỳ thứ ba là năm 1961. HTX Đại Phong xây dựng lá cờ đầu nông nghiệp, khai hoang Bến Tiến, đào kênh đẫn thủy, đào hầm hào ở chân đồi An Mã. Việc hành quyết ông Diệm, ông Nhu thì ai cũng rõ. Ngô Đình Cẩn đang ở Huế, nghe tin anh bị đảo chính tá túc vào nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế ngày 02/11/1963 nhưng không thoát, tới ngày 16/4/1964 bị xử bắn. Ông Ngô Đình Luyện thoát vì đang ở London. Ông Ngô Đình Thục phải lưu vong, sau đó ông đã vi phạm việc tấn phong Giám mục bất hợp thức, được giải vạ năm 1984 trước khi mất vài tháng. Các phần mộ gia đình họ Ngô ở Sài Gòn cũng không được yên, phải di dời tới nơi mới như hiện nay.
Tích sử còn dài, nhưng tới đây đủ dãy bày nhân quả.

4 nhận xét:

  1. Làng Đợi và làng An xá là hai làng khác nhau, cách xa nhau chừng 3 cây số thuộc cùng tổng Đại phong trước đây. Làng An xá là chính quê của Võ nguyên Giáp. Giữa hai làng còn hai làng khác là làng Tuy và làng Thuận hiện thuộc xã Lộc thuỷ, quê của Tiến sĩ triều Mạc - ngài Dương văn An.Mũi Viết thuộc làng khác và ở đó có sông chứ không phải mương đào. Mương đào thời Mạc là con hói qua phần đất làng Đợi, tách đình làng ra khỏi làng và khu vực đình làng hiện thuộc đất làng Tuy. Từ những năm 60 đã có tin đồn chính hói này khi vét đã làm anh em họ Ngô đình lâm nạn.

    Trả lờiXóa
  2. Thực ra,ông Cẩn chạy vào Toà Lãnh sự Mỹ để lánh nạn nhưng Mỹ lại
    đem giao cho bọn đảo chính,dưới áp lực của Phật giào (miền Trung)
    vốn là con cờ của Mỹ trong việc lật đổ NĐD.
    Bằng chứng là việc Thích Trí Quang chạy trốn vào Toà đại sứ Mỹ và công
    khai tuyên bố với ký giả Higgins (Mỹ) "Chúng tôi phải lật đổ NĐD.thì mới
    nói chuyện với miền Bắc được".

    Trả lờiXóa
  3. Tài liệu này viết theo thiên kiến và thành kiến,nên thiếu trung thực,chẳng hạn
    như NĐC.vào tỵ nạn ở Toà Lãnh sự Mỹ,chứ không chỉ DCCT.
    Vậy nhờ tác giả xem mấy tay tàn ác khét tiếng như Stalin,Hitler,Mao Trạch
    Đông,Pol Pot v.v.có bị "nhân qủa" (qủa báo) không nhé ???

    Trả lờiXóa
  4. chúng mày ghét người ta rồi viết xằng bậy bôi nhọ , bịa đặt vu cáo y hệt như bọn việt cộng bắc kỳ chó má lưu manh côn đồ phản động

    Trả lờiXóa