Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Phục hồi cho người bị oan là tôn trọng pháp luật và đạo lí

Nhìn vào cách giải quyết oan sai là nhận ra được đẳng cấp của người lãnh đạo

Bá Tân

Tình trạng oan sai đang xảy ra ở nhiều nơi, kể cả tại cơ quan trung ương cũng như ở địa phương.

Không ít vụ oan sai đã được minh oan và hồi phục các quyền lợi chính đáng.

Phục hồi cho người oan sai là việc không thể không làm, cả về pháp lí cũng như đạo lí.

Được minh oan và phục hồi thông qua phán quyết của cơ quan bảo vệ pháp luật, cụ thể là ngành tòa án.

Cơ quan gây ra oan sai tự giải quyết bằng cách xóa oan sai và phục hồi quyền lợi hợp pháp cho người lao động.

Trong hai cách xử sự nói trên, rất nên chọn theo cách thứ hai.

Chẳng hay ho gì mà lôi nhau ra tòa. Chuyện trong nhà mà để người ngoài đứng ra phân xử, chứng tỏ nội bộ rối ren và cạn kiệt niềm tin. Đã lôi nhau ra tòa là có bên thắng, bên thua.

Giải quyết oan sai bằng cách nội bộ tự tìm lối ra. Đây là cách làm khôn ngoan nhất, vừa thấu tình, vừa đạt lí. Tự giải quyết là chẳng có bên thắng, chẳng có bên thua.

Gây ra oan sai và cách giải quyết oan sai là một trong những “chứng chỉ” xác định người lãnh đạo.

Lạm quyền. Bất chấp nguyên tắc. Khinh thường đạo lí. Người làm lãnh đạo mà để cho những thứ đó trở thành “ tính trội” thì rất dễ gây ra oan sai cho cấp dưới. Gặp phải lãnh đạo như thế, nội bộ luôn ở trong tình trạng bất ổn, tạo môi trường cho  bọn cơ hội, nịnh bợ… hoành hành.

Nhìn vào cách giải quyết oan sai là nhận ra được đẳng cấp của người lãnh đạo, kể cả tầm hiểu biết cũng như phẩm cấp nhân cách.

Kẻ nào cố ý gây ra oan sai cho người khác, đừng hi vọng kẻ đó tự giải quyết oan sai, thậm chí còn tìm cách chống chế khi cơ quan chức năng thực thi xử lí oan sai theo pháp luật.

Tôn trọng pháp luật. Biết nghe những điều hay lẽ phải. Dám phạt nhưng cũng biết tha thứ. Người lãnh đạo có những đức tính ấy chắc không gây ra oan sai, hoặc nếu phải “ thừa kế” oan sai cũng sẽ giải quyết một cách êm thấm.

Báo chí đã và sẽ còn phản ánh nhiều vụ oan sai, cũng như cách giải quyết oan sai.

Thật đáng buồn, thậm chí là xấu hổ, tình trạng gây ra oan sai đã phát sinh tại báo Đại Đoàn Kết.

Có 3 nhà báo, đều là phó ban chuyên môn, đã bị thải hồi một cách vô cùng oan ức. Không chỉ chống tiêu cực ngoài xã hội, 3 nhà báo này đã hiên ngang vạch ra những sai trái của người đứng đầu báo Đại Đoàn Kết.

Thay vì tiếp thu để khắc phục, ông Đinh Đức Lập, nguyên tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết đã quyết định thải hồi 3 nhà báo dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực.

Ông Đinh Đức Lập, trước khi thôi giữ chức tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, đã bị xử lí kỉ luật cả về đảng và chính quyền.

Ba nhà báo bị xử lí oan sai đã khởi kiện tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết ra tòa án.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam, có một tổng biên tập bị 3 nhà báo ( trong cùng tòa soạn) khởi kiện ra tòa án.

Ba nhà báo bị xử lí oan sai sẽ được giải quyết như thế nào.

Hoặc là cùng nhau ra tòa, trông chờ vào sự phán quyết của tòa án.

Hoặc là báo Đại Đoàn Kết tự giải quyết. Tự giải quyết là sự lựa chọn khôn ngoan nhất, sẽ trọn vẹn cho cả lí và tình.

Tân tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, ông Hồng Thanh Quang, có lẽ rất chua chát khi phải kế thừa vụ xử lí oan sai 3 nhà báo. Với cương vị tổng biên tập, ông Hồng Thanh Quang có đủ quyền hạn và trách nhiệm giải quyết 3 người bị xử lí oan sai tại báo Đại Đoàn Kết.

Nhiều tín hiệu ban đầu rất đáng trân trọng, ban biên tập hiện thời của báo Đại Đoàn Kết đồng tình với giải pháp nội bộ tự giải quyết oan sai cho 3 nhà báo.

Kết quả như thế nào còn phải chờ, quá trình giải quyết phải theo quy trình, nhưng thái độ ( nói đúng hơn là tấm lòng ) của ban biên tập báo Đại Đoàn Kết rất đáng trân trọng.


Mong cơ quan chủ quản tạo điều kiện để ban biên tập báo Đại Đoàn Kết có thêm điểm tựa khi thực hiện công việc cần thiết này.

Tác giả gởi bài tới blog Hữu Nguyên

1 nhận xét:

  1. Tội lỗi do Đinh Đức Lập gây ra đã quá chất chồng. Ông Hồng Thanh Quang nếu xử sự như cách tự giải quyết êm thấm với nhau sẽ càng làm tăng uy tín của chính ông. Ngược lại, giả đò là hoà giải và tìm cách câu giờ không chịu ra toà cũng không chịu giải quyết sớm vụ việc sẽ càng làm tăng mâu thuẫn, bất công và khi đó, tiếng xấu của ông Lập đã tiếp tục được kế thừa sang ông Quang. Hãy chờ xem. Nếu tuần nữa mà không có động thái gì của ông Quang tức là đã câu giờ rồi. Tôi biết toà án vẫn ngày ngày có trát triệu tập ông Quang ra toà để phân xử.

    Trả lờiXóa