Trang

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam trên Biển Đông

Gần như đồng thời với vụ khoa trương, ồn ào giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam giữa năm 2014, Trung Quốc đã khẩn trương tiến hành xây dựng nhiều đảo nhân tạo trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt vào năm 1988. Hành động này của Trung Quốc được các chuyên gia quốc tế đánh giá là sẽ làm thay đổi hiện trạng Biển Đông mạnh mẽ, lâu dài có ảnh hưởng sâu sắc cả về khía cạnh pháp lý lẫn quân sự.


Trên đảo Trường Sa Lớn (quần đảo Trường Sa)
Ảnh: Hoàng Long

Trung Quốc lập luận rằng các quốc gia trong khu vực từng có các hoạt động xây dựng. Do đó họ cũng có quyền làm tương tự. Thực tế một số quốc gia khác tuy có xây dựng trên các đảo nhưng chỉ trên cơ sở các vùng đất hiện có. Trong khi Trung Quốc,  bằng các hoạt động nạo vét biển, sử dụng tàu cuốc để cắt những mảng san hô, đổ cát xây đảo quy mô lớn, xây dựng mới hầu hết từ các đảo chìm dưới mực nước biển khi thủy triều lên. Những hoạt động này của Trung Quốc được cho là xây dựng đảo nhân tạo làm thay đổi hiện trạng, không chỉ tác động xấu tới môi trường biển xung quanh mà còn vi phạm các nguyên tắc mà nước này đã thỏa thuận về ứng xử trên Biển Đông, cũng như vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển. Theo đó, đòi hỏi các quốc gia trong thời gian tranh chấp không có bất kỳ hành động đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng môi trường biển vĩnh viễn.

Tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 9 (EAS-9) diễn ra ở Myanmar tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra tuyên bố: "Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Do đó, các bên liên quan cần nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhất là thực hiện Điều 5 của DOC về kiềm chế, không có hành động làm phức tạp thêm, gia tăng căng thẳng, hay thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Vấn đề Biển Đông đã được đặt lên bàn nghị sự của Hội nghị Cấp cao ASEAN một cách nghiêm túc. Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 25 đã khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Trong một diễn biến được xem là có liên quan tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Australia tuyên bố không bao giờ sử dụng vũ lực để theo đuổi các mục tiêu của nước này, bao gồm cả các tranh chấp trên biển. "Lịch sử cho thấy những nước nỗ lực theo đuổi sự phát triển bằng vũ lực thì luôn chuốc lấy thất bại. Đó là điều mà lịch sử dạy chúng ta. Trung Quốc luôn đề cao hòa bình. Hòa bình là điều quý giá và cần được bảo vệ” - Hãng tin AFP dẫn lời ông Tập nói trước các nghị sĩ Australia.  Phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo các tranh chấp về lãnh thổ, trong đó có tranh chấp các đảo xa, bãi đá, ở châu Á có nguy cơ dẫn tới cuộc đối đầu giữa các nước liên quan. Cũng trong thời gian đó, lãnh đạo các nước Mỹ, Nhật và Australia cùng kêu gọi các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên biển.

Từ các động thái lúc cương lúc nhu, "mềm nắn rắn buông” của Trung Quốc, các chuyên gia quốc tế cho rằng Trung Quốc đang "chơi cờ vây” trên Biển Đông. Sách lược của họ là chưa sử dụng lực lượng lớn hay đối đầu cứng rắn, mà dùng những phương tiện mềm hơn, gây khó khăn cho các bên nào muốn đối phó và từng bước chiếm đoạt, củng cố các vị trí chiến lược trên bàn cờ. Tuy nhiên, các mục tiêu đó chưa phải là điểm dừng cuối cùng trong chiến lược lâu dài của họ.

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội mới đây, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – ĐBQH tỉnh Điện Biên nhận định: "Dù Trung Quốc đã rút giàn khoan nhưng âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông là không thay đổi. Chỉ có điều cuộc đấu tranh này sẽ chuyển sang giai đoạn khác, thậm chí quyết liệt hơn, phức tạp hơn”. Trong cuộc đấu tranh này, Việt Nam không chỉ đề cao quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng đối thoại hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng các thỏa thuận nguyên tắc cấp cao song phương và khu vực mà còn cần phải tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Xác lập từng bước một cách vững chắc ưu thế chính nghĩa và các cơ sở pháp lý về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên Biển Đông. Chẳng hạn như, Việt Nam cần xác định rõ yêu sách biển của mình cùng các quyền theo luật pháp quốc tế trong các vùng biển đó. Xây dựng niềm tin và cùng cộng đồng quốc tế cam kết trở thành thành viên có trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực chủ quyền và đảm bảo cho ngư dân Việt Nam cũng như các nước láng giềng hành nghề hợp pháp, an toàn trên Biển Đông. 

Để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh pháp lý lâu dài, cần tránh những bất lợi cho Việt Nam trước tòa nếu như Việt Nam không lưu giữ những bằng chứng về tình trạng tự nhiên của những thực thể trước khi Trung Quốc xây dựng, cũng như quá trình xây đảo. Theo Điều 60 Khoản 8 của UNCLOS, đảo nhân tạo không được hưởng quy chế lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, cũng như không ảnh hưởng tới việc phân định biển. Nhưng hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc có thể gây bất lợi cho những tranh biện pháp lý nếu như Việt Nam không có sự chuẩn bị chu đáo và đầy đủ cơ sở pháp lý theo thông lệ quốc tế.

Đáng mừng là Việt Nam đang đi đúng hướng. Đặc biệt là với dư luận quốc tế. Cho tới giờ này, phần lớn quốc gia trên thế giới ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, đồng nghĩa với việc ủng hộ chủ trương giữ gìn, ổn định hòa bình, an ninh, an toàn trên vùng biển này cho tất cả các quốc gia có lợi ích liên quan. Mới đây, sáng 4-12-2014 (giờ Việt Nam), với số phiếu ủng hộ tuyệt đối,  Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết tìm giải pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hạ viện Mỹ thông qua một nghị quyết liên quan tới vấn đề Biển Đông và Hoa Đông. Nghị quyết H.Res-714 cho thấy mối quan tâm ngày càng sâu sắc của các nhà lập pháp Mỹ đối với tình hình diễn biến ngày càng phức tạp trong khu vực, trong đó có Biển Đông. Nghị quyết kêu gọi ASEAN, các đồng minh, bạn bè của Mỹ và các nước có tranh chấp cùng nhau nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, thông qua việc thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trong đảm bảo các quyền và tự do của các quốc gia ở khu vực châu Á-TBD; nhấn mạnh Trung Quốc cần hành xử  một cách trách nhiệm; tôn trọng luật pháp, chuẩn mực và các thể chế quốc tế vì an ninh và hòa bình khu vực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét