Trang

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

"Không thể bịt miệng một dân tộc"

Đầu năm 2008, một cơ duyên đưa đường dẫn lối khiến tôi có dịp đến viếng người anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí của ông tại Yên Bái. Chứng kiến nơi mà cách đây 78 năm (nếu tính tới 2015 thì đã là 85 năm) các vị anh hùng bị thực dân Pháp đưa ra xử chém. Thắp cho các vị nén tâm hương và bồi hồi nghĩ về số phận của dân tộc ta...


Bia ghi dấu nơi Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị xử chém tại Yên Bái. Trên tấm bia có khắc nội dung như sau:

YÊN BÁI
Đây là điều nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ.
6-1930      Louis Aragon
Nhà thơ Cộng sản Pháp

Ngày đó, trong khi mọi người còn bận rộn chuẩn bị được lãnh đạo tỉnh tiếp đón và chiêu đãi tiệc buổi trưa trước khi về Hà Nội, tôi kéo tay CN lặng lẽ bắt taxi tách khỏi đoàn đến viếng khu tưởng niệm người anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí bị thực dân Pháp xử chém sau khởi nghĩa Yên Bái thất bại ngày 9/2/1930.

Mặc dù đã giữa trưa, Yên Bái vẫn chìm trong làn sương mù khá đậm cùng với một ít mưa phùn khiến cho trời đất như cũng như hoà cùng tâm trạng miên man của chúng tôi trên suốt quảng đường đi. Không nói ra, nhưng tôi và CN đều hiểu rằng, đây chính là thời gian mà chúng tôi sử dụng hữu ích nhất trong chuyến công tác hai ngày lần đầu tiên đến Yên Bái này. Tất cả các cuộc tiếp xúc và làm việc khác hầu như chỉ mang tính hình thức, xả giao và …lãng phí đến bực bội trong người, dù cả đoàn đang là khách của chính quyền tỉnh.

Khu tưởng niệm không một bóng người. Cánh cửa chính đóng im ỉm, một cửa phụ nho nhỏ khép hờ. Chúng tôi nhẹ nhàng bước vào và ngay lập tức cảm nhận một cái gì đó thật thiêng liêng, thành kính đang dâng lên trong lòng mình. Không hoa, không hương, nhưng tôi nghĩ rằng các vị anh hùng sẽ cảm nhận được lòng thành kính của chúng tôi.

“Không thành công cũng thành nhân”, câu nói bất hủ của vị đảng trưởng trước giờ khởi nghĩa và gần như tiên đoán được số phận bi thảm của mình cùng các đồng chí, tôi đã nghe thấy từ khi còn ngồi trên ghế trường tiểu học ở một tỉnh lỵ miền Nam nay hiện ra trước mắt sừng sững uy nghi như hồn phách của những người anh hùng vẫn còn đọng lại đó.

Thầy tôi giảng: nước chúng ta là một nước vinh quang, bao anh hùng thuở trước của giang san, đã đổ máu vì quyền lợi dân tộc…Ngày nay, những vị anh hùng đó hồn như còn vương vấn đâu đây và vẫn còn như đang chờ đợi thế hệ sau, những người đương thời phải làm gì để chứng tỏ và xứng đáng với máu xương đã đổ xuống để làm nên giang sơn này. “Chết vì Tổ quốc chết vinh quang” dòng chữ vàng trên nền đá đen tạc trên một ngôi mộ không chỉ cho thấy dân tộc này đã ghi công những liệt sỹ của mình một cách trân trọng như thế nào mà còn là lời truyền lại cho các thế hệ mai sau một quan niệm về sống và chết xứng đáng với tổ tiên, xứng đáng với những người mở cõi, gìn giữ giang sơn cũng như nhắc nhở về nghĩa vụ và trách nhiệm với muôn đời sau.

Tôi bất ngờ bắt gặp mấy dòng thơ của thi sỹ cộng sản Pháp - Louis Aragon, viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Bài thơ có tên “Yen Bai”, được trích và lập bia bởi Sở VHTT tỉnh Yên Bái, trong đó có đoạn:

Yên Bái
Đây là điều nhắc nhở ta rằng
Không thể bịt miệng một dân tộc
Mà người ta không thể khuất phục
Bằng lưỡi kiếm của đao phủ.

Bài thơ được viết vào tháng 6/1939 đăng trên tờ La Commune (Công xã) tại Paris, Pháp. Theo nhà báo Danh Dức, 80 năm sau, bài thơ bất hủ này vẫn còn trên website forum-unite-communiste (Diễn đàn – Đoàn kết - Cộng sản) của Pháp trong mục “Tư liệu Cộng sản” (Documents Communistes). Ý nghĩa của những dòng thơ trích trên bia đá ở Yên Bái làm chúng tôi ngạc nhiên nhận thấy vẫn còn là thời sự của thời đại mà chúng ta đang sống.

Lặng lẽ viếng những bậc anh hùng của dân tộc. Chúng tôi trở về nhà khách và buổi tiệc liên hoan vừa mới khai mạc, mọi người đang ồn ào ăn uống và cụng ly. Lặng lẽ bước vào sảnh chính, hình như ai đó đã dọn cho chúng tôi một bàn tiệc ngay đúng vị trí trung tâm và còn bỏ trống. Xung quanh đầy tiếng cười nói ồn ào như bao nhiêu cuộc nhậu nhẹt linh đình khác, chỗ chúng tôi vừa ngồi vào tuy vị trí trung tâm nhưng lại có vẻ rất yên tĩnh, lặng lẽ và có đôi chút trầm mặc. Bàn tiệc còn nguyên chưa ai đụng vào, thức ăn còn nóng, lạ thật sao không ai ngồi vào đó nhỉ? Hay là các cụ đã dành cho chúng tôi một mâm cỗ đặc biệt chờ chúng tôi trở về. Kính lạy các cụ, chúng tôi ngồi vào mâm và dùng cỗ một cách trân trọng, khe khẽ trò chuyện với nhau mặc kệ tất cả sự náo nhiệt, ồn ào đang diễn ra xung quanh...

8-2-2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét