Trang

Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Về bốn họa sĩ vừa bị thảm sát tại tòa soạn Charlie Hebdo

Phát Tưởng tổng hợp và dịch
Theo tin từ AFP, bốn trong số những nhà hí họa nổi tiếng nhất nước Pháp vừa bị sát hại hôm thứ Tư, 7. 1. 2015, khi ba tay súng đồ đen bịt mặt tấn công tòa soạn tờ báo biếm Charlie Hebdo.
Bốn họa sĩ gồm: tổng biên tập Stephane Charbonnier, còn gọi là Charb; Jean Cabut, còn gọi là Cabu; Georges Wolinski; và Bernard Verlhac, hay được gọi là Tignous.
Từ trái qua: Georges Wolinski, Cabu, Charb, Tignous
Vụ thảm sát này làm nước Pháp sốc nặng. Từ hàng chục năm nay, trí tưởng tượng của người đọc Pháp vẫn quen với quen thuộc với những bình luận hóm hỉnh, sâu cay (và cả quá đà) của các họa sĩ này trước những sự kiện hàng ngày.
Có 12 người bị giết cả thảy. Trong số đó có cả nhà kinh tế học Bernard Maris, 68 tuổi, tuy không vẽ hí họa nhưng cũng rất nổi tiếng vì những thư tòa soạn trên Charlie Hebdo và các bình luận trên đài phát thanh quốc gia.
Sau đây là một số chi tiết về các nhà hí họa bị giết:
Charb: Stephane Charbonnier, 47 tuổi
Charb gia nhập ban biên tập tờ Charlie Hebdo hồi 1992, đến 2009 thì tiếp quản việc quản lý tờ báo. Những hí họa báng bổ của ông về các chính trị gia và các gương mặt nổi tiếng khác chủ yếu xuất bản trên báo nhà, nhưng cũng có khi đăng trên các tờ cánh tả và chuyên san hí họa khác.
Charb làm một áp-phích về ứng viên tổng thống Le Pen tranh cử, ví Le Pen như cái bãi này
Lâu nay Charb phải sống dưới sự bảo vệ của cảnh sát sau khi nhận được những lời dọa giết do tờ Charlie Hebdo đã in một hí họa về Mohammed hồi 2011. Bản thân tòa báo cũng từng bị đánh bom và website bị hack.
Tổng biên tập Charb sau vụ tòa báo bị đánh bom, 2011

Cabu: Jean Cabut, 76 tuổi
Cabu đã dùng cọ để dõi theo dòng thời sự suốt gần 60 năm, không chừa một ai, một thứ gì: tổng thống cũng không từ, quân đội cũng không, tôn giáo cũng không sợ. Hình thức thể hiện của ông là sách mỏng hí họa theo truyền thống Pháp. Một trong những series dài kỳ nhất của Cabu là “Beaufs”, vẽ những thói xấu của người Pháp (hay than van, phân biệt chủng tộc, sô-vanh hiếu chiến).
Cabu nhại theo câu “Etre ou ne pas être?” của Hamlet

Một tiểu phẩm hí họa của Cbu giễu đệ nhất phu nhân Carla Bruni trên tờ “Con vịt mắc xiềng”
Nhưng đùa với người Pháp thì không sao, đùa với dân tộc khác, tôn giáo khác thì có chuyện: chính Cabu là người đã vẽ bức hí họa Nhà tiên tri Mohammed cho Charlie Hebdo, từ đó kéo theo liên miên những lời dọa giết ông và ban biên tập báo.
“Nhà hí họa là sống nhờ những thứ ngu xuẩn, và điều đó sẽ vĩnh viễn không trở ngược lại được,” Cabu từng nói.
Một bức ảnh chụp ngày 15. 3. 2006 tại Paris với họa sĩ biếm Jean Cabut (còn gọi là Cabu) của tờ Charlie Hebdo trong căn hộ ông sống. Ảnh: Joet Saget

Wolinski: Georges Wolinski, 80 tuổi
Wolinski là một huyền thoại hí họa Pháp, tác phẩm của ông bền bỉ, liên tục, từ trước cả thời bắt đầu có Charlie Hebdo hồi đầu những năm 1970s.
Một bức ảnh chụp ngày 23. 4. 1991 với Georges Wolinski tại Paris. Ông cũng đã bị giết hôm thứ Tư, 7. 1. 2015 trong cuộc tấn công bằng súng máy của ba kẻ bịt mặt vào tòa soạn báo Charlie Hebdo. Ảnh: AFP
Sinh năm 1934 ở Tunisia, có cha là người Ba Lan bị giết khi ông mới 2 tuổi, mẹ là người Ý; Georgie (như ông được bà nội gọi), phát hiện ra môn hí họa là nhờ những cuốn sách hí họa của đám lính Mỹ được điều đến Bắc Phi.
Tới Paris khi kết thúc Thế Chiến II, Georges Wolinski khởi đầu minh họa cho báo của trường trung học, sau đó đến năm 1961 làm cho một ấn phẩm có tên Hara Kiri. Và khi tờ này bị nhà chức trách yêu cầu đóng cửa, ông cùng ban bệ kéo đi lập nên tờ Charlie Hebdo.
“Chúng tôi dùng hí họa để nói về cái thời chúng ta đang sống, về xã hội, về phụ nữ,” ông nói.
Vào những năm 1980s và 1990s, Wolinski có lúc bỏ ra ngoài làm cho nhiều tờ cánh tả của Pháp. Đến năm 1992 ông quay lại Charlie Hebdo và song song đó xuất bản sách hí họa riêng của ông.
Georges Wolinski hay vẽ phụ nữ cởi truồng. Trong hí họa này, hai anh thổ dân bàn bạc. Một anh nói, có nên “thịt” ả trước khi ăn không? Anh kia bảo, không nên, làm thế thịt mất ngon. Cô nàng thì hoan hỉ muốn được “thịt”.

Tignous: Bernard Verlhac, 57 tuổi
Ít nổi tiếng hơn những người kia, nhưng vẫn rất được yêu mến trong giới vì năng lượng, vì cách tiếp cận hóm hỉnh, Tignous đã vẽ hí họa cho báo chí Pháp từ những năm 1980s, làm việc cùng lúc cho nhiều tờ khác bên cạnh Charlie Hebdo. “Vẽ hí họa báo sao cho đúng là cực kỳ khó vì bạn phải tống mọi thứ vào trong chỉ một cái khung. Mà đó là đi ngược lại với hí họa,” Tignous từng nói.
Tignous ở gian của Charlie Hebdo trong một hội chợ

Tignous nhại khẩu hiệu của phong trào sinh viên hồi 1968 của Pháp: “Dưới gạch lát đường là bãi biển”.

“Sau mùa xuân Ả Rập là tới mùa hè Ả Rập”

Cái chết thương tâm của các họa sĩ này cũng như những người khác trong tờ Charlie Hebdo là một tổn thất vừa to lớn vừa kinh hoàng, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều điều phải suy nghĩ cho những người nắm truyền thông, đặc biệt trong thời đại này: về giới hạn của tự do ngôn luận, về sự tôn trọng những tôn giáo khác, về sự trả thù câm lặng mà tàn khốc của cực đoan…



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét