Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

TÌM HIỂU CÂU " ĐÓI GIỖ CHA, NO BA NGÀY TẾT"

Viên Như
Đây là câu tục ngữ được nhiều người giải thích. Câu tục ngữ này được các nhà sưu tầm đi điền dã ghi lại, rồi căn cứ vào câu này để đưa ra nhiều giải thích khác nhau. Trước hết phải ghi nhận rằng họ đã làm một công việc chuyên nghiệp. Tuy nhiên vì căn cứ vào chữ nghĩa của câu tục ngữ ấy mà giải thích nên chi mỗi người giải thích mỗi cách, ai cũng có cái lý của mình cả.
Do câu này truyền miệng lâu ngày nên trong quá trình sử dụng nó đã rơi rụng mất một số từ trước khi các nhà nghiên cứu ghi lại, vì vậy ta thấy câu “Đói giỗ cha, no ba ngày tết” là một câu không đầy đủ, ngoài chủ ngữ được hiểu ngầm thì câu trên chỉ có hai vị ngữ, có nghĩa là hai câu độc lập, như thế nó có phải một câu đâu mà căn cứ vào đó để bình. Theo tôi ai cũng hiểu đây là câu so sánh, vế trước so sánh với vế sau, nhưng lâu ngày rơi mất từ so sánh, như thế ta cần viết lại cho đúng từ so sánh. Vậy từ ấy là gì? Ta có 3 từ:
1-      Hơn “Đói giỗ cha hơn no ba ngày tết”.  
2-      Thua hay không bằng “Đói giỗ cha thua no ba ngày tết”.
3-      Bằng “Đói giỗ cha bằng no ba ngày tết” và câu đầy đủ của nó phải là. “Đói ngày giỗ cha bằng no ba ngày tết”.
Theo tôi câu 3 là hợp lý hơn cả. Trong tục ngữ cũng có câu so sánh tương tự. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Phân tích câu “Đói ngày giỗ cha bằng no ba ngày tết”.
Ta có: ‘Đói’ so sánh với “No” –“Giỗ cha” so sánh với ‘ba ngày tết”
Với từ ‘bằng” ta hiểu rằng “đói” bằng với “no”, “giỗ cha bằng ngày tết”.
Nhưng giỗ cha mỗi năm chỉ có một ngày, trong khi đó tết đến ba ngày. Một bằng ba thì rõ rằng giỗ cha quan trọng hơn ba ngày tết.
Còn từ “đói” ở đây có nghĩa là tối thiểu, có nghĩa là ăn ít nhất trong ngày giỗ cha cũng bằng no ba ngày tết. Ở đây người ta dùng biện pháp so sánh dùng cái tối đa để nâng cao cái tối thiểu. Ta có thể hiểu như sau: Ngày giỗ cha là ngày quan trọng, phải tổ chức long trọng, đầy đủ, nó đầy đủ đến mức chỉ cần ăn uống tối thiểu thôi cũng bằng no ba ngày tết. Bởi vì người Việt trọng hiếu đạo, hiếu đến mức Cha chết cư tang ba năm, chưa cưới vợ thì phải chờ mãn tang đủ biết hiếu đạo quan trọng đến chừng nào.
Ở những câu tục ngữ so sánh như thế này thì nếu từ so sánh là ‘bằng” thì vế trước bao giờ cũng quan trọng hơn vế sau. Tuy ý nghĩa của các từ ở vế trước luôn ít hơn về số lượng so với vế sau nhưng lại cho rằng ‘bằng”. Ít mà bằng nhiều, nhỏ mà bằng lớn thì rõ ràng đây chỉ là một cách so sánh nhằm nâng tính quan trọng của vế trước, câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” cũng là một minh chứng cho điều này. Có như thế mới thành tục ngữ chứ nếu nói sao hiểu vậy thì người xưa sáng tác ra để làm gì.
Ngược lại, nếu câu tục ngữ mà từ so sánh là “không bằng” thì vế sau quan trọng hơn vế trước, như câu „ Cha chết không lo bằng gái to trong nhà”. Cha chết là chuyện đã rồi, còn chuyện gái to, gái lớn trong nhà là một mối lo thường trực, chưa biết chuyện gì xảy ra.
Cuối năm thấy thiên hạ bình câu này cũng góp một phần bình phẩm cho vui./.

2 nhận xét:

  1. Tại sao lại “ĐÓI GIỖ CHA, NO BA NGÀY TẾT”?
    http://tuancongthuphong.blogspot.com/2015/01/tai-sao-lai-oi-gio-cha-no-ba-ngay-tet.html

    Trả lờiXóa
  2. Những câu tục ngữ Việt luôn mang ý nghĩa sâu sắc về đạo làm người. Nhìn về cội nguồn trong những ngày tết. Cám ơn bài viêt của bạn.
    ……………………….
    Quốc Duy
    Bán máy bào gỗ đã qua sử dụng tốt nhất tại TPHCM

    Trả lờiXóa