Nếu những người hoạch định chính sách, những người "bấm nút” thông qua chính sách chỉ cần tôn trọng một nguyên tắc đơn giản thì có lẽ chúng ta đã tránh được nhiều tình huống éo le, xa rời thực tế đến đau lòng. Đó là nguyên tắc mọi chính sách phải vì dân, xuất phát từ lợi ích chính đáng của dân và để bảo vệ các quyền hợp pháp của dân.
Ngày cuối năm giáp Tết Ất Mùi, bên cạnh không khí tưng bừng chuẩn bị đón mừng năm mới theo phong tục cổ truyền, người dân TP. Hồ Chí Minh cũng đau lòng chứng kiến những giọt nước mắt buồn của không ít người trồng hoa, bán hoa vì ế ẩm, lỗ vốn. Vì sự thuận tiện cho công tác vệ sinh đô thị mà thành phố này đã đưa ra quy định đóng cửa chợ hoa Tết vào đúng 12 giờ trưa ngày 30 tháng Chạp. Trong khi, rất nhiều người lao động của thành phố lại có thói quen hoặc chỉ có thời gian và khả năng đi chợ Tết vào chiều 30. Theo thông lệ sức mua lúc chiều 30 Tết là rất đáng kể, nhất là với mặt hàng hoa kiểng.
Một quy định chỉ nhìn thấy sự thuận tiện cho bộ máy hành chính, xa rời thực tế, không tính tới lợi ích và tập quán lâu đời của người dân không ít thì nhiều đã vô tình trở thành tác nhân khiến cho nhiều giọt nước mắt buồn đã rơi xuống khi chỉ còn ít giờ nữa thôi cả nước sẽ vui mừng đón Tết cổ truyền của dân tộc. Quyết tâm nhà nhà có Tết, người người có Tết của chính quyền e rằng trong trường hợp này đã khó có thể hoàn thành như mong muốn.
Có lẽ sẽ không ai tranh cãi nếu nói rằng sau gần ba thập niên đổi mới đất nước và người dân Việt Nam đã mạnh hơn, giàu có hơn rất nhiều. Nỗ lực cải cách và ra sức xây dựng một đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh là điều mà không ai có thể phủ nhận đối với Nhà nước Việt Nam hiện nay. Thế nhưng, con đường xây dựng và phát triển đất nước xưa nay luôn đầy chông gai, gập ghềnh. Khi thì phải dồn mọi nguồn lực cho việc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, lúc thì do các sai lầm về chủ quan, duy ý chí. Tuy vậy, toàn thể dân tộc Việt Nam dù đang sinh sống ở trong hay ngoài nước đều luôn một lòng mong mỏi tới một ngày Việt Nam trở nên hùng mạnh, sánh vai các cường quốc năm châu, người Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích chính đáng có giá trị phổ quát như toàn thể nhân loại văn minh. Một khi chính quyền xem lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền lợi của người dân là hàng đầu trong mọi quyết sách thì khi đó chính quyền luôn nhận được sự ủng hộ, có được sức mạnh của lòng dân.
Lịch sử Việt Nam hàng nghìn năm cho thấy, trong quá khứ ông cha ta đã từng có những giai đoạn phát triển cực thịnh, không chỉ về kinh tế mà cả về văn hóa và quân sự. Đó là những lúc mà chính quyền đương thời coi trọng các giá trị thực tiễn xuất phát từ ý nguyện của lòng dân. Các chính sách, đường lối đều được bàn bạc, cân nhắc, xây dựng trên cơ sở cội rễ lòng dân. Ý dân còn được không ít các nhà lý luận chính trị đương thời coi là ý Trời, trong khi nhà Vua chỉ được coi là con Trời.
Năm 2015 sẽ là năm tổng kết 30 năm đất nước đổi mới và phát triển. Cũng với khoảng thời gian đó, nhiều nước xung quanh ta từ những cuộc chiến điêu tàn, tang thương đã vươn lên thành những con rồng châu Á, trở thành các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc… Cũng cần phải thấy rằng con đường phát triển không phải lúc nào cũng bằng phẳng, không phải lúc nào cũng chỉ biết có bánh mì. Không thể thiếu hoa hồng kể cả trong những thời kỳ gian khó nhất. Không phải lúc nào cũng chỉ nhăm nhăm con đường phát triển kinh tế mà thiếu đi sự hậu thuẫn vững chắc của một nền tảng văn hóa xã hội tạo nên sự gắn kết con người Việt Nam, làm nên sức mạnh của tinh thần Việt Nam. Cần thiết phải xem xét tới việc xây dựng một xã hội hài hòa trên nền tảng pháp trị và đạo lý để mang lại dân chủ và công bằng cho mọi công dân.
Cải cách mạnh mẽ thể chế kinh tế để tạo ra một giai đoạn phát triển mới chất lượng hơn, bền vững hơn là ưu tiên hàng đầu kể từ năm 2015 của Chính phủ Việt Nam. Song, không thể chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế, nếu nhà chức trách thực sự mong mỏi một giai đoạn mới phát triển bền vững và chất lượng hơn cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, khi nhìn năm cũ trôi qua, đánh giá lại gần ba thập niên đổi mới, những người có trách nhiệm với tương lai Việt Nam chắc hẳn không thể bỏ sót bất cứ một gam màu nào dù sáng hay tối để có được cái nhìn thực tiễn. Vui mừng với những thành quả đã đạt được, song phải biết đau như những vết dao cắt, kim châm vào tận trong trái tim trước những vệt tối, những gam màu xám đục vẫn còn tồn tại không ít trong bức tranh phát triển. Tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, làm ăn gian dối, lãng phí của công, bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, tệ nạn xã hội, những hành vi thách thức pháp luật, thách thức Nhà nước… và cả những hành vi đe dọa chủ quyền đất nước, phải luôn là điều mà những người có trách nhiệm với tương lai Việt Nam không thể bàng quan.
Có thể biện minh cho các nhà hoạch định chính sách rằng không ai, không tổ chức nào có khả năng nhìn ra hết tất cả các ngóc ngách của cuộc sống để rồi có thể quy hoạch nó đầy đủ và cặn kẽ cho mọi trường hợp, mọi tình huống trong thực tế. Thế nhưng, nếu những người hoạch định chính sách, những người "bấm nút” thông qua chính sách chỉ cần tôn trọng một nguyên tắc đơn giản sau đây thì có lẽ chúng ta đã tránh được nhiều tình huống éo le, xa rời thực tế: Đó là nguyên tắc mọi chính sách phải vì dân, xuất phát từ lợi ích chính đáng của dân và để bảo vệ các quyền hợp pháp của dân.
Hữu Nguyên
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét