Trang

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

Các bằng chứng lịch sử về QĐ Hoàng Sa cần được kiểm tra kỹ lưỡng

Tác giả:  Bill Hayton | Biên dịch: Lê Hoàng Giang
Những lời bình luận của Giáo sư Li Dexia về quần đảo Hoàng Sa đã tóm gọn một cách hữu ích những luận điểm ủng hộ “tuyên bố chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với quần đảo này. Tác giả biết rõ về những luận điểm đó; bài viết của bà vào năm 2003, Đường 9 Đoạn trên Bản đồ biển Nam Trung Hoa của Trung Quốc  (The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea) là một trong những tài liệu đầu tiên nói về quan điểm này của Trung Quốc được viết bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, bài bình luận trên RSIS có tiêu đề Quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa): Vì sao chủ quyền của Trung Quốc là “không thể tranh cãi” (Xisha (Paracel) Islands: Why China’s Sovereignty is ‘Indisputable’) được đăng vào ngày 20 tháng 6 năm 2014 không đưa ra được những bằng chứng nào có thể xác minh được. Sẽ là rất có lợi cho cộng đồng nghiên cứu Biển Đông nếu tác giả hay những bên khác có thể khắc phục được tình trạng này.
Không có bằng chứng thuyết phục
Tác giả cho rằng: “Dựa trên rất nhiều những ghi chép lịch sử của Trung Quốc, có từ ít nhất là thời kỳ Bắc Tống (960-1127 SCN), Trung Quốc đã thực thi chủ quyền và quyền tài phán đối với các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) một cách hiệu quả”.
Những người ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông thường dẫn ra những tài liệu cổ trong đó nhắc đến “vùng biển” hay “quần đảo”. Theo tôi được biết, không dẫn chứng nào trong số này xác định rõ một đảo hay quần đảo cụ thể nào. Không có cách nào để biết được những đảo được nhắc đến thuộc quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa, hay chỉ đơn thuần là một trong hàng trăm hòn đảo nằm cách bờ biển Trung Quốc chỉ vài hải lý.
Tác giả liệu có thể cung cấp dẫn chiếu tới những dòng chữ cụ thể trong những ghi chép lịch sử này hay không? Những ghi chép này có xác định rõ “Tây Sa” và “Nam Sa” bằng tên hay không? Dựa trên những nghiên cứu của mình, tôi tin không có bất kỳ tài liệu chính thức nào của Trung Quốc được ban hành trước năm 1909 mà có sử dụng những cụm từ đó.
Trên thực tế, tôi chưa bắt gặp bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy Trung Quốc có quan tâm đến quần đảo Hoàng Sa từ trước năm 1909. Như nhà nghiên cứu người Pháp Francois-Xavier Bonnet đã đưa ra, một tấm bản đồ tỉnh Quảng Đông được phát hành năm 1897 chỉ kéo dài về phía Nam đến đảo Hải Nam. Tình trạng này thay đổi vào năm 1909 khi chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc, vốn đang trỗi dậy, đã bị kích động mạnh mẽ khi phát hiện ra một doanh nhân người Nhật đang khai thác phân chim biển trên quần đảo Đông Sa (Pratas Islands) – nằm giữa Hồng Kông và Đài Loan.
Giai đoạn quan trọng trong lịch sử quần đảo Hoàng Sa đã bị lược bỏ
Sau khi phát hiện ra sự việc đó, một cuộc thám hiểm tới quần đảo Hoàng Sa đã được Tổng đốc tỉnh Quảng Đông là Zhang Yen Jun tổ chức. Theo lời một ông chủ công ty hàng hải người Pháp, P. A. Lapicque (được ghi lại trong một cuốn sách xuất bản 20 năm sau đó), cuộc thám hiểm của vị tổng đốc được dẫn đường bởi 2 người Đức từ hãng buôn Carlowitz and Company.
Rõ ràng là không có người địa phương nào đảm nhiệm được công việc dẫn đường đó. Đoàn thám hiểm dừng chân tại đảo Hải Nam trong vòng 2 tuần để chờ thời tiết thuận lợi rồi sau đó đi tới Hoàng Sa vào ngày 6 tháng 6 trước khi trở lại Quảng Đông vào ngày hôm sau. Chuyến đi này được coi là cơ sở cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này.
Lapicque đã tỏ ra nghi ngờ về việc chuyến thám hiểm ngắn ngủi này đã giúp vẽ ra được 15 bản đồ quần đảo Hoàng Sa rất chi tiết. Việc có khả năng đã xảy ra hơn là chính quyền Quảng Đông chỉ đơn thuần sao chép lại những bản đồ của người Châu Âu rồi đặt tên địa danh bằng tiếng Trung Quốc. Đây có thể là nguồn gốc của cái tên “Tây Sa”: dịch lại từ tên tiếng Anh của một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa là West Sand (Bãi cát phía Tây).
Chuyển đến gần thời điểm hiện tại hơn, Giáo sư Li đã sai lầm khi khẳng định rằng, “Tuy nhiên sau khi Nhật Bản đầu hàng [quân Đồng minh] vào năm 1945, quần đảo đã được trao trả lại cho Trung Quốc theo Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Postdam”. Trong cả 2 Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Postdam đều không nhắc gì đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cả. Điều này là bởi vì Pháp khi đó đã vận động hành lang để các nước khác công nhận 2 quần đảo này là lãnh thổ của Pháp, do đó các nước đồng minh đã không đưa ra cam kết gì về chủ quyền của họ trong tương lai.
Giáo sư Li cũng đã bỏ qua một giai đoạn đặc biệt quan trọng trong lịch sử quần đảo Hoàng Sa. Như chuyên gia người Na Uy Stein Tonnesson đã minh họa một cách đầy thuyết phục, các lực lượng của cả Trung Hoa Dân Quốc và Pháp đã chiếm đóng các đảo khác nhau trên quần đảo Hoàng Sa sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Người Trung Quốc đã đến trước, trên đảo Phú Lâm thuộc Nhóm đảo An Vĩnh vào đầu tháng 1 năm 1947. Người Pháp đến vào vài tuần sau đó và, sau khi thấy đảo Phú Lâm (Woody) đã bị chiếm đóng, đã chuyển quân sang đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc Nhóm đảo Lưỡi Liềm.
Tuyên bố chủ quyền lịch sử mơ hồ cần được thẩm định độc lập
Các lực lượng của người Pháp, và sau đó là người Việt Nam tiếp tục nắm quyền kiểm soát đảo Hoàng Sa cho đến khi Trung Quốc chiếm đóng đảo này vào tháng 1 năm 1974. Quân Trung Hoa Dân Quốc đã rời bỏ đảo Phú Lâm vào ngày 4 tháng 5 năm 1950 và phải đến năm 1955 hoặc 1956 các lực lượng Trung Quốc Cộng sản mới thay thế chiếm đóng.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng cuộc xâm chiếm đảo Hoàng Sa và Nhóm đảo Lưỡi Liềm của Trung Quốc vào năm 1974 đã được lên kế hoạch từ nhiều tháng trước đó, chứ không phải là kết quả không mong đợi của một cuộc va chạm giữa các ngư dân.
Ngày nay, tình hình biển Đông đang rất căng thẳng và để giải quyết được những vấn đề tranh chấp, tất cả các bên cần phải chuẩn bị tham gia thảo luận cởi mở và nghiêm túc. Những dẫn chứng mơ hồ từ những tài liệu cổ xưa là không đủ thuyết phục. Tất cả các bên cần phải cho phép đánh giá độc lập các bằng chứng của mình.
Ngay lúc này, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đang tuyên bố chủ quyền đối với những nhóm đảo lớn như thể chúng là những đơn vị đơn nhất. Nếu từng bên tranh chấp có thể đưa ra bằng chứng chủ quyền cụ thể cho từng cấu tạo riêng lẻ – thay vì cho những nhóm đảo lớn liên quan – thì sẽ có thể xem xét, đánh giá từng cấu tạo một một cách riêng biệt. Khi đó mới có thể bắt đầu giải quyết các tranh chấp.

Bill Hayton là tác giả của cuốn sách Biển Đông: Cuộc đấu tranh giành quyền lực tại châu Á (The South China Sea: the struggle for power in Asia) sẽ được NXB Yale University Press xuất bản vào tháng 9 năm 2014. Ông đóng góp bài viết này riêng cho mục bình luận của RSIS.
http://nghiencuuquocte.net/2014/07/04/cac-bang-chung-lich-su-ve-qd-hoang-sa-can-duoc-kiem-tra-ky-luong/#sthash.TP1LzQ0J.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét