Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Người nghèo bất an

Một “đại gia” bất động sản ở TP.HCM mới đây đã phát biểu: “người nghèo sống với nhau vui hơn, chứ người nghèo ngồi gần ông nhà giàu đi xe xịn, ăn mặc xịn thì mặc cảm. Chúng ta nên cách ly ra, có một khu vực riêng cho người thu nhập thấp...”.  Phát ngôn gây sốc này ngay lập tức đã bị dư luận phê phán. Song cũng hé lộ nhiều vấn đề quan ngại trong xã hội dẫn tới tình trạng phân hóa giàu nghèo đang ngày càng trở nên gay gắt,  bất chấp các nỗ lực của chính quyền thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Các con số thống kê chính thức gần đây cho thấy thu nhập bình quân đầu người  (GDP) ở Việt Nam trong giai đoạn 2010-2015 đã tăng lên gấp đôi. Cụ thể năm 2015, ước tính thu nhập bình quân là 2.228 USD, gần gấp đôi con số 1.168 USD/người của năm 2010. Năm 2020, dự tính con số này sẽ là 3.750 USD. Điều này có nghĩa là vào năm 2020, người Việt Nam trung bình sẽ giàu lên gấp ba lần so với 10 năm trước.

Nếu đơn giản chỉ là chuyện so sánh sự phát triển theo chiều tăng lên của những con số thì quả là thành tích đáng vui mừng. Song, sau gần 30 năm đổi mới, chúng ta đã có quá nhiều trải nghiệm cũng như tư duy thực tiễn tới mức bắt đầu nhận ra rằng GDP chưa hẳn đã là thước đo duy nhất và đầy đủ để đánh giá chất lượng của sự phát triển. Chúng ta dần dần đã nhận ra rằng mọi thứ phức tạp hơn vẻ đẹp đơn giản của cái đồ thị GDP đang ngày càng đi lên kia. Có thể so sánh việc chỉ dùng GDP làm thước đo cho hiệu quả hoạt động của chính quyền và nền kinh tế thì cũng giống như dùng duy nhất trọng lượng cơ thể để đánh giá về sự phát triển của một đứa trẻ, bao gồm cả phát triển thể lực, tinh thần, trí tuệ, kỹ năng xã hội.

Chúng ta không thể đảo ngược quá trình hội nhập đã và đang mang lại những cơ hội rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Đồng thời cũng không thể phủ nhận một nguy cơ thực tế sẽ đồng hành cùng quá trình đó:  sự phân hóa ngày càng gay gắt của nền kinh tế – xã hội, trong đó có sự  phân hóa giàu – nghèo. Trên bình diện quốc gia, để thúc đẩy kinh tế phát triển, rõ ràng phải chấp nhận một mức độ bất bình đẳng trong thu nhập mới tạo động lực cho mọi người đua tranh làm giàu. Nhưng cái làm nên tính chính đáng của nhà nước là những nỗ lực không ngừng nghỉ để làm sao mọi người dân có cơ hội thoát nghèo,  làm giàu chính đáng như nhau. Đồng thời cũng có quyền thụ hưởng một cách công bằng những thành quả của phát triển.

Thống kê từ nguồn điều tra lao động của Ngân hàng Thế giới cho biết năm 2014, trong toàn bộ lực lượng 52,6 triệu lao động của Việt Nam, có 22,5 triệu (chiếm 43%) lao động nông nghiệp, 18,7 triệu (chiếm 36%) lao động làm công ăn lương và 11 triệu (chiếm 21%) tự doanh trong khu vực phi nông nghiệp.  Trong suốt ba mươi năm từ ngày đổi mới, nông nghiệp, dù được coi là bệ đỡ, là tấm đệm của mọi khủng hoảng và suy giảm kinh tế, vẫn là khu vực tăng trưởng chậm nhất. Tệ hơn nữa, trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng của khu vực này còn tiếp tục “giảm dần đều” khi trung bình giai đoạn 2011-2014, tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 3,3 % và chín tháng đầu năm 2015 còn 2,08%. Chiếm gần phân nửa lực lượng lao động, trong khi tốc độ tăng trưởng ngày càng giảm sút, không khó để nhận ra, thu nhập, và theo đó là mức sống của khu vực nông thôn đã tụt lại như thế nào so với đà tăng chung của cả nước.

 Vì thế, con số tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người theo báo cáo, chưa hẳn là đã đáng vui mừng nếu nhìn sâu vào đằng sau con số đó. Phần chuyên đề về “Bất bình đẳng” trong Báo cáo cập nhật về phát triển kinh tế Việt Nam 2014 của Ngân hàng Thế giới chỉ rõ mức độ bất bình đẳng đang gia tăng đến mức đáng lo ngại trong thu nhập của các nhóm người dân. So sánh mức tăng thu nhập giữa 40% dân số nhóm dưới, và 60% dân số thuộc nhóm trên, có thể nhận thấy khoảng cách thu nhập giữa hai nhóm đang giãn rộng ra. Điều này càng được khẳng định bằng số xe siêu sang, xe sang nhập về Việt Nam đã không ngừng tăng thêm, kể cả trong những thời điểm nền kinh tế được xem là khó khăn nhất.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan mới đây cũng cho rằng khoảng cách giàu - nghèo ở Việt Nam đang tăng lên, tốc độ tăng không kém so với việc giảm nghèo. Cũng theo bà Lan, có một thứ tạo nên bức tranh chênh lệch giàu - nghèo kinh khủng mà thước đo về bình quân thu nhập đầu người (GDP) hoàn toàn vô nghĩa. Đó là tài sản của công chức. Thu nhập chính thức của công chức không lớn, nhiều khi không đủ sống. Nhưng thực tế biết bao công chức ở trung ương, địa phương có nhà lầu, xe hơi, có con đi học nước ngoài tự túc... Và vấn đề là tiền ở đâu ra?

Bà Phạm Chi Lan thẳng thắn nhận định: “Làm sao tăng trưởng bền vững được nếu trong xã hội còn tình trạng như vậy? Người nghèo bị dồn vào thế cùng cực, có những người nghèo truyền kiếp không thoát ra được. Trong khi một số ít lại hưởng lợi quá nhiều trên sự cùng cực đó, nhởn nhơ, thậm chí gây phương hại cho cộng đồng. Với doanh nghiệp, người ta bất bình vì anh thân quen, anh được hưởng lợi từ chính sách, tước đoạt cơ hội của người khác, gây hậu quả về tài nguyên, môi trường. Với công chức, người dân căm phẫn vì tham nhũng. Một số quan chức không từ thủ đoạn nào kể cả lấy tiền từ dự án của người nghèo. Bất an là ở chỗ đó, chứ không phải người ta ganh tỵ với người giàu. Cái nghèo khi đi cùng tham nhũng, sự kém cỏi của bộ máy sẽ nhân lên và tạo nên những bất ổn xã hội”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét