Trang

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Vua Quang Trung dự định đánh nhà Thanh

slide-tuongdaiquangtrung
Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Việc vua Quang Trung nước ta chuẩn bị đánh nhà Thanh không còn nằm trong huyền thoại; chính vua Gia Khánh đã có những bằng cớ như: giấy tờ, ấn triện do vua Quang Trung cấp cho bọn giặc Tàu Ô. Ngoài ra cung từ của các tù nhân đều khai rằng lực lượng này có đến 12 viên Tổng binh và hơn 100 hiệu thuyền:
Ngày 9 tháng Giêng năm Gia Khánh thứ 2 [5/2/1797]
Dụ các Quân Cơ Đại thần. Bọn Cát Khánh dâng tấu triệp về việc thẩm tra tù phạm cướp biển, nội dung như sau:
“Điều tra về vùng đất Giang Bình; hiện nay có bọn giặc gốc Phúc Kiến, Quảng Đông, An Nam tụ tập tại đó. Nếu muốn báo cho An Nam biết, thì lúc này nên thông báo cho họ v.v…”
Suy nghĩ kỹ việc này rất khó. Nếu như viên Quốc vương không biết về vụ giặc cướp, thì nên thông báo để hợp đồng cùng bắt. Nay điều tra bọn giặc La Á, cả ba bọn chúng đều cung xưng Tổng binh Tàu Ô An Nam có 12 người, hơn 100 hiệu thuyền; lại căn cứ vào giấy tờ bắt được có ấn triện, thì bọn cướp Tàu Ô đều do viên Quốc vương phong tước, việc ra biển cướp bóc viên Quốc vương không thể không biết. Vậy nếu bảo phối hợp bắt giặc cướp, làm sao bọn họ chịu nghe lời! Vả lại dân nội địa [Trung Quốc] ra ngoài biển làm giặc, quan không cấm được, huống hồ là dân ngoại di! Nếu An Nam dùng lý do đó để bào chữa, thì lấy gì để biện luận? Hoặc đáng vì việc này mà gây hấn, rồi mang quân đánh nước họ ư!
Bọn Cát Khánh chỉ nên thông sức thuộc hạ tầm nã tại mặt biển 3 tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Chiết Giang; nếu tàu thuyền của di địch xâm phạm vào, thì không luận quan chức nào của An Nam cũng đều nghiêm trị.
Tái bút: Từ nay trở về sau bắt được giặc cướp An Nam, thẩm tra minh bạch rồi lập tức cho chính pháp [xử tử]; không cần phải giải về kinh, để bớt được sự phiền phức trạm dịch phải giải tống. Nay đem dụ truyền để hay biết. [1]
Sau khi viên Tổng binh Tàu Ô Trần Thiêm Bảo đầu thú, nạp cả sắc do vua Quang Trung ban cho. Đọc sắc phong này, vua Gia Khánh phẫn nộ, dùng những lời nặng nề miệt thị vua Quang Trung:
Ngày 14 tháng Một năm Gia Khánh năm thứ 6 [19/12/1801]
Dụ các Quân Cơ Đại thần: Bọn Cát Khánh tâu “Cướp biển Trần Thiêm Bảo mang cả gia quyến đầu thú, lại trình nạp sắc ấn của An Nam cấp cho.” Tấu triệp xưng “Trần Thiêm Bảo nhân đánh cá gặp bão, vào năm Càn Long thứ 48 [1783 ] bị Nguyễn Quang Bình bắt, phong chức Tổng binh v.v…”; có thể thấy trong nhiều năm hải tặc quấy phá đều do An Nam chứa chấp gây ra. Lúc Nguyễn Quang Bình còn sống, bắt người của nội địa, gia phong ngụy tước hiệu, rồi tung ra biển cướp phá. Nguyễn Quang Bình đích thân chịu ơn nặng của Hoàng khảo [2] , làm việc táng tận lương tâm, thực không đáng là con người. Nay duyệt lại tờ ngụy chiếu của viên Quốc vương này có câu “Thị thiên hạ như nhất gia, tứ hải như nhất nhân 視 天 下 如 一 家, 四 海 如 一 人.” [Coi thiên hạ như một nhà, bốn biển như một người]; thật thuộc vào loại ếch ngồi đáy giếng, giống như nước Dạ Lang ngu dốt tự cho mình là to lớn! [Dạ Lang tự đại][3] . Nghĩ về sự cuồng vọng này, đáng mang quân hài tội thảo phạt; hiềm nước này hiện đang giao tranh với Nông Nại [4] ; nên không thừa lúc nguy cấp sát phạt thêm. Xét về lẽ trời, nước này sẽ mất trong sớm tối; nên không cần dùng văn để bắt hối lỗi, cũng không cần thông báo cho biết; những ấn sắc của bọn chúng cấp, lệnh cho thiêu hủy. Viên Tổng đốc nên nghiêm lệnh tướng biền, tuần tiễu ngoài biển, gặp bọn hải tặc An Nam, lập tức truy nã trừng trị. Bọn đầu thú Trần Thiêm Bảo, cùng quyến thuộc bọn giặc, y theo lời xin của viên Tổng đốc, an sáp tại phủ Nam Hùng nơi xa vùng biển. Thỉnh thoảng bất ngờ kiểm tra, không để chúng trở lại biển gây sự. Đem dụ này truyền đi để hay biết. [5]
Bốn chữ “Dạ Lang tự đại ” Gia Khánh gán cho nước ta, ý khinh bỉ một nước nhỏ bé dám ôm mộng xâm lăng Thiên triều! Người mình cũng có những kẻ ngầm đồng ý theo lời khinh thị đó; họ mang sẵn mặc cảm tự ty, cho rằng bất luận cái gì người Tàu cũng hơn ta: về thuốc không cần để ý đến môn thuốc gì, trị bệnh nào, hễ thuốc Bắc thì hay hơn thuốc Nam; về thơ, không thèm để ý đến tác giả, tác phẩm nào, hễ thơ Tàu tất hay hơn thơ Việt; theo họ nước ta đánh Tàu chẳng khác gì trứng chọi với đá !
Khác với thiểu số nêu trên, những người tự tin, nhẫn nại thu thập sự kiện, cố gắng phân tích so sánh một cách có khoa học, để tìm ra kết luận đúng đắn. Nhưng chúng ta đều biết vua Quang Trung mất sớm, không có dịp thi thố tài năng; vậy dựa vào cơ sở nào nghiên cứu, để tìm kết luận cho một trường hợp chưa xảy ra?
Đọc sử Trung Quốc, được biết cuộc nổi dậy của Thái bình Thiên quốc tuy xa cách thời vua Quang Trung hàng nửa thế kỷ, nhưng cùng chia sẻ những nét đặc trưng về bối cảnh lịch sử. Thái bình Thiên quốc đưa ra những khẩu hiệu như Thiên yếm Mãn Thanh [trời ghét Mãn Thanh] Quan bức dân biến [quan áp bức bóc lột, dân nổi dậy]; thì cũng là trọng bệnh của nhà Thanh trong giai đoạn vua Quang Trung chuẩn bị sang đánh. Bởi vậy chúng tôi làm công việc so sánh hai cuộc chiến đấu, để mong tìm một kết luận về dự định của vua Quang Trung.
Trước hết xin nêu lên một vài nét sơ lược về Thái bình Thiên quốc (1851-1864). Người cầm đầu Thái bình Thiên quốc, Hồng Tú Toàn, là một thầy đồ theo đạo Thiên chúa; dựa vào một vài kiến thức về đạo này, lập Thượng đế Giáo. Nhân mất mùa đói kém, hô hào dân nổi dậy tại Quảng Tây. Cuộc nổi dậy được nông dân ủng hộ, trong vòng vài năm chiếm được gần 16 tỉnh, 600 thị trấn. Cuối cùng bị đạo quân do nhà Nho Tăng Quốc Phiên chỉ huy đánh bại, Hồng Tú Toàn phải tự tử vào năm 1864.
Thực hiện công việc so sánh giữa Thái bình Thiên quốc và dự định đánh nhà Thanh của vua Quang Trung, chúng tôi xin lần lượt nêu lên 3 yếu tố Thời, Thế, Cơ để dễ bề nghiên cứu:
A. Thời
Tuy xa cách nhau trên 50 năm, Thái bình Thiên quốc và dự định đánh nhà Thanh của vua Quang Trung chia sẽ chung một chữ “thời”. Cái khẩu hiệu Thiên yếm Mãn Thanh được Thái bình Thiên quốc dùng để hô hào; nếu bảo lòng dân là ý trời, thì người dân Hoa đều mang nặng lòng căm ghét suốt cả 10 triều đại nhà Thanh, không phải đợi đến đời Hàm Phong, lúc Thái bình Thiên quốc nổi dậy mới xẩy ra.
Khẩu hiệu thứ hai Thái bình Thiên quốc nêu lên là Quan bức dân biến [quan lại áp bức, dân nổi dậy]; xét trong thời vua Quang Trung, sự áp bức bóc lột của quan lại nhà Thanh đã xẩy ra ngay trước mắt phái đoàn Quang Trung giả, nhân dịp phái đoàn này sang dự lễ mừng thọ vua Thanh. Lợi dụng việc vua Càn Long vui mừng được phái đoàn nước ta sang chúc thọ để rửa mối nhục thua trận, tập đoàn tham nhũng tại nước này thừa dịp bốc hốt, bằng cách đưa ra số tiền dự chi để tiếp đón phái đoàn ta một ngày lên đến 4.000 lạng bạc! Chính vua Càn Long, qua văn bản dưới đây đã nêu lên những chi tiết sau đây:
  • Tiền phí tổn đón tiếp phái đoàn, đủ dùng để tiêu phí cho cuộc hành quân sang đánh An Nam!
  • Số tiền này không nằm trong quỹ nhà nước, mà do quỹ địa phương, thiếu thì bắt dân đóng.
  • Báo động việc bóc lột này khiến lòng dân căm giận!
Ngày 10 tháng 6 năm Càn Long thứ 55 [21/7/1790]
Lại dụ; hôm qua viên Tuần phủ đạo Nhiệt Hà đến bẩm với Quân Cơ Đại thần rằng:
“Nhận được truyền đơn gửi đi từ dọc đường, cho biết việc cung ứng phái đoàn Nguyễn Quang Bình một ngày ăn ở tốn khoảng 4.000 lạng bạc; vậy sau khi Nguyễn Quang Bình đến Nhiệt Hà, mọi sự chi tiêu cung phụng có hoặc không nên theo cách tiếp đãi dọc đường?”
Quân Cơ Đại thần cho rằng Phiên vương họ Nguyễn đến chiêm cận, đã phụng chỉ sai thiện phòng [6] cung cấp ăn uống, cần phải ngon và đầy đủ; nếu dọc đường cho ăn đặc biệt thịnh sọan hơn, thì tại đây không thể làm đơn giản, lại khó gia tăng thêm, bèn diện tấu để xin chỉ dụ.
Nguyễn Quang Bình là ngoại phiên mới qui phụ, xin đích thân đến chiêm cận, lời lẽ và tấm lòng đều thành khẩn, nên đã chuẩn theo lời xin; cùng ra lệnh cho các tỉnh thành địa phương có phái đoàn họ đi qua, cho ban thêm yến tiệc, vừa phong phú vừa tiết kiệm thích nghi, để bày tỏ lòng thể tuất. Thế mà sau khi đến Giang Tây, mỗi ngày cung ứng việc ăn ở nhu dụng đến 4.000 lượng bạc! Như vậy ngoài việc yến ẩm, thuyền, xe, phu, ngựa v.v… sự phung phí không dừng. Theo lời tâu thì phái đoàn Nguyễn Quang Bình từ châu Ninh Minh tỉnh Quảng Tây đáp thuyền đi; cấp cho gạo thịt, các vật dụng v.v… lệnh cho họ tự nấu lấy; nếu đi theo đường bộ, mỗi ngày cung ứng thịt rau v.v… thì làm sao cần đến 4.000 lượng? Cho dù đi qua các tỉnh thành, tổ chức yến tiệc cũng không phí tổn đến như vậy. Như mỗi năm Trẫm ban yến cho các Vương, Công, Đại thần Mông Cổ, cùng Sứ thần các nước; mỗi thứ cần đến trên dưới 100 bàn, dùng tiền cũng chỉ trong vòng ngàn lượng. Phúc Khang An từng giữ chức Đại thần Nội Vụ phủ, từ lâu ở trong nội đình ắt đã biết rõ điều đó. Yến tiệc chiêu đãi Phiên vương họ Nguyễn, đã chắc rằng lớn hơn yến tiệc trong triều!
Đây là do những tên Tổng đốc, Tuần phủ không biết việc, nghe lời thuộc viên xui dục, làm lớn chuyện bày vẽ ra để quan lại địa phương bốc hốt, rồi không kê khai thanh toán được, bèn lấy ngân quỹ tỉnh bồi vào, còn tự mình không chịu trách nhiệm. Trẫm suy nghĩ việc này, đều do Phúc Khang An trù liệu lúc đầu không có sự châm chước, lại trong lòng có sự cao hứng về việc ngoại phiên đích thân đến kinh đô chiêm cận trong sử sách ít thấy, nên có ý phô trương; đến nỗi Đốc Phủ tỉnh Giang Tây nghe hơi đón ý, bèn lần lượt gia tăng; cho tu sửa đường, sơn phết cầu cống nhà cửa; thậm chí cây khô hai bên đường đều chặt tận gốc, để ngoại phiên đến chiêm cận thấy hai bên đường cây cỏ đẹp như gấm; nhưng nào đâu đã hết được những người dân đói khổ dọc đường, như vậy càng làm cho ngoại phiên chê cười. Huống nơi kinh thành người người tụ tập, vốn là nơi phồn thịnh; nhưng qua đạo lộ dài, thì cũng có nơi quê mùa hoang vu, làm sao có thể tu bổ hết được; nếu để cho họ khám phá sự giả dối, lại làm trò cười cho ngoại di. Phúc Khang An vốn được coi là người hiểu việc, lại thấy không được chổ này sao! Vả lại nếu nội địa phá cách ưu đãi,vựơt quá sự phồn hoa, thì dường như muốn mong đợi gì ở Nguyễn Quang Bình chăng! Nên không tiếc công khố, hết sức chiêu đãi tôn sùng, đối với thể chế có sự quan hệ lớn. Há lại đường đường Thiên triều, khoe khoang với một hai phiên thần nơi cùng tịch, bằng cách cung ứng xa xỉ hay sao?
Sau khi Nguyễn Quang Bình đến kinh khuyết, đến kỳ chiêm cận hàng năm, sứ thần liên tiếp đến, nếu cứ tiêu phí quá nhiều như vậy thì đời cực thịnh cũng khó có thể tiếp tục mãi. Kinh phí của quốc gia có mức, y là người gì mà mỗi ngày phải tiêu đến 4.000 lạng bạc, đi lại hơn 200 ngày thì tiền phí tổn tất cả phải đến 80 vạn lạng [4.000 x 200= 800.000]! Bất nhược dùng số tiền này làm tiền phí tổn hưng sư, để cử binh phục thù cho Hứa Thế Hanh! Trẫm không dụng binh tại An Nam nữa, chỉ vì tiếc tiền và thương dân mà ra; Phúc Khang An sao lại không biết để thể theo lòng Trẫm.
Nếu sự phí phạm xẩy ra bắt đầu từ tỉnh Quảng Tây thì sự sai lầm do Phúc Khang An, nếu khởi đầu từ Giang Tây thì sự sai lầm bởi Hà Dụ Thành. Cho dù không khởi đầu từ tỉnh Quảng Tây, Phúc Khang An thấy dọc đường xa xỉ như vậy, cũng đáng một mặt tấu trình một mặt hiểu dụ mật các quan sở tại tiết giảm, có như vậy mới không mất tư cách một đại thần công chính và biết việc. Lúc này chắc bọn Nguyễn Quang Bình đã đến địa giới Lưỡng Hồ [7] , viên Đốc coi thường không quan sát thêm, nên chưa thấy trình tấu. Việc xa xỉ tiền bạc này phần lớn do quan lại địa phương tiêu phung phí, hoặc do quan quân hộ tống hạch sách; còn Phúc Khang An, Nguyễn Quang Bình thực ra chẳng hưởng gì. Huống hồ số tiền đã dùng không thể ghi vào tiền tiêu ngoại lệ, tất phải khấu trừ từ số tiền dưỡng liêm của các quan lại, rồi quan lại địa phương trở nên kiệt quệ, ắt phải bóc lột từ xóm làng; vậy càng không thể không phòng lòng dân oán hận tiệm tiến chồng chất, đều qui tội cho Phúc Khang An vậy. Lệnh cho Phúc Khang An phải tra rõ sự xa xỉ tiêu phí khởi đầu từ đâu rồi tâu rõ, không được bao che; Phúc Khang An chịu ơn nặng, đừng để mảy may che giấu. [8]
Người cầm đầu hệ thống tham nhũng thời bấy giờ là Hòa Khôn, một cận thần được vua Càn Long đặc biệt che chở và sủng ái. Y là kẻ tham nhũng giàu nhất đời Thanh, có tài sản 800 triệu (800.000.000) lượng bạc. Nhân lễ khánh thọ, vua Càn Long cùng phái đoàn vua Quang Trung giả ngự thuyền rồng du ngoạn hồ Côn Minh, chính Hòa Khôn đứng bên cạnh đích thân giới thiệu các thắng cảnh như núi Vạn Thọ, núi Ngọc Tuyền v.v..:
Ngày mồng 1 tháng 8, Thiên tử ngự tại vườn Đồng Lạc, nằm trong vườn Viên Minh; cùng dự yến với Vương, Công, Đại thần; Quốc vương nước An Nam; Sứ thần các nướcTriều Tiên, Miến Điện, Nam Chướng. Xem diễn “Thăng Bình Ngọc Phiệt” [9] Đại Khánh kịch.
Ngày mồng 2 đến ngày mồng 6 lại thiết yến, diễn kịch; ban cho Quốc vương nước An Nam, cùng Sứ thần ngoại quốc du lịch Phúc Hải.
Ngày mồng 9 vua Càn Long thăm núi Vạn Thọ, lên thuyền rồng sơn màu đỏ du ngọan hồ Côn Minh. Tháp tùng có bọn A Quế, Hòa Khôn, Phúc Khang An, Phúc Trường An; Vương, Công, Đại thần; Quốc vương nước An Nam; cùng Sứ thần ngoại quốc. Khi thuyền đi, các tay chèo hai bên cất tiếng hát “Trạo Ca”, [10] Hòa Khôn được lệnh giới thiệu với Sứ thần ngoại quốc các thắng cảnh xa gần, như: núi Vạn Thọ, núi Ngọc Tuyền, núi Hương. Sau khi đi thuyền, được lệnh lên bộ du lãm. Ngày hôm sau diễn kịch Đại Khánh tại vườn Viên Minh, vườn Đồng Lạc [11] .
B.Thế
Hiểu đơn giản thế tức thế lực, sức mạnh. Thế có thể có sẵn; hoặc tự tạo lấy, tạm gọi là tạo thế.
Xét về thế sẵn có, lực lượng vua Quang Trung hơn hẳn phe Hồng Tú Toàn, lãnh tụ Thái bình Thiên quốc Theo tài liệu nêu trên, trước khi cử sự vua Quang Trung đã chiêu tập được một lực lượng Tàu Ô dưới quyền 12 Tổng binh, cùng 100 hiệu thuyền. Ngoài ra nhà vua còn có một đạo binh bách chiến bách thắng, chính quân Thanh đã từng nếm mùi thất trận bởi đạo binh này.
Bàn về tạo thế thì không đơn giản, xin phân tích những yếu tố dưới đây:
Tôn giáo
Chiêu bài tôn giáo được sử dụng trong các cuộc nổi dậy không mới mẽ gì trong lịch sử Trung Quốc; thời Hán mạt có Hoàng Cân; thời Nguyên mạt có Minh giáo, Bạch Liên giáo; đời Thanh trước Thượng Đế giáo của Hồng Tú Toàn, đã có Bát Quái giáo nổi dậy. Tôn giáo được lợi dụng như một công cụ tập trung thành phần bất mãn, những nông dân đói khổ vì mất mùa, nhưng không phải là yếu tố quyết định để đạt được mục đich dành chính quyền. Với thuyết Thiên phụ, Địa Mẫu của tôn giáo này thì cũng chẳng khác mấy quan niệm Thiên phú, địa tái [trời che, đất chở] trong niềm tin dân gian. Duy việc Thái bình Thiên quốc cấm thờ cúng ông bà, cấm thờ Khổng, Lão, Phật, chối bỏ nền văn hóa truyền thống Trung Quốc; nên đã bị những thành phần trí thức như Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương lãnh đạo dân chúng chống lại.
Coi người trong thiên hạ như một nhà
Trong sắc phong của vua Quang Trung cho các Tổng binh Tàu Ô, có 11 chữ vua Gia Khánh nhà Thanh giận nhất, và đã ghi lại nguyên văn trong đạo dụ nêu trên “coi thiên hạ như một nhà, bốn biển như một người”. Qua mấy chữ vắn tắt này, khiến ta tự hỏi “một nhà ” tức nhà nào? Xét về lịch sử thấy được rằng nước Việt Nam ta và các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây có chung một ngôi nhà Nam Việt, tức lãnh thổ nước ta thời nhà Triệu. Điều này không phải chỉ riêng ta công nhận, vua Gia Khánh khi đáp lại lời xin sắc phong quốc hiệu của vua Gia Long nước ta, đã từng nói như vậy:
Ngày 20 tháng Chạp năm Gia Khánh thứ 7 [13/1/1803]
Dụ các Quân Cơ Đại Thần: Hôm qua Tôn Ngọc Đình tấu dâng biểu văn thỉnh phong của Nguyễn Phúc Ánh, Trẫm đã duyệt đọc kỹ, việc xin phong tên nước hai chữ “Nam Việt” không thể chấp nhận được. Địa danh “Nam Việt” bao hàm rất lớn, khảo sử xưa hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây đều nằm ở trong đó. Nguyễn Phúc Ánh là tiểu Di nơi biên giới, tuy hiện nay có được toàn đất An Nam, bất quá lãnh thổ bằng đất Giao Chỉ xưa là cùng, làm sao lại được xưng là “Nam Việt. Biết đâu đây không phải là ý muốn khoe khoang tự thị của ngoại Di, xin thay đổi quốc hiệu, để thử bụng [Thiên triều] trước, đương nhiên đáng bác đi… [12]
Vậy việc mang quân giúp cho vùng đất cũ của Nam Việt đánh đuổi được bọn ngoại xâm Mãn Thanh, là bổn phận của anh em trong nhà. Sách lược tạo thế của vua Quang Trung đã biến từkhách sang chủ! Đây là một chính sách mới, thêm bạn bớt thù, khác với việc phạt Tống của Lý Thường Kiệt trước kia.
Lấy của nhà giàu cho nhà nghèo, cùng tập trung tư liệu sản xuất
Không bàn đến vấn đề đạo đức, việc lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo, trong bước đầu đã làm phấn khởi nông dân theo phe nổi dậy. Cả nhà Tây Sơn và Thái bình Thiên quốc đều làm việc đó. Về nhà Tây Sơn, Đại Nam chính biên liệt truyện chép:
“Giặc lúc đầu nổi lên thì lấy của nhà giàu chu cấp cho người nghèo, dối trá thi ân nhỏ để mua chuộc lòng người” [13]
Nhờ sự ủng hộ của nông dân, trong bước đầu lực lượng Tây Sơn phát triển mau chóng. Nhưng cái hay của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ là biết dừng lại đúng lúc, nên sau đó mọi việc đều ổn định, đúng như sách Đại Học dạy “知 止 而 后 有 定 Tri chỉ nhi hậu hữu định.”
Riêng Thái bình Thiên quốc cũng nhờ việc lấy của nhà giàu cho người nghèo mà được sự ủng hộ nhiệt liệt của nông dân trong bước đầu, nên sau hai năm nổi dậy, từ một làng nhỏ tại tỉnh Quảng Tây làm cuộc trường chinh lên phía bắc, chiếm được Nam Kinh. Tuy nhiên Thái bình Thiên quốc không biết dừng, chủ trương thi hành triệt để theo con đường tập trung tư liệu sản xuất:
Có ruộng cùng cày, có cơm cùng ăn, có áo cùng mặc, có tiền cùng tiêu, không có điều gì là không công bằng. [14]
Lịch sử từng chứng kiến việc Mao Trạch Đông thi hành “Bước nhảy vọt lớn” trong năm 1958-1959 thất bại như thế nào, thì chủ trương tập trung tư liệu sản xuất của Thái bình Thiên quốc cũng thất bại tương tự. Sau một thời gian ngắn thử thách, nông dân chán nản, phần đông gia nhập vào tổ chức dân binh, được gọi là “Đoàn luyện“ của Tăng Quốc Phiên để chống lại Thái bình Thiên quốc.
Lưu khấu
Một trong những thủ đoạn của Thái bình Thiên quốc là “lưu khấu” tức vĩnh viễn làm giặc lưu động. Theo lời của Trung vương Lý Tú Thành, một trong những vị vương của Thái bình Thiên quốc cung khai như sau:
“Những gia đình thờ “Thượng đế”, nhà cửa phòng ốc được hủy đốt, đói lạnh không có ăn, nên đành đi theo. Người nhà quê, đi xa không biết đường, đi được khoảng trên 100 dặm, không quay trở về được nữa, nên cuối cùng phải theo quân.” [15]
Thông thường những năm đói kém mất mùa, nông dân có thể nổi dậy; nhưng đến mùa thu hoạch no đủ, thi họ lại trở về làm ăn như cũ. Đằng này, hô hào đốt nhà cửa, bắt dân theo vĩnh viễn, làm một cuộc trường chinh không có ngày về, thủ đoạn của Thái bình Thiên quốc muốn duy trì một đạo quân trung thành thường trực.
Tuy nhiên quân ắt phải có lương, một khi không dành được của kẻ địch, thi họ quay lại cướp của dân, đó là con dao hai lưỡi!
Sử dụng trí thức
Lúc Thái bình Thiên quốc nổi lên như một ngọn lửa bừng, quan quân nhà Thanh tuy đông nhưng đành bất lực, lực lượng này chiếm Nam Kinh, vượt sông Trường Giang v.v… Tuy nhiên chính sách của Thái bình Thiên quốc cấm thờ cúng tổ tiên, cấm các tư tưởng Nho, Lão, Phật… thực sự chối bỏ nên văn hóa cổ truyền đông phương, nên bị những người đọc sách phản đối. Các nhà Nho đương thời như Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương đã tập hợp dân chúng với tổ chức “đoàn luyện” để chống lại một cách hiệu quả.
Riêng vua Quang Trung tuy xuất thân từ áo vải, nhưng biết dùng những trí thức như La Sơn Phu Tử, Ngô Thời Nhiệm v.v… Điều này thấy rõ nhãn quan chính trị của vua Quang Trung cao hơn Hông Tú Toàn một bậc.
C. Cơ
Lịch sử ghi nhận Hồng Tú Toàn có cơ hội, chiếm được 16 tỉnh của Trung Quốc, nhưng vì sử dụng tập thể hóa tư liệu sản xuất, cùng chối bỏ nền văn hóa truyền thống, nên tự rước lấy thất bại. Sự thất bại này, tương tự như thất bại của Tần Thủy Hoàng được vạch ra trong bài phú nổi danh A Phòng cung phú của Đỗ Mục “diệt nhà Tần không phải là công của thiên hạ, mà chính Tần tự diệt.”[16]
Riêng vua Quang Trung, mất trước khi khởi sự, hoàn toàn không có cơ hội! Tuy nhiên qua sự phân tích so sánh tại các mục Thời, Thế nêu trên; thấy có nhiều yếu tố hơn hẳn Hồng Tú Toàn. Với tài sức như vậy, há lại không đủ khả năng để khôi phục được phần đất cũ của Nam Việt ư! Tuy nhiên “Thành bại là cơ”; người đời sau đành phải an ủi bằng hai câu thơ của Nguyễn Du trong Văn tế thập loại chúng sinh:
Cho hay thành bại là cơ,
Mà u hồn biết bao giờ cho tan!
Nguồn: © 2007 talawas
————–
[1]Hồ Bạch Thảo, Cao Tông Thực lục q. hạ, văn bản số 200, tr. 237.
[2]Hoàng khảo: Vua cha, chỉ vua Càn Long.
[3]Dạ Lang tự đại: Đời nhà Hán có nước Dạ Lang nhỏ bé [vùng Quí Châu hiện nay] làm Vương một châu, không biết nhà Hán to lớn; Vương nước đó hỏi Sứ giả nhà Hán rằng “Hán và nước ta ai lớn hơn”. Do câu nói đó, người đời gọi kẻ ngông cuồng không lượng sức là Dạ Lang tự đại. (Hán Thư, Tây Nam Di truyện)
[4]Tức Đồng Nai; chỉ quân Nguyễn Ánh lúc bấy giờ đóng tại Đồng Nai.
[5]Hồ Bạch Thảo, Cao Tông Thực lục q. hạ, văn bản số 204, tr. 245.
[6]Thiện phòng; phòng phụ trách nấu cho vua ăn
[7]Lưỡng Hồ: Hồ Bắc, Hồ Nam
[8]Cao Tông Thực lục q. 1356, tr. 173-174
[9]Thăng bình ngọc phiệt: Bè ngọc, cứu vớt người trầm luân đến cảnh thăng bình
[10]Trạo ca: Điệu hát chèo thuyền
[11]Thanh Thông Giám, q. 14, tr. 1601-1602
[12]Hồ Bạch Thảo, Cao Tông Thực lục tập hạ, văn bản số 206, tr. 251
[13]Đại Nam chính biên liệt truyện, Ngụy Tây; Tạ Quang Phát dịch, tr. 11
[14]有 田 同 耕, 有 飯 同 食, 有 衣 同 穿, 有 錢 同 使, 無 處 不 均 勻 Hữu điền đồng canh, hữu phạn đồng thực, hữu y đồng xuyên, hữu tiền đồng sử, vô xứ bất quân quân. Tiền Mục, Quốc Sử Đại cương, tr. 876.
[15]Tiền Mục, Quốc sử đại cương, tr. 874
[16]族 秦 者, 秦 也, 非 天 下 也 Tộc Tần giả, Tần dã; phi thiên hạ dã. Cổ Văn Quan Chỉ, q. 8, tr. 309.
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/11/01/quang-trung-danh-nha-thanh/#sthash.iW6wZB3C.dpuf

Nguồn Nghiên cứu Quốc tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét