Những yếu tố Triết Việt đọc được trên mặt trống
Trống đồng tàng ẩn linh hồn Việt. Từ mặt cho tới tang trống không một hình ảnh nào xa lạ với văn hóa nước nhà. Nhưng khi mới khám phá ra các học giả không thấy điều đó, vì người Việt đã đổi lốt rất nhiều từ cuộc chinh phục của Hán tộc do Mã Viện mở đầu, trong đó có hành động hết sức tiêu biểu là thu trống đồng Lạc Việt để đúc thành ngựa mẫu. Đó quả là tiêu biểu đem văn hóa nông nghiệp đại biểu bằng trống đồng đổ vào khuôn văn hóa du mục biểu thị bằng ngựa. Vì sự đổ khuôn này kéo dài cả ngàn năm, nên văn hóa Lạc Việt biến dạng đến nỗi ngày nay không mấy người nhận ra được mối liên hệ giữa Lạc Việt với Bách Việt cũng như với người Việt hiện đại. Vì vậy cần dành ra một chương để bàn đến những yếu tố trên mặt trống đồng mà ẩn tích còn tìm lại được trong văn hóa Việt Nam. Sau đây là một số yếu tố quan trọng.
1. Mặt trời
Điểm đầu tiên nổi vượt hơn hết trong trống là tục thờ mặt trời, đến độ hình mặt trời chiếm trung tâm hết mọi mặt trống. Vậy mà tục này có thấy trong văn hóa Việt nữa đâu? Thưa không còn tục thờ nhưng còn ẩn tích. Ở đây chỉ xin ghi lại vài ba.
Trước hết là tên huyền sử đầu tiên đặt cho nước ta gọi là Xích Quỷ, chữ Xích có hai nghĩa một là lửa đỏ chỉ mặt trời, hai là tinh hoa của một cái gì, thí dụ tinh hoa của tục thờ mặt trời; chữ quỷ có nghĩa là làm chủ. Như vậy xích quỷ có nghĩa là nắm được tinh hoa của việc thờ mặt trời, sau sẽ là đạo “thuận thiên” sống theo mệnh lệnh trời. Các dân tộc phương nam cũng có tên đại chủng xích đạo là theo những nghĩa vừa kể trên.
Cũng trong liên hệ thờ mặt trời đó mà Thần Nông có danh hiệu là Đế Viêm, Việt tộc có tên Viêm Việt (nước gọi là Viêm bang), nhà Phật dịch là Nhật chủng. Chữ Viêm với hai chữ hỏa chỉ mặt trời lúc cao độ vì thế phương nam có tục ăn tết mùng 5 tháng 5 cũng gọi là trùng dương vì có 2 chữ 5 (trùng dương) ngầm chỉ hai bộ hỏa của chữ Viêm. Chính vì thế danh hiệu “Viêm Việt” phải hiểu là Việt liên hệ với việc thờ mặt trời và nên giữ lại để làm thẻ chủ quyền của trống đồng, một chủ quyền quan trọng làm nền tảng cho văn hóa dân tộc đã hình thành từ giai đoạn xa xưa đó. Cũng nên ghi vào đây là quẻ li (lửa) được gắn với phương Nam cũng nằm trong liên hệ này (Lạc Long Quân không diệt hỏa tinh).
Còn trong thói tục có thể kể đến nón chóp (conical hat) cũng một biểu hiệu như tượng núi Nưa, cũng như đầu tượng cóc và chim cùng một thời với trống đồng tất cả đều phản chiếu lại các hình tam giác gốc trên mặt trống sẽ bàn ở chương sau. Ở đây chỉ ghi thêm vài ấn tích của hình tam giác chỉ mặt trời ảnh hưởng xuống di vật. Trước hết bên Ai Câp là Kim Tự Tháp: đầu tháp là mặt trời, chiếu tỏa ánh triều dương ôm lấy xác vua. Tượng Sphinx cũng là vật chào mặt trời mọc, cùng nghĩa với “Minh phượng triều dương” bên ta (chim phượng chào mặt trời mọc). Tượng chim cóc đều nhọn đầu là theo ý trên.
(H.24: Chim, cóc đều nhọn đầu)
Trong quyển L’art des steppes, ông Karl Jettmar có ghi lại một hình vẽ làm liên tưởng tới hình nón chóp, tức đầu người đều nhọn và ông ghi chú đầu nhọn là để biểu thị thần linh.
Đó cũng là một liên hệ tới tam giác gốc như trên trống đồng. Vì văn hóa vùng thảo nguyên cùng với Viêm Việt có rất nhiều liên hệ như các vòng xoắn ốc, hoa văn tam giác, hoặc hình nai chà trên trống. Còn thể kể được rất nhiều nhưng bấy nhiêu tạm đủ.
Trên đây là điểm trung tâm thuộc giai đoạn thờ mặt trời. Bây giờ đưa mắt ra các vòng ngoài để kiểm kê thêm thì điểm nổi bật phải kể tới là chim.
2. Chim ơi là chim
Chim đủ loại, loại dài mỏ dài đuôi với loại ngắn mỏ ngắn đuôi, chim ở cả ba vòng trang trí chính. Vòng ngoài cùng trọn vẹn chỉ có chim chia ra 18 cặp: dài 1 ngắn 1. Vòng giữa của nai chia làm 2 đoạn 5 cặp mỗi bên (nói theo chữ Kinh Thi là 5 đôi Ngữ lưỡng) thì chim cũng chiếm hai đoạn; một đoạn 6 con, một đoạn 8 con (có thể ngờ rằng thơ lục bát đã có mầm từ bấy giờ và được chiếu giãi vào 2 khóm 6, 8 ở đây). Vòng trong cùng của người tuy ít chim nhưng bù lại người đã hóa trang chim; các vật dụng khác như chèo và chầy giã cũng mang lông chim.
(H.26: Chim to)
Đó chính là tinh thần nước Việt đã hiện hình trong vật biểu chim, sau này đã được tiếp nối bằng tiên rồi chim vẫn đi với tiên. Ta quen nói tổ tiên, lâu ngày quên đi rằng tổ là nhà của chim, nó tổ tiên cũng như nói tiên chim vậy, tức từ vật tổ chim bước sang giai đoạn nhân chủ, vẫn còn lưu lại chỗ ở của chim là cải tổ. Nói tổ tiên là do tâm trạng không tuyệt giao với dĩ vãng. Cái bước từ chim đến tiên xem ra đã xuất hiện ngay từ những trang đầu của huyền sử nước ta với họ khai quốc Hồng Bàng. Hồng là chim hồng hộc, một thứ ngỗng trời cũng gọi là thiên nga, hay là một thứ hạc bay thực cao. Còn Bàng là nhà chim tức là tổ. Chữ tổ trên chắc phải xuất hiện từ đó. Sau Hồng Bàng tiếp tới vụ anh em Lộ Bàn, Lộ Bộc (một tên khác của Lạc Việt) làm nhà chữ đinh: lộ là một thứ cò trắng (bạch lộ tử); Lạc Địch một tên khác của Lạc Việt thì chữ Địch phải vếit với bộ chuy để chỉ một thứ chim trĩ dài mỏ dài đuôi, đại biểu cho chim thuần hóa – tức chim mặt trời cũng có tên là Dương Địch hay Xích Ô (Xích Ô là chim quạ lông đỏ, cũng quen nói bóng ô để chỉ mặt trời). Lạc cũng là một giống chim quen gắn liện với Địch thành ra Lạc Địch. Huyền sử nước ta quả thật tràn ngập những chim là chim.
Ta biết Lạc cũng viết được với bộ chuy, mà chuy là tiếng chỉ các chim ngắn đuôi. Ngạn ngữ Hán Việt hay nói “Việt Điểu sào Nam chi” thì đương nhiên coi Việt liên hệ mật thiết với chim. Điều đó nói lên tinh thần siêu việt chỉ bằng chim là giống biết bay. Tên Việt Nam xét như dân tộc viết bộ tẩu chỉ tính chất siêu việt là gắn liền với sự bay cao của chim đã xuất hiện từ ban sơ vậy.
(H.27: Chim nhỏ)
Chính trong viễn tượng đó mà các nghi mẫu nước ta đều mang tên chim
Âu Cơ là Hải Âu (cò biển)
Vụ Tiên thì vụ là vịt trời.
Mỵ Châu luôn mang lông chim trong mình (cũng là một lối vẽ mình). Các bà Lạc Việt có thói quen mang lông chim ngỗng trong người: sau mặc áo thêu hình chim trĩ.
Thú vị nhất là Âu Cơ Nghi Mẫu sanh con theo lối chim tức là đẻ trứng, các con phải sống như chim kêu là “điểu tục” trong trống đã chỉ trỏ bằng cách hóa trang chim. Nhiều hình người có ngón chân được làm xoè ra như kiểu chân chim là lấy do điển này để nói lên sự giống với chim từ đầu tới chân.
Nên ghi nhận trong huyền sử nước ta có hai loại chi vì thuộc hai giai đoạn khác nhau. Giai đoạn trước thuộc thời còn thờ mặt trời nên các chim gọi được là thuần dương chơi vai trò vật tổ gồm các chim mặt trời như dương dịch, xích ô, chu tước, nổi nhất là trĩ có tiếng bay theo hướng mặt trời và là của Việt cách riệng như còn ghi lại trong câu sách Việt nho “tuỳ dương Việt trĩ” (Vân Đài 519), con trĩ nước Việt bay theo hướng mặt trời, vì thế cũng gọi là “thiên địch”. Nhiều nhà khoa học cho là vòng tròn nhận thấy trên nhiều hình chim chỉ mặt trời (Cradle 172).
Loại hai là các chim nước như hồng, hạc, nông, vụ… thuộc giai đoạn nhân chủ thờ trời, kéo theo sự giao thoa với đất, các chim lui xuống chức vật biểu để chỉ trời, thứ đến phải là chim nước để có thể giao với rồng quen ở thuỷ phủ; đôi khi rồng bay lên trời vẫn đem theo nước dưới hình thức mây. Rồng là kết tinh của một diện biến lâu dài từ rắn và cá sấu (giao long) mà ta thấy xuất hiện trên thân trống. Về sau cả chim nước cả giao long được gói gọn vào hai chữ tiên rồng (*).
(*) Xin ghi vài lời về nai xuất hiện rất rõ cùng với chim và giao long, có thể ban đầu chỉ mặt trời và còn để vết lại trong cung mùi là dê. Nhưng sau tiến sang thờ thiên, thì đại biểu đã có chim là đủ nên nai thường biến mất trong các trống mạt kỳ.
3. Tả nhậm
Tả nhậm là nét nổi thứ ba của Việt tộc. Chính chữ có nghĩa là cài áo bên tả, nhưng vì tục tả nhậm rất phổ cập trong đại chủng Việt nên các sách xưa coi đó như dấu phân biệt Việt với Tàu (*) vì thế dùng để chỉ cả nghĩa hình thể lẫn siêu việt.
Nghĩa hình thể là: đi theo hướng tả tức là tất cả chim, nai, người đều đi theo hướng ngược kim đồng hồ.
(H.28. Tả nhậm)
(*) Một số học giả lầm coi tục tiến theo tay trái chỉ việc tang ma, mà không ngờ rằng do là tục phổ cập không những tang ma mà còn chỉ rất nhiều việc quan trọng khác mà đại biểu là tả nhậm chỉ hướng trời trái với hữu nhậm chỉ hướng đất.
Nếu lấy sao bắc đẩu làm chuẩn thì thấy bầu trời sao trăng quay ngược kim đồng hồ. Vậy trừ vài ngoại lệ có thể giải nghĩa như nói sau, còn hầu hết các hình trên trống đồng đều đi theo hướng tả nhậm.
Đây là tục cũng gặp được ít nhiều nơi khác trên thế giới ban sơ như Sumer, Ai Cập, nhưng về sau các nơi bỏ dần còn Viêm Việt duy trì một cách kiên quyết.
(H.29: Hữu nhậm)
Vì sự đi theo một cách có tính toán đó nên không chỉ có nghĩa là khép áo bên trái, mà còn bao hàm nghĩa tinh thần nữa nên mới được ghi cách đậm đà trên trống đồng cũng như trong nhiều huyền thoại như tích anh em ông Bành Tổ sinh từ nách tả mẹ. Cho nên cần tìm ra ý nghĩa triết ly. Vậy ý nghĩa thâm sâu của tục này là sống theo trời, tức theo thiên nhiên, về sau hiểu rộng lên nữa là “thiên nhân tương dữ”: người cùng tham dự với trời đất trong một tiết điệu bao la, đó là đường lối dẫn tới cuộc sống của đại ngã tâm linh đi theo lối ngược chiều của đời sống xác thể. Xác thể quý trọng lượng, tâm linh đề cao phẩm, đó là gốc nảy sinh tinh thần trọng nghĩa khinh tài (khinh là coi nhẹ, chứ không là khinh rẻ). Trong con người đề cao tình trên lý, trong xã hội bênh vực những gì yếu nhất (tinh thần phù yếu cũng gọi là tả đản). Vì thế nói âm trước dương, vợ trước chồng, nhà trước nước, dân vi quý, quân vi khinh… là nói lên hướng tả nhậm. Khi ta nói “chiếc xe lư tả đón hiền nhân” thì chữ lư tả phát xuất do đó tức triết gia phải đi theo hướng tả nhậm. Cửu Lạc, Lạc Thư cũng đều đi theo hướng này hết như sẽ bàn sau. Đủ biết tổ tiên Lạc Việt đã đóng dấu chủ quyền trên mấy văn kiện then chốt của Việt Nho cụ thể hơn là hướng tả nhậm.
4. Giao chỉ
Giao chỉ là nét đặc trưng thứ tư. Giao chỉ không có nghĩa là hai ngón chân cái giao nhau như đã chứng minh trong quyển Việt Lý Tố Nguyên, trái lại nếu hiểu gần là tục lệ nam nữ hát đối đáp trong khi giao chân giao tay gọi là “cài hoa kết hoa” như xem thấy trong trống đồng, hai người đang hát đối đáp trong nhà (sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gọi là hát Lý liên). Đó là mô thức cho nhiều kiểu hát đối đáp nam nữ: hát đúm, hát soan, hát quan họ… nhiều lối nam nữ cũng giữ tục giao chân giao tay này.
(H.30: Hát cài hoa kết hoa)
Như vậy giao chỉ phải giải nghĩa từ đó mới hợp môi sinh tinh thần văn hóa đặt căn bản trên tính chất lượng hợp luôn luôn đi đôi: một nai đực, một nai cái, một chim vắn, một chim dài, bên mềm, bên cứng, bên nổi, bên chìm và cao lên là sự giao thoa giữa sống và sáng, giữa thiên và địa, giữa mẹ và cha. Đó là nét nền tảng được tổ tiên chú ý mãi từ xa xưa: người ta tìm ra được di tích rất sớm ngay từ di chỉ Bắc Sơn với hai đường gạch song song mà các học giả không biết giải nghĩa ra sao, nhưng ta có thể nghĩ đó là dấu đầu tiên của nếp giao chỉ này (xem bài Nét song trùng trong Kinh Hùng).
(H.31: Một hình tiêu biểu về Giao chỉ bằng hát cài hoa kết hoa)
Ngoài ra bên cạnh trống đồng còn có những hình hai vật giống như cá sấu giao ngón tay, giao chân và có thể cả giao hoan như hình chạm trong cái thạp Đào Thịnh hay trong cái rìu lưỡi xéo đặc trưng Việt. Đây là biểu thị sâu xa nhất về nét song trùng sơ thuỷ biểu lộ trong nghệ thuật là hài hòa: không cá nhân cô độc, cũng không chống đối đấu tranh nhưng hòa hợp.
Vậy muốn duy trì ý nghĩa đen của chữ Giao chỉ thì nó không là ngón chân mà cả ngón tay. Còn đúng hơn nữa là vừa ngón tay vừa tác động giao hợp với ý nghĩa siêu hình là hòa hợp với đại ngã tâm linh. Vì thế nên hai chữ giao chỉ cũng là cái hước phải tới, tức lý tưởng phải đạt cho kỳ được, như sách Đại học nói “chỉ ư chí thiện” nghĩa là hướng tới chỗ chí thiện, chỗ đó là trung tâm của cuộc sống giao thoa giữa hai đối cực, mà cụ thể là con người. Nói “Giao Chỉ” cũng là nói lên bản tính đồng nhiên con người bao gồm sự tham dự của con người với trời cùng đất mà ta phải lấy làm hướng tối hậu. Hễ đạt thì kêu là nhân chủ.
5. Nông nghiệp
Nông nghiệp được chú ý đến ở đây trước hết vì nó là nền nông nghiệp duy nhất còn giữ được tính chất tinh tuyền, đang khi hai nền nông nghiệp kia thuộc lúa mì của Lưỡng Hà, cũng như lúa bắp của Astec đã bị nhiễm du mục quá nhiều không còn là nền tảng cho minh triết như trong trường hợp Việt Nho.
(H.32: Giã gạo chày đứng)
Tinh thần nông nghiệp ở đây được biểu thị cách tụ thể bằng việc giã gạo được coi như tinh hoa của các việc nông. Cũng vì thế chữ Việt cổ xưa viết với bộ Mễ, vì Mễ là tinh hoa cụ thể của nông nghiệp, còn nói cách toàn thể và siêu hình thì toàn cuộc ca vũ trên mặt trống đều quy về nông nghiệp như để chào mặt trời rạng đông, hoặc mừng mùa màng mới gặt hay tết nhất, chứ không phải chiến tranh, đi săn hay lễ cầu siêu, như có học giả nghĩ thế (*). Những hình người cầm thuẫn cầm lao không phải để đánh giặc hay đi săn mà là để múa vui, múa mừng lễ… như quen gặp trong các đồ đồng của Tàu cũng như trong huyền thoại: dạy múa ở trường Bích Ung đều có thuẫn, có lao, có lông chim nói lên tính chất hài hòa giữa cương và nhu. Cương như giáo mác, nhu như múa nhảy… Còn mũi tên to ngang với thân người là để bắn thiên lang không cho làm hại mặt trời. Trong bài “Đông Quân” của Khuất Nguyên tả các tục lệ đón rước mặt trời mới mọc nội dung giống hệt với hình vẽ trên trống đồng, trong có câu “cử trường thỉ hề, xạ thiên lang” nghĩa là giương tên dài để bắn chó trời.
(H.33: Hình trống Ngọc Lữ “Cử trường thỉ hề xạ thiên lang”, giương tên dài để bắn thiên lang.)
Rõ ràng là biểu hiệu chứ không phải để đi săn vì các con thú đi theo từng lớp: 1 đực 1 cái, 1 vắn 1 dài, 1 bay 1 đứng… như thế là nai chim cũng đang dự vào cuộc ca vũ, chứ nếu đi săn thì chạy tán loạn, làm sao có hàng ngũ như trên. Cũng không gọi cuộc vũ trên trống là lễ cúng giỗ như mấy tác giả đều đã kết luận thể theo vài tục nhận thấy ở Borneo (**). Trong dĩ vãng chỉ thấy những tên bài hát lễ mừng như Đông Quân, Hàm Trì, Vũ Y Khúc… toàn lễ sống. Tính chất nông nghiệp còn được nói lên qua những con cóc thấy xuất hiện trên 4 góc của nhiều trống về sau. Việt ngữ có câu:
Con cóc là cậu ông trời
Hễ mà mở miệng thì trời phải mưa.
Dùng cóc để nhắc chừng vì nhiều khi người đã tận nhân lực, đất đã được bón phân mà trời cứ trây cái mặt khô ra, thì cóc phải tức bực nghiến răng cho trời sợ mà ra công tác. Cũng vì làm cậu ông trời mà cóc chỉ còn ba chân (trời tròn mà tròn là số 3), 4 chân thuộc đất.
(*)&(**) Ở Borneo thì khác vì đã nhập cảng bi quan của đạo Bà La Môn, còn ở Việt mà giảng nghĩa là đám tang thì không hợp môi sinh tinh thần là “sinh sinh”.
(H.34: Cóc ba chân.)
6. Địa vị con người
Đó là địa vị làm chủ hoàn toàn tự do. Đây là điểm nổi nhất cũng như nét đặc trưng của nền văn hóa Việt tộc. Khác cổ nghệ các nơi, địa vị con người rất bé nhỏ. Ngược lại địa vị con người trong trống rất lớn: trên mặt trống không thấy có vật kỳ quái hay vua quan mà chỉ có con người chiếm vòng trung cung giáp liền với mặt trời, các con vật chỉ tham dự vòng ngoài. Về động tác không thấy có việc nào khác ngoài việc con người đang ca vũ với tinh thần vui thỏa tưng bừng trong nhịp nhàng thứ lớp. Người điều động chỉ là một người trong nhóm. Tuyệt không có gì biểu lộ liên hệ chủ nô, tất cả nói lên tính cách công thể: mọi người đều ca vũ ngang hàng. Đây là điểm then chốt sẽ còn được bàn dài trong toàn sách.
7. Tiên rồng
Bây nhờ nhìn xuống dưới tang trống ta thấy Tiên Rồng nổi bật cách huy hoàng. Trên mặt trống mới thấy tiên, ở tang trống thấy thêm cả rồng. Rồng được nhập thể ngay vào thuyền, thuyền không còn là thuyền mà đã là vật sống động có mắt, có chân thay chèo, rồi uốn mình cong lên và thú vị hơn cả là có miệng, miệng lại mở to ra để “giao chỉ” với tiên trong hình dạng chim đang lao vào miệng rồng (H.35) để đón nhận cái hôn sâu thẳm. Như vậy chim không phải là “đẩy thuyền” mà là đẩy rồng, đẩy Long Quân vào việc sinh ra “con rồng cháu tiên”; đúng hơn không phải là cháu mà con của “mẹ tiên cha rồng”, “Long phụ Tiên mẫu” như ngạn ngữ Việt nho quen nói. Không còn gì cụ thể hơn, thân cận hơn bằng biến ngay thuyền bằng rồng: thuyền ở dưới nước nên cũng diễn tả được câu “Long Quân quen ở thuỷ phủ”. Chim lao vào miệng rồng còn nói lên cả thói tục đời xưa là âm trước dương sau, vợ trước chồng, gái ve trai, Tiên Dung Mỵ Nương quyết định hôn nhân trên tay Chử Đồng Tử.
(H.35: Thuyền tình bể ái)
Tóm lại tang trống cùng với mặt trống làm nên chữ Đinh có hai nét T ngang dọc (đất trời giao thoa) sống động nhất dưới dạng thức “Long phụ Tiên Mẫu” lưu lại cho con dân nước Việt một phù hiệu huy hoàng không đâu khác có nữa. Nét ngang dọc này liên hệ với nhà chữ Đinh mà nữ thần Mộc dạy cho Việt tộc sẽ bàn trong bài Ở đời phần III nên nữ thần Mộc chính là tên huyền sử của Trồng đồng. Nét ngang dọc này cũng nói lên phạm vi của triết Việt: đâu có tục thờ mặt trời, có mặc áo lông chim khi ca múa, có nét song trùng giao chỉ, có tả nhậm (tứ di tả nhậm), có nông nghiệp lúa mễ, có huyền thoại mang tính cách nhân thoại… thì đấy có triết Việt.
(còn tiếp)
Kim Định, SỨ ĐIỆP TRỐNG ĐỒNG,
An Việt San Jose, 1999, tr. 43-63.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét