Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Bản lai vô nhất vật

Có một truyền thuyết miêu tả rằng sau khi thừa kế y bát của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, Huệ Năng đại sư đã vì sự tu hành sau khi ngộ đạo mà dời chân đến Nam Hải. 

Bấy giờ tại Pháp Tánh Tự Quảng Châu có vị Ấn Tôn thiền sư đang giảng về “Kinh Niết Bàn”, thế là Huệ Năng đại sư quyết định ở lại mấy ngày tại Pháp Tánh tự để nghe Thiền sư giảng kinh. 

Hôm ấy, vì thiền sư giảng kinh nên trước chùa dựng rợp cờ phướn. 

Ấn Tôn thiền sư nổi tiếng khắp nơi, do đó đã rất đông người từ mọi miền ào ạt tìm đến. Trong ấy có hai vị hoà thượng, trông thấy cờ phướn phất phới trước cửa chùa nên liền bắt đầu nghị luận. 

Một trong hai vị phát biểu: “Phướn động”. Người kia cãi lại: "Không phải, gió động”. 

Kết quả hai người đã tranh luận không ngừng, dẫn đến tình trạng rất đông người dừng bước đứng xem. 

Lúc ấy Huệ Năng đại sư cũng đến để xem, nghe xong ngài liền lên tiếng: “Không phải phướn động, cũng không phải gió động, mà chính là tâm hai vị đang động”.

Hai người đang tranh luận, nghe Huệ Năng đại sư phê chỉnh, tức thời thoát nhiên đại ngộ. Khi nghe việc này, Ấn Tôn pháp sư tức khắc hiểu rằng những lời nói của Lục Tổ Huệ Năng đại sư, chính là trung tâm tư tưởng của “Kinh Niết Bàn” mà mình đang khai giảng, thế là ngài lập tức cung thỉnh đại sư thăng đàn thuyết pháp và đảnh lễ tôn Lục Tổ làm thầy.

Đây chính là trường cảnh khiến người vô cùng cảm động. Thật vậy, phàm phu chúng ta vì cứ chấp trước hiện tượng ngoại giới mà thờ ơ đối với nội tâm của mình. Phần lớn vấn đề sanh ra lại chính là được xuất phát từ trong nội tâm của chúng ta. 

Ngẫm lại bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng khi Ngài còn đang quét sân, giã gạo, nấu cơm trong chùa:

          Bồ Đề bổn vô thọ 
          Minh Kính diệc phi đài: 
          Bản lai vô nhất vật 
          Hà xứ nhạ trần ai? 

          Tạm dịch:  

          Trí giác vốn không cây 
          Gương sáng cũng không đài 
          Xưa nay không một vật 
          Chỗ nào bụi bám đây? 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét