Công ty Vedan xả thải gây ô nhiễm nguồn nước khiến thủy sản sông Thị Vải tuyệt diệt. Trước thực trạng này, hàng nghìn hộ dân 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM khởi kiện.
Năm 2008,
hành vi xả thải ra môi trường của Công ty Vedan Việt Nam (đóng tại huyện Long
Thành, Đồng Nai) bị Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an phanh phui. Khi mọi
việc được đưa ra ánh sáng cũng là lúc dòng Thị Vải đã trở thành sông chết khiến
nguồn cơm của hàng nghìn hộ gia đình bị hủy hoại.
Cá, tôm
không còn
Ông
Nguyễn Văn Tịch, 61 tuổi, ngụ xã Mỹ Xuân (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu)
cho biết, trước năm 2000, sông Thị Vải và các nhánh con sông này tôm cá nhiều
vô kể. Mỗi ngày, ngư dân đánh lưới nhỏ hoặc câu có thể thu về 20 kg các loại
thủy sản. “Một người đi đánh cá nuôi sống được cả gia đình. Nếu không có ghe
máy, không có lưới thì bắt ốc thôi cũng có thu nhập”, ông Tịch nói.
Lão
ngư kể nước sông có biểu hiện ô nhiễm từ đầu năm 2001 khiến các loại tôm, cá
chết dần. Đến năm 2004 thì thủy sản chết ồ ạt. “Có những hôm xác cá nổi trắng
mặt sông. Các loại thủy sản sống ở tầng đáy cũng nổi lên, chết dạt vào bờ”, ông
Tịch nói.
Cái
chết không chỉ hiện hữu trên sông mà còn len lỏi vào các đầm nuôi thủy sản của
ngư dân các tỉnh. Ông Nguyễn Văn Long (62 tuổi, ngụ xã Phước Thái, huyện Long
Thành, Đồng Nai) cho biết, ông gắn bó nghề sông nước hàng chục năm. Khi có vốn,
ông đầu tư vào 20 ha diện tích mặt nước đầm để nuôi tôm, cá. Ông cho biết: “Đến
năm 2008, sông Thị Vải bốc mùi hôi thối, nguồn nước về đầm cũng bị ô nhiễm làm
thủy sản chết dần”.
Cá,
tôm và các loài thủy sinh bị hủy diệt khiến cuộc sống ngư dân rơi vào cảnh điêu
đứng. Nhiều gia đình phải bán ghe, ngư cụ lấy tiền trả nợ.
Nhờ công
an mới có bằng chứng
Trước
thực trạng ô nhiễm, ngư dân đồng loạt phản ánh lên các cấp chính quyền và đề
nghị thanh tra công ty Vedan để làm rõ trách nhiệm xả thải. Theo ngư dân, họ
kiên trì nhiều năm trời, gõ cửa nhiều nơi để đòi công lý nhưng không thành vì
không ai nắm trong tay bằng chứng xả thải. Một ngư dân cho biết, họ đã gửi đơn
lên xã, huyện thậm chí lên các sở ngành nhưng không nhận được câu trả lời thỏa
đáng.
Ông
Long nói: “Chỉ đến khi Cục cảnh sát môi trường Bộ Công an bắt quả tang Vedan xả
thải ra môi trường chúng tôi mới có bằng chứng để tố cáo. Thời điểm đó, dựa vào
kết quả điều tra, hàng nghìn hộ dân ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM đồng
loạt làm đơn khởi kiện”. Ông Long cũng kể không những chủ đầm mà các gia đình
hành nghề chài lưới cũng đâm đơn kiện, đòi bồi thường thiệt hại.
Theo
ông Lương Minh Trường, nguyên chủ tịch Hội nông dân xã Phước Thái (huyện Long
Thành), toàn xã có trên 1.700 hộ dân kiện Vedan. Họ được giới luật sư trong tỉnh
hỗ trợ pháp lý miễn phí và yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại dựa trên khung
giá đền bù theo từng ngành mà tỉnh quy định.
Những hộ chăn nuôi thống kê mức thiệt hàng hàng năm do Vedan gây
ra để buộc công ty này đền bù. Trong khi đó ngư dân đánh bắt hải sản kê khai
mất thu nhập hàng tháng để làm căn cứ, buộc bị đơn bồi thường.
“Các
cấp chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc họp với Công ty Vedan để thỏa thuận mức
đền bù. Tuy nhiên, công ty này nhiều lần đưa giá thấp hơn yêu cầu khiến thỏa
thuận không thành và ngư dân đâm đơn khởi kiện”, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân
xã Phước Thái nói.
Đền bù
220 tỷ đồng
Tháng
7/2010, ngư dân Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM kiện Vedan. Một năm sau,
công ty này chấp nhận mức bồi thường 100% thiệt hại cho người dân 3 tỉnh với số
tiền trên 220 tỷ đồng. Trong đó ngư dân TP HCM 50 tỷ, Bà Rịa – Vũng Tàu 53 tỷ
và Đồng Nai 120 tỷ đồng.
Để
giải quyết vấn đề đền bù khách quan, chân thực, chính quyền 3 tỉnh đã thành lập
các hội đồng đánh giá, thẩm định tài sản thiệt hại của ngư dân và xét duyệt một
cách công bằng. Ông Trường cho biết: "Công việc được sắp xếp logic từ tỉnh
đến xã, ấp. Thành viên hội đồng không chỉ lãnh đạo địa phương, cán bộ sở ngành
mà còn có ngư dân".
Khi
công ty xả thải đền bù, số tiền được chuyển về tỉnh sau đó phân bổ cho hội đồng
thẩm định địa phương. Từ đây, những ngư dân thiệt hại có tên trong danh sách
kiểm kê trước đó được nhận tiền.
Ông
Nguyễn Văn Long cho hay: “Ai thiệt hại nhiều thì nhận nhiều, ít thì nhận ít. Họ
chi trả tiền 2 đợt và không ai vướng mắc thủ tục. Đến ngày, chúng tôi mang theo
giấy xác nhận thiệt hại mà hội đồng thẩm định cấp trước đó để đối chiếu danh
sách và nhận tiền".
Mức
đền bù chưa thấm vào đâu so với thiệt hại nhưng ông Long cho rằng cũng đỡ phần
nào. Có hộ nhận 200 triệu đồng nhưng cũng có gia đình được đền bù chưa đến 1
triệu đồng.
Từ
việc Vedan xả thải, Bộ Tài nguyên & Môi trường quyết định xử phạt vi phạm
hành chính về bảo vệ môi trường đối với công ty này tổng số tiền 267,5 triệu
đồng, buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng.
Sông Thị Vải là con sông chảy qua và làm ranh giới tự nhiên giữa Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu. Bắt nguồn từ huyện Long Thành (Đồng Nai) rồi chảy theo hướng Đông - Nam, qua Nhơn Trạch (Đồng Nai) đến huyện Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu) đổi theo hướng Nam đổ ra biển tại vịnh Gành Rái. Đoạn chảy theo hướng nam làm ranh giới tự nhiên giữa Nhơn Trạch (Đồng Nai) với TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Từ phản ánh, bức xúc của người dân địa phương về tình trạng lén lút xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, sau 3 tháng theo dõi, ngày 13/9/2008, Cục cảnh sát môi trường Bộ Công an bắt quả tang Công ty Vedan xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải qua hệ thống cống ngầm. Theo ước tính, công ty này có thể xả nước thải tới 5.000 m3/ngày ra sông.
|
Nguồn Bizlive
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét