Kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh
miền Trung được công bố mới đây tại một hội nghị ở Quảng Trị, cho thấy
những tín hiệu lạc quan về sự tự phục hồi của tự nhiên. Tuy nhiên,
câu hỏi quan trọng nhất thì vẫn còn đang bỏ ngỏ: “Cá biển đã ăn
được chưa?”. Khi chưa có đáp án rõ ràng cho câu hỏi này thì hàng
triệu con người gắn liền số phận với biển, cũng như nền kinh tế của
một khu vực rộng lớn hãy còn chưa có lối ra.
Tuy nhiên, có một
điều còn quan trọng hơn khi mà cuộc sống bình thường, trước khi xảy ra
thảm họa Formosa, còn chưa trở lại với người dân miền Trung sau một
thời gian dài điêu đứng vì ô nhiễm, vì mất kế sinh nhai, có vẻ như
vẫn chưa chốt lại được sau hội nghị này. Đó là sự tin cậy của
người dân vào các chỉ số môi trường được cơ quan chức năng công bố.
Đó còn là niềm tin vào các nỗ lực thật sự hiệu quả của nhà chức
trách trong việc trả lại biển sạch, thực thi giám sát để ngăn chận tái
diễn, trả lại cuộc sống bình thường cho người dân.
Khái niệm “biển
sạch” của người dân thật ra rất cụ thể và giản dị. Hơn ai hết, hàng
trăm ngàn ngư dân phải rời bỏ ngư trường nhiều tháng qua biết rõ họ
cần thấy điều gì trong vùng biển đã gắn bó nhiều đời với gia đình
họ. Họ phải được thấy lại cá tôm, hải sản sinh sôi nảy nở trên ngư
trường của mình, cụ thể qua từng mẻ lưới, từng chuyến ra khơi đầy
ắp thành quả trong khoang thuyền. Họ cũng khao khát được nhìn thấy
sản phẩm của mình được xã hội đón nhận bình thường, không còn bị
phân biệt đối xử trên thị trường nữa. “Biển sạch” cũng đồng nghĩa
với việc là hàng triệu con người trong khu vực được trở lại với
cuộc sống mà trước vụ Formosa làm ô nhiễm biển, họ đã từng có.
Chính Bộ trưởng Bộ
TN-MT Trần Hồng Hà phát biểu kết luận hội nghị cũng thừa nhận “những
công bố về hiện trạng biển miền Trung chưa trả lời được trọn vẹn câu hỏi của đồng
bào miền Trung”. Ngay trong báo cáo nghiên cứu của các nhà khoa học công
bố tại hội nghị cũng cho thấy còn một vài vùng biển vẫn đang tiềm
ẩn nguy cơ chất độc vượt ngưỡng và lượng
chất độc trầm tích thật ra cũng chưa có thể đánh giá một
cách đầy đủ. Cụ thể, báo cáo đã chỉ ra tại các khu vực thuộc Sơn Dương -
Hà Tĩnh (khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (khoảng 330 km2), hòn Sơn
Chà - Thừa Thiên Huế (khoảng 160 km2) có thông số cao hơn khu vực khác, tuy vẫn
nằm trong giới hạn cho phép nhưng cần
phải được giám sát chặt chẽ bởi đây là các vùng bẫy động lực. Về tồn lưu lớp màng keo sắt, nhóm nghiên
cứu thực hiện tại 9 khu vực có rạn san hô và các dạng nền đáy khác với 63 điểm
khảo sát. Kết quả, tháng 4 và tháng 5 bề mặt đá và các rạn san hô có hiện tượng
lớp bột màu vàng phủ bám. Hàm lượng phenol trong màng bám hệ keo sắt có giá trị
cao, dao động 3,80-7,79 ppm.
Cơ chế thiên nhiên tự
đào thải chất độc và làm sạch môi trường là chuyện không mới. Điều
đó luôn diễn ra như một quy luật cân bằng để tồn tại của tự nhiên.
Song, cũng theo các nhà khoa học, trong những thảm họa môi trường có
hậu quả nghiêm trọng, nếu chỉ trông cậy vào cơ chế tự đào thải của
tự nhiên không thì chưa đủ. TS. Nguyễn Tắc An, nguyên Viện trưởng Viện
Hải dương học cho rằng, muốn làm
sạch cho một vùng đã bị ô nhiễm do tác động của con người phải dựa vào hai cơ
chế. Đó là dựa vào bản chất, cơ chế tự làm sạch của thiên nhiên và dựa vào sự
can thiệp, tác động của con người. Về tự nhiên, phải công nhận khả năng tự làm
sạch của vùng biển miền Trung rất cao. Đó là khả năng “trời cho” nhưng nói
như vậy không có nghĩa con người có thể “bình chân” trong việc làm sạch môi trường
biển miền Trung đã bị Formosa xả thải ra làm ô nhiễm rất nghiêm trọng. Bởi nếu
như không có những tác động tích cực của con người bằng các giải pháp công nghệ
thì khả năng tự làm sạch của tự nhiên sẽ không giải quyết triệt để được vấn đề.
Nên nhớ có những loại hóa chất khi trôi rửa đi nó không làm bẩn chỗ này thì
sẽ làm bẩn chỗ khác hoặc trầm tích nằm yên chờ đó.
Sự tin cậy có thể
nói là một trong những yếu tố hàng đầu cần phải được quan tâm đặc
biệt trong thời điểm có liên quan tới việc công bố các kết quả nghiên
cứu, thông tin khắc phục và xử lý môi trường khu vực ô nhiễm biển
miền Trung bởi Formosa đang làm điêu đứng hàng triệu con người. Tác hại trong tâm lý là chuyện mà không phải
cứ đưa ra một báo cáo kết quả đẹp là có thể giải quyết được ngay.
Cần có thời gian, cần có độ thuyết phục từ những nỗ lực giám sát,
giải pháp cải thiện môi trường một cách minh bạch của cơ quan chức
năng và sự thành khẩn, hành động chuộc lỗi, đền bù cho môi trường một
cách tương xứng của chính thủ phạm đã gây ra ô nhiễm.
Người dân đánh giá cao các nỗ lực nghiên cứu và công bố các
thông tin cập nhật về tình hình xử lý ô nhiễm môi trường biển miền
Trung của nhà chức trách. Song để có thể xây dựng lòng tin, các chỉ
số và kết quả nghiên cứu phải giải đáp được nỗi lo âu cốt lõi của
người dân và phải kịp thời, thiết thực, đầy đủ, gắn liền với đòi
hỏi liên quan tới việc trả lại cuộc sống bình thường cho gia đình
họ.
Đơn giản, người dân chỉ cần biển sạch. Và “biển sạch” với ngư
dân là biển có tôm cá sinh sôi nảy nở, cụ thể qua từng mẻ lưới,
từng chuyến ra khơi, từng vụ nuôi trồng gắn liền với sự sống còn
của mỗi con người, mỗi gia đình cũng như với số phận của các cộng
đồng có liên quan tới nghề biển. Để có lại được sự tin cậy vào an toàn môi trường
biển, để “biển sạch” như khát vọng của ngư dân chắc phải mất không ít
thời gian và sự nỗ lực minh bạch, sự cố gắng thực thi trách nhiệm không hề nhỏ của các cơ quan chức năng, của các nhà
khoa học, của cả cộng đồng. Mới thấy những tác hại, tổn thất mà
Formosa gây ra cho môi trường tự nhiên và nền kinh tế – xã hội của đất
nước ta là không nhỏ chút nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét