Trang

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Chuyện về một chiến sĩ tình báo bị tù oan hơn 17 năm

“Những giọt dầu văng đi không ai biết tới”


Nhà văn Vũ Bằng được minh oan thì mọi người mới biết ông là một nhà tình báo. Cùng tổ tình báo hoạt động trong thành Hà Nội với nhà văn Vũ Bằng ngày ấy còn có một người đã phải gánh chịu nhiều trớ trêu của số phận khi bị bắt oan và kết án về tội … làm gián điệp và bị giam hơn 17 năm. Hơn 20 năm sau ông mới được minh oan sau khi đã chấp hành xong án cải tạo. Người đó là Nguyễn Phổ, từng nổi tiếng là thợ làm ảnh kẽm giỏi nhất Bắc Kỳ những năm 40 của thế kỷ trước.


Kỳ I: Làm gián điệp, nói xấu chế độ, đốt công xưởng và … ăn cắp ?!

Phải nhờ tới người cháu ruột của ông Phổ dẫn đường, tôi mới tìm được tới căn hộ ở khu tập thể quân đội nằm khuất trong con ngõ nhỏ ở Nghĩa Tân, nơi bà Phổ đang sống cùng con trai thứ. Căn hộ này là quân đội cấp cho ông như một sự đền bù sau những năm dài ông phải chịu oan ức. Năm nay bà đã bước sang tuổi 85, trải qua bao vất vả, đau khổ của cuộc đời. Mấy năm trước, sau một cơn tai biến mạch máu não bà không nói được nữa và phải ngồi xe lăn, nhưng khi nghe tôi nhắc đến chuyện ông nhà thì bà vẫn hiểu, gật đầu, và từ hai khóe mắt đã dày vết chân chim, hai giọt nước mắt trào ra.
Sinh năm 1917 tại Hà Nội, Nguyễn Phổ là con thứ 8 của học giả nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh, người có công rất lớn trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ ở Việt Nam, là chủ bút của nhiều tờ báo tiếng tăm, chủ nhà in lớn. Ông Vĩnh từng là một đại gia của làng báo chí, xuất bản tại Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20. Nhưng rồi, do không chịu hợp tác với chính quyền Thực dân Pháp mà ông bị o ép tới mất hết cơ nghiệp, nợ nần chồng chất, phải bỏ sang Lào đi tìm vàng và chết trên một chiếc thuyền độc mộc bên bờ sông Sepon năm 1936, một cái chết mà cho tới bây giờ vẫn còn nhiều bí ẩn. Sinh ra đúng lúc cảnh nhà đã sa sút, Nguyễn Phổ không có may mắn được sống trong nhung lụa như các anh chị em của mình. Sau này, trong khi các anh em có những người theo nghiệp chữ nghĩa của cha và rất nổi tiếng như nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Giang,… thì mới 15 tuổi Nguyễn Phổ đã phải đi học nghề làm thợ xắp chữ, tráng ảnh kẽm trong nhà in. Tuổi trẻ với những mơ ước được sống và cống hiến hết mình cho lý tưởng, bởi vậy những ngày học nghề trong nhà in, được sống cùng những người công nhân mang tư tưởng cách mạng vô sản đã khiến anh thợ trẻ có cảm tình với cách mạng. Vì thế ngay từ trước năm 1945, Nguyễn Phổ đã nuôi dấu ông Trần Quốc Hương, một người từng sinh hoạt trong phong trào hướng đạo sinh, khi ông Hương trở lại Hà Nội móc nối cơ sở.
Cách mạng tháng Tám như một luồng gió mới đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của anh thợ nhà in Nguyễn Phổ, từ có cảm tình sẵn sàng tin và đi theo cách mạng. Trong những ngày tổng khởi nghĩa, Nguyễn Phổ cùng công nhân nhà in Têrêxa in truyền đơn và là người tham gia in những tờ giấy bạc đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2/9/1945, một người em trai của Nguyễn Phổ là Nguyễn Dực, khi đó là chủ một cửa hiệu kinh doanh radio đã mang toàn bộ máy móc của mình ra quảng trường Ba Đình lắp đặt hệ thống phóng thanh để Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập. Sau đó ông Dực đã đóng góp toàn bộ số máy móc này cho cách mạng và trở thành một trong những người đầu tiên có công lớn lập nên Đài tiếng nói Việt Nam.
Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Nguyễn Phổ mang toàn bộ tiền dành dụm của gia đình mua thuốc ảnh, máy móc ủng hộ kháng chiến và cùng công nhân theo báo Cứu Quốc lên Chi Nê (Hòa Bình) làm công nhân nhà in. Tháng 1 năm 1948, Cục Tình báo, thuộc Nha Liên lạc, Phủ Thủ tướng (nay là Tổng cục 2 – Bộ Quốc Phòng) tuyển Nguyễn Phổ vào mạng lưới tình báo quân đội và đưa về hoạt động nội tuyến với vỏ bọc là thợ làm ảnh kẽm tại nhà in ở Hà Nội. Tại tổ tình báo ấy có một người bạn mà Nguyễn Phổ từng chơi rất thân là nhà văn Vũ Bằng. Nhiệm vụ của tổ là thu thập tin tức chuyển ra chiến khu qua hộp thư giao liên. Hoạt động trong lòng địch tổ tình báo này đã hoạt động rất hiệu quả vì mỗi người đều có vỏ bọc rất thuận lợi để giao du và thu thập tài liệu. Với tay nghề ảnh kẽm vào loại số một khi đó, Nguyễn Phổ được tuyển vào làm thợ làm ảnh kẽm ở Phòng Thông tin Mỹ, thực chất là một cơ quan tình báo.
Nhắc lại những ngày hoạt động, ông Nguyễn Văn Đăng, nguyên đại đội trưởng đơn vị PC256, tiểu đoàn 610A, trung đoàn 75, người chỉ huy trực tiếp nhóm điệp báo ngày ấy kể rằng, từ đầu mối thông tin quan trọng này rất nhiều thông tin quan trọng đã được Nguyễn Phổ sao chụp và chuyển qua các hòm thư liên lạc để đưa ra chiến khu. Sáu năm hoạt động trong lòng địch, tổ tình báo này đã chuyển rất nhiều tin tức có giá trị ra ngoài. Đặc biệt cho tới ngày giải phóng thủ đô, tổ tình báo vẫn không bị lộ. Vì vậy, sau khi giải phóng thủ đô nhà văn Vũ Bằng tiếp tục vào Nam, còn ông Phổ do hoàn cảnh gia đình xin được ở lại Hà Nội. Ngày đó, nhà in tiến bộ là cơ sở in hiện đại nhất được tiếp quản, những người thợ kẽm rất cần, vì vậy khi ông Phổ được phép ở lại tổ chức đưa ông vào làm thợ kỹ thuật ở đây.
Nhưng ông không thể ngờ được những trớ trêu của số phận đã đổ xuống gia đình mình mà bắt nguồn từ một sự nhầm lẫn. Nghề tình báo với những bí mật “sống để bụng chết mang theo”, tới vợ con cũng không được phép biết công việc của mình, vì vậy mà có những nỗi oan khuất không thể minh oan trong ngày một ngày hai. Sau ngày giải phóng thủ đô, một trong những nhiệm vụ của ngành công an là bóc gỡ những đường dây gián điệp Pháp, Mỹ cài lại và nhóm tình báo của ông Phổ (do Cục 2 – Bộ Quốc phòng quản lý) cũng bị công an Hà Nội đưa vào tầm ngắm (cũng dễ hiểu vì nhóm này có nhiều người quá nổi tiếng, một nhà văn bị mang tiếng “dinh tê” từ thời kháng chiến, một người lại từng làm nhân viên sở Mỹ). Vì vậy, sau khi nhà văn Vũ Bằng vào Nam mà ông Phổ ở lại, ngày 29/9/1955, Nguyễn Phổ bị bắt khi đang làm việc ở Nhà in Tiến Bộ. Ngày đó, rất vô tình xưởng sản xuất ở nhà in bị cháy mà lại cháy từ tủ đựng đồ của Nguyễn Phổ. Khám nhà riêng của ông Nguyễn Phổ, người ta thu được máy và những vật liệu in ảnh kẽm. Vậy là với ba tội danh: Làm gián điệp Mỹ, nói xấu chế độ, đốt công xưởng và ăn cắp của công, ông Phổ bị tuyên bố 15 năm tù giam. Khi mới bị bắt, ông đã kêu oan. Nhưng vào thời đó, chẳng ai chịu nghe lời kêu cứu của một người mắc tội tày trời là làm gián điệp. Còn những người chỉ huy thì không thể đứng ra minh oan cho ông, bởi nếu cứu được ông thì những người đang hoạt động trong lòng địch sẽ lộ. Đây chính là bi kịch của những người làm tình báo.



Kỳ II: Chuyện buồn nhưng có hậu

Ngôi nhà ở 25 Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội cùng vật dụng gia đình bị tịch thu, vợ con ông phải đi ở nhờ trong một căn gác 16m2 ở ngõ Liên Trì. Vợ ông khi đó mới 35 tuổi bị đình chỉ công tác, đàn con 7 đứa nheo nhóc, đứa nhỏ nhất mới được 5 tháng, bà mẹ già gần 80 tuổi sau cú sốc quá lớn, nhìn đàn con cháu bỗng chốc không cửa không nhà đã bỏ về quê chồng ở làng Phượng Dực (xã Phượng Vũ – Phú Xuyên – Hà Tây) và chết trong cảnh một thân một mình ở quê. Mười bảy năm ông bị tù oan là 7 đứa con lần lượt lớn lên trong thiếu thốn và cả sự kỳ thị vì là con của gián điệp, với một lí lịch “đen”, chẳng ai được vào đại học dù học rất giỏi và phải vào đời bằng những con đường nhọc nhằn khác. Còn ông, trong khi tòa tuyên án 15 năm tù, trong thời gian cải tạo dù luôn được khen thưởng là cải tạo tốt và được giảm án 2 lần với thời gian 5 năm 6 tháng, nhưng rồi những người được giảm án cùng ông lần lượt được trở về, còn ông thì không và còn phải ở thêm 2 năm so với mức án mà tòa tuyên mà không có một lời giải thích rõ ràng.
Dằng dặc những năm bị tù oan, có lẽ niềm tin một ngày sẽ được minh oan là liều thuốc tinh thần mạnh nhất để ông Phổ không gục ngã. Và trong những năm dài sống trong oan khuất ấy để động viên vợ con ông thường viết thư về. Trong rất nhiều lá thư ấy, các con ông vẫn nhớ có lần ông đã viết: “Mỗi cỗ máy, muốn chuyển động đến đích, đều phải nhờ đến lực đẩy và dầu mỡ bôi trơn. Song khi tới đích đâu phải tất cả đều còn ở lại để kể công của mình. Bánh xe lịch sử cũng vậy. Các con hãy coi gia đình ta là một trong vô vàn những giọt dầu văng đi không ai biết tới ấy.” Ngày 30/10/1972, ông được trả tự do sau 17 năm 1 tháng 1 ngày ngồi tù, khi đã bước sang tuổi 56.
Ra tù, việc đầu tiên ông nghĩ tới là phải xin minh oan với quyết tâm dù có phải đội đơn đi bất cứ đâu, bởi với ông không còn thử thách nào hơn 17 năm ngồi tù đầy oan khuất. Và phải mất 6 năm chờ đợi, ngày 28/3/ 1978, tại phiên tòa giám đốc thẩm, tòa án nhân dân tối cao đã tuyên ông vô tội và phục hồi mọi quyền lợi, chế độ. Nhưng bản án này mới là phần đầu của hành trình đi tìm lại những gì đã mất.
Mặc dù tòa đã tuyên phục hồi mọi quyền lợi, nhưng khi gõ cửa các cơ quan có trách nhiệm thì không ai muốn đứng ra giải quyết quyền lợi cho ông. Lại thêm những năm dài cầm đơn khiếu nại đi khắp nơi. Và đời ông vẫn còn may mắn khi gặp được những người đồng đội tốt. Lời thỉnh cầu của ông được gửi tới lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ). Mãi tới năm 1990, nhờ có sự can thiệp của nhiều cơ quan, gia đình ông được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cấp cho căn hộ tập thể ở Thanh Xuân. Sau rất nhiều công văn trao đổi giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Lao động – Thương binh xã hội, cuối cùng ông được xếp mức lương hưu công nhân viên quốc phòng bậc thợ 7/7 và tính thời gian công tác liên tục từ năm 1948 tới năm 1981. Tháng 7 năm 1995, Bộ Quốc phòng quyết định cho ông được truy lĩnh lương của 17 năm tù oan số tiền 55 triệu đồng và 45 triệu đồng tiền bồi thường những vật dụng gia đình đã bị tịch thu năm 1955. Đầu năm 1996, Bộ Quốc phòng cấp cho ông căn hộ tập thể ở khu tập thể quân đội Nghĩa Tân. Tháng 2 năm 1997, ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì “vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Những năm cuối đời, ông Phổ sống khá lặng lẽ. Các con ông dù phải vào đời bằng những con đường khá chật vật nhưng đều là những công dân tốt. Trong những câu chuyện với các con, ông ít khi nhắc lại chuyện cũ. Niềm vui lớn nhất là ông vẫn còn cơ hội làm và truyền nghề ảnh kẽm bởi sau này Sở Văn hóa tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, biết tiếng ông là thợ giỏi đã mời ông làm giáo viên 1 năm.
Thấm thoát đã là lần giỗ thứ 8 của ông Phổ. Bây giờ nhắc lại những chuyện đã qua, các con ông vẫn bảo đời ông là câu chuyện buồn nhưng có hậu và tự động viên nhau rằng sống ở đời này đâu phải ai cũng đều gặp may mắn.
Việt Hằng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét