Trang

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Vấn nạn truyền thông – phần nổi của tảng băng chìm

Nguyễn Quang Dy
Ngày càng nhiều “tai nạn truyền thông”, tuy không nhiều bằng tai nạn giao thông, nhưng cũng gây bức xúc không kém. Không phải chỉ có người dân, mà các quan chức cũng bức xúc. Ông Lê Doãn Hợp (cựu bộ trưởng TT-TT, nay là chủ tịch Hội Truyền thông số) chia sẻ, “Nếu báo chí tự cảm thấy nhạy cảm và không dám vào vùng nhạy cảm thì là không đúng…Nếu được làm rõ thì sẽ hết nhạy cảm, bởi vì chính bản thân cái được gọi là nhạy cảm làm cho xã hội lúng túng về thông tin. Bây giờ dân trí cao, mình đừng sợ dân hiểu sai…”
Trong bài này, tôi không định chỉ đề cập đến vấn đề “nhạy cảm” của báo chí (vì được đề cập nhiều rồi), mà muốn đặt vấn nạn truyền thông trong một bối cảnh rộng hơn (in perspectives).  Nói cách khác, vấn nạn truyền thông chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.  Phát biểu của ông Lê Doãn Hợp (sau “hoàng hôn nhiệm kỳ”) mới đề cập đến hiện tượng, mà chưa đề cập đến bản chất và không lý giải nguyên nhân thực sự của hiện tượng đó. 
Cuộc cách mạng truyền thông lần thứ hai
Cách đây khoảng hai năm, khi dự một hội thảo về truyền thông tại đại học Sydney, tôi có nói, “sự xuất hiện của internet, với truyền thông số (digital media) và mạng xã hội (blogosphere) đã tạo ra một cuộc cách mạng truyền thông lần thứ hai…”, một bước ngoặt làm thay đổi cơ bản nhiều vấn đề liên quan đến bản chất truyền thông và xã hội…
Khi nói đến “lần thứ hai”, thì phải nói đến “lần thứ nhất”. Cách đây hơn một thế kỷ, sự xuất hiện của máy in và sự bùng nổ của phong trào “truyền bá quốc ngữ” đã tạo ra một bước ngoặt, như cuộc “cách mạng truyền thông lần thứ nhất”. Lần đầu tiên, người Việt được tiếp cận với truyền thông đại chúng (mass media), với sự xuất hiện của báo chí độc lập, với những tên tuổi lớn đã đi vào lịch sử như Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Vĩnh Ký, Phan Kế Bính…
Về văn hóa, phong trào “Tự lực Văn đoàn” (với Nhất Linh, Khải Hưng, Thạch Lam…), “Thơ mới” (với Tản Đà, Tú Mỡ…) và “Đông Kinh Nghĩa thục” (với Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Nguyễn Quyến…) là một hiện tượng. Qua đó, những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của thế kỷ “khai sáng” (ở Tây Âu) và canh tân (ở Nhật) đã du nhập vào Việt Nam, góp phần làm thay đổi bản chất xã hội Việt Nam buổi giao thời (từ Nho sang Tây).
Với một gia tài văn hóa tư tưởng đáng tự hào như vậy, nhưng mặt bằng trí thức nói chung và nền báo chí nói riêng tại Việt Nam hiện nay không những thua kém mà còn đang tụt hậu so với các nước khu vực có bối cảnh lịch sử tương đồng. Đó là một nghịch lý. Những gì xảy ra như những tai họa ịch sử đã làm thui chột truyền thống đáng quý đó? Phải chăng là do tư tưởng cực đoan và cuồng tín của chủ nghĩa Mao đã ăn sâu bám rễ, dẫn đến những nhầm lẫn ấu trĩ về tư duy, dù vô tình hay cố ý, đang góp phần kéo lùi lịch sử?  
Ông Lê Doãn Hợp thừa nhận, “chúng ta đã sai, đang sai và tiếp tục sai… phải có sự góp ý, phản biện, giám sát của dân, của trí thức… chúng ta chưa động viên báo chí nói đúng những điều sai… không ai xử lý người nói đúng và cũng không ai xử lý người nói có lý, có tình…” Bây giờ ông Hợp “nói đúng những điều sai”, nhưng khi còn tại chức, ông “đã làm được gì” để thay đổi những điều sai đó? (mượn lời bà Chủ tịch Quốc hội). Liệu đã hết “nhạy cảm” đối với các ý kiến phản biện và nỗi ám ảnh về các “thế lực phản động” nào đó?  
Truyền thông trực tuyến và thể chế chính trị
Sau một thế kỷ, sự phát triển của truyền thông đại chúng tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức tương tự, như tài chính và thể chế chính trị (kiểm duyệt). Việt Nam vẫn đang ở ngã ba đường của lịch sử. Tuy nhiên, bản chất cuộc “cách mạng truyền thông lần thứ hai” có những đặc điểm khác trước. Khác với máy in (bị hạn chế), internet với ưu thế của công nghệ số đã mở ra một xa lộ thông tin trực tuyến, không thể kiểm duyệt.  
Sự phát triển vũ bão của internet tại Việt Nam trong gần hai thập kỷ qua là một hiện tượng, do nhu cầu đổi mới và phát triển kinh tế cũng như truyền thông. Mỗi ngày có hơn 3 triệu người dùng facebook. Về tốc độ phát triển internet, Việt Nam được xếp vào nhóm nước đứng đầu khu vực, nhưng về kiểm duyệt và tự do thông tin thì Việt Nam lại được xếp vào nhóm nước đứng cuối. Theo ông Lê Doãn Hợp, “bây giờ số người đọc tin tức qua internet có khoảng 52 triệu, trong khi đó số người đọc báo in chỉ có khoảng 5 triệu…”
Gần đây, trong giới báo chí xuất hiện một khái niệm hơi bất bình thường là báo “lề phải” và báo “lề trái” (chỉ Việt Nam mới có). Lý giải thế nào khi một nhà báo vừa làm cho báo “lề phải”, vừa là một blogger?  Sự phân biệt này phản ánh dân trí xã hội trước thực trạng truyền thông đại chúng đang bị phân hóa sâu sắc vì những lý do chính trị (như cái bẫy ý thức hệ). Đồng thời nó phản ánh ưu thế gần như tuyệt đối của truyền thông số đang làm giới quản lý đau đầu và cơ chế kiểm duyệt lúng túng và bất lực trước một thực tế mới.
Có một nguyên tắc (hay tập quán) bất thành văn trong hệ thống công quyền là “cái gì không kiểm soát được thì cấm” (hoặc không thừa nhận). Ví dụ, người ta tranh cãi mạng xã hội có phải là báo chí hay không, có nên thừa nhận hay không. Lý do là nếu thừa nhận thì không thể kiểm soát được. Nhưng thật chớ trêu là mạng xã hội (hay báo “lề trái”) vẫn tồn tại, dù có được thừa nhận hay không. Không những thế, nó đang lấn sân và áp đảo báo “lề phải” đang bị cơ chế kiểm duyệt vô hiệu hóa chức năng truyền thông đại chúng.  
Ông Lê Doãn Hợp thừa nhận thực trạng yếu kém của nền báo chí mà bộ ông phụ trách, “Nhà nước phải đi trước mạng xã hội chứ không phải đi sau. Nếu đi sau mạng xã hội là đối phó không kịp thời…Trong vụ cá chết ở miền Trung vừa rồi, thông tin mạng đưa hết rồi nhưng báo chí nhà nước lại đi sau và chậm trễ là khó chấp nhận, làm mất đi vị trí của mình.  Trong xã hội, nếu báo chí đi sau, người dân sẽ không dùng đến báo chí nữa…”
Ông Hợp đã “nói đúng những điều sai”. Thái độ ứng xử của chính quyền và báo chí “lề phải” phản ánh khủng hoảng về truyền thông và lúng túng, lẩn tránh trách nhiệm của chính quyền trước thảm họa môi trường, mà Formosa là phần nổi của tảng băng chìm. Khi buộc tội Formosa, tại sao phải tránh né đề cập đến trách nhiêm của nhà thầu Trung quốc MCC? Tại sao phải gây khó dễ và ngăn cản bà Su Chih-fen (nghị sỹ Quốc hội Đài Loan, thuộc Đảng cầm quyền Dân Tiến) sang Việt Nam khảo sát thực tế về Formosa?   
Cũng như vậy, khi hệ thống an ninh mạng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị hackers (của Trung Quốc) đánh sập, thì dư luận cả nước lo lắng và bức xúc. Nhưng thái độ ứng xử của một số quan chức và nhà báo đối với sự cố an ninh mạng nghiêm trọng này đã bị dư luận phản ứng vì họ muốn “định hướng dư luận” bằng cách ngụy biện và đánh tráo khái niệm. Phải chăng đó là biểu hiện của tâm trạng lo sợ, không dám thoát Trung?    
Tương tự, dư luận bức xúc phản đối Bộ GTVT đề xuất vay Trung Quốc 300 triệu USD để làm đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Theo thăm dò dư luận trên mạng dantri.com.vn, có 99% người dân phản đối, nhưng tại sao ngoại trưởng Phạm Bình Minh lại ủng hộ (vì động cơ gì)? Trong khi đó, Bộ Tài chính và Quảng Ninh không tán thành. Các chuyên gia kinh tế có uy tín như Lê Đăng doanh, Phạm Chi Lan và Lưu Bích Hồ… đã lên tiếng phản đối, cho rằng dự án đường cao tốc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro (về kinh tế, an ninh, môi trường) như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoặc Bô-xít Nhân Cơ và Thép Formosa.   
Tại sao đến lúc này mà nhiều người vẫn chưa tỉnh ngộ về “Giấc mộng Trung Hoa” (như bị bóng đè hay ma ám)? Liệu Việt Nam có muốn trở thành bãi rác thải công nghiệp để Trung quốc hay Đài Loan xuất khẩu công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường, hàng hóa lạc hậu ế thừa, hay những thiết bị làm nhiệm vụ “Con ngựa thành Troy”? Cách đây hơn 25 năm cố ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã cảnh báo, “Một thời kỳ Bắc thuộc mới bắt đầu”…
Những hệ lụy của định hướng và kiểm duyệt
Chủ trương tuyên truyền, định hướng dư luận, cũng như cơ chế kiểm duyệt đã dẫn đến những hệ quả đáng tiếc về chất lượng chương trình, đạo đức nghề nghiệp, gây ra những sự cố truyền thông (hay “tai nạn nghề nghiệp”), làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức hay tư cách cá nhân những người trong cuộc. Nhưng thái độ vô cảm và coi thường công chúng của một số người trong cuộc xét cho cùng chỉ là hệ quả của “lỗi hệ thống”.
Các biên tập viên phụ trách những chương trình gây ra tranh cãi, thực ra không đáng trách bằng chính hệ thống và những người đã định hướng họ, làm cho họ méo mó về nghề nghiệp và nhân cách, theo một đường mòn (“đúng quy trình”) mà ông Lê Doãn Hợp gọi là “đã sai, đang sai và tiếp tục sai”. Đó là sự nhầm lẫn đáng tiếc mà những người trong cuộc, như ông cựu bộ trưởng, cũng không thể vô can, dù đã về hưu hay làm việc khác. 
Gần đây, một loạt sự cố và tai nạn truyền thông tại VTV đã làm dư luận bức xúc. Ví dụ, chương trình “60 phút mở” của VTV do nhà báo Tạ Bích Loan phụ trách, về chủ đề “đấu tố” MC Phan Anh, hay về chủ đề “mục đích làm từ thiện”.  Ví dụ, chương trình truyền hình “Ký sự Syria” của biên tập viên Lê Bình (VTC24), được Tổng Giám đốc VTV Trần Bình Minh trao bằng khen “vì dũng cảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, trong khi dư luận (có cả các đại sứ) phê phán là “dàn dựng vụng về, thiếu chuyên nghiệp và không trung thực”.     
Một số quan chức hay chính khách cũng có thể trở thành nạn nhân của tai nạn truyền thông, nếu họ không ý thức rõ bản chất của truyền thông trực tuyến là phản ánh trung thực và lan tỏa cực nhanh. Thái độ ứng xử và phát ngôn vụng về của họ sẽ được truyền đến hàng triệu người ngay lập tức, (going viral in real time), làm cho họ không có cơ hội cải chính và không thể che đậy (cover up). Truyền thông trực tuyến như con dao hai lưỡi. 
Vì vậy, phát ngôn của đại sứ Tôn Nữ Thi Ninh về Bob Kerrey đã gây bão dư luận, làm cho bà Ninh bị “ném đá” dữ dội như một cuộc tàn sát. Hình ảnh cho cá ăn phản cảm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (bên cạnh Tổng thống Obama) đã làm cho dư luận bức xúc và chê trách. Câu nói xếch mé của bà Ngân, “các người đã làm được gì cho đất nước chưa?” cũng bị dư luận phản ứng dữ dội, làm bà Ngân mất điểm nặng nề. Nếu không đổi mới tư duy, sẽ còn nhiều người khác trở thành nạn nhân của sự cố truyền thông.     
Người ta có thể kiểm duyệt hay đóng cửa một tờ báo, nhưng không thể kiểm duyệt hay đóng cửa mạng xã hội. Ông Lê Doãn Hợp đã phải thừa nhận một thực tế mới là không thể quản lý truyền thông báo chí theo kiểu cũ, “Việc quản lý báo chí trong thời đại công nghệ thông tin, trong thời kỳ mạng xã hội đã trở thành phổ biến, phải hoàn toàn khác. Nhưng chúng ta vẫn đang quản lý theo những kinh nghiệm truyền thống của thế kỷ 20… Chúng ta đang quản lý báo chí bằng mệnh lệnh hành chính… đó là quản lý tình thế, giật cục…”
Lời cuối
Trong thế giới phẳng, với nhu cầu kết nối toàn cầu, phải xóa bỏ các rào cản phân biệt báo “lề trái” với báo “lề phải”, thông tin “trong luồng” và “ngoài luồng”, để hòa nhập thành một dòng chảy chung của truyền thông đại chúng thời đổi mới. Muốn biến điều không thể thành có thể, trước hết phải bình thường hóa những điều bất bình thường.
Muốn tránh vấn nạn truyền thông, phải ý thức rõ bản chất và vai trò của truyền thông số và triển vọng phát triển đáng kinh ngạc của nó hiện nay. Trong khi nhân loại đang tiến tới một nền văn minh truyền thông mới, thì Việt Nam vẫn đang ở ngã ba đường. Muốn phát triển kinh tế trí thức dựa trên công nghệ cao và tư duy quản trị mới, phải tháo gỡ những ách tắc và bất cập về truyền thông, cả về công nghệ lẫn ý thức hệ, bằng cải cách thể chế.
NQD. 10/8/2016
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 10-8-16

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét