Trang

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Tham khảo về "Ngôi mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm"

Ngôi mộ Nguyễn Bỉnh Khiêm mới phát lộ (bài Nguyễn Đình Minh)
Câu chuyện mới ở Hải Phòng.
Đầu tiên là một bài chép nguyên về từ trang Nguyễn Đình Minh.
Tư liệu bổ sung (nếu có) sẽ dán vào phía dưới.
---
Tháng 1 năm 2017
Ngôi mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và tôn tộc nhà Mạc - Hé mở độ tin cậy từ những căn cứ khoa học
Bài đã in trên Báo “Kinh doanh & Pháp Luật” số ra ngày 30.11.2016
Sự kiện những ngôi mộ cổ phát lộ ở xã Cộng Hiền (Huyện Vĩnh Bảo TP. Hải Phòng và trong số ấy có 1 tấm quách viết nhiều chữ “Nho”, đặc biệt ở đầu quách có 3 chữ thì 2 chữ rất rõ là “Nguyễn Bình”… Đã dấy lên đồn đoán liệu đó có phải là phần mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm? Phóng sự dưới đây, được viết về vấn đề này không dựa trên những vấn đề tâm linh mà căn cứ vào các chứng cứ khoa học, văn học, lịch sử và bằng phân tích logic.
 1.Tấm quách 1700 năm tuổi nói gì?
Ngày 7.4.2014, tại khu sân vườn cạnh bờ ao nhà cô Bùi Thị Hiền, nhân dân thôn Hạ Đồng xã Cộng Hiền (Huyện Vĩnh Bảo – Hải Phòng), đã khai quật nhiều ngôi mộ cổ. Điều đặc biệt là những ngôi mộ này có những đặc điểm lạ và chứa di vật bên trong bất bình thường.
Khởi động hành trình giải mã
Trong văn số 16 ngày 15.5.2014, của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người (sau khảo sát thực tế), gửi UBND xã Cộng Hiền, viết: “Đây là những ngôi mộ cổ và những người nằm trong đó có thể là những bậc danh nhân”. Tiếp đó, ngày 15.10.2014, đoàn cán bộ của Viện khảo cổ, sau khi nghiên cứu các vật thu được bởi Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, đã có cuộc làm việc trực tiếp tại khu vực khai quật. Tại đây, các nhà khoa học đã kiểm tra xem xét, hội thảo tại chỗ nhiều nội dung, nhưng tập trung vào các hiện vật khai quật được bao gồm: 2 tấm quách bằng gỗ, 1 tấm còn khá nguyên vẹn, 1 chiếc tiểu gốm có hoa văn lạ và 9 chiếc cúc vàng hình nụ chè.
Kích cỡ và lớp sơn của chiếc quách khi khai quật, theo những người có mặt trực tiếp là ông Phạm Văn Thường (Y sỹ Phòng khám đa khoa xã Cộng Hiền), ông Phạm Đình Lời (Bí thư chi bộ thôn Hạ Đồng), vợ chồng ông bà Trần Giòn (Ngay sát khu khai quật)…, đều khẳng định, khi mới đào lớp sơn đỏ au và mùi thơm thoảng bốc lên. Kích cỡ thiết kế  theo quy cách: 1,26 m x 0,30 m x 0,33 m. Các tấm thiên, địa và xung quanh được ghép mộng và chốt bởi những “thẻ” gỗ có đầu vót nhọn. Tiến sĩ khảo cổ học Lê Đình Phụng, khẳng định 3 vấn đề về tấm quách: chất liệu gỗ Ngọc Am, màu sơn vỏ quách và các quy cách thiết kế, đặc biệt kiểu mộng ghép… theo các chỉ số phong thủy phù hợp với văn hóa mai táng người thuộc tầng lớp quý tộc mất vào giai đoạn cuối thế kỷ 16 và thế kỷ 17.
Ngay sau đó, PGS.Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường (Tổng thư ký Hội Khảo cổ Việt Nam) đã thực hiện tổ chức việc kiểm định niên đại tấm quách tại Phòng thí nghiệm Thủy văn đồng vị, thuộc Trung tâm  hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, mẫu gỗ lấy từ tấm quách (Mẫu gốc ký hiệu No.­1 NBK; Mẫu kiểm định số 02- KC/ 2014 ngày 10/7/2014) đã xác định niên đại gỗ 1700 năm, sai số 75 năm. Gỗ Ngọc am là loại gỗ quý hiếm (Ngọc am, nghĩa là ngọc ở dưới đất). Cây gỗ là cây Hoàng đàn, họ thông có thể sống nghìn năm tuổi, khu vực sinh trưởng là vùng núi tai mèo heo hút Hà Giang. Tuy nhiên chỉ khi nó được vùi lấp xuống đất từ vài trăm năm trở lên, khi toàn bộ dầu trong thân tụ vào lõi và tỏa mùi thơm thì mới được gọi là Ngọc am. Như vậy từ khi cây bị đốn hạ (chết) đến lúc “hóa” Ngọc Am, tuổi đời của gỗ đã cả nghìn năm (theo phương pháp phân tích niên đại C-14). Người ta chọn lõi gỗ này làm ván khi hung táng, hoặc làm quách sau khi cát táng, bởi chất dầu từ gỗ có thể giữ da thịt hoặc xương cốt bền vững do nó có 1 hợp chất thành phần chủ yếu là dầu thông làm vô trùng tuyệt đối. Tác giả Trần Lương trên Báo Công lý (số 18/2/2012), khi điều tra tại Hà Giang cho biết từ xưa ở đây có nghề khai thác gỗ Ngọc am bán cho các quý tộc ở Trung Quốc để làm quan tài chôn người chết. GS Đỗ Văn Ninh (Viện khảo cổ) cũng thừa nhận: người Trung Quốc gọi nó là san mộc (shamou). Gỗ quý này bền thơm và có tính sát khuẩn cao nên góp phần bảo quản thi hài. Còn tác giả Phạm Ngọc Dương trên VTC News buổi phát 7/9/2011 trong bài “Phát hiện bất ngờ: Hà Giang vẫn còn cây Ngọc am”, theo tác giả này tra cứu thì trong lịch sử, vua Tự Đức từng biếm chức viên quan Án sát tỉnh Quảng Bình là Nguyễn Khắc Nguyên vì vị này dám lén dùng tinh dầu ngọc am để ướp xác cho mẹ.
Ba điều chứng minh, một điều hé lộ
Những nội dung trên chứng minh 3 điều: thứ nhất tấm quách gỗ Ngọc am cực kỳ quý hiếm với niên đại 1700 năm là phù hợp với thời điểm khoảng 500 - 600 năm trở lại đây tương ứng thời kỳ nhà Mạc, vì niên đại được tính từ lúc cây được chặt khỏi gốc (hoặc chết) và vùi trong đất; trong khi trước đó, khu đất tại thôn Hạ Đồng hiện nay chỉ là vùng nước ngập đang bồi, ven sông hoang vắng có thể chọn làm địa điểm chôn dấu bí mật lý tưởng. Thứ 2, người được dùng nó làm quách mai táng không phải người thường dân, thậm chí không phải quan lại cỡ nhỏ. Nếu suy xét vị trí địa lý huyện Vĩnh Bảo trong điều kiện đường xá xa xôi, hiểm trở ở thời điểm đó, thì việc người thường dân lên Hà Giang khai thác gỗ này làm quách để dùng là điều không thể. Do đó gỗ phải được ban phát hoặc tặng cho những mệnh quan triều đình, mà người như vậy quê ở huyện Vĩnh Bảo có mặt trong Triều, thời điểm này không phải là nhiều. Thực tế, theo thống kê của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Vĩnh Bảo, trong số 19 vị đỗ đại khoa thời khoa bảng phong kiến, thì có 15 vị đã xác định rõ tham gia các chức vụ trong triều đình các thời kỳ, sớm nhất là Hoàng Giáp Phạm Đức Khản (Hội Am- Cao Minh đỗ khoa thi Mậu Thìn 1448) giữ chức Tả Thị Lang và sau cùng là Tiến Sĩ Nguyễn Duy Tinh (Tạ Xá, Tứ Kỳ (cũ) Vĩnh Lại) đỗ khoa Ất Mùi 1535 giữ chức Thừa Chính Sứ. Các vị này đều  đã được các dòng họ hoặc nhân dân bản quán xác định phần mộ, duy nhất chỉ còn Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là ngôi mộ của Người vẫn chỉ tồn tại trong truyền thuyết.
Điều đặc biệt, vào ngày 10.8.2016, khi trực tiếp khảo sát đo đạc tấm quách đang quàn tại 59 Tràng Thi Hà Nội, Kiến trúc sư Lê Kiên (cộng tác viên Viện TNCN) đã nhận thấy tấm địa được làm dày bất bình thường, khi xem xét kỹ, sau khi đất bùn khô bong ra xuất hiện 1 đường rãnh chạy vòng vòng quanh chu vi có độ sâu lấn vào gỗ chừng 2mm. Dấu hiệu này cho thấy nghi vấn là tấm địa được làm bởi 2 lớp gỗ; Và người thiết kế dường như cố ý để lộ cho hậu sinh lối tìm vào các bí mật bên trong. Khi phát biểu về điều này, TS Lê Đình Phụng cho hay: thường thì các bậc tôn quý cài các thẻ tre, thẻ bạc hoặc “Kim sách – thẻ vàng”, tức là những tấm thẻ ghi lại các dấu hiệu báo cho người khai quật biết về người nằm trong quách. Đây là trường hợp đặc biệt cần nghiên cứu mở đáy quách để phát hiện tiếp.
 2. Bí ẩn những dòng chữ Hán
Ngoài những chi tiết về cấu trúc, lớp sơn đặc biệt nói ở kỳ trước, còn có một chi tiết vô cùng quan trọng, đó là những chữ  Nho viết trên tấm quách. Những chữ còn đọc được hé mở thông tin về chủ nhân của nó.
Xác nhận của cụ Đồ Nho 91 tuổi
Ông Phạm Văn Thường (Y sĩ  Phòng khám đa khoa Cộng Hiền), người trực tiếp cọ rửa tấm quách kể: Tôi thấy toàn bộ tấm quách đều có chữ Nho viết trên nền đỏ thẫm có màu đen hơi ánh vàng, khi cọ rửa bị bong tróc một số chữ, nhưng rất tiếc không một ai biết đọc nên đành bỏ qua, tấm quách do  để khô nên chữ chuyển trắng mờ dần. Lời kể của Y sĩ  Phạm Văn Thường có tới trên 20 người sẵn sàng ký vào giấy làm chứng. Khoảng 15 ngày sau cụ Phạm văn Duyệt 91 tuổi (thôn Ngãi Am, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo) được mời đọc tấm quách, xác định “Tôi thấy có rất nhiều chữ, ở phần đầu quách có 3 chữ to nhưng 1 chữ bị mờ nên chỉ đọc được 2 chữ “Nguyễn Bình”. Tấm quách tiếp tục bị phơi khô tới 32 ngày (Từ 8.4 đến 10.5 năm 2014), nên các chữ bị bay mất dần. Ở thời điểm này, anh Ngô Duy Hiển (Đại học Dân lập Hải Phòng) đã dùng iPad chụp lại, và chính anh đã “vẽ” lại các chữ theo hình thức mô phỏng các nét cấu tạo của từng chữ một để nhà thư pháp Lê Thiên Lý nghiên cứu. Theo hướng này, phần nhiều chữ Nho nhất trên mặt quách ghép được thành 1 bài thơ 20 chữ*.  Xác định những chữ trên quách chính là “tấm minh tinh” theo gợi ý của Tiến sỹ Lê Đình Phụng, chúng tôi đã  nhờ cụ Lương Bắc Tưởng (người Hoa) số nhà 689 lô 2, phường Đông Khê, đường Lê Hồng Phong 85 tuổi giỏi chữ Hán Nôm  đến xem trực tiếp. kết quả  đã nhìn rõ 2 chữ còn sót lại là 2 chữ “Kim lan” (bông lan vàng).
Như vậy, nếu coi như độ tin cậy của bài thơ mà anh Ngô Duy Hiển và nhà thư pháp Lê Thiên Lý góp sức nghiên cứu hợp thành là không cao; thì vẫn còn tồn tại 4 chữ do 2 cụ đồ nho khẳng định. Vấn đề là 4 chữ ấy có ý nghĩa gì, và chúng có quan hệ như thế nào với bài thơ 20 chữ ý nghĩa chỉ rõ Trạng Trình nguyễn Bỉnh Khiêm chính là chủ nhân của tấm quách?
 Bên trong hư ảo truyền thuyết chứa cốt lõi lịch sử
Truyền thuyết dân gian huyện Vĩnh Bảo từ xa xưa đã truyền khẩu câu đồng giao về nơi yên nghỉ của Trạng Trình “Ba Ra trông sang, Ba Đồng ngoảnh lại, táng tại Ao Dương”. Tuy truyền thuyết có yếu tố kỳ ảo, song xét theo nguyên lý khoa học, truyền thuyết bao giờ cũng bắt nguồn từ cốt lõi lịch sử. Theo đó cửa sông Ba Ra nằm chếch phía Đền Trạng Trình hiện tại khoảng hơn 1 Km, dòng sông này có luồng chảy về khu vực Thượng Đồng và Hạ Đồng thuộc xã An Hòa và Hạ Đồng  thuộc xã Cộng Hiền (Ba Đồng), tại đây có 1 lạch sông nhỏ dẫn vào 1 chiếc ao đáy phủ rêu xanh 4 mùa, chiếc ao đó của ông Trần Rường (nguyên Bí thư huyện ủy huyện Vĩnh Bảo, bố chồng cô Hiền đã nói ở trên). Chữ “Rường” là phát âm ngọng phụ âm “d” rất phổ biến của cư dân Vĩnh Bảo, như vậy Ao Dương, có phải là cách nói bí hiểm của Cụ Trạng Trình? Tất cả những địa danh này đều trên địa phận huyện Vĩnh Bảo. Vì vậy giả thuyết đưa ra là người ta đã cải táng phần mộ hung táng ở khu vực cửa Ba Ra, xuôi theo sông này và chôn mộ cát táng tại Ao Dương. Nếu xét riêng về khái niệm “Ao”, thì chi tiết này tăng tính hợp lý, bởi nếu táng ở đồng thì sẽ có khái niệm là “Đầm” ; Theo đó “Ao” là khái niệm nội tiếp trong/hoặc ven làng – khu quần cư của người dân. Tất nhiên có thể là “Hồ”, song theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia chú thích từ Brown, A.L (1987) thì ao là nơi mà ánh sáng có thể soi qua tầng nước xuống tận đáy và hồ là nơi mà ánh sáng không soi tới đáy được. Nói cách khác hồ có độ sâu cao hơn và điều này cho thấy chiếc Ao Dương nhỏ và nông tại khu vực khai quật là chiếc ao đích thực.
Mới đây, ngày 7.10.2016, Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, sau gần 2 năm nghiên cứu đã tiếp tục gửi công văn Số: 98/ VTNCN, gửi UBND thành phố Hải Phòng, trong đó có viết: “Từ tháng 4 năm 2014, sau khi gia đình bà Hiền và bà con trong xã tìm thấy trong sân gạch nhà bà Hiền một ngôi mộ có nhiều đặc điểm lạ, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu. Viện đã mời các nhà Hán Nôm, khảo cố học tham gia nghiên cứu, phân tích niên đại quách gỗ, mời những người có khả năng đặc biệt khảo sát và cung cấp thông tin. Viện đã có công văn gửi uỷ ban Nhân dân xã Cộng Hiền đề nghị có biện pháp bảo vệ ngôi mộ cổ…” và đề nghị thành phố Hải Phòng vào cuộc. Nội dung công văn cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học về ngôi mộ cổ này.
 3. Mảnh vườn quần tụ hàng chục ngôi mộ cổ .
Trong quá trình khai quật, người dân đồng thời phát hiện cùng một lúc nhiều ngôi mộ, chúng tập trung dường như có ý thức từ trước vào một khu vực. Trong số 18 ngôi mộ thì có tới hàng chục ngôi mộ được Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người cho rằng đó là những ngôi mộ cổ.

Hoa văn thời Mạc và 9 chiếc cúc áo Vua?
 Trong tập hợp các ngôi mộ nói trên, đáng chú ý là ngay cạnh tấm quách vừa nói còn có 1 tấm quách khác tương tự và 01 chiếc tiểu gốm. Những người khai quật trong đó Bác sĩ Thường cho biết, khi lật các tấm thiên và phần nắp đậy chiếc tiểu gốm, họ có cảm giác như cả 2 đều phủ lớp gì đó óng ánh phủ lên”.  Sau khi làm thủ tục rửa xương ở tám quách gỗ thứ 2 này, người dân thu được 09 chiếc cúc màu vàng. Cúc được gia công hình nụ chè, rỗng nhẹ, bề mặt có nét kẻ hoa văn tinh xảo. Thạc sỹ Phan Đăng Thuận hiện công tác tại Viện Bảo tàng lịch sử, một thành viên của Mạc tộc Việt Nam, khi xem những chiếc cúc vàng hình nụ chè từ nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (người giữ 1 chiếc) cho biết, chỉ có Vua là người duy nhất được mặc áo cúc vàng với số lượng 9 chiếc (Cửu đỉnh) biểu tượng của ngôi cao nhất. Số 9 được sùng bái, tôn thờ và gần như trở thành một triết thuyết cho các triều đại ở Trung Quốc và Việt Nam có lẽ là từ sự ảnh hưởng của Kinh dịch, dựa trên thuật luận số. Nó tượng trưng cho Trời, ngày sinh của Trời là ngày 9 tháng Giêng, hoàng đế lại là chân mệnh thiên tử, con trời nên số 9 được ghép cho ngôi vị của vua là vì thế. Tất cả các đồ dùng trong cung đình cùng dùng số 9 để đặt tên như cửu long bôi (9 cốc rồng), cửu đào hồ (ấm 9 quả đào), cửu long trụ (cột 9 rồng)…
..Hiện những chiếc cúc vẫn được lưu giữ, chỉ có 01 chiếc theo tâm linh, người dân đã bỏ lại trong cỗ tiểu mới và chôn cất cùng với phần xương.
Còn chiếc tiểu gốm, xung quanh có nhiều loại hoa văn, trong đó có hoa văn hình con nghê. Kiến trúc sư Lê Kiên khẳng định: tôi đã tra cứu những hoa văn trên chiếc tiểu gốm và so sánh nó với một số hình hoa văn khác trong các hình chụp hoa văn cổ và các hoa văn khác ở các công trình kiến trúc hiện còn tại Việt Nam thời kỳ cuối triều Mạc, thì thấy có sự tương đồng rõ nét. Mặt tiểu được đậy bởi 03 viên gạch có 3 màu khác nhau: xanh, đỏ, nâu ; trên mặt những viên gạch này có những chữ Nho. Tuy nhiên hiện nay chưa đọc được, vì lý do tâm linh người dân đem chôn lại và xây mộ ngay trên địa điểm khai quật.
Từ hiện vật này cho thấy rõ ràng không phải đây là những ngôi mộ thường dân. Nhiều khả năng là mộ vua Mạc hoặc bậc tôn quý triều Mạc. Nhưng tại sao những ngôi mộ này được táng giản đơn như vậy? Nó không bề thế như mộ các vua Triều Lê khi được khai quật gần đây?
Vì sao mộ Vua lại an táng tại đây?
Giải đáp diều này không phải là khó. Khi nghiên cứu lịch sử, chúng ta đều thống nhất hoàn cảnh Vương triều Mạc giai đoạn cuối vô cùng gian nan. Triều Mạc, theo quan niệm của các vương triều thời đó bị coi là Ngụy triều, nên giai đoạn lịch sử từ 1533-1677, chiến tranh Lê,Trịnh và Mạc nổ ra liên miên. Cuối những năm 60 của thế kỷ 16, nhà Mạc suy yếu và bị tấn công mọi phía; năm 1593 vua Mạc Mậu Hợp bị giết, Vương triều phải chạy lên Cao Bằng cát cứ. Mặt khác theo quan niệm duy tâm, để triệt hạ tuyệt đối dòng giống của một thế lực nào đó, người Việt có tục đào bới bùa yểm lăng mộ. Bên cạnh đó là truy tìm tận diệt dòng họ, điều này dễ kiểm nghiệm bằng vụ thảm án Trạng nguyên Trần Tất Văn (1428-1527), đỗ khoa Bính Tuất, thời Thống Nguyên năm thứ 5, năm 1526, đời Lê Cung Hoàng, bị thế lực Lê - Trịnh tru di tam tộc. Và sau này, chính Trạng Trình cũng phải cho con cháu đổi họ mai danh đi khắp nơi tránh hậu họa.  
Từ thực tế lịch sử đó có thể thấy, Trạng Trình bằng tài tiên tri của mình đã đoán định được việc này, với lòng trung quân, Cụ có thể di dời mộ của các bậc quân vương về đây trước khi Cụ tạ thế, và vị vua này phải ở ngôi trước Mạc Mậu Hợp. Đây chính là cách bảo lưu di hài bí mật để không bị khai quật. Trên thực tế, xem lại các sách và thư tịch cổ sau thời Mạc, không hề có sách nào viết về tình tiết các vua nhà Mạc bị đào bới lăng mộ. Cũng cần lưu ý thêm rằng, đất phát tích nhà Mạc là ở huyện Kiến Thụy và Kinh đô (Dương Kinh) gần gũi với Vĩnh Bảo, giao thông thủy bộ đều thuận tiện, xa Thăng Long; Nên khả năng tổ chức di dời mộ của các Vua về vùng đất này là hoàn toàn có căn cứ.
Chúng ta có thể lý giải thêm được việc mộ vua táng tại địa điểm này được ngoài nguyên nhân  đã nói trên, thì đây có thể là vùng đất đặc biệt (Một huyệt đất tâm linh, chúng tôi không đề cập ở đây). Nhưng theo Giáo sư Lê Chí Quế, chuyên gia đầu ngành về văn học dân gian chia sẻ thì hiện tượng mộ kết là do người chết được chôn trong vùng “đất dưỡng thi”, loại đất có những thành phần đặc biệt khiến các loại vi khuẩn, đều không sống nổi, gây “kết phát”. Đây là hiện tượng đã được người dân kể lại khi khai quật đã trình bày ở trên. Việc tìm ra những huyệt đất như vậy hoàn toàn không khó với một người được Chu Xán (Triều Thanh - TQ) bái phục ”An Nam lý học hữu Trình Tuyền”.
Bên trong các tấm quách gỗ và tiểu gốm vẫn còn xương, nhiều người cho rằng với gần nửa thiên niên kỷ mà xương vẫn còn là điều nghi vấn. Tuy vậy, điều nghi vấn này không khó lý giải. Trước hết như đã phân tích khu mộ táng nằm trong vùng đất “dưỡng thi”, nó được bảo quản bởi kỹ thuật bí truyền đi kèm và xương là vật thể khá bền vững về cấu trúc nên không dễ bị phân hủy. Trên thực tế, theo phóng sự “Đi tìm trang phục Việt” do Hãng phim Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh sản xuất 2009 và cuốn  “Trang phục triều Lê Trịnh” của Trịnh Quang Vũ, nhà nghiên cứu Văn hóa – Lịch Sử đã dẫn lời ông Phạm Trung Hiếu, GĐ Bảo tàng Hưng Yên cho biết khi khai quật Lăng Đại tư đồ Nguyễn Bá Khanh (triều Lê Trịnh) , mất từ cuối thế kỷ 17 nhưng, toàn bộ y phục của ông vẫn còn có thể mặc được, trong đó có nhiều bộ bằng chất liệu tơ tằm. Hoặc trường hợp xác Vua Lê Dụ Tông cũng vậy… đó là minh chứng so sánh cho trường hợp cụ thể các ngôi mộ ở đây.
4. Con đường chứng minh vẫn mở rộng .
Những hiện vật đã xuất hiện sau khai quật đã và đang được các nhà khoa học chứng minh tính văn hóa cần lưu giữ; nhưng việc khám phá chưa khép lại bởi rất nhiều cơ hội đang mở ra, đang đòi hỏi các cơ quan chức năng thành phố vào cuộc.
Khi thực tế tại khu vực mà người dân nơi đây bắt đầu quen gọi là “Ao Dương” này chúng ta thấy nhiều điều kỳ bí. Điển hình là các vong được bố trí  nhiệm vụ như một cơ cấu bộ máy quản lý: Cụ Đồ với vai trò tổng chỉ huy, Cụ Hoàng (Nhân vật nữ) vai trò quản lý hành chính; Cụ Tý (Nhân vật nữ), chuyên trách tìm mộ liệt sỹ, Cụ Nho đỏ, chuyên xác định những người có tâm có tài, Cụ vác đao chuyên trách nhiệm vụ an ninh, Liệt sỹ Cận, chuyên phụ trách chiếc xe ô tô đi tìm mộ liệt sỹ… và đương nhiên Cụ Trạng Trình, nhân vật trung tâm của khu vực này đang chờ đợi một chức năng lớn lao để gánh vác. Nếu chỉ thuần lòng tin vào tâm linh thì mọi việc khá giản đơn, thậm chí sáng rõ; tuy nhiên nhìn dưới góc độ khoa học thì còn rất nhiều điều phải chứng minh.
   Mặc dầu vậy, con đường chứng minh ở đây hoàn toàn không phải rơi vào ngõ cụt như hiện tượng ở một số địa điểm khác. Theo đó, hiện còn nhiều việc nhìn thấy có thể làm và việc đàu tiên là cần mở tiếp đáy tấm quách. Như đã phân tích trong phần 1 của phóng sự này, đấy tấm quách với kết cấu 2 lớp bất bình thường có thể cất dấu “Tấm minh tinh” thông tin về thân phận chủ nhân của nó. Đồng thời có thể dùng các kỹ thuật khảo cổ với công nghệ hiện đại cho các chữ Nho trên thành quách nổi lại  hoặc có thể đọc được. Hai việc này kết hợp với xác định chính xác niên đại của những chiếc cúc vàng hiện đang thu giữ, đối chứng với văn hóa y phục tôn thất của các triều đại, từ đây có thể tìm ra chủ nhân chiếc quách thứ 2. Cũng tương tự, khai quật tiếp chiếc tiểu gốm nghiên cứu hoa văn, xem xét cấu tạo 3 viên gạch có 3 màu và các chữ Nho (mà người khai quật đã nhìn thấy sau đó chôn lại ngay) ta có thể đọc được tên nhân vật thứ 3…
Khu vực Ao Dương không phải là khu vực quá rộng, căn cứ trên việc bố trí các ngôi mộ cổ cùng quần tụ, giúp chúng ta đặt ra câu hỏi: Vậy khu vực này còn tàng ẩn những gì? Để giải đáp nó có thể cần một bước làm mạnh dạn là khai quật toàn bộ khu vực. Đây có thể là việc làm khó vì liên quan đến đất thổ cư của một số hộ gia đình; Nhưng trong những ngày điều tra, khi chứng kiến cảnh ông Trần Giòn sẵn sàng hiến cả 1 gian nhà để mở  rộng thêm đường cho xe ô tô có thể vào khu vực này; Nhân dân thôn Hà Dương (quê vợ cả Cụ Trạng Trình), tự nguyện quyên góp và bán 14 mẫu ruộng gần khu vực Ao Dương để tích đất, sẵn sàng làm một khu nhà dưỡng lão cho các cụ cao tuổi tại Vĩnh Bảo theo “mơ ước của Cụ Trạng”… thì có thể thấy vướng mắc này không mấy khó khăn.
Thiếu tướng PGS.TS. Ngô Tiến Quý Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng con người trong công văn số 91- VTNCN, gửi UBND thành phố Hải Phòng ngày 07 tháng 10 năm 2016, đã nêu vấn đề tổ chức cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu và mở rộng (Chiếc tiểu có hoa văn bằng gốm, quách gỗ và 9 chiếc cúc vàng) bởi đây là sự kiện mà Viện đánh giá là rất trọng đại.  Như vậy, những hiện vật khai quật tại Ao Dương rõ ràng đã trở thành vấn đề văn hóa. Để đi đến sáng rõ mọi vấn đề theo cách nhìn khoa học, căn cứ trên thực tế phát lộ tại đây, các nhà quản lý chính quyên và văn hóa, các nhà khoa học của các cơ quan chức năng, nên làm những cuộc khảo nghiệm mang tính quy mô, bởi Trạng Trình là một nhân vật văn hóa lớn tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Hơn nữa, những thế kỷ qua và thời gian gần đây có khá nhiều những đồn đoán, thậm chí có những công trình được xây dựng và tự xác định là mộ phần của Cụ Trạng, rồi thời gian lại tự phủ nhận, gây hoang mang và đổ vỡ niềm mong đợi của người dân Hải Phòng và toàn quốc. Mặt khác có thể chính nơi này còn phát lộ những bí ẩn khác (ngoài Vương triều Mạc) liên quan đến những quá khứ không xa cực kỳ quan trọng mà trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chưa được được phép công bố.
  Phóng sự điều tra của Nguyễn Đình Minh.


BỔ SUNG
1. Tháng 9 năm 2016, cũng của Nguyễn Đình Minh .
Mộ Trạng Trình, những tình tiết mới phát lộ.
Ngày 7/4/2014 (8/3 năm Bính Tuất), người dân ở thôn Hạ Đồng xã Cộng Hiền (Vĩnh Bảo) theo chỉ dẫn của cô Bùi Thị Hiền đã đào được ở ngay chính trong vườn nhà cô nhiều ngôi mộ cổ. Trong số ấy có một ngôi đã được “Viện nghiên cứu và ứng dụng  tiềm năng con người” xác định “đây là những ngôi mộ cổ và  người nằm trong ngôi mộ cổ có thể là  bậc danh nhân”, nhưng rất tiếc 2 năm đã trôi qua mọi sự vẫn rơi vào im lặng?
Tấm quách nghìn năm tuổi.

Theo ông Trần Ròn, người ở sát ngôi mộ cổ kể lại:vào 13h ngày 7/4/2014( tức 8/3 năm Bính Tuất), đúng khitrời mưa to, sấm chớp, cô Hiền đã chỉ cho chúng tôi đào phần đất ngay cạnh bờ ao thuộc vườn nhà cô. Đây là vị trí mà năm 2006 chính cô Hiền đã bị sét đánh, nhưng may mắn đã qua khỏi.
Sau nhiều giờ đào bới, người dân đã bất ngờ tìm thấy một khu có rất nhiều mộ. Theo Ông Trần Bình nhớ lại: Lúc ấy chúng tôi đã nản lòng thì bất ngờ chạm vào tấm quách bằng gỗ sơn đỏ au. Khi đo thấy chiều dài là 1m26, chiêù rộng 33 cm  chiều cao là 30cm, bị sâp phần thân sau, tấm thiên bị nứt đôi, các tấm khác nguyên dạng. Phần xương  bên trong quách là chiếc đầu lâu vẫn còn nguyên vẹn, một chiếc xương đùi còn dài cùng nhiều xương đã vụn rữa.
Người dân đã chuyển phần xương trong quách sang chiếc tiểu mới chuyển sang táng tại nghĩa trang của thôn, còn Tấm quách được mang ra con sông ngay đó để rửa, họ bất ngờ thấy trên tấm quách có viết rất nhiều chữ Nho. Vợ ông Trần Ròn cho biết “lúc đầu bà nhìn thấy rất rõ nhiều chữ Nho ghi ở nhiều chỗ trên diện tích xung quanh tấm quách, nhưng vì không ai biết đọc, nên tấm quách được mang về dựng tại góc vườn.
Vào khoảng tháng 5/2014, kiến truc sư Lê Trung Kiên và Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (là người Vĩnh Bảo, đang công tác tại Hà Nội) nghe tin con cháu ở quê báo đã về xem. Anh Lê Trung Kiên đã dùng điện thoại chụp lại các mặt quách có chữ Nho, nét chữ không còn rõ nữa. Nhà thư pháp Hải Phòng, Lê Thiên Lý đọc được một số chữ nhưng không xác định chuẩn nội dung văn bản khắc trên đó. Sau nhiều công sức tra cứu, phân tích, dịch… cùng các nhà Hán Nôm, bản dịch đã được hoàn thành và có ý nghĩa rất sáng sủa, dễ hiểu.  Nhà văn Nguyễn Thụy Kha đã chuyển toàn bộ tấm quách về Hà Nội lưu giữ. Hiện nay, tấm quách đang quàn tại một căn phòng nhỏ tại 59 Trường Thi Hà Nội.
Từ đây, bằng các hoạt động tự nguyện, nhiều trí thức người Vĩnh Bảo đã vào cuộc. Họ đã mời các nhà khoa học tại “Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người” và nhiều nhà khoa học khác tới xem xét và nghiên cứu tấm quách. Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường thực hiện việc gửi mẫu gỗ của tấm quách cho “Trung tâm hạt nhân TP HCM” phân tích niên đại C-14, theo phương pháp phóng xạ các bon theo “Mẫu số 02-kC 2014”. Kết quả cho biết tuổi thọ của gỗ pho tượng tính từ lúc trồng cây tới nay là 1700 năm ( sai số khoảng 75 năm).  Theo tiến sỹ khảo cổ học Lê Văn Phụng thì gỗ được xác định là gỗ ngọc am, một loại gỗ rất quý, chỉ có các bậc vương giả quyền quý mới được sử dụng. Còn về kích thước 1,26 m x 0,30 m x 0,33 m là quy cách làm quách thuộc về triều nhà Mạc. Viện nghiên cứu và ứng dụng  tiềm năng con người, sau kết quả giám định đã ra công văn gửi UBND xã Cộng Hiền trong đó đánh giá “đây là những ngôi mộ cổ và  người nằm trong ngôi mộ cổ có thể là  bậc danh nhân. Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người sẽ tiếp tục mời các nhà Hán nôm nghiên cứu các chữ viết trên mặt gỗ, nếu đúng đây là ngôi mộ của danh nhân thì đây là tài sản  vô giá của quốc gia và địa phương.”
Văn bản bí ẩn và 9 chiếc cúc vàng .

Trong quá trình khai quật, người dân còn tìm thấy nhiều ngôi mộ khác, đáng chú ý có 02 ngôi mộ dùng tiểu gốm rất lộng lẫy. Theo nhà khảo cổ Lê Văn Phụng thì hoa văn và hình  rồng thuộc thời nhà Mạc. Trong 1 chiếc tiểu tìm thấy 9 cái cúc áo bằng vàng thể hiện đây là vị vua chúa vì theo quy định thời Mạc chỉ có áo Vua mới được đính 9 cúc vàng. Hiện tại, 08 chiếc anh Lê Trung Kiên lưu giữ, 01 chiếc khi sang tiểu mới người dân tuân theo tâm linh đã để lại 1 chiếc vào trong tiểu.
Tuy nhiên vấn đề hiện nay mà dư luận quan tâm là bài thơ khắc trên tấm quách, nội dung của nó đã được dịch thuật, mặc dù ẩn dấu những thiên cơ huyền bí, nhưng bề nổi lại rất dễ nhận ra; Tổng số bài có 6 câu và 24 chữ, nhiều câu nói về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhà giáo Hoàng Phan nêu quan điểm, để thuận cách tư duy hiện đại nên hiểu văn bản theo hàm ngôn của nó và ông giải thích nghĩa như sau:  Vốn trước vẫn gọi là Đạt (Nguyễn Bỉnh Khiêm có tênkhai sinhlàNguyễn VănĐạt)/ Đời sau vẫn truyền Trạng Trình/ Tâm như mặt trời giữa trưa /Tìm ra tên của vị vua sáng/ Hai tấm gỗ  (tấm thiên địa) chồng lên nhau có cất dấu tên vị chủ nhân tấm quách này/ sống trong nước Nam rộng lớn.
           Nếu gạt bỏ các yếu tổ mang tính truyền thuyết hoặc tâm linh thì những hiện vật thu lại được từ các ngôi mộ cổ ở Xã Cộng Hiền là có thật, nó đã được các trí thức và các nhà khoa học bước đầu khám phá có kết quả và đã có nhiều kết luận khoa học. Do đó, bản thân những hiện vật này đã là văn hóa cần được bảo tồn như vốn quý của thành phố nói chung và huyện Vĩnh Bảo nói riêng.
Thiết nghĩ, các cấp lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo và thành phố Hải Phòng nên có các quyết định quản lý chỉ đạo các cơ quan văn hóa, an ninh đến địa điểm xảy ra sự kiện điều tra nghiên cứu tổng hợp tình hình. Đồng thời tiến hành biện pháp thu giữ các hiện vật (tấm quách, 9 chiếc cúc vàng) về lưu giữ tại địa phương; bởi đây là di vật văn hóa cổ chắc chắn đã được xác định bởi các phương pháp khoa học. Từ đây, tổ chức tiếp tục nghiên cứu  giải mã những giá trị mà di vật này mang lại./.
Nguyễn Đình Minh
Bài đã đăng trên nhiều tờ báo tại Hải Phòng và trung ương
Chú thích:
Bài thơ trên tấm quách đã được chép lại và dịch bằng văn bản in. (Trên đầu tấm quách ghi ba chữ NGUYỄN BÌNH KHIÊM - Chữ đệm là BÌNH chứ không phải BỈNH).

這  讀  必  達
Giá     độc       tất            đạt
狀  呈  叫  風
Trạng  trình    khiếu  phong
心  以  日  正
Tâm      dĩ      nhật      chính
尋  字  光  龍
Tầm       tự     quang    long
重  木  主  宗
Trùng    mộc    chủ       tông
中  生  南  巨
Trung   sinh    nam        cự 
(Lê Thiên Lý-nhà thư pháp Hải Phòng đọc và viết lại)
( Chép lại từ https://giaovn.blogspot.com để giữ làm tư liệu ). dienbatn.
Cùng một chủ đề : VỀ THĂM CỤ TRẠNG TRÌNH - NGUYỄN BỈNH KHIÊM . 
https://dienbatnblog.blogspot.com/2013/05/ve-tham-cu-trang-trinh-nguyen-binh.html.

***
FB Mạc Văn Trang:

BÁO CÁO CỦA PGS TS NGUYỄN LÂN CƯỜNG TẠI HỘI THẢO...
Sau khi đưa tin vắn tắt Hội thảo về ngôi mộ cổ... một số bạn có quan tâm, hỏi thêm... Tôi là dân ngoại đạo, không dám trả lời về chuyên môn. Xin đăng báo cáo này để các bạn rõ thêm về mặt khoa học...
ĐIỀU KỲ DIỆU VỀ VIỆC PHÁT HIỆN
CHIẾC THẺ TRE TRONG TẤM VÁN ĐỊA CỦA QUÁCH CỔ
Nguyễn Lân Cường , Đào Ngọc Hân và Nguyễn Văn Phương
Đầu tháng 6 năm 2014, Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha gọi điện nhắn cho tôi lên số 59 Tràng Thi – Công ty TNHH Hòa Hợp TKK, mà anh làm Giám đốc để… “xem một hiện vật khảo cổ thú vị lắm…” (lời Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha). Tội vội thu xếp để sáng hôm sau lên ngay. Trước mặt tôi là một chiếc quách gỗ tìm được ở thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, T/P Hải Phòng. Chiếc quách hình chữ nhật, nắp đã bị vỡ - có kích thước tương đương với quách gỗ mà tôi và Bảo tàng Nam Định đã khai quật được vào 15/9/2011, tại cánh đồng Đầu Đín, thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, Nam Định, còn nguyên vẹn bộ hài cốt (có niên đại trong khoảng Thế kỷ XVI đến XVIII). Chỉ có khác mộ ở Cao Phương bên trong là quan tài gỗ còn bên ngoài là quách bằng vôi, vữa mật. Còn quách gỗ này là đào thấy trực tiếp trong đất, không có bọc lớp quách hợp chất bên ngoài. Anh Kha hỏi tôi: - Anh Cường có nhìn thấy gì trên ván quách không? Họ nói là có người đọc được chữ trên đó. Tôi mang kính lúp ra soi, căng mắt ra nhưng không nhìn thấy chữ gì.
Tôi bàn với nhạc sĩ Thụy Kha muốn biết quách gỗ này là cổ hay không thì chỉ có làm xác định niên đại bằng phương pháp C14. Tôi tách thành của quách ra một đoạn khoảng 300 gam và đưa vào túi nilon gửi cho bạn tôi - kỹ sư Nguyễn Kiên Chinh – công tác tại Trung tâm hạt nhân T/P Hồ Chí Minh. Một tháng sau, anh Chinh gửi ra cho tôi kết quả đề ngày 10/07/2014: Mẫu số 02GTT 3/001 Ký hiệu HN/14P có niên đại là 1700 BP ± 75. Kết quả này được xác nhận bằng chữ ký của ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm.
Tôi không hề biết quách này đựng di hài của ai, công việc lại bù đâu nên tôi cũng quên đi câu chuyện trên. Bẵng đi một thời gian dài khoảng 2 năm rưỡi, ngày 18 tháng 12 năm 2016, ông Nguyễn Đình Minh, ở Hạ Đồng gọi điện cho tôi nói Cụ Trạng Trình bảo anh về vào ngày mai. Sáng 19/12/2016 tôi về Vĩnh Bảo, được cô Bùi Thị Hiền (cô Hiền và cô Trần Lệ Giang là 2 nhà ngoại cảm giao lưu được với Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiểm) làm trung gian cho tôi “gặp Cụ”.


Hình 1- Quách gỗ
Tôi thật ngạc nhiên khi Cụ gọi tôi là “thằng Cường Còi”. Đây là tên cúng cơm của tôi hồi còn nhỏ, học cấp 1 ở Trung Quốc, các bạn bè cùng lớp thấy tôi bé loắt choắt nên gọi như vậy. Càng ngạc nhiên hơn khi Cụ bảo cha tôi là nông dân. Điều này chỉ có gia đình tôi biết về lai lịch bố tôi. Cụ dặn tôi phải về làm tiếp công việc của cái quách mà Cụ gọi là “tượng”.
Ngày 24/12/2016 GS Đào Vọng Đức, cùng nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Ngọc Hòan và ông Tạ Mai cán bộ của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người trở lại thôn Hạ Đồng. Khi về ông Mai có chuyển cho tôi đĩa CD, và nói với tôi: “ Cụ nhắc tới anh đó”. Tôi nhận chiếc đĩa trên mặt có ghi dòng chữ:
“Cụ Đồ và Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm giao lưu và chỉ bảo, căn dặn GS.VS. Đào Vọng Đức tại Ao Dương, Hạ Đồng, Cộng Hiền, Vĩnh Bảo, Hải Phòng ngày 24/12/2016”
Tôi mở máy tính nghe xem trong đĩa nội dung nói gì và rất ngạc nhiên khi có đoạn: “…Thằng Mai, Thằng Lâm đón ngay thằng Lân Cường về, cơ hội của đời nó đến rồi… Nó được Phật Bà chỉ ra để sau này tìm ra Cụ đấy…Thằng Lân Cường thì giỏi rồi..Cha nó nghèo khổ nhưng được các cụ Tổ cho danh vọng cao và sinh được 3 thằng con trai giỏi quá đà, mỗi người 1 nghề, mỗi người 1 việc…Bảo Lân Cường về làm ngay, dùng trí tuệ trời cho để tìm ngay xác người đào được… Từ giờ đến tháng 12 phải xong cho Cụ, để tháng 3 cụ về lại đây với dân…”
Tôi phát hoảng khi được Cụ gọi về liên tục, nên khi nghe PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Quyên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đề nghị ngày 4/1/2017 về để đo đạc, chụp ảnh, nghiên cứu quách hiện đặt tại Bảo tàng Hải Phòng là tôi về ngay. Tôi gọi điện cho Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Nguyễn Văn Phương để thống nhất kế hoạch. Anh vui vẻ nhận lời…
Mô tả quách và quá trình phát hiện thẻ tre
+ Quách bị nứt nhiều đoạn
+ Tấm ván thiên bị vỡ thành các mảnh
+ Phần sơn ta cũng bị long tróc nhiều
+ Chiều dài quách: 92,50cm + Chiều rộng quách: 26,00cm
+ Chiều cao: 26,00cm + Chiều dày thành: 5,40-5,50cm
+ Chiều dày đáy: 5,1-5,2cm + Cao lọt long: 17,00cm
+ Rộng lọt lòng: 15,50cm + Chiều dài mộng: 20,50cm
+ Mộng cá: 2-3cm + Chiều dày lớp sơn: 0,27mm
Sau khi đo đạc và chụp ảnh quách, chúng tôi đã tiến hành ngâm quách vào nước mưa để tiến hành tìm thẻ tre như lời Cụ truyền cho nhà ngoại cảm Lệ Giang.


Hình 2. Lớp sơn ta bao phủ một đầu tấm ván địa
Ngày 7/1/2017 Đoàn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, Hội Khảo cổ học và của địa phương về Bảo tàng Hải Phòng để tìm thẻ tre. Lúc đầu nhà ngoại cảm Trần Lệ Giang nhận lời, nhưng sau cô bị ốm nên ngày đó phải vào nằm ở Bệnh viện Phụ sản. Có 20 người thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, Hội Khảo cổ học, đại diện Bảo tàng Hải Phòng, nhóm nghiên cứu địa phương cùng Đài truyền hình VTV2 chứng kiến.
Chúng tôi bố trí một loa phóng thanh nối với điện thoại để Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, nhận lệnh của “Cụ” qua sự giao tiếp của nhà ngoại cảm Trần Lệ Giang. Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Ngọc Quyên cùng một cán bộ bảo tàng Hải Phòng chịu trách nhiệm ghi chép những lời Cụ dặn
10g07 ngày 7 tháng 1 tức ngày mùng 10 tháng chạp, chúng tôi bắt đầu khấn Cụ và mong Cụ giúp chúng tôi tìm được chiếc thẻ tre. Từ đầu dây tiếng cô Giang vang lên:
- Đưa ván hậu lên.
Cô nói hãy cậy lớp sơn đỏ nâu ở đầu tấm địa. Tôi và họa sĩ Đào Ngọc Hân cậy hết lớp sơn thứ nhất, thì lộ ra lớp sơn bó có trộn cả đất sét ở bên trong…


Hình 3. Tiến hành cạo lớp sơn ta để tìm thẻ tre
Tới lúc này Cụ mới yêu cầu thắp hương. Hai phút sau, tôi như không tin vào mắt mình nữa, chiếc thẻ tre lộ dần, lộ dần… Tôi vung tay lên kêu to sung sướng… Thấy rồi! Thấy rồi! Ngay lập tức tiếng trong loa vang lên:
- Bảo thằng Cường nói ít thôi, sao cứ khua chân múa tay thế…
Hóa ra Cụ vẫn theo dõi chúng tôi từng bước… từng bước…


Hình 4. Thẻ tre nằm trong khe của tấm ván địa
Chiếc thẻ tre nằm theo thớ dọc nên rất khó lấy ra. Chúng tôi phải khoét dần 2 rãnh dọc theo thẻ với chiều rộng khoảng 5 mm. Gần 2 tiếng sau, chúng tôi mới lấy được chiếc thẻ bằng tre ngà ra khỏi tấm địa. Chiếc thẻ dẹt, dài 265mm, rộng 9,76mm, dày 3,79mm. Ngay lúc đó, tôi dùng kính lúp soi trên thẻ thì thấy lờ mờ có những ô chữ. Chúng tôi tiến hành chụp ảnh ngay vì sợ ra không khí có thể chữ bị mờ đi. Thẻ ghi chữ gì, thì sau đây chúng ta sẽ được nghe các nhà Hán nôm tham luận trong Hội thảo này.
Trong suốt hơn 2 tiếng đồng hồ Cụ trao đổi rất nhiều ý kiến và được Cô Giang truyền đạt lại qua loa phóng thanh, nhưng vì khuôn khổ của Hội thảo chúng tôi xin phép sẽ tiếp tục nghiên cứu để trình bày trong một dịp khác.

Hình 5. Những hàng chữ nôm trên thẻ tre

Phương án bảo quản quách gỗ
Có thể lựa chọn 1 trong 2 phương án bảo quản:
- Chôn lại để bảo quản.
- Bảo quản trong môi trường tự nhiên (trưng bày hoặc thờ cúng).
Dù lựa chọn phương án nào thì cũng cần thực hiện việc bảo quản quách theo phương pháp, qui trình bảo quản cổ vật gỗ sơn hiện đang được áp dụng trong bảo quản hiện vật bảo tàng. Qui trình này gồm các công đoạn sau:
1/ Gia cố, gắn chắp để phục dựng lại hình dáng quách như lúc mới phát lộ: bằng các chất gắn trong công nghệ sơn truyền thống.
2/ Vệ sinh sạch các bề mặt trong và ngoài quách gỗ (bao sái) bằng dung dịch cồn y tế 70% + nước cất, tỷ lệ 30/70;
3/ Để quách khô dần trong điều kiện tự nhiên, đến khi độ ẩm đạt khoảng 60-65%.
Từ công đoạn này sẽ có các phương pháp xử lý khác nhau tùy thuộc vào việc lựa chọn phương án lưu giữ, bảo quản. Cụ thể:
a/ Nếu chọn phương án chôn lại:
- Thực hiện sơn lại màu gốc của quách theo qui trình sơn truyền thống (02 lớp bó, 02 lớp hom, 02 nước sơn thí, 02 nước sơn màu).
- Đợi sơn khô đanh sau đó mới đem chôn lại vào trong lòng đất.
- Khi chôn cần tạo hố rộng hơn quách, dùng gạch nung đặc ruột kết hợp với vữa tam hợp (vôi, mật, tro) xây 4 vách. Phần đáy xếp 02 lớp gạch đặc chồng lên nhau, không dùng vữa. Toàn bộ phần gạch làm thành một quách bên ngoài.
- Trước khi đặt quách gỗ vào, dùng cát vàng đã đãi sạch trải thành lớp dày trong lòng quách gạch, đặt quách gỗ vào đúng vị trí. Sau đó đổ cát chèn 4 phía. Đổ một lớp cát dày lên bề mặt. Đắp đất, trồng cỏ.
b/ Nếu chọn phương án bảo quản quách trong môi trường tự nhiên:
- Quét phủ lớp bảo vệ toàn bộ các bề mặt trong và ngoài quách bằng lớp phủ không màu, chuyên dụng dùng cho hiện vật bảo tàng. Thực hiện phủ nhiều lớp đến khi đạt được yêu cầu kỹ thuật.
- Các lớp phủ này sẽ khô trong điều kiện tự nhiên, đảm bảo hiệu quả bảo vệ lớp sơn gốc và màu gỗ cổ của quách.
 *
Chiếc thẻ đã được đưa vào một hộp riêng để Bảo tàng Hải Phòng tạm lưu giữ. Tôi liếc nhìn đồng hồ đã gần 13 g… Tất cả mọi người trong phòng đều quên cái đói, cái mệt vì niềm vui ập đến, vì đây là một bằng chứng không thể chối cãi được về cõi âm, về khả năng đóng góp của tiềm năng con người trong việc giúp khoa học khảo cổ, sử học lật lại những trang sử của cha ông ta còn nằm im trong lòng đất…


Hình 6. Đoàn nghiên cứu chụp ảnh kỷ niệm trước Bảo tàng Hải Phòng

(7-1-2017)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét