Trang

Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

LÝ ÔNG TRỌNG

FB Vinhhuy Le

Lý Ông Trọng là một trong số thiên binh thần tướng làm nên vẻ vang cho lịch sử Đại Việt.
Về ông tướng này, có nhiều đồn đoán đặc biệt ly kỳ. Trước nhất bởi hình dạng cao lớn khác thường của ông. Sau đó là đường binh nghiệp của ông cũng khác người: một kẻ đánh thuê. Và đáng chú ý hơn hết là mỗi khi nhắc tới ông, người ta luôn phải nhấn mạnh: “Đây là nhân vật có thật”. Kể chuyện một nhân vật lịch sử, mà phải tái khẳng định là “có thật” thì quả là sự lạ lùng. Sau đây là nguồn gốc vị tướng tài danh này.


TRUYỀN KỲ LÝ ÔNG TRỌNG
Hình tượng “cự nhân” Lý Ông Trọng xuất hiện đầu tiên ở An Nam là trong “Việt điện u linh tập”, bộ sách chuyên về xà thần ngưu quỷ được Lý Tế Xuyên soạn vào đầu thế kỷ XIV:
“Vương họ Lý tên Ông Trọng, người huyện Từ Liêm, mình cao hai trượng ba thước, khí chất đoan dũng khác người thường. Thiếu thời làm quan ở huyện ấp, bị quan Đốc bưu đánh đòn, Vương than rằng: Tráng chí của đời người nên như chim loan chim phụng, nhất cử vạn lý, đâu mà để cho người thóa mạ, làm nô lệ cho người?
Vương bèn chăm học, ngày tháng dùi mài, phát minh kinh sử, vào làm quan nhà Tần, lãnh chức Tư lệ Hiệu úy. Đến lúc Tần Thủy hoàng thôn tính thiên hạ, sai vương đem binh trấn thủ Lâm Thao thì thanh danh chấn động Hung Nô. Thủy hoàng lấy làm điềm tốt. Đến sau, vương già cả về làng. Thủy Hoàng đúc tượng đồng, đặt ở ngoài cửa Tư mã Hàm cung; trong ruột tượng chứa được vài mươi người, mỗi khi sứ bốn phương đến, thầm khiến người vào trong ruột lay động pho tượng; Hung Nô thấy thế kinh sợ, cho là Hiệu úy còn sống, bảo nhau không dám xâm phạm biên giới” (phần “Nhân thần”).
“Đại Việt sử ký toàn thư”, bộ chính sử An Nam, sau đó đã chép lại y chang: “Canh Thìn [221 trCn] (Tần Thủy hoàng năm thứ 26). Nước Tần thôn tính cả 6 nước, xưng hoàng đế. Bấy giờ người Từ Liêm, Giao Chỉ ta là Lý Ông Trọng, người cao 2 trượng 3 xích[1], lúc ít tuổi đến hương ấp làm lực dịch, bị trưởng quan đánh, bèn bỏ sang nước Tần, làm quan đến chức Tư lệ Hiệu úy. Thủy hoàng lấy được thiên hạ, sai ông đem quân đóng giữ đất Lâm Thao[2], uy danh chấn động nước Hung Nô. Khi tuổi già, về làng rồi chết. Thủy Hoàng cho ông là người kỳ lạ, đúc đồng làm tượng, đặt trước cửa Tư Mã[3] ở Hàm Dương[4], bụng tượng chứa được mấy chục người, ngầm lay thì chuyển động được, Hung Nô tưởng đó là Hiệu úy còn sống, không dám đến xâm phạm”.
Các nhân vật lịch sử An Nam từ triều Đinh trở về trước cùng có chung đặc điểm là chép từ nguồn sử sách Tàu. Sử Tàu ghi về những nhân vật này chỉ sơ lược ít dòng; sử thần An Nam lại có sở thích ba hoa, không cam lòng với sự vắn tắt nhường ấy nên luôn phải chế biến thêm, để nhân vật được sinh động. Lấy trí tưởng tượng bù vào chỗ khiếm khuyết sử liệu, ấy là biệt tài của sử gia Bắc kỳ vậy.
Sự nghiệp Lý Ông Trọng cừ khôi dường ấy, nhưng chính sử Trung Hoa không hề ghi tên họ ông. Câu chuyện kể trên lại đầy những sơ hở:
- “Tư lệ Hiệu úy” là chức quan giám sát quan lại kiêm coi sóc việc phòng thủ kinh thành. Chức danh này mãi sau đời Tần, đến Tây Hán mới xuất hiện, là do Lưu Bang đặt ra chức Thứ sử coi sóc võ bị và nha lại ở các châu quận trong nước. Riêng viên Thứ sử ở kinh đô thì được gọi Tư lệ Hiệu úy, tức cũng như ngày nay ta gọi "Tỉnh trưởng" và "Đô trưởng" vậy.
- Tư mã, Đốc bưu cũng tương tự. Theo bộ “Úy Liễu tử” 尉繚子[5], đời Chiến quốc, người nắm 100 lính kêu bằng “Tốt” 卒; 1.000 quân là “Tư mã” 司馬, cầm vạn quân là “Tướng” 將. Phải đến Hán Vũ đế mới có định chế đặt Tư mã làm võ quan chấp chưởng binh quyền, vậy đời Tần lấy đâu ra cái “cửa Tư mã”[6]? Còn Đốc bưu thì ai đọc qua “Tam quốc chí diễn nghĩa” hẵn còn nhớ đoạn Trương Phi đánh Đốc bưu, bộ ấy tuy là tiểu thuyết đã ghi đúng, chức Đốc bưu chuyên coi sóc Dịch trạm và hình ngục, mãi đến cuối thời Tây Hán mới được đặt ra.
- Tần triều tuy tồn tại chỉ thời gian ngắn ngủi, nhưng lại đánh cho Hung Nô thất điên bát đảo. Đại tướng Mông Điềm đuổi họ ra khỏi các đồng cỏ dọc Hoàng hà, Hung Nô phải chạy tứ tán khắp đại mạc nam bắc, ra tới tận rìa biên giới của Tần là các quận Đại, Thương Cốc, Nhạn Môn, Vân Trung, Cửu Nguyên (tức dãy cao nguyên Mông Cổ hiện thời). Đất Lâm Thao thuở ấy thuộc quận Lũng Tây, là vùng giáp giới của Tần với Khương (Tây địch); Hung Nô Tây Khương, ở giữa lại có Nguyệt Thị[7] làm trái độn (Xem hình 1, bản đồ phục dựng). Trong bối cảnh quan sơn cách trở, thông tin bó hẹp của năm 200 trCn mà oai danh Lý Ông Trọng có thể từ Lâm Thao lan ra đại mạc, dội thấu ngàn dặm đến tai Hung Nô, làm họ phải khiếp sợ thì quả là thiên uy thần vũ, phi thường lắm thay.
Lý Ông Trọng từ bỏ cõi hoang đường để nhập vong vào chính sử, được nhuận sắc vẽ gấm thêu hoa, chẳng cần câu nệ sự thực thể nào. Sự tán láo vốn là cố tật của tộc An Nam, tưởng bàn nữa thêm nhàm, ta thử tìm nhân vật này trong sử sách Tàu xem sao.
TRONG LỊCH SỬ - VĂN HÓA TRUNG HOA
Không có nhân vật mang tên Lý Ông Trọng nào trong chính sử Trung Hoa, nhưng quả có từ “Ông Trọng” 翁仲, được sử dụng như danh từ chung, để chỉ các pho tượng to lớn đúc/ tạc hình người. Danh từ này xuất hiện đầu tiên trong một bộ kinh thư cổ đại, trong một cước chú. Đó là “Hoài Nam tử”, bộ sách tổng hợp và chỉnh lý tư tưởng các triết gia thời Tiên Tần, được hoàn tất vào 139 trCn.
Hoài Nam tử, ngoài giá trị triết học, còn là bộ dật sự của Trung Hoa. Những tích truyền kỳ như “Nữ Oa vá trời”, “Hậu Nghệ bắn mặt trời”, “Vua Vũ trị thủy”, “Tái ông mất ngựa”… sở dĩ truyền đến nay là nhờ công bảo lưu của Hoài Nam tử. Và vì các tác giả[9] sống rất gần đời Tần, nên sách còn cung cấp nhiều chi tiết liên quan đến văn hóa, phong tục, và cả lịch sử Tần, Hán.
Hoài Nam tử có nhiều bản, được đánh giá cao nhất là hai bản do Cao Dụ, và do Hứa Thận chú giải. Bản của Cao Dụ, thiên “Phiếm luận huấn”, có đoạn nói việc Tần đúc tượng kim loại, tạm dịch: “Đời Tần Thủy hoàng dựng đền lũy cho cao, lập vườn tược cho rộng, mở đường xá cho xa, đúc tượng kim loại, bắt tù nhân canh giữ biên cương, cưỡng bách tận thu lương thảo cung đốn cho binh lính, trưng thu thuế má, cướp bóc dân lành để chuyển vào cung hưởng riêng[9]”. Cao Dụ chú thích là: “Năm 26 đời Tần Thủy hoàng, thiên hạ được bình định, có người khổng lồ xuất hiện ở Lâm Thao. Người ấy cao 5 trượng, bàn chân dài 8 tấc. Nên đã cho vẽ lại hình dạng và đúc bức tượng kim loại, gọi là ÔNG TRỌNG”[10].
Và câu chú thích đó của Cao Dụ thời Đông Hán đã thành nguồn cảm hứng cho Lý Tế Xuyên của An Nam chế tác thành thần tích Lý Ông Trọng.
Gọi “nguồn cảm hứng”, vì từ “Ông trọng” không chỉ hiện ra trong một chú thích đó, mà còn trải ra bàng bạc lăn tăn ở nhiều nguồn. Nguyên trước đó, Tàu vẫn gọi các pho tượng là “Kim nhân 金人 (người bằng kim loại), “Đồng nhân” 銅人 (người bằng đồng), hoặc “Thạch tượng nhân” 石像人 (tượng người bằng đá); chỉ từ Tần Thủy hoàng về sau mới gọi các tượng đó là “Ông trọng” 翁仲. Và Tần không phải chỉ có một, mà đến... 12 Ông trọng.
“Sử ký – Tần Thủy hoàng bản kỷ”, tạm dịch: “... [năm 26 đời Tần Thủy hoàng – 221 trCn] cho gom cả binh khí trong thiên hạ về Hàm Dương, [lấy đồng đó] đúc chuông, giá chuông, và 12 người bằng kim khí, mỗi pho nặng 1.000 thạch[11], cho đặt trong cung[12]”. Các tượng này là để kỷ công chinh thảo man di, nên còn gọi “Kim địch” 金狄 (“Địch” là tiếng Tàu dùng gọi giống “rợ”, “Kim địch” là tượng rợ bằng kim loại, vào thời đó, "Kim" là để chỉ đồ đồng); hoặc “Trưởng địch” 長狄 (tượng rợ to lớn); “Hà địch” 遐狄 (tượng rợ ở phương xa)...
Việc giải trừ vũ khí tượng trưng thiên hạ thái bình, chấm dứt can qua; còn đúc chuông, đúc tượng vừa để biểu dương chiến công, vừa để cảm tạ thần linh phò hộ. Nguyên lai việc đúc tượng là do ảnh hưởng từ tín ngưỡng Hung Nô, sắc tộc Trung Á này thường đúc những tượng lớn để thờ phụng thần linh. Rất có thể vào đời Tần, từ “Ông trọng” là do phiên âm tiếng Hung Nô mà ra. Giả thiết này đúng sai mặc dầu, ta chỉ biết: kể từ đặt 12 tượng trong cung điện thì trong triều ngoài nội, khắp nước đều dùng tiếng “Ông trọng” để gọi chung các pho tượng lớn.
Nhà Chu có “Cửu đỉnh” tượng trưng quyền lực thì Tần cũng có “Thập nhị kim nhân”. Thập nhị kim nhân lúc đầu được đặt trong cung điện Hàm Dương, trước ngực mỗi tượng có khắc bài văn do Thừa tướng Lý Tư soạn, ca tụng công nghiệp hoàng đế.
Nhưng dẫu vô tri giác, tượng đồng cũng không tránh khỏi trầm luân. Khi Hán giành được thiên hạ, Lưu Bang cho mang 12 ông trọng về, bày trước cung Trường Lạc ở kinh đô Tràng An. Sau, Vương Mãng soán ngôi, không rõ kiêng kỵ sao đó, Mãng dựng chuyện mình mơ thấy có người đồng đến kêu khóc van xin, để nhân cớ đó xóa bỏ những minh văn ca tụng Thủy hoàng trên ngực tượng đi. Theo “Thủy kinh chú – thiên Hà thủy 4”, việc này xảy ra vào năm +21.
Cuối thời Đông Hán, quyền thần Đỗng Trác cho nấu 10 pho tượng để đúc tiền (khoảng năm 189-190), còn sót hai tượng thì cho dời qua Thanh môn ở cấm điện. Đến Ngũ đại Thập lục quốc, chúa nhà Hậu Trần là Triệu Thạch Hổ khi công phá Trường An đã cho mang 2 tượng này về đất Nghiệp, Hà Nam (335). Đất Nghiệp sau đó bị Tiền Yên chiếm cứ, lấy làm kinh đô. Năm 357, chúa Tiền Tần là Phù Kiên diệt Tiền Yên, mang hai Ông trọng về Trường An, nung chảy ra. Từ đó, 12 kim nhân hoàn toàn tiêu thất.
Ngoài ra, lại có hai ông trọng đặt trước cửa Tư Mã, nhưng không phải của Hàm Dương kinh đô Tần, mà ở Lạc Dương kinh đô Hán. Đó là vào đời Hán Võ đế (tại vị 141-87 trCn). Lưu Triệt dựng đài Thần Minh ở cung Kiến Chương, trước đài đúc hai tượng tiên nhân. Năm 239, cháu nội Tào Tháo là Tào Duệ (Ngụy Minh đế) định dời hai ông trọng này về Lạc Dương, nhưng tượng to lớn nặng nề, không lay chuyển được. Duệ mới phao tin là hai ông trọng ứa nước mắt không chịu rời đất cũ để chữa thẹn, rồi cho đúc hai Ông trọng khác, đặt trước cửa Tư Mã của kinh đô[13].
Chuyện Ông trọng bên Tàu không chỉ dừng ở đó, mà còn đoạn vỹ thanh bất ngờ:
Đến Đường triều (618-907), sau ngót ngàn năm tiến hóa, Ông trọng được lập định chế, thành tượng canh giữ lăng mộ cho đế vương, gọi “Thạch Ông trọng” 石翁仲. Trải các đời Tống, Minh, Thanh, ở các lăng mộ của hoàng đế hoặc bậc công thần đều cho tạc Ông trọng để hầu cận người đã khuất[14].
Hình tượng Ông trọng thâm nhập nếp văn hóa Trung Hoa, người ta cho tạc những tượng này trên ngọc thạch đeo lấy khước, gọi “Ngọc Ông trọng” 玉翁仲 (Hình 3). Thỉnh thoảng đâu đó trong văn thơ, cũng thấy nhắc đến Ông trọng, nhưng chỉ là “Ông trọng” trơn. Như trong bài “Vượt An Hải vào Long Biên “ (Độ An Hải nhập Long Biên 渡安海入龍編) của Thẩm Thuyên Kỳ:
尉佗曾馭國 Úy Đà tằng ngự quốc;
翁仲久遊泉 Ông Trọng cửu du tuyền.
(Triệu Đà từng điều hành đất nước/ Ông Trọng về cõi suối khe đã lâu).
Một nhà thơ khác, Liễu Tông Nguyên, trong bài “Viết tặng Mộng Đắc khi chia tay ở Hành Dương” (Hành Dương dữ Mộng Đắc phân lộ tặng biệt 衡陽與夢得分路贈別) cũng có nhắc đến Ông Trọng:
伏波故道風煙在 Phục Ba cố đạo phong yên tại;
翁仲遺墟草樹平 Ông Trọng di khư thảo thụ bình.
(Ðường cũ Phục Ba vẫn còn vết tích trong mây khói;
Gò nỗng Ông Trọng đến nay đã thành cỏ cây bằng phẳng).
Trong hai liên Đường luật trên, qua phép đối chữ, ta thấy từ “Ông Trọng” tuy không có phương tính nào kèm theo, nhưng rõ ràng phải là một danh từ riêng, để chỉ một nhân vật cụ thể, chứ không phải nhắc bâng quơ pho tượng nào đó. Điều này cũng dễ hiểu, đó là do công của Ngô Sĩ Liên, đã khiến đến bọn thi nhân đời Đường cũng tin theo là thật có Lý Ông Trọng vậy.
Đời Thanh, có giai thoại văn chương liên quan đến từ “Ông trọng”. Tương truyền Càn Long (tại vị 1735-1795) khi còn trẻ thị sát cuộc thi tuyển chọn quan lại (cống thí). Thấy thí sinh nọ viết ngược hai chữ “Ông trọng”, mới hỏi sao viết thành “Trọng ông”? Thí sinh nhân vì chữ “Trọng” trong tiếng Hán còn có nghĩa là “con trai thứ hai” trong nhà (xếp theo thứ tự là Bá 伯, Trọng 仲, Thúc 叔, Quý季) nên đáp: “Là vị nhị đại gia”. Càn Long bật cười, phê luôn vào thí quyển:
錯把翁仲當仲翁 Thố bả Ông trọng đương Trọng ông
十年窗下少夫功 Thập niên song hạ thiểu phu công
而今不許作林翰 Nhi kim bất hứa tác lâm hàn
罰去山西為判通 Phạt khứ Sơn Tây vi phán thông
(Sai để “Ông trọng” thành “Trọng ông”
Mười năm bên cửa uổng “phu công”
Như nay không hứa nhấc “Lâm hàn”
Phạt tới Sơn Tây làm “phán thông”)
Những từ “Trọng ông”, “phu công”, “lâm hàn”, “phán thông” trên đều là viết ngược để ghẹo thí sinh nọ. Người bị Càn Long chế nhạo đó là Lý Thị Nghiêu 李侍堯 (?-1788), sau này sẽ là thủ lĩnh Tương Hoàng kỳ, một trong Bát kỳ quân, bậc công thần văn võ toàn tài của Càn Long đại đế.
KẾT LUẬN
Từ những sự tích trên về Ông trọng, Lý Tế Xuyên, bằng tưởng tượng của mình, đã sáng tác thành câu chuyện Lý Ông Trọng trong “Việt điện u linh”. Nhưng cất nhắc ông tượng đá canh mồ lên thành thần tướng của dân tộc là công lớn thuộc về Ngô Sĩ Liên. Vị sử gia này rất có hứng thú với chuyện hoang đường, thường nổi hứng tiểu thuyết hóa trong bộ sử trứ danh do mình chủ biên.
Người Tàu có khi còn tưởng Lý Ông Trọng là có thật, thì ngược lại, không phải bất cứ kẻ An Nam nào cũng không biết đó là chuyện bịa. Thế kỷ XVIII, Ngô Thì Sĩ trong tác phẩm “Việt sử tiêu án” lật lại những nghi án trong lịch sử An Nam, đã có lời bình về huyền thoại do Ngô Sĩ Liên xào nấu: “Ông Trọng thân hình cao to, cùng việc đầu đuôi làm quan với nhà Tần chưa chắc là đúng. Nhà Tần đúc 12 người vàng[15], tuyệt đối không có danh hiệu gì. Vua Ngụy muốn rời người vàng ấy đến đất Nghiệp nhưng nặng không mang đi được, nhân lấy đồng đúc 3 người gọi là Ông Trọng, bày ra ở ngoài cửa Tư Mã, lại bàn ở đàn miếu Thiên thu đình (theo bài chú Kinh Băng, Tiến Thủy) có hai Ông Trọng bằng đá đối nhau, thì cái tên Ông Trọng cũng giống như tên vì sao Phi Liêm, người đời sau đặt ra chuyện Ông Trọng thiêng liêng, để cho câu chuyện thần kỳ đó thôi”.
“Ông trọng”, nôm na ra, danh hiệu của vị đại thánh đứng đầu tứ trụ linh thần “Hương Bổng Đổng Đằng” này chỉ có thể diễn dịch là “Ông phỗng” mà thôi. Nhưng hình tượng một trượng phu An Nam kỳ vĩ giúp Tần Thủy hoàng đuổi dẹp Hung Nô có sức hấp dẫn quá lớn, khiến chẳng ai thèm chú ý đến lời cảnh tỉnh của Ngô Thì Sĩ nữa. Và từ đó đến nay, câu chuyện Ông phỗng thần tướng cứ thế tung hoành trong sử sách, quả là chuyện trêu ngươi. Bi kịch của An Nam là vậy: tội nghiệt mà chúng phải gánh không bởi kẻ thù quá mạnh, mà thường là bởi tổ tông chúng tỏ ra quá anh hùng, đến mức nguy hiểm, lêu lêu!
_______
[1] Một trượng đời Tần bằng 2,3m. Hai trượng ba xích, tức Lý Ông Trọng có chiều cao 5,3m. Rất có thể đây là một phiên bản King Kong.
[2] Lâm Thao 臨洮: tên một huyện cổ của Trung quốc, nay thuộc thành phố Định Tây, tỉnh Cam Túc. Đời Tần, đất ấy là nơi tranh chấp với Hung Nô.
[3] Tư mã: cơ quan chưởng quản việc binh bị thời cổ.
[4] Hàm Dương: kinh đô nước Tần.
[5] Úy Liễu tử 尉繚子: bộ binh thư quan trọng, một trong “Võ kinh thất thư” của Trung Hoa cổ đại, được biên soạn vào đời Chiến quốc.
[6] Ngoài ra, có kẻ còn bịa rằng Lý Ông Trọng được Tần Thủy hoàng gả công chúa cho. Hiềm một nỗi đời Tần cũng chưa có danh xưng “hoàng tử” hay “công chúa”, chỉ gọi là “con trai/ con gái của Doanh Chính” mà thôi.
[7] Nguyệt Thị, còn gọi Nguyệt Chi. Dân du mục ở Trung Á. Vào đời Tần, đây là thế lực hùng mạnh thường xảy ra tranh chấp với Hung Nô.
[8] Hoài Nam tử là công trình tập thể, do Hoài Nam vương Lưu An (179-122 trCn) và các tân khách như Tô Phi, Lý Thượng, Ngũ Bị… đồng sáng tác.
[9] Nguyên văn: 「秦之時,高為台榭,大為苑囿,遠為馳道,鑄金人,發適戍,入芻稾,頭會箕賦,輸于少府。」
[10] Nguyên văn: 「秦皇帝二十六年,初兼天下,有長人見於臨洮,其高五丈,足跡六尺,放寫其形,鑄金人以象之,翁仲、君何是也。」
[11] Đời Tần, một thạch bằng 109kg. Ngàn thạch, tức mỗi pho tượng đồng tương đương 10,9 tấn.
[12] Nguyên văn: 「收天下兵,聚之咸陽,銷以為鍾鐻,金人十二,重各千石,置廷宮中。」
[13] Theo “Tam quốc chí” (Ngụy thư – Minh đế truyện).
[14] Tượng vợ chồng Tần Cối bán lõa quỳ chịu tội ở các đền thờ Nhạc Phi là cùng hệ thống “ông trọng” này.
[15] Ngô Thì Sĩ nhầm, ở đây từ “Kim nhân” có nghĩa là “người bằng kim loại” (tức đồng, vào thời Tần), không phải người bằng vàng. Vàng đâu ra mà đúc 12 pho tượng, mỗi tượng gần 11 tấn, tổng cộng 130 tấn vàng chỉ để trưng bày chơi?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét