Trang

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

ĐỐI THOẠI VỚI TRÍ THỨC

Bài này viết cho mục Thời Luận báo Đại Đoàn Kết ngày 20/11/2008, nhưng không được duyệt in. Nay nghe dư luận bàn tán xôn xao về "chủ trương" đối thoại nên post lại để rộng đường.


[Viết cho mục Thời Luận 20-11-2008]

ĐỐI THOẠI VỚI TRÍ THỨC


Trong phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp Quốc hội mới đây, đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) nêu câu hỏi, trước nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, trí thức trong và ngoài nước đã có nhiều đóng góp và gởi nhiều ý kiến. Thủ tướng có kế hoạch đối thoại với các nhà khoa học và trí thức không?

Thủ tướng trả lời: “Những người làm việc xung quanh tôi đều là tiến sỹ, kỹ sư, có học vị cả. Chúng tôi làm việc liên tục và tiếp xúc hàng ngày. Treo khẩu hiệu đối thoại với trí thức thì hình thức quá”. Cần lưu ý là Thủ tướng có thắc mắc không biết đại biểu định nghĩa trí thức như thế nào, còn “ngày nào tôi cũng đối thoại với trí thức cả”.

Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của đại biểu Lê Bộ Lĩnh cho thấy ông hiểu “trí thức” không chỉ đơn giản là những người có học vị. Đồng thời ông đang đề cập tới việc đối thoại chứ không phải việc Thủ tướng hỏi ý kiến của những người giúp việc, của các chuyên viên bên cạnh để lựa chọn các quyết sách. Việc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia chỉ là sự cố vấn, trao đổi của những người dưới quyền, giúp việc cho Thủ tướng. Đó không phải là “đối thoại với trí thức” như ông Lĩnh muốn chất vấn.

Do vậy, cái định nghĩa về trí thức mà Thủ tướng muốn hỏi chắc hẳn có khác biệt với cách hiểu của đại biểu Lê Bộ Lĩnh. Thông thường người ta hay đồng nghĩa “trí thức” với những người có học, có học vị. Nhưng theo cách hiểu mà đại biểu Lĩnh nêu ra trong phần chất vấn Thủ tướng thì “trí thức” không chỉ là những người có học vị. Bản thân hai chữ “trí” và “thức” cũng bao hàm ý nghĩa là người vừa có học vấn, vừa phải có trách nhiệm “thức tỉnh” công chúng. 

Cố GS Nguyễn Khắc Viện, người từng trăn trở rất nhiều về vị trí, thái độ, trách nhiệm của trí thức trong xã hội, từng nói: “Nhiệm vụ của kẻ sĩ, thời nào cũng vậy, là gây dư luận”. Khuấy động dư luận có nghĩa là không để cho ai bằng lòng với tất cả những gì đã tưởng là đương nhiên để giữ cho trí óc và lương tâm xã hội luôn tỉnh thức.

Trí thức có thể là những người có ý kiến độc lập với lãnh đạo. Có những trí thức ngoài Đảng, ở trong nước hoặc ngoài nước, không làm việc cho Chính phủ hay cố vấn cho Thủ tướng. Họ hoàn toàn có thể đóng góp những quan điểm, chính sách hữu ích cho Chính phủ. Nhưng nếu Thủ tướng không đối thoại với họ thì Chính phủ sẽ không thể biết đến tiếng nói của họ. Trong khi đó, những người giúp việc, hiến kế ở xung quanh Thủ tướng có thể là những nguời giỏi giang, đầy đủ các loại học vị nhưng họ cũng có thể sẽ bị ràng buộc bởi quyền lợi và góc nhìn do địa vị mang lại. Nói như thế không có nghĩa là những đóng góp của họ là không quan trọng, mà nó không đủ. Không thể lấy chuyện hàng ngày Thủ tướng làm việc với bộ phận chuyên môn, giúp việc xung quanh, dù đó là những người có kỹ năng chuyên môn cao, có học vị để rồi cho rằng như vậy là Thủ tướng đang đối thoại với trí thức.

Marx cũng từng có định nghĩa về trí thức: “là người phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không thụt lùi dù trước kết luận của chính mình hoặc trước xung đột với chính quyền, bất cứ chính quyền nào”. Theo Marx,  tinh thần phê bình đó của trí thức sẽ góp phần giúp xã hội ý thức chính mình, tiến tới một trật tự tốt hơn, nhân đạo hơn, hợp lý hơn. Người trí thức do vậy mà trở thành lương tâm của xã hội, phát ngôn nhân của những xu thế tiến bộ trong xã hội dù ở bất cứ thời đại lịch sử nào.

Đối thoại với trí thức trên tinh thần đó mới thực sự mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho xã hội.


Hữu Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét