Chắc ít ai nghĩ Paul Doumer trong cương vị Toàn quyền Đông Dương (1897-1902)
lại từng nhiều lần cưỡi ngựa chỉ với một vài người lính dẫn đường đã đi khắp Đông Dương
khảo sát, ngay khi ông vừa đặt chân tới đây. Từ những cuộc khảo sát “sờ
tận tay, day tận trán” này ông đã hoạch định một kế hoạch vô cùng
đáng kinh ngạc chỉ trong vài năm đã thay đổi hầu như cơ bản bộ mặt
của xứ sở này.
Trong hồi ký “Xứ Đông Dương”, Paul Doumer kể một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất
của ông là lần cưỡi ngựa khoảng 800 cây số đường đất đi từ Hà Nội
tới Đà Nẵng để khảo sát những miền đất mà tuyến đường sắt sẽ đi
qua. Chuyến đi đó giúp ông đưa ra giải pháp cho những vấn đề còn chưa
được quyết định mà các kỹ sư đã trình lên trong đề án.
Ông viết: “Vấn đề trên giấy và trên bản đồ thường được giải quyết tốt hơn khi ta thấy thực tế”.
Ông viết: “Vấn đề trên giấy và trên bản đồ thường được giải quyết tốt hơn khi ta thấy thực tế”.
“Vì thế, trong những chuyến đi đó tôi không muốn tốn
thời gian vì những cuộc đón tiếp cầu kỳ; cờ và nhạc bị loại bỏ,
cũng như những bữa ăn và nghỉ ngơi trở nên không cần thiết. Hành lý
mà tôi mang theo cũng như của những sĩ quan tùy tùng, thu gọn một túi
da đeo bên hông ngựa. Tôi lên đường và thay ngựa từng chặng, theo hộ
tống tôi chỉ có một hay hai người lính bản xứ, khi cần họ có thể
dẫn đường. Đó là điều duy nhất mà tôi cần chính quyền cung cấp cho
tôi”.
“Chúng tôi đến Đèo Ngang, băng qua dãy núi chắn lối
vào Trung Trung Kỳ. Đường xuống núi là một quãng dài với bậc thang
bằng đá. Chúng tôi phải đi bộ và dắt ngựa, đôi khi buộc phải xuống
những sườn dốc khác, rồi đi chậm lại và vượt qua những bãi cát lún
kinh khủng, tất cả không có gì là bất ngờ, cũng không có gì gây khó
chịu. Câu ngạn ngữ “gian nan rồi sẽ qua nhanh” củng cố lòng kiên nhẫn
cho những lữ khách di trên những con đường cổ của nước Pháp cũng rất
đúng với chúng tôi khi đi trên con đường này”.
“Nước ở khắp nơi. Nước ở trên trời, trong không khí
và mặt đất. Mưa tuôn xối xả, tầm tã, trận này chưa qua trận khác đã
tới. Đất nhão ra, sũng nước, chảy ra thành từng dòng bùn trôi theo
nước. Sông suối đầy tràn…”.
“Sau gần một giờ đi dưới những cơn mưa như trút liên
miên này, áo mưa tráng cao su, những cái áo tốt nhất được sản xuất
tại Pháp, đã bị nước ngấm. Nước bắt đầu ngấm vào vai, rồi ngấm
dần xuống quần áo khoác ngoài, rồi quần áo bên trong cũng ướt, từng
giọt, từng giọt lọt vào ủng, làm nó sũng nước. Trọng lượng mà con
ngựa phải chịu trên lưng ngày càng tăng, trong khi đất ngày càng nhão
và biến thành một vũng bùn lỏng và sâu. Nhưng chúng tôi vẫn tiến
lên, tiến lên bất chấp tất cả, buộc con thú dũng cảm phải phi nước
đại để không bị chết cóng trong nước lạnh đang sũng từ đầu tới chân,
để lại sau lưng mảnh đất đại hồng thủy”.
“Đêm đến, chúng tôi tới một ngôi chùa, là nơi nghỉ
cho lũ ngựa và chúng tôi cũng dự tính sẽ ngủ lại. Những cái chõng
tre được đặt trong tầng gác có mái che nhưng không quây kín. Nếu dừng
ở đây chúng tôi sẽ phải ngủ với quần áo sũng nước, trong nhiệt độ
khoảng 8-10 độ C. Chúng tôi không muốn thử điều đó. Cách duy nhất để
không nhiễm lạnh là không dừng lại. Con ngựa phi nước kiệu và giữ cho
cơ thể của nó đủ ấm bất chấp cơn mưa. Chúng tôi đi suốt đêm và nhanh
hết mức có thể. Người lính bản xứ dẫn đường đảm bảo rằng mình
rành đường. Mọi người phóng thật nhanh theo bóng anh ta trong đêm tối,
bị mưa quất vào mặt và không nhìn thấy gì khác. Tất cả kiên quyết
ghì chặt cương ngựa, dù không nhìn rõ, nhiều khi vấp phải hòn đá to
hay sụt xuống một cái hố, ngã rồi
đứng dậy, cũng không lo nghĩ chút nào về những tai nạn nhỏ này.
Cuộc chạy đua trong bóng tối, trong nước, khi mà không thể nhìn thấy
gì, hẳn phải có điều tuyệt vời nào đó mà chúng tôi không nhận ra.
Tôi không biết điều gì đang chiếm lấy tôi, lòng can đảm hay sự bất
cần. Chúng tôi gần như cảm thấy chắc chắn rằng là mình sẽ tới nơi
mà không vấp phải trở ngại nào, và có lẽ cũng không đáng ngạc nhiên
nếu mình lao xuống một vực thẩm”.
“Tuy nhiên, khi tới một ngôi làng, người dẫn đường ra
dấu rằng anh ta không chắc chắn lắm về con đường đầy bất ổn mà
chúng tôi sắp đi, không như đoạn đường trước. Chúng tôi dừng lại trong
lúc anh ta đi gõ cửa các ngôi nhà. Dân làng được thông báo và lấy
làm ngạc nhiên về việc mình sẽ phải chiếu sáng đường cho vài vị
quan Pháp du hành bằng ngựa, giữa đêm và cho tới khi nào không rõ.
Khoảng hơn chục dân làng bắt đầu cầm đuốc chạy trước chúng tôi mà
chẳng biết bằng cách nào mà họ giữ được đuốc không tắt dưới cơn
mưa. Ngựa chúng tôi chỉ việc phi theo, chậm lại khi đoàn người chạy
chậm, nhảy lê chỗ họ nhảy lên, cố gắng không ngã khi một trong số họ
vấp ngã. Bằng cách đó chúng tôi tới được điểm dừng chân mới, nơi mà
người ta tưởng phải hôm sau và khá muộn chúng tôi mới tới. Lũ ngựa
sung sướng khi đến nơi trước dự định. Những người cầm đuốc sững sờ
và sung sướng khi nhận được vài đồng bạc trả công. Họ không chờ đợi
một mối lợi đến như thế, và tôi thực sự khó khăn để ngăn họ quỳ
mạp trong bùn. Thật vui lòng khi thấy họ reo lên, cười vui vẻ và lao
vào bóng đêm để trở về làng. Ngày mai những ngươi dân nơi đó sẽ biết
rằng vị quan lớn người Pháp của xứ sở này không như các vị quan bản
xứ, ông ta không hề bủn xỉn khi đối xử với những người mà ông ta sử
dụng”.
“Sau những năm dài đi khắp nơi như thế, với một tốc
đô mà người ta chưa từng biết, không gây phiền toái đến ai, thấy mọi
thứ mà không bị ai thấy, tôi đã tạo ra một truyền thuyết cho người
bản xứ về một ông Toàn quyền thoát ẩn thoát hiện, hiện diện khắp
nơi và kiểm soát tất cả; điều đó chắc chắn đã góp phần làm họ dễ
dàng chấp nhận những thay đổi mà ban đầu khó thấy được những điểm
có lợi và khiến những kẻ xấu phải dè chừng”.
“Tôi đang kể tới đoạn những người cầm đuốc rời đi,
lúc đó là khoảng giữa đêm… Con sông mà chúng tôi phải vượt qua bằng
một cây cầu đã dâng nước lên ngập cả hai bờ. Chúng tôi đang tiến vào
vùng ngập nước. Ngựa bị hẫng chân, chúng tôi phải quay lại và đi tìm
thuyền ở làng bên. Trong khi chờ đợi, chúng tôi trú trong một chiếc lều, nhen một đống lửa lớn.
Khi trận mưa đang gầm thét, lạnh buốt và mọi người gần như đang ngâm
mình trong mước lạnh, cái lều và đống lửa này đối với chúng tôi là
một phước lành tuyệt vời. Tôi xích cái ghế băng chỉ rộng bàng hai
bàn tay đến gần đống lửa và nằm lăn ra đó quay mặt về phía lửa.
Thật sung sướng, tôi như bơi trong sự thoải mái. Nước bốc hơi từ quần
áo, không khô được, tạo ra một hơi ấm dễ chịu cho tôi. Được một lát,
tôi xoay người trên chiếc ghế băng mà tôi chỉ có thể giữ thăng bằng
nếu nằm nghiêng, đến lượt lưng tôi quay về đống lửa. Xoay đi xoay lại
vài ba lần, rồi tôi ngủ lịm. Tôi ngủ rất ngon trong một tiếng, trên
một thanh gỗ hẹp sần sùi, mặt rát bổng bởi hơi lửa, thân thể cuộn
trong một thứ nước ẩm lúc ấm lúc lạnh. Những cái ga giường mịn
màng trên một cái giường Pháp chưa bao giờ êm ái và dễ chịu đến
thế. Tôi xin đề xuất một chuyến đi tương tự cho những ai đã chán ngấy
cuộc sống văn minh bạc nhược”…
[Paul Doumer - “Xứ Đông Dương”, trang 373-378, NXB 2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét