Trang

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Mậu Thân 1968 và cuộc chiến truyền thông

Sáng 1-2-1968, Đại sứ quán Liên Xô tại Washington, Paris, London, New Dehli bỗng đồng loạt tổ chức họp báo, ngoài việc tuyên truyền về tình hình chiến sự tại Việt Nam, còn khẳng định rằng: theo thông báo của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, tất cả các nhà báo quốc tế đến Việt Nam thu thập thông tin chiến sự sẽ được an toàn tuyệt đối. Binh sĩ giải phóng cam kết sẽ không tấn công các nhà báo quốc tế trong khi chiến sự xảy ra
Quả nhiên, trong suốt thời gian tấn công Mậu Thân,  quân giải phóng tỏ ra tuân thủ khá tốt mệnh lệnh được phổ biến trước khi khởi sự, là không tấn công các nhà máy điện, các trung tâm điện thoại và điện tín, và những người nước ngoài có dáng vẻ như phóng viên báo chí, và việc truyền thông trong nước và quốc tế vẫn hoạt động bình thường suốt thời gian giao chiến. 

Vì thế, các phóng viên có thể quan sát, chụp ảnh, quay phim và tường thuật khắp thế giới về diễn biến gây sốc của chiến sự trong khi nó đang diễn ra. Thông qua phép lạ của thành tựu kỹ thuật điện tử thế giới, tin tức đã truyền đi với tốc độ nhanh gấp 300.000 lần so với tốc độ viên đạn đôi bên bắn nhau trong cuộc chiến và đánh thẳng vào cặp mắt, đôi tai, khối óc và trái tim dễ xúc động của nhân loại khắp hành tinh, nhất là với dân Mỹ.





Bìa tạp chí Life số ra ngày 16-2-1968 đăng ảnh bộ đội Bắc Việt với súng AK 47 của Trung Cộng tại mặt trận Huế Mậu Thân 1968

Cuộc chiến Mậu Thân đã trở thành một chủ đề lớn ở Mỹ và khắp thế giới, do đó, giới phóng viên, quay phim, nhiếp ảnh đã đổ xô tới Sài Gòn. Trong tháng 2-1968 có thêm 52 phóng viên Mỹ và 86 phóng viên các nước khác thuộc các hãng thông tấn quốc tế vào Việt Nam săn tin. Cộng thêm vào đó là 119 người Việt, chủ yếu là phiên dịch và kỹ thuật viên, 248 người Mỹ và 260 người các nước khác đã đăng ký với tư cách phóng viên chiến tranh, nâng tổng số đội ngũ phục vụ truyền thông là 627 người. Các toán phóng viên được Bộ chỉ huy Mỹ dùng trực thăng lục quân chuyên chở tới các khu vực chiến sự theo nhu cầu của họ. Ngày 7-2, trực thăng Mỹ chở các toán phóng viên quốc tế đi quay phim và chứng kiến cảnh pháo binh, phi cơ và trực thăng Mỹ oanh kích vào các khu vực đóng quân của Việt Cộng ở ngoại vi tỉnh lỵ Trúc Giang, tỉnh Kiến Hòa. 
Các báo Daily News, Life, Los Angeles Times, Plain Dealer, Star Tribune, Time Dispatch, Times, Washington Post, hãng thông tấn AP, NBC, UPI… trước nay liên tiếp đăng hàng loạt tin bài chống lại sự can thiệp của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam. Trong những ngày giao tranh Tết Mậu Thân, công chúng Mỹ lại có dịp chứng kiến những cảnh đầu rơi máu chảy hàng ngày hàng giờ trên tivi.
Việt Nam là cuộc chiến tranh truyền hình đầu tiên của Mỹ, và cuộc tấn công Tết Mậu Thân là cuộc chiến tranh đầu tiên của vô tuyến truyền hình Mỹ. 

Vào thời Nhật tấn công Trân Châu Cảng, cả nước Mỹ có 10.000 tivi. Lúc Triều Tiên xâm lược Hàn Quốc, Mỹ có 10 triệu tivi. Đến chiến sự Tết Mậu Thân Việt Nam thì nhà nào ở Mỹ cũng có ti vi, tổng cộng hơn 100 triệu cái. Tivi chiếu cảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan cầm súng lục bắn vào đầu tù binh Ba Lém trên đường phố Sài Gòn ngày 1-2-1968. Tivi chiếu cảnh đường phố Sài Gòn ngập đầy máu tươi và xác người vương vãi khắp nơi, rồi nhà cháy, tường đổ, vô vàn thảm cảnh tồi tệ khủng khiếp diễn ra hàng ngày, khi người Mỹ đang ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối, kể cả khi vợ chồng đang làm tình, chiếu mọi lúc mọi nơi, ngày này qua tháng nọ, và đến một lúc nào đó, cuộc chiến Việt Nam trở thành đáng ghét với dân Mỹ, và họ chống lại nó.




Bức ảnh chấn động thê giới "Hành quyết tại Sài Gòn" (Saigon Execution) của tác giả Eddie Adams



Trước đây vào tháng 9-1967, tờ báo Người Dẫn Đường Thiên Chúa tổ chức đợt điều tra 205 hạ nghị sĩ thì có 43 người đã chuyển từ lập trường ủng hộ chánh sách chiến tranh của chánh quyền sang lập trường tìm một lối thoát cho cuộc chiến tranh này. Nhiều người, như thượng nghị sĩ cựu chủ tịch Đảng Cộng hòa Mortern, các thượng nghị sĩ Robert Kennedy, Stromp Thoman, Henry M.Jackson, Hower Kennon, Stuart Saimingtern…, các hạ nghị sĩ Paul Findley, Clauss Pepper, Al Unman, O Neil…, lúc đầu rất ủng hộ việc Mỹ ném bom và tăng quân chống cộng ở Việt Nam, nhưng đến 1968 đều trở thành những nhân vật phản chiến hàng đầu.
Mortern tuyên bố: Tôi là một người thuộc phái diều hâu triệt để, tôi hoàn toàn tán thành việc ném bom. Tôi từng nghĩ là mỗi khi phát động chiến tranh ta phải kết thúc nó trong vòng sáu tháng, nhưng tôi đã lầm. Mortern nhiều lần tuyên bố rằng chánh sách Việt Nam của Mỹ sẽ phá sản và kêu gọi ngừng ném bom, chấm dứt hành quân tìm và diệt, giảm bớt quân Mỹ và thúc đẩy thương lượng hòa đàm. O Neil tuyên bố: Sau hơn một năm rưỡi nghe những lời kể của họ về cuộc chiến, tôi đã khẳng định rằng Rask (bộ trưởng Ngoại giao) và Mc Namara (bộ trưởng Quốc phòng) cùng những người thuộc phe của họ đã sai lầm. Chúng ta đang ném bom với tổn phí là hai vạn đô la mỗi khi có người cho rằng họ trông thấy 4 Việt Cộng trong một bụi rậm, và chẳng ăn nhằm gì. Ngay cả bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara cũng muốn chủ hòa và rút khỏi Việt Nam.
Những người phản chiến Mỹ có chung quan điểm là phải tìm cách thuyết phục dân Mỹ và những người có thế lực ở Mỹ rằng: Họ không tán thành việc đóng thêm thuế cho một cuộc chiến đáng ghét. Họ không thích những cảnh chiến tranh máu me trên tivi hằng ngày. Nhiều người có con cháu đến tuổi quân dịch và hoảng sợ trước khả năng người thân của mình phải sang Việt Nam chiến đấu, chịu cực khổ và thương vong. Hầu như tất cả bà mẹ Mỹ có con tới tuổi quân dịch và ngày càng nhiều người cha cho rằng cuộc chiến này không đáng cho họ ủng hộ và họ muốn thoát ra. Cộng sản đã cai trị Liên Xô, Đông Âu, Trung Cộng và bây giờ thêm Đông Dương nữa cũng chẳng sao. Nước Mỹ vẫn còn an toàn lắm.

Nữ phóng viên của hãng tin AP Catherine Leroy (1944-2006) trong căn cứ của quân giải phóng tại mặt trận Huế Mậu Thân 1968

Ngày 23-2-1968, tờ nhật báo Wall Street đăng bài bình luận "Logic của chiến trường", có đoạn như sau: Chúng tôi cho rằng người Mỹ phải sẵn sàng chấp nhận – nếu quả đến nay họ chưa sẵn sàng – rằng nỗ lực chiến đấu ở Việt Nam của Mỹ có thể thất bại hoàn toàn. Cộng sản Bắc Việt có thể có đầy đủ nhân lực và trang bị võ khí do đồng minh của họ cung cấp để tiến hành chiến tranh không ngừng, trong khi Chánh phủ Sài Gòn tỏ ra bất lực, kể cả ở ngay trong thành phố của họ. Hơn nữa, hình như cố gắng quân sự của Mỹ chỉ tàn phá đất nước này chứ không bảo vệ được nó. Con đường danh dự và khôn ngoan duy nhất là Mỹ phải xuống thang chiến tranh và rút ra khỏi Việt Nam một cách trật tự nhất và ít thương vong nhất. Nếu như tổng thống Johnson còn cảm thấy danh dự cá nhân quá cao, cảm thấy sự thất bại còn quá nặng, Quốc hội Mỹ sẽ sử dụng quyền lực của mình để cách chức ông ta khi cần thiết và đưa đất nước Mỹ trở về con đường hòa bình

Bài bình luận này sau đó được phe phản chiến và đối lập trong Quốc hội đưa vào phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét