Trang

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Dã Quỳ Luận

(Ép buộc người khác quỳ theo một cách hoang dã gọi là ... dã quỳ.  Nên có Dã Quỳ Luận vậy! kkk)


Cô giáo quỳ hay vị phụ huynh đảng viên cán bộ tư pháp ép người khác quỳ đều là sản phẩm của một hệ thồng quỳ.

Các hành vi của họ (cô giáo phạt học sinh quỳ, phụ huynh đòi cô giáo xin lỗi bằng cách quỳ...) chỉ là triển khai kết quả tất yếu của nền giáo dục quỳ vốn tồn tại, phát triển trong hệ thống quỳ.

Quỳ trở thành một giá trị đương nhiên để ứng xử, như thưởng hay phạt chẳng hạn, trong cái hệ thống đó.

Trong trường hợp học sinh quỳ thì là bị phạt. Còn trong nhiều trường hợp khác để chạy chức, chạy quyền, chạy học hàm học vị, chạy tội... thì quỳ khi đó lại là "được quỳ", tức thưởng chứ không phải phạt.

Có lỗi, quỳ hết lỗi. Muốn xin xỏ, quỳ sẽ có. Vì ngoan!


Và đó là mô hình của hệ thống xã hội... nhà trẻ từ trung ương tơi cơ sở.

Quỳ không phải lúc nào cũng xấu. Quỳ đúng lúc đúng chỗ đôi khi lại là hành vi cao thượng, chứng tỏ sự tỉnh thức của tâm hồn, sự tôn trọng cái đẹp và các giá trị thiêng liêng.

Nhưng quỳ vì bị phạt, bị ép buộc hay vì cầu cạnh lợi ích cá nhân thì lại là điều làm vấy bẩn tâm hồn, làm nghèo hèn nhân cách và vi phạm nhân quyền.

Tuy nhiên, cô giáo hay vị đảng viên cán bô tư pháp vì là sản phẩm của nền giáo dục quỳ, trong hệ thống quỳ nên đã xem quỳ là đương nhiên, là giá trị, là bình thường. Và họ thực ra chỉ đang ứng xử, triển khai kết quả nhận thức của họ cho chính đối tượng mà tất cả họ đều đang có trách nhiệm là học sinh, con cái họ.

Ở đây bắt đầu phát sinh mâu thuẫn, từ tình thương tự nhiên, vị đảng viên cán bộ tư pháp với tư cách phụ huynh xót xa cho con em mình nên phản đối hành vi phạt học sinh quỳ của cô giáo.

Thế nhưng anh ta lại rơi vào chính cái sự rắc rối của mình bằng cách đòi cô giáo phải quỳ để xin lỗi. Anh ta đòi người khác phải làm cái điều mà từ tình yêu tự nhiên anh ta đã phản đối.

Điều này cho thấy, từ trong bản thể tự nhiên, anh ta thấy hành vi phạt quỳ là không chấp nhận được, nhưng vì được giáo dục quỳ, tồn tại và tiến thân trong hệ thống quỳ nên khi yêu cầu cô giáo xin lỗi, anh ta vẫn chỉ nghĩ đến hành vi quỳ như là một thứ giá trị có được từ kinh nghiệm xã hội.

Cô giáo đương nhiên có quyền phản kháng và có nhiều cách để xin lỗi. Song cô đã chọn cách quỳ. Vì cô cho rằng quỳ là bình thường, là giá trị của hệ thống mà cô được giáo dục và phụng sự. Chứng tỏ, cô được lập trình để đào tạo ra các thế hệ quỳ phục vụ cho hệ thống quỳ một cách hoàn hảo. Trong đó có vị phụ huynh, đảng viên cán bộ tư pháp, tất nhiên từ các cô giáo thế hệ trước.

Dư luận lên án vị phụ huynh đảng viên, cán bộ tư pháp, thương xót cho cô giáo. Thậm chí công đoàn của ngành còn ra văn bản bảo vệ cô giáo.

Nhưng chưa thấy ai bảo vệ học sinh. Những đứa trẻ, những mầm non của tương lai mà hàng ngày người ta vẫn không ngớt lời hứa hẹn "dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em".

Họ bắt tương lai quỳ nhưng lại gán lên đầu chúng nhiều kỳ vọng to tát như là phải trả món nợ nghèo hèn, phải lấy lại biển đảo của ông cha, phải trở thành một dân tộc hùng mạnh.

Than ôi, có những điều không thể quỳ mà được!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét