Trang

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2018

LỬA của PASCAL (PASCAL’s FIRE)

Phạm Việt Hưng


AbstractEveryone knows that Blaise Pascal was one of the greatest scientists in 17thcentury, but he is rather one of the greatest thinkers of all time. His thoughts constitute an exceptional chapter of epistemology, in which “Pascal’s Fire” is a miraculous event that less people know.
Mọi người đều biết Blaise Pascal là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 17, nhưng đúng hơn, ông là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của mọi thời đại. Tư tưởng của ông tạo nên một chương đặc biệt của triết học nhận thức, trong đó “Lửa của Pascal” là một sự kiện mầu nhiệm mà ít người biết.
Nếu có một tên tuổi vĩ đại khắc sâu vào tâm trí tôi ngay từ khi còn nhỏ, để rồi đeo đẳng cho đến tận bây giờ, thì đó là BLAISE PASCAL. Vậy mà mãi cho tới gần đây tôi mới “khám phá” ra một sự kiện vô cùng quan trọng trong đời ông: một cuộc gặp gỡ kỳ lạ mà ông đã ghi lại trong một tờ giấy được giấu kín, như một ghi nhớ với tiêu đề: “FEU” (Lửa). Bản “ghi nhớ” (memorial) ấy chỉ lộ ra sau khi ông mất, và có lẽ nó sẽ không làm cho ai chú ý nếu không được viết ra bởi một người phi thường như Pascal.
Pascal có một cuộc đời ngắn ngủi, chỉ có 39 năm (1623 – 1662), nhưng tư tưởng của ông là bất diệt. Tuy nhiên bức chân dung Pascal do sách báo và nền giáo dục mô tả nói chung không đầy đủ: trong khi mọi người đều biết Pascal là một thần đồng toán học thì hầu như rất ít người biết rõ tư tưởng triết học và thần học của ông, mặc dù có thể đây mới là phần tài sản lớn nhất và quý giá nhất mà ông để lại cho hậu thế.
Vì Pascal trước hết là một nhà toán học, nên chủ đề triết học được ông thảo luận sâu sắc nhất cũng là triết học về nền tảng của toán học. Đọc những thảo luận triết học này, tôi kinh ngạc nhận thấy tư tưởng của ông có nhiều điểm rất tương đồng với tư tưởng của Kurt Gödel, tác giả của Định lý Bất toàn trong thế kỷ 20. Điều kinh ngạc ấy xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của tôi – trước đây tôi luôn nghĩ Gödel là người đầu tiên vạch rõ bản chất hạn chế của toán học. Nhưng đọc Pascal, tôi biết mình đã lầm. Hôm nay tôi muốn nhấn mạnh rằng Pascal chính là người đầu tiên vạch rõ bản chất hạn chế của tư duy lý trí và vai trò quyết định của cảm thụ trực giác trong hành trình khám phá sự thật.  Thú vị thay khi nhận ra rằng Pascal và Gödel cách nhau gần 3 thế kỷ, nhưng “tư tưởng lớn gặp nhau” (les grands esprits se rencontrent)!
1/ Từ Pascal tới Gödel:
Muốn hiểu Pascal, hãy đọc PENSÉES (Suy tưởng), tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, được xuất bản lần đầu tiên năm 1669, bẩy năm sau khi ông mất. Chú ý rằng Pensées được viết ra sau cuộc gặp gỡ kỳ lạ đã nói ở trên. Điều đó có ý nghĩa gì?
Tôi sẽ trả lời câu hỏi đó ở cuối bài viết này. Còn bây giờ, xin độc giả chú ý ngay tới một trong những tư tưởng chủ đạo của Pensées:
Bước cuối cùng của lý lẽ là nhận ra rằng tồn tại vô số thứ ở phía bên kia tầm với[1].
3a Thông điệp của tác giả rất rõ ràng:
Tư duy lý lẽ dù có giỏi đến mấy, rốt cuộc cũng chỉ đạt tới một ngưỡng nhất định, không thể vượt qua. Bên kia cái ngưỡng ấy có rất nhiều sự thật mà con người muốn biết và rất nên biết, nhưng tư duy lý lẽ bất lực. Muốn vượt ngưỡng – muốn nắm bắt được những sự thật ở bên kia tầm với – con người phải vận dụng TRỰC GIÁC, mà Pascal thường gọi là khả năng nhận biết của trái tim. Ông nói:
Chúng ta nhận biết chân lý không chỉ bởi lý lẽ, mà còn bằng trái tim[2].
Thậm chí trái tim nhận biết còn sâu sắc hơn lý trí:
Trái tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không hiểu[3].
Pensées được viết theo kiểu liệt kê, đánh số từng câu nói. Rất nhiều câu đã trở thành châm ngôn đi vào lịch sử, được người đời trích dẫn rất nhiều, vì chúng quá sâu sắc.
Nhưng có bao nhiêu người thực sự hiểu hết chiều sâu của những triết lý đó?
Có một thực tế là, trong khi người ta dạy cho học trò trong nhà trường nhiều thành tựu của Pascal, như Tam giác Pascal, Định luật thủy tĩnh Pascal, và đặc biệt là Lý thuyết xác suất,… nhưng dường như tuyệt nhiên người ta không bao giờ nhắc đến tư tưởng triết học của Pascal, và tất nhiên, càng không bao giờ đề cập đến tư tưởng tôn giáo của Pascal.
Tại sao vậy?
Phải chăng vì triết học của Pascal nhấn mạnh đến chỗ yếu của tư duy lý trí?
Phải chăng vì Pascal đề cao tư duy cảm thụ hơn tư duy lý trí?
Nếu đúng như vậy thì xem ra thái độ đối xử của người đời đối với triết học của Pascal cũng có phần giống thái độ đối xử của người đời đối với Định lý Bất toàn của Gödel.
Xin đặc biệt lưu ý rằng:
Mặc dù cuối thế kỷ 20, nhân loại đã bừng tỉnh ra để tôn vinh Định lý Bất toàn như một trong những khám phá vĩ đại nhất của thế kỷ 20 và Kurt Gödel được tạp chí Time bình chọn là nhà toán học vĩ đại nhất thế kỷ 20, nhưng trong một thời gian rất dài, kể từ khi định lý này ra đời năm 1931 đến cuối thế kỷ 20, rất nhiều người làm việc ngay trong ngành toán cũng không hề hay biết gì về Gödel. Đó không phải là tình hình ở riêng Việt Nam, mà là tình hình phổ biến trên toàn thế giới. Tại sao vậy? Đơn giản vì Định lý Gödel chỉ ra chỗ yếu của toán học nói riêng và khoa học nói chung. Nó chỉ ra cho con người thấy rằng toán học nói riêng và nhận thức lý trí nói chung là bất toàn, không bao giờ đầy đủ, không bao giờ có thể biết hết mọi sự thật. Thật bất ngờ, triết học toán học của Pascal cũng nêu lên những nhận định tương tự!
Thật vậy, Định lý Bất toàn của Gödel chứng minh rằng toán học không bao giờ có thể xây dựng được một hệ tiên đề đầy đủ làm nền tảng vững chắc cho chính bản thân nó. Nếu ai đó tưởng rằng Toán học là một khoa học hoàn hảo tới mức có thể phân biệt rạch ròi mọi sự kiện trắng/đen trong toán học thì người đó đã lầm. Bản chất của vấn đề là ở chỗ Toán học, dù chặt chẽ đến mấy, nhưng xét đến cùng vẫn phải dựa trên những mệnh đề đầu tiên không thể chứng minh mà chúng ta gọi là các tiên đề (axioms).
Vấn đề là hệ tiên đề có đủ chắc chắn và đáng tin cậy hay không?
Đó là một câu hỏi lớn mà Pascal đã nêu lên từ thế kỷ 17, như một cảnh báo sớm đối với những ai có niềm tin tuyệt đối vào tư duy lý trí.
Pascal không dừng lại ở cảnh báo đó, mà lập luận rằng Toán học cuối cùng vẫn phải dựa trên “đức tin” – niềm tin vào các tiên đề đã được lựa chọn. Không có cách nào để chứng minh hệ tiên đề đó là hoàn toàn chắc chắn, ngoài niềm tin vào TRỰC GIÁC.
Để thấy vai trò của TRỰC GIÁC, hãy nhìn vào Hình học Euclid, môn hình học mà tất cả mọi học sinh đều được học trong nhà trường từ hơn 2000 năm nay. Các nhà thông thái bậc nhất đều ngưỡng mộ môn hình học này. Hồi ký của Albert Einstein kể lại thời niên thiếu từng say mê môn hình học đó đến mức gọi nó là “Hình học thiêng liêng” (Holy Geometry). Lịch sử khoa học kể rằng kể rằng Isaac Newton coi Hình học Euclid là mô hình mẫu mực để ông xây dựng tác phẩm bất hủ “Những Nguyên lý Toán học của Triết học Tự nhiên” (Philosophiæ Naturalis Principia Mathematica). Tổng thống Abraham Lincoln từng mang theo cuốn  Hình học Euclid trong sự nghiệp luật sư và chính trị, vì nó giúp ông tranh biện sắc sảo, thuyết phục,… Nhưng có một nhà thông thái chê Hệ tiên đề của Euclid là nghèo nàn, không đầy đủ, đó là David Hilbert, một trong những nhà toán học lớn nhất thế kỷ 20. Trào lưu Hilbert đã dấy lên mạnh mẽ trong trường phổ thông ở Tây phương những năm 1950-1960 đến nỗi đã “hạ bệ Euclid”, như GS Hoàng Tụy đã mô tả[4]. Đích thân Hilbert đã lao vào xây dựng một hệ tiên đề mới cho Hình học Euclid, sau này được gọi là Hệ tiên đề Hilbert. Trong một thời gian dài, các môn đệ của Hilbert ra sức tán tụng hệ tiên đề này như một mẫu mực của phương pháp tiên đề. Nhưng sự thật không tương xứng với sự thổi phồng đó. Tôi đã viết một bài báo về vấn đề này, nhan đề “Hệ tiên đề Hilbert có hoàn hảo?”, đăng trên tạp chí Tia Sáng tháng 08/2002, trong đó đã chỉ ra rằng không có cơ sở nào để khẳng định Hệ tiên đề Hilbert là đầy đủ[5]. Bản thân Euclid, bằng trực giác thiên tài, đã chọn ra 5 tiên đề, trong đó Tiên đề 5 (Tiên đề đường song song) là một câu chuyện kỳ lạ và hấp dẫn còn hơn cả chuyện thần thoại. Thật vậy, Tiên đề 5 từng bị nhiều người ngờ vực – rất nhiều nhà toán học tài giỏi bậc nhất không tin nó, ra sức chứng minh nó, để sau hơn 2000 năm lại phải quay về với Euclid, tin rằng Tiên đề 5 là một tiên đề nền tảng của Hình học Euclid. Tuy nhiên, công sức của họ đã được đền đáp bằng việc khám phá ra một thứ hình học mới: Hình học Phi-Euclid, dựa trên tiên đề trái ngược với Tiên đề 5 mà ngày nay thường được gọi là Tiên đề Lobachevsky. Hình học Phi-Euclid là một trong những thành tựu khoa học vĩ đại nhất của nhân loại. Nó là sản phẩm của ba bộ óc thiên tài: Lobachevsky, Janos Bolyai và Karl Gauss. Tuy nhiên, nguồn mạch dẫn tới thành tựu vĩ đại ấy là Tiên đề 5 của Euclid. Một tiên đề bị nghi ngờ trong suốt 2000 năm mà không bị đánh đổ, để từ đó đẻ ra một thành tựu vĩ đại thì chính tiên đề ấy cũng vĩ đại! Tiên đề 5 của Euclid là kết quả của một TRỰC GIÁC thiên tài!
5
Trực giác là công cụ giúp con người nắm bắt được sự thật ở bên kia tầm với. Đó là tư tưởng của Pascal, thể hiện rõ trong tác phẩm chủ yếu sau đây:
De l’Esprit géométrique et de l’Art de persuader” (Về tinh thần hình học và Nghệ thuật thuyết phục), được viết vào khoảng năm 1658, chia làm hai phần:
Phần I: “De l’Esprit Géométrique” (Về Tinh thần Hình học)
Phần II: “De l’Art de persuader” (Về Nghệ thuật thuyết phục).
2 Trong Phần I, Pascal xem xét bản chất của quá trình khám phá chân lý bằng con đường lý trí. Ông chỉ ra rằng một trong những phương pháp chủ yếu của tư duy khoa học là phương pháp suy diễn (deduction) – phương pháp thiết lập những định lý dựa trên những chân lý đã được thiết lập từ trước. Ngay lập tức, Pascal lập luận rằng những chân lý đã được thiết lập từ trước ấy lại đòi hỏi những chân lý từ trước nữa làm chỗ dựa cho nó. Chuỗi đòi hỏi ấy cứ thế kéo dài vô tận, và do đó lý trí suy diễn sẽ không bao giờ đạt tới những chân lý đầu tiên!
Nói cách khác, lý trí suy diễn không bao giờ giải thích được nguyên nhân đầu tiên!
Pascal nhấn mạnh rằng, bằng phương pháp suy diễn rất hoàn hảo của nó, hình học có thể phát triển đến bất kỳ mức độ nào nó muốn và nó có thể, dựa trên một số nguyên lý ban đầu được thừa nhận như những tiên đề, nhưng không có cách nào để biết những tiên đề này là hoàn toàn chắc chắn.
Ông lưu ý:  “Tất cả những chân lý này không thể chứng minh được; ấy thế mà chúng lại là nền tảng và nguyên lý của Hình học[6].
Tuy nhiên, đó không phải là lỗi của hình học, mà là một bản chất tất yếu của nhận thức lý trí suy diễn. Ông nói: “… nếu khoa học này không định nghĩa và chứng minh được mọi thứ thì lý do đơn giản là vì nó không thể[7].
Hóa ra Pascal là người đầu tiên nhận xét toán học không thể chứng minh được mọi thứ! Ngót 300 năm sau, Định lý Gödel cũng khẳng định điều đó: trong toán học tồn tại những mệnh đề “không thể quyết định được” (undecidable) – không thể chứng minh và cũng không thể bác bỏ.
Trong Phần II, Pascal viết:
Nếu nền tảng không đảm bảo vững chắc thì tòa nhà xây trên đó cũng không thể đảm bảo vững chắc[8].
Đối với toán học, nền tảng chính là hệ tiên đề, tòa nhà chính là các định lý rút ra từ hệ tiên đề đó. Hình học Euclid là một tòa nhà được xây trên hệ tiên đề của nó. Euclid có thể coi là ông tổ của phương pháp tiên đề, nhưng bản thân Euclid chú trọng đến tòa nhà nhiều hơn việc xem xét nền móng. Chính Pascal mới là người đầu tiên bận tâm tới việc xem xét nền móng của tòa nhà hình học.
6aNói cách khác, Pascal là người đầu tiên đề cập đến vai trò và ý nghĩa của hệ tiên đề, điều mà hai thế kỷ rưỡi sau đó, David Hilbert phát triển lên thành một tư tưởng lớn của toán học, được gọi là Lý thuyết Tiên đề (Axiomatic Theory) hoặc Phương pháp Tiên đề (Axiomatic Method). Nhưng phải nhấn mạnh ngay rằng Pascal đi tới kết luận hoàn toàn khác với Hilbert: Trong khi Hilbert tin tưởng mạnh mẽ rằng Toán học trước sau thể nào cũng sẽ tìm ra những hệ tiên đề chắc chắn làm nền tảng vững chắc cho toàn bộ Toán học thì Pascal đã sớm nhận ra rằng vấn đề hệ tiên đề phụ thuộc hoàn toàn vào TRỰC GIÁC. Nhưng trực giác ở đâu ra?
Với người vô thần, câu hỏi trên bị thả nổi, không có câu trả lời. Hoặc trả lời rằng trực giác tự nó có. Trả lời như vậy cũng như chưa trả lời.
Với người hữu thần, trực giác là một PHÉP MẦU của Chúa.
Bách khoa toàn thư Wikipedia cho biết: trong tiểu luận “Về nghệ thuật thuyết phục”, Pascal “nhấn mạnh rằng những nguyên lý đầu tiên này chỉ có thể nắm bắt được bằng trực giác, và rằng sự thật này khẳng định sự cần thiết phải nhờ cậy đến Chúa trong việc khám phá ra chân lý[9].
Đến đây, có lẽ độc giả đã hiểu vì sao trong bài Lý lẽ của Trái tim[10] tôi đã nêu nhận xét:
Nếu Hilbert nghiền ngẫm Pascal, có thể ông đã không phạm sai lầm như thế”.
2/ Sai lầm của Hilbert:
Có thể giả định Hilbert không hề đọc Pascal. Ít nhất cá nhân tôi chưa bao giờ thấy một tài liệu nào về Hilbert có nhắc đến Pascal, dù chỉ là loáng thoáng. Tuy nhiên cũng khó tin một người như Hilbert lại không bao giờ để mắt tới một học giả lớn như Pascal. Giả thiết hợp lý nhất có lẽ là Hilbert đã từng đọc Pascal, nhưng ông không chấp nhận Pascal về mặt triết học, và càng không chấp nhận Pascal về mặt thần học và tôn giáo.
Vậy quan điểm tôn giáo và triết học của Hilbert ra sao?
Giống như Stephen Hawking gần đây tuyên bố Chúa không còn cần thiết nữa, gần 100 năm trước Hilbert cũng từng tuyên bố tương tự như thế. Đối với ông, khoa học không cần đến Chúa, và càng không cần đến tôn giáo. Chỉ riêng điều đó có lẽ cũng đã đủ để ông không thể chấp nhận triết học và tôn giáo của Pascal.
Một lần, có người phàn nàn với ông rằng Galileo không chịu nhận tội, Hilbert lập tức nổi giận nói như mắng vào mặt người này rằng:
Nhưng ông ấy không phải một thằng ngu. Chỉ những thằng ngu mới có thể tin rằng chân lý khoa học cần đến các thánh tử đạo; chuyện đó có thể cần thiết trong tôn giáo, còn chân lý khoa học thì tự nó sẽ chứng minh vào thời điểm thích đáng[11].
Thực ra Hilbert đã được rửa tội theo Đạo Tin lành Cải cách (Reformed Protestant Church). Nhưng sau này ông bỏ đạo và trở thành người vô thần. Ông thường lập luận rằng chân lý toán học hoàn toàn độc lập với sự hiện hữu của Chúa hoặc bất kỳ một giả định tiên nghiệm (priori assumption) nào khác.
Niềm tin ấy mạnh mẽ đến nỗi bất chấp những chứng minh toán học không thể chối cãi của Định lý Gödel công bố năm 1931, Hilbert vẫn công bố tác phẩm “Die Grundlagen der Mathematik” (Cơ sở của Toán học) vào năm 1934, trong đó dõng dạc tuyên bố:
Toán học là một khoa học không có những giả định tiên nghiệm nào cả. Để khám phá ra nó, tôi không cần đến Chúa như Kronecker, không cần giả định về một năng lực đặc biệt… như Poincaré, không cần trực giác bẩm sinh như Brower chủ trương…[12].
7a Ngay câu đầu tiên của tuyên bố trên đã cho thấy Hilbert sai. Liệu Toán học có thể không có giả định tiên nghiệm nào không? Tại sao giỏi như Hilbert mà lại có thể tuyên bố tùy tiện như thế? Không, ông không tùy tiện, ông cho rằng lý trí có thể xác định được cả những nguyên lý đầu tiên! Ông nghĩ rằng toán học sẽ tìm ra cách để kiểm tra một hệ tiên đề có đầy đủ hay không, có chắc chắn hay không, có hoàn hảo hay không. Tất nhiên, Định lý Gödel đã chứng minh Hilbert sai. Tham vọng của chương trình Hilbert là không tưởng, phản khoa học!
Nhưng nguồn gốc sâu xa dẫn tới sai lầm của Hilbert là gì?
Câu trả lời:
Là ở chỗ ông không tin vào TRỰC GIÁC, và do đó ông càng không tin vào Chúa!
Vậy xét cho cùng, Hilbert là một bộ óc vĩ đại, nhưng trái tim của ông nghèo nàn, khô héo, ông không tin vào cảm xúc, ông chỉ tin vào lý luận, thậm chí ông chỉ tin vào lý luận bằng những ký hiệu hình thức, và do đó không có gì để ngạc nhiên khi ta thấy ông ra sức bênh vực lý thuyết của Cantor, và ông trở thành một đại biểu xuất sắc của các nhà khoa học vô thần!
Pascal khác hẳn những người như Hilbert chính ở chỗ đó! Ông viết trong Pensées:
“Chủ nghĩa vô thần thể hiện sức mạnh của tinh thần, nhưng chỉ ở một mức độ nhất định mà thôi” (Athéisme marque de force d’esprit, mais jusqu’à un certain degré seulement).
Tóm lại, CON NGƯỜI KHÁC NHAU Ở CẢM XÚC CHỨ KHÔNG PHẢI Ở LÝ LUẬN!
Pascal là con người của cảm xúc! Đặc biệt kể từ khi ông có “cuộc gặp gỡ kỳ lạ”.
3/ Cuộc gặp gỡ kỳ lạ – LỬA của Pascal:
Năm Pascal 31 tuổi, một sự kiện đặc biệt đã xảy ra trong đời ông, vĩnh viễn làm thay đổi con người ông: Pascal được thị kiến Chúa. Nói một cách dễ hiểu: Pascal đã có một cuộc gặp gỡ bất ngờ với Chúa!
8Trải nghiệm tâm linh mạnh mẽ ấy xẩy ra vào đêm ngày 23 tháng 11 năm 1654, kéo dài hai tiếng đồng hồ, từ 10 giờ 30 tối đến 12 giờ 30 đêm, và ông lập tức ghi chép lại những gì ông đã chứng kiến, để ghi nhớ cho chính mình. Trong bản ghi nhớ đó, ông mô tả những gì ông nhìn thấy như Lửa cháy, nhưng ông nhận biết rõ ràng đó là Chúa – Chúa có hình ảnh của con người và quan tâm tới con người (personal God), tức là Chúa quan phòng của Thiên Chúa giáo mà bản thân ông tôn thờ, thay vì chỉ là Đấng Sáng tạo mà khoa học và triết học thừa nhận. Ông kết thúc bản ghi nhớ đó bởi một câu trong Sách Thánh Vịnh của Cựu Ước: “Con sẽ không quên lời của Người. Amen”.
Bằng chứng về cái đêm kỳ lạ ấy – đêm Pascal được mặc khải thị kiến Chúa – đã được phát hiện một cách tình cờ. Số là một hôm, sau khi Pascal mất, một người đầy tớ trung thành trong khi xếp dọn quần áo và đồ dùng của ông, bỗng nhận thấy một chỗ cộm lên ở chiếc áo khoác của ông. Nhìn kỹ, người này nhận ra một vết khâu, bèn mở ra và thế là tìm thấy một mẩu ghi chép được viết trên giấy da, và một bản sao chép trên một mẩu giấy đã sờn nhưng được bảo quản rất cẩn thận. Toàn bộ ghi chép đều là chữ viết tay của Pascal, đánh dấu một sự kiện quan trọng nhất trong đời ông. Phát hiện này làm sáng tỏ lý do của một thói quen của Pascal khi còn sống, đó là việc ông đi đâu cũng mặc chiếc áo khoác này. Chỉ sau khi ông mất, khi bí mật về bản ghi nhớ được khám phá, người ta mới vỡ nhẽ ra rằng hóa ra ông thường xuyên mặc chiếc áo đó để tự nhắc nhở mình không một phút nào được lãng quên cuộc gặp gỡ kỳ diệu trong “Đêm Lửa”.
Bản ghi nhớ được viết theo kiểu đánh dấu sự kiện, câu cú rất ngắn gọn, thậm chí chỉ một mình ông hiểu, cốt để khắc sâu những gì đã xẩy ra và nói rõ ấn tượng của ông lúc đó như thế nào. Nguyên văn như sau:
Năm hồng ân Thiên Chúa 1654,
Thứ Hai, ngày 23 Tháng 11, Lễ Kính Thánh Clement, Đức Giáo hoàng và Thánh tử đạo, và các Thánh tử đạo khác,
Lễ Vọng Thánh Chrysogone, Thánh tử đạo, và các Thánh tử đạo khác.
Khoảng từ 10 giờ rưỡi tối cho tới khoảng 12 giờ rưỡi đêm.
LỬA
“Chúa của Abraham, Chúa của Isaac, Chúa của Jacob”,
không phải Chúa của các nhà triết học và bác học.
Chắc chắn. Xác thực. Cảm xúc. Vui mừng. Bình an.
Chúa của Giê-su Kitô
Chúa của anh và Chúa của tôi.
“Chúa của anh sẽ là Chúa của tôi”.
Quên hết thế gian và mọi thứ, trừ Chúa.
Chỉ có thể nhận biết Người theo những cách đã dạy trong Tin Mừng.
Sự vĩ đại của linh hồn con người.
“Cha công bằng, thế gian chẳng hề biết Cha, nhưng con đã biết Cha”
Vui, vui mừng, mừng vui, khóc lên vì vui.
Tôi đã tách khỏi Cha:
Nguồn nước hằng sống đã từ bỏ tôi
“Chúa của con, Người sẽ từ bỏ con ư?”
Xin cho tôi mãi mãi không tách khỏi Người.
“Đây là cuộc sống đời đời, mà họ biết chỉ có Cha là Thiên Chúa thật,
và là Đấng mà Cha đã gửi xuống, Chúa Giê-su Kitô”.
Chúa Giê-su Kitô.
Chúa Giê-su Kitô.
Tôi đã rời bỏ Người; Tôi đã chạy trốn, chối bỏ, đóng đanh Người vào Thập giá.
Xin đừng bao giờ để tôi tách khỏi Người,
Người chỉ được gìn giữ chắc chắn bởi những cách đã dạy trong Tin Mừng:
Hy sinh tất cả và nhẹ nhàng.
Vâng phục hoàn toàn với Chúa Giê-su Kitô và với Đấng chăn dắt tôi
Mãi mãi trong niềm vui vì một ngày được rèn luyện thử thách trên thế gian
Con sẽ không bao giờ quên lời của Người. Amen.
Nếu bạn chưa hề đọc Kinh Thánh, có thể bạn không hiểu hết các ý tứ trong “Lửa” của Pascal. Và nếu bạn chưa từng có một trải nghiệm tâm linh nào để tin vào những hiện tượng siêu nhiên, có thể bạn cũng khó tin rằng Pascal đã thực sự thị kiến Chúa.
Để hiểu “Lửa”, tất nhiên bạn phải biết Kinh Thánh, ít nhất ở mức nắm được những khái niệm tối thiểu. Ngay ở câu đầu tiên của bản ghi nhớ, Pascal đã khẳng định Chúa mà ông được thị kiến là Chúa của Abraham, của Isaac, của Jacob, tức Chúa của Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo. Đó là Đấng sáng tạo ra vũ trụ đồng thời cũng là Đấng sáng tạo ra loài người, quan tâm đến con người và can thiệp vào cuộc sống con người, thưởng phạt con người một cách công minh, mà Thiên Chúa giáo gọi là Chúa quan phòng.
Chúa quan phòng khác với Chúa của các nhà khoa học. Các nhà khoa học phần lớn cũng tin vào Chúa, nhưng đó chỉ là Đấng sáng tạo ra vũ trụ, buộc vũ trụ tuân thủ các quy luật vận động do Ngài ban hành, rồi để mặc cho vũ trụ vận hành theo các quy luật đó. Ngài không can thiệp vào đó nữa. Nói cách khác, Chúa của các nhà khoa học không bận tâm tới con người, không can thiệp vào cuộc sống của con người, không thưởng phạt con người. Nếu bạn cầu nguyện với Chúa của các nhà khoa học thì sẽ vô ích. Bạn phải cầu nguyện với Chúa của tôn giáo, bởi Chúa của tôn giáo mới quan tâm tới bạn. Nói cách khác, Chúa của các nhà khoa học không có trái tim, không có cảm xúc.
Như chúng ta đã biết, Pascal là con người cảm xúc, và do đó Chúa của ông là Chúa của tôn giáo. Ông đã vô cùng may mắn được gặp Chúa mà ông tin tưởng và tôn thờ. Ông muốn truyền niềm tin đó tới nhân loại. Các tác phẩm triết học được nhắc đến trong bài này, từ triết luận “Về tinh thần hình học và về nghệ thuật thuyết phục” cho đến PENSÉES, đều được viết sau “Đêm Lửa”. Vì thế nội dung của các tác phẩm ấy đều nhấn mạnh đến sự khiếm khuyết của tư duy lý trí và vai trò khai mở của cảm thụ trực giác trong quá trình tìm kiếm chân lý.
Nếu bạn không tin vào cảm thụ trực giác của chính bạn, mà tin vào đống sách vở chữ nghĩa uyên bác mà bạn được nhồi nhét vào đầu, bạn có thể đoạt được bằng tiến sĩ hay thậm chí hậu tiến sĩ, nhưng bạn rất khó để nhận chân sự thật!
Chẳng hạn, có thể rất giỏi toán theo nghĩa là có thể giải được những bài toán khó, làm nghề dạy Toán, nghiên cứu Toán, nhưng lại không hiểu bản chất của Toán học, và do đó sẽ định hướng nghiên cứu và giáo dục Toán học một cách sai lầm. David Hilbert và trào lưu Toán học Mới những năm 1960 là cái gương tầy liếp cho hậu thế soi rọi!
Đó cũng chính là tình trạng giáo dục tệ hại ngày nay. Người ta đua nhau đánh đố học trò mà không hiểu để làm gì. Các thầy thường làm cho học trò sợ hãi thầy nhiều hơn là yêu mến thầy, bởi các thầy không biết kích thích tư duy trực giác, mà chỉ nặng về bầy mưu đặt mẹo làm khổ học trò. Trong khi Hình học Euclid là một môn học cực kỳ hấp dẫn vì nó kích thích tư duy trực giác thì nhiều người lại khuyên nên bỏ môn học này! Tư duy hiện đại ngày càng ưa hình thức giả dối, đi ngược với nền giáo dục truyền thống xa xưa.
Thực ra để giải một bài toán, đã rất cần có một trực giác nhạy bén, thay vì chỉ cần một cẩm nang logic để dẫn bạn tới đích. Để khám phá ra một định lý hay một định luật lại càng cần phải có trực giác mạnh hơn, nhạy bén hơn. Để khám phá ra những sự thật tâm linh hoặc những hiện tượng siêu nhiên lại còn đòi hỏi trực giác mạnh hơn gấp bội! Trực giác lúc này đã nâng lên tới cấp độ của linh giác hoặc những trải nghiệm tâm linh (spiritual experiences / supernatural contacts).
Alexis Carrel, một nhà khoa học đoạt Giải Nobel năm 1912 về Sinh-Y học, nói: “Trực giác là một khả năng rất gần với thấu thị; nó dường như là một khả năng ngoại cảm nhận biết hiện thực”[13].
Từ trực giác, bạn sẽ khám phá ra rằng “có rất nhiều thứ ở bên kia tầm với” của tư duy lý trí, và như Pascal đã kết luận, để với tới những sự thật ấy, bạn không thể không nhờ đến một ánh chớp lóe lên trong đầu bạn. Ánh chớp ấy chính là ánh sáng của Chúa. Thiên Chúa giáo gọi đó là sự mặc khải. Phật giáo gọi là NGỘ.
Chúa Jesus nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin!”.
Được thị kiến Chúa như Pascal là những trường hợp vô cùng hi hữu. Rất nhiều người trong chúng ta không có cái may mắn đó. Nhưng nếu bằng trực giác, linh giác, và bằng trải nghiệm cuộc đời mà chúng ta nghiệm thấy có Chúa, cảm thấy có Chúa, rồi tin có Chúa, tức là không thấy mà tin, ấy là chúng ta rất có Phúc, như Chúa Jesus đã nói.
Niềm tin ấy rất quan trọng, bởi nó không chỉ giúp bạn mở rộng tầm mắt, khai sáng sự hiểu biết, mà còn giúp bạn đứng vững trước sóng gió bão táp của cuộc đời, hiểu được ý nghĩa cuộc sống, và giữ được tư cách, phẩm chất đạo đức của con người, bất chấp mọi biến thiên của xã hội.
4/ Thay lời kết:
Tôi và con gái tôi, Kiều My, một chuyên gia lập trình của Úc, thường trao đổi với nhau những bài học thú vị học được từ cuộc sống, sách vở, phim ảnh, âm nhạc, nghệ thuật,… Kiều My tâm sự với tôi lý do tại sao cô mê PENSÉES, đơn giản vì khi đọc tiểu sử Louis Pasteur, một nhà bác học vĩ đại mà cô ngưỡng mộ, thấy Pasteur lúc cuối đời chỉ đọc hai thứ: một là Alexandre Dumas, hai là Pensées của Pascal. Kiều My nói: “Xem thế đủ biết Pensées phải là một tuyệt tác. Đến khi đọc Pensées thì thấy quả là một tuyệt tác!”.
Còn tôi thì chịu ảnh hưởng về Pascal trực tiếp từ thân phụ tôi, cụ Phạm Đình Biều, nguyên kỹ sư công chính thời Pháp thuộc, một trong những tác giả của những đường hầm xuyên núi ở Nam Trung Bộ thuộc tuyến xe lửa Bắc-Nam Việt Nam những năm 1930-1940.
Hồi tôi khoảng 9 – 10 tuổi, ông thường đèo tôi trên xe đạp đi chơi. Vừa đi ông vừa yêu cầu tôi đọc cho ông nghe “indentités remarquables” (hằng đẳng thức đáng nhớ), rồi ông dạy tôi cách khai triển lũy thừa của một nhị thức theo quy tắc Tam giác Pascal, kể cho tôi nghe những câu chuyện huyền thoại về nhân vật thần đồng này. Lớn lên, tôi lại nghe ông tấm tắc ca ngợi Pascal như nhà hiền triết sâu sắc nhất của Tây phương. Mỗi lần đọc được một câu chí lý của Pascal, ông lại chép miệng, lắc đầu thán phục, rồi thích thú đọc lại và bình phẩm cho tôi nghe, mặc dù tôi chỉ hiểu lõm bõm hay có khi không hiểu gì. Nhưng những gợi mở ấy làm cho tôi tò mò, cứ thấy ở đâu có tên Pascal là tôi để ý. Chính nhờ cái tò mò ấy mà tôi dần dà biết nhiều về Pascal. Càng biết tôi càng ngỡ ngàng trước những điều phi thường ở con người quá đặc biệt này. Đến khi vỡ nhẽ ra rằng sự hiểu biết về Pascal có ảnh hưởng vô cùng lớn đến khả năng nhận thức sự thật, tôi nghĩ phải viết một cái gì đó về Pascal để tỏ lòng biết ơn bố. “Lửa của Pascal” nằm trong ý định đó.
Để kết, xin trích một ý kiến trong Lời Dẫn Nhập của T. S. ELIOT cho cuốn “Pascal’s Pensées”, do E. P. Dutton & Co., Inc. xuất bản năm 1958 tại New York:
Pascal là một trong những tác giả sẽ được và phải được nghiên cứu lại một lần nữa bởi những người thuộc mọi thế hệ. Không phải vì ông thay đổi, mà vì chúng ta thay đổi. Không phải vì sự hiểu biết của chúng ta về ông tăng lên, mà vì thế giới của chúng ta biến đổi và thái độ của chúng ta hướng tới sự biến đổi đó. Lịch sử những nhận định của nhân loại về Pascal và về những nhân vật thuộc tầm cỡ ông là một phần của lịch sử nhân văn. Điều đó chỉ ra tầm quan trọng mãi mãi của ông”.
Sydney 16/12/2013
PVHg

[1] La dernière démarche de la raison est de reconnaître qu’il y a une infinité de choses qui la surpassent (Pensées, B.Pascal)
[2] Nous connaissons la vérité, non seulement par la raison, mais encore par le cœur (Pensées, B.Pascal)
[3] Le cœur a ses raisons que la raison ne connaît point (Pensées, B.Pascal)
[4] “Dạy toán ở trường phổ thông: nhiều điều chưa ổn”, Hoàng Tụy, tạp chí Tia sáng số Tháng 12/ 2001.
[5] Đã công bố trên PhamVietHung’s Home.
[6] Toutes ces vérités ne se peuvent démontrer, et cependant ce sont les fondements et les principes de la géométrie (De l’Esprit géométrique et de l’Art de persuader, Blaise Pascal)
[7] De là vient que si cette science ne définit pas et ne démontre pas toutes choses, c’est par cette seule raison que cela nous est impossible (De l’Esprit géométrique et de l’Art de persuader, Blaise Pascal)
[8] … si on n’assure le fondement on ne peut assurer l’édifice (Pensées, Blaise Pascal)
[9] He asserted that these principles can be grasped only through intuition, and that this fact underscored the necessity for submission to God in searching out truths (Wikipedia, Blaise Pascal).
[10] Đã đăng trên PhamVietHung’s Home ngày 05/12/2013
[12] Nguồn như ghi chú 11.
[13] Intuition comes very close to clairvoyance; it appears to be the extrasensory perception of reality

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét