Trang

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2018

Từ ENTROPY đến ĐẠO / From Entropy to the TAO

Phạm Việt Hưng

1
Abstract: Twelve years ago, when I coined the term “social entropy” on newspapers, I wondered whether the readers would agree with me. But today I joyfully recognize that the entropy concept has been used in modern society with many different meanings, including sociological implications. Finally, entropy leads me to the phylosophy of the TAO. 
Tóm tắt: Mười hai năm trước, khi tôi gieo thuật ngữ “entropy xã hội” lên báo chí, tôi tự hỏi liệu độc giả có tán thành với mình hay không. Nhưng hôm nay tôi vui mừng nhận thấy khái niệm entropy đã được sử dụng rộng rãi trong xã hội hiện đại với nhiều ý nghĩa khác nhau, bao gồm cả ngụ ý xã hội học. Cuối cùng, entropy dẫn tôi tới những triết lý về ĐẠO.
Năm 2003, trong một bài báo đăng trên Văn Nghệ Trẻ Số Tết Quý Mùi, nhan đề “Từ chuyện chữ nghĩa, nghĩ về hai nền văn hóa”, lần đầu tiên tôi đã sử dụng thuật ngữ “entropy xã hội”, ám chỉ khái niệm entropy trong vật lý có thể dùng để mô tả những hỗn loạn ngày càng tăng trong xã hội loài người. Hồi ấy tôi chưa thấy ai “lạm dụng” khái niệm entropy một cách “phi vật lý” như thế, thậm chí tôi lo sẽ có người phản đối. Nhưng 12 năm sau, tôi ngạc nhiên khi thấy việc mở rộng khái niệm entropy sang lĩnh vực xã hội đã trở thành phổ biến, thậm chí entropy đã trở thành một thuật ngữ xã hội học, xuất hiện chính thức trên các từ điển uy tín. Chẳng hạn:
Từ điển Dictionary of the English Language do Houghton Mifflin Harcourt xuất bản tại Mỹ năm 2011, đưa ra 5 định nghĩa của entropy, trong đó có định nghĩa sau đây: “Entropy: Inevitable and steady deterioration of a system or society” (Entropy: Sự suy thoái chắc chắn và không thể tránh khỏi của một hệ thống hoặc một xã hội)
Từ điển Random House Kernerman Webster’s College đưa ra 4 định nghĩa, trong đó định nghĩa thứ 4 viết: “Entropy: a state of disorder, as in a social system, or a hypothetical tendency toward such a state” (Entropy: một trạng thái hỗn loạn, như trong một hệ thống xã hội, hoặc một xu thế được cho là hướng tới một trạng thái như thế) [1*]
Vậy thuật ngữ “entropy xã hội” không có gì là cường điệu, mà là một khái niệm phản ánh thực tế xã hội, đáng được xem xét thảo luận. Tuy nhiên, muốn hiểu khái niệm đó một cách đầy đủ, nên bắt đầu từ ý nghĩa nguyên thủy của nó – entropy trong nhiệt động lực học (thermodynamics).

[1] – ENTROPY LÀ GÌ?

Rất nhiều người thường nghĩ rằng Nguyên lý Bất định của Cơ học Lượng tử là lý thuyết đầu tiên đề cập đến bản chất BẤT ĐỊNH và NGẪU NHIÊN của Tự Nhiên. Điều đó không đúng. Lý thuyết đầu tiên là ENTROPY. Hãy quay ngược cuốn phim lịch sử của tư tưởng bất định trong khoa học để thấy rõ điều này. Năm 1927, Nguyên lý Bất định của Cơ học Lượng tử ra đời, gây nên một cú sốc lớn nhất thế kỷ 20, làm mọi người giật mình nhận ra rằng Tự Nhiên hóa ra bất định hơn ta tưởng! Thuật ngữ “bất định” (uncertainty) lan truyền từ đó, như một tiếng chuông cảnh báo nhân loại hãy chỉnh đốn lại cách nhận thức. Thế giới không phải Chiếc đồng hồ Newton!
Nhưng Nguyên lý Bất định không phải là lý thuyết đầu tiên đưa ra cảnh báo đó. Nếu cho cuốn phim chạy ngược về năm 1890, ta sẽ thấy lời giải Bài toán Ba Vật thể của Henri Poincaré trên tạp chí Acta Mathematica, trong đó khẳng định các hệ động lực học phức tạp có thể rơi vào tình trạng hỗn độn, không thể tiên đoán được. Nhưng nhân loại không hiểu những tư tưởng lạ lùng đó. Mãi đến năm 1963, khi Edward Lorenz công bố Hiệu ứng Con Bướm, người ta mới giật mình nhận ra rằng bản chất hỗn độn thực ra đã được Poincaré khám phá ra từ năm 1890 rồi. Hỗn độn thực ra là một biểu hiện của bất định nói chung.
Nhưng năm 1890 cũng không phải là lần đầu tiên khoa học đề cập đến bản chất bất định và ngẫu nhiên. Hãy cho cuốn phim tiếp tục chạy ngược về khoảng giữa thế kỷ 19, khi các nhà khoa học quan tâm đến chuyển động Brown. Đó chính là lúc khoa học bắt đầu tiếp xúc trực tiếp với các quá trình bất định, hỗn độn, bởi chuyển động Brown là chuyển động của các phân tử bên trong chất lỏng và chất khí – những chuyển động tự do, hỗn loạn, ngẫu nhiên, bất định.
Entropy (2)Vật chất càng loãng, các phân tử càng tự do hơn, hỗn loạn vô trật tự hơn, tức là phân tử chất khí chuyển động tự do và hỗn loạn hơn phân tử chất lỏng. Trái lại, phân tử của chất rắn không chuyển động tự do, mà dao động quanh những vị trí cân bằng, chúng liên kết với nhau theo một trật tự xác định, làm cho vật chất trở nên rắn chắc, có hình thù rõ ràng. Hình dạng của vật chất được xác định bởi mức độ tự do của các phân tử. Mức độ tự do càng cao thì hình dạng càng không rõ ràng. Một khối sắt hình lập phương bị nung chảy sẽ không còn hình dạng xác định nữa. Nếu tiếp tục nấu, nó sẽ bay hơi và hình thù hoàn toàn biến mất. Quá trình biến dạng ấy cũng là quá trình biến đổi trạng thái.
Vật chất có thể chuyển đổi từ trạng thái rắn sang trạng thái lỏng, rồi từ trạng thái lỏng sang trạng thái khí, và ngược lại. Động lực thúc đẩy sự chuyển đổi là NHIỆT. Nhiệt là nguyên nhân thúc đẩy các phân tử chuyển động. Nhiệt càng lớn, chuyển động càng mạnh. Quá trình nấu chảy kim loại thực chất là quá trình thúc đẩy các phân tử kim loại chuyển động mạnh đến nỗi nó phá tung sợi xích liên kết giữa các phân tử, đẩy các phân tử vào tình trạng tự do, chuyển động hỗn loạn, vô trật tự. Nếu quá trình này được thúc đẩy tiếp tục, mức độ hỗn loạn vô trật tự tiếp tục tăng lên, đến một lúc nào đó kim loại lỏng sẽ biến thành khí, và về lý thuyết, khí kim loại có thể tan loãng dần đến mức gần như hư không. Đảo ngược quá trình này, nếu liên tục giảm nhiệt, các phân tử sẽ dao động yếu dần, đến một lúc nào đó, dao động sẽ ngừng lại, ngừng tuyệt đối, vật chất trở nên “cứng tuyệt đối”, nhiệt độ xuống tới mức thấp nhất, đó là độ 0 tuyệt đối.
Tóm lại, mức độ hỗn loạn của các phân tử có thể thay đổi tùy theo trạng thái của vật chất, và chính xác hơn, tùy theo nhiệt độ của vật chất. Đại lượng đo mức độ hỗn loạn vô trật tự của các phân tử được gọi là entropy. Nếu coi tập hợp các phân tử cấu tạo nên một lượng vật chất cụ thể là một hệ vật lý thì entropi là đại lượng đo mức độ vô trật tự của hệ vật lý đó. Khái niệm hệ vật lý có thể mở rộng cho một tập hợp nhiều vật thể. Hệ vật lý vĩ đại nhất là toàn vũ trụ.
Có thể can thiệp từ bên ngoài vào một hệ vật lý để làm tăng hoặc giảm entropi của hệ đó. Chẳng hạn, đun nước sôi là một sự can thiệp từ bên ngoài làm tăng entropi của nước. Băng ở Bắc Cực hay Nam Cực tan chảy thành nước là một quá trình tăng entropi của nước, nhờ sự “can thiệp” của Mặt Trời. Ngược lại, tủ lạnh là một chiếc máy làm giảm entropi của nước trong ngăn đá.
Một hệ không có sự trao đổi năng lượng với bên ngoài được gọi là một hệ kín. Điều lạ lùng là mọi hệ kín có xu hướng tăng entropy một cách tự phát. Nói cách khác, mọi hệ vật lý đóng kín có xu hướng biến đổi từ trật tự đến vô trật tự và ngày càng vô trật tự hơn. Chiều biến thiên ấy là đặc trưng cố hữu của tự nhiên, không thể đảo ngược. Đó chính là định luật thứ hai của nhiệt động lực học.

[2] – ĐỊNH LUẬT THỨ HAI CỦA NHIỆT ĐỘNG LỰC HỌC

Có nhiều cách phát biểu định luật nói trên. Cách phát biểu của Stephen Hawking trong cuốn Lược sử Thời gian (A Brief History of Time) có lẽ là ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu nhất đối với tất cả mọi người. Ông nói: “Định luật đó nói rằng trong một hệ thống kín thì vô trật tự hay entropi, luôn tăng với thời gian. Nói cách khác, đó là một dạng của Định luật Murphy: mọi vật luôn tiến triển theo chiều xấu đi” [2*]
Entropy (3)Vũ trụ xét trên toàn thể là một hệ thống kín (vũ trụ không trao đổi năng lượng với bất kỳ một hệ thống nào khác bên ngoài vũ trụ). Vì thế entropi của toàn vũ trụ luôn tăng với thời gian. Nói cách khác, vũ trụ ngày càng vô trật tự. Điều này hoàn toàn phù hợp với lý thuyết vũ trụ giãn nở. Theo lý thuyết này, vũ trụ giãn nở với gia tốc, có nghĩa là giãn nở ngày càng nhanh, và đến một lúc nào đó sẽ tan loãng thành hư không. Quá trình này không thể đảo ngược. Hawking cho rằng chiều giãn nở của vũ trụ trùng với chiều tăng của entropy, và cũng là chiều của thời gian. Cả ba chiều này đều có tính không thể đảo ngược. Có thể lấy chiều này để xác định các chiều kia. Theo tôi, hiện tượng vũ trụ giãn nở chính là biểu hiện của tính vô trật tự ngày càng tăng của vũ trụ. Đó là biểu hiện của định luật thứ hai của nhiệt động học trên phạm vi toàn vũ trụ.
Entropy (4)Định luật ấy không chỉ đúng với toàn vũ trụ, mà đúng với tất cả các hệ thống kín bên trong vũ trụ. Mọi đồ vật xung quanh ta đều là những hệ thống kín của các phân tử cấu tạo nên chúng. Nếu để mặc chúng với thời gian, tức là không có sự can thiệp từ bên ngoài, tất cả các đồ vật rồi sẽ hư hỏng, cũ nát, hoen rỉ rồi tan biến. Sự sống cũng không nằm ngoài quy luật này – sinh vật già đi, rồi chết, thối rữa, tan hủy. Và quy luật ấy dường như cũng đúng trong các quá trình biến đổi xã hội và tinh thần của con người.
Tại sao có rất nhiều nền văn minh từng rực rỡ một thời, nay đều biến mất, chỉ còn để lại những di tích hoang phế? Chẳng hạn văn minh Angkor, văn minh Ai-cập, văn minh Maya, văn minh Atlantic, và cả nền văn minh gần với chúng ta nhất, đó là văn minh Nho giáo,…
Những ai đã đọc cuốn “Nho Giáo” của cụ Trần Trọng Kim, có lẽ đều khó cầm lòng khi đọc những dòng buồn da diết sau đây: “Một cái nhà rất đẹp, lâu ngày không ai sửa sang, để đến nỗi bị cơn gió bão đánh đổ bẹp xuống… Không gì nữa, thì ta cũng vẽ lấy cái bản đồ để người đời sau biết rằng cái nhà ấy khi xưa đẹp đẽ là thế” [3*]. Cái nhà ấy là văn hóa Nho giáo đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam đang lụi tàn trước sự xâm lấn của văn minh vật chất Tây phương.
Đó cũng chính là nỗi buồn của bài thơ “Ông Đồ” của cụ Vũ Đình Liên [4*] mà hầu hết chúng ta đều đã được học từ thủa nhỏ: “Mỗi năm hoa đào nở, Lại thấy ông đồ già, Bày mực Tàu giấy đỏ, Bên phố đông người qua…”. Lúc nhỏ tôi chỉ thấy vần điệu hay hay, chẳng hiểu bài thơ muốn nói gì. Vài chục tuổi đầu mới vỡ nhẽ ra rằng đó là nỗi đau lòng của cha ông mình khi phải chứng kiến sự suy tàn của những giá trị nhân bản từng được trân trọng, vun đắp, gìn giữ trong hàng ngàn năm trước đó.
Rồi đến lượt thế hệ tôi. Khi bắt đầu ngộ ra nghĩa lý của đời sống, tôi giật mình nhận ra sự dốt nát của thế hệ mình, một chữ của cha ông bẻ làm đôi không hề biết. Thế hệ trẻ bây giờ càng không biết. Đau nhất là họ thản nhiên không cần biết. Điều đó chứng tỏ di sản văn hóa của cha ông đã tan loãng thành hư không rồi. Nói cách khác, nền văn hóa của chúng ta đã bị gián đoạn, gãy đứt giữa đường rồi. Thậm chí ảnh hưởng tinh túy của văn hóa Pháp ở Việt Nam một thời nở rộ (1930 – 1945) nay cũng trở nên mờ nhạt gần như không còn nữa, nói gì đến văn hóa truyền thống xa xưa.
Nhìn sự suy tàn ấy bằng con mắt của nhà văn, nhà sử học, hay nhà xã hội học, thì đơn giản đó chỉ là chuyện thời thế đổi thay, xưa nay vẫn thế. Nhưng nhìn bằng con mắt của triết học thì đó là những biểu hiện của hiện tượng tăng “entropi xã hội”. Thật vậy, nền văn minh Tây phương xa xưa vốn tập trung ở Âu Châu, đến thế kỷ 17, 18, 19 nó phát tán mạnh ra toàn thế giới, lấn át và tiêu diệt nhiều nền văn minh bản địa khác. Đó là dấu hiệu của sự chuyển đổi từ trật tự sang vô trật tự trong các nền văn hóaSự suy tàn của các nền văn hóa từng rực rỡ một thời cũng đồng thời là sự suy tàn của các giá trị tinh thần và đạo đức. Điều đó trực tiếp gợi ý cho chúng ta suy ngẫm để đặt câu hỏi: Liệu định luật thứ hai của nhiệt động học, tức quy luật đi từ trật tự tới vô trật tự và ngày càng vô trật tự hơn có đúng với thế giới tinh thần của con người không? Tôi đã dằn vặt với câu hỏi đó từ những năm đầu của thập kỷ 2000.
Entropy (5)Stephen Hawking đã gián tiếp trả lời rằng ĐÚNG là như vậy, khi ông coi định luật thứ hai của nhiệt động học như một dạng của Định luật Murphy – định luật cho rằng mọi thứ ngày càng xấu đi.
Trong lúc băn khoăn tiếp tục suy nghĩ về câu hỏi trên, tôi bất ngờ tìm thấy câu trả lời rất thú vị trong cuốn “Dưới Ánh Sáng của Thiền” (In the Light of Meditation) của Mike George, do GS Minh Chi dịch, NXB Hồng Đức xuất bản tại Việt Nam năm 2012. Trong cuốn sách này, Định luật Entropy (The Law of Entropy), tức định luật thứ hai của nhiệt động học, đã được diễn giải một cách tài tình là “Quy luật Tàn lụi”, một cách diễn giải rất sáng tạo, lột tả được bản chất của định luật thứ hai của nhiệt động lực học dưới con mắt xã hội học.

[3] – QUY LUẬT TÀN LỤI

Mike George nhắc lại định luật thứ hai của nhiệt động lực học bằng một thứ ngôn ngữ rất trong sáng của ông: “Quy luật Tàn lụi mô tả sự vận động đi từ trật tự đến hỗn loạn khi năng lượng trong một hệ thống khép kín bị cạn kiệt và không được bổ sung từ một nguồn năng lượng mới nằm ngoài hệ thống”.
Entropy (6)Ngay lập tức, ông khẳng định rằng Quy luật Tàn lụi không chỉ chi phối thế giới tự nhiên, mà còn chi phối xã hội loài người.
Được biết cuốn sách này ra mắt lần đầu tiên tại Mỹ ngày 17/05/2004, gần như đồng thời với khái niệm “entropy xã hội” mà tôi đã đề cập đến trên báo chí Vietnam năm 2003. Sự chênh lệch về thời gian không đáng kể, nhưng tôi phải thừa nhận rằng Mike George đã đào xới vấn đề sâu sắc hơn nhiều. Đọc sách của ông, tôi học được rất nhiều điều mới mẻ. Tôi thích cách nói rất sáng sủa, mạch lạc và “rõ như ban ngày” của ông. Đây, ông nhận định:
Quy luật Tàn lụi “cho thấy sự xuống cấp ngày một trầm trọng ở những giá trị đạo đức, ở nhận thức và thái độ của con người”. Dấu hiệu rõ rệt của sự tàn lụi là trong xã hội ngày nay, nhiều người còn trẻ mà đã thấy “suy kiệt, mệt mỏi và già cỗi về tinh thần”.
Đáng thất vọng nhất là sự đảo lộn về thang bậc giá trị. Cái gì là có giá trị nhất, có ý nghĩa nhất trong cuộc sống? Đây là thước đo, là tiêu chuẩn để đánh giá xu hướng tư tưởng của mỗi cá nhân và của một xã hội. Hãy nói cho tôi biết bạn thích cái gì, tôi sẽ biết bạn là ai. Hãy nói cho tôi biết bạn thích cuốn phim nào, tôi sẽ biết bộ não của bạn hướng về cái gì. Hãy trả lời câu hỏi con người là gì, tôi sẽ đoán được cách sống của bạn, cách ứng xử của bạn. Chẳng hạn nếu bạn quan niệm con người đơn giản là hậu duệ của chimpanzee như Học thuyết Darwin nói, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu bạn coi vật chất là mục đích cuộc sống. Nếu bạn trả lời như Pascal, rằng con người là một cây sậy có tư tưởng, thì tôi đoán là bạn không thể không dằn vặt khi chứng kiến “entropy xã hội” tăng lên, tư tưởng con người ngày càng nghèo nàn đi, con người ngày càng xa lánh các giá trị tinh thần, tôn giáo, đạo đức hơn xưa. Vì thế Mike George chỉ ra rằng Quy luật Tàn lụi lộ rõ trong xã hội loài người thông qua sự đảo lộn về thang bậc giá trị . Thật vậy, nếu hỏi “cái gì được coi là có giá trị nhất và có ý nghĩa nhất trong đời sống loài người?” thì Mike George trả lời: “… … ta hiểu được vì sao những giá trị vật chất có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn những giá trị tinh thần, và vì sao thái độ tiêu cực lại chiếm ưu thế hơn thái độ tích cực. Trên thực tế, giá trị con người cũng bị cuốn theo sự tàn lụi của môi trường thế giới. Các giá trị hoàn toàn trở nên nông cạn, giả tạo, do dựa trên nền tảng vật chất, chứ không còn dựa trên nền tảng tinh thần…”.
Cái gì dẫn tới sự đảo lộn thang bậc giá trị đó? Câu trả lời của Mike George rất bất ngờ: “Nhìn lại vài trăm năm trước, chúng ta thấy hầu hết mọi cái được gọi là “nền văn minh” thường là bước khởi điểm cho sự suy thoái đạo đức”.
Viết như thế dường như chưa đủ. Mike George nói rõ hơn: “Ở các kỷ nguyên trước, có những giai đoạn cách mạng trong tư duy của con người. Có vẻ những cuộc cách mạng này đã cải thiện phần nào cuộc sống trên trái đất. Những triết lý sống sâu sắc, những khám phá khoa học vĩ đại, hàng ngàn phát minh thiết thực hay sự phát triển của hệ thống thông tin liên lạc toàn cầu, tất cả đều góp phần tạo ra ảo tưởng về sự tiến bộ...”
Các bạn trẻ có thể cảm thấy ý kiến của Mike George quá bi quan, và thậm chí vô lý, vì tại sao lại gán cho khoa học và công nghệ cái tội tạo ra ảo tưởng về sự tiến bộ. Hàng ngày chúng ta chứng kiến sự tôn vinh của xã hội đối với các thành tựu khoa học. Vậy chẳng phải khoa học và công nghệ là biểu hiện rõ ràng nhất của sự tiến bộ đó ư? Nào là Giải Nobel, nào là Giải Field, tất cả đều gây nên om sòm dư luận, các nhà khoa học đoạt Giải đều được cả thế giới kính trọng đó sao? Lẽ nào những người đó mắc tội tạo ra ảo tưởng về sự tiến bộ?
Quả là nói cho một bạn trẻ hiểu được ý kiến của Mike George thật là khó, bởi những bạn trẻ ấy, chủ yếu do tuổi tác và niềm hy vọng vào tương lai ở phía trước, chỉ mới được nhìn thấy mặt ngửa của “đồng xu khoa học”, chưa nhìn thấy mặt sấp của nó. Mặt ngửa là vinh quang của các giải thưởng. Mặt sấp là gì? Là bom hạt nhân chăng? Là những vũ khí ghê sợ đang và sẽ ra đời trong thế kỷ 21 này chăng? Đúng thế đấy, nhưng chưa đủ. Mặt sấp tối tăm nhất của “đồng xu khoa học”, hay “đồng xu trí tuệ”, là THÓI TỰ PHỤ của con người!
Càng nhiều thành tựu, con người càng tự phụ. Tự phụ là tấm màn che mắt con người. Nó làm cho người nhầm lẫn trong việc định giá các giá trị. Cái có giá trị bị hạ xuống. Cái kém giá trị hoặc vô giá trị được tôn vinh.
Nếu Giải Field, Giải Nobel,… được con người coi là vinh quang tột đỉnh thì nhà toán học Grigori Perelman đã dạy cho chúng ta biết cái gì là giá trị đích thực khi ông từ chối mọi vinh quang dành cho ông sau khi chứng minh được Giả thuyết Poincaré (2006). Ông cười vào mặt những kẻ khốn khổ vì tiền bạc và vinh quang bằng một cử chỉ làm cả thế giới phải ngạc nhiên: ông quay về sống cuộc sống đơn sơ đạm bạc với bà mẹ già trong một căn hộ nghèo hèn, không thèm tiếp lũ báo chí săn đuổi ông. Tôi ngờ rằng đằng sau bộ râu rậm và ánh mắt sảo như nhìn thấu mọi sự thật, bộ não của Perelman không chỉ có toán học, mà còn chứa đựng những suy tư sâu sắc về tâm linh và tôn giáo, về ĐẠO. Chỉ với một tinh thần như vậy ông mới có đủ sức mạnh để KHINH tiền bạc và danh vọng như thế. Kẻ tầm thường làm sao hiểu được những nghĩa cử của ông.
Trở về với Mike George, tôi không rõ hiện nay ông bao nhiêu tuổi. Nhìn trong ảnh thì thấy ông vẫn còn trẻ (so với thế hệ tôi). Nhưng tôi khâm phục một người còn trẻ như ông mà đã nhìn thấu những căn bệnh trầm kha của xã hội hiện đại. Tôi càng khâm phục hơn khi thấy ông muốn đánh động cho mọi người biết vấn nạn trầm kha đó, để tìm con đường giải thoát cho bản thân và cho cộng đồng. Con đường ông vạch ra là Thiền, đi vào nội tâm, tìm lại những giá trị đích thực vốn sẵn có trong mỗi con người, nhằm đạt tới một mục tiêu nhân bản: tìm thấy HẠNH PHÚC THẬT, GIÁ TRỊ THẬT ngay trong cái thế giới ngày càng vô trật tự này!
Đôi khi tôi cũng tâm sự với một số bạn trẻ về sự hỗn loạn, xuống cấp về đạo đức và văn hóa trong xã hội ngày nay, tôi gặp những phản ứng đại loại như: “Chao ôi, mỗi thời một khác, ông không thể đòi hỏi thời đại bây giờ giống như ngày xưa được. Mỗi thời có cái đặc trưng của nó, làm sao giống nhau được”.
Ý kiến của bạn trẻ này thể hiện rất rõ lối sống của một tầng lớp rất đông đảo con người trong xã hội hiện đại – lối sống tưởng mình là khôn ngoan nhưng thực ra chỉ là hành động theo bản năng vô thức. Lối sống ấy đưa con người trôi nổi một cách hoàn toàn vô thức theo dòng chảy của thời đại, không biết và không cần biết nó sẽ đưa mình đến đâu. Viết đến đây, tôi bỗng nhớ tới một tên bố già trong cuốn phim “Bạch tuộc” của Ý. Khi bị chất vấn “tại sao mày có thể hành động bất lương đến thế?”, hắn thản nhiên trả lời: “Vì trước hết ta phải làm vua đã!”. Rất nhiều người ngày nay không tuyên bố, nhưng cũng thầm nghĩ: “Trước hết ta phải có tiền đã, ta phải ăn no, phải có nhà cao cửa rộng, có xe cộ láng bóng, phải lấy vợ, đẻ con, con ta phải hơn con thiên hạ… đó là tất cả, là mục đích cuộc sống của ta! Mọi thứ triết lý không phục vụ mục tiêu ấy đều vô nghĩa. Xã hội xuống cấp ư? Đó là việc của xã hội, đâu phải việc của ta!”.
Tôi thông cảm với những người như thế, vì những người ấy có thể đã không có điều kiện chứng kiến những cái tốt đẹp hơn để so sánh. Trong khi những người từng chứng kiến những giai đoạn xã hội êm đềm hơn, đạo đức hơn, giá trị tinh thần và văn hóa được đề cao hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn, xã hội giầu tình người hơn,… thì làm sao tránh khỏi sự so sánh luyến tiếc. Như cụ Trần Trọng Kim chẳng hạn. Trong khi cụ thể hiện một nỗi buồn da diết vì căn nhà đẹp bị hoang phế, đổ nát thì có những người trong thời đại ngày nay, trí thức chữ nghĩa hẳn hoi, phê phán Khổng tử là đã tạo ra một thứ Đạo kìm hãm sự phát triển của xã hội. Vậy chân lý ở đâu? Thật là buồn. Tại sao Nho giáo ngày xưa được tổ tiên ta trân trọng, bây giờ lại bị vứt bỏ? Tổ tiên chúng ta sai, hay chúng ta sai? Phải chăng chân lý là Quy luật Tàn lụi, vậy ta chấp nhận nó, sống theo quy luật tàn lụi, tự làm cho cuộc sống của mình ngày càng tàn lụi về các giá trị tinh thần và đạo đức, ngày càng vô nghĩa hơn? Đó là một cách lựa chọn.
Cách lựa chọn thứ hai là tự giải thoát ra khỏi quy luật đó, tự tìm cho mình một cuộc sống thanh bạch hơn, có ý nghĩa hơn, nhân bản hơn. Các bậc Thánh Nhân thời xưa đã chỉ cho chúng ta thấy rất nhiều con đường giải thoát.
Taoism (11)Lão tử chỉ ra con đường ĐẠO. Ngài nói: “Thất Đạo nhi hậu Đức; Thất Đức nhi hậu Nhân; Thất Nhân nhi hậu Nghĩa; Thất Nghĩa nhi hậu Lễ” (mất Đạo rồi mới có Đức; mất Đức rồi mới có Nhân; mất Nhân rồi mới có Nghĩa; mất Nghĩa rồi mới có Lễ). Vậy Đạo là cái gốc của Trời Đất. Con người muốn sống cùng Trời Đất thì phải sống theo ĐẠO. Thời đại ngày nay đang đánh mất cả Lễ, vậy còn nói gì đến Đạo, Đức, Nhân, Nghĩa? ĐẠO của Lão cao quá, khó quá, nhưng phải biết rằng Trời Đất có ĐẠO và đã là con người thì phải sống theo ĐẠO của Trời Đất.
Tại sao Lễ càng ngày càng mất? Hãy đọc cuốn “Nho Giáo” của cụ Trần Trọng Kim để tìm câu trả lời. Tôi chỉ xin nói vắn tắt: Nho giáo rất coi trọng Lễ. Nhưng Nho giáo suy tàn rồi ắt Lễ cũng mất theo. Trong khi tiếp thu nền văn minh vật chất Tây Phương, nhiều dân tộc Á Châu đã vứt bỏ những giá trị truyền thống quý giá của mình, bao gồm Nho giáo. Đó là căn nguyên của sự suy giảm về Lễ. Quốc gia nào biết kết hợp văn minh kỹ thuật Tây Phương với văn minh ĐẠO của Á Châu, quốc gia ấy sẽ phát triển một cách hài hòa, ổn định, cân bằng, ít nhất ở mức tương đối so với các quốc gia khác. Trong thực tế hiện nay, phải chăng đó là Singapore và Hàn Quốc?
Cùng thời với Lão tử và Khổng tử, Châu Á còn sản sinh ra một Thánh Nhân vĩ đại khác, đó là Đức Phật. Ngài đã từ bỏ vinh hoa phú quý để sống cuộc đời của ĐẠO, răn dạy người đời làm theo Ngàingõ hầu đạt tới sự giác ngộ, nhận ra đâu là con người thật của mình. Ngài chỉ cho chúng ta biết rằng những giá trị chúng ta đang tôn vinh chỉ là những giá trị ảo. Hãy học hỏi và suy niệm để tìm ra lẽ thật. Ngài từng dạy rằng sự hỗn loạn nằm ở ngay trong tâm thức của chúng ta, hãy cố gắng đấu tranh với nó, dẹp bỏ nó ra khỏi chính bản thân ta.
500 năm sau, Chúa Jesus ra đời trong nghèo hèn, nhưng mang một sứ mệnh vĩ đại là hy sinh mạng sống của mình để cứu chuộc nhân loại. Những người không hiểu hoặc không tin Thiên Chúa giáo sẽ không hiểu tại sao con người cần phải được cứu chuộc. Nhưng những người hiểu và tin thì biết rõ điều đó. Đơn giản vì con người vốn tội lỗi. Con người phải được thanh tẩy và phải được cứu chuộc. Trước khi chịu khổ hình, Chúa Jesus đã đi rao giảng để dạy con người phải biết kính sợ Thiên Chúa mà sống theo lẽ Đạo. Đạo cao nhất của Ngài là yêu thương, đối lập tuyệt đối với sự thù oán, đố kị, ghen ghét, sát hại lẫn nhau.
Nhưng con người, bị choáng váng lóa mắt bởi những thành tựu vật chất, càng ngày càng trở nên tối tăm trước các giá trị tinh thần, và do đó càng ngày càng xa lánh những lời dạy của cha ông, tổ tiên. Trong xã hội hiện đại, lời của Thánh Nhân không tác động mạnh đến tuổi trẻ bằng một kiểu Iphone hay Samsung mới ra đời. Triết học không có giá trị bằng một chiếc xe đời mới,… Những lý thuyết khoa học như Bất định, Bất toàn, Hỗn độn, Entropy,… không lay chuyển nổi cách tư duy tự phụ, thiển cận của đám đông, trong đó có cả những trí thức khoa bảng bậc nhất.
Trước chiều hướng xấu đi về đạo đức xã hội, ngay từ cuối thế kỷ 19, nhà triết học Friedrich Nietzsche đã lên tiếng báo động “Thượng đế đã chết”, để cảnh báo nhân loại hãy tỉnh thức, vì những giá trị kinh điển mà loài người hằng tôn thờ trong hàng ngàn năm trước đã sụp đổ, để lộ ra một khoảng trống tinh thần không có gì bù khuyết, đưa nhân loại đến tình trạng bơ vơ giữa ngã ba đường,… Nhưng nhân loại tiếp tục sống trong những giấc mơ vô thức, đinh ninh rằng Thương Đế đã chết thật rồi, vậy cứ việc ăn no ngủ kỹ, không cần bận tâm tới Thượng Đế nữa. Đó chính là quang cảnh của xã hội hiện đại!
Không có Thượng Đế thì gian trá một chút có sao đâu, miễn là che mắt được pháp luật. Mà pháp luật cũng do con người tạo ra. Có gì đảm bảo nó là một khuôn mẫu chắc chắn để giữ cho xã hội nằm trong thế quân bình trật tự đâu. Tóm lại, lương tri của con người trong xã hội hiện đại bị mất điểm tựa. Entropy xã hội tăng vọt!
Tình trạng xã hội loài người hiện nay, theo Mike George, đang ở giai đoạn tồi tệ nhất. Mike nhận định: “Giờ đây con người có thể giao tiếp với nhau từ khoảng cách rất xa vào bất cứ lúc nào, nguồn thông tin cũng dồi dào và đa dạng hơn, xe cộ chạy nhanh hơn; tuy nhiên mối quan hệ giữa con người với nhau lại lâm vào khủng hoảng”.
Khủng hoảng tội ác, khủng hoảng chiến tranh, khủng hoảng ý thức hệ, khủng hoảng giáo dục, khủng hoảng môi trường, khủng hoảng bệnh tật, khủng hoảng đói nghèo, … Nếu nền văn minh thực sự tiến bộ thì tại sao loài người lại lâm vào nhiều khủng hoảng như thế?
Mike kết luận: “Con người ngày càng thụ hưởng nhiều thành tựu từ sự tiến bộ công nghệ, nhưng không còn những mối quan hệ lành mạnh, yêu thương hài hòa với chính mình, với người khác, và với hành tinh…”.
Nhưng trớ trêu thay, Quy luật Tàn lụi không thể đảo ngược. Đó là một NGHỊCH LÝ, một thách thức vĩ đại của Tự Nhiên đối với con người. Làm thế nào để sống một cuộc sống nhân bản, có ý nghĩa, trong khi không thể chống lại Quy luật Tàn lụi? Phải chăng đó chính là ý nghĩa đích thực của cuộc sống, rằng hoa sen phải nở trên bùn, và con người càng phải học hỏi nhiều hơn, tu dưỡng nhiều hơn để trở thành con người đúng nghĩa hơn khi cạm bẫy vật chất và sự tha hóa bủa vây quanh mình dầy đặc hơn?
Nếu đúng như thế thì Quy luật Tàn lụi bản thân nó không xấu. Nó là cái lò tôi luyện để cho ra khỏi lò những sản phẩm khác nhau, hoặc vàng, hoặc bạc, hoặc đồng, hoặc sắt,… Làm thế nào để con người trở thành những sản phẩm quý giá của Tự Nhiên, bất chấp Quy luật Tàn lụi? Hoặc đặt câu hỏi chính xác hơn, làm thế nào để tìm thấy hạnh phúc đích thực ngay trong giai đoạn hiện nay, khi “entropy xã hội” đã đạt tới chỉ số dường như cực đại?
Theo tôi, đó là sự lựa chọn cách sống, hay nói một cách tổng quát: lựa cọn con đường giải thoát.

[4] – CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Khi đặt câu hỏi “Nhân loại hiện nay đang ở đâu?”, Mike George trả lời: “Xét trong bối cảnh lịch sử toàn bộ nhân loại, loài người chúng ta đang ở vào thời kỳ đen tối nhất trong mối quan hệ với nhau”. Thật vậy, theo dõi tin tức hàng ngày, chúng ta thấy những tin “hot” nhất thường là những cuộc đối đầu căng thẳng và nguy hiểm trên chính trường quốc tế. Các họng súng đều sẵn sàng nhả đạn. Bom hạt nhân lúc nào cũng như những bóng ma rập rình ngoài cửa sổ. Tổ chức khoa học hạt nhân thế giới phải cảnh báo nhân loại bằng hình ảnh chiếc đồng hồ chỉ vào lúc 7 phút trước “Midnight” – 12 giờ đêm được ví như đêm tối của thảm họa hạt nhân. Còn hàng trăm nguy cơ khác: chiến tranh khủng bố, khủng hoảng tội ác, khủng hoàng bất công, khủng hoàng đói nghèo, khủng hoảng dối trá,… Ôi, không thể kể hết những nỗi lo sợ do con người tạo ra. Con người thật đáng sợ. Rất nhiều lời cảnh báo đã xuất hiện. Nhưng cảnh báo sâu sắc nhất có lẽ là câu chuyện “Cuộc đời của Pi” (Life of Pi) của Yann Martel [5*].
Entropy (7)Truyện kể rằng ở trong vườn thú Pondicherry ở Ấn Độ, có một câu hỏi lớn được sơn bằng chữ đỏ trên một bức tường: “DO YOU KNOW WHICH IS THE MOST DANGEROUS ANIMAL IN THE ZOO? (Bạn có biết con thú nào nguy hiểm nhất trong vườn thú không?). Một mũi tên chỉ vào một bức rèm cửa nhỏ. Rất nhiều kẻ tò mò háo hức vội vén bức rèm ấy lên để nhìn vào trong. Chẳng thấy con thú nào ở đó, chỉ thấy một chiếc gương, và hình mình trong chiếc gương!
Yann Martel vẽ ra một khung cảnh nhân loại thu nhỏ thành đám hành khách trên chiếc tầu thủy Tsimtsum đi từ Ấn Độ sang Canada. Trên đó toàn những kẻ vô thần chỉ biết sống theo những bản năng tầm thường, không bận tâm tới cái gì khác ngoài những nhu cầu trực tiếp như miếng ăn miếng uống và những mối lợi làm ăn. Độc nhất chỉ có một mình Pi là tin vào Thượng Đế, một niềm tin trong sáng ngây thơ của cậu bé có tâm hồn trong trắng. Cậu sinh ra là để tôn thờ những cái thiêng liêng. Đối với cậu, Đấng Tối Cao có nhiều tên gọi khác nhau. Dù gọi thế nào cậu cũng tin rằng Đấng ấy là trên hết, có quyền năng vô biên.
Con tầu Tsimtsum gặp nạn trên biển Philipines, chìm nghỉm giữa đêm khi mọi người còn đang ngủ say, không kịp thoát. Pi thoát chết nhờ những cái ngẫu nhiên không thể nào tin nổi. Tất nhiên nhờ cả khả năng dày dạn với mặt nước của cậu – tài bơi lội cậu được huấn luyện từ nhỏ bởi ông chú. Nhưng đó chỉ là cái cớ tối thiểu để cậu được sống tiếp tục trên biển, rồi trải qua những thử thách khủng khiếp nhất, những tai họa rùng rợn nhất mà một đời người có thể trải qua. Chỗ không thể tin trong câu chuyện chính là chỗ khác nhau giữa người có đức tin tôn giáo với người vô thần.
Người vô thần chỉ tin vào những gì họ trông thấy, sờ thấy, những gì họ có thể chứng minh hoặc thực chứng. Điển hình là những người theo chủ nghĩa duy khoa học (scientism). Điều đáng sợ nhất ở những người này là thói tự phụ, không biết sợ Trời, sợ Đất. Họ tin rằng con người có thể trở thành siêu nhân, thống trị thiên nhiên. Vì thế họ sẵn sàng áp đặt ý chí của họ lên thế giới.
Người có đức tin tôn giáo thì khiêm tốn, nhưng tin tưởng tuyệt đối vào Thượng Đế của họ. Họ biết rằng con người thật bé nhỏ, tầm thường, nhưng Thượng Đế thì vĩ đại, quyền năng. “With man this is impossible, with God everything is possible” (Có những việc con người không thể làm được, nhưng Chúa có thể làm được mọi điều”.
Cuộc đời của Pi mang dáng dấp của một biến tấu tích truyện ông Noah trong Kinh Thánh: con người từ xa xưa đã hư đốn hỗn hào đến nỗi bị Chúa trừng phạt bằng nạn Đại Hồng Thủy, chỉ có ông Noah là người công chính biết kính sợ Chúa thì được cứu sống, từ đó lại sinh sôi nẩy nở thành nhân loại ngày nay. Cậu bé Pi chính là ông Noah trong thời đại ngày nay. Còn nhân loại ngày nay được Yann Martel ví như những hành khách trên con tầu Tsimtsum. Cha mẹ và anh ruột của Pi là những người tốt, cũng bị chìm trên tầu. Thật là bi đát! Họ chỉ khác Pi ở chỗ hoàn toàn vô thần. Phải chăng Yann Martel không thể chấp nhận con người không có đức tin tôn giáo? Dù là tôn giáo hay không tôn giáo, điều quan trọng là con người phải biết sợ Trời, sợ ĐấtNếu biết sợ Trời, sợ Đất thì đó chính là ý thức tôn giáo bẩm sinh rồi đó. Và đó chính là cánh cửa hé mở để tìm thấy con đường giải thoát.
Tôn giáo là một vấn đề rất tế nhị. Nhiều người không bao giờ tìm hiểu kỹ về tôn giáo hay thậm chí chẳng hiểu gì về tôn giáo nhưng phán xét tôn giáo rất khắt khe. Vì thế để tránh mọi hiểu lầm, tôi không nói đến con đường giải thoát bằng tôn giáo, nhưng bằng con đường ĐẠO (The TAO). Đó là Đạo của Trời Đất, hay đạo đức của con người, hay Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa,… hiểu thế nào cũng đúng.
Tùy theo vị trí và lập trường tư tưởng, mỗi người hãy lựa chọn cho mình một khái niệm ĐẠO thích hợp với mình, nhưng không thể không có. Xã hội loài người phải có ĐẠO làm chỗ dựa. ĐẠO là cái giúp cho chúng ta sống an nhiên tự tại ngay cả khi Quy luật Tàn lụi tạo nên những cơn giông bão khủng khiếp nhất như trong câu chuyện Cuộc đời của Pi. ĐẠO sẽ giúp cho chúng ta về tới đất liền bình an, hạnh phúc.
Có một sự thật “trớ trêu” là những người may mắn về tiền bạc, công danh sự nghiệp trí tuệ hơn người, nhiều khi lại khó tìm thấy ĐẠO hơn những người kém may mắn và đau khổ, như Chúa Jesus mô tả: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào được Nước Trời. Có lẽ các ông Bill Gates hay Warren Buffett hiểu rõ điều đó nên các ông đem gần hết của cải đóng góp cho từ thiện. Phải có tâm hồn thánh thiện mới có thể làm được những việc nhân đức to lớn như thế. Ngược lại với người đau khổ thì ĐẠO là cái phao cứu sinh của họ. Chỉ trong đau khổ con người mới tìm ra lẽ thật. Trước đây tôi từng day dứt với câu hỏi “tại sao con người phải sinh ra đời để chịu nhiều đau khổ đến thế?”. Mãi gần đây tôi mới gặp được một lời giải thích tuyệt vời: “God sends the storm to show He is the only shelter” (Chúa gửi bão tố xuống để chứng tỏ Ngài là chỗ trú ẩn duy nhất).
Storm copy
Thì ra Yann Martel đã thấm nhuần giáo huấn đó để sáng tạo nên tác phẩm bất hủ của ông, Cuộc đời của Pi. Trong tủ sách của tôi, Cuộc đời của Pi nằm trong ngăn trên cùng, nơi chứa những cuốn sách giúp tôi giải thoát.
PVHg, Sydney 08/06/2015
CHÚ THÍCH:
[1*]: Xem trang mạng http://www.thefreedictionary.com/entropy
[2*]: Lược sử Thời gian, Stephen Hawking, bản dịch của Cao Chi và Phạm Văn Thiều, NXB Trẻ, 2005, trang 209.
[3*]: Nho Giáo, Trần Trọng Kim, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2001, trang 7.
[4*]: Cụ Vũ Đình Liên là bác ruột của tôi (Thân mẫu của bác Liên là chị ruột của Ông nội tôi).
[5*]: Đã được dịch ra tiếng Việt bởi Trịnh Lữ, NXB Văn học, 2013. Xem bình luận về cuốn sách này, nhan đề “Tiểu luận về con người” của Phạm Việt Hưng trên PVHg’s Home, ngày 05/11/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét