Chúng ta sẽ trở lại bàn về “nguyên lý vị nhân” của khoa học, nó nằm trong Duy Thức của đạo Phật như thế nào. Giờ hãy bàn về cái gọi là “không thời gian” (không gian bốn chiều) của A. Einstein (và cả S. Hawking…), trong đó thời gian đóng vai trò là chiều thứ tư. Quan niệm sai lầm này chính là chướng ngại khủng khiếp, khiến cho khoa học không thể tiếp cận tới Thật tướng của vạn vật. Không có chuyện thời gian là chiều thứ tư, bởi con người vẫn nhận thức được thời gian một cách rõ ràng, y như 3 chiều không gian kia vậy. Nếu thời gian đến từ chiều thứ 4, thì con người đã không thể hiểu, giống như những sinh vật sống ở không gian 2 chiều cũng không thể hiểu những gì đến từ chiều thứ 3 vậy.
Con người nhận thức được thời gian, nghĩa là thời gian cũng đến từ không gian 3 chiều này. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật đã giải thích rõ điều đó như sau: “Đã cho là có pháp sở hữu, thì những khái niệm hư vọng về phần, về đoạn, về giới vực phát sinh; vì thế khái niệm “không gian” được thành lập. Do cái “nhân” (hình thành không gian) không phải là nhân chân thật, cho nên không có năng trụ và sở trụ, (khiến cho) mọi hiện tượng (không gian) đều trôi chảy dời đổi, không bao giờ đứng yên; vì thế khái niệm “thời gian” được thành lập…” Đức Phật nói rõ ràng như thế. Rằng thời gian sở dĩ sinh ra, bởi có sự “trôi chảy dời đổi, không bao giờ đứng yên” của vạn vật. Nghĩa là thời gian cũng đến từ chính không gian 3 chiều, chứ không phải đến từ chiều thứ 4, và thời gian chẳng phải chiều thứ 4.
Vậy cái gì đến từ chiều thứ 4, khiến con người không thể hiểu nổi, cho đó là thần thoại, siêu hình…? Chiều thứ 4 ấy nếu không phải thời gian, thì thực ra nó là cái gì?
Thực ra không gian 3 chiều, và cả yếu tố thời gian do nó sinh ra, đều từ “Tâm thức” của con người mà biến hiện ra (“nhất thiết duy tâm tạo”). Sở dĩ con người nhận thức được, vì nó nằm trong “nghiệp cảm” của con người. Cái đó gọi là “nội cảm”. Những gì nằm ngoài “nghiệp” người, khiến con người không thể nhận thức được gọi là “ngoại cảm”.
Nghĩa là chiều thứ 4 là những chiều nằm ngoài “nghiệp” người. Nhưng nó cũng từ “Tâm thức” mà sinh ra. Nó không ra ngoài “Tâm thức”.
Đến từ không gian 3 chiều (sinh), con người hoàn toàn nhận thức được, thì đi khỏi trong không gian 3 chiều (diệt), con người cũng có thể nhận thức được.
Nhưng đến từ những chiều thứ 4 (nằm ngoài “nghiệp” người), con người không thể nhận thức được nên gọi là “hiện ra”. Và đi khỏi không gian 3 chiều bằng những chiều thứ 4… con người cũng không thể nhận thức được, gọi là “biến mất”.
Cả ma quỷ cũng như các vị thiện thần, chư Phật, Bồ Tát… đều từ trong Tâm thức của chúng ta mà đến (hiện ra), và đi (biến mất) cũng bằng những cách tương tự.
Trong khoa học, A. Einstein là người đầu tiên phát hiện ra thời gian là tương đối. Nó phụ thuộc vào “hệ quy chiếu” của người quan sát. Nhưng giải thích tại sao thì thực là chưa đến nơi đến chốn, bởi vẫn “chấp” rằng thời gian là chiều thứ 4. Đạo Phật mô tả rốt ráo điều này từ lâu, có vô vàn ví dụ, câu chuyện và những con số cụ thể. Như đoạn kinh đã dẫn, thời gian “đến” từ không gian, mà không gian vốn đã tương đối, thì thời gian, tất nhiên, cũng là tương đối.
Con người nhận thức thế giới bằng cái “nghiệp” của mình. Thế giới ấy không phải hằng số. Nếu “nghiệp” thay đổi, thì thế giới cũng thay đổi, nó to hay nhỏ, rộng hay hẹp, đẹp hay xấu, thơm hay thối, êm ái hay xù xì, tử tế hay đểu cáng… tất cả đều phụ thuộc vào “nghiệp” của kẻ quan sát. Chúng ta nhìn thấy một nấm mộ nhỏ bé, xấu xí, nhưng chủ nhân của nấm mộ ấy thấy mình đang ngự trong một lâu đài lộng lẫy nếu phước báo của ngài lớn. Ngược lại, một lăng mộ hoành tráng sẽ chỉ là nấm mộ thảm hại nếu kẻ nằm trong đó có phước báo nhỏ…
Khả năng nhận thức vũ trụ, thế giới… phụ thuộc vào “nghiệp”. Thế nhưng nó có cố định, chỉ có thể như thế mà không thay đổi được hay không? Không! Nó vẫn tồn tại những khả năng chuyển đổi, để con người có thể vượt qua khỏi “nghiệp” người. Vượt khỏi “nghiệp” người, sẽ lại sa vào nhận thức của các “nghiệp” khác, ví dụ trời, ma… tuy có mở rộng hơn, song vẫn là hư vọng. Tuy nhiên, có để ngỏ một “cửa” để nhận thức được Thật tướng của vũ trụ. Với điều kiện phải theo đúng chánh đạo.
Thế nào là chánh đạo? Là hướng tới giải thoát, giác ngộ, tức là hướng tới sự tiến hóa trí tuệ. Tuyệt đối không quay trở lại (tà đạo), hay rẽ ngang rẽ ngửa (ngoại đạo)…
Theo con đường chánh đạo sẽ vấp ngay vào Ngã (cái ta hay “tự tính” của vạn vật). Tất cả đều phụ thuộc vào sự đối xử với cái Ngã.
Chuyển nghiệp là một quá trình biến dịch sinh tử. Đầu tiên tin vào chánh đạo thì ở địa vị thập tín. Nhàm chán cái Ta thì lên địa vị tam hiền. Chứng được vô Ngã thì nhập vào vị thánh. Chứng được vô sinh thì thành Bồ Tát (quả), Tùy thuận Viên Giác thì thành Như Lai.
Vậy những A. Einstein và S. Hawking… kia thì ở địa vị nào của biến dịch sinh tử? Chưa vào đâu cả, bởi họ chưa mảy may ra khỏi “nghiệp” người. Dẫu họ có đo đạc được cả vũ trụ, thì cũng vẫn là hư vọng mà thôi.
Gần đây, một số nhà khoa học ở nước ta xuất hiện 1 thuật ngữ rất… thời thượng, đó là “cận tâm lý”. Thực chất các ngài muốn kéo dài khả năng nhận thức, vượt ra khỏi “nghiệp” người. Chính xác hơn thì phải gọi là “cận nghiệp” mới đúng. Gọi là “cận tâm lý” thì quá xoàng, chưa nói là sai lầm vớ vẩn và chẳng đi đến đâu. Môn “cận tâm lý” thực chất là muốn mon men ra biên giới của cái nghiệp con người. Có biết đâu rằng nếu (chẳng may) ra khỏi được cái biên giới ấy, thì các nghiệp… ma đã chờ sẵn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét