Trang

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

Am Ngọa Vân

Năm 1307, Trần Nhân Tông lên tu tại một am nhỏ trên núi Ngọa Vân; tháng 11, Ngài an nhiên hóa Phật tại Am Ngọa Vân, được suy tôn là: “Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”.

LỜI GIỚI THIỆU

Đông Triều, mảnh đất địa linh nhân kiệt, vùng quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa trên mặt đất cũng như trong lòng đất. Trên địa bàn huyện hiện có hơn một trăm di tích lịch sử và danh thắng, trong đó 25 di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh, 08 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia và hiện huyện đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Quần thể di tích nhà Trần tại Đông Triều là di tích Quốc gia đặc biệt.

Tự hào với truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của quê hương Đông Triều, chúng ta, mỗi người con của Đông Triều càng cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích cho hôm nay và cho con cháu mai sau.

Giáo dục, phổ biến giá trị lịch sử văn hóa và cách mạng của quê hương, từ đó nâng cao hiểu biết, tình yêu di sản, tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ và gìn giữ các giá trị văn hóa quý báu của quê hương cho mỗi người là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Việc Phòng Giáo dục và Đào tạo đề xuất đưa nội dung giáo dục giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng cấp quốc gia trên địa bàn huyện vào giảng dạy trong các các cấp học phổ thông là việc làm có ý nghĩa thực tiễn hết sức quan trọng, cung cấp cho các em những hiểu biết về các giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương, từ đó bồi đắp sự hiểu biết, hun đúc tình yêu thương mảnh đất quê hương trong mỗi con người. Để việc giáo dục có hiệu quả, song song với việc xây dựng chương trình giảng dạy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tổ chức biên soạn một bộ sách giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa,.. của 08 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia. Bộ sách này sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập trong các trường Phổ thông của huyện mà nó còn là tài liệu giới thiệu và quảng bá giá trị của các di tích.

Cuốn sách Am Ngọa Vân là cuốn đầu tiên trong bộ sách được xuất bản, sách do thạc sĩ Nguyễn Văn Anh, người đã có nhiều năm gắn bó nghiên cứu các di tích nhà Trần ở Đông Triều biên soạn. Sách giới thiệu một cách khái quát về cuộc đời, sự nghiệp của đức Vua, Phật Hoàng Trần Nhân Tông và đặc biệt, dựa trên nhiều nguồn tư liệu khác nhau, nhất là các tư liệu thu thập được qua quá trình điều tra, nghiên cứu khảo cổ học, tác giả đã cố gắng phác dựng lịch sử hình thành, phát triển cũng như vị trí của quần thể di tích Ngọa Vân trong hệ thống di tích nhà Trần ở Đông Triều nói riêng và hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm trên dãy Yên Tử nói chung. Với các nội dung cơ bản được trình bày, hi vọng cuốn sách sẽ đem đến cho bạn đọc những hiểu biết cơ bản về lịch sử và giá trị văn hóa của quần thể di tích chùa - am Ngọa Vân nơi đức vua Trần Nhân Tông hóa Phật, thánh địa của Phật giáo Việt Nam.

Đông Triều, ngày 19 tháng 5 năm 2013
 
Nguyễn Thị Huân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Triều

 
 Mộ tháp Phật hoàng Trần Nhân Tông trước Am Ngọa Vân

Chương I
MỞ ĐẦU

Vua Trần Nhân Tông là vị vua anh hùng, danh nhân văn hóa dân tộc, người có những đóng góp to lớn về nhiều mặt cho đất nước, cho dân tộc. Dưới thời trị vì của ông (1278-1293), đất nước Đại Việt phải trải qua những thời khắc cam go nhất trong việc bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nhưng nhờ tài năng và đức độ của mình, ông đã tập hợp được những nhà quân sự tài giỏi, huy động mọi tiềm lực của nhân dân và trực tiếp lãnh đạo quân và dân Đại Việt đánh thắng đội quân hung hãn và thiện chiến nhất thời bấy giờ, làm nên những chiến công oanh liệt, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc.

Sau khi giành thắng lợi trong công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc, ông lãnh đạo đất nước nhanh chóng đi vào ổn định và phát triển, đưa đất nước bước vào thời kỳ thái bình thịnh trị, xã hội phát triển trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và đạt được những thành tựu cao trong kỷ nguyên của văn minh Đại Việt. Đang trên đỉnh cao của quyền lực, ở tuổi 35 ông nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông lên làm Thái Thượng hoàng. Sau thời gian làm Thái Thượng hoàng, khi đã hoàn thành việc bình Bắc, định Nam, yên việc nước, việc nhà, vua con Trần Anh Tông đã tự mình gánh vác việc quản lý và lãnh đạo đất nước ông xuất gia tu hành khổ hạnh, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, “vân du đây đó” dạy dân chúng phá bỏ dâm từ, thực hành điều thiện, ban thuốc chữa bệnh cứu dân.

Năm 1307, Trần Nhân Tông lên tu tại một am nhỏ trên núi Ngọa Vân; tháng 11, Ngài an nhiên hóa Phật tại Am Ngọa Vân, được suy tôn là: “Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”. Am Ngọa Vân chính là nơi mà vị anh hùng dân tộc, tổ thứ nhất của Phật giáo Trúc Lâm kết thúc hành trình tu luyện và hóa Phật của mình.
 
Vua Trần Nhân Tông qua bức thư họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ


Tác giả: Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Trích trong cuốn Am Ngọa Vân, tác giả Nguyễn Văn Anh, NXB Văn hóa Thông tin năm 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét