Trang

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Những di tích hiện còn lại ở Ngọa Vân

Như trên đã trình bày, am Ngọa Vân ban đầu chỉ là một am nhỏ được xây dựng trên đỉnh Ngọa Vân. Sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông hóa Phật, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thiền phái Trúc Lâm, khu vực am Ngọa Vân được xây dựng và mở rộng với nhiều điểm chùa am khác nhau, biến Ngọa Vân thành một quần thể chùa tháp trên núi Bảo Đài. 

Đến thời Lê Trung hưng, khi Phật giáo được phục hưng, nhờ sự phát tâm công đức của phật tử và triều đình, các sư tăng của Thiền phái Trúc Lâm đã cho trùng tu, tôn tạo và xây dựng mở rộng Ngọa Vân, nhiều chùa tháp được mở rộng và xây mới về phía Đông. Nhưng trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử và những biến thiên của xã hội, quần thể chùa tháp Ngọa Vân phần lớn đã bị đổ nát và dần chìm vào quên lãng, số di tích còn lại chủ yếu là các di tích được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn, các di tích thời Trần đã bị phá hủy hoàn toàn.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học từ năm 2007, đến nay (2013) đã phát hiện được tổng cộng 15 điểm di tích, chia thành 4 khu, các di tích đều đã bị phá hủy nên tên gọi của di tích phần lớn được gọi theo tên dân gian hiện đang sử dụng hoặc được đặt theo thứ tự phát hiện, những di tích nào sau khi nghiên cứu và định danh được thì gọi theo kết quả nghiên cứu.

Đi theo con đường hành hương từ đền An Sinh, qua khu vực lăng tẩm nhà Trần, men theo suối Phủ Am Trà qua khu Tàn Lọng đến Phủ Am Trà đến dốc Đô Kiệu qua Thông Đàn, đến chùa, am Ngọa Vân rồi vòng tiếp về phía Đông, đến Ngọa Vân 1, Ngọa Vân 2 ra Đá Chồng và đến khu Ba Bậc là chúng ta đã đi một vòng từ phía Tây về phía Đông của toàn bộ quần thể di tích Ngọa Vân. Để tiện theo dõi cũng như nắm bắt những thông tin cơ bản về di tích ở đây, xin giới thiệu một cách khái quát vị trí, tên gọi, lịch sử hình thành và các dấu vết hiện còn của từng điểm di tích trong quần thể di tích Ngọa Vân.

1. Tàn Lọng

theo câu chuyện dân gian kể về việc tu hành, đắc đạo của vua Phật Trần Nhân Tông hiện còn được kể tại một số làng trong khu vực An Sinh, Tràng An thì, trước khi đến Cửa Phủ phải qua khu vực gọi là khu Tàn Lọng. Tàn Lọng có nghĩa là thu lọng lại. Tàn Lọng là vị trí nằm trên đường lên am Ngọa Vân, đến đây là bắt đầu đi vào rừng già, đường hẹp vì thế không cần và không thể che lọng được nữa và cũng bởi “rừng già che bóng mát, lọng vua không cần che” do vậy phải thu lọng lại.

Trên thực tế thật khó để xác định vị trí chính xác của Tàn Lọng là ở đâu vì việc hạ lọng cũng hoàn toàn không cố định và không bắt buộc. Theo truyền thuyết thì Tàn Lọng là vị trí bãi xe trâu của người Hoa sau này, nó cách Phủ Am Trà khoảng 250-300m về phía hạ nguồn suối Phủ Am Trà. Mặc dù chỉ là truyền thuyết song có thể thấy nó cũng phản ánh ít nhiều sự thật lịch sử. Quan sát bước tranh Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn chi đồ, bức vẽ mô tả Phật Hoàng Trần Nhân Tông xuống núi chúng ta thấy Phật Hoàng ngồi trên võng, phía sau có người che lọng. Như vậy, việc tồn tại một địa danh gọi là Tàn Lọng cũng có thể hiểu và tin được.

2. Phủ Am Trà
 Phủ Am Trà

Phủ Am Trà hay còn gọi là Cửa Phủ nằm cách Đô Kiệu khoảng 1000m về phía hạ nguồn của suối Phủ Am Trà, cách Tàn Lọng khoảng 250-300m. Đó là một khu đất hẹp tương đối bằng phẳng nằm cao hơn suối khoảng 5m. Dấu vết còn lại ở khu vực Cửa Phủ là nền móng của một kiến trúc nhỏ được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Cửa Phủ hiện là nơi thờ thần rừng, thần núi với tư cách như người cai quản khu rừng này, do vậy trước khi vào rừng mọi người phải qua đây thắp hương với ý để xin phép hay trình báo và cầu mong được các vị thần rừng, núi che chở vào bảo vệ. Về mặt tự nhiên, hiện nay, bắt đầu từ khu vực này là phạm vi rừng già, tuy nhiên vào thời Trần hẳn nó phải nằm sâu trong rừng, tức là cửa rừng phải ở xa phía ngoài hơn nữa.

Một điều đáng lưu ý nữa là tên địa danh “Phủ Am Trà”. Phủ và Am là hai khái niệm để chỉ công trình có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng khác nhau, Phủ là nơi thờ nhân thần hoặc thiên thần, còn Am là nơi các tu sĩ Phật giáo tu học. Do vậy, có lẽ trước khi là phủ thì ở đây có một am nói cách khác vị trí của Cửa Phủ vốn trước đó là vị trí của Am có tên gọi là Am Trà nên khi xây dựng phủ người ta đã lấy luôn tên của am để đặt tên cho phủ, vì vậy Phủ được gọi là Phủ Am Trà. Dòng suối chính ở đây cũng được gọi theo tên gọi của phủ này, nó được gọi là suối Phủ Am Trà là vì thế.

3. Đô Kiệu
 Đ/c Vũ Văn Học, Chủ tịch UBND huyện Đông Triều khảo sát di tích Ngọa Vân. Ảnh: Nguyễn Văn Anh

Đô Kiệu nằm cách Cửa Phủ khoảng 1000m về phía thượng nguồn suối Phủ Am Trà. Đô Kiệu nằm ở vị trí ngã ba của hai dòng suối dồn nước vào suối Phủ Am Trà, tới đây cũng là nơi kết thúc đoạn đường tương đối bằng phẳng, từ đây để lên am Ngọa Vân là phải leo dốc, dốc cao và dài, hai bên là vực sâu. Theo truyền thuyết, Đô Kiệu là nơi dừng kiệu. Trên thực tế với địa hình như dốc này không thể nào đi kiệu được vì thế, xét về mặt ngữ âm, Đô Kiệu chính là cách đọc chệch của Đỗ Kiệu.

Tại Đô Kiệu còn lại nhiều điểm di tích nhỏ, chúng phân bố thành hai khu. Khu vực thứ nhất phân bố trên vị trí đất tương đối bằng phẳng đối diện với khu vực thứ hai qua ngã ba suối Phủ Am Trà tại dốc Đô Kiệu. Khu vực thứ nhất còn một số bó nền kiến trúc, đặc biệt khu này có nhiều loại cây ăn quả như bòng (bưởi), nhãn, vải,.. Chính vì vậy, khu vực này còn được gọi là khu bạt bòng, bạt vải. Trong phạm vi các nền kiến trúc chưa tìm thấy dấu vết của gạch ngói hay các tảng kê chân cột.

Khu vực thứ hai nằm trên sườn phía nam chân núi khu vực Thông Đàn 1, nơi được gọi là dốc Đô Kiệu. Tại đây có 2 cấp nền chính, cấp thứ nhất cao hơn suối khoảng 3m, cấp thứ hai cao hơn cấp thứ nhất nhất khoảng 2m. 
Ngói mũi sen in nổi hai chữ Vân Phong tìm thấy tại Đô Kiệu Ảnh: Giang Vĩnh Thịnh

Hai cấp nền được hình thành bằng việc bạt núi, kè nền để tạo mặt bằng. Trên hai cấp nền này hiện còn một số loại hình vật liệu kiến trúc của thời Trần và thời Lê Trung hưng, trong đó ngói mũi sen thời Lê Trung hưng rất phổ biến. Đặc biệt tại đây cũng đã tìm thấy loại ngói cánh sen trên lưng in nổi hai chữ Vân Phong (雲 夆) là tên khác của chùa Ngọa Vân. Việc tìm thấy loại ngói này ở Đô Kiệu đã chứng minh Đô Kiệu là một phần trong quần thể của Ngọa Vân. Với vị trí và các dấu vết hiện còn tại hai khu vực Đô Kiệu có thể suy đoán chức năng khu vực thứ nhất là khu sinh hoạt với các kiến trúc nhỏ, vườn cây,... và khu vực thứ hai là khu thờ tự.

4. Thông Đàn
 Di tích Thông Đàn 1 sau khi được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Nguyễn Văn Anh

Thông Đàn là một cụm gồm 3 điểm di tích (được các nhà khảo cổ học gọi là Thông Đàn 1, Thông Đàn 2 và Thông Đàn 3) phân bố trên ba sườn núi kéo dài về phía Tây Nam của núi Vây Rồng, trên độ cao trung bình 430 đến 480m so với mặt nước biển. Có nhiều cách giải thích về địa danh Thông Đàn. Có ý kiến cho rằng do ở đây có nhiều cây thông cổ nên gọi là Thông Đàn; ý kiến khác thì cho rằng do có nhiều cây thông cổ, thân và tán cây lớn, ngồi dưới tán cây mỗi khi gió thổi các âm thanh nhiều cung bậc giống như một dàn nhạc mà mỗi cây thông là một nhạc công vì thế nên gọi là Thông Đàn, ý kiến này nghe có vẻ hợp lý hơn cả (!).

Cả ba điểm di tích tại Thông Đàn đều tìm thấy các dấu vết kiến trúc từ thời Trần cho đến thời Lê, Nguyễn, trong đó Thông Đàn 1 ở giữa và nằm trên con đường chính lên am Ngọa Vân đóng vai trò như trục chính của cả khu Thông Đàn. Tại đây, từ năm 2007 đến 2009 các nhà khảo cổ học đã tiến hành các cuộc điều tra và nghiên cứu khảo cổ học. Kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học đã cho thấy từ thời Trần tại Thông Đàn 1 đã có các công trình kiến trúc bằng gỗ, mái lợp ngói mũi sen được xây dựng để làm nơi thờ tự, các thời sau tiếp tục tôn tạo, xây dựng và phát triển. Thời Lê Trung hưng, cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 là giai đoạn phục hưng mạnh mẽ của Thiền phái Trúc Lâm, quần thể di tích Ngọa Vân được trùng tu, tôn tạo và mở rộng, Thông Đàn 1 cũng được trùng tu tôn tạo. Dưới thời Lê Trung hưng, tại đây có 2 tòa tháp bằng đá, tháp thứ nhất được xây dựng ở cấp nền trên là tháp Thờ Phật (Phụng Phật tháp - 奉佛塔); Tháp thứ hai được xây dựng ở cấp nền dưới là tháp mộ của một vị Thiền sư mà theo bài vị đặt trong lòng tháp thì thiền sư này thuộc Thiền phái Trúc Lâm, có tên chữ là Viên Mãn Chân Giác vì thế tháp này còn được gọi là tháp Viên Mãn Chân Giác thiền sư. Hai tòa tháp này tồn tại cho đến khoảng những năm 80 của thế kỷ 20 thì bị sập đổ. Năm 2012, với sự hỗ trợ về tài chính của Tập Đoàn An Viên, Ủy ban Nhân dân huyện Đông Triều và các Phòng ban chức năng của huyện cùng sự tham gia của cán bộ, nhân dân hai xã An Sinh, Bình Khê đã trùng tu phục dựng thành công hai tòa tháp và xây dựng lại toàn bộ khuôn viên di tích Thông Đàn 1, đáp ứng nguyện vọng của chính quyền, nhân dân địa phương, đồng thời mở đầu cho công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích Ngọa Vân.

Đ/c Nguyễn Văn Lương, Nguyên PCT UBND huyện cùng các nhà khảo cổ học khảo sát tại di tích Thông Đàn 1. Ảnh: Bùi Minh Trí
Đ/c Nguyễn Thị Huân - Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện khảo sát tại di tích Thông Đàn 1. Ảnh: Lê Đình Ngọc

Những khảo sát mới đây đã tìm thấy ở phía trên của tháp Phụng Phật, nơi có một mặt bằng rộng khoảng 40m2, nằm cao hơn so với khu vực tháp khoảng 50m có một nền kiến trúc, nền kiến trúc này có thể là một Tịnh thất, nơi dành cho việc tu thiền. Các Tịnh thất kiểu này cũng được tìm thấy ở cụm chùa Ngọa Vân và ở khu Đá Chồng. Ở chùa Hồ Thiên tịnh thất cũng được xây dựng ở trên đỉnh núi phía sau chùa, đây chính là đặc trưng về cấu trúc mặt bằng của một cụm chùa của Thiền phái Trúc Lâm.

Tác giả: Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Trích trong cuốn Am Ngọa Vân, tác giả Nguyễn Văn Anh, NXB Văn hóa Thông tin năm 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét