Trang

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2018

Thiền sư Thích Nhất Hạnh ước nguyện "lá rụng về cội"

Thiền sư Thích Nhất Hạnh bày tỏ ý nguyện được sống những ngày cuối đời trên quê hương Việt Nam, trang nhà của Đạo Tràng Mai Thôn (Làng Mai) tại Pháp hôm thứ Sáu ngày 2/11vừa ra thông bạch bằng tiếng Anh cho biết.
Trước đó đúng một tuần, vào ngày 26/10, Thiền sư Nhất Hạnh đã đáp chuyến bay từ Bangkok, Thái Lan, nơi ông đã tĩnh dưỡng kể từ tháng 12 năm 2016, về Đà Nẵng.
Sau đó, vào chiều ngày 28/10, xe chở Thiền sư Nhất Hạnh từ Đà Nẵng đã về đến tổ đình Từ Hiếu ở phường Thủy Xuân, thành phố Huế, nơi ông đã thọ giới xuất gia năm 16 tuổi, tức là cách nay 76 năm, truyền thông trong nước đưa tin.
‘Lần về quê cuối cùng’
“Kể từ lễ mừng thọ lần thứ 92 vào tháng trước, Sư Ông đã bày tỏ ý nguyện sâu thẳm là muốn về ở tại ngôi chùa tổ, Tổ đình Từ Hiếu ở Huế, Việt Nam, để sống những ngày còn lại,” thông bạch của Làng Mai viết.
Thông bạch gọi chuyến trở về Việt Nam lần này của Thiền sư là ‘lần về quê hương cuối cùng’. Cho nên, nhiều khả năng, ông sẽ ở lại Tổ đình Từ Hiếu luôn cho đến ngày ông viên tịch.
Từ Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân được báo mạng VnExpress dẫn lời cho biết ‘Ngài dự định ở lại chùa Từ Hiếu trong một thời gian rất dài’.
“Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn luôn xem những điều mà ông thuyết giảng có cội nguồn từ cuộc sống tâm linh dấn thân của lịch đại Tổ sư Phật giáo Việt Nam từ thời Lý và thời Trần,” thông bạch viết. “Gìn giữ được sự kết nối sâu sắc và vững bền với cội rễ tâm linh ở Việt Nam là điều hết sức quý giá cho cộng đồng đông đảo những người tu học theo pháp môn của Thiền sư trên toàn thế giới.”
Thông bạch cho biết hôm 24/10, khi còn ở Làng Mai Thái Lan, Thiền sư đã triệu tập các môn đồ thân cận để truyền đạt ‘một cách rõ ràng’ ý nguyện của ông muốn về lại Việt Nam bằng cử chỉ, gật đầu hay lắc đầu trước các câu hỏi.
Kể từ khi bị tai biến bốn năm trước, Thiền sư Nhất Hạnh vẫn chưa thể nói chuyện được mặc dù ‘tinh thần của ông vẫn rất tỉnh táo’, theo thông bạch.
Ngay sau đó, các vị đồ đệ của ông đã sắp xếp cho chuyến đi về quê hương cuối cùng của ông ngay sau khi hoàn mãn mùa An cư kiết hạ vào ngày 25/10.
Theo trang nhà của Làng Mai thì Thiền sư Nhất Hạnh đã đi trên một chuyến chuyên cơ có sự tháp tùng của năm thị giả và một bác sĩ người Thái là đệ tử của ông cùng hai phi công.
Hôm 26/10, khi đến sân bay Đà Nẵng, ông đã được chào đón bởi chư vị tôn túc, chư tăng ni và hàng Phật tử. Ông đã ở Đà Nẵng hai ngày tĩnh dưỡng bên bờ biển để hồi phục sức khỏe sau chuyến bay.
Khi về đến Tổ đình Từ Hiếu, Thiền sư được tiếp đón trong lễ rước theo nghi thức Phật giáo truyền thống có chiêng trống bát nhã, cũng theo thông bạch.
“Khi bước vào chùa, Sư Ông ngừng một chút để với tay chạm vào phiến đá lạnh của chiếc cổng tam quan cũ để đánh dấu Sư Ông đã đến và đã trở về. Mọi người có mặt đều im lặng khi Sư Ông ngồi lặng nhìn Hồ Bán Nguyệt, nơi Sư Ông đã có nhiều kỷ niệm khi còn là một sa di, sau đó Sư Ông đi vào chánh điện để đảnh lễ trước bàn thờ Phật và thắp hương trên bàn thờ Tổ,” thông bạch viết.
Theo trang nhà Làng Mai thì kể từ khi về lại Tổ đình Từ Hiếu, sức khỏe của Thiền sư ‘vẫn còn yếu nhưng ổn định’. Ông đã ‘tham gia thiền hành cùng tăng chúng vào lúc rạng sáng’ và ‘thăm lại từng ngõ ngách của ngôi tổ đình nơi Sư Ông đã trải qua thời niên thiếu, nơi Sư Ông đã nuôi dưỡng hoài bão và bước vào con đường tâm linh’.
‘Nhập diệt tại chốn Tổ’
Thiền sư Nhất Hạnh thắp nhang tại chánh điện Tổ đình Từ Hiếu.
​Làng Mai cũng cho biết là khi vừa về đến Việt Nam, vào tối ngày 26/10 ở Đà Nẵng, với tư cách là đương kim trụ trì và là người đứng đầu dòng Từ Hiếu, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chỉ thị cho chúng đệ tử thảo một lá thư mời tất cả các vị tôn túc, chư huynh đệ, chư tăng ni của dòng Từ Hiếu, tức là tất cả môn đồ, đệ tử của Thiền sư Thanh Quý, sư phụ của Thiền sư Nhất Hạnh, tham dự một buổi ‘họp mặt gia đình vui vẻ’ và mừng trở về nhà tại Tổ đình Từ Hiếu vào Thứ Bảy ngày 3/11.
Thiền sư Nhất Hạnh cũng là vị tổ thứ tám của dòng Từ Hiếu.
Trong buổi sáng ngày 2/11, ông Bùi Thanh Hà, phó Ban Tôn giáo Chính phủ, đã ghé Tổ đình Từ Hiếu vấn an Thiền sư Nhất Hạnh, theo VnExpress. Cuộc gặp đã diễn ra trong ‘khoảng 10 phút’.
Cũng theo VnExpress, sau khi về đến Việt Nam, Thiền sư đã gửi tâm thư đến chư tăng ni trong dòng Từ Hiếu để nói rõ nguyện vọng của ông được ‘lá rụng về cội’.
Trong thư viết rằng trong hơn 70 năm qua kể từ khi rời Phật học đường Bảo Quốc ở Huế, ông đã ‘chuyên tâm và một lòng thực hiện sứ mệnh mà chư tổ đã tin tưởng và phó thác’.
“Giờ đây, dòng pháp nhũ của Tổ đình Từ Hiếu, Phật giáo Việt Nam đã lan tỏa khắp nơi trên thế giới,” lá thư viết. “Tôi thấy rằng đã đến lúc cần trở về Tổ đình để chung sống cùng chư huynh đệ trong những năm tháng này.”
“Giờ đây, chúng ta có hàng triệu con cháu của Tổ đình Từ Hiếu của nhiều quốc gia khác nhau khắp nơi trên thế giới. Vì lòng thương tưởng đàn hậu học, tấm lòng lân mẫn đến những thế hệ tương lai đó, tôi muốn nhập diệt tại chốn Tổ để con cháu Tổ đình có gốc rễ và nơi chốn quay về nương tựa,” thiền sư viết.
Ông nói ông vui mừng được trở về Việt Nam và tham gia tảo tháp của các vị Tổ sư Tổ đình Từ Hiếu.
“Chào mừng Ngài đã trở về với đường xưa đầy mây trắng,” một độc giả đề tên là ‘xudoaimaytrang2005’ bình luận trên diễn đàn VnExpress với ngụ ý nhắc đến tác phẩm nổi tiếng ‘Đường Xưa Mây Trắng’ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là vị lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng thế giới đã đề ra khái niệm ‘Phật giáo Dấn thân’, tiếp nối chủ trương nhập thế của Phật giáo Việt Nam có từ thời các Thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt và Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ông chủ trương đem Phật giáo để giúp các cá nhân và xã hội trên thế giới giải quyết các thách thức trong cuộc sống và của thời đại.
Ông sáng lập ra Đạo Tràng Mai Thôn ở Pháp vào năm 1982 (hiện nay có bốn tu viện và thiền đường) và sau đó mở rộng thêm các trung tâm Làng Mai khác ở Mỹ, Đức, Việt Nam, Úc, Hong Kong và Thái Lan. Riêng ở Mỹ, Làng Mai có ba tu viện là Lộc Uyển (bang California), Bích Nham (bang New York) và Mộc Lan (bang Mississipi). Các tu viện này là nơi tu tập của cả ngàn vi xuất sỹ thuộc nhiều quốc gia trên thế giới và đều đặn tổ chức các khóa tu cho các vị cư sĩ.
Ông đã từng đi thuyết giảng tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó các trường đại học ở Mỹ và đã xuất bản hơn 100 đầu sách, trong đó có 40 cuốn viết bằng tiếng Anh.
Lần về Việt Nam ‘cuối cùng’ này của Thiền sư là lần trở về thứ 5 của ông kể từ khi ông rời Việt Nam vào năm 40 tuổi để hoằng pháp ở nước ngoài.
Ông về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2005. Sau đó, ông tiếp tục về trong các năm 2007, 2008 và 2017. Năm 2008, ông về Việt Nam để làm diễn giả chính cho Đại lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét