Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

"Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người"...


“CHIỀU NAY THẤY HOA CƯỜI CHỢT NHỚ MỘT NGƯỜI…”
(Nhớ một chiều xuân – NS Nguyễn Văn Đông)


Cách đây đúng 1 năm, ngày 11 tháng Giêng âm lịch, cũng một buổi chiều xuân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đang trong bệnh viện, nhờ cô cháu ở cùng nhà mua nước mía, dặn dò: "Đừng bỏ đá uống nhạt" và uống khen ngon.
Quê nhà ở xã biên giới Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh - vốn khô cằn nhưng mía Tây Ninh lại ngọt nổi tiếng. Liệu những vườn mía quê xưa có khiến vị nhạc sĩ này thích uống nước mía hơn các loại nước uống khác?
Đó là ly nước mía - vị ngọt quê nhà Tây Ninh cuối cùng của ông, vì chỉ ít phút sau thì ông ra đi - 19g30 ngày 26-2-2018 (11 tháng Giêng năm Mậu Tuất) ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.
Chuyện ẩm thực mỗi người thiệt ra cũng khó nói. Chỉ biết chắc rằng tâm hồn, tính cách vị nhạc sĩ "Chiều mưa biên giới" ấy như cây mía Tây Ninh quê ông, khô quắt bên ngoài nhưng bên trong ngọt lịm; ngọt như những dòng nhạc ông viết. Từ nhạc lính (VNCH) cho đến nhạc đạo (dù ông theo đạo Phật): Chiều mưa biên giới, Vạn dặm sơn khê, Phiên gác đêm xuân, Bến đò Biên giới, Về mái nhà xưa, Niềm đau dĩ vãng, Hải ngoại thương ca, Khi đã yêu, Bóng nhỏ giáo đường, Tình người ngoại đạo, Ave Maria (Lời Việt từ nhạc Franz Schubert), Đêm thánh huy hoàng (nguyên tác Stille Nacht của Franz Xaver Gruber; bài này có một lời Việt khác là "Đêm thánh vô cùng" do Hùng Lân soạn), Hồi chuông nửa đêm (Nguyên tác Jingle Bells của James Lord Pierpont)...
Vì vậy, sau khi ông ra đi, có nhà thờ ở Bến Tre đã tổ chức lễ cầu nguyện cho ông nhân 49 ngày - theo đúng thông lệ những người theo đạo Phật (người Công giáo thường "xin lễ" khi đủ 100 ngày).
Ngoài Nguyễn Văn Đông, ông còn ký tên Phượng Linh, Phương Hà, Vì Dân và Đông Phương Tử...
Ông sinh 15-3-1932 ở Bến Cầu, Tây Ninh; theo binh nghiệp từ năm 14 tuổi (1946) ở Trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu và chức vụ cuối cùng trong Quân lực VNCH là đại tá Chánh văn phòng Tổng tham mưu phó Quân lực VNCH.
Khi trong Thiếu sinh quân, ông được học nhạc với các giảng viên âm nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Pháp; thành viên Ban Quân nhạc Thiếu sinh quân, sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ và 16 tuổi đã có những sáng tác đầu tay: Thiếu sinh quân hành khúc, Tạm biệt mùa hè...
Trước 1975, tên tuổi của ông lừng lẫy một cách đằm thắm - như tính cách của ông, không phải bằng binh nghiệp (dù tướng Dương Văn Minh từng bắt tay ngưỡng mộ ông trong Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu) mà là những tác phẩm âm nhạc.
Tính cách nhẹ nhàng, yêu quê hương da diết của nhạc sĩ cũng khiến ông không chỉ viết tân nhạc mà còn cả cổ nhạc: viết nhạc, đạo diễn trên 50 vở tuồng, cải lương nổi tiếng ở miền Nam trước 75 như: Nửa đời hương phấn, Đoạn tuyệt, Tiếng hạc trong trăng, Mưa rừng…
Thập niên 1950, ở tuổi đôi mươi, ông là Trưởng ban (văn nghệ) Vì Dân; 26 tuổi (1958), ông là Trưởng ban (ca nhạc) Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn. Ông từng nhận giải Âm nhạc Quốc gia do đích thân bà Trần Lệ Xuân, phu nhân cố vấn Ngô Đình Nhu trao.
Phía sau cuộc sống khói lửa binh nghiệp thời chiến, phía sau ánh đèn sân khấu, dù là đại tá Chánh văn phòng Tổng tham mưu phó Quân lực VNCH, ông lui về ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) vốn gần khu vực những ngôi nhà bị dân chiếm của khu trồng trọt cây giống và ở cho đến lúc ra đi. Nhà ông mặt tiền cách nhà của nhà thơ Bùi Chí Vinh trong hẻm - cũng dân "ngoại ô" Ông Tạ - vài bước chân. Sống lặng lẽ từ trước 75, sau 75 và cả khi cải tạo về năm 1985 cho đến lúc ra đi...
Ông đạo Phật, con trai duy nhất một gia đình điền chủ vừa vừa ở Tây Ninh, gần nơi có xóm đạo Tha La bao phen binh lửa (nhưng ông sinh ra và học ở quận Nhứt, Sài Gòn). Rồi sau đó sống ở vùng "ngoại ô" khu "thủ phủ" Bắc di cư Công giáo Ông Tạ, thuộc khu nhà thờ Ba Chuông (Đa Minh) nên có nhiều nhạc phẩm Công giáo rất nổi tiếng: Bóng nhỏ giáo đường, Màu xanh Noel, Mùa sao sáng, Tình người ngoại đạo... Và viết lời Việt cho một số bản nhạc cổ điển, nhạc ngoại: Ave Maria, Đêm thánh vô cùng (Stille Nacht), Hồi chuông nửa đêm (Jingle Bells)...
Tất cả đều là những giai điệu êm ả, nhẹ nhàng - như tính cách của ông: khi hành quân ở Đồng Tháp, lính tráng thời chiến thường đi săn bắn ở vùng biên giới lúc đó còn hoang sơ, ông thú thiệt "săn một con vật về cũng thương, ăn không được". Cô cháu ở cùng nhà bảo: "Chưa bao giờ thấy ông la ai một tiếng".

Theo binh nghiệp cả đời nhưng nhạc của ông không hề hứng thú với chiến tranh, thậm chí tác phẩm nổi tiếng "Chiều mưa biên giới" (cùng với "Mấy dặm sơn khê" của ông và 15 ca khúc khác) có lúc bị Bộ Thông tin của chính quyền VNCH yêu cầu Đài phát thanh Sài Gòn không thu âm và phổ biến vì hơi hướng phản chiến, với ca từ bắt đầu trong hoang mang của một anh lính: "Chiều mưa biên giới anh đi về đâu - Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu..." (những năm 1955 - 1956, ông đóng quân ở khu biên giới Đồng Tháp Mười).
Nhạc phẩm này thoạt đầu do ca sĩ Trần Văn Trạch (em nhạc sĩ Trần Văn Khê) hát với giọng miền Tây, cụ thể là giọng Mỹ Tho rặt; s/x, ch/tr... rành mạch. Sau do ca sĩ Hà Thanh, người Huế nhưng hát với giọng Hà Nội xưa - trong trẻo, tròn vành rõ tiếng rất sang trọng chứ không uốn éo, ma mị như một vài ca sĩ Hà Nội hiện nay. Khác hoàn toàn giọng, nhưng cả hai ca sĩ đều hát với giọng ca rung động lòng người khi ấy và cả hôm nay.
Tôi quen và là "khách ruột" mua giò chả, phômai... mấy chục năm nay ở cửa hàng của vợ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, cô Nguyệt Thu. Cô Thu cùng quê Gò Công với hoàng hậu Nam Phương (nhưng như chú, quê Tây Ninh nhưng cả hai vợ chồng đều sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn) và nét mặt cũng hao hao: mặt thon dài, trắng trẻo, mắt một mí lót, hơi xếch; vốn là quản lý Hãng dĩa hát Continental mà ông là giám đốc nghệ thuật. Cô Nguyệt Thu về với ông năm 1968, ở nhà mướn khu cư xá Đô Thành.
Hai năm sau, năm 1970, hai vợ chồng trẻ mới gom góp tiền mua ngôi nhà nhỏ gần góc đường Nguyễn Minh Chiếu - đại lộ Cách Mạng 1-11 (nay là Nguyễn Văn Trỗi) lúc đó còn rất vắng vẻ, nhưng gần nơi chú làm việc là trụ sở Bộ Tổng tham mưu VNCH.
Thực sự nhiều người ngạc nhiên khi lúc đó ông là sĩ quan cấp tá Bộ Tổng tham mưu VNCH, rồi là giám đốc 3 công ty băng dĩa thuộc hàng lớn nhất Sài Gòn lúc đó mà lại mua ngôi nhà nhỏ ở khu vực nhà cửa khi ấy khá lụp xụp như vậy (ở sát khu vực vốn là đất trồng cây giống của Sở Bảo vệ mùa màng VNCH bị thương phế binh VNCH chiếm). Thời điểm đó, cách vài bước chân là ra đại lộ Cách Mạng 1-11 có rất nhiều ngôi nhà lớn, biệt thự của sĩ quan VNCH chức vụ và cấp bậc còn dưới ông.
Niềm vui hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ chỉ được vài năm. Sau 75, ông đi cải tạo. Cải tạo về năm 1985 với nhiều bịnh; cô phải bồng bế ông, chăm sóc từng chút. Ông không chịu định cư ở Mỹ theo diện HO do nhiều lý do. Cô Nguyệt Thu vẫn lặng lẽ một cách sang trọng chăm sóc chồng, từ cửa hàng ban đầu bán cám gà, chuối... rồi mới thành tiệm bán thịt nguội, tạp hóa nhỏ Nhiên Hương mà tôi đi qua hàng ngày, ghé mua hàng ngày và tết nào cô cũng lì xì tôi: khi hộp bánh, khi gói lạp xưởng...
Cửa hàng tên Nhiên Hương phải chăng là suy nghĩ của hai vợ chồng: "Hữu xạ tự nhiên hương", không cần phải gồng mình, lớn tiếng khẳng định? Và cả hai vợ chồng đều sống lặng lẽ, lặng lẽ đến mức khi ông ra đi, nhiều người hàng xóm và khách mua hàng mới biết ông là tác giả nhiều nhạc phẩm họ yêu thích...
Riêng nhạc sĩ không hề phát biểu gì sau khi cải tạo về. Lãnh sự quán Mỹ liên hệ kêu đi HO (đại tá VNCH, đi cải tạo 7 năm mà, đi không khó), chú cũng từ chối. Nhà thơ Bùi Chí Vinh nổi tiếng sống trong hẻm sát cạnh đó, mua đồ ở tiệm mấy chục năm cũng không hề biết; khi chú ra đi mới sửng sốt, ra thắp nhang tiễn đưa.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sống lặng lẽ như khi còn trong Trại cải tạo Suối Máu (Biên Hòa, Đồng Nai), ông nằm lắng nghe tiếng xe lửa chạy xình xịch cách trại không xa và viết nhạc phẩm không lời "Tiếng chim hót trong lồng". Lặng lẽ nhớ Sài Gòn, nơi ông sinh ra, lớn lên cho một nhạc phẩm có lời: "Sài Gòn trong trái tim tôi": "Cho nhớ thương vời vợi… Sài Gòn luôn trong trái tim tôi…”...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ra đi sau giao thừa thứ 87 của đời mình và chỉ hơn nửa tháng nữa là sinh nhật ông. Thế là hết những "Phiên gác đêm xuân": "Đón giao thừa một phiên gác đêm...". Đến ngôi nhà nhỏ (chiều ngang khoảng 3m; do vợ chồng ông gom góp mua từ năm 1970, sau hai năm về với nhau) thắp nhang, cô Nguyệt Thu gương mặt vẫn sang trọng nhưng đôi mắt đỏ hoe: "50 năm cô chú đã đi cùng nhau và 48 năm ở ngôi nhà nhỏ này...".
Và những ngày sau đó, cô Thu gầy sụp đến 4 -5kg - trong khi cô vốn gầy yếu; lơ thơ đi lại, sống với ngôi nhà ngập tràn kỷ niệm xưa. Người thân hoảng. Ngày 5-8-2018, cô kêu tôi tới nhà tặng đĩa nhạc tưởng niệm chú do chương trình Thúy Nga tổ chức ở Mỹ, thấy cô gầy sọp mà không cầm nổi nước mắt.
Trong cơn buồn đau, cô còn có ý định đốt bỏ hết những tư liệu, di cảo âm nhạc của chú; bán ngôi nhà kỷ niệm, mang bàn thờ chú, ba mẹ chú về quê cô ở Gò Công thờ. Sao không mang về Bến Cầu? "Cả chục ha đất quê sau 75 không còn..." - cô bảo. Tôi cầm bàn tay trơ xương của cô xin cô bình tĩnh, ăn uống cho lại sức. Khi bớt đau, tính gì thì tính chứ giờ chắc chắc cô chưa tỉnh đâu.
Hôm tết, cô nằng nặc bắt tôi phải nhận đòn chả lụa và tấm bánh chưng Bắc "chú cho về cúng mẹ".
Hôm nay 11 tháng Giêng là đúng giỗ đầu của ông. Nhưng thật ra, cô đã tổ chức giỗ chú từ hôm qua, 10 tháng Giêng vì mẹ chú đi 10 tháng Giêng năm 1948, khi chú 16 tuổi. Giỗ chung hai mẹ con.
"Hồi trước, Công tới mua đồ hàng ngày. Chú ngồi trên phòng cứ hỏi thăm. Giờ chú về dặn nấu xôi chè, gởi Công đó..." - cô Thu đỏ hoe mắt khi kêu tôi tới nhận xôi chè cô nấu...
Với tôi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, đó là một trong ba nhạc sĩ lớn nhất miền Nam trước 1975 cùng Phạm Duy, Trịnh Công Sơn.

Nhạc sĩ Phạm Duy viết nhạc đa dạng, gần gũi mọi lứa tuổi; có cuộc sống sôi động dù không phải không có ít nhiều điều tiếng trong sinh hoạt riêng tư. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết nhạc với những hợp âm đơn giản nhưng ca từ sâu sắc; trong cuộc sống riêng, cũng có ý kiến ít nhiều lăn tăn, đặt vấn đề về thái độ thật với cuộc sống của vị nhạc sĩ này.
Nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thì có một vẻ khác biệt rất rõ: sang trọng một cách nhẹ nhàng, sâu lắng và đẫm yêu thương. Và ông sống với một nhân cách sống của kẻ sĩ miền Đông Nam bộ trong thời tao loạn: hiền lành nhưng cứng cỏi giữ tiết tháo, không thay đổi cả trong lúc khó khăn đến tận cùng.
Và như tính cách của ông, mùa xuân trong nhạc ông sao mà sâu lắng và buồn quá, buồn mênh mông cả trong ca từ lẫn nhịp nhạc...
Năm nay, lập xuân ngày 30 tháng Chạp (4-2-2019). 11 tháng Giêng hôm nay (15-2-2019) vẫn còn lập xuân. Hoa xuân vẫn còn tươi trước cửa nhiều nhà.
Không hiểu sao lúc nào tới nhà cô chú cũng gặp hoa cúc vàng - một loài hoa của mùa xuân miền Nam. "Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người..."...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét