Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2021

BÀI THUYẾT PHÁP CỦA TỔ BỒ ĐỀ ĐẠT MA CHO LƯƠNG VÕ ĐẾ.

 Phạm Công Thiện dịch

Sau đây là bản dịch Bài Thuyết Pháp của Bồ Đề Đạt Ma trong Histoire des Croyances Religieuses et des Opinions Philosophiques en Chine (Depuis l’origine jusquà nos jusquà nos jours) của Léon Wieger (1922).



Đây là bài thuyết pháp đầu tiên của Bồ Đề Đạt Ma tại Trung Hoa. Ngài thuyết giảng ngay tại triều đình của Lương Võ Đế có sự hiện diện của nhà vua và toàn thể văn võ bá quan là những thành phần trí thức ưu tú trong nước.
Lương Võ Đế tuy là một ông vua sùng đạo và các quan văn trong triều tuy là những bậc trí thức trong nước, những cũng không lãnh hội và chấp nhận nổi những ý chính trong bài thuyết pháp, một phần vì nhà vua và các quan còn chấp thủ, một phần vì lời thuyết pháp quá ư mạnh bạo, gần như sổ sàng tuy lý luận rất đanh thép, ngôn từ rỏ ràng và cô đọng.
Bài thuyết pháp tuy rất ngắn gọn nhưng thật là đầy đủ ý nghĩa, bao gồm được tất cả tinh hoa của giáo pháp Phật và cốt lõi của thiền.
Có thể nói cuốn Đạt Ma Huyết Mạch Luận chỉ triển khai những tư tưởng trong bài thuyết pháp nàỵ.

Thất bại trong lần thuyết pháp đầu tiên ở Trung Hoa, Bồ Đề Đạt Ma bỏ ra đi. Ngài không thuyết pháp nữa mà ngồi thiền trước một bức tường (bích quán) trong suốt chín năm trời.
*** Phần thứ nhất: Bản Chất Của Tâm
Cả thế giới được nghĩ trong tâm.
Tất cả chư Phật - quá khứ và vị lai - đã và sẽ được tạo thành trong tâm. Sự hiểu biết được truyền từ tâm sang tâm qua ngôn từ nên tất cả những kinh sách chẳng có ích lợi gì. Tâm của mỗi người đồng điệu và tương ứng với thực tại muôn đời, với thực tại muôn nơi.
Tâm là Phật không có Phật ngoài tâm.
Coi giác ngộ và niết bàn là những sự vật ở ngoài tâm là một điều sai lầm. Không có giác ngộ ở ngoài tâm linh động.
Không có chỗ nào gọi là nơi chốn của những người đến niết bàn.
Ngoài thực tại của tâm, tất cả đều là huyễn tượng. Chẳng có nhân, chẳng có duyên. Chẳng có lý do, chẳng có kết quả. Chỉ có một thực tại duy nhất.
Đó là: Tư tưởng của tâm và sự an nghỉ của tâm chính là niết bàn.
Đi tìm một sự vật ngoài tâm là đi tìm bắt hư không.
Tâm là Phật và Phật chính là tâm.
Tưởng tượng Phật ở ngoài tâm hay hình dung Phật ở ngoài tâm là mê sảng.
*** Phần Thứ Hai: Phương thức.
Vậy phải nhìn vào trong chứ không nhìn ra ngoài.
Phải tự lắng vào chính mình để thấy Phật tánh trong chính mình.
Tất cả chúng sanh đều là Phật như mình nên mình chẳng cứu ai cả. Không có vị Phật nào hơn mình nên không phải van xin, cầu nguyện ai cả.
Không có Phật nào hiểu mình hơn chính mình nên không phải học hỏi trong những kinh sách của các vị ấy.
Không có luật pháp nào kiềm hãm được Phật. Một vị Phật không thể sa ngã nên ta không sợ phạm tội. Không có thiện, không có ác. Chỉ có những động tác của tâm. Mà tâm là Phật nên tự tánh không thể lầm lỗi được.
Cúng kiến, hoằng pháp, nhiệt thành giữ giới, bố thí cầu kinh và tất cả những thứ khác đều không có ích lợi gì cả.
Chỉ cần một điều duy nhất là nhìn thấy Phật nơi mình. Sự nhìn thấy Phật ở nơi mình đưa đến giải thoát, đến niết bàn.
*** Phần Thứ Ba: Phật Tánh.
Không có bất cứ một cuốn kinh nào, không có bất cứ sự tu khổ hạnh nào có thể đưa ta ra khỏi luân hồi.
Học kinh và tu khổ hạnh hoàn toàn vô ích, phù phiếm.
Không có quyển sách nào đáng cho ta mở ra đọc.
Trong sự an tĩnh, vô vi hoàn toàn hãy kiến tánh ở nơi mình, nơi chính tâm mình. Đó mới đúng là Phật.
Chỉ học nhìn thấy Phật tánh thôi vì đó là điều duy nhất đáng học.
Tất cả những hình tượng khác đều là sương mù, ảo ảnh.
Hãy nhìn Phật nơi mình.
Đó mới là cái nhìn trung thực duy nhất.
Phật tánh ở trong mỗi người và trong tất cả mọi người, Phật tánh đều giống nhau.
Khi quên tất cả mọi sự và chỉ giữ lại thực tại duy nhất đó là thoát khỏi vòng luân hồi và tới niết bàn.
Tất cả những kẻ thuyết lý đều là trợ thủ của Mara và đưa con người đến chỗ huyễn tưởng.
Mọi hệ thống triết học đều hoàn toàn sai lầm và có tính cách lường gạt.
Nói đến sự tẩy uế, thiện nghiệp, chuyên tâm và tiến bộ là phỉnh lừa thiên hạ.
Mỗi người là Vị Phật của chính mình và của tất cả.
Điều ta phải làm cho tới cùng là nhận thức rằng thực tại và chân lý duy nhất ấy tiềm tàng trong mỗi người chúng ta. Không có tội hay đúng hơn chỉ có một tội duy nhất:
Đó là tội vô minh, tội không nhận được ra Phật tánh ở chính nơi mình.
Tội này rất nặng vì nó giam ta trong cõi vô thường. Thân xác là phù du. Cuộc đời trôi nhanh như một giấc mộng. Trong thời gian ngắn ngủi của cuộc đời ta phải tự giải thoát bằng cách tự khám phá chính hình bóng của mình.
Trong giấc mộng đời, ta có thể thấy được thực chất của mình. Trong giấc mộng đời, chính Pháp thân tự hé mở trong bản thể. Đó là thực thể.
*** Phần Thứ Tư: Pháp Thân.
Pháp thân này vĩnh cửu.
Trải qua vòng luân hồi, thăng trầm qua vô lượng kiếp, pháp thân vẫn không sinh, không diệt, không thêm, không bớt, không nhơ nhớp, không bị tẩy sạch, không yêu, không ghét, không đến, không đi, không đàn ông, không đàn bà, không già, không trẻ, không tu, không tục, không có, không không.
Pháp thân không một mà cũng không nhiều, không thánh mà cũng không phàm.
Pháp thân đi vào tất cả không bị trở ngại và không gì ngăn cản được.
Pháp thân ung dung trong những kiếp liên tiếp, trong vòng sinh tử.
Chúng sanh và vận mạng của chúng sanh đều qui về pháp thân. Ta thấy pháp thân này ngay trong ta. Ta phải di động và hành động trong ánh sáng của tâm.
Pháp thân bao trùm tất cả chúng sanh như sông Hằng giữ nước của nó hằng hà sa số những phân tử phù sa.
Ta không thể diễn tả pháp thân được, mà cũng không thể giải thích pháp thân bằng ngôn từ.
Mỗi người hãy tự chiêm ngưỡng, lãnh hội pháp thân cho chính mình.
Lãnh hội được pháp thân là giải thoát, là giác ngộ.
Lãnh hội được pháp thân là ra khỏi sự giao động của thế lực mà đức Thích Ca Mâu Ni gọi là cuồng loạn vĩ đại.
Giác ngộ đưa ta vào trong tỉnh lặng hoàn toàn.
Người ta phải khám phá chính bản thân mình, khám phá Phật tánh ở mức độ ngoài khả năng diễn đạt của ngôn từ và tư tưởng.
Pháp thân vô hình, bất biến và không thể bị hủy diệt.
Chẳng có Phật nào khác ngoài pháp thân vì pháp thân ở trong chư Phật.
Pháp thân cũng ở trong tất cả mọi người.
*** Phần Thứ Năm: Tĩnh Tâm
Xin nhắc lại rằng vì tánh chất của pháp thân, ta chẳng cần kinh kệ, chẳng cần cúng tế, thờ phụng mà cũng chẳng tìm cái gì ở ngoài bởi lẽ trong mình ta có tất cả.
Tất cả những sự vật bên ngoài đều là hư ảo giả tạm.
Chẳng có gì thật ngoài pháp thân.
Nguyện cầu những gì sùng bái chính là mình, sùng bái những gì chính là mình là một việc phi lý và vô ích.
Điều cốt yếu là làm sao có yên lặng và tĩnh tâm; vì yên lặng, tĩnh tâm giúp ta thấy pháp thân chính nơi ta tức là thấy Phật.
Tất cả những biểu tượng giả tưởng, tất cả những biểu tượng vật chất đều sai lầm. Chính sự sai lầm ấy giữ ta lại hoặc đưa ta vào trong vòng luân hồi tái sinh.
Không nên sùng bái những hình tượng thoát thai từ nơi mình bởi vì những hình tượng ấy không thuộc pháp thân.
Chỉ nên sùng bái những ý tưởng phát ra từ Phật tánh.
Phải bỏ tất cả những giả tưởng về thần thánh linh thiêng vì đó chính là những ảo tưởng phù phiếm.
Không nên thờ kính những vật giả tưởng đó mà cũng chẳng phải sợ hãi những thứ đó.
Cũng nên quẳng bỏ tất cả những ảo ảnh về chư Phật.
Ảo ảnh chỉ là những ảo tưởng phù phiếm.
*** Phần Thứ Sáu: Thiền Luận
Không có gì quí hơn những ý tưởng vô hình của tâm phát ra từ Phật tánh.
Chỉ có một điều ta thấy thật sự là: Pháp thân ở nơi Ta.
Phật là một tiếng Ấn Độ, không phải tên người và có nghĩa là giác ngộ, linh giác mà mọi người có thể đạt tới được.
Sự giác ngộ này chính là thiền.
Những kẻ đối nghịch với chúng ta không thể hiểu được giá trị mà chúng ta đem vào danh từ thiền. Thiền không có nghĩa là tham thiền, suy tưởng. Ta chỉ đạt đến thiền khi ta thấy được Phật tánh ở chính mình.
Một người đọc vô số kinh luận mà không kiến tánh thì chỉ là kẻ phàm tục tầm thường.
Đạo lý ta khó hiểu đối với mọi người vì ngôn từ không đủ khả năng diễn tả được đạo.
Chỉ có kẻ nào đạt được mới hiểu. Ta có thể nói với những môn đồ ta như vầy: Các ngươi phải đạt đến Phật tánh nơi các ngươi tức là pháp thân nơi các ngươi.
Làm thế nào diễn tả được... và bởi vì không thể nói ra được nên tất cả những kinh luận đều vô ích.
Kinh luận chỉ là những câu chuyện phù phiếm, đi quanh vấn đề.
Kiến tánh là một hành động giản dị. Kiến tánh không thể chia ra thành từng phần nên ta không thể tri và hành từng phần một.
Kiến tánh cũng giống như nuốt một thứ đồ ăn, cũng giản dị và lập tức như thế.
Người ta không bao giờ thuyết lý viễn vông chung quanh sự nuốt đồ ăn. Ta biết nuốt hay không biết nuốt. Chỉ có thế thôi! Kẻ nào tưởng tượng một thực tại ngoài Phật tánh bên trong và tìm cách xác định thực tại ấy, kẻ ấy rơi vào sai lầm nghiêm trọng.
Tất cả những ý tưởng ngoài ý tưởng về Phật tánh nội tại chỉ là những bóng ma phù phiếm.
Chính những ý tưởng đó sinh ra bóng ma, những sai lầm và giữ con người triền miên trong vòng luân hồi. Con người sẽ được giải thoát khi đã phủ nhận tất cả những bóng ma và những sai lầm ấy, đồng thời gắn liền với Phật tánh ở trong nội tại.
Giây phút giác ngộ này, giây phút giải thoát này, mỗi người hãy tự mình đi đến.
Giáo lý chỉ có thể giúp người ta chuẩn bị.
Giáo lý không thể tạo ra giác ngộ.
Mộng không thể học được.
Chết không thể học được.
Lãnh hội Phật tánh nơi chính mình cũng không thể học được. Pháp thân rất giản dị. Ta không thể tạo ra được mà chỉ lãnh hội được. Kẻ nào đã lãnh hội được pháp thân thì không cần thiên đàng, không còn địa ngục, không còn mình, không còn kẻ khác, không còn gì bên ngoài.
Vậy việc lãnh hội pháp thân là việc của đức tin tuyệt đối, không mảy may pha lẫn bóng tối ngờ vực. Khi người ta mộng, người ta không bao giờ nghi ngờ bởi vì người ta thấy thực tánh của mình.
Trong khi thức, ta cũng phải tin tưởng vững chắc như vậy dù có bị những ảo tưởng của giác quan và những sai lầm của trí tưởng tượng ràng buộc.
*** Phần thứ bảy: Vô Minh.
Đối với những người đã khám phá được bóng hình của mình và không còn bị bất cứ một hệ lụy nào ràng buộc, thì bất cứ một hành động nào của thể xác vật chất cũng không có thể ảnh hưởng đến pháp thân.
Một kẻ phàm tục làm nghề đồ tể cũng có thể là một vị Phật.
Kẻ nào đã lãnh hội được Phật tánh thì không tạo nghiệp nữa dù làm bất cứ một hành động nào bởi vì kẻ ấy đã giác ngộ.
Nghiệp chỉ đeo đuổi những người chưa giác ngộ vì những người đó còn trong vòng u tối vô minh. Chính sự ngu muội này đã tạo ra vòng đầu thai, luân hồi ở địa ngục, làm thú và làm người.
Tất cả nợ tinh thần chấm dứt ngay khi giác ngộ phá hủy vô minh.
Bậc giác ngộ không làm nên tội lỗi và cũng không phạm tội nữa.
*** Phần thứ tám: Giác Ngộ
Ta phải giảm dần những ấn tượng, bớt dần tham vọng, (bớt dần) tập trung và an trí.
Đó là chuẩn bị. Kinh kệ, tu khổ hạnh, công trình nghiên cứu học hành đều chẳng có lợi ích gì cả.
Kiến tánh không thể học được.
Tại sao có những người đã chuẩn bị cẩn thận và có thành tâm đứng đắn mà vẫn không kiến được tánh?
Bởi vì nghiệp của họ chống đối lại.
Sự hôn mê mù quáng của họ, sự sai lầm chai cứng của họ, sự bất lực của họ là những hình phạt về những tội lỗi của họ trong quá khứ.
Họ chưa trả hết nợ. Họ chưa đủ trong sạch để đạt được giác ngộ.
Đây là nợ tinh thần và nỗ lực cá nhân chứ không phải do địa vị xã hội.
*** Phần thứ chín: Phật là gì?
Ta đến Trung Hoa để truyền bá tâm ấn, đạo lý mới lạ ở đây chưa ai biết.
Phật ở trong tâm mỗi người.
Giữ giới luật, tu khổ hạnh, cầu kinh, nghiên cứu nghĩa lý, tất cả những thứ này chẳng dùng được việc gì cả.
Mục đích duy nhất mà mọi người phải đạt được là giác ngộ.
Khi nào đạt được giác ngộ là thành Phật, một vị Phật như tất cả chư Phật dù cho kẻ ấy không đọc được một chữ nào cả.
Thành Phật nghĩa là thấy Phật tánh nơi mình, nơi tâm mình, nơi tâm của tâm mình.
Phật tánh vô hình, không thể rờ mó được, bản thể của nó mong manh như hư không.
Tâm ấy mọi người đều mang trong mình.
Tâm hỡi, tâm ơi!
Mi lớn đến nỗi bao trùm cả vũ trụ.
Mi nhỏ đến nỗi mũi kim không thể xuyên qua được.
Hỡi tâm của ta! Mi là Phật.
Chính vì mi mà ta phải qua Trung Hoa để giảng truyền đạo lý.
Phạm Công Thiện dịch Việt ngữ từ:
Histoire des Croyances Religieuses et des Opinions Philosophiques en Chine (Depuis l’origine jusquà nos jusquà nos jours) của Léon Wieger (1922).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét