Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Trí thức Trung Quốc phản đối “đường lưỡi bò” và “thành phố Tam Sa”


Dấn thân vì chính nghĩa – đức quân tử của người trí thức

SGTT.VN - Những ngày gần đây, người Việt Nam quan tâm đến Biển Đông không thể không nghe đến hai cái tên Chu Phương, Lý Lệnh Hoa.

LS TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
Nhà báo Chu Phương 

Chu Phương là thạc sĩ báo chí, cựu biên tập viên đối ngoại của Tân Hoa Xã, đã đăng trên blog cá nhân hai bài báo phê phán Chính phủ Trung Quốc “đi ngược lại luật pháp quốc tế và thể hiện sự vô trách nhiệm”, bác bỏ “đường lưỡi bò”, cho việc lập “thành phố Tam Sa” là “trò hề quốc tế”, “cần dẹp bỏ ngay”. Nhiều báo mạng đã đăng lại hai bài báo này.

Lý Lệnh Hoa là nghiên cứu viên trung tâm Thông tin hải dương Trung Quốc, tác giả của hơn 90 bài báo về vấn đề biển và luật biển đăng trên các báo chí Trung Quốc. Tại cuộc hội thảo “Tranh chấp Biển Đông, chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” được viện Nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com tổ chức tại Bắc Kinh hôm 14.6.2012, Lý Lệnh Hoa đã bác bỏ “đường lưỡi bò” và “thành phố Tam Sa” cũng như chủ trương “động binh” của Chính phủ Trung Quốc, ủng hộ Công ước luật Biển (UNCLOS) của Liên hiệp quốc, bác bỏ việc công kích Việt Nam ban hành luật Biển.

Hai người trí thức trên đây đã chịu nhiều áp lực sau hành động của mình, thậm chí bị gọi là Hán gian, nhưng không vì vậy mà họ thay đổi quan điểm. Và điều đáng mừng là Lý Lệnh Hoa và Chu Phương không đơn độc, vì ngay tại đất nước Trung Quốc vẫn có những tiếng nói chia sẻ, đồng tình với họ.

Có người cho rằng việc làm đúng đắn của hai người trí thức này là nối tiếp truyền thống “kẻ sĩ”, và “quân tử” Trung Hoa, “kiến nghĩa bất vi vô dũng giả – thấy việc nghĩa mà không làm không phải là người dũng”. Cũng có người nói, Chu Phương và Lý Lệnh Hoa hành động không phải vì lợi ích của Việt Nam, mà là vì chính lợi ích của đất nước họ. Bởi vì can gián chính phủ làm sai là để khỏi gây hại cho đất nước. Cả hai nhận xét trên đều đúng cả, nhưng có lẽ chưa đủ.

Thấy việc nghĩa thì phải làm, theo sách vở xưa, đúng là truyền thống của người quân tử Trung Hoa, nhưng không chỉ riêng người Trung Hoa có truyền thống này. Người Việt Nam từ ngàn xưa cũng có truyền thống dấn thân vì việc nghĩa, bênh vực người ngay, chống cường quyền vô đạo, chống ngoại xâm cứu nước, chấp nhận hy sinh cả thân thể, tính mạng. Cứ cho là trí thức Việt Nam bị ảnh hưởng Nho giáo của Trung Hoa, nhưng xét rộng ra thế giới, tâm thế “kiến nghĩa ninh cam bất dũng vi” (thấy việc nghĩa không cam tâm không làm – Hồ Huấn Nghiệp) ở châu lục nào cũng có. Riêng với Việt Nam, luật sư người Anh Loseby bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc trước toà án Hong Kong năm 1931, phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam những năm 1966 – 1973, với sự tham gia của rất nhiều trí thức Mỹ và Tây Âu – như nhà triết học Bertrand Russel hay André Menras Hồ Cương Quyết – là những ví dụ điển hình. Những ai học sử phương Tây đều không quên câu nói của Galileo Galilei, nhà khoa học Ý rất sùng đạo, sau khi bị buộc thừa nhận “trái đất không quay” trước toà án Dị giáo, nhưng sau đó vẫn thốt lên: “Nó (trái đất) vẫn quay” để rồi bị quản thúc tại gia cho đến chết.
Nhà nghiên cứu Lý Lệnh Hoa

Nhưng dấn thân vì chính nghĩa có phải là đặc điểm chung của giới trí thức? Ngay từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, Khổng Tử đã phân biệt hai loại kẻ sĩ: Đạt và Văn. Theo Khổng Tử, kẻ sĩ Văn là “người có tiếng tăm, ngoài mặt ra vẻ giữ nhân đức mà hành động trái nhân đức, nhưng cách xử sự không để ai nghi ngờ”; còn kẻ sĩ Đạt là “chính trực, ngay thẳng, khí khái, ham làm điều nghĩa”. Ở phương Tây, người ta gọi những trí thức không dấn thân là “trùm chăn” hay “tháp ngà”. Như vậy, dấn thân vì việc nghĩa không phải là đặc điểm chung của trí thức, mà là sự lựa chọn hay hành động của họ trong đời sống và công việc. Tuy nhiên, từ sự lựa chọn hay hành động này mà từ cổ chí kim người ta vẫn chia trí thức ra làm hai loại “quân tử” và “tiểu nhân”, “cao thượng” và “tầm thường”, “vị tha” và “ích kỷ”, “trung thần” và “nịnh thần”, “dấn thân” và “cầu an”.

Nói đi phải nói lại: suy cho cùng, tấm lòng và động cơ thực chất mới là quyết định. Kẻ trí thức cơ hội có khi dấn thân chỉ vì Văn; người trí thức có tấm lòng nghĩa, không dấn thân, nhưng không nói, không làm và không ủng hộ cái xấu, làm việc nghĩa theo điều kiện của mình, cũng là Đạt. Lại còn cái Đạt và Văn xen lẫn trong mỗi người, tuỳ từng thời, từng chuyện.

Tôi không biết gì khác về Chu Phương và Lý Lệnh Hoa, ngoài việc họ đã dám phê phán Chính phủ Trung Quốc trong việc công bố “đường lưỡi bò” và “thành lập thành phố Tam Sa”. Nhưng chỉ cần nhìn riêng hành động trên đây, tôi cũng có thể cảm nhận rằng hai con người này đã hành động như là những “trí thức quân tử”. Trung Hoa là một dân tộc vĩ đại, nên tôi tin rằng đang còn rất nhiều người quân tử, dù là trí thức, nông dân, doanh nhân hay binh lính. Nếu được thông tin đầy đủ và trung thực, họ cũng sẽ ủng hộ Chu Phương và Lý Lệnh Hoa, trước hết vì tôn trọng sự thật là điều cần phải làm, sau nữa là vì lợi ích của chính đất nước mình và vì tình hữu nghị với lân bang.

Trở lại câu chuyện của Việt Nam – một dân tộc có truyền thống trí thức “dấn thân vì việc nghĩa”. Là một nước nhỏ yếu, nhưng Việt Nam là một nước văn hiến, yêu văn hoá, trọng trí tuệ, và đó chính là bí quyết để dân tộc này tồn tại và phát triển. Vào những thời đất nước lâm nguy vì ngoại xâm hay nội suy, đều có những trí thức “dấn thân vì việc nghĩa”, không sợ dâng Thất trảm sớ như Chu Văn An, treo ấn từ quan như Nguyễn Trãi, hoặc tuẫn tiết để thủ thành hoặc vì lỡ để mất thành như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương. Trong hai cuộc kháng chiến, biết bao trí thức thành đạt đã từ bỏ công danh, sản nghiệp, rời bỏ Paris, London, Washington hay Sài Gòn hoa lệ để “vào Việt Bắc”, “nhảy núi”, “lên R”. Sau năm 1975, mọi bề khốn khó, nhiều người đã ở lại, chịu đựng và vượt qua, chỉ vì tấm lòng với quê hương, đất nước.

Gần đây hơn cả, trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có nhiều diễn biến phức tạp, đối với vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, nhiều trí thức Việt Nam, không cần chờ đợi bất cứ chỉ đạo nào, từ rất sớm đã bày tỏ quan điểm, chính kiến trên cơ sở các sưu tầm, nghiên cứu khoa học của bản thân và đồng nghiệp trong, ngoài nước. Các nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Nhã, Nguyễn Hồng Thao, Ngô Vĩnh Long, Hoàng Việt, Từ Thị Minh Thu, Trần Đức Anh Sơn, và nhiều người khác nữa không chỉ công bố các bài nghiên cứu nhằm bảo vệ chủ quyền Việt Nam một cách có cơ sở khoa học, mà còn sớm đề xuất các biện pháp tích cực để nhanh chóng củng cố và nâng cao tri thức của người dân về chủ quyền. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đề nghị: “Những tư liệu thể hiện rõ ràng chủ quyền của Việt Nam trong lịch sử (như tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do nhà xuất bản Thượng Hải in năm 1904 và được tiến sĩ Mai Hồng bàn giao cho bảo tàng Lịch sử Việt Nam sáng 25.7.2012, và hàng chục tấm bản đồ khác có giá trị khoa học cao thể hiện chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông) cần được đưa vào sách giáo khoa. Hiện nay, học sinh đã kém về môn lịch sử, môn địa lý – lịch sử lại càng kém”.

Trong khi nỗ lực tìm kiếm, đề xuất hay thực hiện những giải pháp đấu tranh cho chủ quyền đất nước, không phải các trí thức Việt Nam trong giai đoạn hiện nay lúc này lúc khác không gặp những khó khăn – vô hình và hữu hình – do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau. Nhưng không vì vậy mà họ từ bỏ quan điểm đã lựa chọn, từ bỏ bảo vệ sự thật lịch sử.

Với cảm nhận của tôi, sự lựa chọn đó của các nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam chính là biểu hiện dấn thân đầy chất quân tử của người trí thức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét