Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Quan hệ Việt-Trung ra khỏi vòng tranh tối tranh sáng


Trần Kinh Nghị

Tháo bỏ lá bùa "4 tốt" và "16 chữ vàng" 

Có 4 sự kiện kế tiếp nhau gần đây tác động trực tiếp đến sự thay đổi trạng thái quan hệ Việt-Trung  từ tranh tối tranh sáng ra ánh sáng. Đó là việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển; việc Bắc Kinh công bố mời thầu quốc tế đối với 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của VN đồng thời thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên Biển Đông; và việc ASEAN không ra được tuyên bố chung về COC. Cuối cùng là hàng loạt hoạt động khiêu khích quân sự của phía TQ bắt đầu bằng việc phái những đoàn tàu đánh cá với  sự yểm trợ của tàu vũ trang tràn vào vùng biển Đông, trong đó có đoàn 30 chiếc xuống tận vùng Trường Sa để "đánh bắt cá dài ngày"....Chưa hết, sẽ diễn ra một cuộc tập trận lớn có bắn đạn thật tại đây nay mai !!!

Từ kinh nghiệm của các thời kỳ chiến tranh biên giới năm 1979 và Trường Sa năm1988, trước khi muốn phát động chiến tranh phía TQ thường giở trò " vu oan gián họa". Giờ đây họ dường như đang lặp lại điều này. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi chúng "miệng nói hòa bình tay vung binh hỏa" bằng hàng loạt các hoạt động khiêu khích trắng trợn như vây. Họ muốn gì nếu không phải để gây sự và kiếm cớ phát động một đợt chiến tranh lấn chiếm biển đảo (?) Đúng như một vị giáo sư Philipine nhận định: "TQ chỉ chờ chúng ta bắn phát súng đầu tiên là hùng hổ trấn áp và tuyên bố họ chỉ tự vệ" (1)

Thế giới không thể lại mất cảnh giác trước những động thái quá lộ liễu của Bắc Kinh . Và hơn ai hết, người Việt Nam cần nhận rõ các thế lực hiếu chiến ở TQ đang đẩy trạng thái quan hệ Trung -Việt sang thời kỳ mấp mé bờ vực chiến tranh. Giờ đây hãy bớt suy nghĩ về TQ theo lô-gíc thông thường, mà hãy nghĩ đến thứ lo-gíc của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán; nó không đại diện cho nhân dân TQ mà chỉ đại diện cho bộ phận hiếu chiến của đất nước đông dân nhất thế giới này. Nó nhắc  nhớ  đến chủ nghĩa phát xít Hít le đã một thời gây bao tại họa cho nhân loại như thế nào. Qua cái cách mà Đặng Tiểu Bình đã "thiết kế" cuộc chiến tranh đẫm máu chống VN năm 1979, thì chiến tranh đối với TQ chỉ là một trò "diễn tập" của một đội quân đang ngứa ngáy chân tay và thừa súng đạn .

Đối với Việt Nam trước bối cảnh hiện nay, khẩu hiệu "4 tốt" và "16 chữ vàng" chỉ là một thứ bùa mê khiến một số kẽ cuồng tín mất cảnh giác và do đó bị bất ngờ khi chiến sự nổ ra. Nó cần phải được lột bỏ khong thương tiếc. Sự nghiệp bảo vệ tổ quốc không phải của một số ít người đứng ra làm việc riêng với đối phương; đó phải là sự nghiệp công khai của toàn dân tộc.  Vậy hãy coi đây là thời cơ để dân tộc Việt Nam có thể thoái mái rũ bỏ tâm lý cả nễ nhập nhằng giữa bạn/thù, đồng chí/anh/em mà trong đó phần lợi bao giờ cũng thuộc về phía nước lớn khi họ có thể bịt miệng, trói tay chân nạn nhân để tha hồ đám đá mà người ngoài không hay biết . Đã đến lúc phải gọi đích danh "Trung Quốc" thay cho "nước lạ", "tàu lạ"....Từ điển không có từ "bạn xâm lược" mà chỉ có "kẻ thù xâm lược". Những ai không dám gọi đích danh kẻ thù thì không có đủ tư cách để lãnh đạo nhân dân chống ngoại xâm. Tại sao khi kháng Pháp chống Mỹ thì kêu goị dân chúng xuống đường, giờ chống TQ thì cấm dân biểu tình? Tại sao thành phần ưu tú (elit) của xã hội  lại đi sau quần chúng ? Và tại sao có sự lẫn lộn trong quan niệm về yêu nước và phản động? Đây là những vấn đề cần sớm được giải tỏa để đưa  đất nước vào trạng thái sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.        

Đem đại nghiã thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo (2)

Liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và biển đảo tại Biển Đông, cần nhắc lại rằng Việt Nam là một nước nhỏ, nghèo và yếu so với Mỹ và TQ. Nhưng Việt Nam đã thắng (nếu không muốn dùng từ "đánh bại") Mỹ trong cuộc chiến tranh vệ quốc và hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, thì không có lý gì Việt Nam không làm được điều tương tự đối với TQ. Nguyên nhân đơn giản vì VN có chính nghĩa với tư cách người tự vệ chân chính. Nói vậy hoàn toàn không phải tuyên truyền mà là một quy luật của cuộc sống, quy luật của chiến tranh và hòa bình, quy luật của công lý. Chiến tích vẫn còn đó với nhiều đoàn quân xâm lược phương bắc.

Những diễn biến tình hình gần đây đang cho thấy một phần sự tái hiện của quy luật nói trên. Bằng  những hành động hiếu chiến và trắng trợn trên Biển Đông, các thế lực hiếu chiến bành trướng bá quyền đang gây nỗi khốn khổ cho dân chài Việt Nam,  nhưng  cũng đang tự phô bày chân tướng của chúng trước  ánh sáng của công luận trong nước và quốc tế. Những ngày qua dư luận quốc tế đang chuyển mạnh từ chỗ chưa nhận rõ chân tướng và ý đồ bành trướng bá quyền Trung Hoa hoặc đánh lộn sòng "các bên tranh chấp" sang chỗ ủng hộ VN, Philipine và ASEAN. Thượng nghi sĩ Mỹ John. Mc Cain đã lên tiếng cảnh báo đó là hành động "khiêu khích thái quá đối với Việt Nam " trong khi Thượng nghị sĩ Jim Webb vừa đề nghị Bộ Ngoai giao Mỹ điều tra về sự vi phạm luật pháp quốc tế của TQ tại Biển Đông (3).  Về phần mình, dư luận  ASEAN đã trở nên cảnh giác hơn trước âm mưu "chia để trị" của Bắc Kinh. Đặc biệt bên trong nội bộ TQ đã xuất hiện  trào lưu phản đối chủ trương độc chiếm Biển Đông từ những ý kiến cá biệt đến tiếng nói chung trong giới trí thức, nhà báo và cả quan chức TQ. Giáo sư Hà Quang Hộ cho rằng “Nếu ý nghĩa của cái gọi là đường chín đoạn là đường biên giới quốc gia được vẽ sát vào bờ biển Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei như thế, tôi không tin những quốc gia đó có thể chấp nhận. Nếu Nam Hải (Biển Đông) được vẽ thành “biển nhà” (của Trung Quốc) như vậy, các nước khác có nhu cầu vận tải trên biển cũng không thể chấp nhận, và như thế sẽ trở thành tranh chấp mãi mãi”. Biên tập viên THX Chu Phương lên tiếng phản bác cái gọi là thành phố Tam Sa "không chỉ đi ngược lại luật pháp và tập quán quốc tế, mà cũng trái với những quy định pháp luật của chính Trung Quốc về việc thành lập thành phố, càng đi ngược lại quốc sách và chiến lược phát triển hòa bình phù hợp mà Trung Quốc cần có”, v.v... (4)


Những biểu hiện trên đây báo hiệu xu thế hình thành một phong trào chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, công lý giữa nhân dân các nước Trung Quốc,Việt Nam, ASEAN và thế giới trong một ngày không xa. Đó là điều tương tự đã xảy ra trong quá trình chiến tranh chống Mỹ của nhân dân VN giữa thế kỷ trước. Nó cho thấy Việt Nam không bao giờ đơn độc trong các cuộc kháng chiến cứu quốc của mình. Và đó là yếu tố quyết định giúp người Việt Nam đi tới thắng lợi cuối cùng. Dân tộc Việt Nam không mong muốn chiến tranh, nhưng không bao giờ khuất phục trước các thế lực hiếu chiến xâm lược. Đó là thông điệp của người Việt Nam muốn chuyển đến tất cả các bên liên quan và thế giới./. 

Chú thích:
(1) Báo TT ngày 25/7/2012
(2) Trích Bình ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi sau chiếnthắng quân Minh năm 1427
(3)http://webb.senate.gov/newsroom/pressreleases/2012-07-25-03.cfm
(4) Theo VNTTX 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét