Trang

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Tập Cận Bình bày tỏ sự ủng hộ hệ thống chính trị đa đảng


Động thái này có thể chỉ mang tính hình thức. Song, dù sao vẫn còn có cái gọi là hình thức. Trong khi Thủ tướng Việt Nam thì "cương quyết không để nhen nhóm hình thành các tổ chức chính trị đối lập" (xem ở đây).

Tập Cận Bình đến chào các đảng phái

Tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình vừa đến chào các lãnh đạo tám đảng phái phi cộng sản của Trung Quốc hôm 24 và 25/12, hãng tin Tân Hoa Xã cho biết.
Ông Tập hiện đang là phó chủ tịch Trung Quốc và sẽ lên thay Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại kỳ họp Quốc hội vào tháng Ba tới.
Các tân tổng bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thông lệ đi thăm các đảng phái phi cộng sản sau khi lên nhậm chức.
Khi lên làm tổng bí thư 10 năm trước, ông Hồ Cẩm Đào cũng có hành động tương tự.
Tân Hoa Xã tường thuật rằng tại chuyến thăm này các chính đảng phi cộng sản đã ‘bày tỏ sự ủng hộ cho hệ thống chính trị đa đảng của Trung Quốc’.
Hãng tin này dẫn lời ông Quách Dũng, người đứng đầu Ban hoạt động xã hội của Ủy ban trung ương của Liên đoàn Dân chủ Trung Quốc, một trong tám đảng phái phi cộng sản ở nước này, nói rằng cơ chế hợp tác và tham vấn chính trị đa đảng đã ‘cải thiện trong những năm qua’, giúp cho đảng của ông thúc đẩy lý tưởng của mình.
Về phần mình, Tổng bí thư Tập được dẫn lời nói Trung Quốc sẽ tiếp tục vận dụng cơ chế hợp tác đa đảng và khuyến khích các đảng phái phi cộng sản phát huy tối đa lợi thế để tham gia vào công việc quốc gia.
Ông Vương Minh Khí, phó chủ tịch Ủy ban Cách mạng của Tỉnh ủy Sơn Đông của Quốc dân Đảng, được dẫn lời nói rằng ‘lời phát biểu của ông Tập thể hiện tinh thần của Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc’.
Còn ông Trần Trương Trị, người vừa tái đắc cử chủ tịch Ủy ban trung ương của Liên hiệp xây dựng dân chủ quốc gia Trung Quốc (CNDCA), nói rằng chuyến thăm của ông Tập ‘thể hiện sự xem trọng cơ chế hợp tác đa đảng của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc’.

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Tội ác đã mang khuôn mặt bình thường thì xã hội diệt vong!

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống nhân ái, vẫn lấy câu “thương người như thể thương thân” làm điều răn muôn thuở. Nay vì sao những con người Việt Nam bỗng trở nên mất gốc mà tàn ác với nhau?

Đúng là “loạn”, nhưng “hạ tắc loạn” là bởi “thượng bất chính”... Thượng bất chính vì những “đạo đức vĩ mô” đều giả dối.


Hà Sĩ Phu


Cách đây vừa 7 tháng, trang boxitvn đăng bài Tại sao người ta hành xử tàn ác? của GS Y học Nguyễn Văn Tuấn, đề cập đến sự tàn ác của những người vẫn nhân danh điều thiện, trong đó nghịch lý này mới được minh hoạ bằng một hiện tượng là công an đánh đập tàn nhẫn những dân nghèo lương thiện ở Văn Giang.

Nay đạo diễn Song Chi lại phải đặt ra vấn đề này một cách toàn cục, cụ thể, và nhức nhối hơn nhiều, bởi thú tính đang lan tràn khắp nơi chốn trong dân, trong cả mỗi gia đình, len vào cả những quan hệ nhân ái đặc trưng nhất cho “tính Người” như cha con, vợ chồng, thầy trò, bằng hữu…, và điều nguy hiểm là cái ác đang được bình thường hóa và ngày càng “mang khuôn mặt bình thường”.

Một xã hội mà thú tính vô luân đang gây được “khoái cảm” để lan tràn, tất nhiên đòi hỏi các nhà trí thức nhiều chuyên ngành và tất cả những ai còn thấy đau lòng và có trách nhiệm phải vào cuộc để nghiên cứu, giải thích, tìm nguyên nhân để kiềm chế như kiềm chế một nạn dịch, không phải dịch chuột, dịch muỗi… mà là “dịch thú” , nạn dịch từ một loài thú vô hình đang gặm nhấm và thú hóa con người.

Với tư cách cá nhân tôi xin bày tỏ đôi điều cảm nghĩ và lý giải.

1/ Về tác hại: Tội ác xuất hiện một cách bất ngờ, phi lý, từ những con người vốn bình thường, ở những tình huống bình thường, vì những nguyên nhân “lãng xẹt” như vô cớ thì không ai có thể lường trước mà đề phòng, không thể nào tránh được. Tình hình ấy tạo nên một tâm lý tuyệt vọng, chịu thua, buông trôi, và bất cần, liều lĩnh! Đã tuyệt vọng và liều lĩnh vô cảm thì cái ác lại càng lan tràn, cứ thế các nhân tố kích thích lẫn nhau thành một nạn dịch khó lòng kìm hãm. Cái ác đã tuột khỏi tầm tay của xã hội, không có nhân ái để đối trọng thì sẽ mau chóng bành trướng vô hạn độ.

2/ Về nguyên nhân gốc rễ:

- Việc gì cũng phải có nguyên nhân, nếu rất nhiều việc xảy ra mà tưởng như “vô cớ” thì cái nguyên cớ ắt nằm ở đâu đó trong môi trường sống, tồn tại một cách bao trùm! Vậy “yếu tố bao trùm” ở đây là gì khiến cho “xã hội ngày càng nhiễu loạn” (như nhận định của chị Song Chi).

- Đúng là “loạn”, nhưng “hạ tắc loạn” là bởi “thượng bất chính”, bao giờ chẳng vậy. Công an đã đánh dân một cách đầy khoái cảm, như một “trận đánh tuyệt đẹp đáng viết thành sách” (blogger JB Nguyễn Hữu Vinh mô tả: đánh dân như chớp, đánh tàn bạo, đánh như đòn thù. Chắc ngày xưa đánh lính Mỹ các chú cũng không đánh được sướng như bây giờ) thì có khác gì khoái cảm của tên Trần Nhật Linh, sinh năm 1993 ở Quảng Bình đã điên cuồng đâm đến 95 nhát dao vào người bạn gái đang mang thai (chuyện này cũng đáng viết thành sách đấy nhỉ?).

Thượng bất chính vì những “đạo đức vĩ mô” đều giả dối, người yêu nước thì bị đạp vào mặt, bị “phục hồi nhân phẩm”, bị tù mọt gông, còn những kẻ đầu hàng giặc thì đeo “hàm nọ hàm kia” đi rao giảng về cách yêu nước! Kẻ cầm quyền gây bại hoại dân tộc, nuốt lời hứa thì đi giảng về “lòng tự trọng”. Thượng bất chính gây điều ác như thế (mà không bị trừng trị, không thể trừng trị) thì vô hiệu hoá tất cả những bài học đạo đức, làm cho thang giá trị bị lộn ngược.

- Nhưng những kẻ tai to mặt lớn gây điều tàn bạo vô nhân ấy chưa phải nhân tố tối thượng, đến lượt họ cũng chỉ là sản phẩm nằm dưới một “định hướng tối thượng” , tức cái lý thuyết đảo lộn luân thường, từng ngạo ngược tuyên bố “đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với các giá trị truyền thống”(!).

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống nhân ái, vẫn lấy câu “thương người như thể thương thân” làm điều răn muôn thuở. Nay vì sao những con người Việt Nam bỗng trở nên mất gốc mà tàn ác với nhau? Muốn trả lời xin hãy hỏi tiếp: Thế Chủ nghĩa nào đã quyết khẳng định sự tồn tại của mình bằng cách giết hại 100 triệu người trên thế giới này dưới chiêu bài “đấu tranh giai cấp”? Có phải chính cái chủ nghĩa mà những đại diện lớn của nó, như Stalin, Mao Trạch Đông - những tên giết người rùng rợn nhất trong lịch sử, đang ngồi trên đầu trên cổ dân tộc ta để giảng cái gọi là “đạo đức cách mạng”?

Về cái thời cuộc đảo ngược luân thường ấy dân gian có câu ca dao thú vị:

Trời làm một trận nhố nhăng
Ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông.

Các “Ông” bên trên chỉ đáng là “Thằng” thì Thượng bất chính là phải.

- Sự phá sản của Chủ nghĩa đã để lại khoảng trống nguy hiểm về lý tưởng và nhân sinh quan, cộng với những bức bối trong một xã hội xuống cấp toàn diện đã khiến cho lứa trẻ mất phương hướng. Tất cả là những stress, nếu kéo dài có thể gây chứng bệnh tâm thần, nhất là chứng Giải thể nhân cách (depersonalization) và Tri giác sai thực tại (derealization). “Người bệnh có cảm thấy thờ ơ, xa lạ với chính mình, họ có cảm giác như mình là một người máy, mất hết mọi tình cảm với người thân, không còn biết vui, buồn, hờn, giận. Người bệnh cảm thấy mình như không có thật, hoặc thấy như mình đang sống trong một giấc mơ hoặc trong một cuốn phim…”, “hoặc người bệnh cảm thấy mọi sự vật như không có thật, những người xung quanh như không có sự sống, họ như những hình người được làm bằng giấy” (mô tả theo http://bacsinoitru.vn/f70/148-trieu-chung-hoc-tam-than.html).

- Lại nữa, khi ĐCS đã tự nhận mình là lực lượng lãnh đạo trực tiếp - toàn diện và tuyệt đối, là nhân tố quyết định dẫn cả dân tộc “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, thì “kẻ thù” nào có thể bạo gan xen vào để lãnh giúp cái nhiệm về sự tàn ác đảo lộn luân thường này đây?

- Như vậy, nguyên nhân gốc rễ theo tôi thiết tưởng đã rõ. Chẳng tin, nếu cứ kiên trì yếu tố bao trùm là cái Chủ nghĩa, cái cơ chế độc hại này thì thử xem có luật pháp nào, có lời giáo huấn nào giải quyết được thảm trạng “thú tính lộng hành” hiện nay hay không? Vẫn biết, thách thức này quả thực không dễ dàng gì.

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Nhân đọc Bên Thắng Cuộc của Osin Huy Đức (II)



Lâu lắm khi viết lách không xưng tôi nên hôm qua lúc viết phần I (đọc ở đây) thấy gượng gạo quá. Hôm nay quay lại xưng mình cho nó giống anh Lành.

Trong phần này mình ghi chép lại một số suy nghĩ cụ thể gợi mở bởi nội dung của Bên Thắng Cuộc.

1.    Người hành quyết bao dung


Cuốn sách khởi đầu với hình ảnh cụ Kiệt trong những giờ phút cuối cùng chuẩn bị vào Sài Gòn ngày 29-30/4-1975. Sau đó cụ xuất hiện thường xuyên trong suốt chiều dài cuốn sách với tần suất đủ cao để coi cuốn sách là một biên niên sử về cụ. Tuy nhiên, tác giả không bắt cụ phải phát biểu những lời quyền uy, hiệu lực như trong các bài báo ngắn mà đưa ra một hình tượng VVK rất con người, rất có lý mà cũng lại rất có tình. Việc này giúp khẳng định lại một lần nữa hình ảnh VVK tích cực trong lòng quần chúng nhân dân.

Ấn tượng mình thu nhận được về VVK là về một vị lãnh đạo bao dung, sẵn sàng bắt tay, nâng đỡ những người mà xã hội lúc bấy giờ xua đuổi. Có khoảng vài chục ví dụ về VVK tham vấn, hỗ trợ, nâng đỡ các trí thức cũ bằng cách cho người ta công ăn, việc làm, thực phẩm, dìu dắt con người ta, mở rào cho con cái người ta đi ra nước ngoài; VVK giúp cho các đôi yêu đương có vấn đề về lý lịch được cưới nhau; VVK thành lập lực lượng thanh niên xung phong rồi tổ chức đám cưới cho một đôi, vv.

Sau khi đọc một vài mẩu chuyện về VVK thì mình bắt đầu suy nghĩ là mặc dù ông có lẽ đúng là một người bao dung, nhân hậu nhưng ông đồng thời cũng là người có trách nhiệm chính tạo ra những khó khăn cho những người mà giờ ông đang phá rào để giúp đỡ. Đành rằng nhiều chủ trương rất lớn ví dụ như tập trung học tập cải tạo là do trung ương quyết định và ông dù muốn cũng không đảo ngược được xu thế nhưng đồng thời chính ông cũng là người chủ trương hoặc người quyết định mức độ thực hiện một số chính sách khác làm điên đảo cuộc đời người ta. Sau chừng dăm mười truyện kể để minh họa hình ảnh ông Thiện VVK mình bắt đầu nghĩ tới hình ảnh người hành quyết khoan dung lấy miếng vải lau sạch cái lưỡi đao để tránh nhiễm trùng cho người sắp bị chém đầu. Nói thế thì nghe có vẻ nặng nề nhưng đúng thực là ông VVK không thể nào ra một quyết định chính sách mà sau đó không quay lại tạo ra một ngoại lệ đối xử cho người này người khác. Có một mẫu hình lặp đi lặp lại từ cả những ví dụ trong sách này và những giai thoại ngoài đời (vụ đường dây 500KV, vụ Dung Quất) mà ở đó người ta thấy VVK hoặc là một người tiền hậu bất nhất không thể không xoay xở một chút với các chính sách ngay cả do chính ông đưa ra hoặc là một kịch sỹ, một chiến sỹ dân vận địch vận có tài. Chắc chắn ông không thể không biết về ấn tượng ông tạo ra cho quần chúng như một người ôn hòa và khoan dung với đối phương, với phía bên kia, viên cảnh sát hiền trong trò chơi good cop bad cop. Mình có nghi ngờ là VVK chỉ chờ chính sách bắt đầu có hiệu lực (tạo ra khó khăn cho ai đó) để cụ bắt đầu ra tay cứu giúp, hỗ trợ người ta và việc này mang lại cho cụ nhiều cảm giác sảng khoái.

Rất nhiều chính sách tạo ra và thực hiện ở SG thời hậu chiến có tác dụng lập tức đẩy nhiều người vào chỗ chết. VVK trong vai trò là lãnh đạo cao nhất của thành phố không thể được coi là bị động hay không liên quan. Hình ảnh ông Thiện VVK mà tác giả trình ra chỉ thể hiện một mảng nhỏ về con người lãnh đạo VVK, có lẽ chỉ là một thứ thú vui kiểu mèo khóc chuột của ông.

2.    Tập trung dân chủ / Dân chủ tập trung (38/83/83/38)

Cuốn sách đưa ra thêm nhiều bằng chứng để khẳng định lại một nghi ngờ của mình rằng lãnh đạo Việt Nam lúc đó không biết phải làm gì với miền Nam sau chiến tranh. Nói cách khác, họ hoàn toàn không có một kế hoạch hậu chiến kỹ càng. Đi xa thêm một bước mình cho rằng kể cả nếu như họ đã có một kế hoạch hậu chiến thì kế hoạch đấy cũng sẽ bị sai do những nhược điểm căn bản của quy trình ra chính sách.

Thực vậy, nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng đại loại cho phép người ta được thảo luận nhưng cuối cùng thì mọi quyết định vẫn là do một người là bí thư Đảng đưa ra. Điều này đúng từ chi bộ cơ sở lên tới tận trung ương. Ở trung ương thì quyền lực của cụ Tổng bí thư, ở đây là đồng chí Lê Duẩn, lại càng là tuyệt đối. Mọi chính sách quan trọng đều do đồng chí tùy ý quyết định cả. Đành rằng đồng chí cũng có bí thư nọ, trợ lý kia nhưng những người này chỉ đưa ý kiến để đồng chí tổng bí thư tham khảo chứ quyết định cuối cùng vẫn là của đồng chí. Đồng chí càng lớn tuổi thì quyền lực của đồng chí càng mạnh trong khi cùng lúc đó sự tỉnh táo, minh bạch trong suy nghĩ, khả năng nắm bắt thực tế thay đổi của đồng chí lại càng đi xuống.

Tác giả cung cấp rất nhiều ví dụ về cung cách quản trị bằng mệnh lệnh, chỉ thị và cách mà những sự tùy thích của cá nhân lãnh đạo thông qua chính sách đã đày đọa người dân ra sao. Sự thiếu chuẩn bị cho thời kỳ hậu chiến gây ra việc các chính sách đưa ra thường chỉ tính đến những hiệu quả tức thời, ngắn hạn, mang tính đối phó với những vấn đề bức xúc trước mắt. Những quyết định được đưa ra bởi trung ương có tính toán đến một số báo cáo mà địa phương gửi lên, nhân sự cao cấp của trung ương có đi thực tế đôi chút (chuyến thăm của Tố Hữu) nhưng chủ yếu là để truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị, chứ không có thực tâm, thành ý tìm hiểu tình hình thực tế. Các chỉ thị chính sách thường gửi qua đường điện tín, ngắn ngủi và sử dụng thứ ngôn ngữ lờ mờ thiếu chính xác (ví dụ: cứ theo hướng đấy mà làm nhưng đồng thời phải đảm bảo làm sao cho người dân được an tâm ổn định cuộc sống). Như vậy là giữa chính sách và cái thực tế mà chính sách cần điều chỉnh có khoảng cách rộng và xa, cung cách ra quyết định chính sách tùy ý thích của lãnh đạo làm cho khoảng cách đó càng rộng và xa hơn nữa.

Tác giả có đề cập đến một cuộc trò chuyện với ông Hoàng Tùng trong đó ông có nói rằng phải xem xét các quyết định trong hoàn cảnh lịch sử của thời kỳ đó chứ giờ là lúc Liên Xô đổ rồi mà nói thì thấy thời đó ấu trĩ lắm. Điều này như một nguyên tắc, tức là phải xem xét giải thích mọi sự trong hoàn cảnh riêng của chúng, thì đúng nhưng không thể dùng làm một thứ lập luận biện minh, bao phủ để xóa bỏ hết mọi trách nhiệm của cá nhân hay tập thể. Ngay cả vào những tình huống khó khăn, cấp bách nhất thì cũng vẫn có các lựa chọn chính sách, ngay cả khi đã ra chính sách rồi vẫn có sự linh hoạt nhất định trong thực hiện chính sách. Trong trường hợp chúng ta đang xem ở đây thì cả quy trình ra chính sách và thực hiện chính sách đều sai.

Ở đây mình nhớ đến một thảo luận dai dẳng trong kinh tế phát triển về quan hệ giữa dân chủ và phát triển, liệu sự tự do chính trị có giúp phát triển kinh tế, nâng cao mức sống người dân hay không. Nghiên cứu cho thấy không kết luận được về tương quan giữa dân chủ và tăng trưởng, trong khi có những quốc gia dân chủ phát triển tốt thì cũng có những quốc gia dân chủ không phát triển; đồng thời với các quốc gia không dân chủ không tăng trưởng cũng có các quốc gia ít dân chủ tăng trưởng tốt. Ví dụ cho nhóm cuối cùng này mà người ta hay nhắc đến là Trung Quốc và Singapore. Mức độ dân chủ được đo bằng việc độc đảng hay đa đảng và có tồn tại bầu cử tự do hay không, vv.

Cá nhân mình lâu nay suy nghĩ và không coi nặng hình thức dân chủ bằng bản chất dân chủ. Đối với mình vì thế có một đảng cầm quyền hay nhiều đảng thì cũng không quan trọng bằng việc quá trình ra chính sách phải được nâng lên đặt xuống bởi nhiều người, phải cho phép có nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt đề cao ý kiến chuyên gia. Với cách hiểu đấy thì Singapore và ở một mức độ thấp hơn là cả Trung Quốc về hình thức là các quốc gia kém dân chủ nhưng lại có quy trình xem xét và tạo lập chính sách mang tính dân chủ. Đặc biệt ở Singapore nơi đề cao kỹ trị thì quy trình ra chính sách lại càng đề cao ý kiến chuyên gia và dữ liệu tham khảo và quyết định chính sách cuối cùng phải được hỗ trợ hợp lý bởi nghiên cứu chứ không phải bởi sự tùy tiện, bốc đồng, sở thích cá nhân, hay một nghị trình chính trị.

Như vậy nếu so sánh thì Singapore và Việt Nam ta thời sau chiến tranh về hình thức thì đều là các quốc gia độc đảng không có bầu cử tự do, tức là các quốc gia không dân chủ; nhưng nếu nhìn sâu hơn chút nữa thì ta sẽ thấy có sự khác biệt đặc biệt quan trọng là quy trình ra chính sách: bên Sing thì có một quy trình dân chủ còn bên ta thì không.

Mình cảm nhận thấy nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng có lẽ là nguyên nhân trực tiếp nhất gây ra tình trạng tóe loe ở miền Nam sau chiến tranh. Nói không ngoa là mỗi lần bác Duẩn hắt hơi xổ mũi, bác thay đổi chính sách một tí (cho chúng mày trả tiền mà mua đường ra, thích đi tao không giữ) là lại có một đám người Nam chết thảm ở đâu đó ngoài biển.

Ở ta hôm nay quy trình lập chính sách vẫn chưa tiến bộ nhiều hơn thời trước. Điểm khác biệt lớn nhất giữa xưa và nay là xưa thì người ta đuổi theo một tương lai cách mạng xã hội dân chủ nhân dân, giờ thì người ta chạy theo lợi, còn thì cách ra quyết định vẫn là tùy ý. Người lãnh đạo cần nhận thức ra tầm quan trọng của việc sử dụng các nhóm phân tích chính sách sử dụng các công cụ chính sách mạnh để hỗ trợ cho việc ra chính sách. Điều này ở cấp trung ương người ta có thể đã làm tuy hời hợt nhưng ở cấp tỉnh xuống tới địa phương thì nói chung mình không có hy vọng gì.

Phần này vì thế là ôn cố để mà tri tân.

3.    Vượt biển và kế toán con người

Trong khi đọc sách của anh Huy Đức thì những chi tiết làm lòng mình tan nát nhất chính là số liệu về người chết. Sau chiến tranh nhiều người miền Nam tiếp tục chết vì các nguyên nhân không tự nhiên trong đó số lớn nhất là vì vượt biển.

Hôm qua mình đọc được trên status của Nguyễn Thanh Sơn trích đoạn thơ Don Juan của Byron do Thái Bá Tân dịch có câu: Hạnh phúc trong chiến tranh là tàn phá. Mình cho là cái ý này có thể áp dụng cho thời kỳ hậu chiến ở miền Nam. Thời đó nhiệm vụ được ưu tiên là phá chứ không phải là xây. Muốn xây chế độ mới thì trước hết phải cần phá chế độ cũ, nền tảng cũ, cơ chế cũ. Trong cái xu thế lớn đấy thì cái sinh mạng người cũ chẳng có nghĩa lý gì.

Sau khi PA2 tức chủ trương bán giấy phép vượt biên hợp pháp thu vàng bị dừng lại, ban 69 là ban được tạo ra để xem xét lại quá trình thực hiện chủ trương này ghi chép lại là trong một khoảng thời gian ngắn ngủi có 1000 người chết trong các tai nạn thuyền bè vượt biên. Một thuyền được sửa chữa vội vàng từ tầu kéo, bỏ qua hết các phần an toàn, chìm ngay ở bến Cát Lái ngoại ô SG khiến 277 người chết cùng một lúc. Con số người chết kinh hoàng này xảy ra trong chỉ một vụ của hàng ngàn vụ tai nạn khi vượt biển khiến hàng trăm ngàn người chết cho tới tận đầu những năm 90.

Khi lớn lên ở miền Bắc mình được dạy là đám người vượt biên là những kẻ chống chế độ, tham lam vật chất, đời sống bơ thừa sữa cặn ở nước ngoài nên bỏ nước ra đi. Mình căm ghét những kẻ đấy, không có thương tiếc gì cả. Năm 1985 có mẹ đứa bạn cùng lớp ở Hà Nội vượt biên không thoát bị giam một thời gian xong được thả về. Bạn bè thì thào là mẹ bạn đó đi bị hiếp ở trên thuyền, mình từ sau đấy không nói chuyện với bạn đó nữa.

Suy nghĩ của mình thay đổi nhiều từ lúc vào SG lần đầu, mua và đọc sách vở từ thời SG cũ, tiếp xúc với bạn bè người Nam, và sau này qua Mỹ là đọc các ghi chép của người vượt biển. Về sau mình có một thời gian làm việc với người tị nạn Sudang ở văn phòng Tổ chức Di trú Quốc tế ở Cairo. Trong các cuộc phỏng vấn để quyết định xem một người/gia đình Sudan có thể được chấp nhận định cư ở nước thứ 3 không thì người phỏng vấn phải xác định xem liệu người đó muốn ra đi vì lý do chính trị (bị áp bức, ra đi tìm kiếm tự do) hay vì thuần túy vì lý do kinh tế. Trải nghiệm này cho mình cơ hội suy nghĩ kỹ về thân phận những người tị nạn đồng bào của mình để quyết định được rằng đa số họ lúc đó ra đi là để tìm kiếm tự do. Thiểu số còn lại ra đi vì lý do kinh tế mình cũng thấy không có điều gì phải khinh ghét họ như mình khi trước. Chẳng phải chính Bác Hồ kính yêu của mình đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập Mỹ: người ta ai ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc? Họ ra đi vì điều kiện kinh tế tốt hơn để mưu cầu hạnh phúc thì cũng đâu phải là điều gì sai trái.

Sự ra đi nào cũng có ai yếu tố push và pull – đẩy và kéo. Đời sống tự do, vật chất cao hơn ở phương Tây là cái yếu tố kéo rất rõ ràng, dễ hiểu. Để đến được đó thì rủi ro mà người vượt biển phải chịu rất cao. Anh Huy Đức kể chuyện có người ra đi 15 lần không xong. Đi được rồi thì ra đến biển khả năng mất mạng cũng rất cao, xác suất tử nạn trên biển có lẽ phải tới 15-20%. Việc người ta sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao như thế để ra đi phản ánh cảnh khổ của người miền Nam sau khi được giải phóng. Cảnh khổ này về thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mặc, thiếu sách, thiếu tự do, bị hạn chế, bị kỳ thị, bị coi là công dân hạng thấp, là kẻ thù tiềm năng, là đối tượng cải tạo, là cản trở sự tiến bộ của xã hội được ghi chép rất kỹ trong sách. Cảnh khổ này tương phản rõ ràng với đời sống dư thừa và tự do thời trước 30/4 mà một số người sẽ nhắc là do phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, là cơm thừa canh cặn. Nói miền Nam phồn vinh chỉ vì có viện trợ Mỹ là lối nói tuyên truyền. Trong 300 năm hình thành, phát triển lúc nào những vùng đất này cũng giàu có nhờ sản vật thiên nhiên và thương mại tự do, và con người cũng được hưởng những quyền tự do kể cả trong thời Pháp. Nếu không có chiến tranh thì người ta đã không cần phải có viện trợ Mỹ và vẫn đủ sống thoải mái hơn cảnh tem phiếu cân đường, cân gạo, mẩu thịt mua tranh bán cướp du nhập từ Bắc vào. Đối với người miền Bắc, giải phóng quét sạch giặc thù có thể là một niềm tin thật nhưng đối với người Nam đấy là bắt đầu cảnh sống nô lệ, và vì thế nhiều người quyết định liều mạng ra đi. Nếu mình bị rơi vào cảnh đó mà đi được thì mình cũng đi.

Cách cư xử của chính quyền mới đối với người dân phản ánh mối quan hệ giữa người chiếm và người bị chiếm. Danh dự, tài sản, tương lai, vv của những người có dính líu tới chế độ cũ (mà có mấy ai là không có dính dáng tới chính quyền cũ) là không còn gì cả và mạng người Nam lúc đấy có lẽ là rẻ mạt. Người ta bị sử dụng vào những kế hoạch viển vông và gian khổ như kinh tế mới, thanh niên xung phong – mạng sống hoàn toàn bị phụ thuộc vào ý thích của cấp lãnh đạo. Cách người Nam bị cư xử như thế sau chiến tranh đi ngược lại với câu nói của Hồ Chí Minh được dùng làm kim chỉ Nam suốt cả thời chiến tranh: Miền Nam trong trái tim tôi. Lối cư xử đấy đành rằng có lý do tình thế nhưng có một phần không nhỏ là do sự ác ý của chính những người lãnh đạo, người với người nói chung mà cư xử thế đã là không được chứ đừng nói là giữa đồng bào với nhau.

Một đặc điểm của các nước văn minh có nền pháp trị mạnh là người ta không tùy tiện giết đồng bào của mình. Một người Mỹ dù có phạm tội phản quốc cũng vẫn phải được đưa ra xét xử đàng hoàng chứ không thể bị tiêu diệt tùy thích. Người Việt Nam mình có lẽ cũng nên tham khảo cung cách hành xử của xã hội văn minh để lập ra một lời quốc thệ là từ nay về sau không bao giờ thờ ơ với hay tùy tiện cướp đi mạng sống của đồng bào của mình để những thời gian khủng khiếp đã qua sẽ không bao giờ trở lại nữa.

Hiệp định hòa bình Paris 1973 và “Những sự thật phũ phàng”



“Ngày 27-1-2013 sắp đến sẽ đánh dấu 40 năm ký kết Hiệp Định Paris 1973, một biến cố lịch sử vô cùng quan trọng đối với Việt Nam vì những hậu quả của nó áp đặt trên mảnh đất này trong gần bốn thập niên cho tới ngày nay,” ông Nguyễn Quốc Khải viết vào ngày 17/12 vừa qua cho RFA trong một bài mang tên “Sự thật phũ phàng về Hiệp định Paris 1973.”
Việc Ban Việt-ngữ Đài ACTD cho đăng bài này để chuẩn-bị đánh dấu kỷ-niệm 40 năm Hiệp-định Hoà-bình Paris 1973 là một điều đáng khen bởi trong quá-khứ, đã có những lần Ban Việt-ngữ quên không có bài đánh dấu những mốc lớn trong lịch-sử đất nước. Như Hội-nghị Genève chia đôi đất nước (1954) hay thậm chí cả Hội-nghị Hoà-bình Paris 1973 (tên chính-thức của Hiệp-định kết thúc hội-nghị này là “Paris PEACE Accords of 1973”). Trong khi đó, chúng ta có cách xa Đài không tới một tiếng đồng-hồ những nhân-chứng như Ông Bùi Diễm, một nhà ngoại-giao lão thành của Việt-nam, người đã có dự cả Hội-nghị Genève 1954 lẫn Hoà-đàm Ba-lê năm 1968-1973, chưa kể đến những nhân-chứng người Mỹ nữa.
Bài viết của ông Nguyễn Quốc Khải, như vậy, tôi mong chỉ là một bài viết đầu tiên về vấn-đề này. Rất mong là Ban Việt-ngữ cố gắng đi tìm hiểu sự thật qua những nhân-chứng lịch-sử có thật thay vì chỉ đi dựa vào một vài học-giả mà chưa chắc đã nắm hết sự thật.

Những sai sót trong bài của Ông Khải

Có lẽ vì viết vội nên bài của Ông Khải đã có một số sai sót rất dễ nhìn ra.
Thứ nhất, khi nói về Hiệp-định Genève 1954 chia đôi đất nước, ông mở ngoặc và ghi “mà chính VNCH đã xé bỏ,” tôi thấy thật là tội-nghiệp cho Ngoại-trưởng Trần Văn Đỗ lúc bấy giờ đại diện cho chính-phủ “Quốc gia Việt-nam.” Ngày 21/7/1054, ngay sau khi chính-phủ Pháp của Thủ-tướng Pierre Mendès-France thoả-thuận được về nội-dung của Hiệp-định sau 12 giờ đêm ngày 20/7 (tức sang sáng sớm ngày 21/7), cả nước Mỹ qua lời tuyên-bố của trưởng phái-đoàn, tướng Bedell Smith, và Quốc gia Việt-nam qua lời tuyên-bố của Ngoại-trưởng Trần Văn Đỗ đã tố-cáo (“denounced”) sự chia đôi đất nước và không ký vào hiệp-định “đình chiến” giữa Pháp và Việt Minh. Vậy thì làm sao có thể nói khơi khơi là “mà chính VNCH đã xé bỏ”?
Rồi cũng trong cùng một cảm-hứng, ông Nguyễn Quốc Khải viết:
“Vào buổi trưa ngày 29-4-1973, Đài Phát Thanh Saigon truyền đi bản nhạc “I’m Dreaming of a White Christmas” qua dọng ca của Bing Crosby, báo hiệu cuộc di tản cuối cùng của Hoa Kỳ bắt đầu.”
Đây là một sự bịa đặt hoàn-toàn. Trước hết, ngày tháng của ông Khải sai: Ông cho chuyện này xảy ra hai nămtrước khi mất miền Nam. Thứ nữa, Đài Phát Thanh Saigon, cho đến tận hôm nay (tức năm 2012, 37 năm sau), cũng chưa hề cho chơi bài “I’m Dreaming of a White Christmas” qua giọng (không phải “dọng”) hát Bing Crosby. Vậy thì ta thấy bài viết của ông Khải đáng tin đến đâu?
Đó là chưa kể đến những lỗi chính - tả không ít trong bài của ông Khải. Tỷ như “xác-suất” (dịch chữ “probability”) mà ông Khải viết thành “sắc-xuất,” thật là khó hiểu.
Tôi có thể lôi ra thêm những lỗi sơ - đẳng khác nữa nhưng đó không phải là mục-đích bài viết của tôi.

Về phương - pháp sử-học

Khi viết sử, người ta phải biết dựa vào những dữ-kiện có thật, không thể chỉ dựa vào cảm-quan của mình. Bài của ông Khải, trái lại, thì đầy cảm-quan. Như cách ông dịch chữ “decent interval” của Mỹ thành “khoảng cách chạy tội.”
Có thể dịch như ông nếu ta nghĩ, như tác-giả Nguyễn Tiến Hưng, là “đồng-minh” Mỹ có ý “tháo chạy” ngay từ đầu. Đằng này, nếu ta nghiên cứu kỹ hai con người then chốt về phía Mỹ trong cuộc thảm-bại ở Việt-nam, ta sẽ thấy hai người đó rất khác nhau. Ông Kissinger là một người gốc Do-thái Đức, rất lo về an-ninh vùng Trung-đông, trong đó có nước Do-thái, nên động-cơ của ông là phải mau mau chấm dứt chiến-tranh VN để còn đổ dồn chiến-phí ở VN sang ủng-hộ cho Do-thái lúc bấy giờ đang lâm nguy (nhất là sau khi OPEC, tổ-chức các quốc gia sản-xuất dầu lửa, thân các nước Ả-rập, quyết-định tăng giá dầu lên gấp đôi vào tháng 10/1972 để làm khó Mỹ và Do-thái).
Trái lại, ông Nixon là tổng-thống Mỹ. Ông không gốc Do-thái nên cũng không có những động-cơ tương-tự như của ông Kissinger. Nếu đọc kỹ hồi-ký của ông Nixon thì ta cò thể tin rằng, tuy ông--hiển-nhiên rồi—quan tâm đến vận mệnh chính-trị của ông, ông cũng không có nhu-cầu phải ở thêm một nhiệm-kỳ nữa vì đến năm 1973, ông đã được bầu lại vào nhiệm-kỳ 2 tức nhiệm-kỳ cuối của ông rồi. Vì vậy nên ông có thể thành-thật tin tưởng rằng “Việt-nam-hoá” (“Vietnamization") là con đường có thể cứu vãn được miền Nam. Hay ít nhất cũng mua được thời-gian cho miền Nam đứng vững để có thể có dược một thời-cơ khác.
Chính-sách của ông Nixon rất là bài bản. Để ra tranh cử với ông Hubert Humphrey sau khi Tổng-thống Lyndon B. Johnson khước từ, không nhận ra ứng cử cho nhiệm-kỳ 1969-1973 để toàn-tâm lo chuyện chấm dứt chiến-tranh VN, ông Nixon đã hứa là sẽ có kế-hoạch để chấm dứt cuộc chiến ấy (hiểu là chấm dứt sự tham-chiến của quân-đội Mỹ ở chiến-trường VN, nghĩa là sẽ hết thương vong Mỹ tuy vẫn có thể ủng-hộ, yểm-trợ miền Nam trong nhiều nghĩa). Có hiểu thế ta mới hiểu được chính-sách của Mỹ (tức của ông Nixon) sau khi ông lên làm Tổng-thống vào tháng 1/1969. Ông lập-tức đưa ra chính-sách “Việt-nam-hoá chiến-tranh ,” nghĩa là không đợi kết-quả của hoà-đàm Paris mà tiến-hành ngay với các vụ rút quân (= giữ lời hứa với cử-tri và dân-chúng Mỹ). Sau vụ gặp gỡ với ông Thiệu và ông Kỳ ở Midway, ông cho tăng cường quân-viện cho VNCH. Ông khuyến khích Tổng-thống Thiệu tiến-hành với chương-trình kinh tế và xã-hội “Người Cày Có Ruộng.” Sau khi Quân-lực VNCH tung quân sang Cao-miên (1970) như vũ như bão, đánh bật hết các mật-khu của CS ở bên đó, và với chiến-dịch Phụng Hoàng ở nông-thôn thành công lớn, ông đồng-ý để cho Quân-lực VNCH sang lâm trận ở Hạ-Lào (tháng 2/1971). Tuy trận Hạ-Lào đã không mang lại được kết-quả mong muốn, ta cũng khám phá được ra sức mạnh của đối-phương, nhất là về hoả-lực phòng không và lực-lượng chiến-xa của họ. Nhờ vậy mà cuộc đọ sức sau đó, tuy Hà-nội dốc hết lực-lượng vào Nam trong mùa Hè đỏ lửa (tháng 4 đến tháng 9/1972) , Quân-lực VNCH đã can trường đánh bật được ra toàn-quân của họ ở ba địa-điểm tập-chú: Kontum, An Lộc (một trận đánh đã được gọi là Stalingrad của VN) và sau một thời-gian lấy lại được Cổ-thành Quảng-trị (Quân-sử Hà-nội sau này đã phải gian lận và cho rằng Quân-đội Nhân-dân miền Bắc đã đánh chiếm lại được Cổ-thành Quảng-trị sau tháng 9 năm đó, trong khi chính Võ Nguyên Giáp đã cho là Lê Duẩn “ngu xuẩn” khi ra lệnh chiếm lại Cổ-thành để cho quân chết như rạ, mất khoảng 1 đại-đội mỗi đêm trong gần hai tháng trời).
Dựa vào những kết-quả và chiến-tích như vậy nên Mỹ mới dồn quân-viện cho VNCH trong năm sau đó, chắc chắn là không phải với dụng-ý là để sau này cúng (8 tỷ đô-la quân-dụng) cho quân Bắc-Việt. VNCH thua không phải vì Mỹ muốn phản-bội, mà vì ông Nixon bị bó tay, do Quốc-hội Mỹ bó tay chính-quyền của ông với luật “War Powers Act,” rồi cắt viện-trợ cho VNCH (như chính ông Khải cũng ghi lại: từ 2.2 tỉ Mỹ kim cho tài khóa 1973 [xuống] 1.1 tỉ Mỹ kim cho tài khóa 1974, và 700 triệu Mỹ kim cho tài khóa 1975). Trong khi đó thì quân-viện của Liên-Xô và Trung-Cộng cho Hà-nội thì tăng lên ngược chiều. Rồi ông bị mắc vào vụ Watergate, một chuyện hoàn-toàn không may đối với VNCH (VNCH không có lỗi gì trong vụ này) vì nó buộc ông Nixon phải từ chức. Hiển-nhiên, tới đó rồi thì bao nhiêu lời hứa hẹn của ông với ông Thiệu trở thành nước đổ xuống sông xuống biển.
Hiển-nhiên, ông Thiệu cũng có lỗi trong một số quyết-định vào những ngày chót của miền Nam. Mỹ thua ở Việt-nam song cũng có người cho rằng vì Mỹ thua ở VN mà bộ mặt thật của Cộng-sản mới lộ ra: chỉ trong một thời-gian rất ngắn, VNCS phải đương đầu với hai trận chiến với những đồng-minh cũa ngày hôm qua (Pol Pot và Trung-Cộng) để những vấn-đề đó có vang vọng cho đến tận ngày hôm nay. Chưa kể là sau VN thì cũng cả khối CS Đông-Âu và Liên-Xô cũng sụp đổ theo.

Để kết

Rõ ràng là ông Nguyễn Quốc Khải đã không tôn trọng đến những nguyên-tắc căn-bản nhất của việc viết sử. Chưa kể ông còn lợi-dụng một đề-tài quan-trọng của lịch-sử VN để lái sang đả-kích cá-nhân tôi. Ông có thể không đồng-ý với tôi (hay người khác) nhưng dùng những chữ nặng lời như “ý tưởng phục hồi Hiệp Định Paris là hoang tưởng nếu không muốn nói là bệnh hoạn” thì thật là không nên. Vì sao?
Vì trước nhất, ông giải thích sai hết cả về “giải-pháp VNCH” mà chúng tôi đã có dịp lên trình bầy ở trên Quốc-hội Hoa-kỳ từ tháng 6 năm 2010. Bài của chúng tôi viết về cuộc vận-động này sau đó đã được nhiều báo đăng lại (trong đó có Website Việt Vùng Vịnh là chỗ dễ truy-cập bài của tôi nhất, “Người Việt hải-ngoại và vấn-đề Biển Đông: Chúng ta đã góp được gì cho một giải-pháp?”). Sau đó, Khối 8406 trong nước cũng đã xin phép để đăng lại bài này trong khối tài-liệu của Khối. Cuối cùng, đến tạp-chí “Quan hệ quốc tế hiện đại” của Trung-quốc, số ra tháng 6/2011 cũng phải nhắc đến giải-pháp này (Xem bài “Vận động chính trị của người Việt ở Mỹ và ảnh hưởng đối với tranh chấp Biển Đông”). Thiết tưởng ngần ấy chỗ, từ Quốc-hội Hoa-Kỳ (kể cả Uỷ-ban Ngoại-giao Thượng-viện) đến tình-báo Trung-Cộng, không ai xem đó là chuyện không-tưởng cả thì ông Nguyễn Quốc Khải dựa vào đâu mà có thể xem đó là “hoang tưởng” hay “bệnh hoạn”?
Ta hãy cứ nghe ông Nguyễn Quốc Khải giải-thích về Hiệp-định Hoà-bình Paris 1973. Ông viết: “Hiệp Định Paris đòi hỏi tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam, UBLĐLTVNCH sẽ phải ra tranh cử với Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (chính thức bị giải tán vào ngày 25-4-1976). Nhưng trước hết, UBLĐLTVNCH sẽ phải đưa hàng triệu người Bắc 75 về nguyên quán ngoại trừ 150,000 quân CSBV được Ông Kissinger và Ông Chu Ân Lai cho phép ở lại miền Nam từ 1973 đến nay.” Chỉ trong một đoạn này là đã có hai ba chỗ sai căn-bản:
“Hiệp định Paris đòi hỏi tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam,” đúng. Vậy Hà-nội đã bao giờ để cho dân-chúng miền Nam có tổng tuyển cử tự do ở miền Nam chưa?
Còn chuyện “Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam [bị] chính thức bị giải tán vào ngày 25-4-1976” bởi bàn tay của Hà-nội thì tại sao chuyện đó lại có thể là trách-nhiệm của VNCH được? Họ giết người của họ thì tội tình gì với Hiệp-định Paris?
Vả lại, “giài-pháp VNCH” chủ-yếu dựa vào Điều 7b của Định-ước Quốc-tế về Hiệp-định Hoà-bình Paris” (“International Act on the Paris Peace Agreement”) trong khi bài của ông Khải không nhắc gì đến hiệp-ước quốc-tế có 12 quốc gia ký vào với sự chứng-kiến của ông Tổng-thư-ký Liên-hiệp-quốc hồi đó (tháng 3/1973). Vậy thì ta có thể coi bài của ông Nguyễn Quốc Khải là nghiêm chỉnh được không?
Đó là chưa kể ông Khải dựng đứng: “Nhưng trước hết, UBLĐLTVNCH sẽ phải đưa hàng triệu người Bắc 75 về nguyên quán.” Cần gì? Chỉ cần họ chứng minh được là trước năm 1975, chính họ hay cha mẹ họ đã có ở miền Nam là họ đủ điều kiện được đi bầu. Chứ 150.000 bộ - đội miền Bắc cũng không có lý-do gì được xem là cử - tri của miền Nam. Vì sao? Rất dễ hiểu, vì họ đã sẵn là cử - tri của các địa - phương ở miền Bắc.

Thị trường bất động sản bắt đầu từ đâu?


Nguyễn Hồng Khoái [Chuyên viên Tư vấn Tài chính]

Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, ngân hàng đang như “ếch vào xiếc” chưa biết gỡ thị trường bất động sản bắt đầu từ đâu!
Để giải quyết vấn đề này phải bắt đầu từ giá – giá bất động sản. Giá bất động sản chung chung thì không ai hình dung ra được. Để tìm hiểu kỹ ta sẽ thấy trình tự giá bất động sản như sau:
A. GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN BAO GỒM NHỮNG GÌ, CƠ CẤU RA SAO, GIÁ BÁN THẾ NÀO, AI ĐƯỢC, AI MẤT TRONG QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH GIÁ BÁN BẤT ĐỘNG SẢN
Sự hình thành giá bất động sản theo phương pháp cộng tới sẽ bao gồm các khoản chi phí như sau:
– Tiền đền bù đất đai giải phóng mặt bằng.
– Tiền chi phí xây dựng (từ khâu san nền đến khâu hoàn thiện hoàn chỉnh dự án).
– Các chi phí quảng cáo, chi phí bán hàng, lãi tiền vay Ngân hàng…
– Lợi nhuận kỳ vọng, thuế của nhà đầu tư.
– Các chi phí khác.

Theo cách thống kê trên thì giá 1m2 căn hộ được tính như sau (tính giá Hà Nội 2012 theo Quyết định số 50/2011/QĐ-UBND ngày 30/12/2011, lấy huyện Từ Liêm làm ví dụ):
1-Tiền đền bù đất đai đoạn từ đường Phạm Hùng đến đường Yên Hòa (mức cao nhất)
14.000.000 đ/m2
2-Chi phí xây dựng 1m2 nhà ở bao gồm cả nguyên vật liệu và nhân công nội thất bình thường không trang bị thiết bị cao cấp ngoại
  5.000.000 đ/m2
3-Nhà chung cư xây 10 tầng khuôn viên sử dụng 30% đất dự án, 70% là giao thông, cây xanh, các công trình phụ trợ
2.000.000 đ/m2
4-Lãi suất và thuế kỳ vọng của nhà đầu tư
20%
5-
Cách tính giá bán 1m2 nhà (giả sử 10 tầng), đơn vị đồng/m2 (giả định dự án 10.000 m2):
1-Tiền đền bù đất đai đoạn từ đường Phạm Hùng đến đường Yên Hòa (mức cao nhất) 14.000.000*3.600/36.000 =  1.400.000
2-Chi phí xây dựng 1m2 nhà ở bao gồm cả nguyên vật liệu và nhân công nội thất bình thường không trang bị thiết bị cao cấp ngoại, đã có 4 thang máy và 2 cầu thang bộ, đã có lợi nhuận của nhà xây dựng  5.000.000
3-Cơ cấu dự án 36%  tổng số tiền  sẽ là (1) + (2)  6.400.000
4-Giá hạ tầng cơ sở giao thông, bãi đỗ xe 34%=(14.000.000*3.400+ 3.400* 3.000.000)/36.000 =  1.593.000
5-Đất cây xanh, mặt nước  15% = (14.000.000*1.400)/36.000)     705.600
6-Đất công cộng 15%     705.600
7-Giá 1m2 nhà dự án đã có hạ tầng  9.404.200
8-Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng của nhà đầu tư 20% (= 5 x 20%)  1.881 000
9-Lãi vay trong thời gian xây dựng (thời gian XD 2 năm lãi 12%/ năm) vay 60% vốn = 5 * 60%*2 năm*12%  1.355.000
10-Cộng giá bán 1m2 nhà = 5 + 6 + 7 + 812.620.200
11-Tính tròn12.600.000

Câu hỏi được đặt ra là:
1-     Nhà đầu tư căn cứ vào đâu để xây dựng giá bán 1m2 nhà cao ngất ngưởng 20 triệu, 30 triệu đồng cho 1m2 nhà ở chung cư?
2-     Ngân hàng căn cứ vào đâu để tính toán giá tài sản thế chấp cho vay vốn để đầu tư xây dựng?
Mức giá đền bù lên đến 14 triệu/1m2. Nếu giá thấp hơn 14 triệu thì chênh lệch giữa giá đền bù đất đai và giá bán bất động sản cho dự án được nhân thêm 10.000 lần. 
B. THỎA THUẬN NGẦM GIỮA NGÂN HÀNG, QUAN CHỨC VÀ NHÀ ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN ĐÃ ĐƯA THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN ĐÓNG BĂNG
Trong khi các văn bản chỉ thị, nghị quyết, cương lĩnh, đường lối phát triển kinh tế của đảng và nhà nước đều giảng giải chúng ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì riêng đất đai khi cần thu hồi của dân được định giá rẻ mạt, đến khi hình thành giá bất động sản thì áp giá ở trên  trời rơi xuống (giá chợ đen) (Xem thêm tại đây và tại đây).
Trả lời câu hỏi 2:
Nhà đầu tư áp giá thị trường về bất động sản khi duyệt dự án và mang cái giá này làm giá thế chấp tại Ngân hàng để vay vốn. Chênh lệch giá đất thị trường và giá đền bù đã được Nhà đầu tư, Ngân hàng và quan chức hình thành nên cái tam giác quỷ. (Xem thêm tại đây và tại đây).
Trong phát biểu của mình, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nói: “Trước khi giải cứu thị trường bất động sản thì trước hết, phải thấy rằng, đất đai là tài sản nhà nước, những chi phí đền bù và giá vật liệu xây dựng… so với giá thành xây dựng không chênh lệch quá mức nhưng sao giá bán lại cao ngất ngưởng như vậy? Không kiểm soát được giá vốn hàng bán và giá bán bất động sản, sẽ rất khó tháo gỡ bế tắc cho thị trường. Một tác động không mong muốn khác là cũng vì giá bất động sản mà chỉ số icor của nền kinh tế bị đẩy lên cao” (xem tại đây).
            Như vậy nhà đầu tư bất động sản, quan chức, ngân hàng (cái tam giác quỷ khốn nạn này) hãy nôn tiền ra trả vào cái mà chúng đã ăn cướp của dân thông qua chênh lệch giữa giá đền bù đất đai và giá bán bất động sản.          
C. GIẢI PHÁP MỚI CỨU THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN CỦA CHÍNH PHỦ (XEM TẠI ĐÂY)
1. Giải pháp về thuế
Trừ các loại thuế cố định đánh vào tài sản: trước bạ, thuế đất phi nông nghiệp, các loại phí: cầu đường, bảo trì đường bộ… còn riêng bất động sản thì chỉ có thông qua mua bán chuyển quyền sở hữu thì mới thực hiện được. Do đó nó như cái bánh vẽ vẽ cho cả người mua và người bán nhìn về tương lai để thúc đẩy thị trường bất động sản.
2. Giải pháp ngân hàng
Trước hết nhà đầu tư vào Bất động sản phải có nhà, nhà chưa có mà khuyên người dân đi vay tiền lãi suất thấp để đưa vào cho nhà kinh doanh bất động sản (BĐS) thì khác nào chuyển nợ xấu của các DN kinh doanh BĐS với Ngân hàng sang cho người đi mua nhà! Tại sao không nghĩ đến chuyện cho nhà đầu tư BĐS vay vốn ưu đãi 7% trong 3 năm hoàn thành dự án sau đó bán nhà cho người có thu nhập thấp???Người dân đã bị rất nhiều nhà đầu tư BĐS lừa trong những năm vừa qua.
Giời ơi là giời, cùng cánh hẩu với nhau mà còn không tin nhau lại đi tin thằng dân cho nó vay tiền, mai ngày nó không giả được nhà tù đâu mà nhốt chúng nó!
Ông Bình có nói: Giá nhà bao nhêu thì có người mua? Thưa với ông tôi đã tính toán quá tay rồi đấy: nó chỉ cao nhất 10.000.000 đ/m2 thôi (giá đền bù là 14.000.000 đ/m2 dự án như 2 bảng nêu trên), thưa ông.
3. Giải pháp xây dựng của ông Trịnh Đình Dũng (mong muốn ông luôn mang trí khôn đi kèm)
Ông Trịnh Đình Dũng nói: “Thị trường bất động sản đang phát triển lệch pha nên khi chúng ta gắn với chiến lược phát triển nhà ở, đặc biệt là chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội thì giải quyết được nhiều vấn đề: cân đối cung cầu; đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làm thị trường ấm lên, từ đó góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô. Làm nhà ở xã hội, quan trọng là tăng sử dụng vật liệu trong nước, giảm nhập siêu.
Vấn đề tiếp theo là phải hạ giá nhà về giá trị thực, đi đôi với kích cầu. Muốn vậy phải có giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp về chính sách, giải pháp quản lý nhà nước, về quy hoạch, kế hoạch, giải pháp về tín dụng, tài khoá và thuế, giải pháp tổ chức thực hiện và đề nghị thêm giải pháp tuỳ theo các dự án, vị trí cụ thể, khuyến khích chủ đầu tư điều chỉnh để tăng quỹ đất nhà ở xã hội (xem tại đây).
Thưa ông, doanh nghiệp nó chẳng khó khăn gì đâu, tiền chênh lệch giữa giá đền bù nó ăn không, nó đi biếu các quan chức và Ngân hàng bây giờ nó không bán được thì nó kêu!
Ông bảo hạ giá bất động sản thì: chỉ hạ theo phương án nêu trên, nợ xấu Ngân hàng sẽ tăng GẤP BA LẦN HIỆN NAY thưa ông?
D. CÁCH TỐT NHẤT CHO VẤN ĐỀ NÀY
1. Các căn hộ chung cư đã và đang hoàn thiện hãy trở về giá trị thực và hoàn tiền cho những nhà đã nộp tiền 3, 4 năm trước đây và bán tiếp. Bởi vì việc ăn cướp phần chênh lệch giữa giá đền bù đất đai và giá bán bất động sản không nộp vào Ngân sách Nhà nước.
2. Thu hồi tất cá các dự án chưa triển khai (theo giấy phép đầu tư) và chào nhà đầu tư có năng lực đồng thời áp giá trị thực của Bất động sản bán cho người có nhu cầu. Việc hoàn trả được tính theo giá trị đền bù theo Quyết định số 50/2011/QĐ-UBND ngày 30/12/2011của UBND thành phố Hà Nội ( .nếu dự án ở Hà Nội). Số tiền này cũng được hoàn lại cho chủ đầu tư cũ.
3. Không cấp các dự án bất động sản mới.
4. Không nên áp dụng 2 loại nhà ở (nhà ở thương mại và nhà ở xã hội) vì làm như vậy 15 năm sau con cháu sẽ chửi rủa chúng ta là làm bẩn thành phố. Dân đủ tiền để mua nhà giá trị thực.
Tháng 12 năm 2012
N.H.K.

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Phạm Ngọc Thảo, ông là ai?


Trần Đỗ Cung

"..nếu anh là một điệp viên nhị trùng quý báu của Hà Nội thì tại sao họ không cứu anh ra bưng để khai thác thêm tin tức. Ngay khi anh về trú ẩn tại Hố Nai thì con đường về mật khu thật là gần xịt, tại sao anh không dọt lẹ để bị bắn và bắt giết".

"Hoặc giả vì anh đã bỏ bên kia hồi chánh nên không dám trở về bưng để bị các đồng chí cũ xử giảo thảm khốc? Hơn nữa ngay cả Bác Sỹ Trần Kim Tuyến sau này cũng nói ông không tin là Thảo trá hàng".



Tôi quen Phạm Ngọc Thảo từ năm 1939. Lúc ấy tôi mới nhập học Quốc Học Khải Định sau khi đậu bằng Thành Chung ở Thanh Hóa. Lớp có cả thẩy 40 học sinh, 33 Nam và 7 nữ gồm đủ thành phần đến từ nhiều nơi nhưng đều là người Trung chỉ trừ có Nguyễn Khắc Hoạch là cháu họa sỹ Mai Trung Thứ dậy vẽ ở đây và anh chàng cù-không-cười Nguyễn Khải Tạo, có nét mặt tưng tửng mỗi khi lên bảng làm cả lớp khúc khích, là dân Bắc Kỳ rau muống. (Tiến Sỹ Văn Chương Nguyễn Khắc Hoạch là Khoa Trưởng Văn Khoa Sài Gòn. Sau này ông trở thành Viện Trưởng Viện Việt Học thay thế Giáo Sư Nguyễn Đình Hòa).

Được ba ngày sau Censeur Giamachi dẫn vào lớp một học sinh mới trông hơi khác lạ, có cái tên Tây Albert Phạm Ngọc Thuần, nước da mai mái đậm đà và có cái mắt trái lác xệch. Anh là người độc nhất Nam Kỳ, mặc quần short đến đầu gối để lộ cặp giò khẳng khiu. Anh được xếp ngồi cạnh tôi, ăn nói nhỏ nhẹ vói một giọng miền Nam trầm bổng và hay chêm tiếng Tây vào câu chuyện. 

Trong nội trú anh cũng nằm giường cạnh tôi, luôn luôn tĩnh lặng củ mỉ cù mì giữa một đám ồn ào nhất quỷ nhì ma. Những ngày cuối tuần anh thường rủ tôi đi thăm Hồ Tĩnh Tâm ngồi trầm ngâm ngắm sen thơm ngát và nói toàn chuyện cách mạng Pháp. Anh ta rất ghét cái dữ tợn của Robespierre và Marat và yêu tư tưởng xã hội Rousseau và Voltaire. Anh cũng bàn về cái quá khích và vô nhân bản của Marx-Lenin với chủ trương bạo lực quá độ và duy trì chính quyền bằng bạo lực.

Cuối năm học không thấy Albert trở lại, nghe nói đã được gia đình gửi qua Pháp du học. Mãi đến tháng Mười 1945 tôi mới tình cờ gặp lại anh mà lại ở Hà Nội? Hôm ấy khoảng 10 giờ tối, đã có sương mù giầy đặc và khí hậu bắt đầu xe lạnh, tôi đang đứng trước thềm nhà A thì Albert hiện ra như trong phim trinh thám. 



Tôi không nhận ra vì anh mặc bộ bà-ba đen, cổ quấn chiếc khăn rằn ri mầu hồng thẫm của dân miệt vườn Nam Kỳ. Đầu anh đội chiếc mũ vải mềm mầu nâu mà vành uốn lượn lên cụp xuống, chân anh đi đôi dép quai chéo, đế bằng vỏ lốp xe hơi. Anh hấp tấp bắt tay tôi và nói thẳng một lèo, “Moi mới ra vội vã lắm để dự khoá họp Quốc Hội đầu tiên trong phái đoàn Nam Bộ; đêm nay người ta xếp cho cả bọn ở đây và mai phải đi rất sớm”! 

Là một thanh niên chỉ biết yêu nước và ghét ngoại bang đô hộ, tôi chả có chú ý gì đến chính trị và những khúc mắc về cơ cấu chính quyền nên tôi đã không níu kéo anh vài phút để ít nhất biết phái đoàn có những ai và làm công việc gì? Như vậy cuộc gặp gỡ sau sáu năm chỉ có không đầy năm phút mà thôi.

Rồi thời gian qua với trận Điện Biên Phủ đánh dấu sự chia cắt đất nước Bắc Nam. Tôi vào làm việc tại Sài Gòn rồi nhập ngũ qua học ở trường Không Quân Pháp Salon de Provence. Khi trở về thì miền Nam đã có chính thể Cộng Hoà của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong khi trái lại Bắc Kỳ đã thành Cộng Hòa Nhân Dân Mác Xít. 

Vào khoảng 1955 nghe nói đến một cán bộ hồi chánh tên là Phạm Ngọc Thảo về làm việc tại Viện Hối Đoái. Về sau y được Bộ Nội Vụ cho đeo lon Đại Úy và giao làm với Bảo An Tỉnh Đoàn Vĩnh Long. Rồi được bổ Tỉnh Trưởng Bến Tre. Bến Tre mà tên cũ là Thủ Đầu Một là một tỉnh trù phú và Việt Minh dùng làm nơi dưỡng quân. Tỉnh Trưởng mới hết sức năng động, hay đứng giữa công chúng diễn giảng và lập lại hoàn toàn an ninh địa phương. Một thời gian sau tỉnh trưởng được thay thế vì đã hoàn tất nhiệm vụ.



Năm 1960 sau vu đảo chính nhẩy dù với Vương Văn Đông, Nguyễn Triệu Hồng đã lắng thì một hôm tôi đang ngồi ngáp ruồi ở Bộ Tư Lệnh Không Quân bỗng nhiên điện thoại reo.

Uể oải nhấc máy lên thì đầu giây bên kia một giọng Nam chay nói,
“Tôi là Trung Tá Phạm Ngọc Thảo, tôi muốn gặp Đại Úy Trần Đỗ Cung”. 
Tôi vội trả lời, “Vâng thưa tôi đây nhưng Trung Tá cần gì và Trung Tá là ai”? 
Thì được trả lời ngay, 
“Albert Phạm Ngọc Thuần bạn học anh ở Lycée Khải Định đây, còn nhớ không”? 
“Nhớ chứ, nhưng anh đổi tên từ hồi nào và tôi nghe nói anh làm Tỉnh Trưởng Bến Tre kia mà”? 
Thảo nói, “Xong việc rồi, giờ moi ngồi tại văn phòng cố vấn chánh trị trên đường Hồng Thập Tự, xế cửa Cercle Sportif. Có rảnh thì ghé lại chơi, chúng mình sẽ nói nhiều kỷ niệm thời 1-S năm xưa Cung nhé”!

Một hôm nhân đi tập với Maitre Vatin tôi ghé lại. Cũng hơi khớp vì nghĩ là mình sẽ vào hang hùm đây. Tôi dựa chiếc Velo Solex vào giá và một lính gác mặt lạnh như tiền bước đến. Sau khi xem giấy tờ hắn khám người tôi cẩn thận và hướng dẫn tôi đến bàn giấy Trung Tá Thảo. 

Tôi thấy anh không khác xưa mấy, cũng nước da mai mái, cũng cái mắt lác xệch, cũng dáng người mảnh khảnh, có chăng là bây giờ anh không mặc quần short nữa mà đóng bộ quân phục gọn gàng với hai đôi hoa mai bạc. Thảo bắt tay chặt chẽ và mời tôi ngồi, sai lính đem cho tôi một ly soda. Chúng tôi chuyện trò cả nửa giờ, hết các thầy rồi qua các chị, cảm động với bao nhiêu kỷ niệm hồi tuổi trẻ trong trắng hồn nhiên. Tôi đứng dậy đi qua Cercle Sportif cho kịp lớp thể dục tập thể. Thảo tiễn tôi ra đến cửa và nói bâng quơ, “không biết còn bao nhiêu bạn cũ ở Sài Gòn, nếu gặp nhau một bữa thì chắc vui lắm nhỉ”! Tôi chỉ gật gù qua loa đồng ý.



Trong lúc tập thể dục và nhất là khi đi tắm tôi nghĩ đi nghĩ lại lời nói bâng quơ của bạn và chợt nghĩ đến bạn Phạm Qụy, một Luật Sư nổi tiếng, có tư gia sang trọng ở số 132 Dường Công Lý. Có thể nếu anh ta nhận lời đứng tổ chức một bữa ăn tối thì hay quá. Sáng hôm sau tôi điện thoại cho Qụy và Qụy hết sức hoan nghênh ý kiến. Được vài hôm anh ấy liên lạc được vài bạn cũ và mời đến dùng cơm tối. Tối hôm ấy có độ mười người như Hải Quân Trung Tá Võ Sum, chị Ngọc Trâm tức ca sỹ Minh Trang, Phó Tổng Giám Đốc Điện Lực Tôn Thất Uẩn, Phó Tổng Giám Đốc Quan Thuế Đoàn Hòa, Trần Ngọc Nhụy em Tổng Giám Đốc Nông Tín Cuộc Trần Ngọc Liên, Hồ Tường, Trung Tá Phạm Ngọc Thảo, tôi Đại Úy Không Quân và anh chị Phạm Quỵ.

Bữa cơm đặc Huế ngon miệng do bàn tay khéo léo của bà chủ nhà kéo dài mấy tiếng đồng hồ, ai nấy tranh nhau kể lại các chuyện vui thời học trò vô tư và vô sự. Nào là nét cá biệt của mỗi thầy, những đặc tính của một vài bạn. Trên lầu nội trú, Trần Kế Tạo anh ruột chị Qụy lẻn vào phòng thầy Quốc đổ đầy nước ướt sũng rương quần áo của giám thị. Sự ẩu đả giữa Tôn Thất Uẩn và Hoàng Tuệ lăn cù xéo nát mấy luống rau cải vì “hai con gà cồ” tức nhau tiếng gáy Ngọc Trâm. Đến đây thì chị Trâm trố mắt nói tôi không biết chuyện ấy và Tôn Thất Uẩn đỏ mặt bảo đâu có. Chuyển qua chuyện chị Trâm lấy thầy Quả và được đích người đẹp nói là tuổi trẻ quá bồng bột mà Thầy Quả thật có duyên. Những tiếng cười vang với những tràng vỗ tay bôm bốp kéo dài cho đến mười một giờ đêm thì chia tay, tiếc một đêm họp mặt mau tàn.

Sau khi hai phi công Quốc và Cử dội bom dinh Độc Lập vị Tư Lệnh đương nhiệm dẫn toàn thể sỹ quan tham mưu lên trình diện Tổng Thống tại Dinh Gia Long để nghe ông Ngô Đình Diệm đơn ca hiểu thị với giọng Huế đặc xệt mà không nhìn thẳng vào mặt cử tọa đứng cứng ngắc. Về đến Tân Sơn Nhất thì Tư Lệnh “mặt đỏ xần mũ đội lệch” cho gọi tôi vào hất hàm nói, “Đại Tá Đỗ Mậu gọi, anh đi trình diện lập tức”! Lên an ninh quân đội có nghĩa là nhìn thấy cơ nguy tra khảo đánh đập nên tôi hết sức rét. 



Nhưng không ngờ tôi lại được vị Đại Tá “mặt sắt đen xì” tiếp một cách rất thân tình và thông báo sẽ ký giấy thuận cho lên Thiếu Tá. Trở về bàn giấy ngáp ruồi văt để được Tư Lệnh dằn mặt, “Anh tưởng anh được ông Đỗ Mậu che chở mà xong hả?” thì điện thoại lại reo vang. Đầu giây bên kia Phạm Ngọc Thảo nói “moi đang theo học Anh Ngữ bên này để sửa soạn đi học tham mưu Fort Leavenworth; Cung có rảnh thì sang đây ăn cơm trưa và mình sẽ ghé qua đón”?

Đúng 12 giờ trưa Thảo lái xe Jeep qua và tôi theo anh ta qua Tổng Tham Mưu, định tâm sẽ cùng anh ghé ăn trưa tại Câu Lạc Bộ Sỹ Quan. Nhưng Thảo quẹo trái ngay khi qua cổng, đậu xe trước giẫy nhà hai từng của các Tướng. Tôi đi theo anh lên lầu, quẹo phải đến căn áp chót của Đại Tá Đỗ Mậu, kế cận căn của Trần Thiện Khiêm và anh thản nhiên mở cửa cho tôi cùng vào. 

Tôi gặp một Trung Tá lục quân lạ mặt thì được Thảo giới thiệu là Trung Tá Phạm Đăng Tấn, phụ tá của Đại Tá Đỗ Mậu. Trung Tá Tấn mở tủ lạnh đem ra bàn ăn các đồ nguội jambon-saucisse, bánh mì và xếp đặt bàn cho ba người cùng ngồi ăn. Thảo mở đầu ngay, nói về tình hình chính trị rối ren nguy hiểm và cần thay đổi để cứu vãn vì ta đang đương đầu với bọn cộng sản mưu mô và xảo quyền với tổ chức Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của chúng.



Một cuộc đảo chính đang được hình thành hầu xoay lại tình thế trước đe dọa gia tăng của cộng sản. Đại Tá Đỗ Mậu cũng như ông bên cạnh Trần Thiện Khiêm đã đồng ý và đã có nhiều đơn vị cùng các Tướng Lãnh sẵn sàng tham gia. Tôi ngồi nghe chăm chú, suy nghĩ cho bản thân đang bị trù dập bởi cánh Cần Lao. Bỗng Thảo nhìn thẳng mặt tôi hỏi, “Cung, toi phải nắm lấy Không Quân. Chỉ cần toi cho vài chiếc máy bay lên bay vè vè và đưa ra một số ít binh sỹ đứng các ngả đường huy trương thanh thế, không cần biết bắn cũng được. Đã có kế hoạch đối với Hải Quân, có thêm Không Quân thì hoàn toàn”.

Tôi nói ngay, theo tập quán trong quân chủng người chỉ huy cần phải là phi hành mà tôi chỉ là dân kỹ thuật bò sát nên không làm được. Tấn hỏi ngay, “anh có thể đề nghị một tên không”? Tấn nắm vững tình hình các sỹ quan nên đã cùng tôi duyệt đủ tên chỉ huy trong Không Quân. Nhìn đi nhìn lại, nào Võ Dinh, nào Nguyễn Ngọc Oánh, Võ Xuân Lành rồi Nguyễn Huy Ánh, Võ Công Thống, thấy chẳng ai có thể thích hợp nên tôi nẩy ý kiến đề nghị Nguyễn Cao Kỳ đang bị thất sủng mất chức chỉ huy Liên Phi Đoàn Vận Tải và có lệnh đổi ra Nha Trang làm huấn luyện viên bay. Tấn nói hay lắm và anh có thể móc nối Kỳ được không?

Tôi nói ngay sẽ cố gắng tuy nhiên sự giao hảo giửa tôi với Kỳ không tốt đẹp lắm. Tôi kể lại hồi làm với Trần Văn Hổ tôi hay mò sang đơn vị của Kỳ mỗi buổi trưa, leo lên phi cơ và rút túi chiếc mouchoir trắng tinh ra tuốt các giây cable điều khiển đuôi và bánh lái. Khi tôi thấy hầu hết các cables có các sợi nhỏ bị tưa đứt vướng các sợi chỉ trắng nên tôi đề nghị ông Hổ cho ngưng bay tất cả các C-47 chờ thay cables mới. Trong buổi họp trên bộ Tư Lệnh Kỳ nổi sùng chỉ mặt tôi nói, “kể từ nay tôi không muốn ông Đại Úy Cung leo lên phi cơ của tôi mà không có phép của tôi”. Trung Tá Hổ liền ôn tồn nói, “Ông Đại Úy Cung làm là thay mặt cho tôi”. Và Kỳ im bặt rồi từ đó chúng tôi rất lạnh nhạt với nhau. Cả Tấn và Thảo đều đồng thanh nói, “chuyện vặt mà, anh Cung cứ cố gắng”! Tôi thêm “Kỳ là một thứ Don Quichote, hùng hổ nhưng trí đoản và liều mạng. Và anh ta đang bất mãn lắm”!

Về đến nhà tôi mở tủ lấy ra một chai Johnny Walker Black Label trong số rượu quý mà học trò ngoại quốc biếu tôi và bỏ vào túi giấy. Sáng hôm sau tôi qua bàn giấy Kỳ thì thấy anh ta đang lúi húi dọn dẹp các ngăn kéo ý chừng để bàn giao cho chỉ huy trưởng mới. Tôi để túi đựng chai rượu lên bàn và nói, “Tôi có nhiều rượu quý học trò ngoại quốc biếu mà không biết uống; nay thấy anh sắp đổi nhiệm sở tôi đem sang làm quà để anh thưởng thức”. Kỳ rút chai rượu ra ngắm nghía, xiết chặt tay tôi và cám ơn.

Trưa tôi về nhà vừa sửa soạn ngồi vào bàn ăn thì xe Jeep Kỳ xịch tới. Anh ta chậm rãi bước lên thềm và ngồi vào sofa. Tôi chạy đến ngồi cạnh thì Kỳ nói, “Moa cám ơn toa cho moa chai rượu ngon. Nhưng moa thắc mắc mãi, phải đến hỏi toa có cái gì đằng sau vậy”?

Kể ra thì cũng tinh khôn thật. Tôi liền nói chuyện này rất nguy hiểm anh phải giữ kín như bưng. Kỳ gật gù và tôi kể buổi họp với Tấn và Thảo trong căn nhà của Đỗ Mậu. “Nếu anh đồng ý thì họ sẽ liên lạc phối hợp thẳng với anh. Nhưng phải hết sức kín nếu không cả anh và tôi sẽ toi mạng”! Kỳ không nói đi nói lại, chỉ xiết tay tôi thật chặt và thêm vắn tắt, “OK”!

Tôi thông báo cho Tấn và Thảo thì họ mừng lắm và Thảo bảo tôi liên lạc thường xuyên với anh tại tư gia số 51 Đường Tự Đức, căn dặn nên cẩn thận, dùng Taxi trả tiền trước đề phòng con mắt của Mật Vụ. Một lần tôi đến nhà Thảo trong một biệt thự công có lính gác. Hôm ấy vào khoảng đầu tháng Mười 1962 tôi ngồi với Thảo ở chiếc bàn gỗ dưới dàn cây leo. Thảo cho tôi biết qua loa kế hoạch, khi nổ súng thì hai chúng tôi đều mỗi người ngồi trên một xe thiết giáp của Dương Hiếu Nghĩa tiến về dinh Gia Long. Vậy tôi phải liên lạc mật thiết với Thảo để biết ngày N, giờ G và địa điểm thiết giáp. Lúc đầu dự trù vào ngày 26 tháng Mười nhưng vì kế hoạch Bravo và Anti Bravo của ông Nhu nên phải hủy bỏ.


Ông Phạm Ngọc Thảo ( Tỉnh Trưởng Bến Tre ) cùng vợ viếng thăm phim trường Universal khi đi Mỹ Năm 1962. Trong hình Ông cùng với vợ chụp chung với nữ diễn viên Sandra Dee khi đang quây bộ phim "Tammy and the Doctor".

Một hai lần khác đến tôi mới biết là Thảo đã cho vợ con qua Mỹ trước và tôi được gặp một hai cấp chỉ huy quan trọng mà tôi không nhớ tên, ăn mặc thường phục. Lần cuối cùng tôi đến nhà Thảo là sáng ngày 29 tháng Mười. Tôi mới mua một chiếc xe Morris 1100 mới toanh, đậu bãi trước Sở Thú và trả tiền bao thuê taxi đến 51 Tự Đức. Khi Taxi vừa đậu trước cổng và tôi nhận chuông thì anh lính gác mở hé lỗ vuông cổng sắt rồi nói vắn tắt “có mật vụ”. Liếc mắt qua bên kia đường thì thấy hai nhân viên nhà đèn mặc áo liền quần xanh đang lúi húi ghi chép. Tôi nhẩy phắt lên taxi về Sở Thú. Khi đi ngang một nhà có bảng SỞ XÃ HỘI PHỦ TỔNG THỐNG thì thấy bóng một xe Jeep phóng ra. Tôi vội vã lái xe mình trực chỉ Tân Sơn Nhất, vượt qua cả đèn đỏ nhưng qua kính chiếu hậu không thấy xe đuổi theo. Về đến nhà tôi lo lắng nghĩ rằng chỉ nội đêm nay hay mai chúng sẽ đến tìm mình và không dám ra khỏi cổng Phi Long, vợ con chẳng biết mô tê gì hết!

Bởi vậy khi nổ súng tôi đã không có mặt trên xe thiết giáp chỉ định mà tôi ngồi ở bàn giấy thường lệ, hai chân gác lên mặt bàn thoải mái, với một cái radio nhỏ vặn vừa nghe. Mấy sỹ quan Không Quân có lẽ cho rằng tôi là người biết chuyện, luôn ghé lại hỏi thăm tình hình. Độ bốn giờ sáng thì Nguyễn Cao Kỳ ghé qua với bốn năm thủ túc súng ống đầy mình. Họ đều mặc quần áo bay xám, riêng Kỳ trưng một bộ màu cam của Hải Quân Mỹ. Kỳ nói với tôi bằng một dọng khẩn cấp, “Cung, toa ở đây lo Không Quân để moa đi bắt thằng Hiền rồi thằng Sang”. Huỳnh Hữu Hiền mới được bổ nhiệm thay Nguyễn Xuân Vinh đi Mỹ còn Phạm Ngọc Sang thì luôn luôn lái máy bay cho Tổng Thống. Cả hai đều là người Nam, tính tình hiền lành vô sự. Tôi tự nghĩ mình lo Không Quân thế quái nào được, chẳng có đàn em thân tín nào mà cũng chưa bao giờ đụng đến súng.

Hơn nữa tên Tham Mưu Trưởng Đỗ Khắc Mai, Cần Lao Gộc sờ sờ ra đấy mà Kỳ đã vô tâm không cô lập. Bởi vậy trong lúc nhốn nháo Mai điện thoại cho các Tướng phúc trình, “Thưa Không Quân yên tĩnh, em chu toàn mọi viêc ở đây”. Do đó các Tướng làm lệnh cử Mai Tư Lệnh Không Quân và Kỳ bị hất cẳng. Ngay hôm sau có giấy Đỗ Mậu gửi sang thăng cấp Đại Tá cho tôi vì có công với cách mạng. Mai đưa tôi xem rồi xin để Không Quân đề nghị lên hầu giữ hệ thống chỉ huy. Ngay hôm sau có lệnh cho Mai đi Tùy Viên Quân Sự ở Bonn, Kỳ nắm lấy Tư Lệnh Không Quân và sự việc bị chôn vùi. Tôi chẳng để ý gì cái vặt ấy vì trong thâm tâm chỉ muốn xuất ngũ. Hơn nữa mình đâu có nghĩ là có công cán gì với cách mạng? Khi Tướng Đỗ Mậu được chỉ định chức Ủy Viên Văn Hóa cho gọi tôi và Thảo lên làm việc với ông ta, tôi cũng lờ như không biết.

Tình hinh chính trị Sài Gòn trở nên lộn xộn khi các Tướng trong Hội Đồng Quân Lực chia chác quyền hành và thi nhau gắn lon gắn sao cho đồng bọn. Cái bát nháo này làm cho Mỹ điên đầu và Hà Nội thấy cơ hội ngàn năm một thuở đã đến. Trong thời kỳ này Nguyễn Khánh đã bứng Trần Thiện Khiêm đi làm Đại Sứ tại Washington đem theo tùy viên báo chí Phạm Ngọc Thảo. Nguyễn Khánh cho lệnh gọi Thảo về nhưng Khiêm đã lo giấy tờ cho Thảo đi Hồng Kông rồi bí mật quay về Sài Gòn qua ngã Nam Vang liên lạc với Lâm Văn Phát tổ chức đảo chính.

Nguyễn Khánh đã thoát nạn nhờ Nguyễn Cao Kỳ lái C-47 bốc đi Vũng Tầu trước khi Kỳ bay về Biên Hoà trong căn cứ không quân cấm trại nghiêm ngặt. Tại đây một phòng Hành Quân Đặc Biệt được thiết lập và trên không phận một phi tuần AD-6 bao vùng ầm ì trên không trung. Rồi Phạm Văn Liễu đi với Tướng cố vấn Không Quân Roland chở Lâm Văn Phát trên một chiếc C-123 của Mỹ đáp xuống Biên Hòa để điều đình. Anh hề Nguyễn Khánh bị Hội Đồng Quân Lực chỉnh lý cho làm Đại Sứ Lưu Động đi không biết ngày về mang theo một túi plastic đựng bụi đất Việt Nam.

Đêm hôm ấy căn cứ không quân Tân Sơn Nhất lại cấm trại trăm phần trăm. Tôi với Nguyễn Tấn Hồng mặc quân phục lái xe Jeep ra phố vắng tanh qua các chốt gác đến nhà Bùi Diễm trên đường Charner thì biết cả Diễm lẫn Đặng Văn Sung và Nguyễn Đình Tú đã ẩn trốn trên trần nhà. Lâm Văn Phát đi trốn bị Tòa Án Quân Sự xử tử hình khiếm diện và Phạm Ngọc Thảo bị tâm nã gắt. Tuy nhiên có một sự điều đình để Tòa bỏ vụ án Lâm Văn Phát.

Khi ấy tôi đang làm Đổng Lý Văn Phòng cho Tổng Trưởng Thanh Niên Nguyễn Cao Kỳ trong chính phủ Trần Văn Hương. Tổng Trưởng Kỳ chì đến bộ đúng một lần bằng trực thăng đáp xuống sân cỏ bộ dưới sự vỗ tay thán phục của công chức nam nữ. Tổng Trưởng cũng không thèm đi họp hội đồng nội các và Đổng Lý thay thế để nhìn thấy Thủ Tướng lẩm cẩm trong khi Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Oánh ngồi dũa móng tay lơ đãng.

Môt buổi sáng vào khoảng 9 giờ, có một em bé độ mười lăm đến bộ xin gặp tôi. Khi được đưa vào bàn giấy tôi, cô bé ấy đưa cho tôi một bức thư nhỏ viết tay nói là của ông Phạm Ngọc Thảo, “Nhờ Cung liên lạc với ông chủ giúp đỡ và em bé có thể cho biết số điện thoại và chỗ của tôi”. Tôi biết danh từ ông chủ ám chỉ Nguyễn Cao Kỳ. Tôi hỏi cô bé thì biết là Thảo hiện ẩn trốn trên trần tiệm bán đồ thể thao Émile Bodin ở đường Bonard. Tôi quay số điện thoại mà cô bé cho tôi thì Thảo trả lời bóng gió, “Tôi ở miệt vườn lên đây. Độ này thất bát quá, gạo khan hiếm nên nhà máy chỉ chạy cầm chừng. Tôi bị đau mắt chói lắm, đầu tóc lo nghĩ bạc phơ nên trông kỳ lắm. Ông có rảnh thì chở tôi lên ông chủ xin giúp đỡ cho qua lúc nầy. Nếu được thì xin ông đón tôi lúc 1 giờ hôm nay ở Givral”!


                    Đại tá Phạm Ngọc Thảo (người ngồi) trong ngày đảo chính 19/2/1965.


Tôi hiểu ra là Thảo ngụy trang đeo kính đen đàu đội mũ tùm hụp. Tuy nhiên vừa lúc ấy có tin là chính phủ dân sự Phan Huy Quát đã thành hình mà ông Quát là chỗ đàn anh thân tình và đứng đắn nên tôi đắn đo suy nghĩ mình có nên tiếp tay phá thối nữa không? Bởi vậy tôi đã không đến điểm hẹn Givral. Về sau có tin là Thảo đã mò về khu vực họ đạo Hố Nai rồi bị an ninh mai phục bắn vỡ hàm tưởng chết bỏ nằm trên bờ suối. Thảo tỉnh lại viết lên cát “xin gọi Phan Xi Cô cứu” và được một linh mục đem về chăm nom. Rồi an ninh đến chở bằng trực thăng về cơ quan, tra tấn tàn nhẫn. Nghe nói Thiếu Tá Nguyễn Mộng Hùng tức Hùng Xùi, một Biệt Động Quân được Nguyễn Ngọc Loan xin biệt phái qua Cảnh Sát, không ưa cái mắt lác của Thảo mà tra khảo và bóp dái đến chết tuốt.

Tôi vừa được Yung Krall tức Đặng Mỹ Dung cho biết là khi cô ta lên Sài Gòn có đến thăm ông Thảo tại nhà gần Sở Thú. Rồi khi bà Thảo và các con đi Mỹ thì cô Kim chị của Dung cũng được đi Mỹ và đã lần hồi tới gặp bà Thảo xin một chỗ dậy tiếng Việt tại Fort BlissEl Paso Texas. Lúc ấy ông Thảo đã bị giết rồi. Năm 1997 Yung Krall có đến thăm bà Thảo cùng gia đình ở Escondido và bà còn giữ mối hận thù nói rằng, “Thằng giết chồng tôi, tôi và con cái sẽ tìm để giết nó”! Mỹ Dung cố khuyên giải, “Nên để cho các em sống bình an; bác trai làm chính trị mà chính trị thì tàn ác mưu mô nhiều lắm”, nhưng bác gái một mực vẫn căm thù không đội trời chung.

Theo tôi suy nghĩ thì câu chuyện xẩy ra đã lâu quá rồi. Đống tro tàn nguội lạnh từ lâu có lẽ cũng lần hồi cuốn theo chiều gió. Vả lại bà Thảo nay cũng lớn tuổi mà lại vừa trải qua một trường hợp giải phẫu thập tử nhất sinh. Thôi thì ân chưa trả, oán chưa báo cũng nên phú cho số mệnh!

Bây giờ nghĩ lại tôi thấy hối hận. Nếu tôi đến đón Thảo tại Givral chở gặp Nguyễn Cao Kỳ thì chắc là Thảo chưa chết thảm. Tuy nhiên con người ta thay đổi vì hoàn cảnh, Kỳ đang say sưa trong vị trí mới chắc đâu sẽ làm gì cho Thảo. Mà tôi lại bị mắc kẹt vào một hoàn cảnh khó khăn không lường đuợc, trong thời kỳ Sài Gòn bát nháo với các Tướng Tá kèn cựa, tiêm nhiễm ích kỷ và tham vọng. Thì hãy đổ cho số phận vậy!



Tôi vẫn không cho Thảo là cộng sản nằm vùng mặc dầu sau khi chúng chiếm được Sài Gòn chúng đã dàn dựng tuyên dương anh là anh hùng nhân dân như chúng đã từng dàn cảnh mọi việc có lợi cho bài bản tuyên truyền của chúng, theo đúng sách vở của Marx, “la fin justifie le moyen và mentez mentez toujours et les gens finiront par le croire”. Tuy nhiên có lẽ ý kiến của tôi là do những cảm nhận chủ quan riêng mà tôi dành cho anh trong những tiếp xúc lúc còn trẻ. Và theo lời kể lại của Nguyễn Trung Trinh hiện ở Paris thì vào cuối năm 1946 Trinh gặp Thảo ở Thị Nghè lúc anh đang chỉ huy một tiểu đội phục kích Pháp. Thảo dụ Trinh nhập bọn đánh Tây nhưng khi thấy bạn do dự thì anh nói ngay, “Moa biết toa có nhiều quen biết phía bên kia; vậy toa cứ đi công chuyện của toa và chúng mình vẫn là anh em bạn thân nhé”! Thật là trung hậu và quảng đại!

Hơn nữa nếu anh là một điệp viên nhị trùng quý báu của Hà Nội thì tại sao họ không cứu anh ra bưng để khai thác thêm tin tức. Ngay khi anh về trú ẩn tại Hố Nai thì con đường về mật khu thật là gần xịt, tại sao anh không dọt lẹ để bị bắn và bắt giết. Một yếu tố nữa là anh đã cho vợ và sáu con nhỏ qua Hoa Kỳ trước? Bảo vệ gia đình mình tại một nơi chốn tự do xa lánh hẳn môi trường xã hội chủ nghĩa mà anh đã cho là không thích hợp? Hoặc giả vì anh đã bỏ bên kia hồi chánh nên không dám trở về bưng để bị các đồng chí cũ xử giảo thảm khốc? Hơn nữa ngay cả Bác Sỹ Trần Kim Tuyến sau này cũng nói ông không tin là Thảo trá hàng. Tất cả chỉ là những suy nghĩ vẩn vơ không có một dữ kiện xác thực chứng minh. Nhưng trong cõi đời này có cái gì là hoàn toàn thực chất đâu, Đức Phật đã chẳng giảng là “sắc sắc không không” hay sao?

Prunedale, 15 December 2006
Trần Đỗ Cung