Trang

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Vì sao không gọi là "hải chiến" khi viết về cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988?


Một cuộc chiến đấu hòan toàn không cân sức, hoàn toàn không tuân theo bất cứ quy ước của bất kỳ một cuộc hải chiến nào. Giũa một bên không hề có tàu chiến, chủ yếu chỉ là các chiến sỹ công binh trong tay chỉ có dụng cụ xây dựng và một bên là cả một hạm đội tàu chiến đầy đủ trang bị vũ khí, đạn dược và lính thủy đánh bộ, trong đó có cả tàu hộ vệ tên lửa và pháo hạm 100 ly... Thế nhưng, những người lính công binh Hải quân Việt Nam đã trở thành anh hùng sống mãi trong lòng dân tộc. Vì họ  không chỉ lập nên một kỳ tích hiển hách là khẳng định, bảo vệ thành công chủ quyền của người Việt Nam trên hầu hết các đảo trong cuộc chiến. Họ đã chiến đấu tới người cuối cùng để giữ đảo bằng chính vũ khí mạnh mẽ, và hầu như duy nhất đó là lòng yêu nước và máu của chính mình. Họ đã viết nên một trang sử đầy bi tráng nhưng hào hùng, tiếp nối tinh thần bất khuất chống xâm lược của bao nhiêu đời tổ tiên người Việt trên dãy đất và trên những vùng biển quen thuộc này.

Năm 2011 khi thực hiện loạt bài “Những chứng cứ và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa vàTrường Sa”, tôi nhận được rất nhiều ý kiến góp ý, động viên và hỗ trợ cho công tác tư liệu của rất nhiều bạn đọc. Họ là những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, họ cũng là những độc giả bình thường từng là nhân chứng trực tiếp hay gián tiếp của những cuộc chiến liên quan tới việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta tại Hoàng Sa và Trường Sa. Tất cả những sự hỗ trợ đó đều hết sức vô tư, khách quan và  đặc biệt là rất nhiệt tình. Nhờ đó mà chúng tôi đã hoàn thành được có thể nói là tốt nhất nhiệm vụ của mình trong loạt bài báo đáng ghi nhớ đó trên Đại Đoàn Kết.

Riêng với bài “Trận chiến bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988” đăng trên báo Đại Đoàn Kết ngày 8/7/2011. Tôi nhận được khá nhiều ý kiến thắc mắc vì sao không gọi cuộc chiến đấu anh dũng này của các chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam là một cuộc “hải chiến”, như cuộc Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 chẳng hạn?

Quả thật là tôi đã từng cân nhắc rất nhiều để gọi tên cuộc chiến này cho chính xác, lột tả đầy đủ nhất tinh thần dũng cảm, bất khuất của các chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày 14/3/1988 trên vùng biển Trường Sa. “Vòng tròn bất tử” có thể được coi là một trong những hình ảnh mang tính biểu trưng diễn tả đầy đủ nhất thực tế, bản chất của cuộc chiến mà ttong đó tinh thần yêu nước được thể hiện bằng sự dũng cảm, quên mình của những người lính hầu như chỉ có trái tim và ý chí sắt đá là vũ khí quan trọng nhất để bảo vệ lá cờ của Tổ quốc mãi mãi tung bay trên vùng hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam đang có  nguy cơ bị xâm chiếm bởi một lực lượng hải quân hùng mạnh đầy đủ trang bị của quốc gia láng giềng.

Chỉ có thể gọi là một cuộc hải chiến khi mà lực lượng của hai bên tuy có thể chênh lệch nhau về trang bị vũ khí, về quân số nhưng ít ra mỗi bên cũng đều phải có tàu chiến, cùng các trang bị tương xứng cho việc tác chiến trên biển như đại bác, tên lửa... Theo định nghĩa của Wikipedia: “Tàu chiến  hay chiến hạm, chiến thuyền, là loại tàu được đóng để dùng cho chiến đấu. Tàu chiến thường được đóng theo cách hoàn toàn khác với tàu chở hàng. Ngoài việc được trang bị vũ khí, tàu chiến được thiết kế để chịu thiệt hại và thường chạy nhanh hơn và di chuyển linh động hơn tàu chở hàng. Không như tàu chở hàng, tàu chiến thường chỉ chở vũ khí, đạn dược và quân nhu cho thủ thủy đoàn của chính nó”.

Cuộc chiến đấu anh dũng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của các chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa năm 1974, dù không cân sức, dù phải triệt thoát khỏi vùng quần đảo này và bị Trung Quốc xâm chiếm, nhưng trận chiến đó mang đầy đủ tính chất của một cuộc hải chiến. Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã giáng những đòn đích đáng chỉ với đội hình tàu chiến tuy ít ỏi hơn, lạc hậu và trang bị thiếu nhưng đã gây ra nhiều thiệt hại cho phía Trung Quốc trước khi rút lui khỏi vùng biển này.

Tham gia trận chiến ngày 14/3/1988 trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam phía Trung Quốc đã huy động lực lượng của hai hạm đội, tăng số tàu hoạt động thường xuyên ở khu vực này lên đến khoảng 12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn. Trong khi phía Việt Nam chỉ có ba tàu vận tải HQ-604, HQ-605, HQ-505 với lực lượng chủ yếu trên ba tàu này là các chiến sĩ thuộc Trung đoàn Công binh Hải quân Việt Nam (E83) quân số 70 người và 4 tổ chiến đấu. Phía Việt Nam không có tàu chiến đúng nghĩa, không có trang bị vũ khí có khả năng tác chiến trên biển trong các cuộc hải chiến theo quy ước. Nhiệm vụ của các chiến sỹ công binh Hải quân Việt Nam chủ yếu là xây dựng cơ sở để đồn trú trên các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vì thế, trang thiết bị của họ cũng chủ yếu là các dụng cụ xây dựng cùng với vật liệu xây dựng.

Rõ ràng người Việt Nam không hề chuẩn bị cho một cuộc "hải chiến". Các chiến sỹ công binh Hải quân Việt Nam chỉ nhận lệnh đi làm nhiệm vụ xây dựng hạ tầng để người lính Việt Nam có thể đồn trú lâu dài trên những hòn đảo thuộc chủ quyền của mình. Điều đó là chuyện đượng nhiện, bình thường phù hợp với luật pháp quốc tế, không hề có sự tranh chấp hay gây chiến với ai. Sự chuẩn bị chiến đấu chỉ giới hạn ở mức các tổ chiến đấu để tự vệ (với bọn cướp biển chẳng hạn) là chính, không phải để đối đầu với bất cứ một lực lượng hải quân chính quy nào.

Hãy nghe người trong cuộc kể lại sự thật lịch sử mà họ đã chứng kiến. “Người chiến sĩ hải quân trẻ Nguyễn Văn Lanh lúc ấy có mặt trên chiếc tàu HQ-604 do đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng cùng với lữ đoàn phó 146 Trần Đức Thông. Đêm 13-3, gió mùa đông bắc thổi mạnh, mây mù che kín bầu trời làm mặt biển tối đen như mực. Anh Lanh cùng các đồng đội hạ xuồng vận chuyển vật liệu xây dựng lên đảo chìm Gạc Ma. Còn việc bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng, khẳng định chủ quyền VN do tổ của thiếu úy Trần Văn Phương đảm nhiệm. Họ phải dùng xà beng đục xuống rạn san hô Gạc Ma để cắm vững thân cờ Tổ quốc. Trên đảo Cô Lin cách đó không xa, cờ chủ quyền cũng phần phật tung bay ở cả hai đầu đảo. Trung tá Trần Đức Thông yêu cầu cán bộ, chiến sĩ cứ tập trung nhiệm vụ, mặc kệ tàu chiến TQ đang lảng vảng quanh đó. Rạng sáng hôm sau, tức ngày 14-3-1988, khi mọi người chưa kịp dùng bữa sáng thì các tàu chiến TQ áp sát. Đó là các biên đội tàu chiến thật sự với hỏa lực mạnh, trong khi các tàu VN chỉ là loại hải vận để chở binh sĩ, vật liệu xây dựng, lương thực tiếp tế cho các đảo chứ không phải tàu chiến. Đặc biệt, đa số chiến sĩ trên tàu VN là công binh làm nhiệm vụ xây dựng đảo chứ không phải lính chiến đấu. Trước tình hình không cân sức này, các thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ, Lê Lệnh Sơn và lữ đoàn phó Trần Đức Thông truyền đạt mệnh lệnh: kiên cường giữ vững nhiệm vụ, tất cả sẵn sàng chiến đấu để giữ vững chủ quyền. Tình hình càng lúc càng diễn biến căng thẳng hơn. Tại bãi Gạc Ma, thủy triều buổi sáng đã dâng cao hơn, nhưng nhóm bảo vệ ngọn cờ chủ quyền của thiếu úy Trần Văn Phương vẫn kiên cường trụ vững trên bãi san hô. Rồi chuyện gì đến đã đến: quân TQ đổ bộ xâm chiếm đảo...“ (trích báo Tuổi Trẻ).

Lính thủy đánh bộ của Trung Quốc sau nhiều đợt tấn công lên chiếm đảo  bị các chiến sỹ Hải quân Việt Nam đẩy lui. Chúng liền rút hết về tàu và sử dụng ưu thế hỏa lực tầm xa của các chiến hạm như pháo 100 ly,  37 ly nã đạn như mưa vào đội hình công binh Việt Nam trên đảo đang ra sức giữ vững ngọn cờ Tổ quốc và bắn trực diện vào các tàu vận tải của hải quân Việt Nam không có trang bị vũ khí tương xứng. 

Nếu có dịp xem lại đoạn video (có lẽ do phía Trung Quốc ghi lại và phát hành) về trận mưa pháo của Trung Quốc lên đội hình công binh Việt Nam chủ yếu trong tay chỉ có dụng cụ xây dựng thì sẽ  thấy rõ  hơn hành động dã man của hải quân Trung Quốc, vi phạm các quy ước chiến tranh là bắn xối xả đạn pháo vào những chiến sỹ công binh không có vũ khí để chống trả, không có công sự để trú ẩn... Những người chỉ huy trận đánh của phía Trung Quốc tất nhiên hiểu rất rõ tình huống này. Có thể nói một cách rành mạch rằng đây chính là một cuộc thảm sát đúng hơn là một trận đánh theo cách hiểu thông thường trong chiến tranh. Những kẻ có hành vi thảm sát trong chiến tranh là vi phạm công ước quốc tế, có đầy đủ khả năng để đưa chúng ra trước một tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh.

Trong trường hợp cụ thể của trận chiến ngày 14/3/1988 trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam thì bọn chúng không chỉ là tội phạm chiến tranh thông thường mà còn là những kẻ xâm lược, xâm chiếm vùng biển thuộc chủ quyền lâu đời của Việt Nam đã được quốc tế thừa nhận.

“Cuộc chiến bảo vệ ba đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao ở Trường Sa của những người lính Công binh Hải quân Nhân dân Việt Nam vào ngày 14 tháng 3 năm 1988 có một ý nghĩa lịch sử to lớn mang tầm vóc quốc gia và khu vực.

Một là, qua cuộc chiến này những người lính Việt Nam đã chứng minh rằng Việt Nam có đủ sức mạnh vật chất và tinh thần để bảo vệ chủ quyền của tổ quốc mình ở quần đảo Trường Sa. Chỉ với các phương tiện quân sự cũ kỹ và lạc hậu, nhưng với lòng quả cảm vô biên, những người lính hải quân của Việt Nam đã bảo vệ được chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên hai đảo Cô Lin và đảo Len Đao; chỉ chịu mất đảo Gạc Ma sau khi người lính cuối cùng ngã xuống trên đảo này.

Hai là, chiến công của những người lính Việt Nam trong trận đánh ngày 14 tháng 3 năm 1988 đã đóng góp quan trọng cho việc ngăn chặn bước tiến bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, bước đầu làm nhụt đi ý chí dùng vũ lực để độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, góp phần giữ được cục diện trên khu vực biển này như ngày nay.

Như vậy, sự hy sinh của những người lính Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ Trường Sa không phải là vô ích. Họ không chỉ lập nên một kỳ tích quân sự hiển hách. Họ đã dùng máu của mình để viết nên một trang chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Họ không chỉ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc mình trên biển, mà còn góp phần giữ gìn sự bình yên cho cả khu vực Biển Đông. Họ là những người anh hùng, sống mãi trong lòng nhân dân” – (Trích nhận định từ biendong.net).

5 nhận xét:

  1. Ít ai để ú đến điều này, có lý khi không gọi là "hải chiến". Cảm ơn Hữu Nguyên, xin đăng lại

    Trả lờiXóa
  2. Một lễ kỹ niệm nhỏ nhoi để ấm lòng những người đã anh dũng Hy sinh và yên lòng những chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc mà sao chờ mỏi mòn bao nhiêu năm vậy. Thật buồn thay...

    Trả lờiXóa
  3. Một lễ tưởng niệm cho các chiến sĩ chống quân xâm lược (hải chiến 1974, biên giới Tây nam và Bắc 1979, 1988) tại sao không? Để cho nhân dân trong nước và nhân dân Trung quốc nhận ra bản chất xấu xa của các cuộc chiến phi nghĩa của bọn bày ra chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã từng xảy ra trong quá khứ: Pôn-pốt, Đặng Tiểu Bình...

    Trả lờiXóa
  4. Ngàn đời sau Tổ Quốc còn nguyền rủa
    Lũ độc tài bán Nước buôn dân
    Xem mạng người như là cỏ rác
    Lấy giang san đất Việt chúng chia phần!

    Trả lờiXóa
  5. Đọc xong thấy run hết cả tứ chi. Không biết mình bây giờ là chó hay là người nữa. Nhưng là người mà có thể ngồi nhìn thế ư?

    Trả lờiXóa