Trang

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Ông Đinh Đức Lập lợi dụng báo Đại Đoàn Kết tổ chức xét trao giải thưởng cho doanh nghiệp vi phạm hàng loạt quy định của Thủ tướng Chính phủ

Những sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết [7]

Bài 07:

Ông Đinh Đức Lập lợi dụng báo Đại Đoàn Kết tổ chức xét trao giải thưởng cho doanh nghiệp vi phạm hàng loạt quy định của Thủ tướng Chính phủ


Cụ thể là chương trình trao giải thưởng cho doanh nghiệp dưới hình thức Cúp “Tự hào Thương hiệu Việt lần thứ 2” - năm 2011 do ông Đinh Đức Lập chủ trì đã có nhiều hành vi làm trái tinh thần Công văn số 5089/VPCP-TCCV ký ngày 28/7/2011 của Văn phòng Chính phủ, vi phạm nghiêm trọng hàng loạt các quy định trong Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp được ban hành theo Quyết định 51/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 28/7/2010 [xem Quy chế ở đây].


Chương trình tôn vinh doanh nghiệp và trao giải thưởng Cúp “Tự hào Thương hiệu Việt” là một trong những “sáng kiến” của tổng biên tập Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết, “ăn theo” cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị chủ trương. Báo Đại Đoàn Kết do ông Lập chủ trì đã tổ chức trao Cúp cho doanh nghiệp được 2 lần: Lần 1 vào ngày 7/8/2010; Lần 2 vào ngày 30/7/2011.

Chương trình trao Cúp lần thứ 2 diễn ra vào ngày 30/7/2011 hoàn toàn rơi vào thời gian thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế kèm theo Quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp. Thế nhưng việc tổ chức chương trình lần thứ 2 này của ông Đinh Đức Lập đã vi phạm hàng loạt các quy định của Thủ tướng Chính phủ.
                                                               
Cụ thể là chương trình trao giải thưởng cho doanh nghiệp dươi hình thức Cúp “Tự hào Thương hiệu Việt lần thứ 2” - năm 2011 do ông Đinh Đức Lập chủ trì đã có nhiều hành vi làm trái tinh thần Công văn số 5089/VPCP-TCCV ký ngày 28/7/2011 của Văn phòng Chính phủ  và vi phạm nghiêm trọng hàng loạt các quy định trong Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhânvà doanh nghiệp được ban hành theo Quyết định 51/2010/QĐ-TTg của Thủ tướngChính phủ ký ngày 28/7/2010.



Theo quy định tại khoản 2, điều 5 của Quy chế 51, một cơ quan như báo Đại Đoàn Kết không đủ thẩm quyền để đứng ra tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân,  doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc. Trong trường hợp này cấp có đủ thẩm quyền phải là UBTUMTTQVN.

Quy chế này nghiêm cấm các hành vi huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng. Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp được trao “Cúp Tự hào Thương hiệu Việt” của báo Đại Đoàn Kết đều phải chi ra cho ban tổ chức một khoản tiền, hoặc  hiện vật không nhỏ.

Quy chế này cũng nghiêm cấm việc lập hồ sơ không trung thực để đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng; Nghiêm cấm tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Điều đáng nói là tổng biên tập Đinh Đức Lập mặc dù biết là làm trái pháp luật, vi phạm quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành song vẫn cố tình vi phạm. Việc làm này chẳng những không mang lại thêm uy tín cho báo Đại Đoàn Kết mà còn gây ra nhiều dư luận không tốt xung quanh việc trao Cúp cho nhiều doanh nghiệp không xứng đáng. Do vậy, hậu quả nhãn tiền là có doanh nghiệp vừa nhận cúp xong là phá sản, hoặc có doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp đang trong giai đoạn nhạy cảm, bị công luận đang phanh phui nhiều vấn đề tiêu cực, bị cơ quan chức năng kết luận vi phạm pháp luật như là có hành vi trốn thuế, gian lận tài chính chẳng hạn...

Nghiêm trọng hơn nữa là chỉ trước khi diễn ra lễ trao cúp lần thứ 2 ngày 30/7/2011, việc tổ chức chương trình “Tự hào thương hiệu Việt lần thứ II”  mới được sự đồng ý theo tinh thần tại Công văn số 5089/VPCP-TCCV ngày 26/7/2011 của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, và cũng căn cứ vào quy định của quy chế của Chính phủ việc tổ chức chương trình này được giao cho UBTƯMTTQVN chứ không phải cho báo Đại Đoàn Kết. Đương nhiên quy trình, thẩm quyền và nội dung tổ chức, triển khai thực hiện chương trình này cũng phải đảm bảo đúng với các quy định được ban hành kèm theo Quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ chứ không thể tùy tiện theo kiểu “chém trước tâu sau” như ông Lập đã làm.

Tuy nhiên, lợi dụng công văn của Văn phòng Chính phủ, tổng biên tập Đinh Đức Lập đã qua mặt cấp chủ quản là UBTƯMTTQVN làm biến tướng chức năng chương trình “Tự hào thương hiệu Việt lần thứ II” khi vẫn tiếp tục tự ý thực hiện thành việc tổ chức chương trình tôn vinh danh hiệu - trao giải thưởng dưới hình thức “Cúp Tự hào thương hiệu Việt” như phương án đã định sẵn từ trước.

Tức là báo Đại Đoàn Kết vẫn giữ vai trò là nhà tổ chức chính (trong đó tổng biên tập Đinh Đức Lập kiêm luôn Trưởng Ban tổ chức) mà không hề tuân thủ theo quy định nhà tổ chức phải thuộc thẩm quyền của MTTQVN. KHi có dư luận phàn nàn về việc báo Đại Đoàn Kết tổ chức các chương trình tốn kém, không hiệu quả mà còn gây nhiều tai tiếng, lãnh đạo MTTQVN có yêu cầu báo Đại Đoàn Kết giải trình thì được tổng biên tập Đinh Đức Lập báo cáo là hầu hết các chương trình (trong đó có chương trình trao Cúp “Tự hào Thương hiệu Việt” đều bị lỗ). Điều này chứng tỏ, báo Đại Đoàn Kết là nhà tổ chức còn nhiều vị lãnh đạo MTTQVN cũng như các đơn vị chức năng của UBTƯMTTQVN không hề được tham gia, không có thông tin, nói tóm lại hầu như không hay biết gì về công tác tổ chức cũng như thu chi tài chính.

Ông Đinh Đức Lập ngang nhiên sử dụng báo Đại Đoàn Kết tiến hành tổ chức việc xét trao giải thưởng, tôn vinh thương hiệu bằng hình thức Cúp cho doanh nghiệp là cố tình làm trái quy định của Chính Phủ. Việc làm này của TBT Đinh Đức Lập đã đặt UBTƯMTTQVN vào tình thế phải chấp nhận một chuyện đã rồi. Đáng tiếc là “chuyện đã rồi” này lại gây nên quá nhiều tai tiếng, do đó cũng đã góp phần làm ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín chính trị của MTTQVN.

Trong quá trình tổ chức chương trình trao Cúp “Tự hào Thương hiệu Việt lần 2 – 2011”, ông Đinh Đức Lập đã thực hiện các hành vi sai trái, vi phạm quy chế của Chính phủ cụ thể như:

1. Mập mờ danh nghĩa của ban tổ chức (báo Đại Đoàn Kết hay UBTƯMTTQVN) nhằm lợi dụng vị trí của UBTƯMTTQVN vì theo quy chế báo Đại Đoàn Kết không được quyền tổ chức các giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp như chương trình Cúp “Tự hào Thương hiệu Việt” mà ông Lập đang chủ trì;

2. Lập hồ sơ không trung thực (không hề có sự bình chọn nào của bạn đọc như điều lệ của giải thưởng); Tổ chức công bố thông tin hàng chục ngàn bạn đọc bình chọn không có thật - lừa đảo bạn đọc và các cơ quan hữu quan, trong đó có cả UBTƯMTTQVN;

3. Thu tiền, vật chất của chính các doanh nghiệp được trao cúp là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định trong QĐ 51 của Thủ tướng Chính phủ, khiến dư luận xôn xao có hiện tượng “bán cúp lấy tiền”.

Mập mờ danh nghĩa ban tổ chức:

Theo Quy chế ban hành theo Quyết định 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 thì cơ quan có chức năng tổ chức các chương trình như Cúp Tự hào Thương hiệu Việt 2011 phải là “Cơ quan trung ương vủa tổ chức chính trị - xã hội”... Trong trường hợp này phải là UBTƯMTTQVN, báo Đại Đoàn Kết không đủ thẩm quyền để tổ chức một chương trình như thế này theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Do vậy, khi Văn phòng Chính phủ có công văn số 5089/VPCP-TCCV ngày 26/7/2011 thông báo ý kiến Thủ tướng về việc tổ chức thực hiện “Chương trình tự hào thương hiệu Việt lần thứ II” đã gởi cho Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, không gởi cho báo Đại Đoàn Kết.

Thế nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình này, ông Đinh Đức Lập cùng ban tổ chức do báo Đại Đoàn kết tự lập ra luôn mập mờ về danh nghĩa của ban tổ chức. Khi thì là Báo Đại Đoàn Kết cùng các báo khác, Bộ Công thương... hợp tổ chức. Khi thì thực hiện sự chỉ đạo của Ban thường trực  Trung ương MTTQVN, báo Đại Đoàn kết đứng ra tổ chức... Khi thì “Chương trình “Tự hào thương hiệu Việt 2011” do UBTƯMTTQVN, báo Nhân Dân, Đài truyền hình VN, báo Đại Đoàn Kết và các cơ quan quản lý, đơn vị truyền thông, đơn vị nghệ thuật tổ chức...” (theo bài đăng trên trang 3, báo ĐĐK số 150, ra ngày 24/6/2011). Cũng trong bài này, có đăng tấm hình ông Đinh Đức Lập chú thích là Trưởng Ban tổ chức.




Cuối cùng thì vẫn không rõ, về mặt thủ tục và hồ sơ còn lưu giữ liên quan tới chương trình này thì ai mới thực sự là người đứng ra tổ chức? Tổng biên tập Đinh Đức Lập được ai, cấp nào quyết định cho làm Trưởng Ban tổ chức Chương trình xét giải thưởng và trao Cúp Tự hào thương hiệu Việt 2011?

Lập hồ sơ không trung thực (không hề có sự bình chọn nào của bạn đọc như điều lệ của giải thưởng); Tổ chức công bố thông tin bạn đọc bình chọn không có thật - lừa đảo bạn đọc và các cơ quan hữu quan, trong đó có cả UBTƯMTTQVN.

Trong hầu hết các báo cáo, phát biểu trong giai đoạn chuẩn bị, tuyên truyền và họp báo về chương trình Tự hào Thương hiệu Việt 2011, Ban tổ chức mà cụ thể là ông Trưởng ban tổ chức tổng biên tập Đinh Đức Lập nhiều lần phát biểu báo Đại Đoan kết đã tổ chức một cuộc bình chọn rộng rãi cho bạn dọc của báo trong cả nước, có hàng chục ngàn phiếu bình chọn đã gởi về cho ban tổ chức.

Cụ thể, ngay trong bài báo tường thuật về buổi họp báo chương trình Tự hào Thương hiệu Việt 2011 đăng trên báo Đại Đoàn Kết số 180 ra ngày 29/7/2011 (một ngày trước khi diễn ra lễ trao cúp tại nhà hát TP. Hà Nội đêm 30/7/2011) trên trang 4 tác giả bài báo CT (tức Cẩm Thúy) khẳng định: “Báo tổ chức cuộc bình chọn Tự hào Thương hiệu Việt cho bạn đọc  của báo với những tiêu chí rõ ràng. Kết quả từ hàng chục ngàn phiếu bình chọn gửi trực tiếp tới tòa soạn và từ thư điện tử cho gần 100 sản phẩm và thương hiệu Việt”...


         
Sự thật là Ban tổ chức chưa hề tổ chức được một cuộc bình chọn nào với sự tham gia của hàng chục ngàn phiếu bình chọn của bạn đọc như báo cáo trong buổi họp báo mà bài viết trên báo ĐĐK đăng lại. Thực tế chỉ có vài ba phiếu bình chọn gởi về tòa soạn và rơi vào quên lãng. Việc đưa ra thông tin có hàng chục ngàn phiếu bình chọn của bạn đọc gởi về  là sai sự thật,  mang tính chất giả mạo hồ sơ xét chọn giải thưởng (trên thực tế Chính phủ không hề cho phép chương trình này được xét trao giải thưởng với hình thức là Cúp Tự hào Thương hiệu Việt) không trung thực với các nhà doanh nghiệp, với bạn đọc và nhất là lừa dối dư luận. Nhằm mục đích cố gắng làm cho mọi người hiểu đây là một chương trình quy mô, hoành tráng, được nhiều bạn đọc, nhiều thành phần trong xã hội theo dõi, quan tâm.

Phân tích công văn 5089/VPCP-TCCV ngày 26/7/2011 của Văn phòng Chính phủ cho thấy, Thủ tướng chỉ đồng ý tổ chức Chương trình “Tự hào Thương hiệu Việt lần thứ II” (2011), và đối tượng được phép tổ chức chương trình này là Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Điều 13 của Quy định 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 nói về việc tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng  (bằng hình thức Cúp, Giấy chứng nhận...) quy định: “Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, cơ quan, đơn vị tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng mới được tiến hành tuyên truyền và tổ chức các hoạt động liên quan đối với việc xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp”.

Ngày 26/7/2011 VPCP mới có công văn đồng ý cho MTTQVN tổ chức chương trình “Tự hào Thương hiệu Việt lần thứ II”, không hề nói đến việc cho phép xét thưởng tôn vinh danh hiệu bằng hình thức Cúp Tự hào Thương hiệu Việt. Ngày 30/7/2011, báo Đại Đoàn Kết tổ chức Lễ trao Cúp Tự hào Thương hiệu Việt lần II – 2011 là vi phạm điều 13 Quyết định 51 của Chính phủ. Bởi vì theo các nội dung công bố tại buổi họp báo 29/7/2011, trước đó nhiều tháng Ban tổ chức đã mở cuộc tuyên truyền, tổ chức các hoạt động liên quan đối với việc xét thưởng tôn vinh danh hiệu, ví dụ như tổ chức phát động bình chọn rầm rộ hàng chục ngàn bạn đọc tham gia... trong khi chưa được phép tổ chức của cơ quan có thẩm quyền. Khoản 4, điều 4, QĐ 51 quy định rõ hành vi bị nghiêm cấm: “Tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép”.

Tổ chức thu tiền, vật chất của chính các doanh nghiệp được trao cúp khiến dư luận xôn xao hiện tượng “bán cúp lấy tiền”.

Tại khoản 2, điều 4, QĐ 51 quy định rõ hành vi bị nghiêm cấm: “Huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng”.

Trong thực tế hầu hết các đơn vị có tên trong danh sách trao Cúp Tự hào thương hiệu Việt lần II – 2011 (29 đơn vị) đều phải trả tiền hoặc hiện vật cho Ban Tổ chức bằng nhiều hình thức... Do tổ chức trao cúp và nhận tiền như vậy nên có một số doanh nghiệp lớn, uy tín đã không chấp nhận lời mời của Ban tổ chức và từ chối nhận cúp như Vietnam Airline chẳng hạn. Cơ quan chức năng có thể kiểm tra thông tin theo danh sách 29 doanh nghiệp được trao Cúp 2011 đã công bố trên báo chí để  nắm cụ thể số tiền mà các doanh nghiệp này đã phải chi ra liên quan tới việc nhận Cúp “Tự hào Thương hiệu Việt lần thứ 2 – năm 2011” do báo Đại Đoàn Kết tổ chức trao cúp và thu tiền.

Việc tùy tiện tổ chức tôn vinh danh hiệu - trao giải thưởng với hình thức Cúp “Tự hào Thương hiệu Việt năm 2011” cho doanh nghiệp và tự phong làm Trưởng Ban tổ chức, cho thu tiền và lợi ích vật chất của chính doanh nghiệp được trao cúp, tổng biên tập Đinh Đức Lập đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về thi đua khen thưởng, vi phạm Quyết định 51/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 28/7/2010 và Công văn số 5089/VPCP-TCCV ký ngày 26/7/2011 của Văn phòng Chính phủ.

Ngoài ra những người tổ chức chương trình này còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội lừa đảo khi cho bịa đặt và công bố thông tin không có thật về việc bầu chọn của hàng chục ngàn bạn đọc, lừa dối doanh nghiệp, bạn đọc và lãnh đạo các cấp. Thông qua các hành vi đưa ra nhiều những thông tin dối trá trên các diễn đàn, trên báo chí, họ đã cố tình làm cho xã hội ngộ nhận về quy mô, bản chất thực sự của chương trình được tổ chức sai trái, chụp giựt và vi phạm hàng loạt các quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Tại sự kiện vi phạm hàng loạt các quy định của Chính phủ và lạm dụng danh nghĩa của UBTƯMTTQVN liên quan tới trách nhiệm của tổng biên tập Đinh Đức Lập, nhiều vị lãnh đạo cao nhất của UBTƯMTTQVN đã không đến dự. Tức tối trước sự không có mặt của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà Nước và Mặt Trận, ngay trong cuộc họp cơ quan sáng 31/7/2011 tại báo Đại Đoàn Kết có mặt đầy đủ các lãnh đạo ban của báo, ông Đinh Đức Lập đã bày tỏ thái độ cay cú, mạt sát các vị lãnh đạo Đảng, Nhà Nước và Mặt Trận không tới tham dự sự kiện tối 30/7/2011.

Đặc biệt, trong cuộc họp này ông Lập đã nói về sự không có mặt của Chủ tịch Huỳnh Đảm bằng câu nói nhắc đi nhắc lại nhiều lần, Chủ tịch “lẫn như con chạch”.

Nghiêm trọng hơn, TBT Đinh Đức Lập còn chỉ đạo cho lãnh đạo ban phụ trách Ban Công tác Mặt Trận của báo Đại Đoàn Kết viết bài công khai có nội dung do TBT Đinh Đức Lập “định hướng” là phải chỉ trích các “thành viên cơ quan phát động và người đứng đầu cơ quan thường trực cuộc vận động” (Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động và UBTƯMTTQVN làm Ban thường trực Cuộc vận động, do Chủ tịch UBTƯMTTQVN làm Trưởng ban).



Ngay hôm sau, trên số báo Đại Đoàn Kết ra ngày 01/8/2011, trang 6 “Trên địa bàn dân cư”, mục “Chuyện Mặt Trận”,  lập tức có bài “Trách Nhiệm” ký tên “Cán bộ Mặt Trận” có nội dung rất khiên cưỡng, gán ghép để nhằm làm cho bạn đọc hiểu rằng chính “Cán bộ Mặt Trận” đã chỉ trích “thành viên cơ quan phát động và người đứng đầu cơ quan thường trực cuộc vận động” là MTTQVN không có mặt tại buỗi lễ (đầy tai tiếng) này là “thiếu vắng lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc”, còn thua cả một cậu sinh viên mới 18 tuổi là một nhân vật “phiếm chỉ” trong câu chuyện nói trên.

Như vậy, TBT Đinh Đức Lập sau khi chủ trì tổ chức một chương trình xét trao giải thưởng cho doanh nghiệp vi phạm hàng loạt các quy định của Thủ tướng Chính phủ, lừa dối bạn đọc, lừa dối cơ quan chức năng lại tiếp tục vi phạm đạo đức người làm báo, vi phạm đạo đức của người cán bộ đảng viên. Ông Lập đã lạm dụng báo Đại Đoàn Kết để tổ chức những chương trình sai trái sau đó còn lớn tiếng mạt sát lãnh đạo, thỏa mãn chủ nghĩa cá nhân vì ông tự cho là mình đúng, là mình có công to trong việc tổ chức chương trình trao Cúp đầy tai tiếng này.

(Còn tiếp)

Mời quý vị theo dõi đầy đủ loạt bài “Những sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết”:



1 nhận xét:

  1. Sai nhiều thế mà vẫn làm thì đúng là chất lượng lãnh đạo của chúng ta rất là...thối!

    Trả lờiXóa