Trang

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Trương Tửu tự bạch [1]

Lời Tòa Soạn (VHNA):Trương Tửu sinh ngày 18 tháng 10 năm 1913, trong một gia đình trung lưu ở Gia Lâm [Hà Nội]. Mẹ mất sớm, cha là một nhà nho thủ cựu, nghiêm khắc nhưng tôn trọng chí hướng của con.
Ông học hết năm thứ nhất bậc trung học, rồi học trường Kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng. Năm 1927, bị đuổi học vì tham gia bãi khoá ở Hà Nội để đòi thực dân Pháp thả tác giả bài thơ Chiêu hồn nước [Phạm Tất Đắc]. Bị buộc rời trường, ông tự học chương trình Tú tài Pháp Việt.
Từ năm 1941 đến 1946, Trương Tửu làm Giám đốc Văn chương NXB Hàn Thuyên. Trongkháng chiến chống Pháp, ông là ủy viên Hội Văn hóa Việt Nam, chi hội phó Chi hội Văn hóa Thanh Hóa, tham gia bí thư đoàn liên đoàn Văn nghệ kháng chiến liên khu IV, dạy trường Thiếu sinh quân, trường Dự bị đại học…
Sau hiệp định Genève 1954, ông dạy Trường đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa Hà Nội. Năm 1957, ông được phong chức danh Giáo sư.
Đầu năm 1958, ông bị buộc thôi việc vì dính líu đến vụ Nhân văn giai phẩm. Sau đó, ông chuyển sang nghiên cứu y học và sống bằng nghề Đông y.
Trương Tửu mất vào ngày 16 tháng 11 năm 1999, tại Hà Nội, thọ 86 tuổi.
Về Giáo sư Trương Tửu, mặc dù nhiều chục năm cuối đời do vướng nạn, không tiếp tục được sự nghiệp khoa học của mình nhưng cho đến nay dư luận học thuật và xã hội vẫn đánh giá ông là một nhà khoa học, nhà văn, nhà giáo tài danh của đất nước hồi giữa thế kỷ XX. Dư âm học thuật, văn chương của ông vẫn còn mãi đến bây giờ và chắc là còn rất dài lâu nữa.
Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Gs Trương Tửu, chúng tôi đăng tải nội dung cuộc trao đổi của ông với Pgs Tôn Thảo Miên và Ts Hà Công Tài [Viện văn học – Viện hàn lâm KHXHVN] như một sự tưởng nhớ ông, một chân dung văn hóa của nước nhà tk XX. Đầu đề bài ghi chép là do tòa soạn VHNA đặt.


Trương Tửu tự bạch [2]



Trương Tửu tự bạch [3]



                                                                            GS Trương Tửu

[…]. Tôi quan niệm vấn đề là con người anh như thế nào chứ không phải là tiểu sử. Cần xem quan niệm của tác giả về sự sống, và quan niệm này thể hiện qua tác phẩm như thế nào chứ không phải là từ bên ngoài.
Quan niệm của tôi về viết tiểu sử: Người ta không cần biết anh viết được mấy chục quyển sách, dự bao nhiêu Hội nghị thế giới, làm chức gì. Người ta cần biết con người anh như thế nào, đối với bạn bè, vợ con như thế nào…
Có một chân lí lớn nhất: Mỗi sự vật là một quá trình. Mỗi sự vật là do sự kết hợp của mấy vật – quá trình có nhiệm vụ sinh sản ra cái gì, nó có sứ mạng của nó. Chân lí vĩ đại nhất: Cái gì cũng là quá trình chứ không phải là sự vật. Thế nên mới có thuyết duyên sinh của đạo Phật. Duyên sinh là thế nào? Khi nó có những nguyên đơn, nguyên chất như thế thì nó phải động, không bao giờ đứng im. Những cái hợp nhau phải đi tìm nhau theo quy luật đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Nó hợp thành cái mới, lại tan ra, lại kết hợp… thành muôn hình muôn vẻ để giữ thăng bằng cho trái đất này. Cái ấy hay lắm, nó làm cho ta biết cái nghề của ta cho phép “đẻ” ra cái gì.
Nói thế để hiểu điều tôi cho cơ bản nhất trong tiểu sử của tôi: Trong tất cả các anh em nhà văn thế hệ tôi, theo thiên hạ nói, tôi là người bạc phận nhất.
Tôi sinh năm 1913 (Qúy Sửu).
Thứ nhất là, sinh ra trong một gia đình nghèo thành thị. Điều đó không ai biết. Ông nội tôi làm tri huyện, được mươi ngày thì chết. Bà nội tôi đem con cháu về quê ở làng Bồ Đề bên kia sông. Ông nội tôi liêm khiết lắm nên không có tiền. Cha tôi 10 tuổi mồ côi bố, phải bỏ quê ra tỉnh kiếm ăn. Nương tựa người này người kia, học được mọi thứ nghề: nấu bếp, giặt… Nấu bếp Tây giỏi lắm. Nấu ở khách sạn Tây. Nên không được học mấy, cụ biết được chữ Nho, đọc được tiểu thuyết Trung Quốc, phải đi kiếm ăn quên dần. Bàtôi là người không biết tung tích.
Năm ấy, có một bà cụ trong làng Tó đi xem hội. Tối tan hội thấy đứa bé ba tuổi đứng khóc ở gôc cây, hỏi nó bảo lạc, không biết mẹ. Bà cụ thương đem về làng Tó nuôi. Đó là mẹ của cha tôi, bà nội tôi. Sống với bà cụ nghèo, cổ lỗ, cha tôi bị hành hạ đánh đập, khổ lắm. Lên 10 tuổi cha tôi lên Hà Nội trốn đi làm thợ, rồi đi buôn bán gà, chợ búa, đúng cảnh dân nghèo thành thị. Gia đình dân nghèo có được chăm sóc gì đâu, phải đi làm ăn, nghèo lại đông con. Tôi bị rơi vào một gia đình như thế.
Suy nghĩ về đời mình cho là đại bất hạnh. Nhưng về sau thấy cũng không hẳn là như thế.
… Thế mà tôi vươn lên được. Cần làm bật cái điểm này thì mới có lợi cho đời, cho những người như cảnh tôi họ không thất vọng, không tuyệt vọng vì đã có người đi trước mình, đã thành công.
Cái gì cứu được tôi ra khỏi cảnh ấy và thành một nhà văn lớn, một giáo sư đại học, một người thầy thuốc nổi tiếng 30 năm, trong khi bị chèn ép đủ thứ, bạn bè họ hàng bỏ hết (có ngông nghênh quá không, - cười). Tôi không trách ai cả cứ thế mà “đi” thôi. Cuộc đời đi giữa sa mạc còn chẳng sợ nữa là xung quanh còn có bao nhiêu người.
Năm 1925, 13 tuổi chưa học hết sơ học. Có một trào lưu tư tưởng đến, nó nâng anh lên, sau mới biết chứ lúc bé chưa biết.
Hôm đi chơi ở Bờ Hồ (tôi ở Hàng Gà), giữa lúc toàn quyền Varen Đảng xã hội Pháp mới trúng cử sang Việt Nam, 1925. Nhân cơ hội đó ông Phan Bội Châu bị bắt về nước. Sinh viên ở trường Cao đẳng Sư phạm, học sinh ở Bưởi và các nơi tổ chức biểu tình đón Varen ở phố Hàng Đào, căng biểu ngữ yêu câu tha cho Phan Bội Châu. Đường nghẽn lại. Lúc ấy có một cái xe nha sang trọng lắm ở đâu đi lại phía Hàng Đào. Người ngồi trong đeo kính trắng. Sinh viên xông vào đánh ngã người áy xuống, vỡ cả kính. Người ta phải đưa người ấy lên xe chạy. Sau mới biết đó là ông Phạm Quỳnh. Rồi nó cũng giải tán. Về nhà mình cũng có suy nghĩ, chứ lúc bé chẳng biết ông Phan Bội Châu làm gì.
Về sau nghe mãn án Phan Bội Châu. Năm sau cụ Phan Tây Hồ về nước, 1926, đăng đàn diễn thuyết ở trong Nam ngoài Bắc. Mấy bài diễn thuyết về dân chủ, đánh đổ quân chủ, chống quân chủ, đưa dân chủ như dân chủ Tây phương nhưng có lẫn một tí màu sắc XHCN, một tí thôi, như lối Tam dân của ông Tôn Văn – có dân sinh nữa. Đòi độc lập, lập ra một cái cộng hòa. Đưa quyền dân lợi dân đi bầu cử. Ông mất ngay năm ấy. Đám ma Phan Châu Trinh là to nhất nước Việt Nam mà tôi được biết từ trước đến giờ. Toàn dân làm lễ truy điệu. Vai trò chính là trí thức lèng mèng, học trò như ở trường Bưởi, vài ông Cao đẳng như Đặng Thai Mai, Phạm Văn Đồng… Mấy ông ở trên, nó cấm không cho để tang Phan Châu Trinh. Dân biểu tình khắp nơi, toàn quốc. Về sau Pháp đuổi hết những học trò đi biểu tình, không cho học nữa. Không biết bao nhiêu học trò trường Bưởi, Cao học, ở các trường dưới nữa bị đuổi. Bỏ tù cũng có. Phong trào ấy cũng lọt vào “lỗ chân lông” của mình. Có khi mình không biết được rõ nhưng nghe người ta nói rồi vào mình.
Cái án ông Phan Bội Châu về nước, cái chết ông Phan Châu Trinh – hai sự kiện lớn lắm đấy đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời tôi, từ bé lông bông nghèo hèn tự nhiên nảy ra được ý nọ ý kia tốt hơn. Nhờ phong trào nó vào mình, có khi mình không biết là thế nào nhưng chắc chắn là vào.
Đám ma ông Phan Châu Trinh vừa dịu đi thì nảy ra sự kiện thứ ba ảnh hưởng quyết định cuộc đời tôi. Có anh học sinh Trường Bưởi 17 tuổi năm thứ ba (tức lớp 10 mình) bị kích động bởi phong trào Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, viết một tập thơ gọi “chiêu hồn nước”. Đó là 1927, tôi 15 tuổi. Tác giả Chiêu hồn nước là Phạm Tất Đắc (học sinh Trường Bưởi 17 tuổi mới ghê chứ!)
Có một hôm một anh học thứ nhất chơi với tôi, đem quyển Chiêu hồn nước tới lớp, mới đến lúc chưa vào học đứng vào một xó đọc:
Cũng nhà cửa cũng giang sơn
Thế mà nước mất nhà tan hỡi trời
Tôi còn nhớ mãi đến bây giờ:
Nghĩ lắm lúc đương cười bỗng khóc
Muốn ra tay ngang dọc dọc ngang
Giữa giời thét một tiếng vang
Thân này tan với giang sơn cũng là
Xúc động lắm. 15 tuổi biết yêu nước là gì đâu. Thấy thơ hay. Anh này nghĩa lắm chả sợ chết gì cả. Quyển ấy bị cấm. Phạm Tất Đắc bị bắt.[…]
Một sáng sớm tôi đến học, thấy truyền đơn gieo ở trường. Giở xem thì thấy kêu gọi học trò toàn thành biểu tình thị uy đòi thả Phạm Tất Đắc, phản đối cấm Chiêu hồn nước. Xôn xao ghê lắm. Người nọ bàn người kia bàn xúc động lắm. Mỗi người ngẫm nghĩ, chẳng ai nói với ai, chẳng ai xui ai nên làm hay không, sợ sau này có xảy ra điều gì nó lại oán. Đến lúc bắt đầu trống xếp hàng vào lớp. Tôi và một số bạn bỏ đi ra cửa. Đã có tới dăm, 700 học sinh ở trường khác đợi ở đấy để nhập bọn đi. Đếm được 17 đứa ở lớp tôi. Tôi đi ra với chúng nó dưới sự trợn tròn mắt của các ông thầy, ông đốc. Họ bảo: trẻ con nó làm gì mà ghê thế! Thầy giáo của tôi-ông ấy xem và bảo: đám lũ trẻ con ấy mà! Tôi đi theo đám biểu tình kéo đến trường Sinh Từ cũng là một trường sơ học bấy giờ, kêu gọi thêm anh em ở trường Sinh Từ đi biểu tình. Đến của trường Sinh Từ thì mật thám đến giải tán. Toàn trẻ con. Chiều, nó đuổi không cho học. Quyết định tham gia lúc bấy giờ là một hướng khác với trước kia-cái đó phụ thuộc vào ý mình. Lại nói bố mẹ tôi rất thương con, không đánh con bao giờ. Thế mà hôm ấy bố đánh tôi, vì đau lòng mà đánh chứ không phải vì tôi. Vì thực ra là con cái chỉ làm theo anh em, biết là thế nào? Hôm sau ông đưa tôi đến xin lỗi ông giáo. Ông giáo tốt lắm, dạy lớp nhị (lớp 4 bây giờ), ông đã viết cuốn Lịch sử Việt Nam bằng tiếng Pháp, tụi Pháp sợ lắm. Tôi giỏi Pháp văn, cái khác không giỏi nên tôi được ông giáo rất quý. Ông ấy bảo cháu làm việc này sai lầm, quá sức của thầy, thầy không cứu nổi cháu đâu, cháu đi về với bố. Nhưng cái đó chưa hay, chưa đáng làm gương cho thiên hạ. Cái sắp tới mới đáng làm gương hco thiên hạ (chả ai biết tôi thế đâu! (Cười).
Cuộc đời rất lạ. Nhiều cái ra đi ngoài ý mình nhưng lại phải kết hợp cuộc đời với ý mình. Vấn đề là ở chỗ đó chứ không phải lúc nào nó cũng đem đến cho mình. Mình phải biết nắm nó đúng lúc. Phải tìm cái cơ sở chân lí cho nó ở trong trái tim của mình.
Tất cả những cái này xảy ra không do ý thức của anh. Anh phải biến nó thành lòng tin…Bị đuổi học tôi nghĩ không biết làm gì cả, nghề chả có, nhà nghèo, anh em 5-7 người, cha mẹ ốm yếu. Mới 15 tuổi.
Trong bọn cùng với tôi có anh Lê Văn Siêu, cùng ở một nhà, sau này thành một nhà văn khá lớn ở trong Nam, đi dự những hội nghị văn học ở Tây Đức. Là bạn thân với tôi. Một trong những người cùng cộng tác ở Hàn Thuyên. Thứ 2 là Phạm Quý Thích - con ông Tổng giám đốc Nam Định. Thứ ba là anh Thông phố Hàng Thiếc. (Về sau anh Thích chết, anh Thông lên chùa Yên Tử tu, Lê Văn Siêu vào Sài Gòn).
4 anh em gặp nhau tri kỉ, đến 40 Hàng Gà chơi. Thời Tây có chuyện thí sinh tự do. Anh em bàn thử làm thí sinh tự do để đi thi. Anh Thích có anh học lớp trên nên mượn được sách Pháp văn…thế là chúng tôi cùng học. Được 1 tháng chúng tôi nộp đơn xin thi. Khi vào thi vấn đáp, toàn những “con đầm” nó hỏi thi. Tôi và anh Siêu đỗ Certifica. Điều này những đứa trẻ 15 tuổi nghe se giúp ích cho nó, cho đời. Tôi về báo tin cho gia đình, gia đình cũng không vui!? Học 1 tháng mà thi đỗ gia đình cũng không vui. Khi ông cụ lên xem thấy đúng là có danh sách đỗ nên về mới tha cho tội cũ.
Một điều nữa cần nói là nhân vụ phong trào Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu học trò khắp nước bị đuổi. Xã hội ứ ra một đám học trò không có trường. Ông Trương Minh Sanh ở Sài Gòn ra xin phép Thống sứ lập một trường trung học đầu tiên ở nước Việt Nam, gọi là trường Trương Minh Sanh (ở phố sau nhà thương Phủ Doãn bây giờ). Mời cả ông giáo ở Bưởi dạy. Ông Sanh nói diplom học 4 năm là thừa, chỉ cần 2 năm và tuyên bố trường chỉ dạy 2 năm đi thi diplom. Thế là tôi đi học trường Trương Minh Sanh. Bà chị cho 2/3 học phí. Từ đó bắt đầu không bao giờ ra phố chơi và cũng bắt đầu phát triển trí tuệ ghê lắm. Có 1 đề: 1 nhà thơ Pháp viết “nghệ thuật chỉ để làm thơ còn trái tim mới là thi sĩ”-giải thích và phê bình câu này. 15 tuổi làm bài, viết bằng tiếng Pháp. Nó cho điểm nhất làm mình phấn khởi. Thấy năng khiếu của mình suy nghĩ những vấn đề trìu tượng được. Có một lần ở trường có bà Robe dạy hay nhưng hút thuốc phiện, mắng học trò “chúng bay là dân tộc bẩn thỉu”. Học sinh tức ghê lắm, nói bà xúc phạm dân tộc chúng tôi, phải xin lỗi chúng tôi, nếu không chúng tôi sẽ nói ông Sanh không cho dạy nữa. Bà ta sau phải xin lỗi. Những cái ấy ảnh hưởng đến mình. Đấu tranh thành công, lòng ái quốc can trường như thế ảnh hưởng lớn đến mình.
Trong lớp học có nhiều người khá, như ông Thiếu Sơn. Anh em có tổ chức, cử người tối thứ 7 lên diễn xuất về văn học chơi. Phong trào phát triển, mình thêm ham học, không chơi bời.
Năm thứ 3, 4 học phí tăng 7 đ/1 tháng. Gia đình bảo thôi học. Chương trình 1 năm đi thi Certifika mình thử học 1 tháng xem. Tôi đã học lớp do cụ Nguyễn Văn Tố dạy tiếng Pháp. Nhưng học mà không vào lớp, tôi phải đứng ngoài cửa sổ nghe và ghi. Tiền học thì để mua sách. Con nhà nghèo thiệt thòi lắm. Nhiều lúc đứng ở hiệu sách đọc Dân ước luận của Rutxo hay lắm. Đọc hết.
Sang chương trình tú tài. Nghe nói bọn Việt Nam đi làm cách mạng trốn sang Pháp thường làm thợ may, việc trốn tàu đi cũng dễ. Sau bàn với anh Siêu là anh em muốn làm cái gì đó có ích cho đời - Thế là học và thi vào trường bách nghệ ở Hải Phòng để có nghề sang Pháp làm. Thi đỗ - anh Sanh đỗ thứ nhất, tôi đỗ thứ hai.
Năm 1927 tôi tham gia bãi khóa; đến 1929 lại thi đỗ, xuống học ở Hải Phòng.
Hồi đó phải nói không biết bao nhiêu là nhà xuất bản, nhà báo, đảng phái (Việt Nam quốc dân đảng, Tân Việt, Quan hải tùng thư, các tùng thư yêu nước của ông ông Trần Huy Liệu…ra đời nhiều lắm. Các tờ báo nói về chính trị nhiều. 1930 Đảng cộng sản bắt đầu hoạt động. Ở ngay trường tôi học. Ông Hoàng Quốc Việt học ở đấy trước tôi 2 năm. Khắp cả Hải Phòng rải truyền đơn, nhảy lên cướp diễn đàn lung tung lắm. Pháp thi hành chế độ rất nghiêm ngặt. Ở trường tôi học nó tuyên bố bỏ phần lý thuyết; trường bách nghệ chỉ tạo ra những người thợ thôi. Nó lại không cho ra ngoài trường. Mấy anh em bàn với nhau “học gì mà cả ngày chỉ đi đũa đi mài”. Anh em đành cử phái bộ của anh em đến gặp Giám đốc xin nói hộ với cấp trên cho học một ít lý thuyết cho có “cái thế” của nó. Bàn bạc rồi cuối cùng anh em lại cử tôi đi, vì tôi nói tiếng Pháp giỏi. Gặp thằng giám đốc, nó mắng ầm ĩ. Đưa yêu cầu nó bảo không được, Toàn quyền  đã quyết định chỉ cho học như thế. Nó gọi các giáo sư lại và họp ngay tại sân lập Hội đồng kỉ luật yêu cầu đuổi tôi ngay. Thế là học nghề chưa thành đã bị đuổi, chưa biết làm gì, lao đao thế.
Sau khi bị đuổi ở trường bách nghệ, tôi về quê nghiên cứu. Lúc ấy ông Phan Khôi ở miền Nam ra cuộc thi trên báo Phụ nữ: Truyện Kiều đáng khen hay đáng chê. Tôi đang ở quê Bồ Đề Gia Lâm, tuần nào cũng đọc báo. Thấy họ cứ nói lải nhải mãi trên báo chả có cái gì mới cả, tôi có viết thư cho ông Phan Khôi nói nên cắt những chuyện ấy đi, không nói như thế được. Tôi viết một bài đề là Triết lí Truyện Kiều. Thế là 18 tuổi viết bài đăng trên báo Đông Tây (tháng 11), Báo Đông Tây là tuần báo viết theo tư tưởng mới, lối mới, do những người làm ở báo họ học ở Pháp về. Bài của tôi nêu: Cô Kiều đáng khen hay đáng chê không thành vấn đề gì cả. Hồi ấy tờ báo nổi tiếng nhất là tờ Đông Tây tuần báo của ông Hoàng Tích Chu. Bài phải nói hay nó mới đăng. Tôi kí tắt là T.T rồi đem sang Hà Nội bỏ vào thùng giây thép. Thứ 7 sang Hà Nội chơi, thấy nó đăng phấn khởi lắm. Cái hay là ở chỗ nó làm cho mình tin ở mình. Thế là mình “đi được”, mình nói được những điều người ta chưa nói. Tôi nghĩ phải học.
Sau bài đó tôi bắt đầu suy nghĩ tự xét mình còn dốt quá, muốn đi vào con đường đó nhưng không biết làm thế nào. Giữa lúc đó đi qua một quầy sách cũ tôi may mắn thấy có bán cuốn sách tự học của ông Pol Gielo, có mấy hào, nêu phương pháp bày cho mình tự học…
Sau thời gian học ấy, 1931-1932 tư tưởng văn học của tôi là xuất phát hoàn toàn từ ở văn học, triết học Pháp thế kỷ XV đến XIX. Hai điểm lớn là: 1/Văn học bao giờ cũng biểu thị xã hội; 2/ Văn học phải phục vụ xã hội, phục vụ con người, không phải để chơi. Đọc Rútxô, Molier, Racine tôi đều thấy thế. Văn học toàn phục vụ xã hội, kể cả những thi sĩ trữ tình cũng phục vụ xã hội. Đó là hai quan điểm mấu chốt về văn học. Lúc đó, chưa chú ý đúng mức đến giá trị cực kỳ lớn lao, riêng của câu văn, cách viết, cách thể hiện. Đó là năm 1932, tôi 19 tuổi.
….Năm 1935 tôi mới lại viết cho báo Loa về Tố Tâm
Về giai đoạn 1937-1940, đặc điểm thứ nhất là tôi viết tiểu thuyết nhiều. Thứ 2 là có một cuộc phê bình Tự Lực Văn Đoàn kéo dài suốt một năm. Thứ 3 là tôi vừa bị “bắt” làm thư kí Hội nghị đấu tranh đòi tự do báo chí (1938). Có tờ báo của Đảng, ảnh của báo Đảng chụp tôi và anh Giáp ngồi cạnh nhau trên ban thư kí. Hồi ấy có phong trào đấu tranh đòi tự do tư tưởng. Do Mặt trận bình dân bên Tây nên nó phải cho.
Năm 1938 còn có sự kiện nữa là tôi làm chủ bút báo Quốc gia, bị chính quyền Bảo Đại kiện đưa ra tòa. Vì ở ngoài bìa có tranh vẽ anh Bảo Đại là một con ngựa, hai bên đeo lủng lẳng giấy bạc. Có người cưỡi. Nó bảo như thế là xúc phạm đến Hoàng thượng. Nó đưa ra ngoài Bắc, nhờ chính quyền bảo hộ xử. Cuối năm 38. Cuối cùng tôi bị phạt 200 fơrăng. Nghèo không có tiền đành ngồi tù mấy tháng. Sắp bị bỏ tù thì bên Pháp tổng thống bị ám sát. Tổng thống mới lên nó ân xá.
Các tiểu thuyết sáng tác thời kỳ này:Thanh niên SOS.1937Một chiến sĩKhi người ta đóiKhi chiếc yếm rơi xuống;Đục nước béo cò…
Thấy mình không có tài về tiểu thuyết tôi không viết nữa. Nghĩ không thành công. Tôi viết được nhiều, có thể kể tiếp như: Một kiếp đọa đàyNhững trái tim nổi loạn.
Không nhớ hết. In hết tất cả. Một kiếp đọa đày cũng khá. Nhưng nghĩ mình làm phê bình hơn. Năm 1938 các sách nghiên cứu nhà xuất bản không in. Tôi cùng một anh bạn lập nhà xuất bản gọi là Đại đồng thi xã để in sách của mình. Hồi đó dễ, chỉ kiếm một số tiền là in được quyển sách. In cuốn Những thí nghiệm của ngòi bút tôi.Quyển thứ 2 là Uống rượu với Tản Đà. Sau đó tôi lấy vợ, dừng lại mất nửa năm.
Lúc này có cuộc chiến đấu chống Tự lực Văn Đoàn. Có ý kiến cho rằng mình thay đổi. Trước kia ca tụng, bây giờ lại phản đối nó. Thực ra bản thân mình có thay đổi. Khi viết về Tố Tâm, Đoạn tuyệt,…là năm 1935. Năm 1936 Mặt trận bình dân thành công, bên mình có Mặt trận dân chủ. Sách vở mác xít ra, bây giờ mới được đọc nhiều. Đọc đứng đắn. Mình bị say mê, mới nhìn thấy tính giai cấp của Tự Lực Văn Đoàn.
Chỉ đánh giá văn học trên phương diện tính giai cấp thì chưa đúng lắm, nhưng lúc bấy giờ đầu óc mình mới chỉ nhìn thấy vấn đề tính giai cấp của nó.
Nhưng vấn đề lãng mạn chủ nghĩa, tư sản, theo chủ nghĩa Mác là ở những nước thuộc địa có khác ở những nước tư bản chính quốc. Vì giai cấp tư sản của những nước thuộc địa không phát triển như những nước kia. Tất cả đều bị nước mẫu quốc nó áp chế, nên “anh ấy” cũng bị áp chế. Thành ra lãng mạn chủ nghĩa chính là có tính chiến đấu. Mặt khác, nó có cái xấu xa của nó - Nhưng qua những cái này nó lại hiện lên tính chiến đấu (2 quyển tôi nói Tố Tâm, Đoạn tuyệt). Mình gọi là xấu vì nó đề cao gái đĩ, đời sống gái điếm, đề cao yêu cầu xác thịt, mộng ảo. Lý do vì nó không đủ sức để chiến đấu với kẻ thù của nó. Thành ra nó vẫn có tinh thần cách mạng, tinh thần yêu nước. Nó muốn giải phóng dân tộc để giải phóng nó.
Các anh ấy về sau không thấy cái chỗ tôi nói ấy. Thay đổi chính là ở đấy. Về sau tôi công kích Tự Lực Văn Đoàn nhưng công kích hơi quá đáng. Tôi không thừa nhận tính tiến bộ của nó. Thực ra nó vẫn có tính tiến bộ.
Sở dĩ mình không phê bình những người khác, nhóm khác, chỉ riêng Tự Lực Văn Đoàn vì họ viết thật là hay. Trong các tác giả lúc bấy giờ không có nhóm nào viết hay như những tác giả Tự Lực Văn Đoàn. Thanh niên mê lắm, theo ồ ạt. Nhưng đây là lúc cần thiết để tâm huyết này của thanh niên phải đi theo cách mạng thì Tự Lực Văn Đoàn nó thì hút mất. Mình nghĩ là phải chặn lại. Chặn được phần nào hay phần ấy. Bài viết của mình chắc cũng có một ít tác dụng. Mình chiến đấu chứ không có ác ý gì cả. Cho nên các anh Tự Lực Văn Đoàn gặp tôi thì vẫn vui vẻ vì các anh ấy biết mình thành thực.
Hồi đó cũng có những anh em không hiểu nên hiểu bình tôi là ngòi bút Trương Tửu không thành thật.
Tháng 3-1939 tôi lấy vợ, bận bịu mất nửa năm. Hè năm đó tôi đưa vợ ra Sầm Sơn chơi đến tháng 9. Ở đây tôi đã viết cuốn Trái tim nổi loạn, đem đến nhà xuất bản được in ngay.
Tôi viết  Thằng Hóm  năm 1940 - cuốn tiểu thuyết tôi ưng ý lắm. Đồng thời với quyển Kinh thi Việt Nam. Viết trong một cái lều thuê ở Sầm Sơn. Đưa cho Tam Lang, rồi chuyển qua Nguyễn Đình Luyện. Tuần sau đến ông ấy bảo ông Luyện đồng ý cho in Thằng Hóm ngay vào tờ Tin mới văn chương hiện đang ra hàng tuần còn Kinh thi Việt Nam thì họ chưa in những tiểu luận như thế này.
Thằng Hómin được một số, ông Luyện sung sướng lắm vì các tình đều lấy số lượng gấp đôi vì có cái truyện ấy. Người ta xếp hàng mua. Ông Luyện là tay tư sản giỏi chuyện kinh doanh lắm, nói muốn in Thằng Hóm ra sách. Tôi đồng ý. Ông bảo in 5000 cuốn mới bõ. Dập bản in ông cho sắp chữ và đúc luôn. Chưa in vội vì hồi ấy có kiểm duyệt. Trên Tin mới quảng cáo sắp phát hành truyện Thằng Hóm. Mật thám ập đến tịch thu toàn bộ. Nó lỗ vốn to mà vẫn phải trả tôi một số tiền. Có điều trong lúc đang in, được số nào thì nó gửi tôi đến chữa morat. Xong đưa in. Tôi đóng riêng được một quyển. Chỉ một mình tôi có 1 quyển và Sở mật thám có, còn tất cả nó tịch thu hết. Lúc kháng chiến bùng nổ, Tây đánh, tôi chạy bỏ lại tủ sách phố Hàng Gà. Bây giờ không tìm đâu được. Tôi không nhớ được tôi viết gì trong đó.
[*]: Ghi chép cuộc nói chuyện với nhà văn Trương Tửu. Tư liệu của chương trình nghiên cứu văn học Việt Nam thế kỷ XX. Người thực hiện: PGs Tôn Thảo Miên, PTs. Hà Công Tài {Ban Lý luận, Viện Văn Học}. Hà Nội, ngày 12/08/1997). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét