Trang

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Trương Tửu tự bạch [2]

Trương Tửu tự bạch [1]

Trương Tửu tự bạch [3]



                                                                         GS Trương Tửu

*GIAI ĐOẠN 1940 ĐẾN CÁCH MẠNG 1945
Làm ở Hàn Thuyên. Tôi là người sáng lập và phụ trách. Lôi thôi là ở Hàn Thuyên. Ra đến 50 cuốn sách, toàn sách nghiên cứu.
Có mấy đặc điểm đáng chú ý:
- Đó là nhà xuất bản có mục đích phổ biến những kiến thức khoa học, chủ yếu là khoa học xã hội và yêu nước. Nếu có thể được thì có khuynh hướng XHCN. Thực ra nó không là nhóm gì cả, nó là một số anh em chơi với nhau. Tôi đứng ra lập và bảo anh em viết gì thì viết đi. Như bảo bác sĩ Phạm Ngọc Khuê viết cuốn Óc khoa học. Bảo anh Nguyễn Đình Lạp viết cho cái tiểu thuyết về ngoại ô; anh Nguyễn Đức Quỳnh viết cho lịch sử về Tây phương…Nhưng anh ấy không phải người theo Mácxit. Lúc ấy mình chỉ cần phổ biến những cái tiến bộ. Vì thế những khuynh hướng của tất cả các sách của Hàn Thuyên rất phức tạp. Quyển Kinh thi Việt Nam hết sức ái quốc, yêu nước, phương pháp thì Mácxit.
Có cuốn sách của ông Nguyễn Đổng Chi Việt Nam cổ văn học sử hoàn toàn không có cái gì Mácxit cả. Quyển Lê Thánh Tông- ca tụng ông vua tốt. Sách của Phạm Ngọc Khuê: Óc khoa học nhằm cải tạo sinh lực, nó cũng giống như các sách nói về phương pháp tập luyện bây giờ. Sách của Nguyễn Đức Quỳnh về lịch sử Tây phương không có gì Mácxit cả. Sách của ông Lê Văn Siêu về chủ nghĩa Hăng ri Pho nói về chủ nghĩa tư bản, ông Pho ở Mĩ, xem xét tư bản nó hợp lí hóa sản xuất như thế nào, để biết CNTB là như thế nào. Cuốn Văn học khái luận của ông Đặng Thai Mai là người xuất bản cũng in.
Sau này tôi mới biết một số tác giả này ở cái nhóm gọi là Trốt kít ở ngoài Bắc, đó là nhóm Lê Đức Thiện, Nguyễn Tế Mĩ. Hồi đó anh em chơi với nhau nhưng mình không biết thực chất về họ. Nguyễn Tế Mĩ viết quyển Hai Bà Trưng. Lê Đức Thiện viết quyển Xã hội Việt Nam. Tôi nghĩ rằng trong sách họ có những ý kiến táo bạo cứ kệ họ, rồi dư luận sẽ đánh giá. Tóm lại nhà xuất bản không có khuynh hướng cộng sản Mácxit gì cả. Chỉ có khuynh hướng khoa học, yêu nước, tiến bộ, truyền bá những kiến thức mới. Những người như Nguyễn Tế Mĩ, Lê Đức Thiện hoạt động chính trị làm cho mình mang tiếng lây, thành ra như mình ở một nhóm với ông ấy. Cứ bảo Trương Tửu trốt kít là vì thế. Có một người bạn đến bảo tôi chẳng thấy anh trốt kít thế nào cả. Cái đó là vấn đề chính trị nó không dính gì vào đây cả.
Thời kỳ đó tôi bắt đầu viết nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam theo phương pháp Mácxit hẳn hoi, quan điểm Mácxit hẳn hoi. Quyển đầu theo phương pháp đó là Kinh thi Việt Nam, sau đến Nguyễn Du và Truyện Kiều. ỞNguyễn Du và Truyện Kiều, trong Tựa tập sách tôi nói rõ phương pháp của tôi lắm.
Sau đó viết: Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ
Văn chương Truyện Kiều
 Một số vấn đề tôi đang nghiên cứu thì theo yêu cầu nhà xuất bản cần có sách về kiến thức khoa học văn học. Tôi dừng lại, viết một bộNhân loại tiến hóa sử, 32 quyển, mới in được 2 quyển Nguồn gốc văn minh, Văn minh sử tập I thì kháng chiến.
Nhà Hàn Thuyên in một số tiểu thuyết của ông Đồ Phồn công kích thói ma chay phong kiến. In cả tiểu thuyếtChiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân.
Nhiều sách, không nhớ hết. Khuynh hướng của nhà Hàn Thuyên là khoa học, yêu nước, hi vọng viết theo phương pháp mới sáng sủa để thanh niên có kiến thức mới sáng sủa. Riêng sách của tôi có lập trường Mácxit hẳn hoi, đúng sai chưa biết, nhưng có. Còn các ông kia thì không có.
1945 nhà Hàn Thuyên bị Nhật khủng bố, một số bị bắt, có cả em tôi. Tôi đi trốn, nó lùng mãi không bắt được. Mất hơn một tháng tôi trốn ở quê - Bồ Đề. Ở đây tôi viết cuốn Tương lai văn nghệ Việt Nam (vào tháng 7-1945 trước cách mạng. Từ trong Nam ra, có anh Hồ Hữu Tường-bị cho là trốt kít, anh ra tìm tôi để đưa một cuốn sách để in - cuốn Tương lai kinh tế Việt Nam, tôi cũng in. Anh ấy làm chính trị nhưng sách của anh ấy đưa tôi cũng in. Thành ra mình cứ mang tiếng.
Mấy chục quyển sách của nhà Hàn Thuyên không biết nó thế nào nhưng tôi tin nó có giúp ích phần nào mở mang kiến thức cho anh em thanh niên. Mình đi làm một cái việc có ích. Sai lầm chỗ nào sẽ có thiên hạ, không phải việc của mình.
Cách mạng nổ ra tôi đang trốn ở quê. Thấy cách mạng, ra Hà Nội, được dự cuộc biểu tình cướp chính quyền. Anh em trong Việt Minh trước khi cướp chính quyền đều là những chỗ quen cả, cùng làm báo.
Thời kỳ này có mấy điểm đáng chú ý:
-Cướp chính quyền rồi, gần 1 tháng gì đó, các ông ở Văn hóa cứu quốc còn ở trên Việt Bắc chưa về. Tiếng nói văn hóa chả có gì cả. Tôi nghĩ như thế thì không được. Thế là chúng tôi đăng trên báoVăn mới tập hợp tất cả anh chị em nhạc sĩ, họa sĩ, văn sĩ tổ chức một hội nghị văn hóa để ủng hộ chương trình mặt trận Việt Minh. Cần phải có tiếng nói văn hóa trước tình hình mới này chứ ngồi im thì vô lý quá. Chúng tôi thành lập được tổ chức. Hội nghị bầu tôi làm Chủ tịch. Sau biến thành Ủy ban văn hóa lâm thời Việt Nam (lúc này còn chờ thêm miền Nam ra nữa).
Nhưng cũng làm được mấy việc:
1-Tuyên truyền ủng hộ Việt Minh - cái tiến bộ
2-Viết một cuốn sách đen tố cáo đế quốc Pháp
3-Tổ chức một cuộc triển lãm hội họa để tố cáo Pháp.
Chúng tôi nghĩ hãy làm 3 việc cái đã, còn chờ anh em Việt Bắc tính sau.
Đang làm dở thì anh em Việt Bắc về. Gồm có: Nguyễn Hữu Đang, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi. Các ông đề nghị sát nhập với họ để cùng làm việc. Tôi nhường cái quyền ấy cho họ làm. Đấy là về công tác.
Sau đó tôi quay về NXB Hàn Thuyên. NXB đổi hướng vì đã có chính quyền cách mạng, hướng tuyên truyền là chủ nghĩa Mác. Việc đầu tiên tôi làm là dịch và xuất bản Tuyên ngôn của Đảng cộng sản của Mác - Ănghen vì chưa có ở nước mình. Nhân cơ hội viết luôn cuốn Lịch sử quốc tế cộng sản đệ nhất đệ nhị đệ tam. In một số sách nhưTại sao phải phá giá đồng tiền…
Bây giờ nước mình đã giải phóng, người trí thức phải làm cái gì. Tổ chức buổi họp mặt có cả Hoài Thanh, Tố Hữu đến. Anh em bên Việt Minh là số đông, có cả Nguyễn Mạnh Tường đến để nêu việc lập một đại học bình dân. Sau đó thì kháng chiến nên không làm được. Đi kháng chiến đúng ngày 19. Ý mình thế mà không làm được.
Ra khỏi Hà Nội, về Hà Đông. Lúc đó, anh Nguyễn Đức Quỳnh ở Thanh Hóa gọi telephone ra nói với tôi vào trong này, rủ thêm một số trí thức nữa. Anh ấy nói có anh Đặng Thai Mai đang làm chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, có gì cần thì anh ấy giúp đỡ. Trong lúc khó khăn, một số anh em lên Việt Bắc. Tôi và một số anh em vào Thanh Hóa trong đó có khá đông nhạc sĩ, kịch sĩ, họa sĩ. Gặp ông Đặng Thai Mai, ông đã giúp đỡ anh em khó khăn ban đầu. Coi như làm việc có cái lương ban đầu. Từ đó bước vào cuộc kháng chiến, khó khăn, không viết nữa.
Năm 1947 anh Đặng Thai Mai mở một lớp văn hóa cho anh em cán bộ tuyên truyền 6 tỉnh Liên khu 4, Thanh Nghệ đến Bình Trị Thiên. Anh em chưa biết gì về văn hóa. Lớp mở ở làng Quận Tín, gọi là lớp huấn luyện văn hóa kháng chiến, tôi được phân công phụ trách. Tổ chức được 3, 4 lớp, đào tạo được nhiều người về công tác văn hóa. Anh em về địa phương công tác đã biết nhạc, họa, chủ nghĩa Mác là gì…Theo tôi được biết họ đều làm được việc. Xong thời gian ấy thì ông Mai đề nghị thành lập Liên đoàn văn nghệ kháng chiến Liên khu 4. Liên đoàn bầu lên bí thư. Trong đó có ông Mai, tôi, Xuân Sanh -3 người phụ trách ban bí thư để huấn luyện các anh em văn nghệ sĩ. Xuất bản một tờ báo gọi là Sáng tạo.
Tôi phụ trách các lớp huấn luyện văn hóa và phụ trách luôn câu lạc bộ Văn nghệ của anh em ở đó. Tổ chức được một buổi nói chuyện của ông Trường Chinh. Sau in thành quyển Chủ nghĩa Mác và văn hóa kháng chiến, Kháng chiến và văn hóa. Đó là diễn văn ông Trường Chinh nói lúc bấy giờ.
Ông Trường Chinh  nói chuyện anh em văn nghệ sĩ nghe rất đông. Ông nói về chủ nghĩa Mác và văn hóa, rất hay. Có một điểm anh em không đồng ý. Lúc ấy có điểm anh em không đồng ý với lãnh tụ đấy: Đó là lúc nói về văn hóa TBCN Tây phương, về lối vẽ của Picatxo, ông Trường Chinh cho rằng đó là thứ nấm mọc trên đống cứt của CNTB. Anh em phản đối vì Picatxo là đảng viên cộng sản, nhưng khi ông Trường Chinh nói xong anh em không phản ứng gì. Khi ông ấy ra Bắc, anh em mới họp câu lạc bộ, có ông Mai về dự, lúc này anh em mới phát biểu ý kiến ấy. Anh Mai cũng có nói anh Trường Chinh anh ấy là lãnh tụ về chính trị thôi, về văn hóa thì…ông ấy dừng, nghĩ rồi không nói thêm nữa. Anh em bảo thế thì làm thế nào? Anh ấy bảo anh em họa sĩ viết một bài nhưng đừng nói gì đến ông Trường Chinh, viết cho khéo, viết theo kiểu nói về lịch sử hội họa rồi nói về chủ nghĩa Picatxo. Viết đứng đắn như thế, thế thôi, không nói đến lời ông Trường Chinh, thế là đủ bác ý kiến ông ấy đi rồi. Đó là bác ý kiến chứ có bác ông Trường Chinh đâu. Phải tôn trọng ông ấy chứ.  Anh Sĩ Ngọc có viết một bài về chủ nghĩa lập thể của Picatxo. Hồi ấy không có sùng bái cá nhân, lãnh tụ nói sai người ta phản đối. Về sau có dám chê đâu. Hồi ấy cũng đã chớm có dấu hiệu cá nhân chủ nghĩa, tôn sùng, trước chưa có.
Trong lúc ấy tôi phụ trách tờ Sáng tạo, viết một bài trong đó có một chỗ phê bình ông Tố Hữu. Mấy hôm sau ông Mai nhận được tin ở ngoài Bắc đóng cửa Sáng tạo. Bắt đầu rắc rối. Từ đó anh em chỉ dạy học huấn luyện cho văn nghệ sĩ. Không có vấn đề gì nữa cả.
Còn vấn đề xung đột của tôi với ông Nguyễn Sơn cũng có ý nghĩa. Tôi có viết trong Giai phẩm. Hồi ấy ông Nguyễn Sơn làm to lắm, đứng đầu cả khu. Ông từng phụ trách văn nghệ trong tiểu đoàn của Mao Trạch Đông. Ông ấy cho là ông ấy giỏi văn nghệ. Phát biểu nói năng lõm bõm lắm, chả có học hành gì cả.
Trong một buổi họp câu lạc bộ, ông ấy đến phê bình kiểu xách mé, nói văn Trương Tửu thì ra cái gì. Anh em văn nghệ chẳng ai nói gì. Anh Mai hồi ấy anh ấy buồn lắm. Tôi cũng không nói gì. Thế mà cách mấy hôm sau, có lần tôi đi dạy học về, ông ấy đi xe đạp gặp tôi gọi ầm lên rồi xuống xe đi bộ với tôi một cây số về đến nhà, rất vui vẻ. […]. Mà tôi cũng chả giận.
Thời kỳ kháng chiến tôi dạy học là chính. Có các trường như Trường Bưởi có mời đến diễn thuyết  về văn học. Có điều đặc biệt thời kỳ này là là vì tình hình chính trị mình phải giải tán Đảng Cộng sản lập Đảng Lao động. Lúc tôi vào Thanh Hóa, ông Hải Triều đến chơi, bảo muốn tập hợp anh em lại lập một câu lạc bộ Mácxit ở khu 4 (Thanh Hóa) anh cùng sáng lập viên nhé. Tôi bảo ừ, thích lắm.
Vào câu lạc bộ hồi ấy tôi có tổ chức một buổi nói chuyện, cả thầy giáo học trò dự, đông lắm, cả khu 3, 4. Tôi nói về con người Mácxit, hình thành và tiến hóa thế nào từ Mác đến Lênin. Do đầu đề lạ nên người ta nghe đông lắm, mê lắm. Tôi nói vài ba tiếng đồng hồ, do mệt nên mới nghỉ, cũng là để sau nói cái khác.
Lúc tôi vừa xuống, ông Nguyễn Sơn nhảy lên công kích Trương Tửu ghê lắm. Ông ấy nói: từ nãy giờ các bạn nghe anh Trương Tửu nói về sự hình thành con người Mácxit  rất là hay. Ông ấy nói con người Mácxit hình thành dưới thời Mac-Lênin như thế nào? Nhưng anh ấy quên không nói con người Mácxit dưới thời Stalin nữa. Tôi sợ anh ấy mang tiếng oan là trốt kít nên không nói, nên tôi bèn nói thêm một tí vào chỗ đó chứ anh ấy thì không thế. Tôi cười chả nói gì cả. Một tháng sau thì Nguyễn Sơn bị chuyển về Trung Quốc. Cụ Hồ đuổi về [? – NBT]. […]. Tôi chả có giận dỗi gì ông ta đâu.
Năm 1956 đoàn anh Trần Văn Giàu có tôi trong đó sang Trung Quốc. Buổi tối đang chơi ở nhà anh Hoàng Văn Hoan thì Nguyễn Sơn đi vào. Lúc ấy ông ấy đang nằm viện, bị bênh lao, đã trèo tường ra. Ông ấy nghe nói có phái đoàn văn nghệ sang nên trốn ra, tìm đến nói chuyện chân tình lắm, nói chuyện uống rượu vui vẻ. Ông ấy là con người như thế đấy.
Năm 1953 tôi dự Hội nghị văn nghệ toàn quốc ở Việt Bắc. Đi bộ hơn một tháng mới đến. Tôi, Đào Duy Anh và mấy họa sĩ cùng đi, vất vả lắm. Tôi định không đi vì yếu quá. Ông Mai cứ bảo ra dự, ông ấy còn cho một người đi theo hầu hạ mình nên không thể từ chối. Đi bộ, trèo đèo, lội suối. Ở đó được 1 tháng. Nói chuyện dăm ba buổi văn nghệ bình dân cho anh em nghe. Rồi lại về Thanh Hóa. Hội nghị trên đó bầu tôi và ông Đào Duy Anh phụ trách hoàn toàn văn nghệ sĩ Liên khu 3 và 4, hai liên khu.
Sau đó chúng tôi mở lớp bồi dưỡng văn nghệ sĩ Khu 3, 4, đến hơn trăm người. Dạy thêm lí luận về văn nghệ. Có kết quả lắm. Đó là năm 1953. Thời gian này in được cuốn Văn nghệ bình dân Việt Nam. Đó là bài diễn thuyết của tôi thời kỳ ấy. Sách do nhà xuất bản của nhà nước ở Thanh Hóa in. Chẳng mấy người biết quyển ấy.
Chính thời kỳ này ở Bộ gửi giấy bổ nhiệm tôi dạy dự bị Đại học, làm giáo sư đại học từ 1952. Nghĩ mình chả học hành ở trường nào cả, toàn tự học lấy từ bé là chủ yếu, không thầy không bạn, không có tiền mua sách, không có thư viện, mà được bổ nhiệm làm giáo sư đại học, càng lo quá, không biết có làm tròn được nhiệm vụ không. Cần dạy văn học sử Việt Nam mà không có một tài liệu nào cả, không có một quyển sách, tờ báo, lấy cái gì mà dạy. Thời kỳ 1900-1945 tài liệu không có gì. Tôi nói với anh Đặng Thai Mai xem anh có kiếm cho tôi được tài liệu gì không. Dạy bằng gì bây giờ. Anh Mai bảo ông là cái tủ sách rồi. Tôi đành phải nhận dạy 40 năm văn học sử Việt Nam 1900-1945. Nhớ đến đâu dạy đến đấy. Biết bao nhiêu tác phẩm mình đã đọc từ 1920, 25, từ kịch Uyên ương của ông Vi Huyền Đắc, Chèo, Tố Tâm…May mà trước đây mình đọc để phê bình nên nhớ lâu lắm, nó ngấm vào óc lúc nào không biết. Lúc này cứ nhớ lại. Nhớ được tất cả. Trò cứ bảo thầy là cái tủ sách đấy à! Thế là không thiếu tài liệu dạy dự bị đại học ở trong đó. Hồi ấy dạy học vất vả lắm chứ không phải như bây giờ đâu. Phải lội 15 km mới tới trường dạy học. Dạy đêm, ngày địch ném bom. Đêm học, mỗi trò một đèn con ngồi học (đó là lứa Văn Tâm đấy). Rồi cũng hoàn thành được. Hồi đó ở năm thứ nhất không có ai dạy. Anh Mai bảo tôi giúp đỡ cho anh Nguyễn Lương Ngọc dạy. Anh Ngọc bảo anh ấy có nghiên cứu gì văn học Việt Nam đâu mà dạy. Anh Mai đã nói cho anh Ngọc một số buổi. Sau anh Ngọc cũng dạy được. Anh ấy nói hay, học trò cũng lĩnh hội được.
Trong cuốn Văn nghệ bình dân Việt Nam, in ở Thanh Hóa (nguyên là bài diễn văn của tôi ở Hội nghị văn hóa năm 1949 tại Đô Lương, sau được ông Đặng Thai Mai cho in) tôi có đề cập vấn đề gốc rễ của văn học Việt Nam, tôi nêu ảnh hưởng tư tưởng văn học bình dân Việt Nam đã “đẻ” ra những lớp sĩ phu thời trước, những Hồ Xuân Hương, Tú Xương và Yên Đỗ tuyệt vời.
Tôi định viết nghiên cứu về Nguyễn Tuân. Tôi là người hiểu ông ấy. Người ta mới viết về ông ấy từ những cái nhỏ nhỏ thôi. Nguyễn Tuân là người rất độc đáo ở chỗ ông là người đào rất sâu vào cái mình viết. Ông không bao giờ đi vào tình cảm, tư tưởng, mà toàn là cảm giác, đi vào cảm giác rất nhỏ mọn trong cuộc đời. Tôi đã có viết một bài tên là Bệnh giang hồ của Nguyễn Tuân, bây giờ không tìm được ở đâu. Đó là về nội dung. Còn về nghệ thuật, đọc Nguyễn Tuân tưởng như câu văn rất cổ, rất cổ, nhưng đọc kĩ thấy Tây lắm, đó là văn Pháp. Cứ đọc Vang bóng một thời sẽ thấy “cổ” lắm, mà thấy ảnh hưởng của Pháp rất nhiều. Lối phô diễn rất tây. Chỉ hạ một câu:
  • Chao ôi!
Mà mô tả được hết, rất Tây, đào được tận gốc của cảm giác. Rất thâm thúy. Ông đi vào tận gốc rễ của cảm giác. Mỗi một nhà văn có một thế giới của họ. Phải tự tạo được thế giới của mình mới là nhà văn. Phải tìm cái thế giới ấy. Tôi còn thích thơ Chế Lan Viên, Huy Cận về tư tưởng. Người thi sĩ phải có cái nền về tư tưởng, cái gì có lợi cho thế giới nhân sinh. Vấn đề là nó thể hiện chân lý của cuộc sống như thế nào. Thế nó mới đem lại lợi ích cho đời. Văn sĩ phải làm giàu cho đời những hình tượng, là giàu cho mình và cho con người. Cái đó phải là tiêu chuẩn đánh giá tác phẩm, tác giả. Mỗi một tác phẩm phải là một tư tưởng. Thơ phải kín, nó ít chữ nên nó dùng hình ảnh. Phải “trói voi bỏ bị mới là thơ”. Tôi rất tiếc là suốt 30 năm tôi không viết được gì.
…Ông Nguyễn Mạnh Tường ở với tôi ở Thanh Hóa, cùng dạy dự bị đại học. Có thể nói đó là một người cực kỳ thông minh, học vấn sâu sắc. Người con giai Việt 21,22 tuổi đỗ 2 bằng Tiến sĩ làm rung động cả nước Pháp. Các báo Pháp đều đăng tin về ông, ngay Pháp cũng không có người như thế. Ông còn có 5, 7 bằng cao học về các thứ khác. Ông học nhiều, biết nhiều về văn học Hy-La, về tư tưởng Tây phương. Ông có cái hạn chế là sang cái đông phương thì hơi lạc lối, cũng là do sâu sắc cái Tây phương quá. Ông có bài diễn văn, trong đó ông ấy phê bình Đảng về sai lầm cải cách ruộng đất đăng ở 1 số tạp chí của chúng tôi. Bài hay lắm. Tạp chí đó bị tịch thu. Hồi đó Đảng có sửa sai. Bài diễn văn đó ông ấy trình bày trong cuộc họp Đảng xã hội (mà ông ấy là lãnh tụ). Cuộc họp này ông Trường Chinh có đến dự. Bài dài 40 trang, tư tưởng cực kỳ táo bạo. Ông ấy là người trí thức có chí khí. Ông muốn đứng về mặt luật mà nói, muốn dựa theo luật để giải quyết các vấn đề (như cải cách ruộng đất). Ông muốn phải có nghiên cứu khoa học thì mới kết luận được vấn đề. Làm như thế mới khoa học. Thời Nhân văn-Giai phẩm ông tham gia mạnh. Ông chống những áp bức tự do về tư tưởng. […]. Đó là con người đáng quý, đời sống riêng rất mẫu mực, chỉ biết làm người thầy giáo rồi về với vợ con. Đời sống ông ấy trong sạch.
Hồi ở Thanh Hoá, có một tranh luận về giá trị những lời phê bình của quần chúng trong hội nghị do tôi và ông Đào Duy Anh tổ chức sau khi ở Việt Bắc về. Những người Mácxit thì cho là quần chúng đúng, người Mácxit thường cho ý của họ là đúng. Ông Nguyễn Mạnh Tường đứng lên nói có lời phê bình của quần chúng về một nhà văn - lời khen, nhưng 15 năm sau hóa ra nhà văn đó chẳng có gì. Tôi nghĩ trong một hoàn cảnh nào đó cần phải có một tư tưởng nào đó chỉ đạo, cũng phải “cứng” là vì thế.
Sở dĩ Đảng không có chủ trương xem xét các ý kiến trái với mình vì đây là Đảng của anh nghèo, nghèo nên không thể chấp nhận được đường lối đó. […]. Ví như Nhân văn-Giai phẩm suốt từ năm 55-57 Đảng không biết xử trí như thế nào. Hồi đó Chính phủ cho cả ô tô đưa ông Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo đi nghỉ ở Tam Đảo. Đối với văn nghệ sĩ hồi đó không có con mắt khinh bỉ gì đâu. Nhưng lúc đó chưa có ảnh hưởng Mao, bên Trung Quốc chưa có vấn đề đánh phái hữu.[…].
Có một bài báo thuật lại chuyện ông Brơton (ông ấy là họa sĩ) đến gặp và phỏng vấn Trôtski bảo: Đối với tôi người văn nghệ sĩ hoàn toàn tự do miễn là không chống lại cách mạng. Ông ấy ngồi im: - Không, nếu thế thì nguy lắm. Nếu một người khác nó muốn một cái gì nó vu cho người ta chống cách mạng thì làm thế nào. Không, ông xóa đoạn sau đi cho tôi: hoàn toàn tự do. Broton tán thành quan điểm đó. Còn tư tưởng chính trị ông ta cũng như Stalin không kém một tí gì. Thế mới kinh chứ. Ông ấy viết văn thật hay, còn các tư tưởng cũng như Stalin. Ông Trôtski có lần bảo: tôi đọc văn Stalin cứ như ăn bữa cơm ngon có một cái sạn ấy. Phải nói kể cả những tội lỗi đi nữa, các ông ấy cũng là những phần tử rất lớn của loài người.
Cái xã hội đang thế này có một người “nhấc” nó lên được một mức là hay lắm rồi, kể cả người đó có những tội lỗi vẫn là những phần tử rất lớn của loài người. Ông Hồ Chí Minh giải phóng đất nước mình, lập nên một nước đầu tiên Việt Nam dân chủ cộng hòa là hay lắm rồi, không bao giờ xóa được. Nhưng không vì thế mà thần thánh hóa cái khác.
…Có nhiều khi mình phát biểu chưa có lợi gì mà nó cản trở mình rồi, cho nên tội gì mà phát biểu, không phải như thế là hèn đâu. Tôi có lý thuyết 5 đúng là thế: Đúng việc, việc gì nói việc ấy; đúng sự phát triển của việc ấy, nó đang phát triển một bước mà anh đưa nó nhảy lên ba bốn bước là không đúng; đúng lúc, không phải thế nào cũng được; đúng lý, hợp tình hợp lí; đúng mức, cái thứ năm này mới là quan trọng, không đúng mức là vứt đi. Ông Lênin có một câu quan trọng - chân lý mà anh để thái quá là phản chân lý. Người Việt Nam nói một cách hay hơn - hết khôn dồn ra dại. Cái gì thái quá là chết. Thuyết của Lão Tử là không đi quá một bước, không lùi quá một bước. Thuyết của Khổng Tử là trung dung, cũng là đứng giữa. Thuyết của Phật là trung đạo, cũng là đứng giữa. Theo Kinh dịch, chính mà không trung là nguy hiểm, chính mà không cân là nguy hiểm./.
............................
Pgs Tôn Thảo Miên và Ts Hà Công Tài [Viện văn học – Viện hàn lâm KHXHVN]  ghi [năm 1997]

1 nhận xét: