Trang

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Đòi hỏi của nông dân

Một thực tế đáng quan ngại ở nông thôn đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt là hầu hết con em nông dân đều có tâm lý “thoát ly” vĩnh viễn khỏi nghề nông.  Lên thành phố, học trường nào cũng được, làm việc gì cũng xong miễn là đừng phải trở lại với nhà quê. Chỉ một số rất ít không còn cách gì để xoay sở mới buộc lòng tạm thời chấp nhận trở về hay ở lại nơi chốn đã sinh ra và nuôi dưỡng họ trưởng thành từ nông nghiệp. Vậy thử hỏi, lực lượng lao động còn tồn tại ở nông thôn ngày nay họ là những ai? Liệu họ có phải là thế hệ kế thừa sáng giá các kinh nghiệm  nông nghiệp cổ truyền cũng như khả năng tiếp thu tri thức hiện đại cho nền nông nghiệp công nghệ cao hay không?

Chiều dài lịch sử của người Việt cho thấy nông dân luôn chiếm vai trò và vị trí then chốt trong mọi sự kiện gắn liền với sự hưng vong của đất nước. Họ luôn là lực lượng chủ lực trong tất cả các mặt trận, thời chiến cũng như thời bình. Năm 2014 vừa qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt trên 30 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, cho thấy vai trò và sự đóng góp của khu vực này vào nền kinh tế quốc dân. Chưa hết, chính trong lĩnh vực nông nghiệp người Việt Nam đã cho thế giới nhận thấy một Việt Nam đầy tiềm năng, thành viên có nhiều đóng góp tích cực vào an ninh lương thực toàn cầu, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm vị trí quan trọng trên thị trường quốc tế.

Thế nhưng, 70% dân số Việt Nam sống tại nông thôn hiện đang phải gánh chịu nhiều thiệt thòi về an sinh xã hội, thiên tai, môi trường, cơ sở hạ tầng, các chính sách bất hợp lý về quyền tài sản, điều kiện hạn chế khi  tiếp cận với các nguồn lực quốc gia về tài chính, tri thức, pháp lý… Họ luôn bị đẩy về phía nhóm yếu thế trong quan hệ với các thành phần khác khi tham gia vào các chuỗi sản xuất – tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Điều đáng nói là từ lâu Chính phủ cũng đã nhận ra sự bất cập này nên cũng từng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, đáng tiếc là phần lớn các sự hỗ trợ này lại thông qua các tầng lớp trung gian, hoặc các điều kiện hỗ trợ xa rời thực tế nên người nông dân thực sự hưởng lợi từ các nguồn lực quốc gia nói trên chưa đáng kể.  Một vài ví dụ tiêu biểu cho các chính sách bất cập này là chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa gạo hàng năm;  hay chính sách cho vay ưu đãi sản xuất nông nghiệp nhưng thời gian cho vay lại không căn cứ vào vòng đời đầu tư - thu hồi vốn cụ thể của từng loại vật nuôi cây trồng. Khiến nông dân vốn đã không có nguồn lực tài chính buộc phải đi vay phải luôn đứng trước món nợ quá hạn khó trả, vì thế mà không thể tiếp cận với nguồn tài chính được cho là ưu đãi.

Người nông dân Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với nhều bất cập trong quản lý xã hội khi hàng ngày họ phải bỏ ra nhiều khoản tiền lớn hơn người thành thị để có được những tiện nghi sinh hoạt cần thiết. Chẳng hạn như người thành phố được nhà nước làm đường tới tận cửa nhà, có khi còn chiếm luôn vỉa hè để kinh doanh thu lợi. Trong khi người nông thôn phải tự bỏ tiền ra đóng góp vào việc làm đường giao thông thôn xã, có nơi ưu tiên lắm thì được cơ chế  “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tương tự, xây dựng mạng lưới điện, nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn cũng đòi hỏi khá nhiều sự đóng góp của nông dân. Chưa kể, sản phẩm vật tư nông nghiệp, cây con giống, nông sản nhập lậu,… luôn có nguy cơ bị làm giả, làm nhái, kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng cho người nông dân mà các quan chức ngành chức năng gần đây từng phát biều hiện phài bó tay, không thể kiểm soát được do lực lượng quá mỏng, quá yếu.

Các chính sách về quy hoạch, sử dụng đất đai trong nhiều năm qua cũng chưa thực sự coi trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người nông dân. Đặc biệt là quyền sở hữu và sử dụng đất đai ổn định lâu dài chưa được ghi nhận minh bạch nên vẫn chưa mang lại niềm tin thật sự cho người nông dân nhằm có thể  khuyến khích sự đầu tư quy mô lớn.  Trong khi nhiều đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và không ít đai các loại khác đang rơi vào tay hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước với số lượng lớn thông qua các dự án kinh tế có vẻ rất hiệu quả trên giấy song phần lớn chỉ nhằm mục tiêu bao chiếm đất đai là chính. Hàng loạt nông dân buộc phải từ bỏ ruộng vườn, do bị mất đất từ các dự án phát triển đô thị, khu công nghiệp và hàng trăm lý do khác…. Nhiều người trong số họ không được bồi thường đầy đủ, thỏa đáng nên buộc phải khiếu kiện. Do chính sách và pháp luật bất cập, rối rắm lại thêm sự chi phối của các nhóm lợi ích ở địa phương nên việc giải quyết các khiếu kiện liên quan tới thu hồi đất đai trong nhiều năm qua hầu hết là không hiệu quả. Dẫn tới khiếu kiện càng kéo dài, bức xúc, gây phức tạp và bất ổn xã hội. Theo Thanh Tra Chính Phủ, không dưới  70% số vụ khiếu kiện kéo dài, khó giải quyết trong những năm gần đây có nội dung liên quan tới đất đai. Người nông dân thắc mắc, tại sao khi đất đai đã cho nhà đầu tư thuê làm khu công nghiệp, dự án phát triển đô thị hay làm sân golf, nếu nhà nước muốn thu hồi lại để làm đường xá hay công trình khác thì phải thương ượng với nhà đầu tư để mua lại quyền sử dụng đất theo giá thị trường. Trong khi với nông dân thì nhà nước lại thu hồi đất nông nghiệp và áp đặt giá đền bù  “sát giá thị trường “ theo quy định của nhà nước mà không cần thương lượng?

Trong điều kiện kinh tế thị trường, khi mà các ngành nghề khác đều được “cởi trói”, mạnh mẽ thay đổi thế chế quản lý để bắt kịp đà phát triển chung của kinh tế thế giới thì người nông dân không chỉ lao động cần cù, chăm chỉ là đủ mà còn phải trở thành người lao động có tri thức và sáng tạo. Muốn vậy, về mặt chính sách, trước hết nhà nước phải tạo điều kiện để giữ chân những người con tinh hoa của nông dân trở về với nông thôn, nông nghiệp. Họ phải có cơ sở để thực hiện các ước mơ, các kế hoạch làm giàu bằng tri thức và khoa học nông nghiệp hiện đại trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu. Thực tế đòi hỏi cần có sự thay đổi quyết liệt về tư duy đầu tư cho tam nông, đổi mới cơ bản các chính sách hỗ trợ cho nông dân gắn liền với quyền và lợi ích hợp pháp, thiết thân của họ. Cần chấm dứt các chính sách tình thế, đối phó, lắt nhắt, theo đuôi… Và nhất là sử dụng nguồn lực quốc gia hỗ trợ nông dân nhưng lại thông qua các nhóm lợi ích trung gian mà nhà chức trách khó có thể kiểm soát.

Người nông dân thực sự cần được giải phóng khỏi gánh nặng của các chính sách bất cập, bất công và nhất là mang tính đối phó, tình thế, chỉ có lợi cho các nhóm lợi ích trung gian hơn là cho chính họ, cho đòi hỏi của sự phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình hiện nay.


Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

“Chắp cánh cho hổ”!

Mặc dù liên tiếp là quốc gia trong top đầu xuất khẩu lúa gạo trên thế giới  mấy chục năm qua, nhưng người nông dân Việt Nam, đặc biệt là người trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long  (ĐBSCL) vẫn chưa giàu lên như mong muốn.  Ngược lại, mỗi năm cứ tới mùa thu họach, điệp khúc “được mùa rớt giá” liên tục tái diễn gây nên bao nỗi lo âu, thiệt hại cho người trồng lúa.  Đáng nói là từ hơn 6 năm qua, Chính phủ đã có chương trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa gạo hàng năm nhằm mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ người trồng lúa không bị “rớt giá”, giữ mức sàn lợi nhuận ít nhất từ 30% trở lên. Tuy nhiên, chương trình này sau một thời gian khá dài đã tỏ ra có khá nhiều bất cập, nguồn lực đầu tư khá lớn nhưng không mang lại lợi ích thật sự cho người nông dân.

Chương trình thu mua tạm trữ một triệu tấn gạo vụ đông xuân năm 2015 ở ĐBSCL đã triển khai được hơn nửa tháng, chỉ mới đi được 1/3 chặng đường. Thế nhưng xu hướng giá lúa gạo tại đây lại đang có dấu hiệu rớt giá sau tuần lễ đầu tiên nhích lên một ít. Điều này cho thấy một thực tế đáng buồn trong nhiêu năm qua là hiệu quả hết sức hạn chế của chương trình thu mua tạm trữ đối với mục tiêu mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Đặc điểm khá rõ của vùng trồng lúa ĐBSCCL là cứ vào vụ mùa, khi người dân dân thu hoạch thì lượng lúa hàng hóa tăng lên rất lớn. Do điều kiện tài chính cũng như cơ sở hạ tầng yếu kém không thể xử lý tốt sau thu hoạch và dự trữ, người nông dân  buộc phải bán đi phần lớn lượng lúa ngay sau khi thu hoạch. Vào thời điểm này, quyền lực của người trồng lúa trong chuỗi sản xuất lúa gạo trở nên yếu thế nhất. Họ không thể trở thành người quyết định giá cả thị trường hoặc chí ít có khả năng và điều kiện để đàm phán ngang ngữa với giới kinh doanh.  Các doanh nghiệp hoặc thương lái kinh doanh lúa gạo tất nhiên vì lợi nhuận sẽ tìm mọi cách để mua được giá thấp nhất.

Chính từ đặc điểm này mà chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất cho doanh nghiệp của Chính phủ ra đời cách đây sáu năm mang tên “Chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo”. Mục tiêu cuối cùng như đã nói, là sử nguồn lực tài chính ưu đãi  của Chính phủ nhằm can thiệp vào thị trường lúa gạo vào lúc nguồn cung đang trở nên dồi dào nhất để hạn chế việc ép giá nông dân. Tuy nhiên, những năm gần đây bên cạnh việc cung cấp tài chính ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia thu mua tạm trữ lúa gạo, Chính phủ còn cho phép việc thu mua tạm trữ này của doanh nghiệp thực hiện theo cơ chế thị trường. Nếu căn cứ vào cơ chế thị trường thì doanh nghiệp có toàn quyền quyết định giá cả thu mua sao cho đảm bảo lợi ích của chính họ hơn là phục vụ lợi ích của người trồng lúa. Trong khi đó, họ lại được hưởng một phần đáng kể nguồn lực tài chính ưu đãi từ Chính phủ. Thực chất, những ưu đãi tài chính từ Chính phủ cũng là một phần của nguồn lực quốc gia nhằm mục tiêu can thiệp vào thị trường lúa gạo trong thời điểm nhạy cảm nhất để phần nào cân bằng quyền lực của các bên tham gia chuỗi sản xuất. Chính phủ sử dụng nguồn lực này nhằm ngăn chặn việc áp đặt quyền lực của kẻ mạnh lên trên người yếu thế để đảm bảo việc cân bằng lợi ích chính đáng của các bên.

Không ít chuyên gia đặt vấn đề, vì sao Chính phủ không sử dụng nguồn lực này để đầu tư trực tiếp cho người nông dân, thông qua các chương trình nâng cao nguồn lực tài chính, năng lực sản xuất cũng như tạm trữ của chính họ. Từ đó giúp cho người nông dân nâng cao vị thế và tăng thêm quyền lực của họ trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Khi đó, người trồng lúc sẽ dần dần thoát ra khỏi tình trạng là nhóm yếu thế liên lục bị chèn ép, liên tục phải cam chịu cảnh “được mùa rớt giá”.

Việc thu mua tạm trữ lúa gạo diễn ra trong một thời gian không dài, lại triển khai trên một địa bàn khá rộng lớn. Do đó, khâu tổ chức, giám sát của cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn. Thường phải giao cho Hiệp Hội Lương thực Việt Nam (VFA) đứng ra làm đầu mối trung gian, phân bổ chỉ tiêu thu mua cho các địa phương và doanh nghiệp. Việc này tất nhiên hình thành cơ chế xin – cho, ần chứa nhều bất cập. Năm nào các địa phương và doanh nghiêp cũng kêu ca, phàn nàn về kế hoạch phân bổ chỉ tiêu của VFA. Chưa kể, hiện các doanh nghiệp trực thuộc VFA lại chiếm khoảng hơn 40% thị phần xuất khầu lúa gạo nên khả năng tác động tới thị trường của các doanh nghiệp này là rất đáng kể.

Do có điều kiện  kiểm soát thị trường và chiếm phấn lớn nguồn lực quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất xuất khầu lúa gạo, các doanh nghiệp của VFA có lợi thế rất lớn, chiếm giữ thế mạnh trong việc quyết định giá cả lúa gạo trên thị trường nội địa. Trong khi đó, việc xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam hàng chục năm qua tuy đứng nhất nhì thế giới về số lượng, song chất lượng và giá trị hàng hóa mang về cho đất nước là chưa đạt yêu cầu. Nổi tiếng thế giới về xuất khẩu gạo, song cho tới nay Việt Nam chưa xây dựng được bất kỳ một thương hiệu lúa gạo uy tín nào trên thị trường thế giới. Gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu vào loại chất lượng thấp, giá rẻ. Hầu hết các hợp đồng xuất khẩu mà các doanh nghiệp Việt Nam dành được cũng từ việc hạ giá bán tới mức thấp nhất. Cũng chính từ việc xuất khầu lúa gạo giá thấp, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể kiếm lời bằng cách ép giá người trồng lúa trong nước. Hỗ trợ thêm nguồn lực cho chính những nhóm đang chiếm giữ thế mạnh chẳng khác nào “chắp cánh cho hổ”, gia tăng thêm quyền lực trong mối quan hệ với người trồng lúa vốn đã, đương nhiên là nhóm yếu thế. Lẽ ra chính người trồng múa mới chính là nhóm phải được hỗ trợ thêm nguồn lực từ nhà chức trách để hy vọng tạo ra thế cân bằng đảm bảo lợi ích hài hòa cho các bên.


Phân tích hiện tượng giá lúa ở ĐBSCL đang quay đầu giảm xuống giữa lúc chương trình thu mua tạm trữ đang triển khai và các hợp đồng xuất khẩu gạo cho Philippines đang bắt đầu thực hiện chúng ta thấy chẳng có gì đáng ngạc nhiên trước tác động của kẻ mạnh. Mức giá trúng thầu với Philippines vừa qua trung bình từ 421-441USD/tấn gạo, giá CIF (tức là giao hàng tại kho nước nhập). Như vậy, để có được lợi nhuận trong thương vụ này, các doanh nhiệp chỉ có thể mua gạo nội địa ở mức dưới 360USD/tấn, quy ra khoảng 7.500 đồng/ký. Điều này cho thấy sự hợp lý của “kẻ mạnh” trong chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu lúa gạo khi điều chỉnh giá lúa gạo của thị trường trong nước phải giảm xuống ngay trong lúc chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo hỗ trợ nông dân theo mục tiêu của Chính phủ đang được rầm rộ triền khai.

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Nguyên tắc vàng của doanh nghiệp

Có lẽ sẽ không ai tranh cãi về những mục tiêu tốt đẹp mà mỗi cá nhân hay một doanh nghiệp nào đó hoạch định cho tương lai của chính họ hay cho tổ chức của mình. Thế nhưng con đường và phương tiện để đạt được các mục tiêu đó mới chính là vấn đề gây tranh luận. Đương nhiên, do tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau nên có sự khác biệt trong nhận thức hay phương pháp hành động là chuyện  bình thường. Tuy vậy, trong từng lĩnh vực đều có những "nguyên tắc vàng” mà khi nhận thức đầy đủ về nó sẽ khiến cho việc xử lý sự cố và giải quyết khủng hoảng sẽ hiệu quả hơn.

Đặc biệt, khi xảy ra sự cố hay một tình huống khủng hoảng nào đó khả năng tranh luận và tìm kiếm giải pháp để xử lý khủng hoảng sẽ cho ta thấy bản lĩnh cũng như giá trị đích thực của các bên liên quan. Trong đó có vai trò của từng cá nhân, của các nhóm lợi ích và cả sự tham gia của cơ quan công quyền. Quan sát cách hành xử của Công ty Tân Hiệp Phát xung quanh những cáo buộc của người tiêu dùng về các vật lạ trong một số sản phẩm nước giải khát của Công ty này ta thấy rõ sự hiện diện của nhiều vấn đề gay cấn trong xã hội ngày nay. Đáng nói nhất là sự quan ngại về xu hướng coi thường quyền và lợi ích của người tiêu dùng, vốn được xác định là bên yếu thế lẽ ra phải được nhà chức trách ưu tiên quan tâm và bảo vệ.

Cách hành xử "đổ lỗi cho kẻ xấu” và đơn phương biến mình thành "người bị hại” trước  các nghi vấn vật lạ trong một số chai nước giải khát của Tân Hiệp Phát thay vì nghiêm túc xem xét , kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất và các vật chứng, đã khiến cho người tiêu dùng thất vọng. Trong dân gian từng cảnh báo về sự thấp cổ bé họng của người dân yếu thế  "con kiến mà kiện củ khoai” như càng được khẳng định thêm khi có thông tin người phát hiện chai nươc ngọt có vật lạ bị công an bắt giữ do nghi vấn có hành vi tống tiền Tân Hiệp Phát đổi lấy sự im lặng. Sự ám ảnh này càng gia tăng khi ngay sau đó một số trường hợp người phát hiện ra các dị vật trong một số sản phẩm của Tân Hiệp Phát tiếp tục bị mời làm việc với công an.

Trong khi đó, hãng nước ngọt này vẫn tiếp tục con đường xử lý khủng hoảng bằng cách "đổ lỗi cho kẻ xấu” và đưa ra các tuyên bố chủ quan đầy thách thức sau khi kết thúc một cuộc thanh tra chớp nhoáng của cơ quan chức năng sở tại với kết luận quy trình sản xuất của doanh nghiệp này không có vấn đề gì đáng nói. Tuy nhiên, đáng lưu ý là chưa một lần nào Tân Hiệp Phát khẳng định các sản phẩm bị cáo buộc có vật lạ được công khai trên truyền thông không phải là sản phẩm của họ làm ra.

Người dân trả tiền thuế cho bộ máy công quyền trong đó đòi hỏi bộ máy này phải có trách nhiệm thiết lập các tổ chức cũng như cơ chế cần thiết để bảo vệ hữu hiệu các quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong vai trò là người tiêu dùng. Việc các doanh nghiệp chạy theo lợi  nhuận riêng tư bất chấp lợi ích chính đáng của người tiêu dùng là phải bị lên án và bị xử phạt thích đáng. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng trong các lĩnh vực được luật pháp quy định còn một cơ chế hữu hiệu khác được xã hội giám sát chặt chẽ mà lạI ít tốn kém chi phí hơn. Đó chính là quyền tự do lựa chọn các sản phẩm uy tín, chất lượng mà người tiêu dùng tin cậy. Một thuật ngữ để chỉ quyền lực chính đáng này của người tiêu dùng  ra đời gần đây là "hãy trở thành  người tiêu dùng thông minh”. Còn nói theo ngôn ngữ dân gian, "người tiêu dùng, hãy tự cứu lấy mình trước khi chờ… Trời cứu”, bằng sự lựa chọn sáng suốt, chính xác đảm bảo lợi ích của chính bạn và gia đình bạn.

Các quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường đích thực sẽ là uy lực khiến các doanh nghiệp buộc phải coi trọng lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Cái mà doanh nghiệp sợ nhất  chính là sự quay lưng, sự tẩy chay của người tiêu dùng đối với sản phẩm, dịch vụ của họ. Lẽ ra, xử lý khủng hoảng trong trường hợp của Tân Hiệp Phát việc đầu tiên là phải có cách hành xử để người tiêu dùng hài lòng, càng thêm tin cậy vào sản phẩm của mình chứ không phải ra sức "đỗ lỗi cho kẻ xấu”, biến người tiêu dùng thành tòng phạm của "kẻ xấu”. Trách nhiệm của Tân Hiệp Phát trong trường hợp này là phải làm sao để người tiêu dùng nhận thấy thái độ thành khẩn, tin cậy vào việc doanh nghiệp này luôn có trách nhiệm cao nhất với người tiêu dùng về việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho tất cả các sàn phẩm mà họ làm ra.

Hành xử của nhà chức trách trong trường hợp này cũng phải định hướng cho doanh nghiệp tìm tới nguyên tác đó một khi sự cố xảy ra. Sự cố và xử lý khủng hoảng là chuyện không thể tránh khỏI và cũng không có gì là bất thường trong vòng đời của mỗi doanh nghiệp. Đôi khi, nhờ có sự cố và khủng hoảng truyền thông mà doanh nghiệp có cơ hội làm gia tăng thêm uy tín của mình hơn trong lòng người tiêu dùng. Điều quan trọng là doanh nghiệp nhận thức được đâu là nguyên tắc vàng mà họ phải gìn giữ một khi sự cố xảy ra và cả trong suốt quá trình xử lý khủng hoảng. Tất cả các hành xử coi thường quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng đều là các trò đối phó vụng về chỉ mang lại hậu quả xấu và ngày càng làm cho doanh nghiệp thêm  sa lầy trong vũng bùn lạc lối, bôi bác vào chính uy tín của họ mà thôi.

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Bạo lực và tử tế

Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm nay, người Việt Nam đang phải chứng kiến nhiều cảnh tượng đau lòng được coi là biểu hiện cho sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức xã hội với sự gia tăng thói hung hăng, bạo lực. Điều đáng suy nghĩ  là sự bùng phát của hành vi bạo lực và sự biến tướng mang đậm màu sắc mê tín dị đoan ở không ít sự kiện khá dồn dập trong dịp đầu năm mới mà người người đang gửi những lời tử tế, chúc nhau an lành, hạnh phúc. Vì sao bên cạnh sự tử tế thì đời sống xã hội đang cảnh báo vấn nạn hành vi bạo lực gia tăng?

Thực ra, những năm gần đây trước các hiện tượng bùng nổ bạo lực trong xã hội, các nhà chức trách và các chuyên gia cũng không ít lần thảo luận, tìm kiếm nguyên nhân và giải pháp. Nhiều người đã nhìn thấy sự khiếm khuyết trong nền giáo dục công dân dẫn tới việc đào tạo con người còn mang nặng tính áp đặt, hình thức, khuyến khích chạy đua tìm kiếm thành tích hơn là rèn luyện nhân cách và đạo lý làm người. Những khiếm khuyết của hệ thống chấp pháp ngoài việc mang lại nhiều hệ quả khôn lường cho xã hội, ảnh hưởng xấu tới uy tín của Nhà nước còn tác động không nhỏ tới việc hình thành thói quen tự xử lý giữa các cá nhân với nhau khi có mâu thuẫn hay tranh chấp. Các hiện tượng bất công xã hội, coi thường pháp luật, mua quan bán chức, hối lộ chạy án, cơ chế xin – cho, tham nhũng - lợi ích nhóm, phân hóa giàu nghèo gay gắt… mang lại nhiều bức xúc trong xã hội. Sự tích lũy các bức xúc xã hội trong những diễn biến thích hợp dễ bùng phát thành các ứng xử mang tính bạo lực.

Một trong những nét đặc trưng liên quan tới lễ hội mà năm nào cũng thấy, mặc dù luôn bị cộng đồng phê phán gay gắt nhưng đáng tiếc các hành vi này vẫn không giảm bớt mà đang có khuynh hướng ngày càng gia tăng một cách nghiêm trọng hơn: Đó là hiện tượng "hối lộ thần thánh”. Hiện tượng này được các nhà tâm lý học phân tích chính xác là sự bê nguyên xi thói quen ứng xử của xã hội trần tục vào trong thế giới của thần thánh. Hiện tượng đánh đồng và ứng xử như nhau trước "thế quyền” và "thần quyền” cho thấy sự xuống cấp hay bế tắc về  văn hóa một cách nghiêm trọng. Trước hết là trong tri thức, trong tư duy về tín ngưỡng của một bộ phận dân chúng.

Tín ngưỡng là một hiện tượng văn hóa. Khi hành vi tín ngưỡng trở thành thói quen của cộng đồng thì nó trở thành phong tục, tập quán. Nhưng một khi nó vượt khỏi  sự chế định của tri thức cộng đồng và lý trí tập thể để trở thành mê tín trên bình diện rộng thì đó lại là chỉ báo về sự khủng hoảng tâm lý xã hội nhìn từ cả ba góc độ tri thức, trí tuệ và niềm tin. Khi niềm tin bị khủng hoảng con người có xu hướng dựa dẫm vào thần linh, trông cậy vào quyền lực siêu nhiên để cầu lợi lộc và sự che chở. Tuy nhiên, cũng trong tâm lý đó một bộ phận khác không có đủ tiền hay điều kiện để "hối lộ thần quyền” lại có khuynh hướng xử lý vấn đề bằng sức mạnh cơ bắp. Hai lối hành xử có một mẫu số chung đó là đều dựa dẫm vào sức mạnh. Một bên là cầu viện sức mạnh của thần quyền, còn một bên là trở về với  hành vi nguyên thủy – sức mạnh cơ bắp. Khi xã hội không tạo điều kiện và khuyến khích mỗi cá nhân có thể sống và tin vào các giá trị lành mạnh họ có xu hướng tất yếu dựa vào các giá trị ảo tưởng, trong đó có quyền lực siêu nhiên hay trở về với hành vi bản năng, để tự khẳng định và xác lập chỗ đứng của mình. Đàng nào cũng không ổn, mê tín quyền lực siêu nhiên thì chống lại sự tiến hóa của lịch sử, còn mê tín sức mạnh cơ bắp thì dễ chà đạp lên các quy phạm xã hội.

Sự thật thì không phải ai ai cũng tự ý thức được hành vi bạo lực của mình cho tới khi họ phải quay trở về với cách hành xử nguyên thủy. Ít ai nghĩ rằng "hối lộ thần thánh” cũng là một dạng thức biểu hiện của hành vi bạo lực, xử lý vấn đề của mình bằng cách cầu viện quyền lực siêu nhiên.Sự mê tín mang lại cho con người ý niệm có thể mua chuộc thần thánh để họ đạt được những lợi ích thế tục mà bằng tiền bạc, hay thế  quyền họ đã từng có được. Song mọi thứ có vẻ  mong manh, tâm lý bất ổn vì những thứ lợi lộc kia gần như không phải xây dựng lên trên cái nền vững chắc được đảm bảo bằng tài năng, đạo đức và nhất là từ các giá trị, quy phạm xã hội được cộng đồng thừa nhận. 

Tuy nhiên, việc tranh cãi bằng lời lẽ cũng chưa đủ là bằng chứng cho một thái độ tử tế của những cá nhân trong xã hội văn minh. Nếu như cá nhân tham gia tranh cãi luôn giữ một thái độ tin chắc là mình luôn luôn đúng còn đối phương thì bao giờ cũng sai lầm. Trong trường hợp đó, tranh cãi cũng chỉ là một hình thức khác của bạo lực. Như vậy, giữa ý chí mong muốn những người khác cũng bình an như lời chúc an lành đầu năm mới, nếu điều đó không phải là sáo rỗng và hình thức, thì một thực tế trái ngược đôi khi lại xảy ra từ khía cạnh ứng xử nhầm lẫn, từ nhận thức sai lầm của mỗi cá nhân trong khi giải quyết các tranh chấp trong xã hội. Cứ tưởng rằng tranh cãi phi bạo lực, không hành xử nguyên thủy, nhưng khi đã cầu viện thần quyền và  tranh đoạt chân lý chỉ dành cho cá nhân hay nhóm lợi ích của mình rồi thì sẽ không còn không gian tử tế, lẽ phải hay công bằng cho bất kỳ một ai hoặc một nhóm nào khác nữa.Sự tử tế luôn giúp người tham gia tranh cãi luôn giữ thái độ hoài nghi nhất định đối với lập trường của chính mình và hy vọng thông qua tranh cãi sẽ tiếp cận được lẽ phải chứ không phải để tuyên cáo chân lý bất di bất dịch của mình. Người tử tế là người luôn ý thức được rằng mình từng có sai lầm và không quên đi những sai lầm đó. Chỉ có thể giảm thiểu bạo lực và xây dựng một xã hội văn minh khi ngày càng có nhiều người tử tế.

Hữu Nguyên
Nguồn báo Đại Đoàn Kết

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

DANH SÁCH LIỆT SỸ HY SINH NGÀY 14/3/1988 TẠI TRƯỜNG SA

DANH SÁCH LIỆT SỸ HY SINH NGÀY 14/3/1988 TẠI TRƯỜNG SA







Bia ghi tên các Liệt sĩ tại Cam Ranh, Khánh Hòa

Ngay sau khi diễn ra sự kiện 14/3/1988 trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma (Trường Sa, Khánh Hòa), Nhà nước - nhân dân ta đã cực lực phản đối hành động dã man của nhà cầm quyền Trung Quốc và trên thực tế, đã có sự chuẩn bị - sẵn sàng đối phó nếu sự việc tương tự xảy ra một lần nữa. Minh chứng rõ nhất là những bài đăng trên Báo Nhân dân và tin - phóng sự trực tiếp từ hiện trường đảo chìm Cô Lin, do Nhà báo Trần Bình Minh (nay là Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện, phát liên tục trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam.
Đài Tưởng niệm


 Ngày 28/3/1988, Báo Nhân dân đã công bố danh sách 74 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam "bị mất tích do tội ác của nhà cầm quyền Trung Quốc". Sau này, đã xác định một số cán bộ - chiến sĩ bị phía Trung Quốc bắt làm tù binh. Như vậy, số chiến sĩ hy sinh trong ngày 14/3/1988 là 64 người và từ tháng 4/1988, những người nằm xuống đều được Nhà nước truy tặng Liệt sỹ, gia đình - người thân của họ đều được hưởng mọi chế độ dành cho Liệt sỹ

Bây giờ, nếu ai đi từ sân bay Cam Ranh về thành phố Nha Trang, nếu để ý sẽ thấy Tượng đài Tưởng niệm các quân nhân Liên Xô (cũ) và Việt Nam đã hy sinh vì hòa bình và ổn định khu vực bằng đá hoa cương cao trên 20 mét, với biểu tượng chiếc máy bay chiến đấu lao vút lên trời cao và 2 người lính công kênh bé em trên vai.

Tổ quốc và nhân dân ghi công các anh

Nếu ai đó thực sự tưởng nhớ, biết ơn 44 quân nhân Liên Xô/ Nga và 176 quân nhân Việt Nam đã ngã xuống ở khu vực Cam Ranh, miền Trung, hãy dừng lại thắp 1 nén hương, cúi đầu tưởng niệm và đọc tên những người đã nằm xuống. Những người lính hy sinh ở Cô Lin - Gạc Ma, Trường Sa năm 1988, đều có 1 ngày hy sinh chung nhất: 14/3.

Nhắc đến lịch sử là nhắc đến tính chính xác và tôn trọng sự thật. Nhất là sự thật này làm bằng máu, bằng mạng sống của 64 người lính Việt, rất trẻ và rất linh thiêng... trên vùng biển Cô Lin-Gạc Ma phẳng lặng, giữa sóng cuộn gió gào Trường Sa biển xanh, máu đỏ.
---------------------------------------------------------------------------

DANH SÁCH LIỆT SỸ HY SINH NGÀY 14/3/1988

(Danh sách do Phòng Chính trị, Lữ đoàn 146, Vùng 4 - Hải quân cung cấp)



SttHọ tênNăm sinhCấp bậcChức vụNhập ngũĐơn vịQuê quán
1 (2+39)Trần Văn Phương1965Thiếu uýB trưởng3-1983Gạc MaQuảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình
2 (1)Trần Đức Thông1944Trung táLữ phó 1464-1962Gạc MaMinh Hoà, Hưng Hà, Thái Bình
3 (40)Nguyễn Mậu Phong1959Thượng uýB trưởng11-1977Gạc MaDuy Ninh, Lệ Ninh, Quảng Bình
4 (41)Đinh Ngọc Doanh1964Trung uýB trưởng9-1982Gạc MaNinh Khang, Hoa Lư, Ninh Bình (Cam Nghĩa, Cam Ranh, Khánh Hoà)
5 (42)Hồ Công Đệ1958Trung uý (QNCN)Y sĩ2-1982Gạc MaHải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hoá
6 (43)Phạm Huy Sơn1963Chuẩn uý (QNCN)Y sĩ2-1982Gạc MaDiễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An
7 (44)Nguyễn Văn Phương1969Trung sĩCơ yếu3-1987Gạc MaMê Linh, Đông Hưng, Thái Bình
8 (45)Bùi Bá Kiên1967Trung sĩChiến sĩ3-1986Gạc MaVăn Phong, Cát Hải, Hải Phòng
9 (46)Đào Kim Cương1967Trung sĩBáo vụ2-1985Gạc MaVương Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh
10 (47)Nguyễn Văn Thành1967Trung sĩChiến sĩ3-1982Gạc MaHương Điền, Hương Khê, Hà Tĩnh
11 (48)Đậu Xuân Tứ (Tư)1964Trung sĩChiến sĩ3-1985Gạc MaNghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An
12 (49)Lê Bá Giang1968Hạ sĩBáo vụ3-1987Gạc MaHưng Dũng, Vinh, Nghệ An
13 (50)Nguyễn Thanh Hải1967Hạ sĩQuản lý3-1986Gạc MaSơn Kim, Hương Sơn, Hà Tĩnh
14 (51)Phạm Văn Dương1967Hạ sĩA trưởng3-1986Gạc MaNam Kim 3, Nam Đàn, Nghệ An
15 (52)Hồ Văn Nuôi1967Trung sĩChiến sĩ8-1985Gạc MaNghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An
16 (53)Cao Đình Lương1967Trung sĩA trưởng8-1985Gạc MaTrung Thành, Yên Thành, Nghệ An
17 (54)Trương Văn Thịnh1966Trung sĩChiến sĩ8-1985Gạc MaBình Kiến, Tuy Hoà, Phú Yên
18 (55)Võ Đình Tuấn1968Trung sĩQuản lý8-1986Gạc MaNinh Ích, Ninh Hoà, Khánh Hoà
19 (56)Phan Tấn Dư1966Trung sĩBáo vụ2/1986Gạc MaHoà Phong, Tây Hoà, Phú Yên
20 (3)Vũ Phi Trừ1955Đại uýThuyền trưởngHQ604Đội 10, Quảng Khê, Quảng Xương, Thanh Hoá
21 (101)Vũ Văn ThắngThượng uýThuyền phóHQ604Văn Hàn, Thái Hưng, Thái Thụy, Thái Bình
22 (98)Phạm Gia Thiều1962Thượng uýThuyền phóHQ604Hưng Đạo, Đông Hạ , Nam Ninh , Nam Định
23 (99)Lê Đức Hoàng1962Trung uýThuyền phóHQ604Nam Yên, Hải Yên, Tĩnh Gia, Thanh Hoá
24 (102)Trần Văn Minh1962Thiếu úy (QNCN)Máy trưởngHQ604Đại Tân, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An
25 (103)Đoàn Khắc Hoành1959Thượng sĩTrưởng thông tinHQ604163 Trần Nguyên Hãn, Q. Lê Chân, Hải Phòng
26 (106)Trần Văn Chức1965Hạ sĩNv cơ điệnHQ604Đội 1, Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình
27 (109)Hán Văn Khoa1962Trung sĩNv cơ điệnHQ604Đội 6, Văn Lương, Tam Nông, Phú Thọ
28 (111)Nguyễn Thanh Hải1968Hạ sĩChiến sĩHQ604Mỹ Ca, Chính Mỹ, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng
29 (104)Nguyễn Tất Nam1967Hạ sĩChiến sĩHQ604Thường Sơn, Đô Lương, Nghệ An
30 (105)Trần Khắc Bảy1967Hạ sĩChiến sĩHQ604Lê Hồ, Kim Bảng, Hà Nam
31 (110)Đỗ Viết Thành1964Hạ sĩChiến sĩHQ604Thiệu Tân, Đông Sơn, Thanh Hoá
32 (113)Nguyễn Xuân Thuỷ1967Hạ sĩChiến sĩHQ604Phú Linh, Phương Đình, Trực Ninh , Nam Định
33 (120)Nguyễn Minh Tân1956Thượng uýE83 công binhHQ604Dân Chủ, Hưng Hà, Thái Bình
34 (129)Võ Minh Đức1968Binh nhấtChiến sĩ E83HQ604Liên Thuỷ, Lệ Ninh, Quảng Bình
35 (131)Trương Văn Hướng1966Binh nhấtChiến sĩ E83HQ604Hải Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình
36Nguyễn Tiến DoãnBinh nhấtA trưởng E83HQ604Ngư Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình
37 (133)Phan Hữu Tý1966Binh nhấtChiến sĩ E83HQ604Phong Thuỷ, Lệ Thủy, Quảng Bình
38 (140)Nguyễn Hữu Lộc1968Binh nhìChiến sĩ E83HQ604tổ 22 Hoà Cường, Đà Nẵng
39 (141)Trương Quốc Hùng1967Binh nhìChiến sĩ E83HQ604tổ 55, Hoà Cường, Đà Nẵng
4 (142)Nguyễn Phú Đoàn1968Binh nhấtChiến sĩ E83HQ604tổ 47, Hoà Cường, Đà Nẵng
41 (137)Nguyễn Trung Kiên1968Binh nhấtChiến sĩ E83HQ604Nam Tiến, Nam Ninh , Nam Định
42 (143)Phạm Văn Lợi1968Binh nhấtChiến sĩ E83HQ604Tổ 53, Hoà Cường, Đà Nẵng
43 (123)Trần Văn Quyết1967Binh nhìChiến sĩ E83HQ604Quảng Thuỷ, Quảng Trạch, Quảng Bình
44 (146)Phạm Văn Sỹ1968Binh nhìChiến sĩ E83HQ604tổ 7, Hoà Cường, Đà Nẵng
45 (144)Trần Tài1969Binh nhấtChiến sĩ E83HQ604tổ 12, Hoà Cường, Đà Nẵng
46 (145)Lê Văn Xanh1967Binh nhấtChiến sĩ E83HQ604tổ 38, Hoà Cường, Đà Nẵng
47 (139)Lê Thể1967Binh nhìChiến sĩ E83HQ604tổ 29 An Trung Tây, Đà Nẵng
48 (138)Trần Mạnh Việt1968Binh nhìChiến sĩ E83HQ604Tổ 36, Bình Hiên, Đà Nẵng
49 (121)Trần Văn Phòng1962Thượng uýC trưởng E83HQ604Minh Tân, Kiến Xương, Thái Bình
50 (122)Trần Quốc Trị1955Binh nhấtA trưởng E83HQ604Đông Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình
51 (147)Mai Văn Tuyến1968Binh nhìChiến sĩ E83HQ604Tây An, Tiền Hải, Thái Bình
52 (127)Trần Đức Hoá1966Binh nhấtChiến sĩ E83HQ604Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình
53 (125)Phạm Văn Thiềng1967Binh nhấtChiến sĩ E83HQ604Đông Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình
54 (134)Tống Sỹ Bái1967Binh nhấtChiến sĩ E83HQ604Khóm 3, phường 1, Đông Hà, Quảng Trị
55 (135)Hoàng Anh Đông1967Binh nhìChiến sĩ E83HQ604Khóm 2, phường 2, Đông Hà, Quảng Trị
56 (126)Trương Minh Phương1963Binh nhấtChiến sĩ E83HQ604Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình
57 (128)Hoàng Văn Thuý1966Binh nhấtChiến sĩ E83HQ604Hải Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình
58 (131)Võ Văn Tứ1966Binh nhấtChiến sĩ E83HQ604Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình
59 (100)Phan Hữu Doan1960Trung uýThuyền phóHQ605Chí Tiên, Thanh Hòa, Phú Thọ
60 (112, 114)Bùi Duy Hiển1966Trung sĩBáo vụHQ605Thị trấn Diêm Điền, Thái Thuỵ, Thái Bình
61 (169)Nguyễn Bá Cường1962Thượng sĩHọc viên HVHQHQ605Thanh Quýt, Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam
62 (170)Kiều Văn Lập1963Thượng sĩHọc viên HVHQHQ605Phú Long, Long Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội
63 (171)Lê Đình Thơ1957Thượng uý (QNCN)Nv đoàn 6HQ605Hoằng Minh, Hoằng Hoá, Thanh Hoá
64 (172)Cao Xuân Minh1966Binh nhấtChiến sĩ đoàn 6HQ605Hoằng Quang, Hoằng Hoá, Thanh Hoá



Danh sách CBCS Hải quân mất tích, đăng trên Báo Nhân dân ngày 28/3/1988


Tên Liệt sĩ hy sinh 14/3/1988 tại Trường Sa, trên bia tưởng niệm đặt tại Cam Ranh
Nguồn Cu Làng Cát blog