Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm nay, người Việt Nam đang phải chứng kiến nhiều cảnh tượng đau lòng được coi là biểu hiện cho sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức xã hội với sự gia tăng thói hung hăng, bạo lực. Điều đáng suy nghĩ là sự bùng phát của hành vi bạo lực và sự biến tướng mang đậm màu sắc mê tín dị đoan ở không ít sự kiện khá dồn dập trong dịp đầu năm mới mà người người đang gửi những lời tử tế, chúc nhau an lành, hạnh phúc. Vì sao bên cạnh sự tử tế thì đời sống xã hội đang cảnh báo vấn nạn hành vi bạo lực gia tăng?
|
Thực ra, những năm gần đây trước các hiện tượng bùng nổ bạo lực trong xã hội, các nhà chức trách và các chuyên gia cũng không ít lần thảo luận, tìm kiếm nguyên nhân và giải pháp. Nhiều người đã nhìn thấy sự khiếm khuyết trong nền giáo dục công dân dẫn tới việc đào tạo con người còn mang nặng tính áp đặt, hình thức, khuyến khích chạy đua tìm kiếm thành tích hơn là rèn luyện nhân cách và đạo lý làm người. Những khiếm khuyết của hệ thống chấp pháp ngoài việc mang lại nhiều hệ quả khôn lường cho xã hội, ảnh hưởng xấu tới uy tín của Nhà nước còn tác động không nhỏ tới việc hình thành thói quen tự xử lý giữa các cá nhân với nhau khi có mâu thuẫn hay tranh chấp. Các hiện tượng bất công xã hội, coi thường pháp luật, mua quan bán chức, hối lộ chạy án, cơ chế xin – cho, tham nhũng - lợi ích nhóm, phân hóa giàu nghèo gay gắt… mang lại nhiều bức xúc trong xã hội. Sự tích lũy các bức xúc xã hội trong những diễn biến thích hợp dễ bùng phát thành các ứng xử mang tính bạo lực.
Một trong những nét đặc trưng liên quan tới lễ hội mà năm nào cũng thấy, mặc dù luôn bị cộng đồng phê phán gay gắt nhưng đáng tiếc các hành vi này vẫn không giảm bớt mà đang có khuynh hướng ngày càng gia tăng một cách nghiêm trọng hơn: Đó là hiện tượng "hối lộ thần thánh”. Hiện tượng này được các nhà tâm lý học phân tích chính xác là sự bê nguyên xi thói quen ứng xử của xã hội trần tục vào trong thế giới của thần thánh. Hiện tượng đánh đồng và ứng xử như nhau trước "thế quyền” và "thần quyền” cho thấy sự xuống cấp hay bế tắc về văn hóa một cách nghiêm trọng. Trước hết là trong tri thức, trong tư duy về tín ngưỡng của một bộ phận dân chúng.
Tín ngưỡng là một hiện tượng văn hóa. Khi hành vi tín ngưỡng trở thành thói quen của cộng đồng thì nó trở thành phong tục, tập quán. Nhưng một khi nó vượt khỏi sự chế định của tri thức cộng đồng và lý trí tập thể để trở thành mê tín trên bình diện rộng thì đó lại là chỉ báo về sự khủng hoảng tâm lý xã hội nhìn từ cả ba góc độ tri thức, trí tuệ và niềm tin. Khi niềm tin bị khủng hoảng con người có xu hướng dựa dẫm vào thần linh, trông cậy vào quyền lực siêu nhiên để cầu lợi lộc và sự che chở. Tuy nhiên, cũng trong tâm lý đó một bộ phận khác không có đủ tiền hay điều kiện để "hối lộ thần quyền” lại có khuynh hướng xử lý vấn đề bằng sức mạnh cơ bắp. Hai lối hành xử có một mẫu số chung đó là đều dựa dẫm vào sức mạnh. Một bên là cầu viện sức mạnh của thần quyền, còn một bên là trở về với hành vi nguyên thủy – sức mạnh cơ bắp. Khi xã hội không tạo điều kiện và khuyến khích mỗi cá nhân có thể sống và tin vào các giá trị lành mạnh họ có xu hướng tất yếu dựa vào các giá trị ảo tưởng, trong đó có quyền lực siêu nhiên hay trở về với hành vi bản năng, để tự khẳng định và xác lập chỗ đứng của mình. Đàng nào cũng không ổn, mê tín quyền lực siêu nhiên thì chống lại sự tiến hóa của lịch sử, còn mê tín sức mạnh cơ bắp thì dễ chà đạp lên các quy phạm xã hội.
Sự thật thì không phải ai ai cũng tự ý thức được hành vi bạo lực của mình cho tới khi họ phải quay trở về với cách hành xử nguyên thủy. Ít ai nghĩ rằng "hối lộ thần thánh” cũng là một dạng thức biểu hiện của hành vi bạo lực, xử lý vấn đề của mình bằng cách cầu viện quyền lực siêu nhiên.Sự mê tín mang lại cho con người ý niệm có thể mua chuộc thần thánh để họ đạt được những lợi ích thế tục mà bằng tiền bạc, hay thế quyền họ đã từng có được. Song mọi thứ có vẻ mong manh, tâm lý bất ổn vì những thứ lợi lộc kia gần như không phải xây dựng lên trên cái nền vững chắc được đảm bảo bằng tài năng, đạo đức và nhất là từ các giá trị, quy phạm xã hội được cộng đồng thừa nhận.
Tuy nhiên, việc tranh cãi bằng lời lẽ cũng chưa đủ là bằng chứng cho một thái độ tử tế của những cá nhân trong xã hội văn minh. Nếu như cá nhân tham gia tranh cãi luôn giữ một thái độ tin chắc là mình luôn luôn đúng còn đối phương thì bao giờ cũng sai lầm. Trong trường hợp đó, tranh cãi cũng chỉ là một hình thức khác của bạo lực. Như vậy, giữa ý chí mong muốn những người khác cũng bình an như lời chúc an lành đầu năm mới, nếu điều đó không phải là sáo rỗng và hình thức, thì một thực tế trái ngược đôi khi lại xảy ra từ khía cạnh ứng xử nhầm lẫn, từ nhận thức sai lầm của mỗi cá nhân trong khi giải quyết các tranh chấp trong xã hội. Cứ tưởng rằng tranh cãi phi bạo lực, không hành xử nguyên thủy, nhưng khi đã cầu viện thần quyền và tranh đoạt chân lý chỉ dành cho cá nhân hay nhóm lợi ích của mình rồi thì sẽ không còn không gian tử tế, lẽ phải hay công bằng cho bất kỳ một ai hoặc một nhóm nào khác nữa.Sự tử tế luôn giúp người tham gia tranh cãi luôn giữ thái độ hoài nghi nhất định đối với lập trường của chính mình và hy vọng thông qua tranh cãi sẽ tiếp cận được lẽ phải chứ không phải để tuyên cáo chân lý bất di bất dịch của mình. Người tử tế là người luôn ý thức được rằng mình từng có sai lầm và không quên đi những sai lầm đó. Chỉ có thể giảm thiểu bạo lực và xây dựng một xã hội văn minh khi ngày càng có nhiều người tử tế.
Hữu Nguyên
|
Nguồn báo Đại Đoàn Kết |
Trang
▼
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét