Luật sư Nguyễn Mạnh Tường
(1909-1996), năm 23 tuổi đă đậu hai bằng Tiến sĩ Văn khoa và Luật khoa ở Đại học
Montpellier, Pháp. Sau khi về nước, ông dạy học tại trường Trung học Bảo hộ
(Lycée du Protectorat). Bất mãn vì chính sách kỳ thị của Pháp, ông bỏ nghề dạy
ra mở văn phòng luật sư. Năm 1946, ông tham dự Hội nghị Việt-Pháp tại Đà Lạt
nhưng không được cử đi dự Hội nghị Fontainebleau. Ông theo chính phủ Hồ Chí
Minh kháng chiến chống Pháp tới ngày ký Hiệp định Genève 1954 thì trở về Hà Nội
dạy học ở trường Đại học Văn khoa.
Với tư cách thành viên của Mặt
trận Tổ quốc, L.S. Nguyễn Mạnh Tường đọc bài diễn văn này trong một phiên họp của
Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội, ngày 30 tháng Mười, 1956.
Cũng nên nhắc lại rằng bài diễn
văn này được đọc sau khi Trung ương Đảng hạ lệnh chấm dứt chiến dịch Cải cách
Ruộng đất ngày 20.7.1956 và sau đó ban hành các biện pháp sửa sai. Vì bài diễn
văn này, ông Tường bị tước hết mọi chức vụ và danh vị nghề nghiệp và phải sống
một cuộc đời vô cùng thiếu thốn. Năm 1991, nhân dịp được phép sang Pháp ông đưa
cho nhà xuất bản Quê Mẹ ở Paris in và phát hành cuốn sách tự thuật L’excommunié (Kẻ
bị khai trừ) năm 1992. Ông trở về Hà Nội và mất năm 1996, thọ 87 tuổi.
Hội nghị Mặt trận Trung ương họp để nghiên cứu các sai lầm trong Cải
cách Ruộng đất và chính sách sửa chữa sai lầm ấy. Hôm nay tôi được đúc kết trước
toàn thể Hội nghị các ý kiến mà trong mười ngày vừa qua tôi đã trình bày trong
tổ thảo luận, với tinh thần thận trọng của người trí thức không bao giờ quên
trách nhiệm của mình trước nhân dân và lịch sử nước nhà.
Tôi phấn khởi được nghe bản phê bình của Đảng Lao động do ông Trường
Chinh đọc trước Hội nghị. Nhưng tôi cũng phải thú rằng lòng phấn khởi của tôi một
phần bị giảm đi, vì tôi nhớ lại kết quả tai hại của các sai lầm đã phạm trong
công cuộc Cải cách Ruộng đất. Tôi xin phép các vị được kính cẩn nghiêng mình
trước kỷ niệm những người vô tội đã chết oan, không phải vì bàn tay của địch mà
chính của ta. Trong cuộc kháng chiến anh dũng của ta, những đồng bào đã hi sinh,
có thể nói được, chết với trong lòng chan chứa nỗi vui sướng vì chết cho sự
nghiệp giải phóng dân tộc khỏi nanh vuốt của địch. Họ chết vì địch, cho ta, đó
là cái chết tích cực, cái chết vẻ vang, cái chết oanh liệt mà Tổ quốc ghi nhớ
muôn thuở. Trái lại, các người chết oan vì các sai lầm trong cuộc Cải cách Ruộng
đất này, lúc tắt thở, cay đắng đau xót vì chết với một ô danh. Chúng ta đã xoá
bỏ cái ô danh đó, nhưng con cháu của các nạn nhân tài nào mà không ngậm ngùi?
Đau đớn hơn, bây giờ ta làm thế nào mà biến cái khổ cực của người tắt thở thành
một niềm an ủi cho họ được? Nếu chúng ta duy tâm và tin rằng linh hồn còn tồn tại
thì một phần nào ta chuộc lại được tội lỗi của ta. Nhưng ta duy vật và các người
ấy lúc chết cũng là duy vật. Do đó, cái nỗi khổ cực của họ ta biết rõ rằng bây
giờ ta không thể nào thủ tiêu được nữa. Quyền hạn của ta không tới đó. Nhưng
cái gì ta có thể làm được, ta cần làm, để như là đền bù một phần nào sự tổn thiệt
của các người ấy, và chứng minh ta thấm thía nỗi đau khổ của họ khi họ từ trần
là ta cương quyết rút bài học kinh nghiệm đau đớn và sửa chữa các sai lầm
nghiêm trọng mà họ là nạn nhân.
Với tinh thần của một người trong quần chúng, của một người công dân đau
khổ trước bao nhiêu cái chết oan của người vô tội, tôi xin phép trình bày mấy ý
kiến xây dựng. Chủ yếu tôi sẽ phê phán và truy nguyên các sai lầm trong Cải
cách Ruộng đất, nhưng theo ý tôi các sai lầm này chỉ là biểu hiện điển hình và
bi đát nhất của những thiếu sót trong sự lãnh đạo của Đảng Lao động. Do đó tôi
xin được góp ý kiến xây dựng quan điểm lãnh đạo của Đảng Lao động.
Tại sao tôi lại tin như vậy? Là vì, không những trong Cải cách Ruộng đất
chúng ta đã phạm sai lầm nghiêm trọng mà cả trong nhiều khu vực khác nữa. Trong
các khu vực này, sai lầm cũng đã đưa một số người trong quần chúng đến cái chết
thê thảm. Do đó, nếu chỉ cục bộ hóa các sai lầm, chúng ta không thể rút được
bài học kinh nghiệm, chúng ta sẽ khiếm khuyết với sự tín nhiệm của tất cả các đảng
viên Đảng Lao động, với sự mong đợi của toàn dân. Chúng ta phải kiên quyết
không cho các sai lầm ấy tái diễn và tác hại nữa. Đó là nhiệm vụ tối thiểu của
chúng ta đối với các người đã chết oan.
Tình hình nước ta hiện thời ra sao? Tình hình ấy có bi quan không? Đó là
vấn đề nhận định thôi. Nhưng cái chủ yếu là ta không nhìn tình hình ây với con
mắt bi quan. Vậy sự thật khách quan như thế nào? Nhìn vào nông thôn, ta thấy hiện
thời tình trạng thiếu đoàn kết rất phổ biến. Vì thi hành sai chính sách cải
cách, ta đối lập các từng lớp trong giai cấp nông dân, cán bộ cũ và mới, chi bộ
cũ và mới của Đảng. Trong khi đập tan giai cấp địa chủ, ta không phân biệt đối
xử, ta để cho chết chóc thê thảm những người hoặc già cả hoặc thơ ấu mà ta
không chủ trương tiêu diệt. Ta chỉ cần đọc lại các bài giáo huấn cho đồng bào
nông thôn trong báo Nhân Dân là ta đủ hiểu mặt mũi nông thôn hiện giờ ra sao.
Nhìn vào các công xưởng, công trường, ta thấy gì? Cứ đọc báo Nhân Dân thôi, ta
thấy Chính phủ gửi các phái đoàn đi thăm các anh chị em công nhân, ủy lạo họ, bắt
buộc thi hành quy chế lao động mà Chính phủ đã ban ra. Nghĩa là thế nào? Nghĩa
là giai cấp công nhân đã phải lao động sản xuất hai năm nay mà không được bồi
dưỡng đúng mức. Lắng nghe dư luận đồng bào Hà Nội thôi, ta được biết rằng có it
ra một doanh nghiệp quốc gia lãng phí bao nhiêu triệu trong khi dưới chế độ
Pháp thuộc, cũng doanh nghiệp ấy mang lại cho thực dân đế quốc các số lãi khổng
lồ.
Về Mậu dịch nửa năm nay, đồng bào ca thán như thế nào, ta đã biết. Nào
chèn ép các nhà kinh doanh tư nhân, nào lãng phí bao nghìn triệu trong khi thực
hiện chính sách, nào tàn nhẫn với các người bán sức lao động cho mình, nào đưa
ra thị trường sữa hư mà không bao giờ nghĩ đến tính mệnh của người ốm, của trẻ
sơ sinh, nào tung ra bơ hỏng, thuốc lá mốc, phạm đến sức khỏe của nhân dân, nào
bất lực trước hiện tượng vật giá ngày càng lên trong khi nhiệm vụ của mình là
phải bình ổn nó. Có thể nói được, suốt ngày đêm không đâu là không có lời oán
trách Mậu dịch.
Về hộ khẩu thì cán bộ tỏ vẻ không phải là nhằm duy trì trật tự an ninh,
phá vỡ cơ sở của địch, trái lại quấy nhiễu nhân dân, tạo ra một đời sống thành
thị điêu đứng cho tất cả. Nếu các vị cần những dẫn chứng cụ thể, tôi chỉ xin nhắc
lại hồ sơ mênh mông, thu lượm các thắc mắc cay đắng của đồng bào Thủ đô trong Đại
hội lần thứ ba của nhân dân Hà Nội vừa họp cách đây hai tháng.
Nói về chính sách khôi phục kinh tế, ta thấy gì? Số
vốn mà các nhà công thương mang ra kinh doanh chỉ là một phần ti tiểu, số công
nhân làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân không có nghĩa lý gì. Trái lại ta
thấy tất cả một phong trào các nhà tư bản thu hẹp hoạt động của họ, hoặc “chuyển
hướng” bằng cách đâm ra quay chỉ, bán nước mía, hay dệt vài thước vải vớ vẩn,
hoặc đóng cửa ăn vào vốn để khỏi đụng chạm đến Sở Lao động vì vấn đề công nhân,
với Sở Công thương vì vấn đề đăng ký và nguyên liệu sản xuất, với Sở Tài chính
vì thuế khoá đặc biệt. Thuế bổ sung đã đưa bao nhiêu người đến chỗ phá sản, có
kẻ đến chỗ tự sát. Các người tiểu thương buôn thúng bán mẹt, đẩy chiếc xe hàng
tiều tụy trong phố, cũng “được” nộp thuế, cũng như các người suốt ngày làm việc
ở công sở hay công xưởng, tối về thức đêm dệt vài thước kiếm thêm tiền độ thân.
Hàng trăm, hàng nghìn công chức cũ về hưu, với gia đình của họ, trước đây sống
bằng lương hưu trí, hai năm nay không được ai chiếu cố đến, chết dần chết mòn,
có người đâm đầu xuống sông tự tử, có người hai lần uống độc dược để quyên
sinh.
Còn như các cán bộ thì ta có cần nói đến không? Ta cứ trông mặt mũi, quần
áo họ, ta chỉ cần hỏi con số những người qua các phòng khám bệnh, các bệnh viện,
ta liếc mắt nhìn họ ăn uống những gì trong bữa cơm, là ta đủ hiểu khổ cực của họ.
Ta quên thế nào được các đồng bào tập kết ra ngoài Bắc, số phận con cái
họ ở Hà Nội, Hải Phòng, số phận chính của họ bi đát quá nỗi! Khổ cực nhất cho
các anh chị em là không nương tưa đuợc vào một đời sống gia đình đề khuây khỏa
trong lúc thảm sầu.
Các hiện tượng trên đây có đúng không, tôi chỉ yêu cầu các vị đọc báo
Nhân Dân, nghiên cứu các hồ sơ chồng chất lên ở Mặt trận Thành Hà Nội sau Đại hội
lần thứ 3 vừa rồi, nghe ngóng lời than phiền của quần chúng, nhìn nhận các
quang cảnh diễn ra dưới mắt của các vị là các vị đủ hiểu rồi. Quả thực như ông
Trường Chinh đã tuyên bố, uy tín của chính phủ, của Đảng bị tổn thiệt rất nhiều.
Thế tại sao đồng bào chúng ta lại khổ cực? Phải chăng vì cán bộ của chúng ta
non, hẹp hòi, chưa thấm nhuần lý luận cách mạng, không tôn trọng giá trị của
con người, các nhu cầu và đòi hỏi chính đáng của nó? Phải chăng vì ta đang mắc
trầm trọng bệnh ấu trĩ của cách mạng? Các điều đó là có, ta không hề chối và ta
cũng không thể chối cãi được. Nhưng nhận định như vậy vẫn còn hời hợt. Ta phải
đi sâu hơn nữa. Khi trong Cải cách Ruộng đất của ta, ta thấy bao nhiêu người bị
tù tội, bị giết oan, trong đó bao nhiêu người dân ưu tú đã từng góp phần không
nhỏ vào sự nghiệp cách mạng, khi hiện thời ở nông thôn vẫn có người bị đánh đập,
ngược đãi, khi ta không xây dựng được đoàn kết giữa các đồng bào, thì ta phải
nhận định rằng các sai lầm ta đã mắc trong cuộc Cải cách Ruộng đất này chỉ là
những biểu hiệu cực độ của các sai lầm ta đã phạm, và các sai lầm ấy nêu lên,
như tôi trình bày trên đây, một vấn đề cực kỳ quan trọng là vấn đề lãnh đạo của
Đảng Lao động.
Do đó, tôi yêu cầu các vị cho phép tôi bắt đầu nghiên cứu các sai lầm
trong Cải cách đã rồi sau khi truy nguyên các sai lầm ấy, đề đạt mấy ý kiến về
vấn đề lãnh đạo.
I. Vấn đề pháp lý trong Cải cách Ruộng đất
Ta đã sai lầm nghiêm trọng trong Cải cách Ruộng đất, ta có thể tránh được
sai lầm ấy mà vẫn bảo đảm được đường lối căn bản của cách mạng không? Tôi giả
nhời cương quyết rằng có.
Đường lối cách mạng của ta đòi hỏi gì? Ruộng phải trở về người cày. Điều
này rất đúng không ai có thể chối cãi được. Nông dân là đại đa số trong nhân
dân, nông dân là quân đội chủ lực của cách mạng, nhất định cách mạng không thể
nào thành công được nếu ta không thỏa mãn nhu cầu thiết yếu và cấp bách của
nông dân. Không cần phải là một nhà chính trị cao, một nhà cách mạng thạo, cũng
nhận thấy điều ấy. Chỉ cần nhìn lịch sử cách mạng từ thời kỳ cổ đại đến giờ là
đủ hiểu rồi.
Như vậy về nguyên tắc, ta tán thành chủ trương Cải cách Ruộng đất.
Về phương pháp, ta có nên ban ơn cho nông dân
không? Nhất định là không. Nông dân ta trong bao nghìn năm đã khổ cực dưới chế
độ bóc lột phong kiến và một trăm năm nay dưới chế độ bóc lột thực dân. Đồng
bào nông thôn ta lầm than như vậy, đã mất hết khí thế con người. Ta cần khôi phục
khí thế của người nông dân, xây dựng cho họ tinh thần chủ nhân ông trên đất nước.
Do đó ta thấy cần thiết phải phát động tư tưởng của họ để họ nhận được phân
minh kẻ thù của họ, để họ vùng giậy nắm lấy quyền thế ở nông thôn.
Nhưng từ đây trở đi, ta thấy khởi phát các sai lầm.
Sai lầm này, ông Trường Chinh đã nhận thấy là ở chỗ: ta quên hẳn ta hiện thời nắm
chính quyền và chính quyền ấy, nếu ta biết sử dụng nó, khai thác nó một cách
sáng suốt, nhất định ta vẫn thành công nhưng ta tránh được bao tai họa làm ta
đau khổ hiện thời.
Con đường ông Trường Chinh đã đi để tiến tới kết luận
ấy là con đường chính trị. Các anh em tôi là những nhà luật học, chỉ là nhà
chuyên môn và lý luận trên cơ sở chuyên môn thôi, đã trông thấy kết luận ấy
ngay từ khi chính sách phát động và Cải cách được đề ra. Tại sao? Vì giải pháp
chính quyền cụ thể là giải pháp pháp lý, đảm bảo thắng lợi hoàn toàn của cách mạng
nếu ta biết mang nó ra phục vụ chính trị và cách mạng.
Ta muốn gì? Tìm kẻ thù của nông dân, của cách mạng
để tiêu diệt nó. Nhưng đồng thời nếu ta biết lo xa, nhìn xa, ta cũng không quên
rằng công lý của cách mạng, muốn bảo toàn được uy tín và thắng lợi của cách mạng,
phải biết đánh đúng địch. Khi đưa ra khẩu hiệu “thà chết 10 người oan còn hơn để
sót một địch” thì khẩu hiệu này không những quá tả một cách vô lý mà phản lại
cách mạng là đằng khác nữa. Muốn chứng minh điều này ta chỉ cần nhìn thực tế: kết
quả sai lầm ta đã phạm khi thực hiện khẩu hiệu này rất tổn thiệt cho uy tín của
cách mạng và cho bản thân bao nhiêu chiến sĩ cách mạng. Nếu không phải đó là phản
lại cách mạng thì là gì?
Khẩu hiệu của pháp lý thì khác hẳn: “Thà 10 địch
sót còn hơn một người bị kết án oan”. Thế ta có lo ngại rằng 10 địch sót không?
Không, vì ta nắm chính quyền, vì cách mạng ta đã thành công. Như vậy kẻ thù của
cách mạng chẳng sớm thì chậm, nhất định hoặc cải thiện, giác ngộ, hoặc lọt vào
lưới của ta. Khẩu hiệu này lợi ở chỗ: không một người oan nào bị kết án. Do đó,
không có các kết quả cực kỳ tai hại diễn ra hiện thời.
Làm thế nào thực hiện được khẩu hiệu ấy? Kinh nghiệm pháp lý của hàng
nghìn năm lịch sử thế giới cho ta biết rằng ta có phương pháp để tìm đúng địch
mà đánh, không đánh tràn lan, không đánh người vô tội. Tôi xin phép nhắc tóm tắt
sau đây các nguyên tắc căn bản mà pháp lý nêu lên để đạt mục đích ấy.
Một nguyên tắc đầu tiên là không hình phạt các tội
đã phạm quá lâu rồi mà bây giờ mới khám phá ra. Tại sao? Vì rằng vấn đề bằng chứng
khó giải quyết được, tang vật đã mất, nhân chứng có người đã từ trần, có người
không nhớ rõ các sự việc họ đã mục kích. Hơn nữa, sở dĩ hình luật phạt các tội,
là vì các tội ấy đã xâm phạm vào trật tự xã hội: tác hại cho nạn nhân và gây
tác dụng xấu trong quần chúng. Nhưng khi tội đã phạm quá lâu, trật tự xã hội hết
bị xâm phạm rồi, nạn nhân không còn đau khổ, tác dụng xấu của tội cũng hết, thời
gian đã hàn gắn các vết thương. Bây giờ lại vạch chuyện cũ thì không những khó
thu thập được bằng chứng kết tội mà lại gây một sự náo động trong xã hội không
cần thiết. Chính xã hội thấy “quên” lợi hơn là “nhớ”.
Một nguyên tắc thứ hai là trách nhiệm của phạm nhân
thì chỉ một mình phạm nhân phải chịu, không có trách nhiệm chung của vợ con, của
gia đình. Nêu trách nhiệm truớc hình luật của các người “có quan hệ” với phạm
nhân không những là bất công mà lại còn gây các sự rung động vô ích trong xã hội.
Hơn 400 năm nay không một nước Tây phương nào làm việc đó nữa. Trách nhiệm trước
hình luật chỉ là một trách nhiệm cá nhân mà thôi. Không những thế, về phương diện
nhân đạo, thì các phạm nhân quá già được miễn nghị, miễn tố và các vị thành
niên được chiếu cố.
Môt nguyên tắc thứ ba là muốn kết án một người phải
có bằng chứng xác đáng. Phải có nhân chứng là những kẻ đã mục kích sự phạm pháp
và cung khai một cách cụ thể, rõ ràng, chắc chắn. Một nhân chứng thôi chưa đủ,
ít ra cũng phải có hai nhân chứng cung khai phù hợp với nhau mới được coi là
đáng kể. Cung khai của các nhân chứng phải ăn khớp với nhau và trong quá trình
phạm pháp các tang vật thu được phải có tác dụng hợp lý, sát hợp với kết quả do
cuộc điêù tra mang lại.
Một nguyên tắc thứ tư là thủ tục điều tra, xét xử phải bảo đảm quyền lợi
của bị tố nhân. Bị tố nhân có quyền nhờ luật sư bào chữa cho mình, và khi thiếu
điều kiện nhờ luật sư, khi nào là một trọng tội, Tòa phải cử luật sư bào chữa
không, cho bị can. Trong tất cả, giai đoạn điều tra ở trình độ công an thẩm vấn
trong phòng dự thẩm, buộc tội trước tòa, quyền lợi của công tố viện ngang với
quyền lợi bị can, nghĩa là nếu công tố viện đưa hết lý lẽ để buộc tội, bị can
đưa hết lý lẽ để minh oan. Cuộc đấu lý diễn ra trong tất cả quá trình điều tra,
truy tố, xét xử giữa công tố viện và luật sư. Các vị thẩm phán ngồi xét xử phải
là vô tư, đứng giữa để theo rõi cuộc đấu lý diễn ra dưới mắt mình. Như thế mới
nhận định đúng và xử công minh. Toà án xét xử không chịu lệnh của ai trong khi
xét xử, chỉ biết xét xử theo lương tâm của mình và căn cứ vào tài liệu trong hồ
sơ, sau khi nghe hai tiếng chuông buộc tội và gỡ tội. Người thẩm phán phải được
đủ đảm bảo để làm nhiệm vụ của mình mà không sợ ai khiển trách hay gây khó khăn
cho mình được. Khi điều tra thẩm vấn, tuyệt đối cấm không được dùng phương pháp
tra khảo, đánh đập, hành hạ bị can, mớm cung cho bị can, dọa nạt hay dụ dỗ hắn.
Khi nào có điều nghi ngờ thì bị can được miễn nghị. Nếu bị kết án thì còn quyền
chống án lên tòa trên. Nếu bị kết án tử hình thì lại còn quyền xin ân giảm trước
vị Chủ tịch Chính phủ. Con người của bị can, trong tất cả quá trình truy tố và
xét xử phải được tôn trọng triệt để, khi bị can ra trước tòa thì không được xiềng
xích họ và không lúc nào được dùng nhục hình đối xử với họ.
Theo một nguyên tắc căn bản, không phải vì một người
tác hại cho một người khác mà người ấy phải chịu trách nhiệm trước hình luật.
Tác hại cho ai thì chỉ nêu trách nhiệm về phương diện dân sự, nghĩa là bồi thường
thôi — của người đã tác hại. Muốn truy tố người ấy để thi hành hình luật đối với
hắn thì phải chứng minh rằng hắn phạm một tội, nghĩa là phạm vào một điều khoản
nào qui định trong hình luật, và hình luật không bao giờ có tác dụng đối với
quá khứ cả: nếu hành động của một người diễn ra trong thời kỳ mà hình luật chưa
quan niệm là một tội thì người ấy không thể mang ra truy tố được. Không những bị
can phải phạm một tội đã qui định rồi trong pháp luật, mà ta lại còn phải xét
xem rằng lúc phạm tội ấy bị can có ý thức, có ý chí phạm pháp hay không, hay là
vô tình mà phạm pháp. Sự đối xử trong hai trường hợp ấy khác nhau.
Lúc tôi nhắc lại các nguyên tắc này thì có vị cho rằng như thế là phiền
phức, phức tạp. Dĩ nhiên rồi, nhưng tất cả vấn đề là: ta có muốn giết người vô
tội không? Nếu không thì không thể nào làm khác được. Hơn nữa, muốn nhận định vấn
đề cho đúng, ta không nên đứng vào vị trí một người hiện thời không dây dưa với
pháp luật, một người ở một cương vị chính quyền. Ta phải đứng vào cương vị của
bị tố nhân; lúc ấy vấn đề rất sáng tỏ, không những ta đòi thi hành các nguyên tắc
pháp luật, ta còn cố gắng tìm hiểu thêm các nguyên tắc mới để đảm bảo người oan
khỏi bị chết.
Nếu mang ra áp dụng các nguyên tắc ấy vào cuộc Cải
cách ruộng đất của ta, ta sẽ làm thế nào? Thủ tục cải cách cứ diễn bài nhưng sự
trừng trị bọn cường hào gian ác hay phản động, ta sẽ không giao cho một tòa án
nhân dân, đặc biệt như ta đã làm với tất cả sự thiếu sót về phương diện pháp lý
mà ta đã biết. Trái lại, sau khi phát động tư tưởng của nông dân, ta sẽ nghe lời
họ tố cáo kẻ thù của họ. Ta sẽ ủy nhiệm toà án nhân dân thường lập các hồ sơ, để
tòa án, với bộ máy và kinh nghiệm của nó, tiếp tục điều tra, kiểm tra, lấy cung
chứng, truy tố, luận tội, xét xử. Ta đảm bảo triệt để cho bị tố nhân quyền bào
chữa của họ, ta yêu cầu các luật sư làm tròn nhiệm vụ của họ, ta tôn trọng triệt
để con người của bị tố nhân. Ta chỉ thù ghét và kết án, trừng phạt tội của nó
đã phạm thôi. Ta tin tưởng ở tòa án, ta đảm bảo cho các vị thẩm phán làm việc
ngoài sự điều khiển của chính quyền, một cách biệt lập, tôi nói biệt lập chứ
không phải độc lập, theo lương tâm của các vị và căn cứ vào hồ sơ và kết quả của
cuộc thẩm vấn.
II. Các nguyên nhân sai lầm
Theo như tôi nhận định, với chủ quan của tôi, các
nguyên nhân sai lầm thuộc hai loại, có loại trực tiếp, nhưng nếu ta phân tích
loại này thì ta sẽ đi tới một loại thứ hai mà theo tôi là những nguyên nhân
chính, ta cần chú ý.
Các nguyên nhân trực tiếp ta trông thấy ngay. Sở dĩ
khi nghiên cứu chính sách cải cách, ta không nghĩ đến giải pháp pháp lý đưa ra
để điều hòa với giải pháp chính trị, phải chăng là vì ta không biết giải pháp
pháp lý? Nếu không thì là sự thiếu sót nghiêm trọng của cấp lãnh đạo. Nhưng tôi
tin rằng không phải như thế đâu. Sở dĩ ta không để ý đến giải pháp pháp lý là
vì ba lý do:
1. Quan điểm ta-địch, thù-bạn của ta rất mơ
hồ
2. Ta bất chấp pháp luật, lấy chính trị lấn
át pháp lý
3. Ta bất chấp chuyên môn
Quan điểm bạn-thù, ta-địch mơ hồ — Các hiện tượng
trên trường quốc tế và trong nước rất nhiều và rõ rệt.
Trên trường quốc tế, trong các nước dân chủ của ta
thôi, ta thấy những điều làm ta suy nghĩ. Ta thấy chẳng hạn những người suốt đời
hi sinh cho sự nghiệp cách mạng, giữ những trọng trách trong chính thể cách mạng,
rồi bỗng nhiên phải truất quyền, khai trừ ra khỏi Đảng, tống giam, thậm chí có
khi bị giết nữa. Rồi ít lâu sau, ta lại thấy các người ấy được khôi phục công
quyền, đảng tịch, cương vị, người nào bị kết án tử hình rồi thì được an táng lại
ở các đài kỷ niệm các liệt sĩ mà Tổ quốc ghi tên muôn đời.
Trong nước ta, qua cuộc Cải cách Ruộng đất ta thấy
bao nhiêu các chiến sĩ cách mạng thành tích lộng lẫy, có người ngực gắn tới hai
huy chương kháng chiến (ở ngoại thành Hà Nội) bị kết án là phản động, cường hào
gian ác và, sau khi nhận tội, bị tống giam hay bị hành hình. Ấy là không nói đến
các người trong quần chúng bị hi sinh oan. Đối với các nạn nhân này, ta có thể
một phần nào hiểu các sai lầm đã phạm, vì họ thiếu hay không có thành tích cách
mạng hay kháng chiến. Nhưng đối với các đảng viên ưu tú, tinh hoa của dân tộc,
lúc bị xử trí như ta đã biết, thì ta tự hỏi trong đầu óc của những người xử họ
có cái gì mà ta gọi là lý tính không? Ngay một thường dân, không phải là một
nhà chính trị hay văn hóa, chỉ sử dụng cái lẽ phải của mình thôi, cũng không thể
nào hỗn hợp người xấu với kẻ tốt như vậy được. Ta phải đặt vấn đề rằng cán bộ từ
trên xuống dưới, tham gia Cải cách Ruộng đất, không phải là người điên cuồng,
cũng không phải là người chủ mưu, dụng tâm phá hoại. Nếu như thế thì ta sẽ gửi
họ đến bác sĩ chuyên môn chữa bệnh thần kinh, hay đến công tố viện của các tòa
án. Nhưng không phải như thế, ta tin như vậy. Do đó, kết luận mà ta tiến tới,
dù muốn hay không, là các các cán bộ ấy có một quan điểm rất mơ hồ về ta-thù, bạn-địch.
Còn gì đau đớn hơn là câu ta được nghe “ta đánh cả
ta nữa”. Nếu như vậy thì ta cần phải nhận rằng ta không phân biệt được bạn và
thù. Ta đọc lại các bài gần đây đăng trong báo Nhân Dân của các đồng chí bị xử
trí oan, hoặc các đồng chín ấy nói, hoặc không nói, nhưng ta đều hiểu các đồng
chí ấy nghi ngờ những người kết án các đồng chí, không phân biệt được bạn và
thù. Vì vậy nên đánh cả bạn, giết cả bạn.
Tôi thấy đây là một điều cực kỳ quan trọng. Nguyên
do ở đâu? Phải chăng ở một tinh thần cảnh giác quá cao đến nỗi mù quáng, ở một
tả khuynh mà ta thường mắc trong giai đoạn ấu trĩ của cách mạng? Đây không phải
là nơi và lúc mà ta cần phân tích sâu sắc điều ấy. Chủ yếu là ta nhận thấy rằng
một nguyên nhân sai lầm là ở trong quan điểm thù bạn rất mơ hồ. Nếu ta không kịp
sửa chữa sai lầm, xây dựng lại quan điểm thù bạn, một ngày kia ta sẽ lại phải
khóc trên kỷ niệm của những vị có công nhất với cách mạng, với nhân dân. Ta
cương quyết không thể nào để tình trạng ấy tái diễn ra được.
Bất chấp pháp luật — Giáo sư Ba Lan Mahelli
nói chuyện ở Bộ Tư pháp, cho ta biết rằng bên Ba Lan, khi cách mạng thành công,
các nhà chính trị bất chấp pháp luật. Họ quan niệm rằng họ đủ tài năng để đảm
nhận các cương vị lãnh đạo trong ngành tư pháp, để bó buộc tư pháp phục vụ triệt
để chính trị mà không đếm xỉa đến các nguyên tắc căn bản của pháp lý. Kết quả
là chẳng bao lâu bộ máy tư pháp sộc sệch, không những không củng cố được chính
thể cách mạng, ngược lại, tác hại quá nhiều gây bao nhiêu khó khăn cho chính
quyền cách mạng. Sai lầm ấy đuợc uốn nắn kịp thời: hoàn cảnh khách quan đã dạy
một bài học cho chủ quan các nhà chính trị, để lãnh đạo chuyên môn phải nhập
trường học tập, trước non 2 năm, sau 5 năm, để qua pháp lý, phục vụ chính trị
và cách mạng.
Điều này không làm chúng ta ngạc nhiên. Trong giai
đoạn đầu tiên, chính trị say sưa với các thắng lợi đã thu —và dĩ nhiên các thắng
lợi ấy vĩ đại— lâm vào tình trạng tự mãn và bao biện.
Nhưng quản trị một nước, đặc biệt một nước đang xây
dựng chính quyền cách mạng, nghĩa là một cái gì vô cùng mới mẻ và khó khăn —
không giống như là đề ra đường lối và khẩu hiệu tranh đấu cách mạng và vận động
quần chúng làm cách mạng. Hai khu vực hoạt động ấy tuy quan hệ mật thiết với
nhau, nhưng mỗi ngành hoạt động có kỹ thuật và quy luật của nó. Lúc nhà chính
trị bao biện, bất chấp hoàn cảnh khách quan kinh nghiệm xương máu của lịch sử,
thì chẳng sớm thì muộn ta thấy diễn ra những tai hại hiện thời làm chúng ta đau
xót. Trên con đường bao biện và tự mãn ấy, các nhà chính trị đã bị thúc đẩy bởi
những thành kiến đối với pháp lý và tin rằng pháp lý là cái gậy chỉ dùng để chọc
bánh xe, không hiểu rằng, trái lại, chính pháp lý giúp xe khỏi lật, khỏi gây
tai nạn. Nguy hại hơn là chính trị tự đặt
mình lên trên pháp luật. Ngay trong trường hợp chính trị sau khi đặt mình lên
trên pháp luật, còn giữ vững thái độ chân chính, cũng đã gây ra bao khó khăn rồi.
Pháp luật chủ yếu đề ra những cái gì có thể làm được, cái gì không được phép
làm, do đó nhân dân vững tâm biết rõ đường mà đi. Nhưng tâm hồn quần chúng chỉ
được ổn định khi nào quần chúng biết rõ rằng cái gì bó buộc mình cũng đồng thời
bó buộc nhà cầm quyền. Trái lại, khi pháp luật chỉ gò bó quần chúng mà
không gò bó nhà cầm quyền thì nhà cầm quyền mỗi lúc có thể vẽ ra các đường mới
mà quần chúng chưa từng biết. Vì vậy quần chúng hoang mang: cái gì hôm qua làm
được, ngày mai với sự độc đoán của nhà cầm quyền có thể bị coi là phi pháp.
Hoang mang ấy lên tới cực độ khi tác dụng của sự thay đổi thái độ này của nhà cầm
quyền không những ảnh hưởng đến tương lai, mà là ảnh hưởng cả về quá khứ nữa.
Đó là trường hợp nhà cầm quyền, lúc tự đặt mình lên trên pháp luật, giữ thái độ
chân chính đúng mực, huống hồ là khi nhà cầm quyền sử dụng quyền thế của mình một
cách lộng quyền, như ông Trường Chinh đã nhận định. Quyền xử tử người một cách
đơn giản như vậy trái với luật pháp: đó chỉ là một giải pháp chính trị mà thôi.
Nếu mà các người sử dụng quyền ấy lại không sử dụng với tinh thần chính sách của
lãnh đạo, sử dụng một cách lộng quyền thì kết quả thế nào, hiện thời ta đã
trông thấy rõ.
Bất chấp chuyên môn — Các nhà chính trị bất chấp
pháp luật. Nhưng nếu các vị ấy tranh thủ ý kiến của các nhà chuyên môn và cho
phép các nhà chuyên môn đề đạt ý kiến thì các nhà chuyên môn cũng sẽ yêu cầu
các nhà chính trị nên chú ý đến pháp luật, và dùng pháp luật phục vụ cách mạng.
Nhưng tiếc thay, trong 10 năm vừa qua, ta thấy một
tình trạng quái gở. Chính trị ám ảnh đầu óc chúng ta đến nỗi hai chữ “lập trường”
làm ta mất ăn mất ngủ. Nếu được dùng một hình ảnh “duy tâm”, tôi ví lập trường
như cái oan hồn ngày đêm theo đuổi kẻ nào đã hãm hại người chủ của nó. Có một
điều lạ, là các anh em công nông, các vị lãnh tụ không bao giờ nói đến lập trường
trong sinh hoạt hàng ngày. Trái lại, các cán bộ và đảng viên tiểu tư sản không
lo ngại gì bằng sự mất lập trường. Vì vậy, để nhớ đến nó, mở miệng ra là nêu lập
trường rồi. Đó là tinh thần tự ti của một giai cấp mất khí thế, quên rằng mình
đứng trong hàng ngũ cách mạng. Dù sao, ở Việt Nam chúng ta cũng đã xẩy ra những
sự việc như sau đây, ta cần ghi nhớ để con cháu ta cười muôn thuở: khi chọn một
người vặn lái ô tô, ta không hỏi người ấy có bằng vặn lái và đã vặn lái bao
năm, ta chỉ hỏi: “Có lập trường không?” Kết quả là từ hai năm nay, riêng trong
thủ đô Hà Nội, hàng trăm tai nạn xảy ra do các người vặn lái ô tô có lập trường
mà không nắm chuyên môn. Khi đưa tới bệnh viện một bệnh nhân cấp cứu, vấn đề
mang ra thảo luận trước tiên là: Bệnh nhân thuộc thành phần giai cấp nào? Chữa
cho địa chủ thì “mất lập trường”. Để nó chết mới chứng minh mình có “lập trường
giai cấp” (hiện tượng do B.S. Nguyễn Xuân Nguyên đưa ra).
Tại sao có những hiện tượng quái gở như vậy? Là vì
chính trị chiếm đóng tất cả các khu vực trong nhận thức của chúng ta làm chúng
ta mất cả cái nhân đạo tối thiểu của con người, làm chúng ta khước từ các chân
lý. Chân lý cho biết rằng chính trị không thể nào thay thế được cho chuyên môn,
không làm được việc của chuyên môn. Nếu như vậy thì ít ra chính trị cũng hỏi ý
của chuyên môn mới là phải. Nhưng không. Chính trị nghi ngờ chuyên môn, không
tin ở chuyên môn. Lúc thì cho rằng chuyên môn là do văn hoá và khoa học tư sản
đế quốc xây dựng, là vô dụng (đó là một sai lầm nghiêm trọng các người tin như
vậy chưa đọc Lenin). Lúc thì cho rằng các nhà chuyên môn không phải xuất hiện ở
tầng lớp cơ bản, công hay nông, thì không có đảm bảo vì thái độ lừng chừng, lập
trường lỏng lẻo, dù là 10 năm nay họ đã bước chân vào đường cách mạng và chứng
minh nhiệt tình của mình đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, kiến thiết quốc
gia.
Theo ý tôi, đây là một vấn đề then chốt. Các anh em
trí thức kháng chiến thường phàn nàn rằng Đảng Lao động thiếu tín nhiệm họ. Họ
đau khổ mà nhận thấy rằng mặc dầu họ đã trải qua bao nhiêu thử thách, chịu đựng
bao nhiêu hi sinh, trải qua bao nhiêu gian nguy, Đảng vẫn chưa tin ở họ. Nào họ
có yêu sách gì quá đáng đâu? Họ có đòi làm Bộ trưởng hay Đại sứ đâu? Không. Đại
đa số các anh em trí thức nói chung, không mơ ước các cương vị, công tác lộng lẫy
đâu, họ vui lòng nhường chỗ cho các nhà chính trị, các đảng viên. Họ chỉ thiết
tha đòi hỏi được mang khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của họ ra phục vụ nhân
dân mà thôi. Họ chỉ thiết tha mong muốn được bảo toàn danh dự trí thức của họ
và cái tự do tư tưởng mà họ quan niệm là cần thiết cho nhân phẩm của người trí
thức mà thôi. Họ đã từng nghe thấy Đảng tuyên bố: Người trí thức là vốn quí của
dân tộc. Nhưng họ cảm thấy vốn ấy quí quá đến nỗi phải cất nó đi thật kỹ, giữ
gìn nó trong một bán ảnh, một hoàng hôn trường cửu. Nếu có ai cho rằng tôi nói
không đúng, tôi cứ đề nghị người ấy quay mặt nhìn chung quanh, ở các cương vị
công tác trong chính thể của ta. Có một chỗ nào mà người trí thức ngoài Đảng nắm
được thực quyền không? Tác dụng “hiếu hỉ” hay “cười gật” thì có, mà lại có nhiều.
Nhưng ngay ở các cương vị ấy, ngoài vai trò hiếu hỉ, cười gật, người trí thức
có một trách nhiệm gì không, có quyền nói gì làm gì không, quần chúng đã biết
và miễn tôi giả nhời.
Chính trị chèn ép chuyên môn như thế nào, xua đuổi
người trí thức ra ngoài con đường cách mạng ra sao, lịch sử kháng chiến đã cho
ta kinh nghiệm đau đớn. Năm 1949, phong trào tư pháp liên khu III tan vỡ vì chính
quyền quan niệm tư pháp phải thuộc sự điều khiển của mình. Năm 1951, phong trào
quân y, dân y liên khu IV sụp đổ vì các chính trị viên đưa vào các bệnh viện đã
đàn áp chuyên môn, thúc đẩy các bác sĩ có công với cách mạng, với kháng chiến,
phải gạt nước mắt mà rời bỏ kháng chiến. Đó không phải là chủ trương của Đảng
Lao Động. Nhưng có một điều làm ta suy nghĩ: sao mãi bây giờ sau 10 năm Đảng mới
nghiên cứu một chính sách cho trí thức? Điều ấy chứng tỏ rằng từ khi cách mạng
thành công, ta chưa đánh đúng giá người trí thức, chưa đặt vấn đề trí thức. Do
đó, làm thế nào khai thác được tất cả khả năng của người trí thức để họ mang
chuyên môn ra phục vụ nhân dân?
Trên đây, tôi nói về người trí thức từ chiến khu trở
về. Đối với người trí thức vẫn ở trong Thủ đô, ta thấy sự thiếu tín nhiệm ấy lại
còn trầm trọng hơn nữa. Bao lần ta nghe tiếng chua cay của các anh em ấy phàn
nàn bị coi như là kẻ thù, mặc dầu các anh em vì yêu nước đã khắc phục mọi lo sợ
do tuyên truyền của địch gây ra và ở lại với chúng ta. Ta để cho cán bộ hộ khẩu
xâm phạm đến danh dự của các anh em, ta không tìm cách nào sửa chữa sai lầm ta
đã phạm đối với anh em. Ở các công sở tình trạng chèn ép của chính trị đối với
chuyên môn đã đưa đến cái danh từ bi đát làm cho ta đau lòng: “họ Lưu, họ Kháng”.
Không đoàn kết được các anh em, ta lại còn có thái độ úp mở, nhùng nhằng (ta tưởng
như vậy là thượng sách), thậm chí ta lại còn nghi ngờ các anh em. Ta không hiểu
rằng làm như vậy, ta bất công với các anh em, ta không tôn trọng lời đã hứa qua
chính sách tiếp quản và cương lĩnh Mặt Trận, ta đẩy các anh em xa rời ta, ta vô
tình ném xuống bể tiêu cực cái vốn chuyên môn của các anh em trí thức trong Thủ
đô.
Đó là những nguyên nhân trực tiếp. Đào sâu hơn nữa,
ta thấy rằng sở dĩ có những hiện tượng như ta vừa phân tách trên đây, chẳng qua
chỉ vì sự lãnh đạo của ta thiếu dân chủ, xa lìa quần chúng.
Chính thể ta thiếu dân chủ như thế nào, ta đã từng
biết. Vai trò của các vị Bộ và Thứ trưởng ngoài Đảng như thế nào, các vị đó làm
được những gì trong Hội đồng chính phủ, trong các ngành chuyên môn mà các vị ấy
phụ trách, ta không nên đi quá sâu. Ta chỉ cần liếc mắt nhìn qua công việc làm
trong mỗi Bộ, ta chỉ cần nghe tiếng than phiền của các cán bộ, công chức làm việc
trong các Bộ là ta hiểu. Ta cũng biết rằng chủ trương của Đảng có lẽ không phải
như vậy đâu, nhưng trong thực tế công tác, mỗi anh em ta tiếp xúc với các vị Bộ
hay Thứ trưởng ngoài Đảng, đều nhận thấy rằng quyền hành của các vị ấy hình như
không phải là quan trọng cho lắm. Nhận định như vậy có lẽ ta lầm đấy. Nhất định
ta lầm. Nhưng dù sao có “dư luận” không ai chối cãi được. Do đó, nếu chủ trương
của Đảng không phải như vậy thì ít ra Đảng cũng mang trách nhiệm không làm thế
nào để tiêu tan cái dư luận tai hại mà chúng ta thấy tồn tại từ thời kỳ kháng
chiến đến giờ. Nhưng cũng có điều chắc chắn không ai chối cãi được, là các vị Bộ
hay Thứ trưởng không có trách nhiệm gì trước Quốc hội, trước nhân dân, chỉ có
trách nhiệm trước Chính phủ mà thôi. Chưa bao giờ ta thấy vị Bộ truởng nào bị lật
đổ cả. Phải đợi đến các sai lầm đặc biệt nghiêm trọng trong Cải cách mới thấy
hai vị Thứ trưởng phải rút lui khỏi Hội đồng Chính phủ. Các hiện tượng ấy chứng
tỏ rằng Chính phủ ta chưa thực hiện được dân chủtrong khi lập Hội đồng Chính phủ,
vì các vị Bộ hay Thứ trưởng đều được cử hay bị truất, ngoài sự tham gia trực tiếp
hay gián tiếp (qua Quốc hội) của quần chúng.
Tình trạng của Quốc hội lại rõ hơn nữa. Mười năm Quốc
hội đã thành lập. Các vị đại biểu Quốc hội còn phản ảnh được ý nguyện của quần
chúng không, quần chúng có tín nhiệm ở Quốc hội nữa không, đó là một vấn đề.
Nhưng dù vấn đề ấy ta giải quyết như thế nào đi nữa, có một điều chắc chắn là một
Quốc hội già 10 năm rồi mà vẫn tồn tại ngoài sự can thiệp của quần chúng, sự lựa
chọn của quần chúng, chứng minh rằng quần chúng 10 năm nay đã bị truất quyền cử
đại biểu của mình rồi. Dĩ nhiên trong thời kỳ kháng chiến, bầu lại Quốc hội là
một điều không làm được. Và hiện thời, Nam-Bắc bị tạm chia cắt, do đó sự bầu lại
toàn thể Quốc hội cũng là khó khăn. Nhưng dù sao riêng ở các miền giải phóng
này, nếu ta chú ý đến quyền người dân cử đại biểu của họ thì nhất định ta phải
cho phép người dân bỏ phiếu rồi. Từ khi hòa bình trở lại, 2 năm đã qua, mãi bây
giờ trước phong trào quần chúng đòi thực hiện dân chủ, ta mới nghĩ đến quyền bỏ
phiếu của người dân và bổ sung Quốc hội.
Nào có thế thôi đâu? Ngay cái Quốc hội ta đang có
hiện thời, ta có thực hiện dân chủ với nó không? Chắc chắn là không. Thỉnh thoảng
ta mới họp Quốc hội, và trong các buổi họp đó ta chỉ thấy Chính phủ đưa ra các
báo cáo để Quốc hội nghiên cứu, xây dựng, hay các chính sách để Quốc hội tán
thành và bổ khuyết. Quyền lập pháp của Quốc hội ở đâu? Quyền đề ra đường lối,
chủ trương trong nội trị, ngoại giao, quyền nêu trách nhiệm của Chính phủ và
các Bộ, quyền lựa chọn nhân viên trong Hội đồng Chính phủ, bấy nhiêu quyền, Quốc
hội có được hưởng dụng không? Dư luận quần chúng quan niệm rằng Quốc hội chỉ có
quyền thông qua các chính sách mà thôi. Còn như các sắc lệnh hay đạo luật thì
thường thường, quyền thông qua ấy chỉ thuộc ban Thường trực của Quốc hội. Nếu
Quốc hội là tổ chức cao nhất của quần chúng, đại diện cho quần chúng, thì ta phải
khách quan nhận thấy rằng, với vai trò vô cùng yếu ớt của Quốc hội hiện thời,
quyền dân chủ của quần chúng không được thực hiện.
Nói đến Mặt trận
thì tình hình cũng tương tự. Mặt trận hiện thời là tổ chức quần chúng có lẽ sát
tình hình quần chúng nhiều nhất. Nhưng ta có để nó đóng vai trò của nó không?
Không. Tác dụng của nó là động viên quần chúng để tán thành, ủng hộ và thi hành
các chính sách. Đứng về phương diện này, nó làm tròn nhiệm vụ của nó. Nó xứng
đáng với tín nhiệm của Đảng và Chính phủ. Nhưng hoạt động của nó như thế chỉ có
một chiều thôi. Ta chưa khai thác các khả năng của nó. Ta chưa nhận thấy bản chất
của nó. Nó có thể là liên lạc “hai chiều” giữa quần chúng và Đảng, Chính phủ. Một
mặt như nó thường làm, nó động viên quần chúng để thực hiện các chủ trương của
Đảng và Chính phủ. Nhưng mặt khác, nó có thể là cơ quan phản ảnh lên Đảng và
Chính phủ các ý kiến, thắc mắc, nguyện vọng của quần chúng, góp phần xây dựng
các chính sách, nói lên tiếng nói của quần chúng, cung cấp tài liệu nguồn gốc ở
quần chúng, tích cực giúp đỡ cấp lãnh đạo tránh khỏi chủ quan, thắt chặt liên lạc
giữa cấp lãnh đạo và quần chúng. Nhưng muốn để cho nó đóng vai trò ấy, ta phải
“dân chủ” đối với nó, nghĩa là phát động tự do tư tưởng của nó, để nó mạnh dạn
nói lên ý kiến của quần chúng, dù là các ý kiến trái ngược với nhận định của cấp
lãnh đạo. Nhưng từ trước tới nay, ta không làm như vậy. Ta thấy khó chịu khi nó
thỏ thẻ —chỉ thỏ thẻ thôi— những lời làm ta một phút chốc tỉnh giấc mộng chủ
quan mà ta trong cấp lãnh đạo đang say sưa. Vì vậy ta chỉ thường cho phép nó,
chỉ khuyến khích nó phụ họa ta, tán đồng ta với thái độ của đứa con khen hay
khi mẹ nó hát. Tóm lại, ta không dân chủ với nó. Do đó, ta hạn chế khả năng của
nó, nó không giúp ích gì cho cấp lãnh đạo.
Thiếu dân chủ
là gì? Là xa rời quần chúng, là giam hãm mình vào ngục thất của chủ quan. Tại
sao một chính thể cách mạng lại có thể phạm sai lầm nghiêm trọng như vậy được?
Trước đây, ta không trả lời được. Những người kính
yêu cách mạng rất ngạc nhiên khi thấy có kẻ đi tìm tự do, rời bỏ hàng ngũ cách
mạng để lén sang phía tư bản. Ngay trong thủ đô ta hiện thời, qua Đại hội lần
thứ 3 của Mặt trận Thành, ta thấy phản ảnh ý muốn của bao nhiêu đồng bào muốn
đi Nam. Ta nghĩ đến các đồng bào, trong thời kỳ kháng chiến, gạt nước mắt mà trở
về Hà-nội. Nếu cách mạng mang lại cho họ ánh sáng và hạnh phúc, sao lại có người
lo ngại trước cách mạng, đau đớn vì cách mạng. Các người ấy không phải thuộc
thành phần kẻ thù của cách mạng, trái lại thuộc thành phần cơ bản trong nhân
dân, như nông dân, công nhân. Thế thì đâu là chân lý? Đó là một vấn đề mà trước
đây ta chỉ đặt thôi và không giải quyết được.
Bây giờ sau Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản
Liên-sô, sau các cuộc bạo động ở Berlin, Poznan, bên Tiệp, bên Hung, ta hiểu rõ
vấn đề, ta giải quyết được nó. Chung quy, mặc dầu cách mạng là tốt đẹp, mang lại
hạnh phúc cho dân tộc, sở dĩ vẫn có người xa lánh cách mạng, chẳng qua là vì
chính thể cách mạng mắc trầm trọng bệnh xa lìa quần chúng, thiếu dân chủ, do đó
đi càng ngày càng sâu vào tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, duy trì một thái độ
lãnh đạo hẹp hòi, độc đoán, có khi độc tài. Thái độ một chiều không muốn, không
cho phép ai nói cái gì trái ngược ít nhiều với ý kiến nhận định, thành kiến của
mình. Mình tự phụ, tự hào mình có độc quyền tìm thấy và gìn giữ chân lý. Đó là
tật tự cao tự đại của nhà cách mạng. Ta bay bổng lên trời xanh của ảo tưởng, ta
chỉ tin ở ta. Trong tư tưởng, ta không khinh quần chúng, nhưng trong hành động,
quả thật con mắt khách quan nhận thấy ta bất chấp quần chúng. Thậm chí, khi ta
nghe thấy một tiếng nào từ quần chúng nói lên rằng ta nhầm, ta làm như thế này
mới phải, lập tức ta thét ngay đó là tiếng của địch. Sở dĩ quan điểm bạn thù của
ta mơ hồ, và đâu ta cũng trông thấy địch, chẳng qua là vì ta quá tự phụ, ta
sùng bái ta quá đáng mà thôi. Bây giờ ta biết rõ là nếu bệnh ấy phổ biến trong
hàng ngũ cách mạng hiện thời thì trách nhiệm chính là Stalin phải chịu. Vì tự
cao, tự đại, tự phụ, tự mãn, Stalin không cho phép ai dân chủ với mình, đâu
cũng trông thấy địch. Kết quả thế nào ta đã biết: khẩu hiệu nêu lên, thét lên,
gào lên là: đề cao cảnh giác. Và lợi dụng tình thế ấy, ta biết Béria đã làm những
gì, phạm tội ác như thế nào.
Nếu không có quyết nghị lần thứ 20 của Đảng Cộng sản
Liên-sô, nếu không có những sai lầm cực kỳ tai hại trong Cải cách, ta chưa mở mắt
được, ta sẽ còn thấy bao nhiêu máu oan chảy thành suối thành sông, bao nhiêu
người kính yêu cách mạng mà vẫn đau sót rời bỏ cách mạng. Tuy ta phải trả một
giá quá cao, nhưng bây giờ ta biết rõ nguyên do của các đau khổ của ta: ta thiếu
dân chủ.
III. Phương hướng sửa chữa các sai lầm
Qua lịch sử tranh đấu của quần chúng hai nghìn năm
nay, ta thấy cái gì mà nhân bản của loài người đòi hỏi thiết tha nhất, đó là một
đời sống vật chất tương đối đầy đủ êm ấm, đó là một đời sống tinh thần tương đối
ổn định, có đảm bảo và tự do. Hạnh phúc của loài người xây dựng trên cơ sở dân
sinh và dân quyền. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây về vấn đề dân quyền. Ta được biết từ
hai thế kỷ nay chủ yếu trong vấn đề dân quyền là vấn đề dân chủ, nghĩa là quyền
của người dân làm chủ trên đất nước, đồng thời là quyền của con người được sống
theo các nhu cầu thiết yếu và chính đáng của nhân bản. Từ cuộc Cách mạng tư sản
Hoa Kỳ cuối thế kỷ 18, Cách mạng tư sản Pháp 1789, tới cuộc Cách mạng xã hội chủ
nghĩa của Nga, quần chúng nổi giậy, mang xương máu để giành kỳ được chế độ dân
chủ. Sau cuộc đại chiến lần thứ hai, Hiến chương Liên hiệp quốc đúc kết những
thành quả của các phong trào lịch sử tranh đấu cho dân chủ và đặt các nước văn
minh trước trách nhiệm của họ để thực hiện và đảm bảo các nguyên tắc dân chủ. Đối
với các nước tư bản ta không ngạc nhiên thấy chế độ dân chủ thực hiện với những
thiếu sót quan trọng. Nhưng ta có quyền ngạc nhiên khi ta thấy các thiếu sót ấy
cũng xuất hiện trong các nước đã hoàn thành cuộc Cách mạng dân chủ nhân dân và
xã hội chủ nghĩa. Đại hội lần thứ 6 của Hội Quốc tế các luật gia dân chủ họp
trong tháng 5 vừa rồi tại Bruxelles đã lấy làm tiếc mà nhận thấy rằng trong tất
cả các nước, dù tư bản hay xã hội chủ nghĩa, mặc dầu các Hiến pháp, các bộ luật
tuyên bố trịnh trọng, tôn trọng thực hiện, đảm bảo thực hiện các nguyên tắc dân
chủ, tuy nhiên các nguyên tắc này vẫn bị dày xéo. Vì vậy trong tất cả các nước,
quần chúng tranh đấu kịch liệt.
Ở nước ta, trong bản Tuyên ngôn độc lập, trong
Hiến pháp cũng như trong các sắc lệnh, đạo luật, nguyên tắc dân chủ đã được ban
bố. Nhưng qua phong trào phát huy dân chủ mà Chính phủ chủ trương, qua đại hội
nhân dân thủ đô lần thứ 3, các Đại hội Mặt trận Trung ương, Mặt trận Thành, qua
thông cáo của Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương Đảng Lao động, của Chính phủ
v.v., nhân dân nhận thấy, và Đảng cũng như Chính phủ xác nhận rằng ta thiếu sót
về dân chủ khá nhiều. Vì các thiếu sót ấy, ta phạm các sai lầm nghiêm trọng
trong Cải cách ruộng đất như tôi đã trình bày trên đây. Nguyên nhân sâu sắc của
các sai lầm ấy, ta có thể quy kết được. Sở dĩ đời sống tinh thần của ta không
được ổn định, lúc nào ta cũng nơm nớp lo sợ các hành động “lộng quyền” của nhà
đương cục, là vì ta thiếu một chế độ pháp trị phân minh, không đề ra nghĩa vụ
và quyền lợi của mọi người, đồng thời cả của cấp lãnh đạo nữa. Sở dĩ cấp lãnh đạo
có thể phạm được các sai lầm nghiêm trọng trong Cải cách Ruộng đất, tổn thất
cho xương máu, mồ hôi nước mắt của đồng bào, cho uy tín của Đảng và Chính phủ,
là vì người dân không có quyền, không có phương tiện nói lên ý kiến của mình,
tham gia xây dựng các chính sách của Chính phủ.
Do đó, phương hướng sửa chữa các sai lầm là một chế
độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự.
Một chế độ pháp trị chân chính — Ở đây, chưa
phải lúc và chỗ để tôi trình bày ý kiến về vấn đề pháp trị. Ta sẽ có dịp khác. Ở
đây, tôi chỉ muốn trình các quí vị một nhận xét.
Đảng Lao động và chính phủ có nhận thấy cần thiết,
trong chính sách sửa chữa các sai lầm trong Cải cách, phải “tăng cường chế độ
pháp trị” của ta. Tôi e rằng trong tư tưởng lãnh đạo, sự nhận thức về vấn đề
pháp trị chưa được rõ và đầy đủ. Chính trị vẫn coi pháp luật như một “bà con
nghèo”. Chữ “tăng cường” là một chứng minh. Tuy rằng trong nước ta có một Bộ Tư
pháp, có các toà án, có luật lệ, nhưng chế độ pháp trị hầu như không có. Đó là
một điều tôi sẽ nghiên cứu sâu sắc hơn khi nào tôi trìng bày ý kiến về chế độ
pháp trị, một chế độ pháp trị chân chính. Theo ý tôi, thì vấn đề không phải là
tăng cường mà là xây dựng.
Một chứng minh khác trong chính sách Sửa sai trong
Cải cách này, tôi vẫn thấy chính trị lấn áp pháp lý. Trước hết bức thư của ông
Hồ Viết Thắng tự phê bình và xin rút lui khỏi Mặt trận Trung ương chỉ là một giải
pháp chính trị mà thôi. Trong cuộc mạn đàm với các vị đại biểu đến họp hội nghị
này, tôi nhận thấy không ai “thông” về ý kiến và biện pháp ông Hồ Viết Thắng trình
bày cả. Riêng về phần tôi là một nhà luật học, tôi chưa thể nào nhận định được
trách nhiệm của ông Thắng. Có thể trách nhiệm của ông ấy rất lớn, có thể rất nhỏ.
Đứng trên tinh thần pháp lý, sự nhận tội lỗi của một người không đủ để qui định
trách nhiệm của người ấy. Trong Cải cách, khi những đảng viên ưu tú bị đoàn Cải
cách gán cho là phản động, ra trước nhân dân, có người cũng nhận tội trong khi
biết là mình oan. Ta nên rút kinh nghiệm vừa qua, sửa sai không phải là phạm
các sai lầm khác. Do đó, đứng trên một lập trường pháp trị chân chính, tôi đề
nghị phải lập một ủy ban điều tra gồm các vị đại biểu Quốc hội, Mặt trận, Đảng
Lao động với sự cộng tác của các vị thẩm phán cao cấp, giàu kinh nghiệm để lập
một hồ sơ theo phương pháp pháp lý đã nhận định, trên quá trình đi từ lãnh đạo
qua chỉ đạo đến chỗ thực hiện chính sách, trách nhiệm ở chỗ nào và do những ai
phải chịu. Sau khi kết thúc cuộc điều tra, ủy ban ấy sẽ phân tách trách nhiệm
chính trị và trách nhiệm pháp lý. Ai chịu trách nhiệm chính trị sẽ trả lời trước
Quốc hội biến thành Toà án tối cao. Ai chịu trách nhiệm pháp lý sẽ trả lời trước
các tòa án tư pháp. Dưới con mắt của quần chúng theo dõi xây dựng cuộc điều tra
và xét xử, công lý phát huy, không còn ai thắc mắc nữa.
Có người hỏi làm thế để làm gỉ? Tôi xin phép trả lời.
Làm thế để rút kinh nghiệm. Tôi cảm thấy ngay hiện thời ta chưa rút được kinh
nghiệm đâu. Chính trị không những lãnh đạo pháp lý —đó là đúng— nhưng vẫn lấn
át pháp lý, thay thế cho pháp lý, như trong trường hợp ông Hồ Viết Thắng, như
thế là ta vẫn mở cửa cho các sai lầm mới còn nguy hại hơn nữa. Không những thế,
ta biết rằng nhu cầu công lý thuộc nhân bản con người văn minh. Từ người bị xử
trí oan cho đến các người chỉ chịu thiệt gián tiếp vì các sai lầm, có thể nói
được rằng toàn dân đợi chờ công lý. Một biện pháp chính trị xuề xoà không thỏa
mãn được ai. Bằng chứng ở nông thôn, ta được biết tình hình “căng thẳng”. Phong
trào trả thù, tự xử diễn ra khắp mọi nơi, kéo chúng ta trở về quá khứ của lịch
sử. Còn như các đảng viên bị xử trí sai, tâm hồn các anh em như thế nào, ta chỉ
cần đọc lại báo Nhân Dân. Tuy rằng các anh em kết thúc các bài tường thuật lại
đau khổ của mình bằng những lời phấn khởi, nhưng các lời này không làm ta quên
được các lời phẫn uất, chua xót, cay đắng mà các anh em nói lại với ta từ đầu
bài. Nhưng bi đát hơn hết là các chiếc khăn trắng chít trên đầu họ hàng thân
thích của những anh em bị xử tử, những bàn thờ vẫn dựng trong nhà, các thổn thức
phá vỡ im lặng của các đêm hiu quạnh, các ngày cúng giỗ nhắc lại hàng năm bi kịch
thê thảm đã diễn ra trong gia đình vì cuộc Cải cách. Nhân dân đòi hỏi các người
có công được thưởng và các người có tội phải đền tội. Trách nhiệm của tất cả mọi
người từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, phải được qui định rõ ràng, dứt
khoát. Như thế mới yên được lòng dân, như thế mới thu phục được nhân tâm. Kinh
nghiệm lịch sử dạy ta điều ấy. Trong chính sách sửa chữa sai lầm, ta không thể
quên được bài học lịch sử. Quần chúng im lặng đợi chờ công lý.
Chúng ta thiết tha mong ước ở chính trị một nhận định
đúng về vai trò của pháp luật phục vụ cách mạng. Kinh nghiệm đau đớn vừa qua bó
buộc ta phải xây dựng lại quan điểm “địch” trên cơ sở pháp lý và pháp trị. Các
sai lầm nghiêm trọng ta đã phạm bắt nguồn ở một quan điểm chính trị về địch.
Quan điểm ấy linh động quá, “biện chứng” quá, nên ta không biết phân tách địch
và ta, do đó ta đánh cả ta nữa. Muốn tránh các sai lầm hôm qua đừng tái diễn
ngày mai, ta cần xác định theo hình luật thế nào là địch. Lúc đó ta mới đánh
đúng địch, và có đánh đúng địch ta mới củng cố được ta, ổn định được nhân tâm,
duy trì lại trật tự và an ninh ở thôn quê, kiến thiết lại đoàn kết giữa các tầng
lớp nhân dân ở thôn quê cũng như ở thành thị, đảm bảo cho quần chúng một đời sống
tự do, thoát khỏi mọi sự đe dọa của “lộng quyền”, bênh vực các quyền căn bản và
thiết yếu của con người.
Tóm lại, nếu
chính trị giác ngộ, vui lòng tôn trọng pháp lý, thiết lập một chế độ pháp trị
trong đó chính trị vẫn lãnh đạo pháp lý, nhưng đồng thời nêu thật cao gương phục
tùng pháp lý và pháp trị thì nhất định chính trị khôi phục đuợc uy tín và được
quần chúng nhiệt liệt ủng hộ.
Một chế độ thực sự dân chủ — Thế nào là một chế
độ thực sự dân chủ? Đó là một chế độ trong đó người dân được làm chủ trên đất
nước không những trong hiến pháp, mà cả trong thực tế nữa. Đây không phải là
lúc, là chỗ, mà ta đi sâu vào vấn đề. Ta chỉ cần nhận thấy rằng trong giai đoạn
hiện thời, quần chúng có đòi hỏi cái gì quá đáng đâu, chỉ yêu cầu có một điều
thôi, là được đàm thoại với cấp lãnh đạo, được đề đạt lên cấp lãnh đạo, ý kiến
về các chính sách do cấp lãnh đạo xây dựng. Các vị lãnh tụ đã bao lần khen dân
ta tốt. Mà dân ta tốt thật. Bằng chứng là điều tôi vừa nhắc lại đây. Trong khi
quần chúng có quyền đòi hỏi ở một chính thể cách mạng rất nhiều, nhân dân ta chỉ
có một yêu cầu mà ai cũng phải nhận là chính đáng. Tại sao nhân dân chỉ có cái
yêu cầu nhũn nhặn ấy mà thôi? Là vì nhân dân thông cảm với cấp lãnh đạo phải
đương đầu với bao khó khăn. Nhưng nếu nhân dân chỉ đề ra có một yêu cầu, yêu cầu
ấy thiết yếu. Tôi tin rằng cấp lãnh đạo cũng nhận thấy như vậy. Tôi không quên
lời của ông Trường Chinh đọc bản tự phê của Đảng Lao động tại Hội nghị này. Ta
nghe thấy cấp lãnh đạo thú nhận trước Hội nghị rằng Trung ương Đảng đã phạm sai
lầm là xa quần chúng, chỉ tiếp xúc với quần chúng qua báo cáo của các cán bộ đảng
viên mà thôi. Ta phải nhận định rằng đây là một sai lầm nghiêm trọng. Do đó, cuộc
Cải cách Ruộng đất của ta đã gặp các thất bại cay đắng. Trái với lời ta thường
nói, ta đã thiếu dân chủ với nhân dân.
Nhân dân nhất định không để tình trạng tai hại ấy
kéo dài nữa. Tôi xin phép Hội nghị góp một số ý kiến để chấm dứt tình trạng đó.
Tôi không đặt vấn đề dân chủ nói chung. Tôi chỉ chú ý đến yêu cầu thiết tha nhất
hiện thời của quần chúng là được phản ảnh lên ý nguyện của mình. Theo ý tôi, để
thực hiện và đảm bảo yêu cầu vô cùng chính đáng ấy, chỉ cần ba giải pháp.
1. Một chế độ báo cáo của cán bộ. Đảng tín
nhiệm ở cán bộ. Đúng! Không tài nào khác được. Vậy phải đặt các cán bộ có nhiệm
vụ báo cáo trước trách nhiệm của họ. Một báo cáo không phản ảnh trung thành sự
thực với các khía cạnh của nó, với các ưu và khuyết điểm của nó, rất tai hại. Cấp
lãnh đạo cần đề cao cảnh giác với các con số thống kê, các động cơ bất chính của
cán bộ muốn thi đua thành tích, vưà mị dưới, vừa lừa trên, do đó đưa ra một
hình ảnh quá hẹp của thực tế. Ta phải tiến tới giải pháp nhận định rằng người
nào hữu ý xuyên tạc sự thật vì động cơ bất chính, có thể bị truy tố về tội giả
mạo được.
2. Một chế độ cho các đoàn thể nhân dân được
quyền mạnh dạn nói lên ý kiến của quần chúng mà họ tập hợp. Từ trước tới nay,
ta có thể ví Đảng Lao động như một cây rất to, lá ruờm rà che hết ánh sáng của
mặt trời, khiến ngay một ngọn cỏ cũng không mọc dưới chân nó được. Vì vậy, Quốc
hội cũng như Mặt trận không thể đóng được vai trò của mình. Ở đây, tôi chỉ xin
phép nói về Mặt trận của ta thôi. Các vị đã thấy rằng từ khi thành lập Mặt trận
Liên Việt cho đến Mặt trận Tổ quốc, chúng ta chỉ có nhiệm vụ động viên quần
chúng thi hành chính sách mà thôi. Đó là một nhiệm vụ. Nhưng dù sao chỉ có một
chiều. Ta là giây liên lạc giữa các cấp lãnh đạo và quần chúng. Nếu ngược lại,
ta có quyền liên lạc giữa quần chúng và cấp lãnh đạo, nghĩa là phản ảnh lên Đảng
và Chính phủ ý kiến thắc mắc, nguyện vọng của quần chúng, công tác của ta thế
nào cũng tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn. Ta gắn liền lãnh đạo và quần chúng, do đó
lãnh đạo sát hợp với thực tế hơn. Tôi xin phép đặt mỗi vị ủy viên trước trách
nhiệm của mình. Chúng ta ủng hộ Chính phủ, nhưng chúng ta cũng là đại biểu của
nhân dân. Công tác của chúng ta có hai mặt, chúng ta không thể chỉ lệch về một
bên được. Quần chúng không cho phép chúng ta làm như vậy, muốn theo rõi công việc
ta làm vì chúng ta làm đại biểu của quần chúng, được quần chúng tín nhiệm. Quần
chúng giao quyền cho chúng ta, chúng ta phải xứng đáng với sự ủy quyền ấy. Ta sử
dụng quyền ấy thế nào, quần chúng đòi kiểm soát ta.
Để đạt mục đích này, tôi xin phép đề nghị: một là mỗi ủy viên phải có
nhiệm vụ phản ánh lên Mặt trận ý kiến của quần chúng. Mặt trận phải có nhiệm vụ
đề đạt lên cấp lãnh đạo những phản ảnh của các ủy viên và báo cho các vị ấy
thái độ của cấp lãnh đạo giải quyết vấn đề ra sao, sử dụng các phản ảnh ấy như
thế nào. Khi Mặt trận họp hội nghị, phải cho phép quần chúng đến bàng thính: để
quần chúng kiểm soát công việc của Mặt trận làm và thái độ của các ủy viên. Dĩ
nhiên các người bàng thính ấy không có quyền tham gia thảo luận, chỉ được nhập
hội trường cho tới khi hết số ghế dành cho quần chúng, và phải tôn trọng kỷ luật
của hội nghị. Ngoài ra, báo chí, đặc biệt báo chí của Mặt trận như tờ Cứu Quốc,
phải phản ảnh trung thành nội dung của các cuộc thảo luận và đăng các tham luận
của các vị ủy viên.
3. Một chế độ tự do ngôn luận, xuất bản báo
chí — Ta phải đề phòng trường hợp các cán bộ không báo cáo, các ủy viên Mặt trận
không phản ảnh ý kiến của quần chúng. Do đó, ta thấy cần thiết phải cho phép quần
chúng nói lên tiếng nói của mình qua báo chí. Có người lo ngại rằng tự do ngôn
luận này mà ai cũng thấy cần thiết có thể bị sử dụng một cách bừa bãi. Về điều
này ta phải suy nghĩ. Mối lo ngại trên đây xuất phát từ động cơ nào? Nếu là động
cơ tốt —nghĩa là do một nhiệt tình đối với cách mạng gây ra— ta hoan nghênh.
Nhưng ta cũng sẽ trả lời rằng trong một chính thể dân chủ muốn sử dụng tự do
nào, dĩ nhiên phải nêu trách nhiệm của người sử dụng tự do ấy trước pháp luật.
Nếu sử dụng với tinh thần trách nhiệm hợp pháp, ta không có quyền kêu ca gì,
trái lại, ta hoan nghênh. Nếu lạm dụng một cách vô trách nhiệm, ta đã có tòa án
để nghiêm trị. Vậy ta không lo ngại. Nhưng nếu mối lo ngại xuất phát từ một động
cơ bất chính, nhắm mục đích thủ tiêu các tự do dân chủ, thì tôi chỉ cần khuyên
nhủ người lo ngại như vậy nên đọc lại lịch sử các phong trào cách mạng trong
hơn một thế kỷ nay. Họ sẽ nhận thấy rằng chưa bao giờ, chưa ai có thể ngăn cản
được một phong trào quần chúng tranh đấu đòi các tự do dân chủ.
Không những ta công nhận các tự do dân chủ, ta lại còn cung cấp phương
tiện để thực hiện các tự do ấy. Thí dụ tự do ngôn luận. Ta có các báo của Chính
phủ, của Đảng, của Mặt trận, ta lại có các báo của tư nhân, ta giúp đỡ cho các
báo ấy giấy và mực in đầy đủ, ta lại còn quảng cáo cho các báo ấy là đàng khác
nữa. Các cơ quan tuyên truyền, báo chí của ta không bao giờ tìm khó dễ cho các
báo ấy, và khi nào các báo đó được hàng vạn độc giả hoan nghênh, ta rất lấy làm
sung sướng vì trong thâm tâm ta, ta là những người dân chủ.
Các biện pháp tôi đề nghị trên đây đều nhằm mục
đích cống hiến các cấp lãnh đạo một nhận thức đúng và sát thực tế mà cấp lãnh đạo
không có điều kiện biết đến một cách trực tiếp. Sát với thực tế của quần chúng,
cấp lãnh đạo thông cảm với quần chúng, đi đúng đường lối của quần chúng, được
quần chúng tín nhiệm, ủng hộ, mến yêu.
Thưa các quý vị,
Tôi nói đã quá lâu, nhưng tôi tin các vị cũng tha
thứ cho, vì biết rằng tôi là một người thiết tha đến sự nghiệp của cách mạng và
tiền đồ của dân tộc. Các ý kiến của tôi, dù sai hay đúng, tôi cứ thành khẩn đề
đạt lên các vị, gọi là để góp phần vào hội nghị, một phần nhỏ mọn nhưng chan chứa
một niềm hi vọng và tin tưởng vô biên ở tương lai của đất nước.
Hà-Nội, ngày 30.10.1956
Nguyễn Mạnh Tường