Tôi vẫn nhớ như in buổi nói chuyện với vị giáo sư môn Tài chính công ở Boston College về thuế VAT.
Thầy kể là sau khi được mời vào Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton, Joseph Stiglitz (Nhà kinh tế học từng được trao Nobel Kinh tế) gọi điện cho thầy. Ông hỏi đại ý: “Nếu anh được đề xuất một cải cách về tài chính công cho nước Mỹ thì anh sẽ đề xuất điều gì?”.
Thầy tôi không do dự trả lời ngay rằng cần phải thay thuế doanh thu bằng thuế giá trị gia tăng (VAT) vì sắc thuế này minh bạch, tránh được hiện tượng “thuế chồng thuế”, và thường là một nguồn thu quan trọng nhất ở các nước áp dụng nó.
Vì VAT “không có mắt”, không phân biệt người giàu hay người nghèo, nam hay phụ, lão hay ấu, cứ tiêu dùng mặt hàng như nhau thì đóng thuế như nhau.
Đề xuất tăng thuế VAT lần này của Bộ Tài chính tuy không làm tôi ngạc nhiên nhưng khiến tôi thất vọng, bởi vì nó không chỉ tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh tế và công bằng xã hội, mà còn không giúp giải quyết tận gốc vấn nạn thâm hụt ngân sách và nợ công hiện nay. Vì sao lại như vậy?
Theo Bộ Tài chính, lý do cơ bản của việc tăng thuế VAT là để tăng ngân sách, coi đó là cách để giảm nợ công và thâm hụt ngân sách. Cơ quan này cho rằng thuế suất VAT của Việt Nam hiện nay quá thấp so với “thông lệ quốc tế”, vì thế việc tăng VAT là một mũi tên trúng hai đích: vừa giúp tăng ngân sách, vừa thuận theo “thông lệ quốc tế”.
Đầu tiên, phải khẳng định ngay rằng không có cái gọi là “thông lệ quốc tế” về thuế suất VAT. Thuế suất VAT phổ thông (standard VAT) có thể dao động từ mức 5% như ở Đài Loan, Kuwait hay Nigeria cho đến 25-27% như ở nhiều nước EU. Nhìn ra láng giềng, thuế suất cũng không hề nhất quán, có thể chỉ ở mức 5-7% như Đài Loan (5%), Thái Lan (7%) hay Singapore (7%) hay lên cao hơn như ở Philippines (12%) và Trung Quốc (17%). Những con số này còn cho thấy so với các nước trong khu vực, thuế suất VAT phổ thông 10% của Việt Nam hiện nay là ở mức trung bình chứ không hề thấp như Bộ Tài chính tuyên bố.
Thứ hai, tăng thuế VAT sẽ làm cho bất bình đẳng trong xã hội tăng lên. VAT không có mắt, không phân biệt giàu nghèo. Trong khi đó, người nghèo có tỷ lệ thu nhập dành cho tiêu dùng cao hơn người giàu - vì đa số tiêu dùng của họ là hàng thiết yếu - vì vậy gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ lệ cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn - do đó khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.
Thứ ba, lý thuyết kinh tế chỉ ra rằng tổn thất phúc lợi vô ích tỷ lệ với bình phương thuế suất. Tổn thất phúc lợi này bắt nguồn từ thực tế là khi thuế tăng, gánh nặng thuế trên vai của cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng đều tăng lên. Hệ quả là tăng thuế suất sẽ dẫn đến giảm hiệu quả kinh tế.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi tăng trưởng GDP phụ thuộc rất nhiều vào tiêu dùng cuối cùng, đồng thời chi phí kinh doanh của doanh nghiệp - cả chi phí “hữu hình” lẫn chi phí “vô hình” - hiện đã rất lớn thì việc dồn thêm gánh nặng thuế khóa lên vai họ vào lúc này sẽ chỉ càng làm hao mòn sức khỏe của họ.
Nếu trong thập niên 2010, tỷ lệ các doanh nghiệp đóng thuế thu nhập còn chiếm đến 2/3 thì hiện nay, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 1/3. Liệu trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp đang chới với như thế này, một chính phủ “kiến tạo phát triển” và “đồng hành với doanh nghiệp” có nên tăng thêm gánh nặng thuế khóa hay không? Hơn nữa, liệu có nên đánh đổi tăng ngân sách trước mắt với sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn hay không?
Vấn đề thứ tư là hiệu lực thực thi của việc tăng thuế suất. Khi thuế suất VAT 10% đã xuất hiện các “công ty ma” để mua bán hóa đơn, trốn và tránh thuế. Thế thì khi thuế suất tăng, động cơ của trốn và tránh thuế ngày càng cao, dẫn tới xói mòn cơ sở thuế. Hơn nữa, tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã rất cao, lên tới 27,5% tổng thu ngân sách, cao hơn hẳn so với mức 21,4% của các nước EU - là những nước thuộc nhóm có thuế suất VAT cao nhất thế giới, với mức thuế suất phổ thông trung bình lên tới 21,3%. Điều này cũng ngụ ý rằng, việc tăng thuế suất VAT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách. Nói tóm lại, mục tiêu tăng thuế suất để tăng vai trò của thuế VAT trong tổng thu ngân sách chưa chắc đã đạt được.
Cuối cùng, hai lý do chính của Bộ Tài chính khi tăng thuế suất VAT “để tăng ngân sách và giảm bớt gánh nặng nợ công” thì đây mới chỉ là góc nhìn phiến diện một chiều.
Nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP. Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả.
“Thông lệ quốc tế” mà Bộ Tài chính cần áp dụng hiện nay không phải là tăng thuế mà là tăng hiệu quả và tiết giảm chi tiêu ngân sách để giảm nợ công và thâm hụt ngân sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét