Trang

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Những sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết

Từ một người chưa từng có một ngày làm báo, ông Đinh Đức Lập đột nhiên được đặt ngồi “nhầm chỗ” trên chiếc ghế lãnh đạo cao nhất của một tờ báo có bề dày, có truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam (báo Đại Đoàn Kết mà tiền thân là các tờ Cứu Quốc, Giải Phóng). Việc bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết không tuân thủ quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cơ quan báo chí do Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành đã khởi đầu cho hàng loạt các sai phạm tồi tệ nhất từ người đứng đầu trong lịch sử báo Đại Đoàn Kết.

Từ việc thường xuyên với tần suất khá dày sử dụng tùy tiện các trang báo để thỏa mãn chủ nghĩa cá nhân của tổng biên tập, cho tới việc sử dụng, bổ nhiệm cán bộ mang tính bè phái, gia đình trị; quản lý tài chính và công sản cơ quan như tài sản và tiền bạc của gia đình; hành xử tùy tiện, cảm tính bất chấp các quy định của pháp luật Nhà nước cũng như các nguyên tắc Đảng; bao che hết mực cho cán bộ thuộc nhóm lợi ích làm sai, vi phạm pháp luật nhưng lại rất hung hăng đe dọa, trù dập dã man những người dám đấu tranh, tố cáo; thi hành các chính sách đãi ngộ theo kiểu cảm tính, phân biệt đối xử, kỳ thị Nam - Bắc, mang tính lợi ích nhóm tạo nên sự chia rẻ... Tổng biên tập Đinh Đức Lập đã biến báo Đại Đoàn Kết trở thành một tờ báo vô cùng mất đoàn kết. Chủ tịch Huỳnh Đảm cũng phải than phiền: “Báo Đại Đoàn Kết mà để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng như vậy là không thể chấp nhận được”. Môi trường làm việc ngày càng nặng nề, hàng loạt nhà báo phải ra đi, một số còn lại buộc phải lên tiếng đấu tranh... dù biết là sẽ phải nhận lãnh sự trù dập và sự trả thù tàn bạo, chà đạp lên pháp luật của ông Đinh Đức Lập.

Tuy nhiên, do sự chậm trễ và có dấu hiệu "lừng khừng" từ cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo, các sai phạm và những hậu quả mà ông Đinh Đức Lập đã và đang gây ra cho báo Đại Đoàn Kết nay vẫn chưa được ngăn chận. Thậm chí, nhiều sai phạm mới nghiêm trọng hơn đang phát sinh, một số cán bộ thân hữu của ông Lập gây ra sai phạm chưa giải quyết xong hậu quả đã có dấu hiệu “bỏ chạy” càng làm cho tình hình ở báo Đại Đoàn Kết thêm nghiêm trọng.

Hưởng ứng lời kêu gọi của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam về việc tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng bằng cách tăng cường sự giám sát ngày càng chặt chẽ, hiệu quả của nhân dân, chúng tôi bắt đầu công khai các sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết để góp thêm tiếng nói giám sát như lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng phát biểu: “Chúng tôi có 14 đồng chí trong Bộ Chính trị là có 28 con mắt, nhưng toàn dân có gần 90 triệu người, tức là có gần 180 triệu con mắt thì người dân thông minh hơn nhiều và có thể nhìn thấy mọi điều, mọi nơi, mọi chỗ”.

Ngoài ra chúng tôi cũng mong các đồng nghiệp, cũng như bất kỳ công dân nào có quan tâm tới báo Đại Đoàn Kết nói riêng và công cuộc phòng chống tham nhũng của đất nước nói chung nếu có điều kiện hãy tham gia thêm “tai mắt của nhân dân”,  cùng các cơ quan chức năng  góp phần giám sát việc xử lý các sai trái có tính hệ thống của ông Đinh Đức Lập ngay tại cơ quan báo Đại Đoàn Kết, đảm bảo sự nghiêm minh và thượng tôn pháp luật.

Bài 1: Lời ngỏ

"Nếu ai cũng sợ trù úm không dám tố cáo tham nhũng thì đất nước này sẽ ra sao?" - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Những kẻ tham nhũng, vi phạm luật pháp trục lợi cá nhân không bao giờ tự thú nhận mình là tham nhũng hay ngồi xổm trên pháp luật. Vì vậy mà dân gian từ xa xưa đã có câu: “Không ai chịu làm cha ăn cướp”.

Không phải cơ quan bảo vệ pháp luật nào hoặc tổ chức phòng chống tham nhũng nào của Đảng và Nhà nước cũng có “trăm tai nghìn mắt”, có đầy đủ cơ số cán bộ đủ tâm và tầm để giám sát và phát hiện kịp thời bọn tham nhũng, những kẻ coi thường luật pháp.

Vì vậy mà hầu như trong bất cứ văn kiện quan trọng nào cũng Đảng và Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng cũng đều coi trọng, đề cao vai trò của nhân dân trong việc giám sát những người có chức có quyền trong bộ máy nhà nước, trong hệ thống chính trị để kiểm soát và phát hiện chính xác, kịp thời các hành vi vi phạm luật pháp, các thủ đoạn tham nhũng gây thiệt hại cho Đảng, Nhà nước và xã hội.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thì ví von một cách hình ảnh hơn, nhưng không kém phần gay gắt khi lên án “bộ phận không nhỏ” này: “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là “chết” cái đất nước này”.

Ông Sang cũng kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước góp công góp sức cùng Đảng và Nhà nước tham gia “bắt sâu”, quyết tâm làm trong sạch bộ máy, xây dựng Đảng và Nhà nước vững mạnh vì dân, phục vụ nhân dân như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Muốn như vậy, thì không thể né tránh sự thật, phải nhìn thẳng vào sự thật và dám nói lên sự thật dù biết rằng sẽ bị trù úm, gây khó khăn và đôi khi còn liên lụy tới người thân gia đình. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi người dân cần có dũng khí để chống tham nhũng. Ông trấn an nỗi lo sợ bị trù úm khi tố cáo, "người ta có thể trú úm một người, một nhóm người nhưng không thể trù úm cả dân tộc này".

Đối với các cán bộ là thành viên của các ban bệ, các tổ chức liên quan tới công tác phòng chống tham nhũng, mà đặc biệt là với các thành biên Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng vừa mới thành lập, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không ngần ngại mà nói rất thẳng thắn rằng: "Mỗi thành viên, mỗi cán bộ làm việc trong lĩnh vực này phải hết sức gương mẫu, liêm, dũng, chính, trực, tức là phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực. Bản thân mỗi đồng chí và cả gia đình, vợ, con, phải giữ gìn sự trong sạch, rồi mới chống tham nhũng được, nếu không nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được".

Không ít người kỳ vọng vào vài trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) trong công cuộc giám sát, phản biện các vấn để hệ trọng của đất nước. Cấp bách và quan trọng hàng đầu là giám sát, phản biện xã hội giúp cho cộng cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước trở nên thực chất và hiệu quả hơn. Có lẽ vì vậy, mà ngay trong Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng 16 người có một thành viên của MTTQ Việt Nam (ông Vũ Trọng Kim - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam). “Tất cả 16 thành viên Ban chỉ đạo phải là 16 tấm gương về giữ gìn đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào. Chúng ta phải cam kết với nhau, mỗi thành viên phải là một tấm gương về liêm sáng, trung thực, công tâm, khách quan, nếu không dân không tin”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001 đã quy định: Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tuỵ phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.

Hiện nay Hiến pháp 1992 đang trong quá trình lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện một lần nữa cho phù hợp với yêu cầu phát triển, đổi mới đất nước theo định hướng ngày càng khẳng định các quyền làm chủ của nhân dân, tiến tới xây dựng một thể chế chính trị, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong đó, công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, đe doạ trả thù, trù dập người khiếu nại, tố cáo, cố tình không giải quyết hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo trái pháp luật. Quy định này nhằm bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo cũng như giám sát quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Như vậy việc giám sát của nhân dân đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần dựa hẳn vào dân, bảo vệ, khuyến khích và khơi dậy ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc giám sát, phát hiện tham nhũng, nhất định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ có kết quả tích cực.

Luật MTTQ Việt Nam quy định: Hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam là giám sát mang tính nhân dân, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước, nhằm góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân thông qua hoạt động của mình. MTTQ tổng hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt, xem xét giải quyết, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật. Như vậy hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam thực chất là giám sát của nhân dân, tức là nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình thông qua MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn dành cả chương V để quy định những nội dung nhân dân giám sát việc thực hiện pháp lệnh này. Trong đó có quy định nhân dân trực tiếp thực hiện việc giám sát thông qua quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với cơ quan tổ chức có thẩm quyền; hoặc kiến nghị thông qua UBMTTQ các tổ chức thành viên của Mặt trận cấp xã; hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng do chính nhân dân ở khu dân cư bầu ra để thực hiện quyền giám sát của mình.

Như vậy, các quy định của pháp luật Nhà nước, cũng như quan điểm, chủ trương của Đảng, của hệ thống MTTQ đã quá đầy đủ để đảm bảo cho người dân thực hiện vai trò công dân giám sát, phát hiện và tố cáo các hành vi tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật, vi phạm nguyên tắc Đảng của những người có chức vụ quyền hạn một cách thuận lợi nhất.

Thế nhưng trong thực tế, ngay tại một đơn vị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (một tổ chức chính trị được khá nhiều người kỳ vọng vào vai trò giám sát, phản biện có nhiều khả năng góp phần hiệu quả hơn cho công cuộc phòng chống tham nhũng) tình hình đấu tranh phòng và chống tham nhũng lại diễn ra không đơn giản như vậy. Những người tố cáo đã liên tục bị trù dập dã man, dưới nhiều hình thức vừa vi phạm pháp luật vừa nhẫn tâm vô đạo đức bởi người bị tố cáo đang là thủ trưởng cơ quan đương chức.Điếu đáng nói là cấp có thẩm quyền, đang thụ lý và xử lý các nội đung tố cáo này là lãnh đạo MTTQ Việt Namthì lại không có hành động can thiệp kịp thời để ngăn chận sự trù dập dã man này.

Trước những sai phạm ngày càng trở nên nghiêm trọng của tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết  Đinh Đức Lập, nhiều cán bộ phóng viên của báo Đại Đoàn kết đã thực hiện vai trò công dân giám sát, đã có đơn thư tố cáo gởi đến Đảng Đoàn và các vị lãnh đạo của MTTQ Việt Nam để phản ánh tình hình, đề nghị kiểm tra, thanh tra, xác minh làm rõ để có biện pháp xử lý thích đáng nhằm ngăn chận kịp thời các sai phạm của người đứng đầu tờ báo của MTTQ Việt Nam, tránh cho tờ báo của MTTQ Việt Nam trở thành một công ty gia đình, phục vụ cho nhóm lợi ích theo kiểu gia đình trị của ông Đinh Đức Lập. Đơn từ tố cáo của các cán bộ phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã bắt đầu được gởi đi từ tháng 5/2012.

Có thể thông cảm với các vị  lãnh đạo của Ủy  ban Trung ương MTTQ Việt Nam khi chưa bao giờ cơ quan này phải tiếp nhận một lượng đơn từ và nội dung tố cáo tập trung vào một cán bộ đảng viên đang giữ vai trò lãnh đạo một đơn vị của MTTQ Việt Nam (tức ông tổng biên tập báo Đại Đoàn kết Đinh Đức Lập) nhiều và liên tục phát sinh như vậy, cho nên việc xử lý có phần lúng túng. Mặc dù phần lớn các vị lãnh đạo MTTQ Việt Nam khá quan tâm và dành nhiều thời gian công sức để họp hành, chỉ đạo giải quyết  sự việc song do các lý do khách quan, nên tổ công tác giải quyết tố cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng khó lòng có thể làm nhanh hơn và hầu như không có điều kiện để xác minh, thẩm tra đầy đủ, điều tra làm rõ tới nơi tới chốn tất cả các nội dung tố cáo.

Báo cáo đầu tiên kết luận công tác thẩm tra xác minh của tổ công tác (khoảng 56 trang) theo một nguồn tin riêng của chúng tôi đã đánh gía phần lớn nội dung tố cáo ông Đinh Đức Lập sai phạm là đều có cơ sở.

Tuy nhiên, điều khiến cho những người tố cáo ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết bất ngờ và vô cùng ngạc nhiên là họ không được nhận kết luận giải quyết đơn tố cáo bằng văn bản. Mặc dù thời hạn giải quyết theo luật định đã trôi qua từ lâu và theo quy định của Luật Tố cáo, người tố cáo được quyền nhận các nội dung giải quyết đơn tố cáo bằng văn bản từ cơ quan có thẩm quyềm (ở đây là Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam). Những người tố cáo đã ít nhất 3 lần yêu cầu lãnh đạo MTTQ Việt Nam tuân thủ Luật Tố cáo, đáp ứng yêu cầu cung cấp kết luận bằng văn bản cho họ (một lần ngay tại cuộc họp nghe đọc bản tóm tắt kết luận và 2 lần làm đơn yêu cầu cung cấp kết luận bằng văn bản). Song đã hơn 2 tháng trôi qua, văn bản kết luận mà những người tố cáo yêu cầu theo Luật định vẫn chưa thấy tăm hơi. Họ chỉ được nghe một bản báo cáo vắn tắt chỉ có khoảng vài trang được gọi là báo cáo kết luận giải quyết đơn tố cáo tại báo Đại Đoàn Kết. Được biết, có sự chỉ đạo của một lãnh đạo MTTQ Việt Nam về việc không công khai các văn bản kết luận này.

Trong khi đó, về phía người bị tố cáo là tổng biên tập Đinh Đức Lập, hiện vẫn đang cầm quyền trong tay nên ông Lập đã không từ bất cứ thủ đoạn nào để ra sức trù dập dã man những người tố cáo. Họ còn đưa ra thông tin đã có kết luận giải quyết đơn tố cáo, những người tố cáo là những kẻ phá hoại, tố cáo sai sự thật, ông Lập không hề hấn gì và sắp tới sẽ căn cứ vào kết luận của Đảng Đoàn, lãnh đạo MTTQ Việt Nam  cũng như chỉ đạo của “cấp trên” để có hình thức kỷ luật cao nhất dành cho những người tố cáo.

Hành vi “bưng bít” thông tin kết luận giải quyết đơn tố cáo nói trên của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã gây ra một hiệu ứng không mong muốn. Đó là làm nhiễu thông tin, hoang mang dư luận.  Người ta không còn biết đâu là sự thật và có cơ sở để thắc mắc về việc lãnh đạo MTTQ Việt Nam thật sự có quyết tâm giải quyết công minh, khách quan, dúng pháp luật vấn đề ở báo Đại Đoàn Kết để làm trong sạch và lành mạnh tình hình tại đây hay không?

Thực hiện quyền giám sát của công dân theo quy định của hệ thống luật pháp Nhà nước  cũng như trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh sự thật” của Nghị quyết TW 4 của Đảng, những người tố cáo tổng biên tập Đinh Đức Lập ở báo Đại Đoàn Kết nhận thấy cần thiết phải minh bạch hóa, công khai hóa các nội dung tố cáo cũng như các căn cứ, cơ sở thực tiễn và pháp lý của các nội dung đó để tất cả các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng và đặc biệt là dư luận tại cơ quan báo Đại Đoàn Kết và MTTQ Việt Nam có cơ sở tham khảo, kiểm tra, xác minh một cách công khai, minh bạch.

Việc làm này của những người đứng đơn tố cáo ở báo Đại Đoàn Kết là hành động cụ thể, hưởng ứng lời kêu gọi nhân dân tham gia giám sát cán bộ đảng viên, góp phần làm trong sạch, vững mạnh tổ chức Đảng và cũng trên tinh thần của các quy định của pháp luật Nhà nước về phòng và chống tham nhũng. Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Như vậy việc giám sát của nhân dân đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần dựa hẳn vào dân, bảo vệ, khuyến khích và khơi dậy ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc giám sát, phát hiện tham nhũng, nhất định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ có kết quả tích cực.

Trên đây chỉ mới là lời mở đầu cho việc công bố loạt bài những sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết với vai trò là Tổng biên tập. Từ những sai phạm quy chuẩn đầu tiên trong việc bổ nhiệm, làm thủ tục cấp thể nhà báo... cố gắng khiêng cưỡng đặt một người không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Đảng và Nhà nước ngồi "nhầm ghế" lãnh đạo cao nhất một cơ quan báo chí có truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam đã dẫn tới các hệ lụy không thể lường được như thế nào cho tờ báo này nói riêng và cho uy tín của MTTQ Việt Nam nói chung.

Những bài tiếp theo chúng tôi sẽ cung cấp cụ thể các chi tiết và dẫn chứng để quý vị tham khảo.

Loạt bài “Những sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết”:

Bài 10: Chính ông Đinh Đức Lập mới là đối tượng có hàng loạt sai phạm cần phải đình chỉ công tác để xem xét kỷ luật


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét