Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Nhức nhối con số “một triệu đô” trong “dự án ma” của ông Đinh Đức Lập


Những sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết [13]

Bài 13:

Nhức nhối con số “một triệu đô” trong “dự án ma” của ông Đinh Đức Lập

Bắt đầu từ Quyết định số 322 do ông Vũ Trọng Kim ký ngày 13/5/2010 chỉ định một công ty tư nhân làm đơn vị đầu tư và quản lý sau đầu tư dự án xây dựng tòa nhà báo Đại Đoàn Kết, tọa lạc tại khu đất vàng 66 Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tiếp theo hợp đồng liên danh hợp tác giữa báo Đại Đoàn Kết (do ông Đinh Đức Lập là người chịu trách nhiệm) ký kết vi công ty Đông Dương (đơn vị tư nhân duy nhất được chỉ định là nhà đầu tư) vi nhiều thỏa thuận không dựa trên cơ sở nào; trong đó có thỏa thuận về một “quy trình ngược” (hợp tác đầu tư khi chưa có dự án, nhà đầu tư chịu trách nhiệm “chạy dự án”; không có điều khoản ràng buộc đảm bảo việc thực hiện dự án của nhà đầu tư....); con số “nhức nhối” một triệu đô la Mỹ mà báo Đại Đoàn Kết phải bồi thường nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng được đưa ra trong bối cảnh hết sức bất cập, coi thường các quy định của pháp luật trong vụ hợp tác làm ăn nói trên. Những thỏa thuận không căn cứ nói trên đã không hề chịu sự giám sát nào khi hợp đồng lại có điều khoản “bảo mật” thông tin. Chỉ khi dư luận xôn xao vì dự án ngày càng hiện hình thành “dự án ma”, không thể triển khai thực hiện được sau hơn 3 năm hứa hẹn thì mọi người mới bàng hoàng nhận ra quá trình hình thành nên vụ làm ăn này cùng các điều khoản bất cập, phi lý,  một hậu quả pháp lý vô cùng xấu mà báo Đại Đoàn Kết đã và đang phải đối mặt.

Trong hợp đồng liên danh hợp tác đầu tư xây dựng và khai thác tòa nhà báo Đại Đoàn Kết tại số 66 Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội có một thỏa thuận rất đáng lưu ý. Đó là điều khoản quy định về trường hợp Bên A (báo Đại Đoàn Kết)  đơn phương chấm dứt hợp đồng. Theo đó, ngoài việc Bên A phải thanh toán cho Bên B (Công ty Đông Dương) các chi phí dự án  mà Bên B đã đóng góp từ khi ký kết hợp đồng này, Bên A còn phải bồi thường cho Bên B số tiền 1.000.000 USD (một triệu đô-la Mỹ). Trong khi đó, cũng theo các thỏa thuận trong hợp đồng, nếu Bên B đơn phương chấm dứt hợp đồng thì Bên B không phải bồi thường thêm bất cứ một khoản nào khác, ngoài số tiền chi phí cho dự án từ khi ký hợp đồng.

Cam kết bồi thường cho đối tác một triệu đô la Mỹ của ông Đinh Đức Lập (người đứng đầu báo Đại Đoàn Kết chịu trách nhiệm pháp lý đối với hợp đồng này), đã để lại hậu quả pháp lý rất xấu cho báo Đại Đoàn Kết. Đặc biệt là khi quá trình ký kết hợp đồng đã bỏ qua rất nhiều quy định của pháp luật Nhà nước về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất (có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước – như trường hợp công sản 66 Bà Triệu, trụ sở chính của báo Đại Đoàn Kết).

Như chúng tôi đã phân tích trong bài viết trước [tham khảo ở đây], quá trình đi tới việc ký kết hợp đồng số 270910/HĐ.HTLD giữa báo Đại Đoàn Kết và Công ty Đông Dương ngày 27/9/2010 là một “quy trình ngược”, vi phạm hàng loạt các quy định của pháp luật Nhà nước liên quan tới lĩnh vực này. “Quy trình ngược” đó chứng tỏ những người có liên quan và có trách nhiệm trong việc chỉ định nhà đầu tư, đàm phán các thỏa thuận và ký kết hợp đồng đã hết sức coi thường các quy định của pháp luật. Mà những quy định đó được các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành căn cứ vào các cơ sở pháp luật được Quốc hội thông qua nhằm kiểm soát và ngăn chặn tình trạng lợi dụng quyền hạn, chức vụ để lạm dụng tài sản Nhà nước, sử dụng tùy tiện, vô nguyên tắc gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng tài sản công có giá trị lớn là đất đai, nhà cửa thuộc sở hữu Nhà nước. Tình trạng sử dụng lãng phí, thất thoát tài sản công mà đặc biệt là nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trong một thời gian dài đã trở thành vấn nạn nhức nhối, là một trong những điểm nóng của công tác phòng chống tham nhũng của cả nước từ trung ương tới địa phương.
                                                                           
Quyết định số 322/QĐ-MTTW-BTT do ông Vũ Trọng Kim (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTWMTTQVN) thay mặt Ban Thường trực ký ngày 13/5/2010 chỉ định Công ty cổ phần địa ốc Đông Dương là đơn vị đầu tư và quản lý sau đầu tư dự án xây dựng Tòa nhà báo Đại Đoàn Kết tại số 66 Bà Triệu, Hà Nội mặc dù có ghi căn cứ vào Luật Đấu thầu song nội dung của quyết định này đã bỏ qua tất cả các quy định liên quan tới việc đấu thầu, chỉ định thầu, nhằm lựa chọn nhà đầu tư tham gia dự án được pháp luật điều chỉnh rất cụ thể. Trong trường hợp này là dự án xây dựng tòa nhà báo Đại Đoàn Kết, có sử dụng nhà đất là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, được điều chỉnh rõ ràng và minh bạch bởi Thông tư 03/2009/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 16/4/2009 hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất.

Không có cơ sở pháp lý nào để cho thấy Quyết định 322 bảo đảm việc chỉ định công ty Đông Dương là nhà đầu tư duy nhất tham gia dự án xây dựng tòa nhà báo Đại Đoàn Kết, có đủ điều kiện và đã trải qua đầy đủ  trình tự các bước theo quy trình được quy định bởi pháp luật. Từ đó để có thể kết luận rằng Quyết định 322 do ông Vũ Trọng Kim ký đã bỏ qua các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, vi phạm các nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp Nhà nước trong lĩnh vực này (bất kể là bằng hình thức đấu thầu hay chỉ định nhà đầu tư cũng đều phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của pháp luật). Quan trọng hơn trình tự và thủ tục đó là để chứng minh rằng công  ty này đã vượt qua  được quy trình nghiêm ngặt của pháp luật quy định chứng tỏ các khả năng, điều kiện,  ràng buộc để đảm bảo thực hiện dự án và bị chế tài khi không đảm bảo được các cam kết đầu tư, tham gia dự án của mình. Việc chỉ định thầu không có cơ sở pháp lý đã vô hình chung tạo điều kiện cho một công ty tư nhân lọt qua hầu hết các điều kiện, quy định nghiêm ngặt của pháp luật để đảm đảm bảo thực hiện đầu tư trở thành nhà đầu tư duy nhất (khó hiểu) lọt vào một dự án cũng chưa hề được công bố công khai theo quy định. Những biểu hiện khuất tất này, trên thực tế đã và đang để lại một hậu quả pháp lý phức tạp và rất xấu cho báo Đại Đoàn Kết.

Một điều kiện hết sức quan trọng để bắt đầu quy trình lựa chọn nhà đầu tư (bất kể theo hình thức đấu thầu hay chỉ định) là phải công bố công khai danh mục dự án cần lựa chọn nhà đầu tư. Quyết định 322 chỉ định công ty Đông Dương làm nhà đầu tư duy nhất tham gia dự án xây dựng tòa nhà báo Đại Đoàn Kết trong khi chưa hề thực hiện việc công bố công khai danh mục dự án đầu tư. Hơn nữa, trong các thỏa thuận của hợp đồng liên danh hợp tác giữa báo Đại Đoàn Kết và công ty Đông Dương có điều khoản giao cho công ty Đơng Dương đầu tư toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng dự án từ khâu giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công; lập tổng dự toán; thẩm định dự án, thực hiện dự án đầu tư, thi công xây lắp đồng bộ cho đến khi đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Công ty Đông Dương còn được giao đại diện cho liên danh làm việc với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để: làm thủ tục để dự án được phê duyệt; thực hiện các thủ tục xây lắp từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn thực hiện dự án đầu tư và khai thác quản lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Nói theo ngôn ngữ dân gian, công ty Đông Dương sau khi được ông Vũ Trọng Kim ký quyết định chỉ định là nhà đầu tư dự án xây dựng tòa nhà báo Đại Đoàn Kết tại khu đất vàng 66 Bà Triệu (Hà Nội) phải lãnh trách nhiệm “chạy dự án”. Bởi lẽ, trước và ngay cả trong khi đàm phán ký kết hợp đồng hợp tác giữa báo Đại Đoàn Kết và công ty Đông Dương chưa hề có dự án nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhân đây cũng nên lưu ý rằng trong một clip có liên quan tới ông Đinh Đức Lập được lưu hành trên mạng, có đoạn được cho là phát ngôn của ông Lập nói về chuyện ông Kim gặp ông Thảo (Chủ tịch UBNDTP. Hà Nội) để "lobby" dự án tòa nhà 66 Bà Triệu của Đại Đoàn Kết. 

Các thỏa thuận nói trên ghi trong hợp đồng đã khẳng định việc chỉ định nhà đầu tư (Quyết định 322) và việc đàm phán ký hợp đồng đã diễn ra trước khi thực hiện một điều kiện bắt buộc phải làm theo quy định của pháp luật trước tiên là phải công bố công khai danh mục dự án cần lựa chọn nhà đầu tư. “Nhà đầu tư được chỉ định” là công ty Đông Dương hầu như được hoán vị trở thành “chủ đầu tư thứ thiệt” của dự án, khi phải bắt đầu tiến hành những bước cơ bản đầu tiên trước khi lựa chọn nhà đầu tư đó là phải xây dựng dự án, phải tìm cách “chạy”  dự án có sự phê duyệt của các cấp có thẩm quyền và sau đó là chịu trách nhiệm toán bộ quý trình thẩm định dự án, quản lý thi công và quản lý khai thác sau đầu tư. Hơp đồng lại không có quy định nào về trách nhiệm của “nhà đầu tư được chỉ định” một khi công ty Đông Dương không có khả năng để “chạy” dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không chạy được giấy phép xây dựng phù hợp với quy hoạch kiến trúc của giới chức có thẩm quyền. Đáng tiếc là hợp đồng này lại được hai bên cam kết “bảo mật” nên tập thể báo Đại Đoàn Kết cũng như nhiều vị lãnh đạo của MTTQ (cơ quan chủ quản của báo Đại Đoàn Kết có trách nhiệm trong việc chỉ định nhà đầu tư và thẩm định danh mục dự án công bố trước khi tiến hành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư) và các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này không có điều kiện để giám sát.

Trong hợp đồng hợp tác liên danh với một công ty ty nhân được chỉ định làm nhà đầu tư chưa hề trải qua các bước thẩm định về năng lực, điều kiện có thật để đảm bảo việc thực hiện đầu tư gự án của công ty này, song Bên A (báo Đại Đoàn Kết)  lại không có bất cứ điều kiện ràng buộc nào một khi Bên B (công ty Đông Dương) không có đủ khả năng, điểu kiện thực hiện các điều đã thỏa thuận. Nghiên trọng hơn,  Bên A (báo Đại Đoàn Kết) lại sẵn sàng đưa ra cam kết bồi thường 1.000.000 USD (một triệu đô la Mỹ) nếu Bên A đơn phương rút lại hợp đồng thì quả là một sự liều lĩnh đáng sợ. Thực tế đã chứng tỏ  Đông Dương suốt 3 năm qua vẫn chưa thực hiện được bước nào trong hợp đồng. Chưa hề có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa hề có giấy phép đầu tư xây dựng dự án,... Cho tới thời điểm hiện nay dự án xây dựng tòa nhà báo Đại Đoàn Kết vẫn hoàn toàn nằm trên giấy. Công ty Đông Dương suốt 3 năm qua chưa hề đầu tư cho báo Đại Đoàn Kết được một đồng nào, song nếu báo Đại Đoàn Kết muốn đơn phương kết thúc hợp đồng hợp tác này sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản vì thỏa thuận cam kết bồi thường 1.000.000 USD.

Vì sao những người có trách nhiệm và có liên quan trọng vụ làm ăn hợp tác này từ Quyết định 322 cho tới hợp đồng liên danh hợp tác của báo Đại Đoàn Kết lại có thể coi thường các quy định vốn rất rõ ràng, minh bạch và chặt chẽ của pháp luật để phòng ngừa, ngăn chận các hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn  nhằm sử dụng lãng phí, thất thoát, cũng như các biểu hiện tham nhũng tài sản công như vậy?

Trong lúc việc triển khai dự án cho đang lùng nhùng trên giấy, chưa rõ dự án được phê duyệt như thế nào thì đầu năm 2012, ông Đinh Đức Lập đã tổ chức một buổi lễ long trọng cắt băng khánh thành “bức tranh vẽ mô hình tòa nhà báo Đại Đoàn Kết” treo ngay phía trước mặt tiền nhà 66 Bà Triệu hiện nay. Tham dự buổi lễ khánh thành và công bố bức tranh vẽ mô hình tòa nhà này có ông Vũ Trọng Kim (Thủ trưởng cơ quan UBTWMTTQVN), đại diện Công ty Đông Dương và ông Đinh Đức Lập cùng cắt băng khánh thành. Hoạt động này được ông Đinh Đức Lập cho chụp hình đang trang trọng trên trang nhất báo Đại Đoàn Kết  số đặc biệt kỷ niện 70 năm báo Cứu Quốc – Đại Đoàn Kết số ra ngày 9/1/2012.

Phó chủ tịch kiêm TTK UBTWMTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập cắt băng tại lễ công bố mô hình tòa nhà Đại Đoàn Kết 66 Bà Triệu, Hà Nội, sáng ngày 8/1/2012 (ảnh: Hoàng Long)


Sự kiện này đã khiến cho những người có am hiểu luật pháp rất thắc mắc và thấy khó hiểu theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Vì sao dự án chưa có, chưa được ai phê duyệt, mô hình tòa nhà được ông Lập công bố rình rang, cắt băng khánh thành long trọng dưới sự chủ tọa của ông Vũ Trọng Kim đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa, mô hình này có phù hợp với quy hoạch và kiến trúc của thành phố Hà Nội không? Công bố những thông tin chưa có cơ sở pháp lý một cách rình rang, long trọng với sự có mặt của thủ trưởng cơ quan MTTQVN trên chính tờ báo Đại Đoàn Kết như ông Lập đã làm với “bức tranh vẽ mô hình tòa nhà báo Đại Đoàn Kết” chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt hôm 8/1/2012 liệu có phải là một hành vi hợp pháp? Nếu mô hình tòa nhà được ông Lập công bố trên báo chí công khai, rộng rãi  nhưng chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt, không có giấy phép xậy dựng hợp chuẩn của cơ quan chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn thì hành vi sai trái đó nhằm mang lại điều gì?

Các khuất tất nói trên càng làm cho người ta thêm thắc mắc, căn cứ nào để ông Vũ Trọng Kim thay mặt Ban Thường trực UBTWMTTQVN ký Quyết định 322 chỉ định công ty Đông Dương làm nhà đầu tư và quản lý sau đầu tư xây dựng tòa nhà báo Đại Đoàn Kết? Cơ sở nào để có thể tin cậy và giao  cho công ty Đông Dương hầu như toàn bộ quyền hạn của “chủ đầu tư” khi mà dự án chưa có và công ty này sau khi ký kết các thỏa thuận hợp tác xong thì mới bắt đầu bước đầu tiên là “chạy dự án”;  căn cứ nào để bàn bạc và thỏa thuận các điều khoản “ăn chia” giữa hai bên khi mà giá trị về quyền sử dụng “khu đất vàng” 66 Bà Triệu chưa minh định, còn dự án xây dựng thì chưa có, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt, cấp phép (nên không thể biết giá trị đầu tư của công ty Đông Dương là bao nhiêu?);  không hề có bất kỳ điều khoản nào nhằm ràng buộc, chế tài nhà đầu tư Đông Dương một khi công ty này không đảm bào được việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng khiến cho việc triển khai thực hiện hợp đồng kéo dài có thể là vô hạn mà nhà đâu tư Đông Dương không phải chịu bất cứ trách nhiệm hay thiệt hại nào; trong khi báo Đại Đoàn Kết muốn đơn phương rút khỏi hợp đồng thì ngoài việc phải bồi hoàn các chi phí mà nhà đầu tư Đông Dương đã chi ra cho việc thực hiện dự án (không hiểu kiểm soát bằng cách nào) còn phải bồi thường 1.000.000 USD.

Rõ ràng, sự coi thường và bỏ qua các quy định nghiêm ngặt của pháp luật nhằm phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực lựa chọn nhà đầu tư tham gia các dự án có sử dụng đất thuộc quyền sở hữu, quản lý của cơ quan Nhà nước tại báo Đại Đoàn Kết trong việc liên danh, hợp tác xây dựng tòa nhà 66 Bà Triệu, Hà Nội mà trách nhiệm chính thuộc về ông Đinh Đức Lập đã đặt báo Đại Đoàn Kết (cơ quan trung ương của MTTQVN) trước nguy cơ phải đối diện với một hậu quả pháp lý vô cùng xấu.  Chưa kể những hành động bất chấp pháp luật xảy ra trong một tổ chức được xem là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là cơ quan báo chí của khối đại đoàn kết dân tộc, có chức năng giám sát và phản biện xã hội đã mang lại nhiều tai tiếng cho báo Đại Đoàn Kết và lãnh đạo MTTQVN trong vụ làm ăn coi thường các quy định của pháp luật, có quá nhiều điều rất khó hiểu này.

(Còn tiếp)

Loạt bài “Những sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết”:

Bài 10: Chính ông Đinh Đức Lập mới là đối tượng có hàng loạt sai phạm cần phải đình chỉ công tác để xem xét kỷ luật

  
  

2 nhận xét:

  1. Người trong nghề ai mà không biết cam kết bồi thường một triệu đô la cua ông Lập là nhằm bảo đảm cho cái khoản gì.Các bố ký kết lung tung bán rẻ tài sản nhà nước để được lại quả nhưng mà hợp đồng thì không thể ghi nhận cái khoản lại quả đó, đành phải đẻ ra cái khoan cam kết bồi thường cho thằng đầu tư nó yên tâm. Tiền tươi thóc thật các bố nhận mua nhà mua xe mua chân dài... lỡ không may có trục trặc thì báo Đại đoàn kết lãnh đủ. thời nay làm quan có chức có quyền có quãn lý nhà đất của công trong tay sướng vậy đó, sơ sơ ẵm cả triệu đô la như chơi.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi thấy làm lạ, Đinh Đức Lập vi phạm quá nhiều việc, vậy mà "cấp có thẩm quyền" như bị MÙ, CÂM, ĐIẾC.!!!???
    MTTQVN cũng MÙ luôn???

    Trả lờiXóa