Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

LS Trần Đình Triển: ông Đinh Đức Lập đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng mà cơ quan có thẩm quyền cần điều tra, xác minh làm rõ để xử lý nghiêm minh theo pháp luật



VÌ SAO BÁO CHÍ VẪN CHƯA VÀO CUỘC ĐỂ BẢO VỆ ĐỒNG ĐỘI?


Hết giờ làm việc chiều nay, định đi tập thể dục “ vươn vai, ngắc cổ “ một chút với mấy bác hàng xóm thì thấy 1 chị đã lớn tuổi gõ cửa văn phòng và giới thiệu: “ Tôi là Đặng Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban khoa giáo Báo Đại Đoàn Kết, mong muốn được gặp anh và nhờ anh giúp đỡ để bảo vệ tài sản của Nhà nước, lợi ích tập thể và quyền lợi chính đáng của bản thân tôi. Người tôi muốn khiếu nại là ông Đinh Đức Lập – Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết, có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm pháp luật, trả thù người khiếu nại tố cáo,…


Tôi mời chị Ngân uống nước và tranh thủ đọc lướt qua tài liệu mà chị Ngân cung cấp; tôi thật sự ngỡ ngàng, không tin vào mắt mình: Tổng biên tập của 1 tờ báo thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Cơ quan đại diện và giữ gìn khối đoàn kết đại dân tộc Việt Nam mà ngang nhiên vi phạm pháp luật, nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, dùng quyền uy ra tay sát phạt những người đấu tranh chống tiêu cực…Sơ qua vài tài liệu đã thể hiện ông Đinh Đức Lập đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng mà cơ quan có thẩm quyền cần điều tra, xác minh làm rõ để xử lý nghiêm minh theo pháp luật, cụ thể là : 


1. Ông Lập làm và sử dụng bằng giả (bằng Trung cấp chính trị);

2. Làm thẻ nhà báo khi chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của Thông tư số 07/2007/TT-BVHTT ngày 20/3/2007 của Bộ Văn hóa - Thông tin về “Hướng dẫn cấp, đổi và thu hồi thẻ nhà báo”;

3. Bổ nhiệm Tổng biên tập báo Đại đoàn kết không đủ tiêu chuẩn theo Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “Ban hành quy chế bổ nhiệm, miễn nhiễm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí”; 

4. Đưa tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước là nhà số 82 Trần Quốc Toản thành phố Đà Nẵng (nhà này lấy danh nghĩa của báo Đại Đoàn Kết xin Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và được UBND TP Đà Nẵng chấp thuận tại Quyết định số 5755 ngày 19/01/2004). Đến ngày 20/4/2011 Báo Đại Đoàn Kết do ông Đinh Đức Lập chủ trì giao lại căn nhà này cho Công ty Cổ phần xây dựng 79 (vốn tư nhân, do ông Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị). Công ty này chỉ bồi thường cho Báo Đại Đoàn Kết 1 tỷ đồng để được sở hữu toàn bộ nhà và quyền sử dụng đất trên (việc này đang được chuyển đến cơ quan Cảnh sát điều tra TP Đà Nẵng thụ lý) ;

5. Đưa nhà đất (trụ sở của Báo Đại Đoàn Kết tại 66 Bà Triệu – Hà Nội có diện tích đất mặt bằng 588 m2 liên doanh với Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đông Dương (cũng là công ty vốn tư nhân) để xây dựng thành nhà 11 tầng và 1 tầng hầm, báo chỉ được sử dụng tầng 5 và tầng 6. Hợp đồng được ký ngày 27/9/2010, ngay trong ngày đó lại ký 1 phụ lục hợp đồng số 01; cam kết với nhau và tuyệt đối giữ bí mật việc liên doanh, liên kết này.

Lạ lùng nhất tại điều khoản xử phạt vi phạm hợp đồng quy định: nếu Báo Đại Đoàn Kết vi phạm thì phải chịu toàn bộ chi phí mà Công ty CP Địa ốc Đông Dương đã bỏ ra, đồng thời phải phạt tương đương 1 triệu đôla; còn nếu công ty vi phạm thì không chịu trách nhiệm gì hết – ngoài việc làm luật sư tôi còn là Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Hà Nội, thực lòng tôi ngỡ ngàng về hợp đồng liên doanh này, mang tài sản của Nhà nước để liên doanh, liên kết với 1 bản hợp đồng mà có lẽ nhà đất của tư nhân không ai ký như vậy; 

6. Báo Đại Đoàn Kết xin đất để xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân viên của báo ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, bao nhiêu năm nay Ban dự án của báo do ông Đinh Đức Lập ra quyết định thành lập, huy động hàng chục tỷ đồng của anh em bỏ ngoài sổ sách, chia nhau sử dụng, gửi tiết kiệm còn dự án đang nằm im tại chỗ; 

7. Có dấu hiệu ông Đinh Đức Lập bao che, dung túng cho ông Nguyễn Xuân Huy ( cán bộ của Báo) làm thủ tục mạo chức danh Phó Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết để làm luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Huy mạo danh lúc thì cán bộ Cục Báo chí – Xuất bản, lúc thì mạo danh là Cục phó Cục Báo chí – Xuất bản (Bộ Thông tin – Truyền thông); làm thẻ viên chức tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với học hàm Tiến sĩ (đáng tiếc là vụ việc này chưa được cơ quan có thẩm quyền điều tra thu thập bản chính, giám định…) để xem xét trách nhiệm việc làm giấy tờ giả của ông Nguyễn Xuân Huy và việc ông Đinh Đức Lập có đồng phạm hay không?

8. Dùng quyền uy của mình để trả thù người khiếu nại tố cáo, bằng hình thức sa thải, cụ thể là: Đã sa thải nhà báo Hữu Nguyên (Bùi Hữu Phước – Phó Trưởng ban đại diện Báo Đại Đoàn Kết tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 24/6/2013); nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng – nguyên Phó Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Báo Đại Đoàn Kết vào ngày 3/6/2013. Dự định vào ngày 3/7 tới đây ông Đinh Đức Lập thành lập Hội đồng kỷ luật để kỷ luật bà Đặng Thị Kim Ngân – Phó ban Khoa giáo Báo Đại Đoàn Kết (căn cứ Luật Luật sư, Bộ luật Lao động, Luật Viên chức, tôi đã làm thủ tục để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Đặng Thị Kim Ngân tại phiên họp kỷ luật này).

9. Việc ông Đinh Đức Lập vu khống 2 vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, điều đó có dấu hiệu là có thật vì việc phát ngôn của ông Lập tại 1 cuộc họp giao ban cán bộ lãnh đạo của Báo từ cấp Phó ban trở lên, có người ghi âm và đã phát tán trên mạng, việc này phải cần được điều tra làm rõ, giám định giọng nói, băng ghi âm có cắt băng lồng ghép hay không để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ uy tín cho 2 vị lãnh đạo cao cấp của Đảng. 

Tôi nhìn chị Ngân và hỏi: “Ông Đinh Đức Lập là người thế nào mà lọt lưới ghê thế, ông ta là con lươn, con chạch hay có ô dù nào đó?”. Chị Ngân ngập ngừng rồi trả lời: “Có…, có…, có anh ạ, nhưng không to lắm, ông ấy ở trên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Tôi hỏi tiếp chị Ngân: “ Việc 3 nhà báo bị 1 Tổng biên tập xử sự ngay trong tháng kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam thì đồng nghiệp là các nhà báo, các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin – Truyền thông, Ban Khoa giáo Trung ương có lên tiếng gì ủng hộ các anh chị không?”. Chị Ngân im lặng,… cúi đầu và 2 hàng nước mắt rơi trên má !

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Thư gởi quý đồng nghiệp nhân ngày 21-6-2013

TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 6 năm 2013

Kính gởi quý anh chị đồng nghiệp,

Chắc hẳn quý anh chị đồng nghiệp sẽ ngạc nhiên khi nhận được thư này, ngày nhà báo một nhà báo lại viết thư cho các đồng nghiệp của mình. Tuy nhiên trong trường hợp này tôi lại thấy cần thiết có một cơ hội để chia sẻ một vài tâm tư với quý anh chị.

Quý đồng nghiệp ở báo Đại Đoàn Kết chắc đều biết việc tôi và một vài đồng nghiệp nữa có đơn tố cáo nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực trong hành xử công vụ của ông Đinh Đức Lập (tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết) trong suốt một năm qua.

1. Về mặt pháp luật thì việc tố cáo các sai trái, tiêu cực trong hành xử công vụ của cán bộ công chức đang giữ chức vụ quản lý là hợp pháp, là quyền của mọi công dân được luật pháp bảo vệ. Tố cáo các hành vi sai phạm của người đứng đầu một cơ quan không hề bị pháp luật cấm đoán và bị quy kết thành “tội” tiết lộ bí mật công tác hay “tuyên truyền chuyện nội bộ” của cơ quan làm mất uy tín của cơ quan tổ chức đó. Pháp luật cũng quy định rất rõ ràng thẩm quyền và trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết và xử lý các nội dung tố cáo, cũng như quy trình giải quyết tố cáo.

Theo các quy định của Luật Tố cáo thì cho tới thời điểm này (khi tôi đang viết những dòng này gởi tới quý đồng nghiệp) thì việc xử lý, giải quyết các nội dung tố cáo của tôi đối với ông Đinh Đức Lập là chưa kết thúc, chưa có kết luận của cơ quan đủ thẩm quyền theo quy định của pháp luật là Ban Thường trực UBTWMTTQVN.

Do vậy, việc ông Đinh Đức Lập cố tình đem tôi và các đồng nghiệp khác ra xem xét xử lý kỷ luật trong thời gian này là hoàn toàn vi phạm Luật Tố cáo. Luật Tố cáo nghiêm cấm người bị tố cáo có các hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tại nơi công tác, làm việc dưới nhiều hình thức.

Các nội dung sai phạm của ông Đinh Đức Lập bị tố cáo trên thực tế đều đã xảy ra. Kết  luận bước đầu của Tổ công tác (thông báo bằng miệng cho chúng tôi) hầu hết đều ghi nhận là tố cáo có cơ sở (chiếm khoảng 80% nội dung tố cáo). Những nội dung được cho là chưa có cơ sở trên thực tế là do Tổ công tác chưa có điều kiện tìm hiểu hoặc vượt quá khả năng chuyên môn cũng như quyền hạn kiểm tra của Tổ công tác. Không hề có một chữ nào, từ nào, dòng nào trong kết luận ban đầu của Tổ công tác nói rằng có một số nội dung tố cáo của tôi là sai, là không đúng.

Tuy nhiên, kết luận nói trên (được cho là của Đảng Đoàn MTTQVN) cũng chưa được xem là kết luận cuối cùng có hiệu lực pháp lý theo quy định của Luật Tố cáo như tôi vừa trình bày ở trên.

2. Hẳn nhiều người thắc mắc vì sao tôi tố cáo ông Đinh Đức Lập? Như phần trên tôi đã trình bày, việc tố cáo ông Đinh Đức Lập là thực hiện quyền công dân theo đúng quy định của luật pháp. Tuy nhiên, bên cạnh đó tôi còn nghĩ tới trách nhiệm của người làm báo trong bối cảnh từ trung ương, tới địa phương các cấp Đảng, Nhà nước và MTTQ đang ra sức động viên, kêu gọi mọi người tham gia, chung tay đấu tranh phòng và chống tham nhũng. Việc này các đồng nghiệp là những nhà báo chắc biết rất rõ. Chúng ta đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng trong xã hội nói chung nhưng thông thường ít người trực diện đấu tranh với cái xấu tại chính nơi mình đang làm việc. Đặc biệt là đấu tranh với chính những người đang là cấp trên trực tiếp, có quyền sinh quyền sát với bản thân mình. Chính vì hiểu rõ sự khó khăn của những người đấu tranh trong thế yếu mà các nhà làm luật về tố cáo, về phòng chống tham nhũng đã rất cẩn thận đề ra nhiều quy định cụ thể, rõ ràng nhằm bảo vệ người đấu tranh, tố cáo.

Bản thân tôi vô cùng mong muốn được làm việc trong một môi trường làm báo lành mạnh, công bằng, dân chủ và thượng tôn pháp luật. Tôi chẳng có động cơ nào khác là mong muốn có mặt trong một cơ quan báo chí có môi trường tốt đẹp như thế để được làm việc hết sức mình và được đối xử tôn trọng, bình đẳng.

Thế nhưng, nếu quý đồng nghiệp có theo dõi và tham khảo các nội dung tố cáo của tôi chắc sẽ thấy ông Đinh  Đức Lập đã làm ảnh hưởng xấu tới môi trường làm báo của Đại Đoàn Kết như thế nào rồi. Từ việc định hướng làm kinh tế báo chí theo kiểu “tay không bắt giặc” cho tới việc sử dụng những người thân tín theo kiểu “lợi ích nhóm” gây ra bao nhiêu là hệ lụy (như trường hợp ông Nguyễn Xuân Huy đã bị kỷ luật, ông Đinh Quang Sơn đã bỏ trốn... hàng chục cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo lần lượt bỏ ra đi trong đó có nhiều  cán bộ lãnh đạo trong ban biên tập, lãnh đạo các ban); việc thi hành các chính sách đối xử bất công, phân biệt vùng miền cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của nhiều người... Chưa bao giờ mà tình hình tờ báo Đại Đoàn Kết lại lộn xộn, rối ren, các cơ quan pháp luật, thanh kiểm tra quan tâm lui tới và xem xét nhiều như vậy.

Đấu tranh với các hành vi tiêu cực, bất công của ông Đinh Đức Lập, bản thân tôi không có bất kỳ lợi ích nào. Ngược lại tôi biết sẽ phải hứng chịu nhiều đòn trả thù không thể lường được. Sự thật đã diễn ra như thế, tôi liên tiếp phải hứng chịu sự trả thù hết sức thô bạo của ông Đinh Đức Lập trong suốt một năm qua.

Trong cuôc đời đôi khi chúng ta buộc phải lựa chọn khi đứng trước nhiều tình huống đầy mâu thuẫn: vừa muốn an toàn cho bản thân, vừa lại muốn bảo vệ lẽ phải. Do vậy mà để có thể nói lên tiếng nói của lẽ phải đôi khi chúng ta cũng phải chấp nhận những tình huống mất an toàn cho bản thân mình. Nếu không chấp nhận như vậy thì lẽ ra chúng ta nên chọn con đường khác, không phải là những nhà báo.

Nói như vậy không có nghĩa là chỉ những nhà báo mới cần có dũng khí để bảo vệ lẽ phải. Mọi người nếu ai ai cũng có cái dũng khí đó thì xã hội này tốt đẹp biết bao nhiêu. Cái ác, cái xấu chắc chắn sẽ không còn hoành hành, tội ác sẽ không còn diễn ra thô bạo, nhan nhãn hàng ngày hàng giờ xung quanh ta và đôi khi là với chính bản thân ta, gia đình ta, những người thân và bạn bè của ta nữa.

Nhưng đã là nhà báo thì sứ mạng đó càng phải được xem là hàng đầu. Thế nên, các thống kê hàng năm trên thế giới đều cho thấy nghề báo là trong TOP các nghề nghiệp nguy hiểm, dễ bị hành hung và dễ mất mạng (tất nhiên nếu như chúng ta thực sự tâm huyết và hành nghề đúng như sự mong đợi của xã hội, của đạo đức nghề nghiệp).

3. Việc xử lý, giải quyết các nội dung tố cáo ông Đinh Đức Lập của cơ quan chủ quản (cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật) vừa chậm chạp, chùng chình vừa không rõ ràng minh bạch đã vô tình (hay cố ý) tiếp tay cho các ngón đòn trả thù ngày càng thô bạo hơn dành cho những người tố cáo của ông Đinh Đức Lập (người bị tố cáo).

Mong muốn có một môi trường làm việc lành mạnh, công bằng, dân chủ và thượng tôn pháp luật để có thể làm việc hết sức mình cho tờ báo của tôi hầu như bị phá sản. Suốt thời gian qua, do bị gây khó khăn, áp lực và bị áp đặt nhiều chính sách, quyết định hành chính  bất công, phi pháp tôi đã không thể làm được nhiều việc như mong muốn của mình. Về khả năng làm việc và tâm huyết với nghề nghiệp của tôi như thế nào, tôi nghĩ nhiều đồng nghiệp đã biết và thực tế đã minh chứng. Tôi không muốn nói dông dài thêm về chuyện này, mất thời giờ của quý vị.

Tôi chỉ hy vọng quý đồng nghiệp hiểu rằng suốt một năm qua, chỉ vì đấu tranh với các hành vi sai phạm của ông Đinh Đức Lập mà tôi bị trù dập tới mức bị hạn chế thấp nhất các điều kiện để tác nghiệp (tôi là Phó trưởng ban nhưng bị ông Lập ra lệnh không cho họp giao ban chuyên môn hàng ngày; tôi viết bài gởi ra tòa soạn thì bị chỉ đạo không được đăng...); bị đối xử bất công, bị áp đặt các hành vi và quyết định hành chính phi pháp; bị cắt xén hầu hết các khoản thu nhập hợp pháp và chính đáng.... Thu nhập thực tế từ báo Đại Đoàn Kết trong suốt một năm qua không nuôi sống nổi chính bản thân mình chứ chưa nói tới gia đình.

Tôi không chỉ tiếc khoảng thời gian có thể nói là phí phạm đã trôi qua cho chính bản thân tôi mà thực sự tiếc nhiều hơn cho chính tờ báo Đại Đoàn Kết vốn đang rất cần sự toàn tâm, toàn ý, toàn lực mà chúng ta đang có để góp phần đóng góp cho sự phát triển của tờ báo nói chung cũng như cho nghề nghiệp và cuộc sống của mỗi thành viên.

Vấn đề cần đặt ra là vì sao một người đứng đầu nếu được coi là có năng lực, có tâm huyết lại có thể để xảy ra tình trạng lãnh phí nhân lực và tình trạng mất đoàn kết nghiêm trọng như vậy trong cơ quan mà không có cách gì thu xếp ổn thỏa được?

4. Tôi luôn tin vào những điều tốt đẹp của con người và tin vào công lý. Cho dù không phải công lý bao giờ cũng được thực thi ngay lập tức. Đôi khi người ta phải mất nhiều thời gian, có khi rất nhiều thời gian để thấy sự trừng phạt và sức mạnh của công lý. Dân gian thường nói “có vay có trả” và quy luật về “nhân quả” của nhà Phật cho thấy rõ điều đó trong thực tiễn, với cái nhìn sâu sắc về cõi nhân sinh.

Những điều tốt đẹp của con người không phải lúc nào cũng có thể nhận ra. Không phải ai ai cũng lựa chọn sự đấu tranh để bảo vệ công lý một cách trực diện. Tôi luôn hiểu và chia sẻ với từng cá nhân về sự lựa chọn sao cho phù hợp với hoàn cảnh của họ trong cuộc đấu tranh với bạo quyền.

Vì vậy, tôi không trách hay phê phán bất kỳ ai chỉ vì họ không làm như tôi. Tôi biết mỗi người tử tế đều có cách để bảo vệ những điều mà họ trân quý và luôn ý thức về sự góp phần bảo vệ những điều tốt đẹp của cuộc sống xung quanh mình.

Vì vậy mà kết quả 6/15 lá phiếu của các đảng viên chi bộ báo Đại Đoàn Kết yêu cầu kỷ luật ông Đinh Đức Lập với tôi là một kết quả lạc quan. Trong hoàn cảnh ông Đinh Đức Lập là người đứng đầu, nắm nhiều quyền lực trong tay vẫn có 6 đảng viên yêu cầu kỷ luật ông Lập chứng tỏ cái tốt và lẽ phải vẫn còn tồn tại rất rõ ràng trong những con người cụ thể tại cơ quan này. Việc lãnh đạo cơ quan chủ quản không thể bác bỏ tất cả các sai phạm của ông Đinh Đức Lập, dù hết mực tìm cách giúp ông Lập thoát nạn, buộc phải xử lý kỷ luật ở mức khiển trách về Đảng lẫn chính quyền cho thấy người ta không thể phủ nhận hết sự thật và thô bạo chà đạp công lý.

Tôi cảm động và biết ơn tất cả những người đã chia sẻ với tôi trong cuộc đấu tranh không cân sức và đầy nguy hiểm này theo cách của họ. Ngày mai đây, tôi có thể sẽ nhận quyết định kỷ luật theo đúng “kịch bản” và mong muốn “cháy bỏng” của ông Đinh Đức Lập nhằm trả thù thô bạo người đã tố cáo các sai phạm của ông. Tôi cũng không hề tránh né chuyện đó, vì đã đấu tranh thì “tránh đâu”?

Thế nhưng bằng những cách riêng của mình, tôi tin rằng mọi người sẽ hiểu rõ ràng và cụ thể rằng cái quyết định kỷ luật đó tuy áp đặt cho tôi nhưng lại sẽ có tác dụng ngược với ông Đinh Đức Lập.

Kính chúc quý đồng nghiệp một ngày báo chí thật nhiều ý nghĩa và niềm vui cho cái nghề vốn thật nghiệt ngã của mình.

Hữu Nguyên

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Ghi chép ở Thư viện

Sáng nay (19/6/2013) tới dự buổi khai mạc triển lãm bộ sưu tập của anh Trần Thanh Phương tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM lòng thấy xôn xao lạ lùng, nhận ra nhiều cảm xúc chợt tràn về cùng một lúc.


Thư viên Khoa học Tổng hợp TP.HCM (trước 1975 là Thư viện Quốc Gia) 

Sự trân trọng và kính phục tâm huyết và công sức của anh chị Trần Thanh Phương – Phan Thu Hương vốn đã có từ lâu trong lòng tôi vì cả hai đều là những người thân quen hàng chục năm qua. Công việc và tâm tư của cả hai anh chị với nghề báo, với nghiệp văn và đặc biệt với chuyện làm tư liệu không chỉ làm cho tôi kính phục mà còn tạo ra sự kính nễ của biết bao bạn bè, đồng nghiệp khác.

Vượt qua tất cả những khó khăn đời thường đôi khi vô cùng nghiệt ngả, anh chị đã xây dựng được một gia tài đồ sộ tới mức kỷ lục về công việc sưu tập và viết báo, viết sách. Cái chết tức tưởi vì tai nạn giao thông của đứa cháu được anh chị nuôi nấng, chăm sóc như con đẻ từ lúc vài tuổi tới nay đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học đi làm được vài năm, tương lai đang rộng mở và cũng là niềm vui, hy vọng cuối đời của anh chị ngay trước cuộc triển lãm mấy ngày quả thật là cú sốc không nhỏ. Chính đứa cháu vắn số của anh chị cũng là một thành viên tích cực đóng góp đáng kể cho bộ sưu tập và công việc chuẩn trị cho cuộc triển lãm này.

Triển lãm chưa khai mạc, thành viên nhỏ tuối nhất đã lại đi xa... Hạnh phúc và khổ đau hình như luôn đồng hành và quyện lẫn vào nhau như hình với bóng. Anh Trần Thanh Phương ngậm ngùi nói trong buổi giao lưu: “Cuộc đời này sòng phẳng đến nghiệt ngã. Tháng 6 này chúng tôi có khá nhiều niềm vui song tất cả những niềm vui đó như lặng xuống bởi sự ra đi quá tức tưởi, quá đột ngột của đứa cháu mà chúng tôi vô cùng yêu thương...”.

Khoảng hơn 100 người đã tới tham dự buổi lễ khai mạc. Ngoài một số người là quan chức, một số là đồng nghiệp, bàn bè của anh chị Trần Thanh Phương, một số đông chiếm khoảng hơn 2/3 cử tọa lại là những gương mặt rất trẻ trung vào độ tuổi sinh viên. Đặc biệt là chính các em sinh viên này lại là những người ngồi tận phút cuối cùng của buổi giao lưu đầy ý nghĩa, súc tích và cảm động với anh chị Trần Thanh Phương.

Một cảm xúc khác cũng làm cho lòng tôi  không ít xao động và phải dành hẳn một khoảng thời gian sau buổi khai mạc để một mình lặng lẽ dạo bước trong khuôn viên Thư viện. Một mình lặng lẽ cảm nhận lại cái không gian của 30 năm về trước, trở về với cái thời sinh viên đại học với cái cảm giác quen thuộc trong giảng đường và thư viện.

Thời ấy chưa có máy vi tính. Phương tiện để nghiên cứu và học tập hầu hết phải dựa vào sách, báo, tạp chí... nói chung là các ấn phẩm in. Những loại tài liệu như vậy hầu hết đều nằm trong các thư viện.

Những năm tháng đại học của tôi tại Sài Gòn gắn liền với khá nhiều thư viện trong thành phố này, nhưng có lẽ nhiều thời gian nhất là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM (trước 1975 có tên là Thư viện Quốc gia) và Thư viện Đại học Vạn Hạnh.


Thư viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn 

Thời đó tôi không thể hình dung ra được nếu không có các thư viện như thế này thì chẳng biết các sự học hành của tôi sẽ ra làm sao nữa. Nói vậy để thấy thư viện thật là quan trọng với tôi trong thời gian đại học. Tiêu rất nhiều thời gian trong thư viện để khám phá những điều thật mới mẻ đối với bản thân mình nhưng thật ra những điều đó chính là tri thức của nhân loại, là các giá trị tinh hoa đã được thẩm định và kể cả những giá trị còn đang tranh cãi... Tôi cũng bắt đầu học được từ những giá trị còn đang tranh cãi trong các thư viện này. Đáng nói là những điều đó lại được tôi mau chóng đưa vào các bài luận văn nhằm phản bác hoặc làm khác đi nhiều ý kiến, nhận định của một số giảng viên đang giảng dạy trên lớp của tôi.

Rất ít giáo sự chấp nhận sự phản biện, mặc dù hầu hết họ không muốn tranh luận tuy nhiên phần lớn trong số họ chấm cho tôi cái điểm vô thưởng vô phạt vào khoảng 6-7 /10 cho xong chuyện. Chỉ có hai giáo sư tỏ vẻ khoái chí trước các ý kiến khác biệt của tôi trong suốt thời gian học đại học và họ là những người thường cho tôi điểm 10/10 (trong khi những vị giáo sư này nổi tiếng là rất khắc khe trong việc cho điểm).

Và những điều mà tôi học được nhiều nhất trong thời đại học chính là những thời gian tự nghiên cứu,  phản biện và nhận được sự chia sẻ, đồng cảm với một ít vị giáo sư có tầm nhìn khoa học và có tư duy chấp nhận sự khác biệt, trên cơ sở tôn trọng các logich khoa học của vấn đề. Hoàn toàn không quan tâm người trình bày là ai, cấp trên hay cấp dưới, là giáo sư hay sinh viên, là lớn tuổi hay nhỏ tuổi hơn mình hay từ bất kỳ mối quan hệ ngoài học thuật nào khác.


Tư duy phản biện hình như đã thấm vào máu của tôi như vậy và có sự hỗ trợ đáng kể của hai thư viện mà tôi vừa nhắc tới ở trên cùng các vị giáo sư đáng kính mà tôi luôn ngưỡng mộ cho đến hết cuộc đời mình. Đáng tiếc, những vị giáo sư như vậy ngày nay còn quá ít ỏi.

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Tham lam, Vô cảm và Hèn nhát?

GS Nguyễn Lân Dũng: Rất nhiều người Việt ham tiền, vô cảm, hèn nhát


Chúng ta từng có khẩu hiệu "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Nay một bộ phận không nhỏ Đảng viên suy thoái, biến chất thì tránh sao khỏi sự suy thoái, biến chất của quần chúng? Người ta coi chuyện chạy chọt bằng phong bì là chuyện bình thường và thường được gọi là văn hóa phong bì. Từ vị trí  chủ nhân ông của đất nước người dân mặc nhiên hạ thấp vị trí của mình xuống, việc gì cũng phải xin xỏ, cầu cạnh, không dám công khai tố cáo các hành động sai trái của những người có chức có quyền (một phần do pháp luật quy định người đưa hối lộ cũng có tội). Tự nhiên biến mình thành hèn hạ, chịu khuất phục, làm ngơ trước mọi sai trái, mọi diễn biến xấu trong xã hội.

(GDVN) - GS.NGND Nguyễn Lân Dũng chỉ ra 5 tính xấu của không ít người Việt Nam đó là: Ham tiền, hiếu danh, coi thường danh dự, vô cảm và hèn nhát, coi nhẹ ý nghĩa "đồng bào".

Lời tòa soạn: PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng: Người Việt hiện đại xấu nhất là thói hám danh, chuộng lạ, sính ngoại, sính hình thức,... còn với GS Nguyễn Lân Dũng thì: "Tự nhiên biến mình thành hèn hạ, chịu khuất phục, làm ngơ trước mọi sai trái, mọi diễn biến xấu trong xã hội (cái gọi là chủ nghĩa mackeno) - Tôi cho đó là cái xấu nhất đang kìm hãm sự phát triển của xã hội ta, cản trở việc phát huy các thành tựu của sự nghiệp Đổi mới do Đảng ta khởi xướng. 
Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với GS.Nguyễn Lân Dũng xung quanh vấn đề này.
Tự biến mình thành hèn hạ
-  Là một Giáo sư - Tiến sỹ, Nhà giáo Nhân dân rất gần gũi với người Việt Nam, theo ông, người Việt có  tính xấu nào cần phải thay đổi trong thế giới hiện đại?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Không có tính xấu nào là của mọi người Việt, nhưng có thể có những tính xấu của một bộ phận không nhỏ người Việt. Trong thế giới hiện đại mọi người đều tiếp nhận được không ít những nét đẹp văn hóa do cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đem lại. Chẳng hạn như thói quen thường xuyên theo dõi tin tức trong và ngoài nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là truyền thanh, truyền hình. Với giới trẻ là thông qua internet, điện thoại trực tuyến...
Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường bên cạnh các ưu việt rõ rệt so với nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây, nhưng do tính tự phát vốn có, kinh tế thị trường có thể mang lại không chỉ có tiến bộ mà còn cả suy thoái, khủng hoảng và xung đột xã hội. Cái chính là việc chạy theo đồng tiền bằng mọi giá.
"Tham lam còn dẫn đến mất uy tín quốc tế..." - GS. Nguyễn Lân Dũng nói về tính xấu của người Việt. 
  
Trước đây trong các cuộc kháng chiến, mọi người sống giản dị, thân thiện với nhau, khoảng cách giàu nghèo thu hẹp, cán bộ gần gũi với dân và tôn trọng dân. Ngày này, bộ phận nhẽ ra phải là ưu tú nhất trong xã hội là cán bộ, đảng viên nhưng như nhận xét của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4 thì: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.
Chúng ta từng có khẩu hiệu "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Nay một bộ phận không nhỏ Đảng viên suy thoái, biến chất thì tránh sao khỏi sự suy thoái, biến chất của quần chúng? Người ta coi chuyện chạy chọt bằng phong bì là chuyện bình thường và thường được gọi là văn hóa phong bì. Từ vị trí  chủ nhân ông của đất nước người dân mặc nhiên hạ thấp vị trí của mình xuống, việc gì cũng phải xin xỏ, cầu cạnh, không dám công khai tố cáo các hành động sai trái của những người có chức có quyền (một phần do pháp luật quy định người đưa hối lộ cũng có tội). Tự nhiên biến mình thành hèn hạ, chịu khuất phục, làm ngơ trước mọi sai trái, mọi diễn biến xấu trong xã hội.
Tôi cho đó là cái xấu nhất đang kìm hãm sự phát triển của xã hội ta, cản trở việc phát huy các thành tựu của sự nghiệp Đổi mới do Đảng ta khởi xướng.
- GS Văn hóa nổi tiếng Trần Lâm Biền đã từng ví: Lòng tham như một chất ma túy, phá hoại nhân cách con người và có sức cám dỗ ghê ghớm. Theo ông, lòng tham khiến người Việt xấu xí và suy yếu thế nào trong quan hệ cộng đồng và thế giới?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Lòng tham đẩy lùi nhân cách sống giản dị, vị tha, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách... những đức tính quý giá vốn là truyền thống của nhân dân ta. Lòng tham khiến mất đi sự quý trọng vốn có của nhân dân với  những người cán bộ,  nhẽ ra phải là công bộc của dân như lời dạy của Bác Hồ.
Lòng tham khiến mất đi sự chung thủy của không ít vợ chồng, kể cả những cặp vợ chồng trẻ biểu hiện qua tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng. Lòng tham khiến láng quê vốn yên lành nay trở nên náo loạn vì chuyện tịch thu bờ xôi ruộng mật một cách bừa bãi, thiếu cơ sở khoa học và pháp lý, còn vì cắt tóc thư giãn, karaoke, nhà nghỉ, game online... đã len lỏi tới tận các vùng quê.
Lòng tham khiến bố mẹ nhắm mắt chạy theo đồng tiền để các quý tử tự do phá phách, bỏ học, trở thành những anh hùng xa lộ hoặc những tên Đông Gioăng (Don Juan) chuyên hại đời các cô gái mới lớn...
Đạo lý đang bị thách thức, đơn từ khiếu nại, tố cáo xếp đầy các tủ hồ sơ mà không kịp giải quyết thỏa đáng. Hãy để mắt đến các trang mạng xã hội, trong đó có không ít những tiếng nói trung thực, thẳng thắn, chứ đâu phải toàn là những điều bị chụp mũ là "diễn biến hòa bình" hay bị lôi kéo bởi các thế lực thù địch.
Gần đây vang lên bài thơ thật buồn của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị phụ tách văn hóa- tư tưởng của Đảng ta:
"Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
Chung quanh yên ắng cả
Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
Người giàu, người nghèo đều ngủ
Cả bầy ve vừa lột xác
Sao mình thức?
Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành?
Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm
Sớm mai còn giữ được màu đỏ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
Mong gặp một con cá hanh khác?
Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi
Ấm áp ly cà phê sớm
Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời
Hớn hở tập thể dục
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt, tin yêu mọi người
Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi?
Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
Đời đời an ủi
Cho người đã khuất và người sống hôm nay …"
Ai có thể suy diễn nhà thơ - chiến sĩ này đang bị suy thoái chính trị, suy thoái đạo đức?
"Vĩ cuồng vì chút địa vị của mình thật là vô kể"
- Thói tham danh, bệnh sùng bái danh hiệu, chức vụ... trong giới trí thức đã được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc xem như một quốc nạn. Còn Giáo sư Cao Xuân Hạo trong một bài viết ở cuốn Tâm lý người Việt nhìn từ nhiều góc độ gọi là bệnh vĩ cuồng (me’ganomanie). Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn bảo đó là căn bệnh nan y khó chữa. Theo ông, thói háo danh của người Việt hiện nay đã ở mức báo động ra sao?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Danh lợi có nghĩa là cái danh hiện nay đi liền với cái lợi. Hầu như ai có chút quyền hành gì đều cố hết sức tận dụng cái uy quyền ấy để làm giàu một cách bất chính. Vì vậy dân gian mới có câu "Nhà mặt phố, bố làm quan". Cũng còn có những ông quan thanh liêm, nhưng số đó quả không nhiều.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, chuyện mãi lộ của Cảnh sát giao thông ai cũng biết nhưng có lẽ không có cách gì khắc phục nổi.
Vĩ cuồng vì chút địa vị của mình thật là vô kể. Chuyện mãi lộ của Cảnh sát giao thông ai cũng biết mà có lẽ không có cách gì khắc phục nổi. Một lái xe taxi nói với tôi đưa bệnh nhân đến cổng bệnh viện, vì không được đỗ (?) nên đã cẩn thận hỏi anh CSGT là phải đỗ chỗ nào? Anh ấy trả lời là lên quá chỗ cầu vượt kia. Làm đúng như vậy thì lại đã có anh CSGT khác xông ra đòi phạt với số tiền cao ngất ngưởng. Đành phải đưa một nửa số tiền ấy mà không lấy biên bản (!).

Chuyện này tôi đã nói ở Diễn đàn Quốc hội nhiều lần mà hầu như chả có chuyển biến gì. Sao ta không học hỏi cảnh sát nước ngoài - Xe đỗ sai quy định họ gài giấy phạt lên cái gạt nước mưa, lái xe cứ việc nhanh chóng chuyển tiền qua ngân hàng, càng chậm số tiền phạt càng tăng. Đấy chỉ là một ví dụ trong muôn vàn ví dụ.
Một nữ doanh nhân rất thành đạt đã trả lời khi tôi hỏi sao không thấy xuất hiện trên TV trong các lần được lãnh đạo đeo cho vòng hoa và cổ: "Chú tưởng ngon lành thế à? Nộp nhiều tiền lắm đấy chú ạ!". Thật ngoài trí tưởng tượng của tôi!
Tham lam còn dẫn đến mất uy tín quốc tế. Nào là tôm bị trả lại vì có đinh đóng vào đầu tôm cho tăng cân (!), nào cà phê thì hái lẫn lộn cả quả xanh (vì nếu để chín hết sẽ mất trộm!), nào giầy vải lẫn cả loại vải có lẫn formalin (do nhập ẩu nguyên liệu rẻ), nào phạt gây ô nhiễm chỉ nắm "anh có tóc" trong khi hàng chục cơ sở cùng gây ô nhiễm tại cùng chỗ đó...
Ai cũng có thể kể ra hàng trăm ví dụ về việc lạm dụng chức quyền để gây tác hại cho xã hội. Học hàm, học vị là chuyện nghiêm túc với các quy định hết sức chặt chẽ. Vậy mà vẫn có những người có bằng Tiến sĩ nước ngoài trong khi tiếng Anh chỉ đủ ở mức biết vài câu chào hỏi (!). May mà báo chí chưa sờ đến hay không dám sờ đến đấy. Học hàm Giáo sư, Phó giáo sư trên toàn thế giới là chuyện chỉ dành riêng cho các trường Đại học và thường chỉ cần do Hiệu trưởng Đại học quyết định. Hơn nữa cần ghi rõ là Giáo sư của trường nào? Làm gì có chuyện dành cho vô số vụ trưởng, thứ trưởng, sĩ quan quân đội, công an... như ở nước ta?
Chuyện xưng danh Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học New York cũng thực nực cười. Chữ Academy còn có nghĩa là Học viện, Trường phái, Hội đoàn... Member chỉ có nghĩa là Thành viên, còn Academician mới là Viện sĩ!
Chuyện háo danh còn ở mức Nhà nước. Quốc hội đã từng thảo luận về việc đã nên thành lập Viện Hàn lâm chưa, ý kiến chung là "chưa". Vậy mà bỗng nhiên xuất hiện hai Viện hàn lâm trong khi không có Viện sĩ nào (?). Ai tham mưu làm chuyện này, phải chăng xuất phát từ việc có ba Viện từ lâu đã tự tiện đặt tên nước ngoài là Academy (?). Có lẽ ai cũng nên tìm xem trên YouTube sự hùng biện tài hoa và khá có lý trong trên 1 giờ liền của một học sinh lớp 12 với nhan đề "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng".
Tôi cảm thấy nó có tính thuyết phục hơn nhiều tham luận của không ít học giả về những tồn tại kéo dài của nền giáo dục nước nhà. Nên chăng cần viết lại bài độc diễn này dưới dạng văn bản để nhiều người, nhất là những người chịu trách nhiệm, có điều kiện tham khảo. Trong các tồn tại được cậu học sinh này thẳng thắn nêu lên thì chính là bệnh thành tích và một chương trình học tập vừa nặng, vừa thấp (!) so với thế giới, hơn nữa khá xa lạ với nhu cầu của đời sống (!).
Coi nặng tiền tài hơn giáo dục
- Trong cuộc sống, nếu phải kể tên ra 5 tính xấu đáng sợ nhất của người Việt thì ông "dị ứng" nhất với những loại tham nào? Muốn thay đổi nó, người Việt phải làm gì?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ không nên nói của người Việt Nam mà nên nói của không ít người Việt Nam: Nếu cần chọn ra 5 điều thì tôi chọn là:
- Ham tiền
- Hiếu danh
- Coi thường danh dự
- Vô cảm và hèn nhát
- Coi nhẹ ý nghĩa "đồng bào"
- Theo ông, căn nguyên của những tính xấu mà ông kể trên là gì?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Thứ nhất, tôi cho là do chưa hiểu đúng mặt tích cực của kinh tế thị trường, nhưng lại chịu những ảnh hưởng xấu của kinh tế thị trường. Thứ hai là tính thiếu dân chủ trong đời sống xã hội, nhất là trên phương tiện truyền thông, khiến cái xấu không được chỉ đích danh, kể cả trong lĩnh vực khoa học như anh Dương Trung Quốc đã phải thốt lên là: một kiểu Lịch sử học vô nhân xưng.
Chính vì vậy mà không ít người đọc đã quay lưng lại với báo viết mà quay sang báo mạng (bên cạnh nhiều trang tốt còn có cả những trang xấu của một số ít người có ác ý).
Thứ ba là do thiếu duy trì truyền thống gia giáo, coi nặng tiền tài hơn giáo dục, chăm sóc con cái.
Thứ tư là sự thiếu gương mẫu của các quan phụ mẫu các cấp, những người coi chức vụ là cần câu cơm (đúng hơn là cần câu vàng bạc, ngoại tệ).
Và thứ năm là tình trạng thiếu tin tưởng và ít trọng dụng người tài, không có lý do gì mọi chức vụ từ cấp thôn xóm trở lên đều phải là đảng viên (trong khi tỷ lệ đảng viên chỉ là 3 triệu trong 90 triệu dân số).
- Nhà văn Vương Trí Nhàn đã từng viết rất nhiều sách về tính xấu của người Việt, và trao đổi với báo GDVN, vị này cũng nói: Người Việt chẳng có tính tốt nào. Với GS.Nguyễn Lân Dũng thì sao? Người Việt có thể tự hào về điều gì?
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ chẳng có ai muốn "vơ đũa cả nắm" như vậy! Chúng ta cần tự hào về những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Nếu không có những truyền thống tốt đẹp ấy thì làm sao giữ vững được nền độc lập quốc gia, làm sao có được những tiến bộ trông thấy trong đời sống kinh tế-xã hội, làm sao có được những bước bứt phá về Tổng thu nhập quốc nội (GDP) mà quốc tế cũng phải thừa nhận, làm sao có vị trí ngày càng được tôn trọng trên thế giới....
Hãy tiếp xúc với các cựu chiến binh, với lớp người cao tuổi, với đa số bà con ở nông thôn, ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa... Ta sẽ gặp biết bao những tấm gương tuy còn nghèo khổ nhưng vẫn nêu cao sự trong sáng về đạo đức, về lòng nhân ái và sự hy sinh  hết mình dành cho việc học hành của con cái cũng như cho sự đóng góp theo quy định của Nhà nước (kể cả những quy định tuy tôi đã chất vấn nhiều lần tại Quốc hội mà đến nay nay tôi và rất nhiều người vẫn chưa thông được - chẳng hạn như chuyện phải bắt buộc trích đóng góp từ quỹ lương cho Công đoàn , chứ không phải cho Hội Nông dân, trong khi chưa chắc nơi nào cần hơn?).
Bản thân người Việt chúng ta có sẵn một truyền thống đạo đức tốt đẹp. Chỉ cần khắc phục những bất cập trong quản lý Nhà nước, trước hết hãy thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI, để loại hết mọi con sâu, dù là một đàn sâu như lời Chủ tịch Nước, thì xã hội sẽ sớm ổn định , điều tốt đẹp sẽ nầy nở và các tính xấu chắc chắn sẽ bị đẩy lùi. Tôi vững tin là như vậy.
Hà Nhi (Thực hiện)

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chưa được đánh giá đầy đủ về tác động môi trường!

Sáng 13-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang đã trả lời phỏng vấn của báo chí về công trình thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết:
Đối với hai dự án Đồng Nai 6 và 6A, hiện có hai vấn đề chính. Trong đó, Bộ TN-MT chịu trách nhiệm thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vấn đề thứ hai có liên quan đến Nghị quyết 49 của Quốc hội, theo đó đối với những dự án sử dụng diện tích rừng trên 50ha thuộc rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì phải xin chủ trương của Quốc hội.

* Phóng viên:
 Việc thẩm định báo cáo tác động môi trường của các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cho kết quả như thế nào, thưa bộ trưởng? 

* Bộ trưởng NGUYỄN MINH QUANG:
 Bộ TN-MT nhận thấy, bên cạnh những mặt tích cực của dự án thì một số vấn đề môi trường có liên quan của dự án vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, thỏa đáng trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường. 

Cụ thể: Thứ nhất, hai dự án sẽ làm mất vĩnh viễn 372,23ha đất rừng, trong đó có 128,37ha đất ở khu Cát Lộc thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Mặc dù trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã cam kết trồng rừng bồi hoàn diện tích rừng bị tổn thất song lại chưa nêu được vị trí cụ thể và trồng loại cây gì. 

Thứ hai, trên đoạn sông dự kiến xây dựng các công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có cá chình hoa là loài quý hiếm có nguy cơ bị hủy diệt nhưng trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa đề ra được biện pháp bảo vệ, bảo tồn. 

Thứ ba, hệ sinh thái thủy sinh dọc đoạn sông Đồng Nai từ đập đến hồ Trị An sẽ bị tác động mạnh bởi việc xây dựng các công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, tuy nhiên nếu không thực hiện các dự án này thì cũng sẽ chịu tác động bởi công trình thủy điện Đồng Nai 5. 

Thứ tư, các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia Cát Tiên nên sẽ có những tác động bất lợi đến khu vực này, mức độ tác động sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các biện pháp quản lý thi công xây dựng của các dự án. 

Thứ năm, việc thực hiện các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ tác động đến sinh kế của người dân sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá vùng hạ du, đặc biệt là các dân tộc ít người như: Châu-ro, Mạ, Xtiêng, Mnông… Với những tác động được đánh giá nêu trên, Bộ TN-MT đã có văn bản trả lại hồ sơ để Công ty CP Đức Long Gia Lai chỉnh sửa, bổ sung; cho đến nay chưa nhận lại được bản báo cáo đã được chỉnh sửa, bổ sung của công ty. 

Bộ TN-MT cũng đã báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về công tác thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A; đồng thời có văn bản gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có ý kiến đối với các kiến nghị của HĐND tỉnh Đồng Nai về các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A; trong đó đã nêu rõ cơ sở pháp lý, các vấn đề môi trường đặt ra cũng như những tồn tại trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai dự án thủy điện nêu trên. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng hai dự án này nằm trong quy hoạch của ngành điện; chủ đầu tư cũng có thời gian chuẩn bị tương đối dài. Công sức của nhà đầu tư cũng cần được trân trọng, cần có cách xử lý được hòa lợi ích của nhà nước, của nhân dân và của nhà đầu tư. 

* Trong trường hợp dự án không đáp ứng yêu cầu thì sao, thưa bộ trưởng?
* Nếu chủ đầu tư báo cáo bổ sung những vấn đề như đã nêu theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định, bộ sẽ tiếp tục đánh giá, bây giờ thì chưa đủ cơ sở kết luận. Nếu không đáp ứng được các tiêu chí thì buộc phải dừng lại.
ANH THƯ ghi

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Đức Long Gia Lai cãi chày cãi cối với báo cáo sai lệch

Chủ đầu tư dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A báo cáo sai lệch thực tếThứ tư, 05/06/2013, 06:36 (GMT+7)
2 dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên sông Đồng Nai đã âm ỉ từ lâu bởi tính hiệu quả và tác động môi trường khôn lường. Để làm rõ số liệu về sự tác động nhiều mặt khi triển khai 2 dự án này - mà Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, đơn vị xin lập dự án đầu tư báo cáo, PV Báo SGGP đã đi thực tế khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 tại xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng).
Bảng xác định vùng lõi VQG Cát Tiên.
Báo cáo một đường, thực tế một nẻo
Mặc dù đến lần thứ 3 Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Công ty Đức Long) lập báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi Bộ TN-MT thẩm định, phê duyệt nhưng vẫn có những sai biệt không thể chấp nhận được. Cụ thể, báo cáo nêu: “Vị trí hai bậc thang thủy điện Đồng Nai 6, 6A nằm ở rìa phía Bắc khu Cát Lộc của Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên. Toàn bộ nhà máy, đường giao thông, đường dây đấu nối, khu phụ trợ phục vụ thi công đều nằm ngoài phạm vi VQG Cát Tiên, thuộc vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyền Đồng Nai…”. Trên thực tế lại hoàn toàn khác.
Từ thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) men theo những triền dốc trơn trượt, rồi băng qua những vạt rẫy, chúng tôi đến một cánh rừng tiếp giáp với vùng lõi của VQG Cát Tiên. Xe địa hình (xe gắn máy bọc xích 2 bánh) không thể đi tiếp vì đường dốc đứng, lầy lội, nhiều cây rừng rậm rạp chắn lối. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Sa, VQG Cát Tiên Nguyễn Trọng Hiếu quyết định: “Bỏ xe lại, cắt rừng”. Theo anh Hiếu, để đến được vị trí dự kiến xây dựng đập và nhà máy của thủy điện Đồng Nai 6 phải mất 1 giờ băng rừng, trượt dốc.
Rừng âm u, ướt sũng, dốc thẳng đứng phủ lá cây rừng không phân biệt được đâu là lối mòn, đâu là hố sâu trước mặt. Dò từng bước chân, nắm chặt nhánh cây rừng, chúng tôi bám theo con dốc thẳng đứng 2 bên là những thân cây cổ thụ 2 - 3 người ôm. Vừa đến khúc quanh thứ 3, chúng tôi bắt gặp tấm bảng màu xanh ghi dòng chữ: “VQG Cát Tiên, cấm xâm nhập vào rừng trái phép…”. Trưởng trạm Nguyễn Trọng Hiếu nói: “Từ vị trí này là vùng lõi của VQG Cát Tiên, thuộc tiểu khu 506. Theo quy định, không ai được phép vào đây, ngoài lực lượng kiểm lâm. Thế nhưng, thời gian qua các đoàn khảo sát do Công ty Đức Long tổ chức nhiều lần thâm nhập vào đều không xin phép”. Đi thêm một đoạn dốc đứng nữa, chúng tôi gặp một đường mòn thoai thoải dẫn xuống bờ sông. Khung cảnh thật hùng vĩ, những tán rừng che khuất tầm nhìn, chỉ thấy lờ mờ dòng nước đục ngầu của sông Đồng Nai hiện ra phía trước. “Đây chính là vị trí dự kiến xây đập và nhà máy” - anh Hiếu khẳng định.
Như vậy, vị trí xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 nằm trong khu rừng nguyên sinh thuộc vùng lõi của VQG Cát Tiên với hệ sinh thái rừng đa tầng, trái ngược với báo cáo của Công ty Đức Long khi cho rằng: “Diện tích rừng phạm vi dự án đã được các Sở NN-PTNT thông tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước phúc tra, thẩm định. Trong số 372,23ha diện tích sử dụng của các dự án này, hiện trạng 4,32ha (1,16%) là rừng giàu, còn lại trên 98% (một báo cáo khác nói 95% - PV) là rừng nghèo, lồ ô, hỗn giao và đất trống, bãi đá…”. Báo cáo còn khẳng định: “UBND tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Phước đã chấp thuận cho Công ty Đức Long xây dựng các nhà máy thủy điện Đồng Nai 6, 6A, cho phép chuyển đổi các phần diện tích sử dụng đất tương ứng từ đất lâm nghiệp sang xây dựng các công trình thủy điện…”.
Một chi tiết khác trong báo cáo đánh giá tác động môi trường ghi: “Có hơn 2.000 người dân sống trong vùng lõi, phần lớn là đồng bào dân tộc Châu Mạ, S’tiêng…”. Thực tế, không người dân nào sống trong vùng lõi nơi dự kiến xây dựng 2 nhà máy vì địa hình rừng núi hiểm trở không có đường đi. Theo báo cáo của UBND xã Đồng Nai Thượng, thôn Bù Gia Rá chỉ có hơn 40 nóc nhà với gần 60 hộ dân. Thôn nằm ngoài vùng đệm và cách xa vùng lõi dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6.
Ảnh hưởng đến đa dạng sinh học
khẳng định của Công ty Đức Long từ kết quả khảo sát của đơn vị lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, viết: “Kết quả cho thấy hệ động thực vật khu vực dự án là các loài phổ biến, có vùng phân bổ rộng, dễ thấy ở nhiều nơi, chúng thường phân bổ ở các sinh cảnh có phổ biến ở VQG Cát Tiên. Tác động của dự án chỉ làm giảm số lượng cá thể động thực vật, nhưng không làm mất đi hoàn toàn gen, không làm giảm sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên hay suy giảm tính đa dạng sinh học…”. Báo cáo còn khẳng định, 2 dự án thủy điện không ảnh hưởng đến Bàu Sấu vì khu vực này nằm ngoài vùng tác động hơn 50km…
Trong khi đó, 13 báo cáo tham luận và 12 ý kiến của các nhà khoa học tại 3 hội thảo nói về tác động môi trường của thủy điện Đồng Nai 6, 6A đều nói đến 6 tác động tiêu cực, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và đời sống của hơn 10 triệu dân phía hạ du, trong đó có TPHCM. Các nhà khoa học khẳng định cái mất lớn nhất là môi trường sinh thái và tính đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên mất đi sẽ không thể phục hồi được. Chưa kể, 2 dự án thủy điện này còn tác động đến chế độ thủy văn và chất lượng nước sông Đồng Nai; gây ngập úng vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô cho hạ du và ảnh hưởng đến đặc trưng văn hóa của cộng đồng dân cư bản địa vùng hạ lưu…
HOÀI NAM


Về dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thành Trí: Cần cơ quan độc lập đánh giá lại tác động môi trườngThứ năm, 06/06/2013, 06:30 (GMT+7)
Từ thông tin trong bài viết “Chủ đầu tư dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A - Báo cáo sai lệch thực tế” đăng tải trên Báo SGGP số ra ngày 5-6, chúng tôi đã nhận được ý kiến đồng tình của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về những điều còn khuất tất, chưa rõ ràng trong quá trình triển khai 2 dự án thủy điện này. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Thành Trí (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, kiêm Trưởng ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển tỉnh, cho biết:

Ngày 9-5, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển tỉnh Đồng Nai có Công văn số 41/BC-BQLKDTSQDN gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Quốc hội và các bộ ngành liên quan, nêu các tác động tiêu cực của dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Sau đó, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Công ty Đức Long - PV) có Công văn 204/ĐLGL-TĐ ngày 25-5-2013 gửi UBND tỉnh Đồng Nai phúc đáp các ý kiến về dự án này. Nội dung văn bản này đưa ra nhiều số liệu không đúng với thực tế và có nhiều vấn đề chưa được làm rõ.

* PV:
 Cụ thể là gì, thưa ông?

* Ông NGUYỄN THÀNH TRÍ: 
Đúng như nội dung Báo SGGP đã nêu, Công ty Đức Long vẫn khẳng định dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A đều nằm ngoài phạm vi Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên. Điều này không đúng. Trên sơ đồ vị trí thủy điện Đồng Nai 6, 6A thể hiện đều nằm trong vùng lõi của VQG Cát Tiên. Trong đó, Thủy điện Đồng Nai 6 thuộc tiểu khu 506, còn thủy điện Đồng Nai 6A thuộc tiểu khu 497, do VQG Cát Tiên quản lý. Theo Luật Di sản văn hóa, vùng lõi là khu vực bảo vệ 1 được nhiều văn bản pháp luật quy định là khu bất khả xâm phạm. 137ha của 2 dự án này dự kiến xây dựng đều nằm trong vùng lõi - khu vực bảo vệ 1 của VQG Cát Tiên.

* Thế nhưng, trong nhiều văn bản, Công ty Đức Long khẳng định có đầy đủ tính pháp lý của 2 dự án này?
* Trước tiên, chúng tôi xin khẳng định Công ty Đức Long không phải là chủ đầu tư 2 dự án này, vì tới thời điểm hiện nay chưa có cơ quan thẩm quyền nào phê duyệt đầu tư 2 dự án này. Công ty Đức Long căn cứ theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 (Quy hoạch Điện VII) để thuê đơn vị chức năng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Qua nhiều lần chỉnh sửa, làm đi làm lại nhiều lần, đến nay bản báo cáo này còn nhiều sai sót, chưa được Bộ TN-MT phê duyệt trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Mặt khác tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Bộ Công thương, Thủ tướng loại 2 dự án này ra khỏi Quy hoạch Điện VII.

* Như vậy, Công ty Đức Long chưa có pháp lý đối với 2 dự án này?* Đúng vậy. 2 dự án này đã được phê duyệt đâu mà Công ty Đức Long cứ nói mình là chủ đầu tư. Ngay cả việc Công ty Đức Long nhiều lần tổ chức các đoàn khảo sát đưa các đơn vị lập báo cáo đánh giá tác động môi trường vào vị trí dự kiến xây dựng 2 nhà máy thuộc quyền quản lý của VQG Cát Tiên khi chưa được phép, theo quy định là đã xâm nhập trái phép vào vườn. Chưa kể, các đoàn khảo sát này mỗi lần vào vườn đã mở đường, chặt cây, lấy mẫu là đã có hành vi xâm hại di tích.
Vị trí đánh dấu sao trong bản đồ thuộc vùng lõi VQG Cát Tiên được dự kiến xây dựng Nhà máy thủy điện Đồng Nai 6, 6A.
* Ông có nhận xét gì về tính chính xác của số liệu đánh giá tác động môi trường mà Công ty Đức Long đưa ra?* Quá trình triển khai 2 dự án này có quá nhiều nội dung chưa được làm rõ, thiếu tính minh bạch từ khâu lập dự án đầu tư, chuẩn bị hồ sơ pháp lý, đến công khai, làm rõ những vấn đề vướng mắc mà dư luận đặt ra. Ngay như diện tích rừng bị mất để xây dựng 2 công trình này, Công ty Đức Long nói chỉ có 372ha là chưa chính xác, chưa xét đến diện tích rừng và đất rừng để làm đường thi công, đường vận hành nhà máy; thiết lập hiện trường thi công gồm các công trình phụ trợ, nhà làm việc, nhà ở của chủ đầu tư, tổng thầu, các đơn vị thi công, kho, bãi tập kết hàng triệu mét khối cát, đá, vật liệu xây dựng… Một vấn đề khác nữa, 2 công trình này đều có thiết kế nhà máy phát điện nằm ngay dưới chân đập, phía hạ du, hệ thống truyền tải điện từ nhà máy đến điểm đấu nối điện lưới quốc gia sẽ đi qua hàng chục kilômét băng qua những cánh rừng nguyên sinh của VQG Cát Tiên. Như vậy, diện tích rừng và đất rừng sẽ bị mất gấp nhiều lần so với số liệu mà Công ty Đức Long đưa ra.

* Tỉnh Đồng Nai có kiến nghị gì về 2 dự án này thưa ông?
* Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai được thể hiện rất rõ trong các văn bản của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh gửi Ban Bí thư, Quốc hội và Thủ tướng kiến nghị dừng triển khai dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Việc dừng triển khai 2 dự án trên phù hợp với Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục có văn bản kiến nghị một số nội dung cụ thể gồm: Xem xét lại tính pháp lý của 2 dự án; rà soát, đánh giá lại quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai một cách hợp lý; đánh giá tác động môi trường một cách chi tiết, cụ thể, khách quan thông qua một cơ quan tư vấn độc lập không phụ thuộc vào đơn vị lập dự án đầu tư; tham vấn một cách chính xác, đầy đủ cộng đồng vùng hạ du và nghiên cứu về động đất kích thích, không để lập lại bài học của Thủy điện Sông Tranh 2 và Thủy điện Đắc Krông 3.
HOÀI NAM (thực hiện)


Xem xét kỹ lợi ích Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6AThứ tư, 12/06/2013, 06:15 (GMT+7)
(SGGP). – Giám đốc Sở Công thương TPHCM vừa có báo cáo gửi Chủ tịch UBND TP về tổng hợp ý kiến của các sở ngành và các tổ chức, nhà khoa học về Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A trên sông Đồng Nai. Nhiều ý kiến cho rằng 2 hồ chứa của các nhà máy này chỉ có dung tích hơn 200 triệu m³ nên ít ảnh hưởng đến việc tham gia xả lũ, chống hạn, chống ngập mặn cho hạ lưu sông Đồng Nai. Về lợi ích kinh tế mang lại, cụm thủy điện này cung cấp cho hệ thống một lượng công suất 241 MVA và sản lượng điện hàng năm khoảng 929,16 triệu kW/h. Thế nhưng, những tác động tiêu cực của 2 dự án trên lại quá lớn.

Cụ thể, việc xây dựng quá nhiều công trình thủy điện (theo quy hoạch là 8 nhà máy) có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh thái khu vực sông Đồng Nai như nguồn nước bị ô nhiễm, làm suy giảm diện tích rừng do việc phá rừng đầu nguồn để tạo mặt bằng thi công công trình, cũng như quá trình tích nước, xả nước trong việc vận hành nhà máy điện là nguyên nhân gây ra lũ lớn trong mùa mưa bão và cạn kiệt nước trong mùa khô hạn cho vùng hạ du các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có TPHCM, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. 

Ngoài ra, theo các nhà khoa học, việc xây dựng 2 dự án này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái Vườn quốc gia Cát Tiên.

Do 2 dự án trên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nên cần thiết phải có những đánh giá thật chính xác, khoa học và khách quan những lợi ích và sự tác động không tốt đến môi trường. Sở Công thương TP kiến nghị UBND TPHCM giao cơ quan quản lý nhà nước về môi trường nghiên cứu tổ chức hội nghị hoặc hội thảo quốc tế và mời các nhà khoa học trong và ngoài nước đến nghe ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về mức độ tác động môi trường của 2 dự án trên; giao Liên hiệp Các hội KHKT TPHCM phối hợp với các nhà khoa học trên địa bàn tổ chức khảo nghiệm thực tế, thu thập số liệu, tham gia phản biện về 2 dự án này.
HOÀI NAM

Nguồn SGGP


Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: TP.HCM ủng hộ quan điểm Đồng Nai


TTO - Đại biểu Huỳnh Thành Đạt - phó GĐ thường trực ĐHQG TP.HCM - khẳng định ủng hộ ý kiến của Đảng bộ, chính quyền, các đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai là cần xem xét thật kỹ lợi ích và tác hại khi xây dựng thủy điện 6 và 6A.
Ông Đạt đã thay mặt tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4 (TP.HCM) trả lời ý kiến của cử tri về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tại cuộc tiếp xúc với cử tri quận 10 chiều 14-5.
Theo ông Đạt, suốt thời gian qua có nhiều ý kiến quan ngại về dự án nói trên sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của khu vực, đời sống người dân, đồng thời ảnh hưởng đến vùng hạ lưu, trong đó có TP.HCM.  
Liên quan đến dự án nói trên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, suốt thời gian qua các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai vẫn giữ quan điểm đề nghị không tiếp tục thực hiện dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Tỉnh Đồng Nai liên tục lên tiếng về dự án thủy điện này vì nó ảnh hưởng đến 3 triệu dân của tỉnh.
Đồng thời một số ý kiến quan ngại ngoài Đồng Nai, hàng chục triệu dân ở TP.HCM và các tỉnh hạ lưu sẽ bị mất rất nhiều. Quanh dự án này, một trong những câu hỏi luôn luôn được đặt ra: phát triển nhưng đánh đổi rừng, đánh đổi sự thay đổi dòng chảy của sông Đồng Nai thì hệ lụy sẽ ra sao?
Cùng tiếp xúc với cử tri quận 10 có đại biểu Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM; đại biểu Nguyễn Phước Lộc - vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân Ban Dân vận trung ương.
Trước đó sáng cùng ngày, tổ đại biểu đơn vị 4 đã tiếp xúc cử tri quận 5. Phát biểu tại đây, ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh nhiều bức xúc được nêu ra không phải vì bản thân của mỗi cử tri mà liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, uy tín của các cấp ủy và niềm tin của người dân, cán bộ, đảng viên… Theo ông Lê Thanh Hải, đây là những ý kiến xác đáng, có tinh thần trách nhiệm với cái chung, mang tính xây dựng, chỉ rõ bức xúc trước những mặt trái, tiêu cực trong nội bộ Đảng và xã hội.
Ông Hải cũng trả lời chất vấn của cử tri về tình trạng dân xin trả lại sổ đỏ do không đủ tiền để đóng tiền sử dụng đất khi làm thủ tục này; tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra, gây chết chóc nhiều quá, biện pháp nào để giảm bớt đau thương…
QUỐC THANH