Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

Lỗ hổng chính sách

Vụ Tổng công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) bị Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị truy thu 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt mới đây đã tạo ra nhiều dư luận trái chiều. Sabeco cho rằng họ đã làm đúng theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, còn KTNN thì khẳng định  kiến nghị truy thu thuế với Sabeco là không sai và đã được “lãnh đạo Bộ Tài chính thống nhất rất cao”. Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng để dẫn tới việc phát sinh nhiều ý kiến trái chiều trong vụ này có nguyên nhân từ “lỗ hổng chính sách”.

KTNN trong khi khẳng định Sabeco phải thực hiện đề nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời cũng thừa nhận  có  “lỗ hổng chính sách” và cho biết các cơ quan chức năng đang cố “bịt” những lỗ hổng này.  Điều đó cũng có nghĩa là, trước khi chờ đợi các cơ quan quản lý Nhà nước cùng ngồi lại thống nhất về luật và hướng dẫn luật, để “bịt” các lỗ hổng (do lỗi của họ), Sabeco vẫn phải nộp 408 tỷ đồng. Kết quả này khiến dư luận và giới chuyên gia không khỏi thắc mắc một khi doanh nghiệp làm ăn theo đúng các hướng dẫn của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính, khi kiểm toán vẫn bị đề nghị truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế như Sabeco, phải chăng doanh nghiệp đã làm sai?  Vấn đề ở đây là nguyên tắc tuân thủ pháp luật đã được coi trọng hay chưa? Nếu một cá nhân hay doanh nghiệp trước đó đã hoàn toàn tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật nhưng chỉ vì sau đó do “lỗ hổng pháp luật” mà họ bị cáo buộc đã làm sai thì xem ra nguyên tắc tuân thủ pháp luật đã bị bỏ qua.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng,  lâu nay pháp luật Việt Nam khi được ban hành thường kèm theo nhiều thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện nên sinh ra những “lỗ hổng”.  Điều này còn khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam tồn tại nhiều rủi ro, thiếu ổn định. Ông Cung lưu ý, trong nền kinh tế thị trường, một doanh nghiệp thành lập nhiều công ty con là chuyện bình thường nhằm tận dụng được tiềm năng lợi thế trên thị trường, đồng thời làm giảm rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc này cũng không loại trừ khả năng doanh nghiệp thực hiện theo cách này để “lách luật”, lợi dụng “khe hở” của chính sách. Những cụm từ như “lỗ hổng chính sách” hay “lỗ hổng pháp luật” được nhiều người có trách nhiệm phát ngôn chính thức và được sử dụng khá phổ biến trên các phương tiện truyền thông từ nhiều năm qua. Cùng với chúng là các khái niệm “lách luật”, “né luật” cũng trở thành quen thuộc trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong cộng đồng doanh nghiệp.

Nếu đã thừa nhận nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được làm những gì mà luật pháp không cấm, thì “lách luật” hay “né luật” chẳng qua chỉ  là hành động đi vào những vùng pháp luật chưa có quy định (không cấm hoặc chưa cấm) để có lợi cho mình. Hành động này về mặt pháp lý là không có gì sai và cần được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan dưới góc nhìn đa chiều. Trong đó có góc nhìn của chính người dân, doanh nghiệp, chứ không nên chỉ duy nhất từ  góc nhìn của các cơ quan pháp luật hoặc cơ quan quản lý nhà nước.

Trong một diễn biến khác,  cũng có không ít “lỗ hổng pháp luật” trong khu vực doanh nghiệp nhà nước  giúp họ thoát ra một cách dễ dàng sự ràng buộc về trách nhiệm và quyền hạn để mau chóng thực hiện các hành vi sai trái dẫn tới tham ô, tham nhũng phổ biến và nghiêm trọng. Hiện tượng Giang Kim Đạt, nguyên trưởng phòng kinh doanh của Vinashin, chỉ trong vòng 2 năm đã có cơ hội tham ô tài sản nhà nước lên tới 18,6 tỷ USD đang gây bức xúc dư luận. Vì sao một cán bộ chỉ mới ở cấp trưởng phòng lại có khả năng thực hiện hành vi tham ô nhanh chóng và gây thiệt hại lớn đến vậy chỉ trong một thời gian rất ngắn? Các “lỗ hổng” trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp nhà nước, giám sát tài sản công trong trường hợp Giang Kim Đạt có lẽ không còn là những “lỗ hổng” lẻ tẻ, manh mún. Người ta nhìn thấy ở hiện tượng này có sự thao túng tài sản quốc gia một cách dễ dàng và vượt ra ngoài vòng kiểm soát của các nhóm lợi ích.

Có ý kiến cho rằng, thật ra “lỗ hổng” lớn nhất hiện nay có nguồn gốc từ tư duy lập pháp và hành pháp còn quá nhiều khác biệt và bất cập. Một hệ thống pháp luật tại bất cứ đất nước nào, thời kỳ nào cũng đòi hỏi phải có tính cụ thể, rõ ràng, dễ thực thi, không ai được đứng trên pháp luật để suy diễn, vận dụng theo ý cá nhân hoặc nhóm lợi ích. Chẳng hạn như trong trường hợp gây nhiều tranh cãi của Sabeco, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, nếu kết luận doanh nghiệp  vi phạm luật thì cần nêu rõ vi phạm ở điều khoản nào, luật nào chứ không thể nói chung chung. 

Trong khi ở Việt Nam hiện đang có một thực tế mà luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, đã chỉ ra là: “Văn bản dưới luật đã bẻ luật, uốn luật, khác luật và rất dễ trái luật. Trên thực tế, Nghị định và Thông tư mới dẫn đến kết quả nộp thuế cao hay thấp, chứ không phải là luật. Đó mới là nguy cơ lớn của hệ thống pháp luật. Chúng ta cần phải thay đổi vấn đề này, Quốc hội đánh thuế, chứ không phải Chính phủ, càng không phải là Bộ Tài chính đánh thuế".  Như vậy, có một  “lỗ hổng” ngay trong quy trình xây dựng chính sách và quy trình ban hành văn bản pháp luật. Những “lỗ hổng” này còn tồn tại chắc chắn sẽ còn sản sinh ra không ít “lỗ hổng” khác.

Hữu Nguyên



Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Tác hại của sữa (?)

Tác giả: Robert M. Kradjian
Chủ nhiệm khoa phẫu thuật vú, Trung tâm y tế Seton, thành phố Daly, California, Mỹ

“Sữa”. Chỉ cần một từ ấy là đủ để bạn cảm thấy bình yên! “Một cốc sữa nóng nhé?” Lần cuối bạn nghe câu hỏi ấy là từ một người quan tâm đến bạn – và bạn biết ơn sự săn sóc của họ.

Mọi thứ về thực phẩm và đặc biệt là sữa mang ý nghĩa quan trọng về tình cảm và văn hóa. Sữa là thức ăn đầu tiên của chúng ta. Nếu chúng ta may mắn, đó sẽ là sữa mẹ. Một liên kết yêu thương, cho và nhận. Đấy là con đường duy nhất của sự sống. Nếu không phải là sữa mẹ thì là sữa bò, hay sữa “công thức” từ đậu tương - hiếm khi nó là sữa dê, lạc đà hay trâu.

Giờ đây, chúng ta là một quốc gia của những người uống sữa. Gần như tất cả chúng ta. Trẻ sơ sinh, trẻ em, thiếu niên, người lớn, thậm chí người già. Chúng ta uống hàng chục, thậm chí hàng trăm lít sữa một năm và thêm vào đó là nhiều ký các sản phẩm sữa như pho mát, bơ và sữa chua.

Liệu có gì không ổn không? Chúng ta thấy hình ảnh những người khỏe mạnh đẹp đẽ trên vô tuyến và nghe những thông điệp trấn an chúng ta rằng “Sữa là tốt cho cơ thể bạn.” Các nhà dinh dưỡng của chúng ta khẳng định: “Bạn phải uống sữa, không thì bạn lấy canxi ở đâu?” Bữa trưa ở trường lúc nào cũng có sữa và gần như tất cả các bữa ăn ở các bệnh viện đều có kèm sữa. Nếu thế còn chưa đủ, các nhà dinh dưỡng vẫn bảo chúng ta hàng năm trời nay rằng các sản phẩm sữa là một “nhóm thức ăn thiết yếu”. Phát ngôn viên từ các công ty đảm bảo rằng những biểu đồ đầy màu sắc mang những thông điệp về tầm quan trọng của sữa và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác được phân phát miễn phí đến các trường học. Sữa bò trở thành “bình thường”.

Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng phần lớn mọi người sống trên trái đất ngày nay không uống hay sử dụng sữa bò. Thêm vào đó, hầu hết trong số họ không uống được sữa vì nó khiến họ bị bệnh.

Có những người trong ngành dinh dưỡng không ủng hộ việc uống sữa ở người lớn. Đây là một trích dẫn từ số tháng 3/4 năm 1991 của tạp chí Utne Reader:

Nếu bạn thực sự muốn an toàn, bạn nên quyết định gia nhập con số ngày càng tăng của những người Mỹ đang loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm sữa khỏi thực đơn của họ. Mặc dù nó nghe có vẻ cực đoan đối với những người trong chúng ta từ bé đã nghe nói về sữa và năm nhóm thức ăn cơ bản, nó rất khả thi. Thật vậy, trong số tất cả động vật có vú, chỉ có con người, và cũng chỉ một thiểu số con người, chủ yếu là người da trắng, tiếp tục uống sữa sau giai đoạn sơ sinh.

Ai đúng? Tại sao lại rối tung lên như vậy? Câu trả lời ở đâu? Bạn có thể tin phát ngôn viên của ngành công nghiệp sữa được không? Bạn có thể tin phát ngôn viên của bất kỳ ngành công nghiệp nào được không? Các nhà dinh dưỡng học có được cập nhật không hay họ chỉ lặp lại những gì các giáo sư của họ biết từ nhiều năm trước? Những tiếng nói kêu gọi sự thận trọng thì sao?

Tôi tin rằng có ba nguồn thông tin đáng tin cậy. Nguồn thứ nhất, và có lẽ là tốt nhất, là từ nghiên cứu về thiên nhiên. Nguồn thứ hai là từ nghiên cứu về lịch sử của chính loài người. Và cuối cùng là các tài liệu khoa học trên thế giới về chủ đề sữa.

Hãy xem xét các tài liệu khoa học trước. Từ năm 1988 đến năm 1993 có hơn 2700 bài báo về sữa được lưu trữ trong các tạp chí y học. 1500 trong số đó có sữa là đề tài chính. Không thiếu gì thông tin khoa học về chủ đề này. Tôi đã xem xét kỹ hơn 500 trong số 1500 bài báo đó, loại bỏ những bài tập trung vào thú vật và những bài có kết luận không rõ ràng.

Tôi nên tóm tắt những bài báo ấy thế nào? Dùng từ “gây kinh hoàng” chỉ hơi phóng đại một chút xíu. Đầu tiên, không một tác giả nào nói sữa bò là một thực phẩm tuyệt vời, không có hiệu ứng phụ, một “thực phẩm hoàn hảo” như ngành công nghiệp sữa vẫn muốn chúng ta tin. Trọng tâm chính của các báo cáo ấy là các chứng đau đường ruột, kích thích đường ruột, chảy máu đường ruột, thiếu máu, phản ứng dị ứng ở trẻ sơ sinh và trẻ em và các bệnh nhiễm trùng đường ruột như salmonella. Đáng sợ hơn nữa là mối quan ngại về các bệnh nhiễm virus như virus gây bệnh bạch cầu ở bò và một loại virus giống AIDS ở bò hay các quan ngại về bệnh tiểu đường ở trẻ em. Sự nhiễm bẩn sữa từ các tế bào máu và máu trắng (mủ) cùng với một loạt hóa chất và thuốc trừ sâu cũng được thảo luận. Ở trẻ em là các vấn đề như dị ứng, viêm tai và viêm amiđan, đái dầm, hen, chảy máu đường ruột, đau bụng và tiểu đường ở trẻ em. Ở người lớn, các vấn đề có vẻ tập trung chủ yếu vào bệnh tim và viêm khớp, dị ứng, viêm xoang và những câu hỏi nghiêm trọng hơn về bệnh bạch cầu, bệnh u bạch huyết và ung thư.

Tôi nghĩ rằng câu trả lời còn có thể được tìm ra bằng cách xem xét những gì xảy ra trong tự nhiên, những gì xảy ra với các động vật có vú trong tự nhiên và những gì xảy ra với những nhóm người sống gần với thiên nhiên, những người săn bắt, hái lượm.

Các tổ tiên từ thời đồ đá cũ của chúng ta là một nhóm quan trọng và thú vị nữa để nghiên cứu. Ở đây chúng ta chỉ có thể dựa vào phỏng đoán và các bằng chứng gián tiếp, nhưng những bộ xương còn sót lại cho chúng ta nghiên cứu thật là đáng kính nể. Không còn chút nghi ngờ gì nữa. Những bộ xương ấy phản ánh sức khỏe tuyệt vời và sự vắng mặt hoàn toàn của chứng loãng xương giai đoạn cuối. Và nếu bạn cảm thấy những người này không quan trọng cho chúng ta nghiên cứu, hãy nhớ là bộ gen của chúng ta ngày nay đang lập trình cơ thể của chúng ta gần giống hệt như cách chúng lập trình cơ thể tổ tiên chúng ta 50.000 hay 100.000 năm về trước.

Sữa là gì?

Sữa là một chất tiết ra trong thời kì cho con bú, một chất dinh dưỡng ngắn hạn cho trẻ sơ sinh. Không hơn, không kém. Với bất kì loài động vật có vú nào, con mẹ cung cấp sữa trong một thời gian ngắn ngay sau khi sinh. Khi đến lúc “cai sữa”, con con được chuyển sang những thức ăn thích hợp với loài đó. Một ví dụ quen thuộc là con chó. Chó mẹ cho con bú khoảng vài tuần và sau đó đẩy chúng ra và thay vào đó dạy chúng ăn thức ăn đặc. Dĩ nhiên là những động vật sống trong tự nhiên không thể tiếp tục uống sữa sau thời kì cai sữa.

Có phải mọi sữa đều giống nhau không?

Rồi đến vấn đề chúng ta lấy sữa chúng ta vẫn uống từ đâu. Chúng ta dùng bò vì bản tính ngoan ngoãn, kích cỡ to lớn và nguồn sữa dồi dào của nó. Sự lựa chọn này có vẻ “bình thường”, được ủng hộ bởi thiên nhiên, nền văn hóa và thói quen của chúng ta. Nhưng nó có tự nhiên không? Uống sữa của một loài khác có phải là điều khôn ngoan không?

Thử tưởng tượng một chút, nếu có thể, uống sữa của một loài động vật có vú khác hơn là con bò, ví dụ như con chuột. Hay bạn có thể thích sữa của con chó hơn. Hay có thể sữa ngựa hay sữa mèo. Bạn hiểu ý tôi chứ? Tôi không bảo bạn uống thật mà chỉ muốn chỉ ra rằng sữa người là để cho trẻ sơ sinh, sữa chó để cho chó con, sữa bò để cho con bê, sữa mèo để cho mèo con và cứ thế. Rõ ràng đây là cách thiên nhiên định ra như vậy. Hãy sử dụng khả năng xét đoán của bạn ở đây một chút.

Sữa không phải chỉ là sữa. Sữa của mọi loài động vật có vú là riêng biệt và được tiết ra theo các yêu cầu của loài đó. Ví dụ, sữa bò giàu protein hơn sữa người rất nhiều. Giàu hơn ba đến bốn lần. Lượng muối khoáng trong đó cao hơn 5-7 lần. Tuy vậy, nó lại rất thiếu các axits béo thiết yếu so với sữa mẹ. Sữa mẹ có lượng axit béo thiết yếu cao hơn sáu đến mười lần, đặc biệt là axit linoleic. (Nhân tiện nói luôn, sữa bò phân lập không có chút axit linoleic nào). Sữa bò rõ ràng là không được thiết kế cho người.

Thức ăn không phải chỉ là thức ăn và sữa không phải chỉ là sữa. Không phải chỉ có số lượng thức ăn phù hợp mà còn cả thành phần thức ăn phù hợp mới đưa đến sức khỏe và sự phát triển tốt nhất. Các nhà sinh hóa học và sinh lý học – nhưng rất hiếm khi các bác sĩ – đang dần nhận ra rằng thức ăn là yếu tố rất quan trọng để mỗi loài phát triển những đặc tính riêng của chúng.

Rõ ràng đặc tính riêng của loài người là hệ thần kinh phát triển ở mức cao và khả năng điều khiển cơ bắp tinh tế. Chúng ta không cần khung xương đồ sộ hay những bộ cơ khổng lồ như con bò. Thử nghĩ về sự khác nhau giữa những gì đôi tay người làm và những gì chân bò làm. Trẻ sơ sinh cần những nguyên liệu thiết yếu để phát triển não bộ, tủy sống và dây thần kinh của chúng.

Sữa mẹ có thể làm tăng trí thông minh được không? Dường như là có. Trong một nghiên cứu đặc biệt đáng chú ý xuất bản trong tạp chí Lancet trong năm 1992 (số 339, trang 261-264), một nhóm nghiên cứu người Anh chia ngẫu nhiên một số trẻ sơ sinh thiếu tháng thành hai nhóm. Một nhóm uống sữa công thức và nhóm kia uống sữa mẹ. Cả hai nhóm đều uống qua ống thông vào dạ dày. Những đứa trẻ này được theo dõi trong 10 năm sau đó. Trong trắc nghiệm trí thông minh, những đứa trẻ uống sữa mẹ có chỉ số IQ trung bình cao hơn 10 điểm ! Tại sao lại không nhỉ ? Tại sao nguyên liệu đúng đắn cho sự phát triển và trưởng thành của bộ não lại không có tác dụng tích cực ?

Trong tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ (American Journal of Clinical Nutrition) (1982), Ralph Holman mô tả một đứa trẻ sơ sinh mắc phải một căn bệnh thần kinh trầm trọng khi được nuôi chỉ bằng dung dịch truyền tĩnh mạch. Dung dịch này chỉ chứa một trong các axit béo thiết yếu là axit linoleic. Khi axit còn lại, axit alpha linoleic được đưa vào dung dịch truyền, chứng rối loạn thần kinh đó biến mất.

Cũng trong tạp chí đó năm năm sau, Bjerve, Mostad và Thoresen ở Na Uy phát hiện tình trạng y hệt ở các bệnh nhân người lớn sống trong thời gian dài qua ống thông vào dạ dày.

Năm 1930, bác sĩ G.O. Burr ở bang Minnesota, Mỹ khi thực nghiệm với chuột đã phát hiện ra sự thiếu hụt axit linoleic gây ra nhiều hội chứng rối loạn. Tại sao tôi lại nhắc đến điều này ở đây ? Đến những năm đầu của thập kỷ 1960, các bác sĩ nhi khoa phát hiện ra tổn thương ở da của những đứa trẻ uống sữa công thức không có axit linoleic. Nhớ lại nghiên cứu trước, họ cho thêm axit linoleic vào sữa và chữa khỏi rối loạn đó. Các axit béo thiết yếu đúng là thiết yếu, và sữa bò rất thiếu chúng so với sữa mẹ.

Vâng, nhưng ít nhất sữa bò là tinh khiết

Có phải vậy không ? Năm mươi năm trước một con bò sản xuất trung bình 1000 lít sữa một năm. Ngày nay, những nhà sản xuất hàng đầu cho ra hơn 20.000 lít ! Họ làm thế nào ? Thuốc, thuốc kháng sinh, hormone, nhồi ăn và nhân giống đặc biệt. Họ làm thế đấy.

Sự tấn công công nghệ cao mới nhất vào con bò khốn khổ là hormone tăng trưởng bò, viết tắt là BGH. Thứ thuốc làm từ công nghệ biến đổi gen này nghe nói là kích thích khả năng sản xuất sữa và theo nhà sản xuất Monsanto thì không ảnh hưởng đến thịt và sữa. Có ba nhà sản xuất khác : Upjohn, Eli Lilly và American Cyanamid Company. Dĩ nhiên là chưa từng có nghiên cứu dài hạn nào về ảnh hưởng của hormone lên những người uống sữa. Nhiều nước khác ngoài Mỹ đã cấm BGH vì lo ngại về sự an toàn. Một trong những vấn đề với việc cho thêm các phân tử lạ vào cơ thể bò sữa là những phân tử đó thường đi ra trong sữa. Tôi không biết bạn cảm thấy thế nào nhưng tôi không muốn thử nghiệm hấp thụ một hormone tăng trưởng vào người. Một vấn đề có liên quan là nó làm tăng đáng kể (50% đến 70%) tỷ lệ viêm vú ở bò. Những con bò đó lại được chữa bằng kháng sinh và dư lượng kháng sinh xuất hiện trong sữa. Có vẻ công chúng không thoải mái lắm với sản phẩm này và trong một cuộc khảo sát, 43% cảm thấy hormone tăng trưởng trong sữa là một nguy cơ về sức khỏe. Vì lý do đó, một phó giám đốc phụ trách quan hệ công chúng ở Monsanto phản đối việc ghi nhãn bởi vì ghi nhãn sẽ tạo ra một ‘sự phân biệt giả tạo’.

Bất cứ động vật cho con bú nào cũng thải chất độc trong cơ thể qua sữa của nó. Chất độc ở đây bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, hóa chất và hormone. Và tất cả sữa bò đều chứa máu ! Các thanh tra an toàn thực phẩm chỉ có nhiệm vụ giữ nó ở dưới một giới hạn nhất định. Bạn có thể thấy sợ hãi khi biết rằng Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép sữa chứa 1 đến 1,5 triệu tế bào máu trắng trên một ml. Nếu bạn chưa biết thì tôi xin lỗi vì phải nói với bạn rằng một cách gọi khác của tế bào máu trắng là mủ. Vậy đó. Sữa là tinh khiết hay là một dung dịch hóa chất, vi khuẩn và các sản phẩm sinh học ? Và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) có bảo vệ bạn không ? Văn phòng Thống kê Mỹ (GAO) cho chúng ta biết FDA và chính quyền các bang không bảo vệ công chúng khỏi dư lượng thuốc trong sữa. Họ chỉ kiểm tra 4 trong số 82 loại dược phẩm có trong sữa bò.

Như bạn có thể hình dung, phát ngôn viên của ngành công nghiệp sữa vẫn tuyên bố nó tuyệt đối an toàn. Jerome Kozak nói ‘Tôi vẫn nghĩ rằng sữa là sản phẩm an toàn nhất mà chúng ta có.’

Những nhà quan sát ít thiên vị hơn đã phát hiện ra điều sau đây: 38% mẫu sữa trong 10 thành phố bị nhiễm thuốc sulfa hay một loại kháng sinh khác. (Đây là từ Trung tâm Khoa học vì Lợi ích Cộng đồng và tạp chí Phố Wall (The Wall Street Journal) 29/12/1989) Một nghiên cứu tương tự ở Washington DC phát hiện tỷ lệ nhiễm thuốc là 20% (Nutrition Action Healthletter, 4/1990).

Điều gì đang xảy ra ở đây ? Khi FDA kiểm tra sữa, họ hầu như không phát hiện vấn đề gì. Tuy nhiên, họ sử dụng những tiêu chuẩn rất lỏng lẻo. Khi họ dùng cùng một tiêu chí, số liệu FDA cho thấy 51% số mẫu sữa có dấu vết dược phẩm.

Một chủ đề khó chịu cần thảo luận thêm là có vẻ như các con bò sữa liên tục bị nhiễm trùng quanh vú và cần chữa trị bằng kháng sinh. Một bài báo từ Pháp cho chúng ta biết khi một con bò dùng penicillin, penicillin xuất hiện trong 4 trong 7 mẫu sữa được vắt. Một nghiên cứu khác từ trường Đại học Nevada, Reno cho biết có những tế bào lạ trong sữa của những con bò bị viêm vú. Một phân tích cẩn thận đã được tiến hành trên những tế bào này sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến. Bạn có biết kết luận là gì không ? Nếu con bò bị viêm vú, sẽ có mủ trong sữa. Xin lỗi, nó ở cả trong các nghiên cứu, chỉ có điều được che giấu sau những thuật ngữ chuyên môn.

Chú thích: Còn một đoạn dài trong nguyên bản đề cập đến rất nhiều vấn đề khác trong sữa bò. Do thời gian hạn hẹp, tôi không dịch đoạn đó mà đi thẳng tới phần sau.

Được rồi, vậy sữa bò có lợi ích gì ?

Liệu có bất cứ lý do sức khỏe nào khiến một người lớn cần uống sữa bò không ?

Rất khó để tôi có thể tìm ra thậm chí một lý do chính đáng ngoài sở thích cá nhân. Nhưng theo tôi, nếu bạn cố tìm, hai cái sau sẽ là những lý do tốt nhất : sữa là nguồn cung cấp canxi và nó là nguồn cung cấp axit amin (protein).

Hãy xem xét canxi trước. Tại sao chúng ta lại quan tâm đến canxi. Hiển nhiên là chúng ta muốn phát triển khung xương mạnh và phòng tránh chứng loãng xương. Và đúng là sữa chứa đầy canxi, không chút nghi ngờ nào về điểm đó. Nhưng đó có phải là một nguồn canxi tốt cho người không ? Tôi không nghĩ thế và có lý do của nó. Hấp thụ quá nhiều sản phẩm sữa trên thực tế cản trở việc hấp thụ canxi. Lượng protein dư thừa trong sữa là một nguyên nhân chính cho vấn đề loãng xương. Bác sĩ Hegsted ở Anh đã viết trong nhiều năm về phân bố địa lý của chứng loãng xương. Có vẻ những nước tiêu thụ sản phẩm sữa nhiều nhất bao giờ cũng là những nước với tỷ lệ loãng xương cao nhất. Ông cảm thấy sữa là một nguyên nhân cho chứng loãng xương. Vì những lý do sau.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mức độ hấp thụ canxi và đặc biệt là uống bổ sung canxi từ thuốc không có chút ảnh hưởng gì đến sự phát triển của chứng loãng xương. Bài báo quan trọng nhất về vấn đề này xuất hiện gần đây trong Tạp chí Y học Anh (British Journal of Medicine) nơi mà cánh tay dài của ngành công nghiệp sữa Mỹ không với tới. Một nghiên cứu khác ở Mỹ trên thực tế cho thấy cân bằng canxi trở nên xấu đi ở những phụ nữ hậu mãn kinh uống 200 ml sữa bò mỗi ngày (Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ, (American Journal of Clinical Nutrition) 1985). Ảnh hưởng của hormone, giới tính, trọng lượng trên những xương chính và đặc biệt là lượng protein hấp thụ đều rất quan trọng. Một lưu ý khác có thể có ích cho phân tích của chúng ta là sự vắng mặt của bất cứ tài liệu nào về sự thiếu hụt canxi trong những người sống với một chế độ ăn tự nhiên không có sữa.

Để tìm ra chìa khóa cho câu đố về chứng loãng xương, đừng nhìn vào canxi, hãy nhìn vào protein. Thử xem hai nhóm đối lập sau. Những người Eskimo ăn rất nhiều protein, ước tính 25% tổng số calorie. Họ cũng hấp thụ canxi rất nhiều : 2500 mg mỗi ngày. Tỷ lệ loãng xương của họ ở trong nhóm tồi tệ nhất trên thế giới. Nhóm còn lại là những người Bantus ở Nam Phi. Lượng protein họ hấp thụ chỉ chiếm 12% tổng số calorie, chủ yếu là từ thực vật, và chỉ 200-350 mg canxi mỗi ngày, khoảng một nửa lượng canxi trung bình của một người phụ nữ Mỹ. Những người phụ nữ Bantus hầu như không biết đến loãng xương mặc dù có đến 6 đứa con hay nhiều hơn nữa và cho chúng bú trong thời gian dài. Khi những người phụ nữ châu Phi này nhập cư vào Mỹ, họ có phát triển chứng loãng xương không ? Câu trả lời là có, nhưng không nhiều như phụ nữ da trắng hay châu Á. Vậy là có cả yếu tố di truyền ở đây nữa.

Nhiều người tất nhiên đặt câu hỏi ‘Vậy bạn lấy canxi ở đâu ?’ Câu trả lời là : ‘Ở cùng một chỗ mà con bò lấy canxi của nó, từ những thứ màu xanh mọc lên từ đất’, chủ yếu là rau lá. Voi, tê giác cũng phát triển những bộ xương khổng lồ của chúng (sau khi đã cai sữa) bằng cách ăn lá cây xanh, ngựa cũng vậy. Các động vật ăn thịt sống tốt mà không cần rau xanh. Có vẻ như tất cả các động vật có vú trên trái đất này sẽ sống tốt nếu chúng sống hòa hợp với các yếu tố di truyền và thức ăn tự nhiên của chúng. Chỉ có con người với cuộc sống giàu có bị tỷ lệ loãng xương cao.

Nếu những con thú ấy không làm bạn tin tưởng, hãy nghĩ về hàng tỷ người trên trái đất chưa từng biết đến sữa bò. Bạn có nghĩ là chứng loãng xương sẽ phổ biến trong số những người này không ? Những người làm cho ngành công nghiệp sữa sẽ nói vậy nhưng sự thật là hoàn toàn ngược lại. Tỷ lệ loãng xương của họ ít hơn nhiều so với các nước tiêu thụ nhiều sữa. Đây là chủ đề của một bài khác, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng nguyên nhân quyết định của chứng loãng xương là sự hấp thụ protein quá nhiều và việc ít sử dụng các xương chính trong cơ thể xảy ra trong nhiều năm. Hormone có vai trò phụ nhưng cũng đáng kể ở phụ nữ. Sữa là một cản trở trên con đường đến với sức khỏe xương tốt.

Câu chuyện hoang đường về protein

Bạn có nhớ khi còn bé tất cả người lớn đều bảo bạn ‘phải ăn thật nhiều protein’. Khi tôi còn bé, protein được coi là người bạn dinh dưỡng. Và dĩ nhiên sữa là rất phù hợp.

Với protein, sữa đúng là một nguồn cung cấp dồi dào, còn được gọi là ‘thịt lỏng’. Tuy nhiên, cái đó không nhất thiết là điều chúng ta cần. Trên thực tế, nó là một lý do gây hại cho chúng ta. Gần như tất cả người Mỹ ăn quá nhiều protein.

Đối với thông tin này, chúng ta dựa vào nguồn đáng tin cậy nhất mà tôi biết. Đó là phiên bản mới nhất, (xuất bản 1/1992) của bản Khuyến nghị về Tiêu chuẩn Dinh dưỡng (Recommended Dietary Allowances) phát hành bởi Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (National Research Council). Chủ biên của công trình quan trọng này là tiến sĩ Richard Havel của trường Đại học California ở San Francisco.

Điều đầu tiên cần lưu ý là lượng protein khuyến nghị đã được sửa giảm dần sau mỗi phiên bản. Khuyến nghị hiện hành là 0,75g/kilo/ngày cho người lớn 19 đến 51 tuổi. Đối với một người 60kg, nó chuyển đổi thành 45g/ngày. Bạn cũng nên biết ước tính nhu cầu protein cho người lớn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 0,6g/kilo/ngày. Nếu bạn thuộc loại thích tăng thêm một chút để ‘cho chắc ăn’, nhớ là tất cả những khuyến nghị này đều đã có cộng thêm vào mức tối thiểu vì lý do an toàn. Bạn có thể sống khỏe mạnh chỉ với 28-30g/ngày nếu cần thiết.

45 g protein mỗi ngày là một lượng rất nhỏ. Thêm vào đó, protein không nhất thiết phải là protein động vật. Protein thực vật gần như giống hệt cho mọi nhu cầu thực tế. Vì thế hầu như tất cả người Mỹ, Canada, Anh và châu Âu đều ở trong tình trạng quá tải protein. Điều này khi được duy trì trong hàng thập kỷ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Những vấn đề đã được đề cập đến là loãng xương, xơ vữa động mạch và suy thận. Có nhiều bằng chứng rằng một số loại ung thư, chủ yếu ở đại tràng và trực tràng có liên quan đến việc tiêu thụ thịt quá mức. Barry Brenner, một nhà nghiên cứu về thận nổi tiếng, là người đầu tiên chỉ ra mối nguy hiểm của việc hấp thụ protein quá mức đối với thận. Cuối cùng, bạn nên biết rằng tỷ lệ protein trong sữa mẹ là 0.9%, thấp nhất trong các loài động vật có vú.

Thế đã hết chưa ?

Xin lỗi, vẫn còn nữa. Bạn có nhớ lactose không ? Đấy là chất carbohydrate (đường) chính trong sữa. Có vẻ như thiên nhiên cung cấp cho trẻ sơ sinh những enzyme cần thiết để chuyển hóa lactose, nhưng khả năng này biến mất vào độ tuổi 4 hoặc 5.

Có vấn đề gì với lactose hay đường sữa ? Có vẻ nó là một phân tử saccharide đôi quá lớn để có thể đi qua thành ruột vào máu. Để làm vậy, nó cần phải được chia thành hai phân tử saccharide đơn là galactose và glucose. Việc này cần sự có mặt của một enzyme là lactase và một số enzyme khác nữa để chuyển hóa galactose thành glucose.

Thử nghĩ về điều này một chút. Thiên nhiên cho chúng ta khả năng chuyển hóa lactose trong vài năm rồi tắt cơ chế ấy đi. Có phải Mẹ Thiên nhiên muốn bảo chúng ta điều gì đó không ? Rõ ràng là tất cả trẻ sơ sinh đều phải uống sữa. Việc rất nhiều người lớn không uống được sữa có vẻ như liên quan đến xu hướng của tự nhiên là xóa bỏ những cơ chế không cần thiết. Ít nhất một nửa số người lớn trên trái đất này không dung nạp được lactose. Những người da trắng có xu hướng dung nạp lactose tốt hơn người da màu.

Tỷ lệ này thế nào ? Trong một số nhóm người, cụ thể là người da đen, có đến 90% người lớn không dung nạp được lactose. Tỷ lệ đó ở người da trắng là 20% đến 40%. Người phương Đông ở vào khoảng giữa hai nhóm. Tiêu chảy, đầy bụng, đau bụng là điều thường xảy ra nếu những người này uống một lượng lớn sữa. Hầy hết những người da đỏ châu Mỹ không uống được sữa. Ngành công nghiệp sữa thừa nhận là hiện tượng không dung nạp lactose làm khoảng 50 triệu người Mỹ khổ sở. Cả một ngành công nghiệp phục vụ những người không dung nạp lactose đã mọc lên và có doanh thu $117 triệu trong năm 1992 (Time 17/05/1993).

Mối liên quan giữa sữa và chứng thiếu máu và chảy máu thành ruột ở trẻ sơ sinh được mọi bác sĩ biết đến. Nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu hụt chất sắt trong sữa và khả năng gây kích thích thành ruột của sữa. Các tài liệu nghiên cứu nhi khoa có đầy những bài báo mô tả thành ruột bị kích thích, chảy máu, tăng tính thẩm thấu cũng như chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa ở những đứa trẻ nhạy cảm với sữa bò. Cả hai yếu tố mất máu qua chảy máu thành ruột và thiếu hụt sắt trong sữa góp phần gây ra chứng thiếu máu. Sữa cũng là nguyên nhân hàng đầu của dị ứng ở trẻ em.

Sữa chất béo thấp

Một chủ đề nữa : sữa ‘chất béo thấp’. Một câu hỏi chân thành thường gặp là : ‘Vậy thì sữa chất béo thấp là ổn phải không ?’

Câu trả lời cho câu hỏi này là sữa chất béo thấp thực ra không ít chất béo. Thuật ngữ ‘chất béo thấp’ là một thuật ngữ tiếp thị để lừa bịp công chúng. Sữa chất béo thấp chứa 24% đến 33% chất béo trong tổng số calorie ! Con số 2% là để đánh lạc hướng. Con số đó là chỉ tỷ lệ về khối lượng. Họ không nói với bạn rằng, về khối lượng, sữa chứa 87% nước !

‘Vậy thì, đồ phá đám, anh hẳn phải chấp nhận sữa không béo !’ Tôi nghe câu này khá nhiều. Đúng, sữa không béo hầu như không có chất béo, nhưng bạn vẫn phải nhận lượng lớn protein và lactose. Nếu có cái gì đó mà chúng ta không cần thêm nữa, đó là lactose, một loại đường đơn cấu thành từ galactose và glucose. Hàng triệu người Mỹ không dung nạp lactose như đã nói ở trên. Đối với protein, cũng như đã nói ở trên, chúng ta sống trong một xã hội thường xuyên hấp thụ nhiều protein hơn rất nhiều so với lượng cần thiết. Đó là gánh nặng cho cơ thể, đặc biệt là thận và là nguyên nhân chính của chứng loãng xương.

Tóm tắt

Theo tôi nghĩ, chỉ có một lý do hợp lệ để uống sữa hay dùng sản phẩm sữa. Đó là vì chúng ta thích thế. Bởi vì chúng ta thích thế và nó đã trở thành một phần văn hóa của chúng ta. Bởi vì chúng ta đã quen với mùi vị của nó. Bởi vì chúng ta thích cảm giác nó trôi xuống cổ họng. Bởi vì cha mẹ chúng ta làm mọi cách có thể để cung cấp sữa cho chúng ta từ thời thơ ấu và luyện cho chúng ta quen với nó. Họ dạy chúng ta thích nó. Và rồi lý do tốt nhất có lẽ là kem ! Tôi đã từng nghe nó được mô tả là ‘ăn rồi chết cũng sướng’.

Tôi có một bệnh nhân đã làm đúng như vậy. Anh ta không có tật xấu nào. Anh ta không hút thuốc hay uống rượu, anh ta không ăn thịt. Chế độ ăn uống và cách sống của anh ta gần như là hoàn hảo cho sức khỏe. Nhưng anh ta có một niềm đam mê. Bạn đã đoán được rồi đó, anh ta mê kem béo ngậy. Nửa lít kem loại béo nhất trong một ngày là ít đối với anh ta. Nhiều lần anh ta ăn cả lít – vâng, và còn thêm bánh quy và các loại bánh ngọt khác nữa. Rốt cuộc thì kem ngon xứng đáng được vậy. Anh ta có vẻ có sức khỏe tốt, ngoại trừ một ‘căn bệnh tuổi trung niên’ thông thường nào đó một lần khiến anh bị đột quy và liệt toàn thân. Sau đó anh ta bị đột quy thêm vài lần nữa và qua đời vài năm sau đó trong bệnh viện. Tuổi già ư ? Tôi không nghĩ thế. Anh ta chỉ hơn 50.

Vì vậy, đừng uống sữa vì sức khỏe. Tôi hoàn toàn tin tưởng từ những bằng chứng khoa học rằng sữa không ‘tốt cho cơ thể’. Thêm sữa vào thực đơn của bạn chỉ làm giảm giá trị dinh dưỡng và mức độ an toàn của nó.

Hầu hết mọi người trên hành tinh này sống rất khỏe mạnh mà không cần đến sữa bò. Bạn cũng có thể làm thế.

Đúng là khó thay đổi. Chúng ta đã được luyện từ bé để coi sữa là ‘thức ăn hoàn hảo nhất của tự nhiên’. Nhưng tôi đảm bảo với bạn là thay đổi là an toàn, sẽ cải thiện sức khỏe của bạn và không làm bạn mất đồng nào cả. Bạn còn muốn gì ?


Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

“Kinh tế ngầm”

Sai lệch về số liệu thống kê cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2014 lên đến 20 tỷ USD mới đây làm nóng nghị trường Quốc hội chưa kịp lắng xuống thì sự khác biệt về số liệu thống kê số hộ kinh doanh cá thể của các cơ quan chức năng cũng đang làm xôn xao dư luận. Những con số và kết quả của các nghiên cứu mới đây cho thấy có một loại hình  “kinh tế ngầm” đang vận hành ngày càng mạnh mẽ. Và nếu như không có giải pháp kịp thời thì nền kinh tế quốc gia sẽ phải đối mặt với các hệ lụy khó lường.

Câu chuyện về chênh lệch số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2014 mới đây đã làm nóng nghị trường Quốc hội và làm xôn xao dư luận. Cụ thể, theo số liệu từ Tổng Cục Thống Kê Việt Nam và Viện Nghiên cứu của tập đoàn HKTDC Hồng Kông, năm 2014 Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 14.93 tỷ USD (số liệu của Việt Nam); 19,9 tỷ USD (số liệu của Trung Quốc), chênh lệch 4,97 tỷ USD. Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 43,71 tỷ USD (số liệu của Việt Nam); 63,736 tỷ USD (số liệu của Trung Quốc), chênh lệch 20,026 tỷ USD. Mặc dù sự chênh lệch về số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa hai nước giao thương luôn là “chuyện thường ngày” của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Song số liệu thống kê chênh lệch năm 2014 giữa Việt Nam và Trung Quốc trong xuất nhập khẩu đột nhiên vụt lên cao tới mức không còn bình thường. Trong suốt giai đoạn 2001-2012, số liệu về cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn rất khác nhau với mức công bố cao hơn luôn thuộc về phía Trung Quốc. Cao nhất là hai năm 2010 (3,6 tỷ USD), và năm  2011 (4,7 tỷ USD). Tuy nhiên, số liệu năm 2014 chênh lệch cán cân thương mại giữa hai nước lên đến 20 tỷ USD, theo các chuyên gia là hiện tượng bất thường cần phải có sự lý giải.

Nhiều kịch bản đã được các chuyên gia kinh tế đưa ra nhằm giải thích nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt các con số thống kê cán cân thương mại của hai quốc gia nói trên. Trong đó đáng chú ý nhất là hai nguyên nhân chính: thương mại tiểu ngạch và buôn lậu. Tổng cục Thống kê Việt Nam mới đây cũng thừa nhận chênh lệch thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2014 có nguyên nhân từ “hoạt động kinh tế ngầm” và gian lận thương mại. Theo Tổng cục Thống kê, sự chênh lệch số liệu nói trên do hoạt động nhập khẩu lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Phía Trung Quốc kiểm soát tốt họat động này nên hàng hóa được tính khá đầy đủ trong xuất khẩu của họ. Trong khi Việt Nam không kiểm soát được nguồn hàng nhập lậu này vì thế không thống kê được đầy đủ con số nhập khẩu. Mặt khác, số liệu khác nhau còn có nguyên nhân từ gian lận thương mại, khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu (đặc biệt với hàng chịu thuế) đã thông đồng với doanh nghiệp đối tác khai giá rẻ hơn giá trị thật để hưởng mức thuế thấp. Trong khi, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể khai trị giá xuất khẩu cao để hưởng thuế khấu trừ lớn. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận chắc chắn Việt Nam có “kinh tế ngầm”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Duy Nghĩa cho rằng, nếu quả thực con số chênh lệch 20 tỷ USD từ thống kê thương mại năm 2014 giữa hai nước như trên, thì mức nhập khẩu “bổ sung” từ Trung Quốc này gần bằng con số mà Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ (22,3 tỷ USD), hơn xuất siêu sang EU (18,9 USD) trong năm 2014. Và để cân đối được con số nhập siêu “bổ sung” này thì Việt Nam phải đánh đổi gần như là toàn bộ hàng hóa nông sản xuất khẩu trong năm 2014 như gạo, cà phê, cao su, tôm ngon, cá chọn… (22,2 tỷ USD). Ông Nghĩa nhấn mạnh, nếu con số chênh lệch 20 tỷ USD là sự thật thì Việt Nam sẽ càng chìm đắm trong nhập siêu với Trung Quốc, rất nguy hại. Song nếu cho rằng con số này không đúng mà không rà soát lại mình từ phương pháp thống kê, đến công tác chống buôn lậu, cứ theo báo cáo của mình và bình chân như vại thì còn nguy hại hơn.

Câu chuyện chênh lệch “khủng” số liệu thống kê cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc còn chưa lắng xuống thì mới đây con số chênh lệch không nhỏ về số lượng hộ kinh doanh cá thể trong nước giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê lại bùng lên. Theo Tổng cục Thuế, tổng thu từ hộ gia đình và cá nhân kinh doanh chỉ vào khoảng 12.362 tỉ đồng trong năm 2014. Ngành thuế đã cấp mã số thuế cho 3,018 triệu hộ kinh doanh, trong đó số hộ kinh doanh đang hoạt động là 1,612 triệu hộ, còn lại là các hộ kinh doanh được cấp mã số thuế nhưng không hoạt động kinh doanh. Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với 4,6 triệu hộ, theo Tổng cục Thống kê. Chênh lệch giữa hai con số của hai đơn vị chức năng Việt Nam lên đến 3 triệu hộ kinh doanh, không phải là con số nhỏ. Cũng theo Tổng cục Thống kê, số hộ kinh doanh gia đình trong cả nước đang đóng góp tới 33% GDP cho Việt Nam. Thế nhưng theo Tổng cục Thuế, toàn bộ các hộ kinh doanh gia đình này chỉ đóng góp vỏn vẹn có 2% cho tổng thu ngân sách nhà nước qua thuế.

Một nghiên cứu của tổ chức CECODES do TS. Đặng Hoàng Giang chủ trì, thực hiện một khảo sát với 500 doanh nghiệp gia đình cho thấy những kết quả đáng lo ngại. Theo đó, với thuế môn bài, loại thuế dựa vào doanh thu, từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng/năm, có tới 30% hộ kinh doanh khai doanh thu thấp đi để hưởng mức thuế thấp hơn. Có 6% số hộ thừa nhận hối lộ để trả mức thuế thấp hơn. Với thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng (từ 0,5-5% doanh thu hàng năm), 14% số hộ thừa nhận hối lộ để có mức thuế thấp hơn. Có tới 63% số hộ khẳng định “luôn xảy ra” khi được hỏi cảm nhận về mức độ thỏa thuận ngầm giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế. Nếu nhận được lời đề nghị hai bên cùng bắt tay để cùng có lợi thì một nửa số hộ sẵn sàng chấp nhận, nếu cái giá phải trả hợp lý. Chỉ ra những phát hiện trong báo cáo, ông Giang nói: “Mức độ thỏa thuận ngầm lớn. Chúng tôi không có bức tranh rõ ràng, ai là thủ phạm, ai là nạn nhân. Hộ kinh doanh cũng là thủ phạm vì cùng trốn thuế. Vì thế, thiệt thòi là của chung xã hội”.

Rõ ràng, nếu không ngăn chận được “kinh tế ngầm” xuyên biên giới lẫn “những thỏa thuận ngầm” trong nước thì thiệt hại cho xã hội sẽ là không thể lường hết được.

Hữu Nguyên




Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Phải để dân giám sát

Chủ trương xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng những năm gần đây đã mang lại hiệu quả nhiều mặt cho nền kinh tế – xã hội. Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2014 đánh giá năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đã cải thiện đáng kể, đứng vị trí thứ 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010. Tuy vậy, với định nghĩa về hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) như hiện nay, cùng với các quy định pháp luật liên quan không ít bất cập, đang khiến cho các chuyên gia lo ngại còn tiềm ẩn không ít rủi ro phía sau các dự án BOT.

Theo các chuyên gia, xét từ góc độ tài chính, khi thuyết trình các dự án có sử dụng nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cơ quan đại biểu của dân tính thuyết phục dường như cao hơn. Bởi hầu như có một sự ngầm hiểu rằng Nhà nước chẳng mất gì mà chỉ có lợi vì không cần phải sử dụng tới nguồn vốn ngân sách, hoặc chỉ sử dụng không đáng kể. Tuy nhiên, với nền kinh tế nói chung, đồng vốn nào cũng như nhau, không có sự phân biệt là của Nhà nước hay của tư nhân. Vấn đề là ở chỗ, đồng vốn phải được sử dụng hợp pháp, công bằng, minh bạch và hiệu quả.

Trong thực tế, nhiều dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT những năm qua có giá thành rất cao. Trong khi chất lượng thì lại không tương xứng, nếu không muốn nói là còn khá khiêm tốn về tuổi thọ và độ bền. Có đường vừa thông xe xong đã hư hỏng, phải sửa chữa, gây mất an toàn giao thông.  Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng, hợp đồng BOT trong thời gian qua đã trao khá nhiều quyền cho nhà đầu tư nên dễ dẫn tới tình trạng nếu có lợi thì nhà đầu tư hưởng còn thua lỗ, bất lợi thì Nhà nước gánh chịu. Dự án BOT cầu Phú Mỹ,  TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ khá cụ thể. Được kỳ vọng là một trong những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn thu hút phần lớn lượng xe từ khu vực miền Tây Nam bộ qua TP.HCM ra miền Trung và phía Bắc, không phải qua nội ô thành phố, khánh thành từ tháng 9-2009. Thế nhưng sau đó, lượng xe cộ qua cây cầu này không đông đúc như dự kiến nên chủ đầu tư đã quyết định trả dự án lại cho TP.HCM. Đáng tiếc là cầu Phú Mỹ không phải là dự án BOT duy nhất bị nhà đầu tư trả lại cho Nhà nước.

Có một thực tế đáng lưu ý nữa là trong thời gian qua các ngân hàng đã tham gia rót vốn khá nhiều cho các dự án BOT về hạ tầng giao thông. Trong một hội thảo về dự án BOT gần đây, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, chỉ tính riêng các dự án BOT do Bộ này quản lý các ngân hàng đã tham gia tài trợ tới 135.000 tỷ đồng, chiếm đến 89% tổng mức vốn đầu tư. Có những dự án mà nhà đầu tư chỉ tham gia 15% vốn, phần còn lại phải đi vay ngân hàng, phần lãi  suất thương mại cũng được tính vào chi phí để hoàn vốn. Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiếu (Nam Định) từng than phiền, các nhà đầu tư chỉ bỏ ra có 35.000 tỷ đồng mà cả tuyến Quốc lộ 1A bị chặt ra tới 17 đoạn để thu phí là không hợp lý. Một bất hợp lý nữa là khi chia QL 1A thành nhiều dự án BOT cho các nhà đầu tư và thu phí thì vô hình trung bắt buộc người dân phải trả phí khi lưu thông trên tuyến đường huyết mạch này. Trong khi, nguyên tắc tối thiểu của dự án BOT là phải có sự lựa chọn cho người dân. Tức là khi người dân không có khả năng hoặc không muốn trả phí thì họ vẫn có lựa chọn sử dụng những dịch vụ công không phải mất phí. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội không phải ngẫu nhiên mà than thở: “Dân nói phí chồng phí là đúng. Tôi đi đâu cũng thấy dân kêu  về phí của các dự án BOT”.

Từ ngày 10-4-2015, Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) có hiệu lực, BOT cũng là môt dạng thức của PPP. Nghị định này còn quy định về việc Nhà nước có thể góp vốn để hỗ trợ xây dựng công trình đối với dự án có hoạt động kinh doanh, thu phí từ người sử dụng, nhưng khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận. Như vậy, dù là dự án BOT “thế hệ cũ” hay BOT trong “chiếc bình mới” PPP thì cả hai đều phải hoàn vốn cho nhà đầu tư, mà đối với dự án giao thông thì thông qua hình thức thu phí sau khi dự án hoàn thành. Liệu có hợp lý không khi sẽ có những dự án trong đó có nguồn tiền thuế của dân góp vào, song người dân khi sử dụng các dịch vụ từ những dự án đó lại phải trả phí trong một thời gian mà chính họ cũng chẳng biết là bao lâu và tại sao?

Chuyện bình thường ở các nước phát triển là các dự án BOT được thẩm tra rất kỹ và công khai minh bạch thông tin. Cụ thể là họ công khai các thông tin như lưu lượng xa đi lại trên đường là bao nhiêu, mỗi ngày thu được bao nhiều tiền, trong bao lâu thì nhà đầu tư hoàn vốn và bao nhiêu lâu nữa để nhà đầu tư có lãi. Ở Việt Nam hầu như ngừoi dân không được biết những thông tin cụ thể này. Nếu có thì cũng rất chung chung và mang tính hình thức. Thiếu thông tin cụ thể, từ những nguồn chính thức, người dân không thể kiểm tra và giám sát. Chất lượng và giá cả chênh lệch, ngược chiều nhau từ các con đường BOT trong thời gian qua cho ta thấy các nhà đầu tư sẵn sàng bằng mọi giá để có dự án và họ sẽ tận dụng các cơ hội từ những bất cập của chính sách để thu lợi cho mình. Trong khi, nếu có rủi ro thì chính Nhà nước và xã hội phải gánh chịu thông qua nợ xấu của các ngân hàng như đã từng diễn ra. Yêu cầu đặt ra là phải có cơ chế kiểm soát hiệu quả của Nhà nước, có khi còn phải chặt chẽ hơn cả các dự án do chính Nhà nước làm chủ đầu tư.

Cho nên, vấn đề bức thiết liên quan tới việc phát triển hình thức PPP, trong đó có BOT ở Việt Nam hiện tại là cần phải hoàn thiện cơ chế kiểm soát, giám sát việc thực hiện dự án trong suốt quá trình, để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Trong đó, đặc biệt chú ý tới quyền được thông tin và quyền giám sát của người dân, những người cuối cùng phải chịu trách nhiệm chi trả tất cả các khoản đầu tư từ vốn tới lãi cho việc xây dựng, khai thác, chuyển giao các dự án.

Hữu Nguyên





Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Không đùn đẩy trách nhiệm

Trong hai năm liên tiếp, ngay từ những tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành hai nghị quyết cùng mang số 19/NQ-CP, đề ra các biện pháp quyết tâm cải thiện mội trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, Nghị quyết 19 năm nay đã nêu ra các mục tiêu hết sức cụ thể. Chẳng hạn như đến hết năm 2015, các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt và vượt mức trung bình của ASEAN-6  (Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Brunei); đến năm 2016 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam ít nhất đạt mức trung bình ASEAN-4 (ASEAN-6 trừ Indonesia và Brunei).

Có thể nói, đây là một nghị quyết rất quan trọng của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết này, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, cùng với Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, sẽ giúp cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Giới doanh nghiệp Việt Nam khấp khởi  như đang chào đón một làn gió xuân mát mẻ, với hy vọng  có thể làm thay đổi diện mạo cuộc chơi trên thị trường còn tồn tại nhiều rào cản dai dẵng. Thế nhưng, đã hơn nửa năm trôi qua, nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang băn khoăn tự hỏi “các quyết tâm” thể hiện qua “các kế hoạch hành động” của nhiều bộ ngành, địa phương  để tạo ra sự thay đổi nay đang ở đâu. Khi mà những cản trở,  khó khăn cho công việc làm ăn của họ trên thực tế chẳng thay đổi là mấy.

Tại phiên họp của Chính phủ cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ sự không hài lòng khi có khá nhiều bộ ngành, địa phương còn tỏ ra khá hờ hững với Nghị định 19. Ngay cả ở trung ương cũng mới chỉ có hơn 10 bộ, ngành lên chương trình cải cách dù Nghị quyết 19 đã ban hành cách đây hơn 3 tháng. Đáng chú ý, Nghị quyết 19 yêu cầu 10 Bộ rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời phải chuyển mạnh sang sau hậu kiểm. Nhưng cho đến nay mới có 5 Bộ đã chủ động triển khai một số hành động theo hướng cải cách về nội dung thủ tục và phương thức thực hiện quản lý chuyên ngành. Nhiều quy định về kiểm định hàng nhập khẩu gây chi phí lớn cho doanh nghiệp. Ngay chính ở Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT), được xem là “lá cờ đầu” trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, không phải cấp nào cũng ủng hộ tinh thần doanh nghiệp. Gần đây, dự thảo nghị định đăng ký doanh nghiệp lại buộc phải kê khai đầy đủ ngành nghề kinh doanh. Sự bắt buộc này, theo các doanh nghiệp, vừa đi ngược với tinh thần thông thoáng của Luật Doanh nghiệp 2014 vừa mâu thuẫn với những tuyên bố ủng hộ doanh nghiệp mà người đứng đầu Bộ KH-ĐT đã nhiều lần lên tiếng.

Thực tế này  đồng nghĩa với việc không ít bộ ngành, địa phương đang thiếu trách nhiệm với quyết tâm thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Chính phủ đang coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của năm.  Thậm chí, người đứng đầu Chính phủ buộc phải than phiền rằng có một số lãnh đạo địa phương còn chưa biết Nghị quyết 19 là như thế nào thì làm sao có thể xây dựng kế hoạch hành động thích hợp để có thể tạo ra sự thay đổi tích cực như mong muốn. Sự thờ ơ, thái độ thụ động đã dẫn tới việc triển khai chậm chạp, khiến cho các mục tiêu và quyết tâm thể hiện cụ thể trong Nghị quyết 19 của Chính phủ nay vẫn còn đang còn ở khá xa tầm với của các doanh nghiệp. Chính điều đó đã làm cho người đứng đầu Chính phủ bức xúc. Bởi vì theo Thủ tướng “nhân dân không làm ăn tốt, doanh nghiệp không làm ăn tốt, chúng ta sẽ không có gì”.

Gần đây, thông qua các thông tin trên báo chí, người ta thường bắt gặp cụm từ “báo cáo Thủ tướng”, bất kể mức độ sự việc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương hay cấp thấp thấp hơn. Xu hướng sợ trách nhiệm và đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa các cơ quan công quyên từ lâu đã không còn là chuyện lạ. Nhiều vụ việc lẽ ra thuộc trách nhiệm của cơ quan này, nhưng cứ phải kéo thêm cơ quan khác, thậm chí cấp trên vào cùng tham gia xử lý và cùng chịu trách nhiệm thì mới an tâm. Chính cách hành xử thành thói quen này đã gây ra nhiều rào cản, ách tắc, phiền toái và chậm trễ gây khó khăn, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp và người dân. Nay dù có quyết tâm đổi mới của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương theo quán tính vẫn tiếp tục tư duy cũ, đùn đẩy trách nhiệm, nhìn trước ngó sau, lôi kéo nhiều cơ quan ban ngành và thậm chí cả Thủ tướng vào để tìm kiếm sự an toàn. Điều đó không chỉ cho thấy sự yếu kém, lúng túng của các cơ quan, ban ngành chức năng ở địa phương; mà còn cho thấy xu hướng “thích quyền lực, sợ trách nhiệm” đã trở thành căn bệnh trầm kha của nhiều cán bộ, công chức.

Nghị quyết 19 của Chính phủ đòi hỏi trách nhiệm và quyết tâm cao của từng bộ ngành địa phương cụ thể, đặc biệt với ngừoi đứng đầu. Trên tinh thần các mục tiêu chung hướng tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các đơn vị, địa phương cụ thể phải chủ động xây dưng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của mình.  Tuy nhiên, thông tin từ Chính phủ mới đây cho hay còn nhiều bộ ngành và địa phương vẫn  chưa cụ thể hóa cách thức triển khai thực hiện Nghị quyết và dự kiến kết quả đạt được. Điều này có thể do chưa nắm rõ phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết. Do đó việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động chưa bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp  theo yêu cầu của Nghị quyết. Tất cả Kế hoạch hành động của các địa phương đều không nêu rõ cách thức và lộ trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng con tồn tại tư duy đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ thay đổi và tìm kiếm sự an toàn cho chính mình rồi ngụy biện theo kiểu “chậm mà chắc”, bất kể thiệt hại cho lợi ích chung của toàn xã hội.

Hữu Nguyên

Bản đăng trên báo Đại Đoàn Kết

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Đừng vô cảm với dân

Dư luận bức xúc khi biết ngân sách phải bỏ ra 7,2 tỷ đồng để bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Bởi theo lý lẽ công bằng của người dân, ai gây ra oan sai thì Nhà nước phải buộc người đó đền bù. Nếu lấy tiền từ ngân sách, tức là tiền thuế của dân, có nghĩa là chính nhân dân lại phải gánh chịu hậu quả do những cán bộ làm sai gây ra. Bồi thường thật ra cũng chỉ là xoa dịu phần nào nỗi đau mà người bị oan sai thiệt hại, trong khi những người làm ra oan sai lại viện đủ lý do để không phải gánh chịu bất kỳ trách nhiệm nào thì quả là quá bất công.

Sự bức xúc của dư luận trong trường hợp nói trên và tương tự có thể hiểu được từ góc độ tâm lý và tình cảm. Song, nếu xét từ góc độ pháp lý thì mọi hành xử trong mối quan hệ giữa Nhà nước và Công dân trong xã hội pháp quyền buộc phải căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành. Số tiền 7,2 tỷ đồng mà ngân sách phải chi ra để bồi thường thiệt hại do oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn nói trên là theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN). Nếu muốn buộc các cán bộ, công chức đã trực tiếp làm nên oan sai của ông Chấn phải bỏ tiền túi của họ ra bồi thường thì phải chứng minh lỗi cố ý gây oan sai của họ khi thi hành công vụ. Yêu cầu đó hiện nay cơ quan chức năng chưa làm được, trong trường hợp này. 

Theo các chuyên gia, giữa lỗi cố ý và vô ý trong tố tụng rất khó phân biệt, bởi vì người ta luôn đổ cho năng lực hạn chế. Năng lực hạn chế hay do thiếu trách nhiệm, do cố ý là rất khó chứng minh được trừ khi có bằng chứng quả tang. Nhưng cũng theo quy định của Luật TNBTCNN, cho dù có chứng minh được lỗi cố ý của cán bộ, công chức thi hành công vụ đi nữa thì mức độ bồi hoàn thiệt hại vật chất  của công chức cũng chỉ rất nhỏ, không đáng kể so với thiệt hại thực tế mà người bị oan sai gánh chịu và Nhà nước có trách nhiệm phải bồi thường. Điều quan trọng ở đây chính sự lỏng lẻo của cơ chế đã làm án oan ngày càng nhiều hơn. Người thi hành công vụ không xem trách nhiệm bồi thường là một nghĩa vụ mà mình phải gánh vác, cho nên khi thi hành công vụ họ đã không cẩn trọng, thậm chí biết là sai vẫn làm. Có thể nói, ví dụ trên là một trong rất nhiều bất cập của Luật TNBTCNN năm 2009, khiến cho các mục tiêu tốt đẹp khi ban hành luật này hiện vẫn chưa đạt yêu cầu sau hơn 5 năm đi vào cuộc sống.

Bình quân mỗi năm chỉ có khoảng  trên dưới một trăm vụ việc yêu cầu bồi thường trong cả nước, cho tất cả các lĩnh vực. Con số này rõ ràng chưa phản ánh đúng thực trạng đời sống hiện còn khá nhiều tiếng kêu oan ức của người dân.  Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Tố Hằng – Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) – tính đến hết tháng 3/2015, sau hơn 5 năm thi hành Luật TNBTCNN, cơ quan nhà nước các cấp đã thụ lý 366 vụ việc. Trong đó, giải quyết xong là 247 vụ việc (67%). Tổng số tiền giải quyết bồi thường trên 65 tỷ đồng. Trong khi đó, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ, công chức thực hiện được 19 vụ việc  trong lĩnh vực quản lý hành chính và thi hành án dân sự, với tổng số tiền trên 700 triệu đồng. Kết quả này cho thấy, so với các vụ việc Nhà nước đã chi trả tiền bồi thường, việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả của cán bộ, công chức làm sai đạt tỷ lệ rất thấp.  Đáng lưu ý trong lĩnh vực tố tụng hình sự cho tới nay chưa có vụ việc nào người làm sai phải hoàn trả, trong khi chính lĩnh vực này lại phát sinh nhiều yêu cầu bồi thường nhất.

Cũng theo nhận định của bà Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), hoạt động phổ biến, tuyên truyên  Luật TNBTCNN chưa được tổ chức triển khai đầy đủ và toàn diện đến mọi đối tượng trong toàn xã hội mà đặc biệt là quần chúng nhân dân và các tổ chức xã hội. Thậm chí tại một số địa phương do chưa hiểu đúng đắn về các quy định cũng như chưa nắm bắt được những tinh thần đổi mới của Luật TNBTCNN so với các văn bản quy phạm pháp luật trước đây nên phát sinh tâm lý e ngại và cho rằng nếu tuyên truyền, phổ biến luật này đến người dân thì sẽ làm phát sinh nhiều khiếu kiện yêu cầu bồi thường. Hệ quả của tình trạng này là đến nay vẫn còn một bộ phận lớn người dân không biết đến Luật TNBTCNN để thực hiện yêu cầu bồi thường của mình, hoặc đến khi biết đến luật và thực hiện quyền của mình thì đã hết thời hiệu yêu cầu mà luật quy định.

Theo các chuyên gia, bản thân Luật TNBTCNN hiện hành cũng đang có nhiều nội dung bất cập, gây khó khăn cho dân khi vận dụng trong thực tế. Để thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, luật quy định cá nhân, tổ chức bị thiệt hại trước tiên phải thực hiện thủ tục xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Chỉ khi nào cơ quan có thẩm quyền có văn bản giải quyết khiếu nại kết luận hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ mới có đủ điều kiện tiến hành các thủ tục yêu cầu bồi thường. Công chức khi thi hành công vụ rất ít trường hợp tự nhận mình sai, việc chứng minh hành vi trái pháp luật của công chức trong khi thi hành công vụ gây ra thiệt hại là vấn đề khó khăn. Bởi cơ quan, công chức nhà nước là những chủ thể thực thi quyền lực nhà nước, có xu hướng và điều kiện che giấu, hợp pháp hoá những việc làm sai trái (nếu có) của mình. Thậm chí, còn có thể liên kết, bảo vệ lẫn nhau hoặc đổ lỗi cho nhau và không ai chịu nhận là phải có trách nhiệm bồi thường. Thực tiễn cho thấy nhiều vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền thừa nhận là có sai sót gây thiệt hại nhưng những chủ thể phải bồi thường cũng tìm cách dây dưa, kéo dài không muốn thi hành quyết định bồi thường trên thực tế.

Theo ông Nguyễn Đình Quyền – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp  của  Quốc hội - thời gian qua việc bồi thường thiệt hại là quá chậm. Bởi luật quy định giao cho chính những người làm oan đi bồi thường mà tính cố chấp của các cơ quan quyền lực khi làm sai là cố tình dây dưa, trì hoãn gây khó khăn. Điều đó cho thấy đã đến lúc phải thay đổi mô hình bồi thường oan sai, giao cho một cơ quan làm công khai minh bạch hơn. Để giải quyết bất cập này, các chuyên gia đề nghị nghiên cứu, thực hiện theo hướng giao cho một cơ quan làm đầu mối tiếp nhận và thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường cho tổ chức, công dân bị thiệt hại. Khi thay mặt Nhà nước giải quyết, cơ quan đại diện Nhà nước thực hiện giải quyết bồi thường sẽ phối hợp với cơ quan quản lý người thi hành công vụ để giải quyết.  Cần phải tạo ra cơ chế cán bộ, cơ quan nhà nước làm sai gây thiệt hại cho dân thì Nhà nước phải chủ động thiết lập cơ quan chuyên môn, có trách nhiệm xem xét, giúp đỡ ngừoi dân trong quá trình yêu cầu bồi thường. Nói một cách dân gian, “ông làm oan sai cho người ta thì ông phải chủ động giải quyết bồi thường chứ không thể ngồi đó rồi đòi hỏi người dân phải chạy vạy, cung cấp đầy đủ giấy tờ rồi mới xử lý. Đó là ông quan liêu, cửa quyền. Đừng vô tình vô cảm với những nỗi đau của dân!”, như ông Vũ Đức Khiển – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội  (khóa X) – từng phát biểu.

Hữu Nguyên





Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

TÌM HẢI SỬ VIỆT NAM Ở ĐÂU?

Inrasara
1-Bia Võ Cạnh-Nhatrang-192
Bia Võ Cạnh ở Nha Trang – tk II.
Lần đầu tiên, bài báo “Tìm nền hải sử Việt Nam ở đâu?” đăng báo Tiền phong chủ nhật, ngày 23-3-2014; rồi báo Bình Thuận cuối tuần đăng lại ngày 28-3-2014. Sau đó bài được post lên Inrasara.com và nhận được bao nhiêu là phản hồi.
Việt Nam không có văn hóa biển, vậy đâu là nền hải sử Việt Nam? Hay Việt Nam không có nền hải sử, như một nhà nghiên cứu đã khẳng đinh? Trong lúc mấy năm qua, khi thời sự Biển Đông đang nóng dần lên, chủ quyền quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa đang được đặt thành vấn đề chủ quyền mang tính khu vực, thì Việt Nam cần truy tìm nền hải sử hơn bao giờ hết. Tìm ở đâu? – Không ở đâu cả.
Xưa, người Việt mở cõi xuống đất liền ở phương Nam, và chỉ biết có đất liền; còn đóng tàu viễn dương, thì hầu như chưa. Suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt chỉ biết ra khơi về lộng, chứ chưa hề đi xa hơn. Mà “lộng”, theo Từ Chi, chỉ đâu khoảng ba cây số cách bờ, còn “khơi” xa lắm cũng đến bảy cây số là cùng. Nền hải sử Việt Nam hoàn toàn thiếu vắng. Bởi không hướng biển, cho nên việc nhận biết thế giới của người Việt xưa cũng rất hạn chế. Vĩnh Sính đã “Thử tìm hiểu thêm về chuyến đi công vụ ở Hạ Châu của Cao Bá Quát”, và thấy:
Vào nửa đầu thế kỷ XIX, kiến thức địa lý thế giới ở Trung Quốc và Việt Nam hãy còn hết sức hạn chế và tạp nhạp, ngay tờ quan báo do tỉnh Quảng Đông phát hành từ năm 1819 đến năm 1822 còn giải thích Bồ Đào Nha ở cạnh Malacca, mà Pháp và Bồ Đào Nha chỉ là một, hay nói một cách khác Pháp nằm kế cận eo biển Malacca!” (ERCT.com, 2003).
Trung Quốc đã thế, người Việt trước đó cứ nghĩ chỉ cần bước qua nước láng giềng học là đủ, chứ chưa chịu nhìn xa hơn, đi xa hơn, để học các nền văn minh khác. Mãi đến thế kỉ XIX, ta mới bắt đầu rục rịch “sang Tây dương”. Mà Tây dương ấy, như đã thượng dẫn, cũng chỉ đâu quanh khu vực Malacca hôm nay! Rồi “sang Tây dương”, ta mới vỡ lẽ:
Tân Gia từ vượt con tàu
Mới hay vũ trụ một bầu bao la…
Cao Bá Quát tiếng cao ngạo, mới đi đến Malacca mà đã phải kêu lên như thế, cũng đủ biết. Không đi biển, không có truyền thống “viễn dương” thì không có nền hải sử, là chuyện không lạ. Champa ngược lại, người Chăm viễn dương từ rất sớm. Sớm và xa. Viễn dương đầy chủ động. Do đó – khi Champa đã làm một với Tổ quốc Việt Nam thống nhất, thì việc nhận diện văn hóa biển của vương quốc Champa cổ sẽ bổ khuyết cho sự nhìn nhận thực thể Việt Nam.
6-Lsu Namtien
Ngay ở thế kỉ thứ IV, sử sách ghi nhận, vua Champa là Gangaraja sau vài năm trị vì, đã nhường ngôi lại cho cháu, để sang Ấn Độ. Đây là vị vua duy nhất của Đông Nam Á thuộc Ấn Độ giáo đã vượt đại dương sang bờ sông Hằng. Suốt 17 thế kỉ tồn tại, người Chăm đã làm chủ Biển Đông, vùng biển mà người Bồ Đào Nha ở thế kỉ XVI gọi là Biển Champa Sea of Champa, sau đó người Trung Quốc mới gọi là biển Nam Hải, còn ta thì kêu Biển Đông.
Thế kỉ thứ X, bộ phận lớn người Chăm thiên di qua Đảo Hải Nam – Trung Quốc sinh sống, hiện họ vẫn còn nhớ mình từ đâu tới. Trước đó nữa, thời vương quốc còn mang tên Lâm Ấp, nghĩa là trước năm 749 khi Lâm Ấp đổi thành Hoàn Vương, người Chăm đã có những giao lưu quan trọng với Nhật Bản. Vũ Ngọc Liễn khám phá thấy, vở kịch:
Long vương” của Champa lúc ấy có tên Lâm Ấp lưu lạc đến Nhật Bản, được người Nhật trích dịch chọn một phần dựng thành điệu múa “Long vương vũ”. Các học giả Nhật Bản thẩm định rằng: Điệu La Lăng vương không phải từ Trung Hoa truyền đến mà là nhạc của nước Lâm Ấp” (2009, Tagalau 9, “Điệu múa Chăm lưu lạc trên đất Nhật”, tr. 116-118).
Riêng kiến trúc và điêu khắc, sau những chuyến lang bạt kì hồ, người Chăm đã biết thâu thái từ nền kiến trúc của các nước láng giềng: Thái Lan, Khmer, Java… để sáng tạo nên nền kiến trúc kì vĩ của mình với rất nhiều phong cách khác nhau. Không có những cuộc đi cùng những chuyến viễn dương, thì sẽ không thể làm được bao công trình bất hủ kia.
Thế nên, việc người Chăm [của Việt Nam] đã làm chủ Hoàng Sa – Trường Sa là chuyện nhỏ.
Câu chuyện vua Chế Mân lấy công chúa Malaysia là Tapasi cuối thế kỉ XIII, hay chuyện Po Rome (1627-1651) qua Kelantan để lại mấy thế hệ hậu duệ bên ấy, hoặc trường ca cổ Chăm kể về Po Tang Akauk sinh ra, sống và chết đi với biển, là một mảnh huyền sử về văn hóa biển đáng giá.
Urang hu sang si đih
Ppo ngap anih dalam tathik
Urang hu sang si dauk
Ppo ngap danauk dalam tathik
Người có nhà để ngủ
Người cất chỗ trú giữa đại dương
Người có nhà để ở
Người lập nơi ngụ giữa đại dương.
(Inrasara, 1996, Văn học Chăm II – Trường ca, NXB Văn hóa Dân tộc)
Đặc biệt trong lịch sử Champa, thương cảng Cù Lao Chàm có vai trò cực kì quan trọng trong việc giao thương đường biển của cả Đông Nam Á. Đó là một cảng lớn tầm khu vực được người Chăm sử dụng làm trạm trung chuyển hàng hóa từ Ả Rập, Ấn Độ sang Trung Quốc.
Cù Lao Chàm với vị thế thuận lợi của mình đã vươn lên thành thương cảng số một của vương quốc Champa… Trên quãng đường dài từ Kra Isthmus (nam Thái Lan, bắc Mã Lai ngày nay) đến Canton (Quảng Châu – Trung Quốc) chỉ có một trạm dừng chân duy nhất là Chiêm cảng – Cù lao Chàm, nơi có thể nghỉ ngơi, tích trữ lương thảo, nước ngọt và buôn bán, trao đổi hàng hoá… trước khi dong buồm thẳng sang Trung Quốc mà không cần phải ghé vào một số cảng ở miền Bắc Việt Nam. Thư tịch cổ của người Ả Rập thế kỷ IX (851-852) cho biết những thuyền buôn từ Tây Á sang Trung Quốc và ngược lại, thường ghé qua Cù Lao Chàm của Champa để lấy nước ngọt và trầm hương” (Lâm Thị Mỹ Dung, 2012, “Cù Lao Chàm, chiều dày lịch sử và văn hóa”, vntimes.com.vn).
13-CulaoCham
Cù Lao Chàm.
Bao nhiêu chứng cứ về hải sử Việt Nam ở quanh đó. Vậy mà, mấy năm qua nhiều dấu vết lịch sử nơi hòn đảo này đang bị bôi xóa. Nhiều giếng vuông Cham biến thành giếng tròn, dân chúng ở đảo này kể, – gạch Cham xưa mênh mông nay cũng không tìm đâu ra nữa. Như thể một “phi tang lịch sử”. Đó là thái độ vô cùng nguy hiểm và tai hại. Tại sao? Bởi khi văn hóa biển của Cù Lao Chàm bị xóa sổ, chúng ta mất đi một phần cứ liệu lịch sử giá trị để chứng thực cho chủ quyền biển đảo của đất nước Việt Nam hiện đại.
Người ta hành động, mà như không biết hay quên đi khẳng định đinh đóng cột của nhà văn hóa Phạm Huy Thông:
Văn hóa Champa, dù tiếp nối hay vượt lên văn hóa Sa Huỳnh nảy nở ở đây trước đó, là một cống hiến xuất sắc vào kho tàng văn hóa Việt Nam xưa và nay (…) và người Chăm là một gạch nối nối liền nước ta với Đông Nam Á Hải đảo, mà quan hệ nhiều mặt giữa đôi bên ngày càng trở nên mật thiết” (1988, “Lời giới thiệu”, Điêu khắc Chăm, NXB Khoa học Xã hội).

Thuở nhỏ, tôi rất đỗi ngạc nhiên về lối kêu than giữa mẹ tôi với Bà Hai Mót, một bà người Kinh quê Hải Chữ qua Caklaing bán quán. Bên kia hàng rào bà kêu: “trời đất ơi”, còn bên này mẹ than: “trời biển ơi” lingik tathik lơy! Lớn lên tôi mới vỡ ra về sự khác nhau giữa hai dân tộc Việt Chăm. Khác nhau từ môi trường sống dẫn đến khác nhau về lối nghĩ thể hiện qua ngôn từ – thứ ngôn từ bình dân nhất mới là điều đáng tin nhất. Người Chăm nhìn lên thấy trời, cúi xuống thấy biển, chứ không phải đất. Nghĩa là đời sống Chăm đa phần gắn chặt với biển.
Cư dân Chăm cổ thường xuyên có mặt ngoài khơi, ngoài đảo xa. Vì thế họ đã có sự giao lưu kinh tế văn hoá với thế giới hải đảo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương” (Nguyễn Đức Hiệp, 2006, “Lâm Ấp, Champa và di sản”, Vanchuongviet.org).

Trả lời báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần, ngày 23-5-2014 do Văn Bảy thực hiện với tiêu đề “Lổ hổng’ văn hóa biển Việt Nam”, tôi cho rằng “người Việt không có truyền thống về biển, nếu không muốn nói là “phân biệt đối xử” với những gì liên quan đến biển, phân biệt xa đến tận… huyền sử Việt. Không có văn hóa biển, nên Việt Nam chưa có được nền hải sử, nói chi một nền hải sử sâu rễ bền gốc.”
Có bạn nghiên cứu trẻ từ Hà Nội viết cho tôi điện thư, đồng ý với luận điểm và mọi chi tiết tôi nêu lên trong bài trả lời, riêng về khẳng định trên, anh cho là “cei Sara chưa công bằng cho lắm”. Anh có vẻ lấn cấn như thế thì không gì sai, bởi khi nói “tận huyền sử”, tôi liên tưởng đến câu chuyện Lạc Long Quân, Chử Đồng Tử, và phần nào đó – Mai An Tiêm.
Văn Bảy hỏi: Xin anh thử cắt nghĩa vì sao người Việt lại có tâm lý sợ, hay lơ là biển đến như vậy? Tôi nói: Lơ là thì không khó nhận ra. Chúng ta quen nhìn bề mặt và không hướng bề sâu, bề sau. Bề mặt núi ta thấy núi có củi, có gỗ, có trái cây, có muông thú, vân vân; còn bề mặt biển thì chỉ có mênh mông… sóng. Bề sâu núi, ở tầng cạn hay thậm chí lộ thiên, trước mắt ta bao nhiêu là mỏ, cứ cúi xuống nhặt hay cần vài nhát cuốc đào là dùng ngay được; ngược lại dưới đáy biển thì mù mịt!
Còn sợ, có mấy yếu tố khiến người Việt sợ biển. Văn minh lúa nước gia cố tâm thế làng xã, quanh đi quẩn lại bà con láng diềng tối lửa tắt đèn có nhau; cho nên tinh thần phiêu lưu ở người Việt rất yếu. Cùng lắm, có “đi khơi về lộng” ta vẫn mang tâm lí hợp quần. Còn tinh thần phiêu lưu cần đến cá nhân có cá tính mạnh, ham làm giàu hay thậm chí chỉ cần đi để thỏa mãn sự hiểu biết. Nghĩa là ở đó, cá nhân thường trực đối mặt với cô đơn và cái chết.
Cạnh đó, viễn dương thì không thể không tính đến yếu tố khoa học kĩ thuật, như kĩ thuật đóng tàu lớn có sức chịu đựng đường dài và dài hạn. Rồi trong các hành trình xuyên đại dương kia, hàng loạt vấn đề cấp thiết đặt ra cần giải quyết, đó là: thiên văn học, y học, ngôn ngữ… Theo tôi, trong quá khứ, cụ thể hơn – đầu thế kỉ XIX trở về trước, người Việt không tỏ ra có ưu thế về khoa học kĩ thuật; còn học hỏi, cha ông ta chỉ biết đi bộ qua Trung Quốc tiếp nhận văn hóa họ, nên chỉ giỏi có mỗi… chữ Hán!

Năm 1834, khi dẹp xong cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi, vua “Minh Mạng xuống lệnh cấm người Chăm làm nghề biển và phải sống bằng nghề nông thuần túy… người Chăm bị đánh mất truyền thống oai hùng của nghề đi biển” (Nguyễn Tiến Văn, báo Thế thao & Văn hóa cuối tuần, sđd). Người Chăm đánh mất nhưng không quên đi truyền thống biển. Bởi biển ở trong máu họ, tồn tại trong ngôn ngữ và tâm thức họ. Một dân tộc “ý thức về đại dương/ biển lớn” sớm và mạnh, đã để lại dấu ấn đậm nét trên một vùng biển Đông Nam Á rộng lớn (Tạ Chí Đại Trường, 2009, Bài sử khác cho Việt Nam, NXB Văn Mới, Hoa Kì, tr. 23), thì không dễ dàng để mất truyền thống sâu rễ bền gốc ấy. Nó làm thành văn hóa biển của Champa, làm đầy tính toàn vẹn của lịch sử Việt Nam, là vậy.
Tìm nền hải sử Việt Nam là ở đó!