Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Vì sao Thầy Tư Bảy Núi không còn đưa ông Táo về trời?

Tới hết ngày đưa ông Táo về trời thằng cháu vẫn thấy Thày Tư Bảy Núi nằm đưa võng nghe cải lương. Thắc mắc quá bèn hỏi:
- Ủa, sao Bác Tư giờ này còn nằm nghe cải lương, hổng biết hôm nay là ngày gì sao?
Thầy Tư vẫn lim dim, nói:
- Sao hổng biết mậy!
- Biết sao Bác Tư hổng cúng bái gì hết đặng đưa ông Táo về trời cho kịp?
Lúc này Thầy Tư mới quay sáng nhìn thằng cháu trừng trừng nói như quát:
- Cái thằng biết một mà hổng biết mười, ăn nói lung tung.
Thằng cháu cố cãi:
- Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, theo truyền thống người Việt mình thì nhà nào cũng phải sắm lễ cúng đưa ông Táo về trời báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng Đế. Tui nói có gì sai mà Bác Tư nói tui lung tung chứ?
Lúc này Thầy Tư mới chậm rãi tắt cái radio đang xuống xề, nhẹ giọng giải thích cho thắng cháu đang nổi nóng:
- Ông Táo có ở trong nhà tau đâu mà đưa ổng về trời mậy. Mấy năm trước ổng lên tâu với Ngọc Hoàng bị khép tội khi quân giam vào thiên lao rồi.
Thằng cháu há hốc cái miệng hỏi:
- Sao Bác Tư biết?
- Ừ, thì Thiên lôi kể cho thằng Tư Trời Đánh ở cuối ấp, rồi nó nói lại với tau, mới biết chứ mậy.
- Nhưng mà vì sao ông Táo nhà Bác Tư bị Ngọc Hoàng bắt tội khi quân?
- Tại ổng thiệt thà quá, lên tâu rằng ở hạ giới bây giờ lộn xộn lắm. Ai đời những ông bà chủ thì ốm o gầy mòn, khố rách áo ôm, không nhà không cửa, tha phương cầu thực; còn bọn đầy tớ thì béo nung núc, áo quần hàng hiệu, xe hơi nhà lầu, đất đai không biết bao nhiêu mà kể… Ổng còn lấy tau ra làm vì dụ, rằng như cái ông  Thầy Tư nhà Táo tui là người học rộng, thiên hạ có 4 bồ chữ thì ổng chiếm hết  hai bồ rưỡi… đường đường là một ông chủ có học hành tử tế vậy mà cả đời chỉ ở nhà tranh vách lá, ăn cơm chay vì không có tiền mua thịt. Đi lại thì chỉ có mà đi bộ vì chẳng sắm nổi chiếc xe đạp… Trong khi thằng đầy tớ chạy cờ hiệu ở ủy ban xã thôi cũng có hàng chục sào đất mặt tiền lộ mới mở, mấy cái nhà trên phố, còn có dư tiền nuôi mấy con bồ nhí nữa… Ngọc Hoàng nghe vậy nổi trận lôi đình khép tội Táo quân nhà tau khi quân dám nói láo với Thượng Đế. Bởi theo Ngọc Hoàng làm chó gì có cái chuyện tréo cẳng ngỗng như ông Táo bẩm báo. Bèn cho giam vào thiên lao rồi cử Nam Tào, Bắc Đẩu xuống trần điều tra làm rõ.
Thằng cháu tò mò:
- Rồi Nam tào, Bắc Đẩu có làm rõ chưa Bác Tư?
- Chưa rõ mầy. Tau chỉ biết Nam Tào, Bắc Đẩu đi từ đó tới nay cũng chưa về trời luôn. Kết cuộc câu chuyện ra sao, chắc phải chờ hồi sau sẽ rõ.
Thằng cháu đoán mò:
- Nam Tào, Bắc Đẩu ham vui chắc xuống trần gian gặp bọn đầy tớ khoái quá còn khuya mới về. Cái vụ này Ngọc Hoàng chắc còn phải mất quân mất lính dài dài quá…
- Ừ biết đâu đó mậy!


Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Cháy ở trụ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - 46 Tràng Thi - Hà Nội

CHÁY! CHÁY HẾT PHÒNG LÀM VIỆC CỦA PHÓ CHỦ TỊCH MẶT TRẬN TỔ QUỐC VN


Cháy toàn bộ phòng làm việc của ông Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc

Khoảng 11 giờ 30 phút hôm nay, vào lúc ông Công ông Táo về trời báo cáo công việc với Ngọc Hoàng thì xảy ra cháy tại phòng làm việc của ông Vũ Trọng Kim - Ủy viên trung ương Đảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy Ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Hai chiếc xe cứu hỏa được điều tới xử lý nhưng kết cuộc chỉ ngăn chặn đám cháy không lan sang phòng họp và ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Mặt trận tổ quốc liền trên tầng hai của nhà A, chứ đám cháy đã thiêu rụi toàn bộ giấy tờ, bàn ghế, giường tủ, máy tính. 

Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra làm rõ: Cháy do chập diện, hay do thắp hương?...

Duy nhất báo Nhân dân điện tử đăng tin cháy ở mặt trận tổ quốc nhưng không nói rõ là cháy phòng làm việc của ông Vũ Trọng Kim. Tuy nhiên, không hiểu sao báo lại gỡ bài xuống, một trang mạng đã đăng lại tin này: xin xem: 


P.V 
Xảy ra cháy nhà tại số 46 Tràng Thi 
VN Times -

Khoảng 11 giờ 30 hôm nay một đám cháy lớn bùng phát tại tầng hai tòa nhà chính của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số 46, phố Tràng Thi, Hà Nội. Lực lượng phòng cháy chữa cháy đang nỗ lực khống chế đám cháy.


cháy ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam 
Lực lượng cứu hỏa đã tiếp cận trung tâm đám cháy.


Theo ghi nhận của chúng tôi, trung tâm đám cháy là phòng trong cùng, tầng 2, phía cạnh bên phải tòa nhà. Nhiều cánh cửa sổ của phòng này đã bị cháy rụi.

Lực lượng phòng cháy chữa cháy đã điều hai xe chữa cháy chuyên dụng và dùng vòi rồng phun nước vào đám cháy. Do khuôn viên của tòa nhà khá rộng và tòa nhà có hành lang nối với tòa nhà bên cạnh cho nên các chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã trèo lên hành lang để áp sát, khống chế khu vực cháy trung tâm. Khói từ khu vực cháy trung tâm đã giảm đi nhiều, đám cháy cơ bản được hạn chế khó có thể bùng phát lan rộng ra các tòa nhà chung quanh.

Thông tin ban đầu cho biết; cán bộ nhân viên trong tòa nhà đã được sơ tán kịp thời, hiện không còn ai bị mắc kẹt trong đám cháy.

cháy ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam 
Hai xe chữa cháy liên tục hoạt động khống chế ngọn lửa.


cháy ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam 

Nhiều cửa sổ đã bị cháy rụi.

cháy ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam
Phải cần nhiều lượt xe chữa cháy nữa mới có thể dập tắt đám cháy hoàn toàn.


ĐẶNG GIANG – TRẦN BÌNH
Theo Nhandan

TIN BUỒN: VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC VĨNH BIỆT LUẬT GIA LÊ HIẾU ĐẰNG

..
.
...
..
..
TIN BUỒN

CHÚNG TÔI VÔ CÙNG ĐAU ĐỚN BÁO TIN
Nhà Chí sỹ yêu nước
LUẬT GIA LÊ HIẾU ĐẰNG

Sinh năm 1944 tại Quảng Nam
Nguyên Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyên là Phó Tổng Thư Ký Ủy ban Trung Ương Liên Minh các lực lượng Dân tộc, dân chủ và Hòa bình Việt Nam; Nguyên Tổng thư kí Uỷ Ban nhân dân Cách mạng khu Sài Gòn Gia Định; Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam ở TP HCM;
Lãnh tụ  phong trào đấu tranh của sinh viên tại Sài Gòn và các đô thị Miền Nam trước 1975; thành viên Ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Sài Gòn và Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn.

Đã từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12 năm 2013.

đã từ trần hồi 22h07 ngày 22 tháng 1 năm 2014 tại Bệnh Viện 115 Sài Gòn. 
Lễ nhập quan sẽ được tiến hành vào lúc 9 giờ sáng ngày 23 tháng 1 năm 2014 tại Trung tâm Pháp y TP HCM, 336 Trần Phú, quận 5. Linh cữu được quàn tại chùa Xá Lợi, 89b Bà Huyện Thanh Quan, quận 3. Lễ di quan sẽ bắt đầu lúc 6 giờ sáng ngày 25 tháng 1 năm 2014 và sẽ hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. Tro cốt của ông sẽ được gia đình và bằng hữu rải trên sông Sài Gòn. 

Trong niềm đau thương nhớ tiếc, chúng tôi xin dâng lời cầu nguyện linh hồn Luật gia Lê Hiếu Đằng thanh thản về cõi phúc, đoàn tụ cùng anh linh các bậc tiên hiền trong an lạc vĩnh hằng. Xin gửi tới gia đình và bằng hữu Luật gia Lê Hiếu Đằng lời chia buồn sâu sắc!

23h40, ngày 22.1.2014
Truyền thông khắp nơi loan tin và chia buồn cùng gia quyến và bằng hữu Luật gia Lê Hiếu Đằng:

Tin buồn: Ông Lê Hiếu Đăng qua đời (DLB). – RỒI ANH RA ĐI (Huỳnh Ngọc Chênh). – Câu đối vĩnh biệt nhà yêu nước Lê Hiếu Đằng của bác Hà Sỹ Phu (FB Tin Không Lề). “Nằm bịnh vẫn suy tư, việc đảng vào ra, yêu mẹ Việt Nam, son sắt không phai lòng HIẾU tử!/ Biểu tình cùng kháng nghị, lòng dân sau trước, ghét quân Đại Hán, oai hùng cho xứng trậng ĐẰNG giang!

Luật gia Lê Hiếu Đằng từ trần (RFI). – Ông Lê Hiếu Đằng qua đời (BBC). - Nhà yêu nước Lê Hiếu Đằng đã qua đời (Boxitvn). - Lê Hiếu Đằng: những tấm ảnh cuối cùng (Boxitvn). – Audio phỏng vấn Giáo sư Hoàng Dũng: Ông Lê Hiếu Đằng ‘đau đáu’ về đất nước. - Hạ Đình Nguyên: Thế là xong! Chào anh Đằng. (Boxitvn). – Phạm Đình Trọng: LÊ HIẾU ĐẰNG (DĐXHDS).

Báo nhà nước đưa tin Luật gia Lê Hiếu Đằng qua đời (DĐXHDS). – Lê Hiếu Đằng (1944-2014) (Nguyễn Văn Tuấn).  - Lãnh tụ phong trào thoái Đảng CSVN từ trần, thọ 70 tuổi (Sống Magazine).  – PNNQVN Thành kính phân ưu cùng gia quyến Luật gia Lê Hiếu Đằng (VNWHR).  - CÔNG DÂN MẠNG TỎ LÒNG THƯƠNG TIẾC NHÀ YÊU NƯỚC LÊ HIẾU ĐẰNG (Huỳnh Ngọc Chênh). 

Khắp nơi chia buồn Trái tim yêu nước Lê Hiếu Đằng ngừng đập!
Võ Văn Tạo
 
Sáng 23-1, bàng hoàng hay tin Trái tim yêu nước Lê Hiếu Đằng ngừng đập!, một số nhân sĩ, trí thức đã nghỉ hưu ở Nha Trang như nhà văn Cao Duy Thảo (quê Bình Định, nguyên học sinh Miền Nam tập kết, bạn học cùng lớp với NSƯT Kim Chi ở Đại học điện ảnh sân khấu Hà Nội, đi B thời chống Mỹ, nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa), ông Vũ Minh Thoa (quê Quảng Ngãi, nguyên học sinh Miền Nam tập kết, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, từng công tác nhiều năm ở Bộ Ngoại thương, nguyên Phó giám đốc Công ty XNK lâm sản Naforimex – Nha Trang), nhà văn Nguyễn Xuân Tuynh (quê Hà Nam, đi B thời chống Mỹ, hội viên Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa), ông Phan Xuân Ngọc (quê Khánh Hòa, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty XNK-Vận tải biển tỉnh Khánh Hòa), ông Phạm Tuấn Kiệt (quê Khánh Hòa, nguyên Trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy Khánh Hòa)… đều bày tỏ niềm tiếc thương tận đáy lòng và xin chuyển đến gia quyến anh Lê Hiếu Đằng và những người cùng chí hướng vì một Việt Nam thật sự độc lập, dân chủ, tự do và tiến bộ, vì hạnh phúc của nhân dân lời chia buồn sâu sắc nhất. Mọi người đều tin tưởng, ngọn lửa yêu nước Lê Hiếu Đằng mãi mãi rực sáng.

Từ Hà Nội, NSƯT Kim Chi cũng bày niềm đau đớn và tiếc thương vô hạn đối với anh Lê Hiếu Đằng và nhận định: việc anh Đằng ra đi ở tuổi 70 là mất mát to lớn của phong trào đấu tranh vì dân chủ, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Chị Kim Chi cho biết, đã điện nhờ con gái ở Đồng Nai đặt vòng hoa viếng anh Đằng.

Từ Đà Lạt, nhà thơ Bùi Minh Quốc và từ Hà Đông, “biểu tình viên chống Trung Quốc bành trướng” TS Nguyễn Văn Khải (ông già ozne) cũng xin nghiêng mình trước hương hồn anh Lê Hiếu Đằng – “Một trong những người Việt Nam yêu nước nhất”. TS Khải tiếc ở xa, không đến viếng anh Đằng được.

......Tiếp tục cập nhật từ trang Basam.info
Tổng hợp của Dân Luận:

Dân Luận: Theo tin từ trong nước, Luật sư Lê Hiếu Đằng đã từ trần lúc 22:00 giờ ngày hôm nay 22.01.2014 tại Sài Gòn, hưởng thọ 70 tuổi. Ông Lê hiếu Đằng là một nhân sỹ yêu nước đã đứng trong hàng ngũ những người CS Việt Nam trong cuộc chiến 1954-1975, nay đã dũng cảm đứng lên cất tiếng nói đấu tranh cho quá trình dân chủ hóa đất nứớc. Ông đã công khai từ bỏ đảng CSVN vì coi đảng này đã phản bội lơi ích của dân tộc.


Nhà báo Phạm Đình Trọng: viết trên Facebook


LÊ HIẾU ĐẰNG (1944 - 2014)


22 giờ ngày 22 . 1 . 2014 Anh LÊ HIẾU ĐẰNG đã từ biệt chúng ta đi vào vĩnh hằng. Phong trào đấu tranh dân chủ hóa đất nước đang lúc cao trào, sôi động, dồn dập đã mất một tấm lòng, một khí phách, một chiến sĩ quả cảm.


Tôi đã có bài viết về con người Lê Hiếu Đằng. Nhưng trong giờ phút rưng rừng này, xin hãy im lặng ngắm nhìn lại hình ảnh thân thương Lê Hiếu Đằng. Nỗi buồn mất mát qua đi, tĩnh tâm lại mới đủ lí trí soi vào con người Lê Hiếu Đằng để hiểu thêm về thời chúng ta sống, hiểu thêm về con người Việt Nam, đất nước Việt Nam yêu thương.




Giấy khai tử ghi anh mất lúc 22 giờ ngày 22 tháng 01 năm 2014 nhưng chính xác anh ra đi lúc 22 giờ 7 phút. Anh chia tay mọi người trong thanh thản vì anh đã biết sẽ có ngày này. Những người bạn thân thiết của anh, những lớp đàn em của anh, những người mến mộ anh hầu như cứ đến mỗi lúc mỗi đông. Lớp chưa kịp biết tin, đến bệnh viện 115 nơi anh nằm điều trị cho đến những giây phút cuối cùng, lớp đã biết tin hoặc từ bệnh viện theo anh về đến trung tâm pháp y tại 336 Trần Phú.


Những mái đầu đã rất bạc như Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu, Kha Lương Ngãi, Nguyễn Quốc Thái...và những mái đầu chớm hoa râm như ks Tô Lê Sơn và rất nhiều bạn trẻ khác mà tôi không thể nào nhớ hết đang dần dần quần tụ về bên anh. Anh vẫn nằm bên trong, anh em đứng bên ngoài lặng lẽ và cứ đông dần lên. Môt đêm trắng đầu tiên trong chuổi đêm trắng mà những người thân thiết, những người đồng chí hướng sẽ dành cho anh. Không ai buồn vì chuyện anh ra đi nhưng ai cũng buồn vì anh không còn lại để chung vui và chứng kiến những đổi thay của đất nước như mong ước cháy bỏng của anh từ lúc mới trưởng thành cho đến tận bây giờ.


Anh là một người kiên định lòng yêu nước. Anh là một thư sinh nhưng thấy đất nước lao đao anh phải từ bỏ bút nghiên để nhập cuộc và đến khi thấy đất nước vẫn lao đao anh lại tiếp tục nhập cuộc. Ngọn lửa yêu nước đến cháy bỏng trong anh không bao giờ nguội đi ngay trong những ngày anh trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh. Anh hoàn toàn không lo chiến đấu với căn bệnh đang hành hạ trong anh từng giây từng phút, anh chỉ lo với những chuyện bên ngoài xã hội, lo cho anh em, lo cho những người dân oan, lo cho những hoàn cảnh bị vùi dập vì sự bất công tạo ra bởi chính quyền mà anh đang góp phần dựng lên...


Thôi xin tạm dừng đây. Lúc nầy ở bên anh sẽ ý nghĩa hơn gấp vạn lần những lời nói.




Ông Lê Hiếu Đằng quê ở Quảng Nam, học trung học ở Đà Nẵng và theo học trường đại học Luật khoa và Văn khoa ở Saigon, thành viên ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Saigon. Ông là một trong những khuôn mặt nổi bật trong phong trào đấu tranh đô thị trước 1975, và từng bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kết án tử.


Là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nguyên là Phó chủ tịch của Ủy ban này tại Thành phố Hồ Chí Minh, luật gia Lê Hiếu Đằng trong những năm gần đây được xem như ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh đòi dân chủ, đòi các quyền công dân và đặc biệt là trong phong trào biểu tình chống các hành động xâm lược của Bắc Kinh tại Biển Đông.


Luật gia Lê Hiếu Đằng là một trong những người đầu tiên ký vào Kiến nghị 72 ngày 19/01/2013 của nhóm 72 nhân sĩ trí thức góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992, gồm bảy đề nghị cụ thể nhằm phát huy dân chủ và hòa hợp dân tộc.


Ông cũng là một trong những người đi đầu trong phong trào biểu tình tại Việt Nam, khi những hành động gây hấn trắng trợn của Trung Quốc tại Biển Đông làm sôi sục lòng dân. Luật gia thẳng thắn phê phán việc trấn áp những cuộc biểu tình chống bành trướng Bắc Kinh là vi phạm nhân quyền.


Đặc biệt luật gia Lê Hiếu Đằng đã gây chấn động với bài viết « Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh » đề ngày 12/08/2013. Trong đó ông nhận định « chủ nghĩa Mác-Lê đã lạc điệu, bị sụp đổ tan tành ngay trên quê hương Xô Viết », « đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành kiêu binh ». Luật gia mạnh dạn đề nghị thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân chủ Xã hội tại Việt Nam, « vì không có một văn bản luật pháp nào cấm đoán điều này ». Ông cho rằng « một khi xã hội dân sự mạnh lên sẽ kìm hãm được khuynh hướng độc tài của một Nhà nước toàn trị».


Cách đây một tháng, vào ngày 04/12/2013 ông Lê Hiếu Đằng một lần nữa lại gây rúng động dư luận khi ra tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Người đảng viên 45 tuổi đảng, từng là giảng viên Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ (1975-1983) nhận định, đảng Cộng sản « đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển của đất nước, dân tộc ».


Luật gia mất đi mang theo những hoài bão chưa thành, một tấm lòng trăn trở vì dân vì nước. Ông luôn đau đáu ngóng về Biển Đông, lãnh thổ cha ông để lại cho con cháu đẩt Việt đang bị đe dọa từng ngày từng giờ.


Ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh cho chúng tôi biết một ngày trước khi bệnh trở nặng khiến ông hôn mê hôm 14/12/2013, ông Lê Hiếu Đằng đã cố gắng viết một lá thư dài ba trang gởi cho các bạn thanh niên, sinh viên học sinh. Đây có thể là bản di chúc của ông gởi lại cho các thế hệ đi sau. Ông cũng biết các tin tức về các hoạt động kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa vừa qua.


Các bạn bè thân hữu của ông hầu hết là những khuôn mặt trong phong trào sinh viên trước đây như ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu…đều có mặt tại bệnh viện 115 hôm 14/12, lúc biết tin bệnh tình ông trở nặng, và tất cả đều bị theo dõi chặt chẽ, có lẽ do trùng hợp với dịp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Saigon. Hôm nay các bằng hữu cũng đang đổ về bệnh viện để bàn bạc hậu sự cho ông.


Theo ước nguyện của người quá cố, ông sẽ được hỏa táng. Linh cữu của luật gia Lê Hiếu Đằng dự kiến được quàn tại chùa Xá Lợi ở quận 3 Sài Gòn, hoặc tại Dòng Chúa Cứu Thế.


RFI Việt ngữ đã hỏi chuyện nhanh các thân hữu của luật gia Lê Hiếu Đằng đang trên đường đến viếng ông.


Ông Huỳnh Kim Báu (nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh) :


Anh Đằng mất chỉ có hai người nuôi bệnh bên cạnh chứ gia đình không có ai, mà giờ đó bạn bè cũng không còn ở đấy. Nghe nói ảnh mất đâu hồi 7 giờ rưỡi tới 8 giờ tối. Thật ra cái gì đến sẽ đến, nhưng nghe anh chết tất cả anh em đều bàng hoàng, và đang trên đường tới bệnh viện. Không ai nghĩ rằng anh Đằng đã đi. Dù linh tính của đời người đã báo trước sau khi anh viết lá thư gởi cho tuổi trẻ Việt Nam, sinh viên học sinh, thì đó là lá thư cuối cùng của anh, như là một di chúc gởi lại cho tuổi trẻ.


Tuy biết rồi nhưng tất cả đều bàng hoàng, rất tiếc là anh không vượt qua được. Thực tế thế hệ bây giờ mà đi ở tuổi 70 thì vẫn còn trẻ. Kỳ hôn mê lần đầu, khi cứu tỉnh lại, anh gặp tôi thì điều đầu tiên là anh giơ tay lên để chứng tỏ là mình còn khỏe và nói : « Anh em đừng có lo, đừng nghĩ rằng tôi chết. Tôi phải sống vì dân này, đất nước này vẫn còn cần đến tôi. Tôi sẽ sống vì tôi chưa thể đi được ». Dịp bốn mươi năm Hoàng Sa anh có nghe và cũng quan tâm. Hôm Hoàng Sa thì anh còn tỉnh.Từ lễ kỷ niệm chúng tôi đã điện thoại báo cho anh biết, anh vui lắm. Anh biết rằng anh em vẫn tiếp tục con đường anh đã đeo đuổi.


Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm (nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Saigon) 
Rất đau buồn, thương tiếc anh Đằng. Anh đã mất hôm nay, 22/02/2014. Một cái tin như thế rất là đột ngột, bởi vì trước đây anh cũng nhiều lần bệnh nặng rồi hồi sức lại. Nhiều anh em phong trào trong nước và kể cả từ nước ngoài đã đến thăm anh, lúc tình trạng sức khỏe của anh còn tương đối. Đến hôm nay bệnh quá nặng, di căn có lẽ đã lên tới não chăng nên sau đó anh ngất và ra đi.


Tất cả anh em đã có mặt ở đây. Anh em bằng hữu đến thăm rất đông, chuẩn bị quàn ở chùa Xá Lợi, giờ giấc viếng và động quan chưa rõ. Khuya rồi nhưng các anh Lê Công Giàu, Bùi Văn Nam Sơn, Trần Quang Long …khoảng trên hai chục anh em đang ngồi đây Có cả Mặt trận Tổ quốc thành phố, các cấp ủy quận 5 và nhiều đơn vị.


Về phía anh em được thông tin từ nhiều nơi lắm nên biết hết. Những người thân thiết nhất đã có mặt tại đây, có một số vừa nghe tin chưa đến kịp, nhưng rất đông. Tất cả những anh em phong trào, thân quen cũng như những người đã cùng hoạt động chung với anh Đằng trước và sau giải phóng nói chung là rất thương ảnh. Anh là một người rất dũng cảm, không sợ bị bắt, bị giam, mà mạnh dạn đấu tranh cho dân chủ.


Những điều này rõ ràng là khí tiết của anh. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ của một người công dân trước hiện tình đất nước đang có nhiều bất công. Thái độ anh rất rõ ràng dứt khoát : không chấp nhận một tổ chức đảng sa sút về phẩm chất đạo đức, chính trị, do đó anh xin ra khỏi đảng.


Mặt trận dân chủ này quả thật rất khó, không ai tưởng tượng nổi những khó khăn trong hiện tại. Anh đấu tranh rất hợp tình hợp lý, dũng cảm. Là luật gia, anh nói rất chặt chẽ. Anh là người sống thanh đạm, trung thực -quan trọng nhất là thẳng thắn, dám nghĩ dám nói, với tình cảm và tấm lòng yêu nước cao độ. Người khác không dám nói lên tiếng nói trực diện như vậy đâu, nên người ta coi anh là một người "ngoài chiến tuyến", đối xử với anh không được tốt lắm.


Nguồn Blog Nguyễn Xuân Diện

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Housing Group Châu Thị Thu Nga bị tố bán nhà ảo

Đại biểu Quốc hội Việt Nam bị tố 'bán nhà ảo'

Một nữ đại biểu quốc hội Việt Nam bị tố bán những 'căn nhà ảo' và hiện đang trốn chạy khách hàng.

Theo đơn tố cáo BBC nhận được, công ty mà Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã nhận hàng trăm tỷ đồng của khách hàng từ vài năm nay với lời hứa sẽ giao cho họ những căn hộ tại công trình mang tên B5 Cầu Diễn vào năm 2015.
Tuy nhiên dự án hiện vẫn chỉ là một bãi đất trống và một số khách hàng cũng tố cáo chủ dự án bán cả những căn nhà ở tầng 20 hoặc cao hơn trong khi B5 Cầu Diễn chỉ có giấy phép xây cao tới 13 tầng.
BBC không thể liên hệ với bà Nga theo hai số điện thoại di động của bà để hỏi về các cáo buộc này.
Số điện thoại của Tổng giám đốc có người nhấc máy nhưng nói "nhầm số rồi".


Bà Châu Thi Thu Nga hứa gặp tập thể khách hàng nhưng không bao giờ thực hiện

Hiện Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất Housing group của bà Nga bị cho là không thể hoàn trả tiền cho khách hàng theo các điều khoản của hợp đồng trong khi tại công ty đối tác trong liên danh, Công ty MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuẫn đã bị Bấmbắt tạm giam và khởi tố cách đây hơn ba tháng.
Ông Tuẫn bị buộc tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" khi thu hàng trăm tỷ đồng từ khách hàng và sử dụng không đúng mục đích.
Hàng chục khách hàng đã ký đơn gửi lên Quốc hội và Bộ Công an yêu cầu xử lý cả bà Nga vì có những hành động mà họ gọi là "lừa dối và gây ra cảnh khốn cùng cho nhiều người dân".
Những thông tin về vị Đại biểu này trên Bấmtrang của Quốc hội Việt Nam cũng nói bà còn là Phó trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch bất động sản khu vực miền Bắc, thành viên Tổ chuyên gia liên ngành thuộc Ban chỉ đạo trung ương về chính sách nhà và thị trường Bất động sản, Ủy viên thường vụ Ban chấp hành hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng như Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội và một số chức danh khác.

'Trái quy định'

Một trong những khách hàng của Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất, người nói đã đóng cho công ty hơn 800 triệu đồng và đã hai lần trực tiếp gặp bà Nga nhưng không đòi được tiền, là ông Nguyễn Hồng Chương, năm nay 60 tuổi.
Ông Chương đã có nhà ở Mỹ Đình nhưng muốn mua thêm căn hộ để sau này con cái ở.
Cũng như nhiều người khác, ông Chương nộp tiền cho công ty của bà Nga cách đây khoảng ba năm để nhận lời hứa sẽ có căn hộ trên 90m2 trên tầng 21 ở B5 Cầu Diễn.
Ông Chương nói ông quyết định mua căn hộ vào lúc đang "sốt" bất động sản và phải qua trung gian môi giới mới có thể mua được.
Về sau này các khách hàng mới biết chủ đầu tư chỉ có giấy phép xây dựng các khu nhà cao tối đa 13 tầng và là nhà ở phục vụ tái định cư là chính chứ không phải nhà thương mại.
"Về nguyên tắc trong xây dựng họ làm như thế [bán nhà ở các tầng vượt quá mức có trong giấy phép xây dựng] là vi phạm pháp luật bởi vì khi anh có giấy phép xây dựng nào thì anh chỉ có thể thu đến tầng đó thôi.
"Còn bán như thế nó thuộc về 'những căn hộ ảo', những chuyện mà bán như thế là hoàn toàn trái với quy định."


Dự án B5 Cầu Diễn vẫn chưa có móng sau ba năm thu tiền của khách hàng

'Sợ công an'

Ông Chương cũng nói chủ đầu tư mới chỉ làm động tác "khoan lõi", tức khoan ở giữa bãi đất vì trước sau gì họ cũng sẽ phải đào đất làm móng.
Tuy nhiên do chưa định hình được cụ thể khu nhà sẽ như thế nào nên thậm chí chưa thể khoan xung quanh.
Ông Chương nói: "Hiện nay đã là năm 2014 rồi và họ đã thu từ 30-40% giá trị của công trình rồi. Thế thì chỉ còn một năm nữa không thể xây được cái tòa nhà, kể cả [chỉ] 13-15 tầng.
"Hiện nay cái cơ bản là chủ đầu tư, cái khoản tiền [mà họ thu của chúng tôi] đó người ta không lý giải được [đã dùng vào việc gì].
"Chúng tôi đã tổ chức họp với chủ đầu tư ở khách sạn Daewoo và yêu cầu đòi lại tiền.
"[Sau] ba lần họp, bản thân vị chủ tịch hội đồng quản trị đấy, là Đại biểu Quốc hội Việt Nam ấy, cam kết từ 14-18 tháng 10 [năm 2013] sẽ tổ chức hội nghị khách hàng vì ba năm rưỡi rồi mà không thi công gì cả nhưng sau đó quá thời hạn cam kết đó họ cũng không gọi điện lại và cũng không tổ chức.
"Cái cơ bản là bây giờ không có tiền mà xây những nhà đó ... bởi vì số tiền đó họ đã dùng vào việc khác rồi."
Ông Chương nói các khách hàng được quyền rút tiền nếu sau một năm chủ đầu tư không triển khai dự án theo hợp đồng ký kết giữa hai bên.
Tuy nhiên hiện nay công ty của bà Nga đã không tiếp xúc với khách hàng trong khi việc khiếu nại và tố cáo lên Quốc hội và Bộ Công an chưa mang lại kết quả.
Bản thân ông Chương cũng nói công an từng gọi ông lên để tìm hiểu thêm về vụ việc nhưng ông chưa lên vì sợ chính công an cũng "cùng cánh" với chủ đầu tư.
Trong khi đó báo BấmThanh Niên từng dẫn lời ông Trần Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất Housing Group nói mọi "vấn đề" của B5 Cầu Diễn đều xuất phát từ phía đối tác và Housing Group "gần như trở thành nạn nhân vì đang phải gánh vác phần việc bỏ dở của đối tác."
Ông Thành cũng cam kết sẽ tiếp tục dự án và giao nhà cho những người đã đóng tiền cho công ty dù không nói khi nào có thể làm được điều này.



Bài trên báo Thanh Niên:

Hàng trăm khách hàng sống dở chết dở vì dự án B5 Cầu Diễn


(TNO) Hàng trăm khách hàng góp vốn vào dự án B5 Cầu Diễn đang hoang mang vì trót đổ cả trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng vào dự án này. Nhưng đến nay, nguyên giám đốc của doanh nghiệp chủ đầu tư đã bị cơ quan chức năng bắt tạm giam 4 tháng để làm rõ hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Hàng trăm người đổ tiền vào chung cư B5 Cầu Diễn đang rất lo lắng khi những hình ảnh dự án đẹp đẽ này vẫn... nằm trên giấy
Theo đó, ông Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội, chủ đầu tư dự án chung cư B5 ở thị trấn Cầu Diễn, H.Từ Liêm, Hà Nội (B5 Cầu Diễn), đã bị cơ quan công an bắt tạm giam.
Gần 200 tỉ đồng mà khách hàng đã đóng vào dự án này đang lâm vào cảnh nợ khó đòi.
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Trần Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group), đơn vị liên danh với công ty của ông Nguyễn Văn Tuẫn thực hiện B5 Cầu Diễn, cho hay ngày 23.11.2010, TP.Hà Nội giao cho hai đơn vị thực hiện dự án này. Dự án B5 Cầu Diễn không có vốn ngân sách mà được xây dựng hoàn toàn từ vốn huy động. Công ty của ông Tuẫn và Housing Group chịu trách nhiệm thực hiện và kêu gọi vốn góp từ nhiều khách hàng.
“Housing Group là liên danh, với thỏa thuận ban đầu là góp 60% bằng tiền mặt. 40% còn lại là phần của công ty ông Tuẫn bằng toàn bộ diện tích đất, lợi thế thương mại của dự án”, ông Thành cho biết.
Để thực hiện dự án, phía Housing Group sẽ phải phối hợp với các cơ quan chức năng đi thu hồi công nợ do ông Tuẫn gây ra.
“Dù thu được hay không thì chúng tôi vẫn sẽ phải hoàn thành dự án để kịp giao trả TP.Hà Nội 328 căn hộ tái định cư và những khách hàng đã nộp tiền vào dự án B5 Cầu Diễn, kể cả các khách hàng đã nộp tiền cho ông Tuẫn. Nếu không thu hồi được nợ, sẽ phải trích ngân sách ra để trả tiền thực hiện dự án”, ông Thành nói.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho biết theo quy định tại Nghị định 71 của Chính phủ, các dự án bất động sản chỉ được phép huy động vốn sau khi đã xây xong phần móng. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên Online, ông Thành cho biết công ty ông Tuẫn đã lách quy định để huy động vốn của khoảng 300 - 400 khách hàng.
Lãnh đạo Housing cũng cho biết thêm, ông Tuẫn huy động vốn qua các hình thức góp vốn cổ đông, thỏa thuận mua nhà trong tương lai… không vi phạm luật, mà là khách hàng tự nguyện nộp tiền vào làm dự án. “Quy định là như vậy nhưng ở đây mình cứ nói thẳng băng là doanh nghiệp lạng lách nhưng vẫn đúng luật…”, ông Thành nhận định.
Tuy nhiên, chính ông Thành cũng thừa nhận Housing Group cũng “lạng lách” luật huy động vốn của hơn 100 khách hàng dự án này bằng cách thông qua thỏa thuận vay vốn, góp vốn cổ đông, thỏa thuận đầu tư… theo nguyên tắc dân sự ở thời điểm dự án chưa triển khai xây dựng.
b5 cầu diễn
Dự án chung cư B5 Cầu Diễn sau 3 năm triển khai vẫn là bãi đất cỏ mọc um tùm
Khi được gặng hỏi, lãnh đạo Housing Group từ chối cho biết đã huy động được bao nhiêu tiền từ khách hàng theo các thỏa thuận dân sự.
Dù vậy, ông Thành hứa hẹn, đã huy động vốn góp hàng trăm tỉ đồng của khách hàng vào B5 Cầu Diễn nên Housing Group sẽ cố gắng hoàn thiện. Phương án trước mắt là thay vì xây 6 tòa như dự kiến sẽ làm trước 4 tòa, có thể sẽ xong móng một tòa trong năm 2013, đầu năm sẽ xong móng các tòa khác và khoảng 2015 sẽ bàn giao nhà.
Theo khảo sát của Thanh Niên Online, dù được TP.Hà Nội giao đã gần 3 năm và lãnh đạo Housing Group cũng khẳng định vẫn một mình thực hiện dự án với 60% vốn góp bằng tiền mặt nhưng đến nay dự án B5 Cầu Diễn vẫn chỉ là quây tôn xung quanh một bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, bên ngoài treo biển tên dự án không khỏi khiến nhiều người nghi ngờ về tính khả thi của dự án này.
“Sau khi nhận tiền của khách hàng, ông Tuẫn không đầu tư vào dự án B5 Cầu Diễn mà đầu tư ra ngoài. Trong bản giải trình của ông Tuẫn mà Housing có được thể hiện 150 tỉ đồng đã giao cho công ty bán sắt thép để xây dựng B5 Cầu Diễn. Chưa có thiết kế, chưa có dự toán, chưa có phê duyệt các chi tiết cụ thể thì lấy đâu cơ sở để mang tiền đi mua sắt, biết dùng sắt gì mà mua. Một số vốn khác được ông Tuẫn đầu tư vào công ty khác. Đây là vốn tự huy động, không phải vốn ngân sách, nên có khe hở để ông Tuẫn dùng bừa bãi”, ông Trần Văn Thành, Tổng giám đốc Housing Group, cho biết.
 Bài, ảnh: Thái Uyên - Lê Quân

Bài học 40 năm và hành động hôm nay

Lý Thái Hùng
Gửi cho BBC từ California, Hoa Kỳ

Tàu Trung Quốc

Một tàu của Trung Quốc hoạt động và tham gia tuần tiễu ngoài khơi Hoàng Sa
Đánh dấu 40 năm ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm trước sự chiến đấu hào hùng của Hải quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 17 đến 19/01/1974, người Việt Nam ở trong và ngoài nước cũng không quên cảnh giác trước những hành động xâm lấn vô lối mang tính leo thang mới đây của lãnh đạo Bắc Kinh để có những đối sách phù hợp.
Đầu năm 2014, chính quyền đảo Hải Nam của Trung Quốc loan báo hai quyết định phi lý tăng cường quyền hạn cảnh sát của họ trên Biển Đông, bắt buộc tàu đánh cá "nước ngoài" phải xin phép khi vào hoạt động trong vùng biển mà Bắc Kinh tự cho là của họ qua đường lưỡi bò chín khúc. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.
Bắc Kinh còn ngang ngược cho phép lực lượng tuần tra của họ tịch thu không những tất cả hải sản mà ngư dân đánh bắt được mà còn vơ vét hết những thiết bị trên tàu và phạt mỗi ngư dân là 500 ngàn nhân dân tệ, tương đương với hơn 80 ngàn Mỹ Kim.
Những hành động ngang ngược và phi lý của Bắc Kinh nói trên cho thấy là 40 năm qua, kể từ sau khi xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã không thỏa mãn những gì họ đã và đang cưỡng chiếm mà tiếp tục muốn làm bá chủ biển Đông.
Nói cách khác, sau 40 năm nhìn lại, Trung Quốc đã cố tình xâm chiếm Hoàng Sa để làm bàn đạp, gây tranh chấp khắp khu vực, và cuối cùng buộc các nước phải “xin phép” họ qua lại trên biển Đông. Việt Nam do đó, cần học hỏi gì từ quá khứ và có hành động thiết thân, phù hợp hiện nay.

'Nhận thức 40 năm trước'

Trước hết, với sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa bốn mươi năm về trước từ tay của Việt Nam Cộng Hòa, qua các tài liệu về quân sử Việt Nam, cũng như các tài liệu của Hải quân Quân lực Việt Nam Cộng hòa, có thể thấy ngay lúc cuộc xâm lược nổ ra, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã nhận thấy rõ dụng tâm lâu dài của Trung Quốc.
Theo đó, chính quyền Sài Gòn nhận thấy vụ xâm chiếm Hoàng Sa chỉ là bước đầu trong ý đồ thu tóm biển Đông theo kế hoạch được nhà cầm quyền Bắc Kinh tính toán từ trước. Nhưng do bối cảnh chính trị phức tạp vào lúc đó, chính quyền Sài Gòn đã phải cân nhắc giữa hai giải pháp: thương thảo bằng con đường ngoại giao hay quyết chiến. Sau những liên lạc yêu cầu lực lượng Trung Quốc rút lui không thành công, Việt Nam Cộng Hòa đã chọn con đường quyết chiến dù lực lượng của Trung Quốc đông gấp bội.
Mặc dù Hoàng Sa bị mất, nhưng ngày 19/01/1974, Việt Nam Cộng Hòa đã để lại một văn kiện lịch sử qua Tuyên Bố của Bộ ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa vào lúc đó.


Tàu Trung Quốc tham gia tấn công các đảo ở Hoàng Sa tháng 01/1974

"Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới..." tuyên bố nói.
Và cũng qua nội dung của Tuyên bố, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa khẳng định hai điều: một là Việt Nam có chủ quyền rõ rệt trên quần đảo Hoàng Sa và Trung Quốc là 'tập đoàn xâm lược'.
Hai là việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa đã mở đầu một hiểm họa đe dọa nền hòa bình và sự ổn định của khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Rất tiếc là những cảnh báo của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã không được thế giới quan tâm.
Cuộc hải chiến hào hùng cũng đã bị chôn vùi kể từ sau ngày 30/4/1975 và trong thời gian dài không hề được nhắc đến chính thức dưới chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ngay cả trong nhiều sách giáo khoa của học trò phổ thông.
Nhiều người từng tham dự vào cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa còn bị tù cải tạo, nhiều thân nhân của những sĩ quan và binh sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận chiến này đã phải sống dưới chính sách kỳ thị như mọi nạn nhân khác có thân nhân là "ngụy quân ngụy quyền".
Rất may là Cộng đồng người Việt tại hải ngoại vẫn còn tưởng nhớ đến công ơn của những anh hùng hải quân đã vị quốc vong thân để bảo vệ Hoàng Sa.
Những buổi lễ tưởng niệm đã được tổ chức rất trang nghiêm vào mỗi dịp đầu năm suốt từ 1975 đến nay.
Chính những buổi lễ này đã góp phần hun đúc ý chí và tinh thần bảo vệ bờ cõi, làm bừng lên ngọn lửa yêu nước của người Việt Nam trước làn sóng xâm chiếm của Trung Quốc trên biển Đông ngày nay.

Đánh dấu 40 năm tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa năm nay, chính quyền Hà Nội đã có một số động thái đáng chú ý.
Thứ nhất là cho phép một số báo, đài truyền hình đề cập khá chi tiết và liên tục nhiều kỳ về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Họ đã phỏng vấn và giới thiệu nhiều hồ sơ cũ của Việt Nam Cộng Hòa ghi lại các chuẩn bị và diễn tiến của trận hải chiến.
Đây là một quyết định tuy quá trễ, nhưng ít ra bây giờ nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thấy rằng việc trình bày cho hậu thế hiểu rõ diễn tiến của một cuộc chiến bảo vệ hải đảo trước ý đồ xâm lấn và bành trướng của Trung Quốc đã là điều cần thiết.
Không dám nói lên sự thật và không dựa vào trận hải chiến hào hùng này, sẽ không có cơ sở vững chắc để thuyết phục thế giới đứng về phía Việt Nam chống lại các ý đồ của Trung Quốc hiện nay.
Thứ hai là ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng chính phủ cộng sản Việt Nam, đã tuyên bố rằng sẽ đưa vấn đề Hoàng sa và Trường sa vào sách giáo khoa, cũng như tổ chức lớn tưởng niệm 40 năm Hoàng sa và 35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc.
Đây cũng là một quyết định quá trễ và dường như mang âm hưởng của một sự “thăm dò” vì phát biểu này sau đó đã bị kéo xuống khỏi các trang mạng do những e ngại “ngoại giao”.
Rõ ràng là có sự thiếu nhất quán trong nội bộ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam về các phản ứng liên quan đến những vấn đề lịch sử đối với Trung Quốc. Khi lãnh đạo còn e ngại và muốn tránh né đề cập một sự thật của lịch sử, thì rất khó thuyết phục người dân về thực tâm bảo vệ đất nước của giới lãnh đạo hiện thời trong quan hệ với Trung Quốc.
Vấn đề còn lại là nhà cầm quyền CSVN không nên và không còn có thể tiếp tục hành xử kiểu nửa nạc, nửa mỡ hay tiếp tục đóng kịch chỉ khoác áo dân tộc như hiện nay nữa về toàn cảnh vấn đề biển Đông.
Lý do là lối hành xử nửa vời này không những có hại mà còn gây cản trở cho nỗ lực bảo vệ sự toàn vẹn biển đảo, lãnh thổ của dân tộc.

'Ba việc cần làm '

Nhân tưởng niệm 40 năm Hoàng Sa, thiết nghĩ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam cần mạnh dạn làm ba việc.
Thứ nhất, Chính thức tuyên bố hủy bỏ công hàm do cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958.
Việc hủy bỏ Công hàm cùng với việc quảng bá Tuyên Cáo của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa ngày 14 tháng 2 năm 1974, xác định “quần đảo Hoàng sa và Trường sa là những phần bất khả phân lìa của lãnh thổ Việt Nam”, sẽ giúp Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để kiện Bắc Kinh ra toà án Liên Hiệp Quốc như Phi Luật Tân đang làm..
Nếu vụ kiện xảy ra, chắc chắn là ngư dân Việt Nam không cần phải “xin phép” đánh cá trên vùng biển truyền thống lâu đời của mình như Trung Quốc đang ra lệnh.
Thứ nhì, chính thức vinh danh những người chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng sa, và thiết lập một ngân quỹ để giúp đỡ cho thân nhân, con cháu của những người đã vị quốc vong thân.
Nỗ lực này còn mang một ý nghĩa quan trọng khác là người dân Việt Nam bất kể thế hệ nào đều phải ghi nhớ trận hải chiến hào hùng của dân tộc, đặc biệt là chiến tích này đang gắn liền với công cuộc bảo vệ bờ cõi hiện nay trước tai họa xâm lăng từ Trung Quốc.
Thứ ba, để cho người dân tự do lập ra những nhóm, hội đoàn dưới nhiều hình thức như nghiên cứu pháp lý, thu thập tài liệu lịch sử, gây quỹ, vận động quốc tế.... để đóng góp vào công cuộc bảo vệ biển đảo.
Đây là công việc lâu dài, trải qua nhiều thế hệ nên việc xã hội hóa các nỗ lực bảo vệ biển đảo phải để cho người dân tham gia. Hơn thế nữa, đây là thời đại của mạng xã hội, việc liên kết các cá nhân có cùng quan tâm và dùng nó như một sức mạnh áp đảo để buộc đối phương phải ngưng những ý đồ xâm phạm, trở thành phương tiện tranh thủ rất hòa bình và hiệu quả.

'Đáp lời sông núi'



Một thuyền của ngư dân Việt Nam ở Biển Đông

Bốn mươi năm là khoảnh thời gian rất ngắn trong chiều dài lịch sử. Nhưng 40 năm ý nghĩa của trận hải chiến bảo vệ biển đảo – dù Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa – đã ghi khắc vào lòng người Việt Nam một quyết định lịch sử: quyết chiến bảo vệ tổ quốc dù đối phương mạnh hơn mình gấp bội.
Dù phải mất bao nhiêu năm nữa cho đến lúc thu hồi lại chủ quyền biển đảo đã mất, trận hải chiến Hoàng Sa luôn luôn nhắc nhở mọi thế hệ Việt Nam rằng không thể ủy nhiệm cho bất cứ ai lo bảo vệ bờ cõi, mà mọi người đều phải có bổn phận và nghĩa vụ như nhau để đáp lời sông núi.
Sự kiện một số nhà dân chủ, một số nhà hoạt động mạng tổ chức các buổi hội thảo về Hoàng Sa, thăm viếng và ủy lạo cho những thân nhân các chiến sĩ hải quân đã hy sinh là một nỗ lực đáng ca ngợi.
Chính tinh thần này đã đánh thức mọi người cùng nhau nhìn về biển Đông, trước hết là làm sao bảo vệ ngư dân Việt có thể tự do và an toàn đánh bắt hải sản trước lệnh phải “xin phép” ngược đời của Trung Quốc tung ra hiện nay.
Song song, cần tranh thủ hậu thuẫn của thế giới và các quốc gia láng giềng chống lại ý đồ bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
Nếu chúng ta cùng tưởng niệm 40 Năm Hoàng Sa trong tinh thần đó, anh linh của 74 người con yêu nước Việt khoác áo Hải quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ có thể mỉm cười yên giấc.