Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

“Cây tỷ đô”?



Ít có loại cây nào khi vào Việt Nam lại tạo ra ý kiến đa chiều, tranh luận sôi nổi như mắc-ca (macadamia). Chủ trương thay đổi cây trồng phù hợp, năng động hóa tư duy làm ăn của nông dân, giúp họ thoát nghèo và từng bước vươn lên giàu có trên chính đất đai của mình là hoàn toàn đúng đắn. Tranh luận đa chiều về cây mắc-ca càng cho thấy nhận thức và tư duy kinh tế của nông dân cũng như của chính các cơ quan chức năng đang chuyển biến tích cực.

Dù muộn vẫn còn hơn không, khi mà các phong trào trồng “cây mũi nhọn, nuôi con mũi nhọn” trong nhiều thập niên qua thiếu sự kiểm soát, giám sát, khiến cho người ta buộc phải nhận lấy những bài học đắt giá. Một trong các bài học đắt giá là việc cung cấp thông tin minh bạch cho nông dân trong hệ thống còn hạn chế, hoặc chưa được quan tâm đã dẫn tới nhiều thảm cảnh. Chúng ta từng chứng kiến nhiều phong trào “bốc lên” rất nhanh nhưng cũng mau chóng “lụi tàn” vì thiếu thông tin, nhắm mắt làm bừa.

Gần đây nhất là phong trào phát triển “thần tốc” cây cao su, khi giá mủ lên cao ngất trời xanh. Bất chấp cảnh báo của nhiều chuyên gia người ta đã đổ xô nhau phát triển cây cao su ngay trên những vùng mà khoa học đã chứng minh là hoàn toàn không thích hợp với loại cây này. Thảm kịch, “giấc mơ cao su” hiện vẫn còn chưa kết thúc.

Tất nhiên, không loại trừ những kế hoạch chủ quan có mục tiêu rõ ràng của một số các nhà đầu tư có khả năng điều khiển được “phong trào”. Họ bất kể hậu quả cho xã hội, cho số đông tham gia, chỉ nhằm mang lại lợi nhuận cho chính họ và nhóm lợi ích theo kiểu “thương trường là chiến trường”.

Mắc-ca khi du nhập vào Việt Nam những năm đầu thế kỷ này vô tình hay cố ý được gọi với nhiều cái tên mỹ miều như là “hạt nữ hoàng” hay “nữ hoàng của các loại hạt”…  theo bản dịch từ cách gọi của thế giới. Rồi bổng dưng lại xuất hiện thêm một cái tên “nội địa” khác cho mắc-ca, nhưng nghe qua thì cực kỳ hấp dẫn: “cây tỷ đô”.

Những người vận động cho “cây tỷ đô” thì ra sức truyền thông mọi cách rằng đây là cây sẽ nhanh chóng giúp nông dân Việt Nam làm giàu, thật dễ dàng, thật đơn giản. Thậm chí, nếu không ai chịu làm, chịu trồng “cây tỷ đô” thì họ sẽ tự bỏ tiền ra hàng chục nghìn tỷ đồng để tự trồng, tự phát triển “cây tỷ đô”. Đơn giản, bởi vì khả năng sinh lợi của loại cây này có thể tính lên tới nhiều… “tỷ đô” (dollar). Xuất hiện không ít lần trên báo chí các thông tin cam kết về việc ngân hàng sẽ tài trợ, sẽ có các chương trình cho vay ưu đãi lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho những ai tham gia vào việc phát triển “cây tỷ đô”.

Trong vòng hơn một thập niên qua, không ít nông dân và kể cả một số chủ trang trại lớn, nhỏ ở các vùng đất được cho là có tiềm năng với “cây tỷ đô” đã ào ạt “thử nghiệm” loại cây này một cách tự phát. Kết quả của việc thử nghiệm “giấc mơ tỷ đô” tự phát này đã đưa tới nhiều câu chuyện trái ngược nhau và trở thành đề tài gây tranh cãi nhiều năm qua trên truyền thông và cả trong các hội thảo về đề tài mắc-ca.

Một số ít nông dân trồng tự phát đã thành công còn phần lớn thì kết quả không như mong muốn. Một mô hình trồng mắc-ca quy mô gia đình cỡ nhỏ được đánh giá là thành công ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đó là gia đình ông Nguyễn Đức Ba, với chưa đầy một hec-ta  mắc-ca trồng từ đầu năm 2.000. Theo ông Ba, ông may mắn tìm được giống mắc-ca chất lượng tốt và với kinh nghiệm của một lão nông ông đã ương giống và chăm sóc thành công loại cây trồng mới lạ này trên vùng đất chưa từng có tiền lệ.  Nhờ chất lượng của hạy mắc-ca của ông khá tốt nên thị trường đã chấp nhận. Hiện ông còn tổ chức chế biến khép kín để có hạt mắc-ca thành phẩm, qua một công ty gia đình thương hiệu “Maca Ông Ba” đang có mặt trên nhiều thị trường. Giờ đây, mỗi năm gia đình ông kiếm được “tiền tỷ” (đồng) từ vườn mắc-ca chưa tới một hec-ta.

Khảo sát thêm tại khu vực Tây Nguyên cho thấy không ít nông dân trồng mắc-ca theo lý thuyết đã đến tuỏi thu hoạch nhưng cây vẫn chưa có trái hoặc trái nhỏ, số lượng ít. Ông Chu Văn Trịnh, một nông dân trồng mắc-ca ở Tà Nung, Đà Lạt, Lâm Đồng cho hay, nếu trồng từ các loại giống trôi nổi thì rất may rủi. Phần lớn là không ra trái hoặc ra trái nhất nhỏ, chất lượng thấp. Tuy nhiên, điều mà ông Trịnh băn khoăn nhất chính là đầu ra của hạt mắc-ca. Nhiều khảo sát khác tại các khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc… cũng có kết quả tương tự. Đáng lưu ý, một số địa phương đã chính thức khuyến cáo nông dân thận trọng khi đầu tư phát triển “cây tỷ đô”.

Từ 2002, Bộ NN&PTNN đã tiến hành nhập giống và trồng thử nghiệm mắc-ca  ở nhiều địa phương trong cả nước. Ở các khu vực thử nghiệm của Bộ NN&PTNT, cây mắc ca có khả năng sinh trưởng và phát triển nhưng tỷ lệ đậu trái, sản lượng trái rất khác nhau. Sản lượng hạt tươi cao nhất vào năm thứ 10 đạt 17,5-21,5kg/cây, tương đương 8-10 kg hạt khô/cây, thấp nhất đạt 9,4-12,4kg/cây, tương đương 4-5 kg hạt khô/cây. Ở một số nơi cây không có trái. Tây Nguyên được cho là khu vực có điều kiện thích hợp nhất với kế hoạch phát triển mắc-ca.

Tuy nhiên, điều mà các nhà hoạch định chính sách vẫn băn khoăn giống như lo lắng của một nông dân ở Đà Lạt, chính là đầu ra cho mắc-ca. Theo các chuyên gia, giá cả hạt mắc-ca thành phẩm tại thị trường Việt Nam mấy năm gần đây “sốt cao” là hiện tượng cục bộ, bất thường. Mức giá ảo này không phản ánh đúng tình hình thị trường mắc-ca thế giới. Do đó, nếu căn cứ vào hiện tượng “sốt ảo” để đánh giá tiềm năng “cây tỷ đô”  thì rất dễ đi vào vết bánh xe đã đổ của nhiều loại cây trồng khác trước đây.

Do vậy, Bộ NN&PTNT mới đây công bố Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030 với diện tích khá khiêm tốn: 9.940 hec-ta cho năm 2020 và 34.500 hec-ta cho năm 2030. Trong đó chủ yếu là trồng xen vào cây cà phê đang thoái hóa để dần dần thay thế bớt loại cây này. Bộ NN&PTNT nhấn mạnh phải xây dựng và đảm bảo các cơ sở để có một thị trường ổn định cho đầu ra của mắc-ca.

Sự thận trọng lần này của ngành chức năng, của các nhà khoa học và bản thân người nông dân với “cây tỷ đô” có lẽ chính là sự cần thiết để không phải trả thêm những bài học đắt giá khác nữa.

Hữu Nguyên





Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Tăng tốc hay gánh nặng?

Tình trạng thiếu minh bạch, thiếu cơ chế kiểm soát sẽ dễ dẫn tới sự bắt tay, móc ngoặc và lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT giao thông. Khi người dân và các doanh nghiệp bị buộc phải chi trả các mức phí cao ngất ngưỡng vô lý, gánh nặng sẽ đè lên nền kinh tế.

Các dự án BOT giao thông ở nước ta hiện nay về hình thức là do nhà đầu tư bỏ vốn nhưng bản chất vẫn là sử dụng nguồn lực của xã hội, từ nguồn vốn tham gia của Nhà nước, vay ngân hàng cho tới việc thu phí của doanh nghiệp và người dân. Do vậy, cơ quan chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này về nguyên tắc phải đảm bảo việc vận hành dự án sao cho lợi ích của các bên phải cân đối và hài hòa. Thế nhưng, trong thực tế nhiều dự án BOT giao thông vừa đưa ra vận hành đã gặp phải sự phản đối gay gắt của người sử dụng, cũng là người trả phí.

Hầu hết các ý kiến phản đối đều tập trung vào chuyện mức giá phải trả cho các dịch vụ BOT giao thông này quá cao so với mặt bằng xã hội cũng như khả năng cân đối của các doanh nghiệp và người dân. Trừ một số tuyến đường mà người dân không còn sự lựa chọn nào khác, các tuyến độc đạo, hầu hết các BOT giao thông gần đây khi đưa vào khai thác đã không đạt kết quả như kỳ vọng.  Các lái xe phải chấp nhận việc đi xa hơn, vòng vèo vào những con đường dân sinh để tránh phải trả mức phí quá cao so với khả năng của họ.

Hiện tượng này dẫn tới một nghịch lý, hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào con đường chất lượng cao, để đẩy nhanh tốc độ giao thông, tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển đã bị từ chối và trở nên không hiệu quả. Trong khi, những con đường dân sinh đột nhiên phải oằn mình cõng thêm một lưu lượng xe hạng nặng. Các doanh nhiệp và người dân do tránh trạm thu phí đã phải đi xa hơn, tốn kém và mất thời gian hơn. Và điều đó cũng chính là sự thiệt hại chung của cả nền kinh tế, cả xã hội chứ chẳng phải của riêng ai.

Hầu như những người phải trả phí sử dụng BOT giao thông trong suốt những năm qua chỉ có vai trò… trả tiền và trả thêm tiền cho những chu kỳ tăng giá theo quy trình. Họ chẳng có vai trò gì trong việc giám sát và vận hành dự án sao cho phải đảm bảo các yêu cầu hài hòa lợi ích giữa các bên. Người phải chịu thiệt thòi và luôn giữ “thế yếu” trong quy trình này lại chính là người chi tiền. Các dự án BOT trong thời gian qua hầu hết là chỉ định thầu. Thông tin về nhà thầu cũng hết sức mù mờ đối với nhận thức chung của xã hội. Yếu tố minh bạch và công khai ngay trong việc lựa chon, chỉ định thầu các dự án BOT hầu như chưa được coi trọng. Do vậy, hệ lụy là hầu hết các dự án đều đội giá ngút trời. Giá thành cao ngất ngưỡng đương nhiên tác động trực tiếp tới mức giá mà người sử dụng phải trả thường là quá cao so với mặt bằng chung của xã hội.

Có một thực tế là hầu hết các con đường BOT trong những năm qua đều có mức giá thành xây dựng rất cao so với thế giới. Các nhà đầu tư thì ra sức lý giải do tính đặc thù của địa hình, địa lý và xã hội Việt Nam nên giá thành xây dựng giao thông ở Việt Nam phải cao gấp nhiều lần các nước khác. Họ kết luận, chi phí làm đường ở Việt Nam đắt hơn thế giới, nhưng là đắt một cách… hợp lý, vì tính đặc thù! Vấn đề là cái mà các nhà đầu tư cho là hợp lý đó mặt mũi như thế nào trước khi thuyết minh dự án để được chấp nhận đầu tư thì những người cuối cùng phải trả tiền không hề hay biết, không hề được hỏi ý kiến. Sự thiếu minh bạch khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi, có hay không chuyện các nhà đầu tư “bắt tay” với nhóm lợi ích để khai khống, nâng giá xây dựng để được kéo dài thời gian thu phí cũng như đẩy mức phí lên tột cùng?

Chủ trương phát triển BOT giao thông là nhằm huy động nguồn vốn và năng lực của tư nhân, của các nhà đầu tư trong khi nguồn vốn của ngân sách còn hạn chế. Tuy nhiên, trong thực tế, nguồn vốn của nhà đầu tư  BOT trong những năm qua chỉ chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn, 85% lượng tiền đầu tư họ phải đi vay ngân hàng.  Con số này cho thấy, nhiều nhà đầu tư BOT không có thực lực về tài chính cũng nhận được dự án. Vay ngân hàng và tất nhiên lãi suất đi vay cũng được đưa vào giá thành để tính thời gian thu phí cùng mức phí. Ngoài việc góp phần đội giá, tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế, tỷ lệ vay vốn ngân hàng đầu tư BOT quá lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro tín dụng. Đặc biệt trong bối cảnh dự án BOT phát triển rầm rộ, thiếu kiểm soát và kém hiệu quả, càng làm gia tăng thêm các nguy cơ vỡ trận như thị trường bất động sản một thời.

Cá biệt, thời gian qua từng có BOT giao thông nghìn tỷ trong khi nhà đầu tư không có đồng nào cũng được nhận dự án. Đó là dự án BOT Quốc lộ 51 nối Biên Hòa với Vũng Tàu, nguồn vốn khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 90%, nhà đầu tư 10%.  Thế nhưng từ hơn 4 năm qua, nhà đầu tư cũng chưa góp đủ 10%  phần vốn ít ỏi của mình. Để bù vào khoản thiếu vốn đó, xảy ra hiện tượng lạ là nhà đầu tư đã được phép thu phí khi dự án chưa làm xong. Theo quy định, dự án chỉ có thể được thu phí sau khi được quyết toán. Nhưng tại dự án trên, nhà đầu tư chưa xây đường xong, hồ sơ thanh quyết toán chưa hoàn thành mà phí vẫn thu. Với cách làm như vậy, công trình này gần như là “tay không bắt giặc”.

Ngoài ra, không ít tuyến đường  trước đây là quốc lộ, là đường  độc đạo đột nhiên được biến thành BOT và thu phí. Người dân và doanh nghiệp cũng đột nhiên mất quyền lựa chọn, vì khôngc òn cách nào khác. Cuộc chiến tranh chấp xung quanh việc xây dựng ụ cầu bít lối lên cầu Việt Trì đã diễn ra giữa người dân và nhà đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì cũng chính từ cách làm này. Với lý do cầu Việt Trì đã xuống cấp, Nhà đầu tư BOT đã dựng ụ bê tông chắn ngang cầu Việt Trì để ngăn ô tô đi qua nhằm buộc họ phải đi qua đường trả phí, nhưng bị người dân phản ứng mạnh.

Mặc dù xã hội ủng hộ chủ trương nâng cấp đầu tư hạ tầng nhưng phải phù hợp với thu nhập của người dân và khả năng chi trả của nền kinh tế. Nếu đưa ra nhiều trạm, nhiều dự án BOT giao thông thiếu kiểm soát, buông lỏng quản lý để các dự án xây dựng mức phí quá cao một cách vô lý, rồi lại lần lượt tăng phí theo lộ trình, chưa kể vẫn còn hiện tượng phí chồng lên phí, thì người dân sẽ “ngạt thở” , còn nền kinh tế mà cụ thể là các doanh nghiệp lại tăng thêm gánh nặng.

Hữu Nguyên



Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Anh rể ông Tập dùng thiên đường thuế



Hồ sơ Panama tiết lộ rằng thân quyến giàu có của một số lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, đã sử dụng những thiên đường thuế ở nước ngoài để che giấu tài sản khổng lồ của mình.
Danh sách này bao gồm ít nhất tám ủy viên đương chức hoặc đã nghỉ của Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tám người này nằm trong số 140 chính trị gia trên thế giới bị cáo buộc có liên quan đến các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.
Một trong số đó được tiết lộ là tài khoản của anh rể ông Tập là ông Đặng Gia Qúy.
Là chồng bà Tập Kiều Kiều, chị gái ông Tập Cận Bình, ông Đặng Gia Quý thành lập hai công ty tại Quần đảo Virgin thuộc Anh vào năm 2009.
Tại thời điểm đó ông Tập Cận Bình chưa lên làm Chủ tịch nước, mới là Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị.
Báo chí nước ngoài từng cho rằng thân nhân của ông Tập có tài sản gửi ở nước ngoài.
Trong hồ sơ Panama cũng có tên người gửi tiền là bà Lý Tiểu Lâm, con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng và bà Jasmine Li, cháu gái của ông Giả Khánh Lâm, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Công ty của bà Lý Tiểu Lâm, tên là Cofic Investments Ltd, có địa chỉ tại British Virgin Islands, còn bà Jasmine Li thì nhận được một công ty ở hải ngoại khi còn ở tuổi thiếu niên.
Hai đương kim ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Trương Cao Lệ và Lưu Vân Sơn đều có thân nhân mà tên tuổi hiện ra trong Hồ sơ Panama.
Những cáo buộc này bị báo chí chính thống tại Trung Quốc phớt lờ và những ấn phẩm trên mạng bị kiểm duyệt.

Bộ trưởng Ấn Độ cảnh báo

Image captionMạng Weibo ở TQ chặn các bài liên quan đến Hồ sơ Panama
Bộ trưởng tài chính Ấn Độ, ông Arun Jaitley cho rằng đây là “sự phiêu lưu giá đắt” cho những người không tranh thủ đợt ân xá năm ngoái để khai báo tài sản bất hợp pháp của mình ở nước ngoài.
Ông nói thêm về việc sẽ thi hành sáng kiến toàn cầu chống lại việc che giấu tài khoản ở nước ngoài vào năm tới.
Một báo cáo cho biết hơn 500 người Ấn Độ có liên quan đến những thiên đường trốn thuế ở nước ngoài, theo tài liệu bị tiết lộ của công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama.
Image copyright

Tiền của bố thủ tướng Anh

Cha đã quá cố của Thủ tướng Anh David Cameron, ông Ian Cameron, cũng bị nêu tên là người từng sử dụng các công ty ở nước ngoài để lập quỹ cho các nhà đầu tư.
Ông Ian Cameron, người qua đời hồi năm 2010, thường phải bay tới Thụy Sỹ hay Bahamas để họp hội đồng quản trị của công ty Blairmore Holdings.
Nay con ông, thủ tướng Cameron kêu gọi cần có sự minh bạch hơn nữa ở các thiên đường thuế.
Khi được đề nghị xác nhận xem gia đình ông Cameron có còn tiền đầu tư trong quỹ mà Hồ sơ Panama đưa ra hay không, người phát ngôn của Thủ tướng Anh nói: "Đây là vấn đề riêng tư."
Chính quyền Anh nói họ sẽ điều tra dựa trên những gì Hồ sơ Panama đưa ra.

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Hồ sơ Panama: Bắc Hàn tránh trừng phạt

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Ghi chép trong giấc mơ

3-10-2007

Mỗi chúng ta có mặt trong cuộc đời này để làm gì nhỉ? Câu hỏi này quả thực đã…xưa như trái đất. Song có lẽ  câu trả lời xác đáng nhất vẫn còn đang chờ đợi mỗi người trong chúng ta. Phải chăng chỉ đến khi chuẩn bị rời khỏi thế giới này, câu trả lời xác đáng nhất cho mỗi chúng ta mới có thể xuất hiện.

Albert Einstein, nguời sở hữu bộ óc vĩ đại nhất thời đại chúng ta, cũng đã tự vấn mình, như tôi và các bạn vậy. Câu trả lời vẫn là bỏ ngỏ, mặc dù tưởng chừng như suy tưởng của ông đã là một “định lý tiên đề” rồi…: “Tình cảnh những đứa con trái đất của chúng ta mới kỳ lạ làm sao! Mỗi chúng ta đến đây như một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Ta không biết để làm gì, nhưng đôi khi ta tin rằng ta cảm nhận được điều đó. Song, nhìn từ cuộc sống thường nhật mà không đi sâu hơn, ta biết rằng ta đến đây vì người khác - trước hết vì những người mà hạnh phúc riêng của ta phụ thuộc vào nụ cười và sự yên ấm của họ, kế đến là vì bao người không quen mà số phận của họ nối với ta bằng sợi dây của lòng cảm thông. Mỗi ngày tôi nghĩ không biết bao nhiêu lần, rằng cuộc sống bên ngoài và cuộc sống nội tâm của tôi là dựa trên lao động của những người hiện tại và cả những người đã chết, rằng tôi phải nỗ lực để trả lại tương xứng với những gì tôi đã nhận được và còn nhận được. Tôi có nhu cầu sống giản tiện và thường dằn vặt về việc mình đòi hỏi nhiều hơn mức cần thiết từ lao động của đồng loại. Tôi thấy sự khác biệt về giai cấp xã hội là không thể biện minh được và rốt cuộc là do dựa trên bạo lực. Tôi cũng tin rằng, một đời sống bên ngoài giản dị và không cầu kỳ là tốt cho mọi người, tốt cho thể xác lẫn tâm hồn”.

Số phận đã dồn đẩy tôi có cơ hội chuẩn bị bước ngang qua biên giới giữa cái sống và cái chết. Khi đó tôi mới nhận ra được điều mà Einstein đã nói. Và may mắn làm sao, cứ như một phép lạ, tôi đã trở về với thế giới hiện tại mang theo đầy đủ những cảm xúc như khi vừa tiếp cận với cái thế giới hoàn toàn khác biệt mà trước đó tôi chưa từng chứng nghiệm bao giờ…

Tôi lại có một chuyến viếng thăm khác ngay trên trái đất này với những cảm nhận về cuộc sống hầu như hoàn toàn thay đổi so với cuộc viếng thăm đầu tiên. Thật dễ dàng nhận ra sai lầm vĩ đại của nhân loại khi dựa vào nền tảng bạo lực để phát triển.  Cũng tương tự như vậy ngay trong từng đời sống riêng tư của mỗi con người hay mỗi gia đình. Bạo lực dù trong hoàn cảnh nào hay lý do gì cũng chỉ là sự sai lầm của con nguời, là dấu hiệu của bản năng gốc còn rơi rớt lại đầy tính chất của loài dã thú.

Gọi là sai lầm vĩ đại vì khi nó thẩm thấu vào trong từng cá thể ở quy mô dân tộc, quốc gia hay tín ngưỡng…nó trở thành hành vi của bầy đàn thì sự tàn phá và hậu quả của nó thật kinh hoàng. Quy mô của bầy đàn càng lớn thì sự tàn khốc của bạo lực cũng tăng theo tương tự.

Giờ đây tôi cảm thấy cô đơn ngay trong công việc và cuộc sống riêng tư. Tôi cố tách mình ra khỏi cơn phẩn nộ mang tính bầy đàn. Để nghiền ngẫm và nhận chân cái sai lầm của bản năng gốc mà loài người thực chất chưa từng xoá được nó ra khỏi bộ nhớ của họ. Sự phấn khích đến tột cùng khi tiêu diệt đồng loại (trong xã hội văn minh, đôi khi sự tiêu diệt được hiểu là sự hạ nhục) của một ai đó luôn làm tôi tởm lợm và phát ói.

Cho tới một hôm, tình cờ Đức Phật hiện ra trong giấc mơ của tôi. Ngài đã nhắc lại với tôi đúng những gì mà Einstein đã nói ở trên. Sau này, khi tìm hiểu thêm về cuộc đời nhà bác học vĩ đại ấy,  tôi mới phát hiện ra sự tiên đoán kỳ lạ của ông về Đức Phật. Ông nói, nếu có một tôn giáo có thể đồng hành cùng khoa học, đó chỉ có thể là đạo Phật!

Từ nhỏ, cuộc sống của tôi đã gắn liền với đạo Phật. Cả nhà tôi từ ông bà tới cha mẹ đều tôn sùng đạo Phật. Hàng tháng đều ăn chay vào ngày đầu tháng và ngày rằm. Các mâm cỗ cúng trên bàn thờ Phật và gia tiên đều phải là những mâm cỗ chay. Bà tôi đã chết khi trên đường đi lễ Phật vào dịp rằm tháng bảy bởi chiến tranh. Khi lớn lên tôi nghĩ, có lẽ bà đã được Phật đón về trời sớm hơn người thường để không phải chứng kiến sự tồi tệ của con người quá lâu.


Sự cảm nhận đầu tiên của tôi với Phật là lòng từ bi bác ái với mình và cho người. Tôi nhớ mãi điều Phật dạy trong giấc mơ “nếu con không biết từ bi với bản thân mình thì làm sao có thể bác ái với mọi người”. Từ câu linh chú mầu nhiệm đó mà tôi đã sống lại. Tôi từ bỏ những ý nghĩ điên rồ đầy bạo lực và đầy hủy diệt đối với chính bản thân mình…

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

​Vẻ đẹp của người đứng một mình

“Mọi vấn đề của con người xuất phát từ chỗ họ không thể ngồi yên một mình trong phòng” - nhà toán học và triết học Pháp Blaise Pascal đã nói vậy vào giữa thế kỷ 17. 
​Vẻ đẹp của người đứng một mình
Ảnh: mufonohio


Đặng Hoàng Giang
Căn nguyên của các rắc rối, theo ông, là chúng ta luôn tìm cách chạy trốn bản thân. Không muốn đối diện với chính mình, tâm trí con người luôn lùng sục điều kích thích tiếp theo, như một con khỉ không thể ngừng văng mình tới cành cây trước mặt. Từ cãi vã với hàng xóm tới xung đột giữa các quốc gia, nhiều điều tệ hại bắt nguồn từ lý do này.
Chạy trốn bản thân
Năm ngoái, câu nói của Pascal được khoa học xác nhận. Trong một thí nghiệm của Trường đại học Virginia (Mỹ), những người tham gia được yêu cầu ngồi một mình 15 phút trong một căn phòng trống trơn, không có gì cả, ngoài một cái nút. Nếu bấm nút, họ sẽ bị điện giật.
Lẽ ra khoảng thời gian yên tĩnh này là cơ hội để người ta dừng lại, suy nghĩ, hồi tưởng, mơ màng. Nhưng với nhiều người, đó là một cực hình, đến nỗi họ tự nguyện bấm nút giật điện bản thân chỉ để có cái gì đó để làm, mặc dù trước khi thí nghiệm bắt đầu, họ đã được thử mức độ điện giật và ai cũng xác nhận là có được trả tiền cũng không muốn bị vậy.
"Chúa Trời đứng một mình - nhưng quỷ sứ thì trái lại, nó tìm tới hội đoàn, nó nhiều vô kể"
Henry David Thoreau
Nếu sống ở đầu thế kỷ 21, chắc hẳn Pascal đã diễn tả khác đi một chút: “Mọi cái tệ hại của con người tới từ chỗ họ không thể rời cái điện thoại thông minh để ngồi yên một mình”.
Chưa bao giờ người ta lại dễ dàng chạy trốn bản thân như bây giờ. Không cần phải đợi về tới nhà để bật tivi lên nữa, bất cứ lúc nào và ở đâu, chỉ cần một cái gõ lên màn hình điện thoại là người ta sẽ được cuốn ra cái biển âm thanh hỗn độn của mạng xã hội.
Trong các quán cà phê, trên taxi, ở công viên, đâu đâu cũng là những con người toàn thân bất động, trừ một ngón tay cái đẩy lên đẩy xuống, mắt nhìn xuống, mặt vô hồn. Xác họ ở đó, nhưng hồn họ thì đang xô đẩy trong đám đông nhốn nháo trên mạng.
Túc trực từ sáng tới tối, đám đông này làu bàu, gầm gừ, lê lết từ tường nhà này tới tường nhà kia, từ trang tin này tới diễn đàn nọ, giật status, like, share, còm, kết bạn, theo dõi, block. Trên mạng, con khỉ tâm trí có vô vàn cành cây để nhảy nhót.
Con người hiện đại không biết phải làm gì với chính mình, và nếu người ta sẵn sàng giật điện bản thân chỉ vì buồn chán thì chúng ta có thể hình dung họ có thể làm những gì với người khác. Đám đông ưa thích hai trạng thái, một là dạy dỗ, chỉ bảo, ban phát lòng thương; hai là chê bai, giễu cợt, phẫn nộ.
Lúc nào cũng đắc thắng, họ luôn tin rằng mình đúng và thế giới cần phải biết tới các phát ngôn của mình. Không trực tiếp làm chết người như đánh trộm chó ở ngoài đời, họ truy lùng và dồn các nạn nhân của mình vào chân tường cho tới khi những người này phải tự tử như cô bé bị lộ video clip, hay phải van xin như cậu thanh niên Hào Anh: “Đừng cho tôi thêm gì nữa. Xin mọi người cho tôi được sống tự nhiên”.
Năm 2012, một nghiên cứu của Đại học Chicago cho thấy cưỡng lại thèm khát truy cập mạng xã hội còn khó khăn hơn khước từ thức ăn và tình dục. Sức hấp dẫn của mạng xã hội tới từ chỗ nó cho người ta một không gian để trình diễn. Ai cũng có công chúng.
Câu của Andy Warhol - một họa sĩ Mỹ nổi tiếng về nghệ thuật đại chúng (pop art): “Trong tương lai, mỗi người sẽ nổi tiếng 15 phút” có thể được bổ sung thêm: “Mỗi người sẽ nổi tiếng với 15 người”. Mỗi cái like, chia sẻ, bình luận tán thưởng là thêm một mơn trớn cho cái tôi của người đăng tin, một lần nữa khẳng định giá trị, trí thông minh, sự hóm hỉnh của họ, dù đó chỉ là bức ảnh chụp bát bún thang buổi trưa.
Trên mạng xã hội, mỗi người là một ông bầu của chính mình trong công cuộc xây dựng hình ảnh cá nhân. Chúng ta trở nên kỳ quặc mà không hề biết.
Hãy hình dung cách đây mười năm, trong một buổi họp lớp, một người bỗng nhiên liên tiếp quẳng ảnh con cái, ảnh dã ngoại công ty, ảnh con mèo, ảnh bữa nhậu, ảnh lái ôtô, ảnh hai bàn chân mình, ảnh mình trong buồng tắm, lên bàn - chắc hẳn người đó sẽ nhận được những ánh mắt ái ngại. Trên Facebook, ái kỷ không những được khuyến khích, nó là mục tiêu chính.
Căn bệnh tâm lý mới nhất của xã hội hiện đại là bệnh “sợ bị bỏ lỡ”. Qua một đêm, sau một cuộc họp, thậm chí khi vừa làm tình xong, điều đầu tiên người ta làm là vồ lấy cái điện thoại. Biết đâu vừa có chuyện gì mới xảy ra, ta không thể vắng mặt.
Mà những chuyện như vậy thì vô vàn: học giả thơm hoa hậu, người mẫu ngủ dạng chân, nguyên thủ quốc gia không cài áo vest, các án mạng ly kỳ nối đuôi nhau.
Chiếc điện thoại thông minh đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn. Nhưng càng kết nối, càng online thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn.
Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã. Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp.
Ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, trên mạng xã hội ta bị xáo trộn, bứt rứt và ghen tị với cuộc sống của người khác như một kẻ đói khát nhìn một bữa tiệc linh đình qua cửa sổ mà không thể bỏ đi.
Đêm khuya, khi các chấm xanh trên danh sách friend dần tắt, người ta cuộn lên cuộn xuống cái newsfeed để hòng tìm được một status bị bỏ sót, một cứu rỗi kéo dài vài giây, một cái nhìn qua lỗ khóa vào cuộc sống của một người xa lạ để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.
Bình tâm ở giữa đời thực
Mê man với nhau trên mạng, chúng ta đang có nguy cơ đánh mất khả năng kết nối với những cái lớn hơn trong cuộc sống, khả năng cảm nhận thế giới. Thay vì bình tâm ngắm buổi hoàng hôn lộng lẫy, chúng ta điên cuồng tìm những cái lọc khác nhau để chụp mấy chục cái ảnh, rồi bận rộn chọn một cái “đạt” nhất để post lên, băn khoăn nghĩ một lời tựa hấp dẫn.
Thay vì sống trong thế giới thật, người ta bị ám ảnh bởi thế giới ảo. Không có hình tượng nào thể hiện điều này rõ hơn hình ảnh một bà mẹ trẻ vừa cho con bú vừa lướt web. Việc post ảnh đứa bé sơ sinh lên mạng trở nên quan trọng hơn việc ngắm nhìn nó bú mẹ và cảm thấy được kết nối với vũ trụ.
Đứng một mình không dễ. Không những nó có thể làm ta không được ưa thích, khi một mình, nhà văn Đan Mạch Dorthe Nors viết, chúng ta phải đối diện với cảm xúc của ta, quá khứ của ta, cuộc đời của ta, những vấp váp, sai lầm của ta, ta sẽ cảm thấy mình nhỏ bé. Cần lòng dũng cảm để không lẩn tránh chúng. Đổi lại, điều ta nhận được là một sự vững vàng mà không phải bám víu vào sự tung hô của người khác. Một mình nhưng không cô đơn. Triết gia thế kỷ 19 Henry David Thoreau viết: “Tôi không cô đơn hơn một cây mao nhị hay bồ công anh trên một đồng cỏ, hay một lá đậu, hay một cây chua me đất, hay một con mòng, hay một con ong nghệ. Tôi không cô đơn hơn ngôi sao Bắc Đẩu, hay một ngọn gió nam, hay một cơn mưa tháng tư, hay băng tan tháng giêng”.
Trong tiểu thuyết The Circle, tác giả Dave Eggers vẽ ra một xã hội mà mọi chi tiết, dù nhỏ nhất, của cuộc sống con người đều được chia sẻ trên mạng, và mọi người phấn đấu để trở thành các công dân mạng tích cực nhất.
Họ thức cả đêm để like, bình luận, post, tweet, càng hăng hái thì càng được nhiều điểm, nhiều “bạn”, nhiều lời khen. Thực tế không quá xa xôi với câu chuyện viễn tưởng này.
Đứng trước bức Mona Lisa ở Bảo tàng Louvre, Paris, tất cả du khách đều nhìn kiệt tác này qua màn hình điện thoại của mình. Dường như họ chỉ có thể trải nghiệm thế giới thông qua một lớp màng điện tử. Cái gì không được ghi vào bộ nhớ điện thoại, cái đó không tồn tại.
Người ta đánh đổi mọi riêng tư thầm kín để chạy theo một quá trình tự trình diễn vô tận, không có thời điểm hạ màn, với mục tiêu tạo tối đa sự chú ý của người khác.
Sự chú ý là ôxy, và mỗi cái post là một cố gắng để người ta ngoi lên mặt nước chốc lát, để rồi lại bị làn sóng mới của newsfeed tràn qua nhấn chìm. Mỗi lần ngoi lên là một lần chống lại cảm giác bị bỏ rơi, bị nằm ngoài cuộc.
Ý nghĩa và sự thành công của một ngày nghỉ, của một chuyến đi, rộng hơn là của cả cuộc đời, được đo bởi số lượng like.
Đã tới lúc chúng ta cần tách ra khỏi đám đông, khước từ chuyên chế của nó. Người ta chỉ có thể lắng nghe tiếng nói bên trong mình nếu bỏ được ra ngoài sự ồn ào xung quanh.
Chúng ta cần đứng riêng để tìm ra mình, để bảo vệ tư duy độc lập và nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm. Triết gia Soren Kierkegaard coi đám đông là tập hợp những người lẩn tránh sự nhọc nhằn của quá trình phát triển bản thân. Ma lực của đám đông đã được nhắc tới từ rất sớm.
“Không đi theo đám đông để làm điều xấu” là một câu trong Kinh Thánh. Không chỉ đơn giản là “không làm điều xấu”, mà cụ thể là “không đi theo đám đông để làm điều xấu”. Trong một loạt thí nghiệm nổi tiếng của Solomon Asch cách đây 60 năm, người tham gia thí nghiệm ngồi cùng với một số người khác (thực chất là những người đồng mưu với Asch). Mọi người trong nhóm được yêu cầu so sánh độ dài của một số đường thẳng - một bài tập cho trẻ con.
Tuy nhiên, nếu những người đồng mưu nhất loạt cùng chọn một câu trả lời rõ ràng là sai thì tới 30% trường hợp người tham gia thí nghiệm sẽ từ bỏ đánh giá cá nhân của mình để vào hùa với đám đông.
​Vẻ đẹp của người đứng một mình
Ảnh: NY Times.
Trạng thái một mình là cần thiết để phát triển bản sắc và nuôi dưỡng sự sáng tạo.
Ralph Waldo Emerson, nhà thơ lớn của Mỹ thế kỷ 19, viết: “Người gây cảm hứng và dẫn đường cần tách khỏi những người khác, để không phải sống, thở, đọc và viết hằng ngày dưới gông cùm của những ý kiến của họ”.
Một mình không có nghĩa là phải tách khỏi người khác một cách vật lý. Một mình là một quan điểm sống, một trạng thái tinh thần độc lập, nó không được đo bởi khoảng cách vật lý giữa một cá nhân và những người xung quanh.
Các ẩn sĩ hiện đại không cần thiết phải lên núi. Họ vẫn ở trong xã hội, yên lặng, quan sát và tìm hiểu thế giới. Họ tự do trước các con sóng của đám đông để có thể quan tâm tới cộng đồng một cách sâu sắc hơn, đóng góp cho cộng đồng một cách hiểu biết hơn. Vẻ đẹp của người đứng một mình là vẻ đẹp tự tại, với một niềm vui tự thân. Một niềm vui mà như nhà tu hành David Steindl-Rast diễn tả, không phụ thuộc vào những điều đang xảy ra.